Chùa Bửu Minh

Mới đây, nhiều tờ báo lớn của thế giới đồng loạt đăng tin về Osel Hita Torres - 27 tuổi, người Tây Ban Nha - tốt nghiệp xuất sắc ngành điện ảnh tại trường đại học Madrid, bởi anh chính là vị Phật sống đầu tiên trong lịch sử từ bỏ tước vị để sống một cuộc sống bình thường.


Từ bỏ vị trí  triệu người mơ

Tại Tây Tạng – Kinh đô của Phật giáo thế giới, vẫn tồn tại tục lệ đào tạo Phật sống (Đạt Lai Lạt Ma) bắt nguồn từ thuyết tái sinh của đạo Phật: con người có thể đầu thai, sống luân hồi qua nhiều kiếp. Người đứng đầu giáo hội Phật giáo chính là Đức Phật mượn thân xác con người để hiện hữu nơi trần thế, cứu độ chúng sinh. Khi thân xác ấy tiêu tàn theo quy luật của tạo hóa, Đức Phật sẽ tái thế vào một thân xác khác Ngài sẽ hóa thân vào hình hài một đứa trẻ nào đó, gọi là linh đồng.

Việc lựa chọn Phật sống được thực hiện theo một quy tắc rất khắt khe. Các vị cao tăng sẽ căn cứ vào những lời dặn dò trước khi viên tịch của vị Phật sống cùng những lời báo mộng của vị thần Hộ pháp có tên Lạp Mục Xuy Trung về phương hướng và địa danh mà linh đồng sinh ra, để chia thành nhiều nhóm đi tìm.

Thường  mỗi nhóm sẽ tìm được vài linh đồng, khiến tổng số hiện thân của Đức Phật có khi lên tới hàng chục. Tuy nhiên, phải qua nhiều vòng sàng lọc, dựa vào một loạt các tiêu chí ngặt nghèo như địa điểm ra đời, năm sinh, phong thủy của vùng đất nơi linh đồng được sinh ra, tướng mạo, khả năng đối đáp... sẽ chỉ còn một vài linh đồng đáp ứng được tiêu chuẩn để trở thành Phật sống. Và khi được chọn trở thành Phật sống những đứa trẻ này sẽ bắt đầu sống và học tập một chế độ khắt khe để đủ trình độ dẫn dắt tinh thần cho hàng triệu phật tử.

Tây Tạng Phật giáo được phổ biến khá rộng rãi trên thế giới, nên việc chọn Phật sống cũng diễn ra không chỉ ở Tây Tạng mà có cả những người châu Âu, Mỹ… Và Osel Hita Torres - Vị Phật sống đầu tiên trong lịch sử cũng đến từ một nơi ngoài vùng đất Tây Tạng. Câu chuyện bắt đầu từ tháng 3/1984, khi Lama Yeshe - Đại sư của Phật giáo Tây Tạng sáng lập Hội Bảo tồn Phật giáo Đại thừa ở Califfornia (Mỹ) qua đời ở tuổi 49.

Gần một năm sau, ngày 12/2/1985, cậu bé Osel Hita Torres, con của hai môn đệ Lama Yeshe ra đời. Bố mẹ đặt tên cho cậu là Osel (Tịnh Quang) cũng là để tưởng nhớ bậc đại sư của mình. Chỉ ít lâu sau khi Torres ra đời, người ta phát hiện cậu bé có những dấu hiệu thể hiện là hóa thân của Lama Yeshe kiếp trước như nhận ra những người quen biết Lama Yeshe trước đây.

Sau nhiều cuộc kiểm tra nghiêm ngặt, kỹ lưỡng, đích thân người được coi là đứng đầu Phật giáo Tây Tạng hiện nay đã công nhận điều này. Ngày 17/3/1987, Torres được tấn phong làm Phật sống với tên Tenzin Osel Rinpoche, gọi tắt là Lama Osel. Lên 6 tuổi, cậu được đưa vào  thiền viện Sera ở miền Nam Ấn Độ học tập để chuẩn bị kế tục sự nghiệp của Lama Yeshe - làm ngọn cờ của Phật giáo Tây Tạng ở phương Tây.

Torres khi còn là Phật sống ở Ấn Độ (trái) và cuộc sống thật hiện nay (phải).

Thế nhưng, tháng 5/2009, báo chí Tây Ban Nha đồng loạt đăng tải thông tin gây chấn động rằng: Lama Osel – lúc đó đã là một chàng trai 24 tuổi, đang có ý định từ bỏ phẩm vị để trở thành một nhà…làm phim. Tờ El Mundo dẫn những lời trần tình của Torres: “Khi mới 14 tháng tuổi tôi đã bị đưa sang Ấn Độ. Ở đó người ta khoác cho tôi một chiếc áo cà sa thêu vàng óng ánh và đặt tôi lên ngai để mọi người thờ phụng. Họ kéo tôi khỏi gia đình mình và đưa tôi đến một hoàn cảnh sống của thời trung cổ”.

Báo này còn cho biết, thời điểm đó, thay vì sống ở tu viện, vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi này đang mặc quần áo theo phong cách hip hop, để tóc dài và thích nói về thần tượng của mình là nghệ sĩ đàn guitar Jimi Hendrix (đã chết vì uống rượu và dùng thuốc ngủ quá liều) hơn là rao giảng kinh Phật. Bất chấp những lời khuyên của các cao tăng, Torres đã rời Ấn Độ trở về Tây Ban Nha, theo học tại khoa Điện ảnh tại Đại học Madrid.

