Chùa Bửu Minh

Ngày 28/3/2013, Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành thông tư 095/TT.HĐTS về việc “Tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân (1963-2013)”.


Tuy nội dung thông tư trên còn khá sơ lược, chưa chỉ đạo cụ thể nhiều hình thức kỷ niệm khác ngoài lễ Tưởng niệm theo chương trình đã có hàng năm tại văn phòng 2 Trung ương Giáo hội và hình thức hội thảo, nhưng đây vẫn là một tín hiệu đáng mừng của Phật giáo Việt Nam. Điều xấu nhất trong các kịch bản dự kiến đã không xảy ra, tức là đã không có việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam không có việc tổ chức đặc biệt gì hết nhân thời điểm quan trọng 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963.

Một “thông tư”, dù chỉ với nội dung chỉ đạo lịch trình lễ tưởng niệm trong ngày và “tọa đàm”, “hội thảo” “nếu đủ điều kiện” (từ và cụm từ dùng trong thông tư 095/TT/HĐTS ngày 28/3/2013), vẫn là một sự xác định chủ trương một cách rõ ràng.

Căn cứ vào chủ trương đã được xác định qua thông tư 095/TT/HĐTS ngày 28/3/2013, Tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam có thể triển khai các hoạt động cụ thể, thích hợp để “kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân”, cũng là kỷ niệm 50 Pháp nạn lịch sử 1963.

Trong hoạt động kỷ niệm các ngày lịch sử truyền thống, có xác định thời điểm cụ thể, thì các thời điểm nhân tròn chu niên, tròn chu kỳ năm năm, tròn các chu kỳ mười năm, năm mươi năm (nửa thế kỷ) và 100 năm (thế kỷ), các chu kỳ 100 năm… là những thời điểm để tổ chức các lễ kỷ niệm lớn theo thông lệ, tập quán, và cũng là một yêu cầu đương nhiên từ thực tế kỷ niệm truyền thống. Do đó, đến năm 2013, thời điểm tròn 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963, Phật giáo Việt Nam không thể không có những hoạt động trọng thể, đặc biệt để kỷ niệm Pháp nạn 1963, 50 năm trước đó. Việc kỷ niệm trọng thể, đặc biệt 50 năm Pháp nạn 1963 là một yêu cầu khách quan, bắt buộc đối với tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam.

Bày tỏ lòng tri ân chân thành, sâu xa đối với liệt vị thánh tử đạo tăng ni Phật tử hữu công trong việc bảo vệ đạo pháp là một nghĩa vụ đối với tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam hôm nay, và do đó, là mục đích, yêu cầu đối với lễ kỷ niệm 50 Pháp nạn lịch sử 1963. Đây là một nghĩa vụ thiêng liêng, và do vậy, là một yêu cầu bức thiết và quan trọng đối với dịp kỷ niệm, cần được cụ thể hóa bằng nhiều hình thức tưởng niệm có ý nghĩa, có tác dụng khơi gợi lòng biết ơn sâu xa, thành kính của toàn thể Tăng ni Phật tử Phật giáo Việt Nam hiện tại.

Lễ kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 là dịp để tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử Phật giáo Việt Nam đến với đối tượng là Tăng ni Phật tử Việt Nam hiện nay. Thời điểm kỷ niệm tròn 50 năm một sự kiện lịch sử có giá trị lớn đối với việc giáo dục truyền thống từ sự kiện lịch sử đó. Vì vậy tổ chức đặc biệt, trang trọng lễ kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 không chỉ là nghĩa vụ, yêu cầu bắt buộc, mà còn là cơ hội đối với Phật giáo Việt Nam hiện đại, cơ hội Phật giáo Việt Nam tôn vinh những giá trị lịch sử của chính mình, giáo dục truyền thống đối với các thế hệ hậu học, góp phần xây dựng sức mạnh Phật giáo Việt Nam hiện đại.

Do là cơ hội tôn vinh những giá trị lịch sử của Phật giáo Việt Nam, lễ kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963 sẽ là dịp để giới thiệu truyền thống Phật giáo Việt Nam đến với đối tượng những người ngoài đạo Phật. Trong mục đích và yêu cầu này, các hoạt động kỷ niệm Pháp nạn sẽ tạo nhân duyên đưa Phật giáo Việt Nam đến với mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam, là dịp để giúp mọi người tìm hiểu và thâm nhập Phật giáo Việt Nam.

Đối với giáo hội Phật giáo Việt Nam, lễ kỷ niệm Pháp nạn lịch sử 1963 là dịp để Giáo hội khẳng định vai trò là tổ chức “kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam” (cụm từ trong thông tư 095/TT.HĐTS). Vì ý nghĩa quan trọng của việc xác định “kế thừa sự nghiệp” này, nên thông tư 095/TT.HĐTS đã lấy đó làm cơ sở để hướng dẫn việc tổ chức “lễ kỷ niệm 50 năm Bồ tát Thích Quảng Đức vì pháp thiêu thân”.

Trong bối cảnh việc xác định vai trò “kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam” là một yêu cầu thường trực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì ý nghĩa này của việc tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm Pháp nạn lịch sử 1963 quả thật không thể xem nhẹ. Với không khí tế nhị và nhạy cảm như vậy, nếu Giáo hội Phật giáo Việt Nam không tổ chức hoặc tổ chức chỉ với quy mô không tương xứng lễ kỷ niệm 50 năm Pháp nạn, thì vai trò “kế thừa sự nghiệp Phật giáo Việt Nam” của Giáo hội có thể bị một số thế lực ở hải ngoại nêu ra như một vấn đề. Điều này sẽ hết sức tai hại.

Vì vậy, tổ chức kỷ niệm lễ kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963 một cách quy mô, xứng tầm là một yêu cầu mang tính chất uy tín, danh dự của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nó còn bộc lộ ở đây ý nghĩa quốc tế, tác dụng dân vận của sự kiện.

Với mục đích – yêu cầu như vừa điểm qua ở trên, dứt khoát, lễ kỷ niệm 50 năm Pháp nạn 1963 cần phải được tổ chức với quy mô đặc biệt, hết sức trọng thể, có được ý nghĩa, tác dụng nhiều mặt như đã nói.

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage