Lúc ấy tuyết đang rơi, đường sá phủ từng đống tuyết tròn, nhấp nhô
như mộ địa, không một bóng người lai vãng. Gió Tây Bắc ào ào thổi qua, tung
tuyết rát mặt. Trời nặng nề, đục, đầy vẻ hăm dọa, có lẽ phải lạnh đến mươi độ âm.
Người khách trùm chiếc áo bông đã tang thương và phong trần quá đỗi.
Đôi ủng da cũng đã xác xơ và điêu linh như thế. Không biết y đã dẫm qua bao
nhiêu sông núi mới đến được nơi này.
Một nhà sư to, cao, cà-sa trùm kín người, tay đung đưa chùm chìa
khóa, dáng bực bội ra mở cổng tu viện. Y chững lại. Ở đâu ra người khách kỳ quái
này? Và nhành mai như thần thông diệu hóa thế kia? Làm sao lại có được nhành mai
đương độ khi tuyết băng như đang trùm lấp xứ này, cây cối chỏng chơ những que
cọng vươn lên từ biển tuyết thế kia thì chưa hứa hẹn một mầm xanh nào cả. Giữa
cái trơ trụi của mùa đông, nổi bật lên nhành mai mơn nõn, điểm lác đác mấy nụ
vàng tươi như thách thức và bỡn cợt với hóa công! Người khách - cái lão già khú đế kỳ khôi này - rõ ràng là đang đứng đó thôi: Bất
động, lạnh lùng, đôi mắt sáng đục, lờ đờ nhưng bình thản. Đấy là sự nghỉ ngơi
của con ngựa già dẻo dai, hiển hách sau chặng đường xa lao nhọc.
- Quý tôn ông hẳn là không gõ lầm cửa đấy chứ ạ? Nhà sư dè dặt cất
tiếng hỏi.
- Không lầm đâu! Người khách đáp, giọng nhỏ, nhưng luồng hơi dường
như đi xoáy vào tai.
Nhà sư biến sắc, giật lùi một bước, lát sau mới trấn tĩnh lại:
- Xin cho bần đạo hay là vào tu viện để gặp ai? Có việc gì?
Người khách như thoáng mỉm cười rồi giọng nói như làn gió mùa thu
mát mẻ:
- Nó như thế này! Khách nói như phân trần - lão sẽ làm phiền nhà
chùa một chút thôi. Đại đức ạ! Lão xin được cắm nhành mai này vào một chiếc lọ
thích hợp, mà đúng là thích hợp đấy nhé! Lão nhấn mạnh rồi ngước nhìn trời
- Tiết dương nguyên cũng không còn bao chày, có một gốc mai đúng độ để nhà
chùa thưởng xuân, cũng là một nhã thú đấy chứ? Chẳng hay có trở ngại gì không ạ?
- Dạ không! Nhà sư vội đáp nhưng có vẻ ngần ngừ - sao lại có chuyện
kỳ lạ như vậy? Bần đạo có nghe lầm chăng? Có điều kiện gì chăng?
Người khách lại tủm tỉm cười, cất giọng dịu dàng:
- Đại đức ạ! Nếu đây là việc cúng dường thì hẳn là tốt chứ?
- Đúng vậy! Nhà sư gật đầu - việc cúng dường thì chẳng có gì trở
ngại, mà lại rất quý báu nữa, thưa tôn ông!
Nói xong, nhà sư nhấc tay đẩy cánh gỗ lim dày.
Hơn ai hết, nhà sư hiểu rõ giá trị của nhành lão mai nọ, dẫu ngàn
vàng cũng không mua được. Sau những ngày tuyết giá là mùa xuân, nhưng mùa đông
năm nay dường như kéo dài ra, hoa anh đào sẽ nở muộn. Suốt cả vùng Tây Bắc này
sẽ không có được một nụ hoa tươi. Tại chốn đế kinh, mấy năm về trước, thiên
hoàng cũng có được mấy cành do các nhà thương buôn Trung Quốc mang đến phụng
dâng, nhưng chắc là không thể sánh được với cỗi mai tuyệt vời này. Người lựa
chọn nó chẳng phải là một con người tầm thường. Cành mai này thì bậc đế vương
cũng ngoài tầm mơ ước. Cỗi mai xứng đáng để trong một cái lọ cổ quý màu thanh
ngọc điểm tuyết vân, đặt trên cái kỷ bằng gỗ trầm hương, chẳng cần phủ gấm thêu
chỉ vàng chỉ bạc. Được bình mai vô giá này, danh tiếng nhà chùa sẽ lan tới chốn
đế kinh, chắc chắn thiên hoàng sẽ tìm đến cùng với thiên hậu, thứ hậu lẫn tùy
tùng đông đảo. Và như vậy, nhà chùa sẽ có chút bổng lộc, sống đầy đủ vài ba
tháng. Ngoài ra, các tao nhân mặc khách tha hồ tìm đến để ngâm vịnh, xướng họa.
Thơ phú sẽ được trân trọng viết lên giấy bạch vân, hoa tiên, xuyến chỉ, nguyệt
cung điện... để chưng ở khách đường, viện trà, thư hương quán... Mà hễ có tài tử
tất có giai nhân, biết bao nhiêu là tía hồng kiều mị lả lướt vào ra, đông vui
như ngày hoa bướm hội.
Miên man suy tưởng, rạng rỡ nụ cười, nhà sư đã dẫn khách đến Nghinh
Phong đường hồi nào chẳng hay. Cả chùa đổ xô lại, sửng sốt, hết nhìn khách lạ
lại nhìn nhành mai: cành, nhánh phân bố hài hòa, gốc to đen sần sù, gân guốc,
bám đầy rêu đá. Đẹp như tranh!
Sư tri sự bước lại. Sau khi biết chuyện, một chiếc lọ cổ được mang
ra. Người ta chuẩn bị mọi thứ cho khách cắm nhành mai vào đấy.
- Không được! Khách nói lớn giọng, dứt khoát - Không thích hợp!
Giọng oang oang đinh cả tai mọi người.
Nhóm thiền sinh hoảng kinh, dạt ra xa. Sư tri khách lễ độ nói:
- Thưa tôn ông! Đây là cái bình cổ nhất, quý nhất, đẹp nhất của tu
viện.
Người khách có vẻ không muốn nhiều lời, chỉ một mực lắc đầu. Một
vài tiếng thì thào. Nhưng giá trị của cỗi mai bắt người ta phải chiều lòng vậy.
Rồi mấy chục chiếc lọ nữa được mang ra, khách vẫn không vừa ý. Cả chùa đã tỏ ra
bực bội vì sự khó tính này, một vài lời bất như ý, phạm thượng đã nho nhỏ thốt
ra.
- Có một chiếc lọ cổ! Khách chậm rãi nói - không quý lắm! Trên
miệng bình đã sứt hai chỗ. Một to bằng đồng tiền có phù điêu của Thánh đức Thái
tử. Một to bằng miệng chung rượu niên đại Suy Cổ Thiên hoàng. Men màu thúy lam,
đôi chỗ lửng ửng màu hoàng yến; đường hoa văn thủy tiên chạy chỉ thêu màu thanh
thủy rạng...
Ai nấy đều ngơ ngác. Vài vị thượng tọa niên cao, lạp lớn nhăn trán,
nhíu mày. Chịu. Không ai biết ất giáp gì cái lọ ấy.
Hòa thượng viện trưởng đang đọc sách ở Thính
Tâm đường sau khi nghe thượng tọa tri khách trình
bày câu chuyện về người khách, cỗi mai và chiếc lọ, ngài vội buông sách, chụp
vội chiếc gậy lê, không kịp xỏ hài, đã như đám phù vân lướt nhanh ra phía trước.
Bốn tia mắt gặp nhau. Những ánh sao loáng lên. Hòa thượng rùng
mình. Không khí lặng yên, đọng lại. Đột ngột, hòa thượng đọc to lên:
- Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa...
Lạ lùng thay! Đôi mắt khách chớp chớp, thoáng mờ như hơi sương. Hai
câu thơ kia được tiếp tục như gió xao qua ngàn lau:
- Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà!”
Hòa thượng viện trưởng lắc lư như chao sóng:
- Các con! Ngài cố dấu sự xúc động - Chiếc lọ cổ ấy các con không
biết là phải. Đấy là di vật của tổ sư, ta cất giữ kín đáo ở Tàng Vân các. Lão
tôn ông đây không phải là người lạ. Tạm thời các con ai về phòng nấy. Ta sẽ nói
chuyện với các con sau.
Tổ sư khai sơn chùa Thiên Môn, vốn là chưởng môn một tông phái võ
học danh tiếng. Sau khi nghe pháp thấy đạo, ngài biến võ đường thành thiền
đường, lần lượt thụ giáo các cao tăng, sau đó thâu nhận môn đồ cả tăng lẫn tục.
Ngài chọn một con đường riêng biệt. Các đệ tử của tổ sư phải trải qua một thời
gian công phu khổ hạnh - về đạo, về võ học cũng như văn chương, nghệ thuật... Có
người đã đi những bộ môn chuyên biệt, nên sau này ra đời, họ có thể xuống núi
theo con đường tùy duyên hạnh nguyện. Đấy như là thông lệ để gạn cát tìm vàng,
đào tạo những bản lãnh tăng tài làm giềng mối mai hậu cho cửa thiền.
Cứ mỗi năm giáp Tết, tổ sư cho sửa sang quét dọn sau trước, đốt
hương, xông trầm rồi chưng ở chiếc kỷ một bình mai. Bên kia vách nứa thấp thoáng
vài câu đối. Bên này vách nứa lấp loáng câu thơ trên mảnh giấy mộc vân:
“Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa
Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà!”
(1)
Bài thơ này được tổ sư chép ra từ bức tranh thi họa ở chiếc lọ cổ -
kể từ năm năm thứ nhất khi đợt đệ tử đầu tiên xuống núi. Rồi năm năm thứ hai nữa
qua đi, bài thơ cũ được viết lên trên giấy mới, cành mai được lựa chọn công phu
hơn, cành nhánh tỉa tót nghệ thuật hơn - vẫn không có bóng dáng người đệ tử nào
trở về!
Từ hai mươi tháng chạp, những năm tuyết tan sớm, tổ sư thường đi
vào cơn nhập định dài. Ngài ngồi trên nệm cỏ, đôi mày bạc kéo xiên như hai vệt
tuyết, vừng trán cao nhẵn bóng như vách đá cẩm thạch. Bình mai bây giờ đã là một
tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Bài thơ bây giờ rõ là nét chữ đang muốn hóa rồng
để bay lên mây xanh! Nhưng sự đón chờ dường như đã mỏi mòn, chỉ có ngọn gió đông
thì thào thoảng qua như cợt, như trêu! Qua cánh cửa tròn nhìn ra vùng đồi nhấp
nhô, những cánh đào bung lộc mởn, lơ thơ mấy nụ “hồng vân sơn trà” ửng đỏ như điểm chu sa - tổ sư ngồi nhìn bất
động. Có lẽ nào tổ sư đang ngưng lắng cả thân tâm để phân biệt chiếc lá khô rơi
hay tiếng bước chân khe khẽ quen thuộc bên kia triền núi? Tổ sư có xả thiền vài
lần, chống chiếc gậy lê, lững thững cô liêu theo triền núi xanh sim dại, bóng
cắt giữa nền trời quạnh hiu. Tiếng chim núi hót vút lên không. Mấy con đường mòn
ngoằn ngoèo bò lên tu viện, heo hút. Vẫn không có một bóng ma nào!
Buổi giảng pháp đêm giao thừa, tổ sư ngồi trên chiếc bồ đoàn, từ
xa, phất tay áo rộng. Một làn gió quật tới. Chiếc lọ cổ dường như được chà thành
men láng. Màu thúy lam chợt sáng lên, hiện rõ nét, linh động hơn, bức tranh:
“Đạp tuyết tầm mai”.
- Các con hỡi! Giọng tổ sư thoảng như tiếng gió lướt qua sơn khê hồ
hải - Những huynh trưởng của các con thành tài, xin xuống núi, thế là hơn mười
năm rồi, không có ai trở lại. Thế là đã như ông lão trong bức tranh kia, suốt
bao ngày lặn lội, công phu tìm kiếm trên non cao tuyết giá, lúc về làng, qua
cầu, ngoảnh nhìn lại - thì nhành mai tuyệt đẹp chỉ còn là nhánh củi khô!
Các con ơi! Đời tu hành lập nguyện đều như thế cả. Mai này các con
có xuống núi, thầy mong rằng được nhìn thấy chỉ một cành mai nguyên vẹn cũng đã
thỏa nguyện lắm rồi...
Tổ sư nói xong, thở dài, đưa mắt nhìn đệ tử một lượt, đôi mắt vừa
thẳm sâu, vừa thương bi khó tả. Đột nhiên, thân không động, một làn khói vọt đi.
Chỉ mấy thoáng nhấp nhô. Tổ sư đã đến vách đá phía Tây tu viện, hai tà áo không
ngớt lay động, những mảnh bụi đá tung bay tào rào... Sáng ngày, tuyết trong,
nhật rạng, như chạm vào vách trời một câu thơ - một vế đối - lạnh buốt cả hư
không:
“Thiên hạ minh mông, vị tằng nhất hữu! (2)”
Và ngạc nhiên xiết bao, mấy hôm sau, bên cạnh đấy, nét chữ sâu mạnh
cũng một tám một mười, vế đối lại cũng hàm tàng mấy phần khẩu khí:
“Môn trung lạc bạc, hà dĩ
duy vô! (3)"
Rồi từ đó, cửa Thiền mất bóng vị đệ tử trưởng tràng tài hoa. Y vì
tự ái hoặc vì đau xót tâm sự bi thương của tổ sư mà đã lặng lẽ vác lưỡi gươm
Thiền đạo lên đường? Lời nguyền nơi vách đá không biết có hổ thẹn với tuế nguyệt
và càn khôn?
Nhà tổ chỉ có hai người. Trầm hương ấm cúng và man mác. Một loài
chim tuyết lạc giọng kêu ở đâu đó. Gió thì thào ở rất xa...
Chiếc lọ cổ được hòa thượng viện trưởng đích thân mang ra. Đôi mắt
khách lạ sáng lên rồi cúi xuống thò tay xoa lớp bụi đục. Tranh là một ông lão
cỡi la qua cầu, đằng sau là chú tiểu đồng vác một cành mai, cuốn bụi chạy theo,
hoa rơi từng đóa, từng đóa... Như gặp lại hình ảnh giáo huấn đẹp đẽ đã quá lâu
xưa, khuôn mặt khách toát ra niềm vui tĩnh lặng. Nó như thoáng nắng mới hồng lên
rồi tan nhanh giữa hư không - tan mà không mất. Khách như trẻ lại hằng mươi
tuổi.
Bình mai đã cắm xong, đầy tinh tế và đầy trân trọng. Đặt đúng vào
chiếc lọ này, cỗi mai như tăng thêm sức sống và sự linh động. Vài hạt tuyết li
ti còn dính ở đâu đó làm cho cành nhánh tươi mới hẳn lên. Gió lất phất thổi qua.
Không cần nắng ấm mà chỉ cần cành mai đơn sơ mấy nụ, với một nghệ thuật vững
chắc, mùa xuân thật sự đã về ở đây rồi!
Người khách đứng vòng tay, trầm mặc. Lát sau, y bước tới bàn thờ
tổ. Y quỳ rất lâu như hoàn toàn quên bẵng mình và ngoại giới. Y như bỏ cả sông
núi, phong trần bên ngoài chân trời, thu gói mình lại trong không khí cô đọng,
cổ xưa và thanh khiết.
Khi quay lại, như bước ra từ vùng huyền hoặc khói sương, khách vươn
mình đứng thẳng, dáng cao lênh khênh và cằn cỗi như một lão bách tùng, khuôn mặt
sáng rỡ bình an và đôi mắt như hai ngôi sao lấp lánh.
Hoàng thượng Thiên Môn thân nổi gai ốc, hai đầu gối như muốn khuỵu
xuống.
- Hãy bình tĩnh! Hãy bình tĩnh! Giọng khách rất dịu dàng, như đỉnh
núi nói với ngàn dâu, như sự tịch lặng nói với niềm xao xuyến - hòa thượng đã
nhận ra ta, lão sư huynh bạc hạnh này. Dẫu bây giờ ta đã không còn hổ thẹn với
tổ sư xưa, nhưng ta... nhưng ta...
Khách chợt xúc động nắm bàn tay run run của hòa thượng viện trưởng.
Họ không nói được, chỉ nhìn lặng lẽ vào mắt nhau. Họ dẫn nhau đến bàn trà. Cũng
rất lặng lẽ.
Khách nhìn khắp liêu phòng, dừng lại nơi mấy bức tranh, mấy bài thơ
đã cũ vàng, trang trọng lồng trong những khung hoa văn cổ kính - vẻ đăm chiêu.
Hòa thượng nhỏ nhẹ nói:
- Mấy bài thơ, mấy bức tranh này là bảo vật còn lại của tổ sư. Sau
khi lão huynh xuống núi, tổ sư đóng cửa dạy môn đồ. Thì giờ còn lại, tổ sư dành
cho thiền định. Tổ sư không còn làm thơ, vẽ tranh, cắm hoa hoặc bất kỳ một sinh
thú chân tay nào khác. Tổ sư cũng không còn thông lệ dạo chơi trên những ngọn
đồi vắng hay ngồi bên bình mai vào mỗi độ giáp Tết. Tuy thế, những hành tung của
lão huynh, dầu tận chân trời cuối đất, tổ sư vẫn biết rất rõ... Hòa thượng nghỉ
một lát, định nói gì, lại thôi. Sau đó, hòa thượng thở dài rồi tiếp - tổ sư tịch
năm 845, khi Hoàn Vũ Thiên Hoàng thiên đô từ Nại Lương về Kyoto năm thứ mười...
Hai tay khách nâng chung trà uống một ngụm sâu, xoay xoay cái chung
trong tay, trầm ngâm, rồi hỏi:
- Những huynh đệ của chúng ta và cả vài thế hệ sau này nữa, có ai
về núi đến không?
- Có, khá nhiều! À, nhưng mà không! Tổ sư bảo là không có một nhành
mai nào nguyên vẹn cả!
Khách mỉm cười xa xôi:
- Thế thì vế đối nơi vách đá của tổ sư, vẫn là cái tiên tri đời đời
vậy.
Hòa thượng móm mém nở nụ cười, nhưng lại lắc đầu:
- Không phải thế, không hẳn là thế! Còn nhành mai nguyên vẹn của
lão huynh thì sao? Hà dĩ duy vô?
- Đấy cũng là mong ước của ta! Nhưng mà không biết tỏ sư có chứng
giám cho ta chăng? Cành mai kia không biết có phải là cành mai nguyên vẹn như kỳ
vọng của tổ sư chăng?
Hòa thượng Thiên Môn không biết nói làm sao cả. Lời nói nào cũng
chưa chắc đúng, đôi khi lại trống không, vô nghĩa nữa. Cũng như thế hệ huynh
trưởng đi trước, vị lão huynh này cũng mang đầy nhiệt huyết xuống núi sống đời
hạnh nguyện, tát nước bể đông, biến cải thế gian. Y đã lao thân vào dòng, chẳng
ngại gì những vùng nước xoáy. Cái bản lãnh của y, lưỡi gươm chính khí của y đánh
bại được cả những ma quân hung bạo nhất, thế nhưng y đã không đánh bại được
chính mình. Khoảng cách này là sợi tóc. Lộ trình này là đi trên lưỡi dao cạo. Và
thế là... trọn một đời tìm kiếm, hoạch đắc, cái gia tài vô giá ấy đã rơi rụng
xuống dọc đường, trên mọi nẻo tối tăm của dục vọng và bản ngã... Nhưng mà vị lão
huynh này đã trở về, thành khẩn trở về... và ta đã thấy trong đôi mắt y có một
nhành mai. Như vậy thì sự thất vọng kia quan trọng hay sự giác ngộ khổ đau quan
trọng hơn?
Chợt nhiên, một hình ảnh lóe lên từ bức tranh cổ.
Cụ già ở đây hốt nhiên trắng bạc, da mặt với những nếp nhăn nheo
như sóng gợn, điệp điệp lên nhau thời gian và sinh tử. Lưng lão cúi xuống, cong
hơn, gót chân sây sứt máu, mồ hôi vã ra, rơi xuống biển đen. Trăng trên cao lạnh
lùng băng giá. Hoang mạc tiếp hoang mạc, sơn khê tiếp sơn khê... Tất cả chúng
đang chập chùng nhảy múa trong vô thức như những ám ảnh trường đồ tại thế khổ
nạn... Hòa thượng Thiên Môn rùng mình, thấy thêm một mật ngữ của
“khổ đế” trong bức tranh “Đạp tuyết
tầm mai” mà vị lão huynh đã chứng nghiệm bằng
chính trái tim, hơi thở, bằng cả sự sống của một đời người. Hòa thượng bần thần
dã dượi. Khi ngước mắt lên thì khách lạ đã đi đâu mất. Ánh trăng đêm đông về
sáng lấp ló sau bức mành thưa. Té ra một đêm đã trôi qua. Xung quanh cửa đóng
then cài nhưng khách lạ đã biến đi như một trò huyền hoặc.
Hòa thượng khơi đèn. Trên bàn còn có một phong thư với những nét
chữ chưa ráo mực.
“Chỉ có đau khổ và sự giác ngộ đau khổ. Không còn gì nữa hết. Không
có gì đáng nói ở trong đời. Khi mặt trời đã lên thì còn đâu nữa những ngọn đèn
leo lét bên đường rọi tìm an lạc hay chân phúc? Ta về đây không phải vì lời thề
trên vách đá. Ta chỉ muốn đặt dưới chân Tổ sư một cành mai nguyên vẹn mà thôi”.
Đọc xong, hòa thượng Thiên Môn tủm tỉm cười.
“Đúng như ta nghĩ là cành mai kia còn nguyên vẹn, nguyên vẹn và tươi đẹp hơn cả
ở đầu non, hơn cả trên băng tuyết! Nhưng mà lão huynh đã phải lặn lội tìm kiếm
lâu quá, lâu quá... Ồ, mà có hề gì đâu! Có kẻ suốt đời ướp trầm, xông hương rồi
chưng trên những chiếc bình trân quý mấy cành củi khô, hoa đã rụng lâu rồi! Còn
ta nữa, tám mươi năm qua, có lẽ nào ta cũng đã từng làm vậy?”
Một tình cảm mang mang len vào lòng. Hòa thượng đứng dậy. Ánh trăng
vẫn lạnh lùng bên bức mành thưa, sáng nhờn nhạt. Một tâm hồn nào vòi vọi ở trên
cao, sau mấy tầng mây khói? Một cơn gió thổi mạnh. Một mảnh giấy chao động trước
mắt. Hòa thượng bước lại. Đấy là một bài thơ trên manh giấy
mộc vân đã cũ. Bài thơ với nét chữ tài hoa hiện ra như một
trò ảo thuật. Bài thơ cũ, thêm hai câu mới, như mở ra một chân trời mới, rồi
khép lại đâu cũng ở cuối chân trời...
“Kỵ lư quá tiểu kiều
Cảm thương mai lạc hoa
Cổ nhân sầu bạch phát
Kỷ độ thủy lưu hà
Ngã kim bạch vân quá
Không xứ, vong cố gia! (4)”
Hòa thượng sung sướng quá, buông rơi ngọn đèn. Trước mắt, đám mây
trắng và dòng nước xanh trôi chảy bình yên, thanh thản. Và khách lạ đứng ở trên
cao, mỉm cười dịu dàng, mảnh y bào phất phới. Sao kết thành từng chuỗi, từng
chùm bông trắng rơi tua tủa. Cỗi lão mai thò qua từ sau hốc núi điểm lơ thơ mấy
nụ vàng, nụ vàng kết thành đài sen. Và tổ sư tĩnh tọa an nhiên, khuôn mặt vĩnh
cửu và nụ cười hỷ hoan như chư Phật.
(thicatutuong)
Chú thích:
(1) “Cởi lừa qua cầu nhỏ.
Cảm thương mai rụng hoa.
Người xưa sầu bạc tóc. Nước chảy mấy thu là!”
(2) Tạm diễn ý: Thiên hạ mênh mông rộng lớn, chưa từng có một người
(đệ tử).
(3) Tạm diễn ý: Trong cửa chùa đơn sơ ít ỏi, sao há lại không (có
ai!)
(4) Tạm diễn ý hai câu
cuối:“Quên quê nhà, quên chốn. Ta nay mây trắng qua”