Những bi kịch đời thường sau ánh hào quang

Trong khi Lama Osel muốn làm người thường thì hàng triệu gia đình ở Tây Tạng và nhiều nơi trên thế giới lại mơ con cái mình được trở thành Phật sống. Ngoài lý do sùng bái Phật giáo, ước nguyện này cũng xuất phát từ những toan tính rất đời thường. Với địa hình chủ yếu là núi non hiểm trở, nền kinh tế Tây Tạng ngàn đời nay luôn gắn liền với chăn nuôi và trồng trọt trên những vách đá lởm chởm khô cằn. Cuộc sống phụ thuộc quá nhiều vào thiên nhiên khiến những người nông dân Tây Tạng gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, nếu trở thành Phật sống, con trai họ sẽ đứng đầu Phật giáo Tây Tạng – vốn được mệnh danh là đất tổ của Phật giáo toàn thế giới. Cuộc sống vật chất dù chay tịnh nhưng cũng vô cùng sung túc, còn quyền lực tinh thần của Phật sống thì gần như là vô biên với các phật tử.

Cậu bé Losang Doje được chọn làm Phật sống Tây Tạng khi mới 4 tuổi.

Ngay cả khi không vượt qua được các vòng sơ loại, hay không may mắn được chọn trở thành Phật sống thì các linh đồng vẫn có địa vị cao trong Phật giáo Tây Tạng một cách dễ dàng hơn các chư tăng khác, vốn phải phấn đấu bằng con đường tu tập khổ hạnh đầy gian nan.

Với những gia đình ở Tây Tạng, nếu không may mắn có con được coi là linh đồng, thì họ cũng thường gửi con vào chùa tu hành từ khi còn rất nhỏ. Theo truyền thống ở Tây Tạng, nam giới thường dành ra một khoảng thời gian nhất định trong cuộc đời để xuất gia làm thầy tu.

Sau đó, họ có thể hoàn tục, chỉ còn là một Phật tử bình thường, nhưng cũng có thể chọn tu hành trọn đời. Nhiều gia đình Tây Tạng có ít nhất một con trai là nhà sư. dù trở thành một nhà sư bình thường hay Phật sống, những đứa trẻ bị đưa vào chùa từ lúc quá nhỏ cũng ít nhiều chịu những bi kịch như chàng trai Tây Ban Nha Torres tiết lộ.

Theo quy định, việc lựa chọn các linh đồng phải là những đứa trẻ còn rất nhỏ, thường chỉ trong khoảng 4 - 6 tuổi. Sau vài năm đào tạo, đến lúc được chọn, Phật sống chỉ khoảng 10 tuổi. Tạp chí National Geographic (thuộc Hội Địa lý Hoa Kỳ) từng đăng bài lên án thiết chế tôn giáo này vì cho rằng, ở độ tuổi còn quá non nớt đó, những đứa trẻ chưa thể có ý thức đầy đủ và đúng đắn, nhất là về một thứ phức tạp như tôn giáo. Chính người lớn đã chọn lựa tương lai cho chúng theo ý muốn của mình.

Thật vậy, nhiều trẻ em được đưa vào chùa từ lúc quá bé đã quên mất gia đình chỉ sau một vài năm tu hành. Bởi vì, ngay sau khi xuất gia, những chú bé này sẽ phải ở hẳn trong chùa, không tiếp xúc với bên ngoài để tập trung học tập về giáo lý, ngồi thiền, tập yoga, nghiên cứu về y dược…

Sau khoảng 5 năm tu hành, khi được nhập thế hàng ngày để tiến hành các nghi lễ cho dân chúng, giảng kinh, khám bệnh cứu người… những chú bé năm xưa đã trở thành một người khác. Ngay cả cha mẹ, anh chị em sẽ phải cúi lạy họ - vị Phật sống đầy tôn kính - mỗi khi gặp mặt. Có thể các Phật sống này vẫn nhớ đó là cha mẹ, người thân của mình nhưng hai chữ “ruột thịt” không còn thiêng liêng như nó vốn có nữa.

Tự do tín ngưỡng là quyền của mỗi người và Phật giáo với những giáo lý chủ yếu khuyên con người làm điều thiện vẫn được chào đón nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, câu chuyện về vị Phật sống duy nhất từ bỏ phẩm vị cũng là một vấn đề nghiêm túc về tính nhân bản.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Torres vẫn phát biểu rằng việc cùng lúc được thừa hưởng cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây là một đặc ân, đồng thời phủ nhận thông tin cho rằng mối quan hệ giữa anh và Phật giáo Tây Tạng đã bị cắt đứt, nhưng anh khẳng định mình sẽ theo đuổi sự nghiệp điện ảnh và không trở lại với vai trò Phật sống.

Câu chuyện của anh đã trở thành ví dụ để người ta nghi ngờ về thuyết tái sinh của Phật giáo. Đáp lại, các lãnh đạo tối cao của Tây Tạng Phật giáo lập luận rằng, sư tăng phải tu nhiều kiếp mới có thể thành Phật, mới thực sự thoát khỏi luân hồi. Vì thế việc Torres kiếp trước từng là một cao tăng, nhưng kiếp này lại không thể đắc đạo do những cám dỗ của cuộc đời thì cũng là một chuyện bình thường.

Theo Thanh Tùng - GĐN

http://chuaphuclam.com/index.php?/tin-tuc/vi-phat-song-duy-nhat-tu-bo-ngoi-vi.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage