Chùa Bửu Minh

Với mỗi thời đại con người có những nét đẹp khác nhau để phù hợp và thích nghi với cuộc sống. Nhưng những giá trị sâu sắc của con người luôn tồn tại vĩnh cữu theo thời gian.


Bên cạnh niềm vui hân hoan kỉ niệm Đại lễ lớn nhất trong năm diễn ra trên khắp cả nước là những suy tư về Hà Nội hôm nay. Làm thế nào để khôi phục lại văn hóa thanh lịch của người Tràng An xưa, gìn giữ những viên ngọc phi vật thể sáng giá là những chủ đề được thảo luận sôi nổi trên nhiều mặt báo trong thời gian qua.

Nét đẹp thanh lịch của người Tràng An xưa không đơn thuần là vẻ đẹp bên ngoài như dáng đi, cử chỉ, lời nói mà quan trọng nhất là cốt cách bên trong tâm hồn. Cốt cách đó biểu hiện thành lối sống ứng xử chân thành, sâu sắc, quan tâm và chia sẻ đến nhau những lúc khó khăn nhất.

Đó là những giá trị thể hiện chiều sâu văn hóa mà bất cứ thời đại nào cũng cần và có. Bởi vậy, chúng ta cần tiếp tục gìn giữ những giá trị tốt đẹp đó bên cạnh những phẩm chất thông minh, sắc sảo, sáng tạo và hoạt bát mà người Việt Nam hiện đại vốn có hôm nay.

Một dân tộc sống không có quá khứ thì không xứng đáng là một dân tộc nữa. Ảnh: Việt Anh

Việc khôi phục lại văn hóa Tràng An, gìn giữ những di tích lịch sử, những giá trị vật thể và phi vật thể là ước mong của nhiều người. Để làm được việc này cần đến sự chung sức của toàn xã hội, đồng lòng từ trên xuống dưới. Nhà sử học Lê Văn Lan vẫn luôn nhắc nhở với mỗi người dân sống ở thủ đô hôm nay chính là thị dân, cần có lối sống ý thức của một người dân đô thị. Chức năng giáo dục của Đảng và nhà nước phải được cụ thể hóa bằng luật pháp.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cũng trăn trở với những giải pháp ta phải thay đổi từ cách nghĩ đến hành động. Đặc biệt, với một đất nước còn chưa phát triển, ta lại càng nên lắng nghe, suy nghĩ và tìm hướng thay đổi để thủ đô tập trung những gì tinh túy và đẹp đẽ nhất.

Nếu chúng ta có một đội ngũ các nhà lãnh đạo từ cấp thấp đến cấp cao sống gương mẫu, có kỉ cương, trật tự làm gương cho dân thì dân tất sẽ theo bởi giáo dục ngày xưa là phải "thân giáo", lấy cái thân mình ra mà giáo dục.

Thời đại phát triển không tránh khỏi những nguy cơ xâm lăng về văn hóa. Đặt chân ở các hiệu sách hay ghé mắt xem những bộ phim truyền hình ta có thể thấy tràn lan văn hóa ngoại quốc du nhập vào nước ta. Như vậy, việc gìn giữ nét văn hóa truyền thống của con người Việt Nam càng được chú trọng hơn, đồng thời tiếp thu một cách chọn lọc những gì tốt đẹp của thế giới để con người, xã hội Việt Nam ngày một hoàn thiện hơn.

Xã hội luôn biến chuyển không ngừng nghỉ. Văn hóa cũng cuốn theo trào lưu thay đổi. Chúng ta không thể "níu kéo" quá khứ, càng không thể áp đặt cho tương lai mà chỉ có thể định hướng cho văn hóa. Định hướng bằng cách chọn lọc những nét tinh túy của thời xưa và tiếp thu những tinh hoa hiện đại của thời nay.

Hy vọng thế hệ tương lai với định hướng đúng đắn kết hợp với sự thay đổi khách quan của xã hội sẽ hứa hẹn một hình ảnh đất nước Việt Nam với những con người có tấm lòng bao dung, cái đầu trí tuệ và một trái tim nhân hậu hơn.

Xin được khép lại diễn đàn khôi phục văn hóa Tràng An nhân dịp Đại lễ bằng niềm tin vào tương lai phía trước của nhà văn Hoàng Quốc Hải: "Chúng ta có thể khôi phục được đạo lý cũng như là văn hóa của Hà Nội gần đây và của Thăng Long xa xưa. Bởi vì không có lý do gì chúng ta lại không tiếp nối được văn hóa ông cha. Nếu không tiếp nối được văn hóa ông cha, tức là chúng ta sống không có quá khứ. Mà một dân tộc sống không có quá khứ thì không xứng đáng là một dân tộc nữa. Tôi tin rằng, người Việt Nam sẽ thức tỉnh và nhận thức lại mình".

Nguon: http://tuanvietnam.net/2010-10-07-khong-the-niu-keo-qua-khu-va-ap-dat-tuong-lai


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage