Bạo lực đã biến trường học không còn là nơi an
toàn cho con em và làm ảnh hưởng rất nhiều trong việc đào tạo nhân cách
cho các em. Ngày 11/12/2010 tại Trung Tâm Mục Vụ, Tổng Giáo phận Sài
Gòn, Thượng tọa Thích Nhật Từ đã chia sẻ với các bậc phụ huynh và học sinh Thiên Chúa giáo về hướng giải quyết cho tình trạng này được giảm thiểu tối đa.
I. NGUYÊN NHÂN BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Gương từ bi của Kundun
Tôi xin chia sẻ bằng một câu chuyện của cậu bé tên là Kundun. Một
hôm các cao đệ trên đường tìm kiếm hậu thân của đức Dalai Lama XIV thấy
một đám trẻ em khoảng 4 đến 7 tuổi đang chơi đá dế, thì có một cậu bé
khuôn mặt rất hiền từ không hòa với nhóm trẻ em đó, đã bước vào giữa
tách nhóm ra làm 2 và bắt hai con dế tới một bụi rậm cách đó 20 mét thả
hai chú dế đó xuống, với một lòng thương yêu trìu mến, mong rằng hai chú
dế không còn gặp cảnh đấu đá do con người sắp xếp trong tương lai, các
trẻ em khác rất bất mãn, nhưng do phong cách rất dễ thương của Kundun
nên không xảy ra cuộc ẩu đả nào.
Qua
câu chuyện trên ta thấy hành động của các trẻ em này có hai phong cách
khác nhau. Chúng ta cũng thường nhìn thấy trong cuộc sống các cuộc mua
vui của con người trên nỗi khổ đau trên các động vật, bằng các trò chơi
như đá dế, có nơi thì đá gà, đấu bò, và nhiều hình thức trò chơi bạo lực
khác. Nhưng không nghĩ rằng những cuộc vui chỉ kéo dài khoảng vài ba
chục phút đó, nhưng nỗi khổ, niềm đau của các con vật được sử dụng để
mua vui thì rất lớn kéo dài suốt cuộc đời. Kundun vì bản chất từ bi có
sẵn không đồng tình cách chơi đó đã giúp cho bạn đồng lứa cùng chơi với
mình không có những hình thức bạo động trong tương lai. Kundun chính là đức Dalai Lama hiện tại.
Các
nhà tâm lý học ngày nay, liệt những các hành động bạo lực trên là bạo
lực tâm lý. Phật học cho rằng đó là biểu hiện của lòng sân.
Lòng sân biểu hiện qua 3 hình thức: Tâm suy nghĩ, ngôn ngữ và hành động.
Ba phương diện này có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, có những
trường hợp do tác động bởi lời nói, tai nghe chướng, mắt nhìn thấy gai
thì sự bất mãn trổi dậy, khó chịu, làm cho tâm chúng ta gợn sóng, mất
bình an. Có người kềm chế được không thể hiện phản ứng trước những bạo
động, bạo lực đối với người khác, nhưng cũng có người không vượt qua
được cho nên có thể hiện bạo động tương tự. Người ta tát mình một cái
thì mình tát lại “mắt đền mắt, răng đền răng” vốn được coi
là công lý giang hồ, về phía Phật học cho rằng đó là những nỗi đau cho
chính bản thân người đang vướng phải nó, nó cũng tác động một cách tiêu
cực, bất hạnh cho những người mà ta ứng xử hành động sân.
Đừng xem thường nguyên nhân tâm lý
Nguyên
nhân tâm lý của bạo lực học đường ít được các nhà giáo dục, các nhà xã
hội, các bậc cha mẹ quan tâm đúng mức, mỗi người có một phong cách sống
khác nhau. Không ai kiểm soát được diễn biến tâm lý xảy ra hằng ngày với
người đó. Do vậy không ai nghĩ đến việc cần ngăn chặn bạo lực học đường
từ ngay các bạo lực từ đời sống nội tâm, có thể do việc tác động những
nghịch cảnh bên ngoài, tác động bởi điều kiện không thuận lợi làm cho
tâm con người xảy lên sóng gió cho chính mình. Nguyên nhân tâm lý bị xem
thường đó lại là nguyên nhân chính.
Phật
giáo cho rằng Tâm là đạo diễn của hành vi lời nói và việc làm. Khi sự
bất mãn trên Tâm trỗi dậy, con người có khuynh hướng thể hiện qua lời
nói, hoặc hành động cụ thể hoặc cả hai. Sự bực tức, bất mãn không hài
lòng hoặc bị nói khích, làm cho người ứng xử không làm chủ được bản
thân. Do vậy không nắm bắt và chuyển hóa nguyên nhân gốc rễ này thì dầu
cho cha mẹ muốn con mình thoát khỏi cảnh ẩu đả trong học đường hay thoát
khỏi cảnh thể hiện hành vi bạo lực với người khác thì khó làm cho tốt
được.
Do
vậy, việc nối kết đòi hỏi nhu cầu quan tâm của các bậc cha mẹ. Ít nhất
cha mẹ cần phải nhận ra những biểu hiện tâm lý bất thường nơi con cái,
làm tổn thương cho người khác thì cần phải nhắc nhở chúng và hướng dẫn
con cái thực tập một số kỹ năng làm chủ dòng cảm xúc.
Hạnh
phúc hay khổ đau trong Phật giáo đều do kỹ năng nắm vững hay thất bại
trước việc làm chủ cảm xúc bản thân. Phật giáo chia thành hạnh phúc
thành hai nhóm: Hạnh phúc giác quan và hạnh phúc thật sự.
Hạnh
phúc giác quan bao giờ cũng mang tính điều kiện và sự tồn tại của nó
khoảng chừng 10 giây đến 30 giây, như một phản ứng trên bộ não, không có
lâu, phần lớn chúng ta lại đê mê như là một thói quen đối với hạnh phúc
giác quan mang lại.
Hạnh
phúc thật sự có mặt do ta biết làm chủ đời sống nội tâm, sống rất thật
sâu lắng, thấy rõ được đường đi nước bước của dòng tình cảm, thái độ,
cảm xúc, nhận thức, từ đó khi có những nghịch cảnh, chướng ngại diễn ra
ta có thể làm chủ được mình, việc làm chủ đó dần dà vượt qua được những
trở ngại. không đưa đến những thương tổn nào của cảm xúc và hành vi.
Tiêu thụ phim ảnh bạo lực
Ảnh
hưởng tiêu cực của phim ảnh bạo lực trong thời đại thông tin bùng nổ
hiện nay, diễn ra từng ngày từng giờ với chúng ta, là điều không thể phủ
định. Mỗi khi chúng ta xem một thông tin bạo lực trên TV, đài phát
thanh, báo mạng hay trên báo giấy, tâm lý chúng ta thường trỗi dậy một
trong hai khuynh hướng thông thường, hoặc là đồng tình, bênh vực hoặc là
kháng cự, chống đối với các nhân vật, hay các tình huống trong nội dung
mà ta quan sát.
Khi
xem một bộ phim chiến tranh ta có khuynh hướng thiên về phía chánh
nghĩa, tình thương, mối quan tâm, sự đồng cảm dễ dàng được thiết lập với
những nhân vật mình bắt gặp. Đồng thời lúc ấy ta cũng trỗi dậy một cảm
xúc khác, đó là kháng cự, hận thù, căm ghét đối với phía được cho là phi
chánh nghĩa, vốn đó là một bộ phim dựng lại từ biến cố lịch sử, thậm
chí có khi tình huống đó lại là hư cấu, phản ứng của chúng ta vẫn đính
kèm theo những thái độ, thuận bên này và nghịch bên kia.
Ảnh
hưởng của phim ảnh tác động vào kho tàng tâm thức chúng ta từng ngày
từng giờ. Nếu cha mẹ không theo dõi kỹ lưỡng các biểu hiện của con em
thay đổi về hành vi, hoặc để chúng quá tự do trong việc giải trí, phim
ảnh đến các rạp xinê mà không biết các nội dung mà các em xem là cái gì,
thì con em chúng ta sẽ tích nạp hướng tăng dần các hạt giống hành vi
bạo lực. Khi vào lớp học chỉ cần một bất mãn nho nhỏ, bắt gặp một khiêu
khích của bạn nào đó, hoặc một câu nói tức khí thôi các em sẽ thể hiện
như là một bản sao 50%, 70% thậm chí 100% từ nhưng hình ảnh mà các em đã
được thâu nạp qua phim ảnh, sách báo, qua các phương tiện truyền thông.
Tiêu thụ phim ảnh bạo động theo kinh Phật thuộc dạng bạo lực thức thực.
Nghĩa là chúng ta tiêu thụ bằng tâm thức, khi ta xem một bộ phim là
mình đang tiêu thụ bộ phim đó vào trong cơ thể, và nó diễn ra cơ chế hai
chiều, ta nghĩ rằng mình đang tiêu thụ bộ phim, đồng thời bộ phim cũng
đang tiêu thụ tâm lý chúng ta. Do vậy dòng cảm xúc của con người trỗi
dậy rất rõ ràng, vui buồn, hưng phấn, hay chán nản, tùy theo nội dung
một phim tác động đến chúng ta. Những thực phẩm đó đã được chúng ta tình
nguyện đưa vào bằng cách trả tiền, thông qua các dịch vụ và phương tiện
tiêu thụ. Thiếu sự đắn đo, chọn lựa
trong việc tiêu thụ thức thực, chúng ta sẽ trở thành nạn nhân của quyết
định đó. Đến lúc nào đó chúng sẽ là chủ nhân tiêu thụ lại chúng ta, và
chúng ta phản ứng hành động bạo lực đó một cách tự nhiên mà không kiểm
soát được.
Có
người bình thường bản tính rất điềm tĩnh, vui vẻ, dịu ngọt do tính cách
xuề xòa, nhưng khi tiêu thụ các loại phim ảnh bạo lực, các hình thức võ
đài, các loại võ thuật khác nhau nhiều, thì hành vi bạo lực có sẵn sẽ
được tăng trưởng ngày càng lớn lên. Đến một ngày nào đó ta cũng có các
hành vi bạo lực như thế. Đây cũng là điều phần lớn các bậc phụ huynh và
nhà trường không quan tâm.
Các trò chơi điện tử
Một
nguyên nhân khác dẫn đến việc tiêu thụ thức thực theo Phật giáo là
nghiện các trò chơi điện tử mang tính bạo lực. Ngày nay có khuynh hướng
mua vui các trò chơi điện tử tại nhà hoặc trực tiếp từ Internet. Việc
tiêu thụ các trò chơi bạo lực này đó đã trở nên nguy hại cho hạnh phúc
hiện tại và tương lai sự nghiệp của các em và gia đình. Khi một em mải
mê từ thái độ tâm lý muốn tìm hiểu cái gì mình chưa biết, một lý giải
như là một phương tiện giúp cho mình thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn trong việc ứng xử, các em dần dà trở thành một con nghiện.
Nhiều
bậc cha mẹ suy nghĩ rất đơn giản, thương con là có trách nhiệm nuôi
con, đồng nghĩa là chu cấp cho con về vật chất, sự sống, học phí, tiền
bạc chi tiêu như thế là đủ, mà không quan tâm về nhân cách, diễn biến
tâm lý, hành động của các em. Cho tiền các em quá nhiều, mua laptop mà
không sử dụng nhu cầu cho việc học tập, điều đó lại trở thành mối đe
dọa, mà các em đã dần dà được các phương tiện trợ giúp, tiêu thụ bạo lực
qua các trò chơi bạo lực online ở nhà.
Từ
lớp 10 trở lên, nhu cầu nghiên cứu bắt đầu được đặt ra. Trẻ em có thói
quen bắt chước, cha mẹ mua laptop, phim ảnh cho các em sử dụng mà không
giám sát, cho nên phần lớn các em đã trở thành nghiện game online mức độ
báo động. Ở VN hiện nay có khoảng 30 triệu người sử dụng Internet, giới
trẻ chiếm trên 70% trong số đó và mức độ nghiện báo động của giới trẻ
nghiện game online không phải là nhỏ. Điều này đã làm cho rất nhiều gia
đình mất hạnh phúc. Cách ứng xử trước nỗi khổ, niềm đau đó đã làm cho
nhiều cha mẹ bất hòa, ảnh hưởng trực tiếp đến thảm cảnh gia đình.
Hiện
nay Ấn độ và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu trong việc thành lập các
trung tâm cai nghiện game online. Các em thường được cha mẹ gởi đến,
thời gian học từ 1 tháng đến 6 tháng tùy theo mức độ nghiện.
Theo
nhận định chung, em nào có thói quen sử dụng các trò chơi bạo lực từ 3
tiếng đồng hồ/một ngày thì được coi là nghiện, em đó cần được đưa đến
trung tâm để điều trị. Có em sử dụng từ 6 tiếng đến 12 tiếng/một ngày,
thì mức độ thay đổi về tâm sinh lý diễn ra khá nguy hại, phần lớn các em
có biểu hiện như: béo phì, trầm cảm, dấu hiệu tâm thần nặng nhẹ khác
nhau. Nếu cha mẹ không để ý và không hề quan tâm đến thì có thể trong
tương lai cha mẹ đó sẽ mất đi đứa con của mình, vì các em đó không còn
bình thường nữa. Cho nên sự nỗ lực giám sát các em từ phía cha mẹ là
cách giúp cho các em vượt qua những khó khăn.
Bản sao từ lối sống của người thân
Những
tác động trực tiếp từ cách sống của cha mẹ và người thân trong gia đình
đối với con cái là điều không thể phủ định. Cha mẹ thường được xem là
người mẫu nhân cách về đạo đức cho con cái trong gia đình. Nếu cha mẹ
ứng xử hài hòa, tôn trọng lẫn nhau, tránh các hình thức gia trưởng,
không trọng nam khinh nữ, thì con cái sẽ trực tiếp tiêu thụ phong cách
đạo đức đó. Về sau khi lớn lên, con cái có nhân cách rất chuẩn mực,
thoát khỏi các trở ngại về hành vi bạo lực nơi học đường và xã hội sau
này.
Trong
thực tế không phải gia đình nào cũng may mắn có người cha, người mẹ có
phong cách hài hòa, hiền hậu, kiên nhẫn vượt qua những trở ngại với
nhau. Phần lớn nhiều gia đình có hành vi bạo lực từ người chồng, người
vợ và có khi từ cả hai. Nguyên nhân bạo lực có trăm kiểu cách. Khi bạo
lực gia đình có mặt từ người lớn, các em ngại tiếp xúc với họ và có cảm
giác bị ngạt thở ngay chính trong ngôi nhà của mình, theo đó, niềm tôn
kính cha mẹ nơi các em mất dần. Đến lúc nào đó không được chuyển hóa,
qua những khó khăn được tích tụ theo năm tháng trong tâm, không được
quan tâm đến, các em trở thành bản sao của cha mẹ mình, vì vậy sẽ là mối
nguy hại đến nhân cách của các em.
Ở
VN chưa có các cuộc nghiên cứu về tác động bạo lực gia đình từ cha mẹ
hoặc người thân đối với trẻ em dẫn đến bạo lực học đường hoặc xã hội ở
lứa tuổi vị thành niên. Việc nghiên cứu mối liên hệ giữa bạo lực gia
đình và bạo lực học đường là một nhu cầu rất là cần thiết. Chắc chắn nó
có mối quan hệ kéo theo rất lớn. Cha mẹ cần phải gương mẫu, biểu hiện
nhân cách chửng chạc. Khi có mối bất hòa với nhau, đừng lớn tiếng cãi vã
trước mặt các em. Khi có mặt con em ta lấy cớ làm hòa với nhau. Làm hòa
là cớ hoãn binh để cho sự phẩn uất của hai bên giảm thiểu đến mức tối
đa, nhân cơ hội đó làm hòa thật sự để gia đình
không bị thương tổn. Con em ngày nay có thể nhìn thấy một cách rất tinh
tế từ biểu hiện ánh mắt, sắc diện, cử chỉ tay chân, cách thức cha mẹ
nói chuyện, thậm chí ngữ điệu. Chúng dễ nhận biết cha mẹ mình đang có
những bất hòa, dẫn đến nhiều ám ảnh vè sau. Vì hạnh phúc của con em, cha
mẹ cố gắng vượt qua không để cho chúng chứng kiến. Những ứng xử mang
tính tế nhị có thể trở thành bài học quan trọng, giúp cho chúng khắc
phục được nguyên nhân bạo lực học đường và xã hội trong tương lai. Cha
mẹ có lối sống hài hoà có thể giúp cho con em vượt qua được các thói
quen nóng giận, cãi vã, tranh chấp và bạo lực.
Nhiều
cha mẹ nghĩ rằng mình là chủ nhân của ngôi nhà mặc sức quát tháo khi có
điều gì không hài lòng với con của mình. Vì tôn kính cha mẹ nhiều con
em chịu đựng, một số tỏ ra bất hiếu làm cho cha mẹ tức giận hơn, và cuộc
đấu khẩu với cha mẹ, thậm chí có trường hợp con cái đánh lại cha mẹ sẽ
diễn ra. Về phương diện tâm lý học, hành vi ngỗ nghịch của những đứa con
bất hiếu hoặc bất hiếu qua ngôn ngữ đối với cha mẹ cũng là biểu hiện
bình thường của bạo lực gia đình. Ta không loại trừ bất cứ khả năng nào
có thể xảy ra. Tốt nhất là phòng ngừa hành vi ngỗ nghịch hơn để nó xuất
hiện rồi mới nỗ lực ngăn chận. Do đó, việc cha mẹ
làm điển mẫu về nhân cách sẽ là yếu tố giúp cho con cái không vướng vào
bạo lực học đường về sau.
Tiêu thụ rượu bia và chất gây nghiện
Việc
tiêu thụ các loại độc tố có chất gây say như rượu bia, ma túy tổng hợp,
có khả năng dẫn đến các hành vi bạo lực học đường ở giới trẻ. Phật giáo
nhận thấy rất rõ tính tiềm tàng rất nguy hiểm của các loại độc tố này
đối với nhân cách của con người và và hòa bình thế giới, ít nhất nó là
nguyên nhân kéo theo một cách gián tiếp. Một người không thể làm chủ
hành vi của mình được, ngay sau khi đưa các loại chất gây say vào trong
cơ thể như là một sự mua vui. Phần lớn người tiêu thụ chất gây say sẽ
không thể kiểm soát hành vi và lời nói, nên dễ gây hấn, đánh đập, giết
người v..v…
Tôi
có nhiều cơ hội chia sẻ với các phạm nhân hình sự bị phạt tù từ 20 năm
tù đến chung thân. Sau khi chia sẻ tôi có cơ hội giao lưu tiếp xúc với
họ. Có những người nông dân chất phát hiền lành, suốt đời gương mẫu,
nhưng do uống rượu nhân ngày lễ giỗ cha mẹ hoặc đám cưới
của người thân bị người khác khích bác, chịu không nổi, phản ứng tự vệ
trong cuộc đánh nhau, cầm dao đâm, cuối cùng người chết kẻ đi tù.
Rõ ràng việc uống rượu làm cho con người mất đi nhân cách là chuyện chúng ta
không thể phủ nhận. Phần lớn xã hội không quan tâm đến các nguyên nhân
gián tiếp nhưng vô cùng nguy hiểm này. Mặt khác các nhà sản xuất rượu
bia, các loại độc tố gây say thường đóng thuế cho chính phủ của họ rất
cao, cho nên các quốc gia không thấy đó là mối đe dọa nhân cách và gián
tiếp tạo ra các nguyên nhân bạo lực học đường ở mức độ trực tiếp hoặc
gián tiếp trong nhiều lãnh vực khác nhau.
Tại
Ấn độ, một đất nước có nền tâm linh tôn giáo phong phú nhất trên hành
tinh hiện nay, và có nhiều tôn giáo nhất, nạn thất nghiệp cũng nhất nhì
toàn cầu, mù chữ và nghèo trên 70%, nếu không có những phương pháp ngăn
chặn thì có lẽ xã hội đó là nơi có những khổ đau nhiều nhất trong giới
trẻ. Rất may chính quyền Ấn độ có những phương pháp ngăn chặn bạo lực
gia đình, bạo lực học đường, bằng cách cấm không cho buôn bán rượu bia,
thuốc lá ở nơi công cộng vào giờ hành chánh. Rượu bia chỉ được bán từ
lúc 6 giờ đến 8 giờ, vào mùa đông thì sớm hơn từ 5 giờ đến 7 giờ. Khi
mua thì người tiêu thụ mang về nhà uống, không được uống tại
quán. Chỉ có một số quán Bar với điều kiện đặc biệt có cư dân ngoại
quốc sinh sống mới được cấp giấy phép bán rượu và uống tại quán. Nền văn
hóa Ấn độ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Người ta mặc
định với nhau, người nào tiêu thụ rượu bia là thuộc về giai cấp thấp,
tự làm giảm nhân cách và không được đánh giá cao về nhận thức. Giới trí
thức và giới thượng lưu nếu vướng vào nghiệp tiêu thụ rượu bia này thì
phải lén lút ở nhà chứ không dám tiêu thụ nơi công cộng. Tại các trường
đại học, trung học và tiểu học ở Ấn độ hiếm khi thấy cảnh huống thầy
giáo hoặc học sinh hút thuốc trong trường hoặc ngoài đường phố. Chính
nhờ nền văn hóa khắt khe đó, người ta đã ngăn cản được những tệ
nạn xã hội do các loại độc tố gây say tạo ra, nhờ đó, giới trẻ ít có
các hành vi bạo lực học đường hơn các quốc gia khác.
Ở
VN chưa có những qui định khắt khe ngăn cấm rượu bia. Các quán rượu bia
ở VN được xem là nhiều nhất nhì thế giới tính theo tỷ lệ dân số và mật
độ dân cư. Điều đó đe dọa hạnh phúc của con người chứ không chỉ riêng là
thảm trạng bạo lực học đường. Nếu cha mẹ không quan tâm đến việc tiêu
thụ của con em, dễ dãi cho chúng hút thuốc, uống rượu bia, sử dụng các
chất ma túy tổng hợp, thì việc thể hiện cái “tôi” do sự phẫn nộ gây ra,
có thể dẫn đến những hành động đánh lộn, thanh toán, giết người, có thể
xảy ra với bất cứ ai, ở đâu và bất cứ lúc nào.
Theo
đạo Phật việc uống rượu vi phạm vào điều đạo đức thứ 5, mặc dầu nó
không bị luật pháp nào cấm. Biến đổi nhân cách và tệ nạn xã hội được xem
là tiềm tàng từ rượu gây ra là rất lớn. Khi bị say xỉn, con người thay
đổi nhân cách, cảm xúc và dễ gây sự với người khác. Đức Phật khuyên các
tín đồ của Ngài từ bỏ bằng sự tự nguyện các phương tiện uống rượu. Về
phương diện đạo đức học, đức Phật còn liệt việc sản xuất rượu bia và các
chất gây say khác và những loại ma túy tổng hợp vào nghề “tà”. Là phật
tử thì không được sản xuất, buôn bán, tiêu thụ và không khuyến khích ai
vướng vào nghiệp này.
Tiêu thụ rượu và ma tuý là một trong năm loại nghề nghiệp mà người Phật tử phải tránh. Các nghề còn lại là:
- Sản xuất mua bán vũ khí, dẫn đến giết người hàng loạt.
- Sản xuất các loại độc dược, dẫn đến các hậu quả tiêu cực đối với sự sống.
- Đường dây buôn bán nô lệ, chà đạp nhân phẩm con người.
- Nghề buông hương bán phấn làm cho con người chỉ biết hưởng thụ, mất trách nhiệm với gia đình.
- Nghề đồ tể, giết các loại gia súc khác nhau.
Đạo
Phật có những qui định về đời sống đạo đức khác rất nhiều với các tôn
giáo. Việc uống rượu và sản xuất rượu, sử dụng các chất gây say, tàng
trữ mua bán các thứ đó được xem là vi phạm đạo đức của Phật giáo.
Thiếu sự quan tâm của gia đình và nhà trường
Nguyên
nhân khác của bạo lực đó là sự thiếu giáo dục chuẩn mực của gia đình và
sự thiếu quan tâm của nhà trường. Hai nguyên nhân này đã được báo chí
và xã hội đang quan tâm thảo luận rất là nhiều, qui mọi trách nhiệm cho
nhà trường và gia đình. Chúng ta đang gióng lên những hồi chuông, ý thức
xã hội về trách nhiệm gia đình và nhà trường đối với các hành vi bạo
lực học đường, nhằm giúp cho giới trẻ chuyển hoá được những hành vi bạo
lực đó.
Nhà
trường ngày nay tại VN và nhiều quốc gia trên thế giới hầu như không có
môn hoc nào về kỹ năng làm chủ cái “tâm”, vốn được xem là kiến trúc sư
của hành vi. Tâm sân sẽ tạo ra hành vi bạo lực học đường và gia đình.
Hiện nay, nhà trường giống như các cơ quan khác, chỉ có kỷ luật và khen
thưởng. Khen thưởng những ai có công, đóng góp nhiều cho đơn vị đó và kỷ
luật những ai có hành vi trái với phép tắc được đặt ra, nặng hay nhẹ
tùy theo tình huống. Theo Phật giáo, đó chỉ là cách ngăn chặn, thông qua
sự trừng phạt, dấy lên sự sợ hãi để các em tránh vi phạm. Nếu ta không
có những bài học về đạo đức giúp cho các em vượt qua những khó khăn
khi những bạo lực trỗi dậy trong tâm, các em sẽ không biết kỷ năng vượt
lên như thế nào, khi tình huống ngang trái xảy ra thì các em lại tiếp
tục trở thành nạn nhân của chính mình, đồng thời gây khổ đau cho bạn
đồng lứa. Chữa lửa phải chữa từ nguyên nhân chứ không phải chữa khi nó
xảy ra rồi, thì kết quả mới đạt được ở mức độ cao.
Nhiều
cha mẹ chỉ lo làm giàu không dành thời gian cho gia đình, không có bữa
cơm chung, không có giờ sinh hoạt chung, tư vấn cho con cái như một
người thầy, như một người bạn. Chỉ lo chu cấp về tiền bạc thôi thì không
thể nào đảm bảo sự trưởng thành về nhân cách cho con em mình. Thầy giáo
dù có trách nhiệm thế nào đi nữa thì cũng không đủ thời gian giám sát
vài chục em trong cùng một lớp. Cho nên cha mẹ nào có thói quen đặt tất
cả trách nhiệm cho nhà trường là một sự sai lầm và khó tránh khỏi những
tình huống đáng buồn, khi con mình có những hành vi bạo lực trong nhà
trường và có khi cả trong gia đình nữa.
II. GIẢI PHÁP ĐỐI VỚI BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG
Bạo
lực học đường đang là mối quan tâm của toàn xã hội, của mọi tôn giáo,
của các bậc làm cha mẹ, với sự nối kết chặt chẽ của mọi thành phần trong
xã hội bằng một tình yêu bao dung, nhân hậu, tin chắc rằng bạo lực học
đường sẽ tìm ra được phương hướng giải quyết đúng đắn, đem lại sự hài
hòa, yên vui cho con em chúng ta, cho gia đình, nhà trường và cho toàn
xã hội.
Theo quan niệm của nhà Phật thì nếu
cần phải làm một cuộc thánh chiến thì tất cả nhân loại chúng ta phải
nối kết lại chống lại các kẻ thù chung của toàn nhân loại đó là, tham lam, sân hận và si mê vì nó có mặt chỗ nào thì hạnh phúc, hòa bình bị đe dọa chỗ đó.
Chỉ
có tình yêu bao dung, nhân hậu mới có thể cảm hóa được con người quay
về với chính nghĩa. Một ngọn nến sẽ là điểm sáng soi đường cho người đi
trong đêm tối, nhiều ngọn nến cùng thắp lên một lúc sẽ xua tan màn đêm,
giúp cho con người tin tưởng, an bình bước đi trong niềm vui, hạnh phúc,
và mầm xanh đất nước mới có cơ hội đâm chồi, nảy lộc và vươn cao.
Giải pháp trì hoãn phản ứng
Trì
hoãn chỉ là giải pháp tạm thời. Khi ta có cảm giác bất an, sợ hãi, buồn
phiền, bất mãn, bực dọc, thông thường ta có thói quen phóng xả ra. Nền
tâm lý học phương Tây cho phép dựng nên hình nộm để ta đâm chém, đốt,
chặt, chửi bới, phỉ nhổ, chà đạp v. v mà không vi phạm luật vì ở đây
không có người thật bị xỉ nhục và thương tổn. Ứng xử sân hận này chỉ có
thể giải quyết tạm thời, làm cho tâm giận được nguôi ngoai. Nhưng đâu
ngờ rằng, cứ mỗi khi xả giận như thế thì hạt giống bạo lực lại thêm môt
lần nữa được gieo trồng một cách chính qui, đến một lúc nào đó sự đè nén
thay thế đối tượng người thật thành hình tượng nộm
không còn mức cho phép thì lúc đó bạo lực được thể hiện ra với mức tàn
phá rất lớn.
Đạo
Phật không khích lệ phương pháp thay thế đó mà dạy chúng ta nghệ thuật
trì hoãn có chánh niệm. Thí dụ, một bạn học sinh cùng lớp nói nặng lời
bằng cách văng tục với một bạn khác. Bạn này tức lắm, không hài lòng có
thể đánh nhau. Nghệ thuật trì hoãn dạy chúng ta là hít thở thật sâu, mỗi
một đơn vị hít thở dài khoảng từ 8 đến 10 giây tùy theo từng người,
đừng đè nén nó. Và hít một hơi thật sâu vào bên trong, khi cuối sức chịu
đựng, ta dừng lại từng hai giây, để cho thanh khí từ bên ngoài đi vào
bên trong được giữ và vận hành trong toàn thân ta, làm cho máu được tươi
nhuận, sự trao đổi chất được tốt, nơ-ron thần kinh được làm mới;
sau đó ta thở ra một hơi thở nhẹ nhàng sâu lắng dài bằng chiều dài hơi
thở hít vào. Trong khi hít thở ta quán niệm: “Nỗi khổ niềm đau không phải là tôi, tôi không được nhảy vào nỗi khổ niềm đau này”. Đau khổ là từ kép, đau thuộc về thân, khổ thuộc về tâm.
Trong
tình huống bị người khác đánh thương tật tạm thời hoặc vĩnh viễn, ta
vẫn phải tự quán niệm như vậy để ta không làm thay thế chức năng của
luật, nhất là luật giang hồ. Như vậy lỗi chỉ nằm ở một người, người còn
lại thoát khỏi cái lỗi phản ứng từ tâm sân. Nhờ đó, nỗi đau trong tâm
dần dần được phóng thích đi và ta thoát ra khỏi nó một cách dễ dàng.
Phương
pháp trì hoãn dù có giá trị tạm thời nhưng rất cần thiết. Để trì hoãn
ta cần thoát ra khỏi không gian nơi mà nỗi đau, hay những bất mãn xuất
hiện. Thoát khỏi không gian đó thì tự động ta được thay thế bằng một
không gian khác. Trì hoãn là không bạo động để những nỗi đau, bất mãn đó
không có cơ hội trỗi dậy, để ta không bị cuốn hút vào tình huống hận
thù, như thế là ta đang tự cứu chính mình.
Quán vô ngã
Vô ngã có nghĩa đen là “không phải là tôi, không phải là tự ngã của tôi, không phải là sở hữu của tôi.” Đó
là 3 mệnh đề, có giá trị rất lớn, giúp chúng ta vượt qua những dòng cảm
xúc khổ đau cho chính mình hay những người thân. Nỗi đau thường gắn kết
với thân thể và tâm lý. Phật học chia: “đau thuộc về thân, khổ thuộc về tâm”. Tâm gồm 4 phương diện: “cảm xúc, ý niệm, tâm tư, nhận thức”. Phần
lớn khi bị khổ có người qui cả 4 niềm đau này về mình, nên nỗi khổ niềm
đau đó trở nên lớn hơn, vì con người có khuynh hướng cường
điệu hóa trên sự tưởng tượng.
Ví
dụ: Khi bị đối xử bất công, bị đánh đập, nỗi bất mãn trỗi dậy trong ta,
rồi tự hỏi tại sao những nỗi bất hạnh đổ trút trên đầu tôi, tôi là kẻ
bất hạnh nhất trên cuộc đời này. Tuy bất hạnh thật nhưng ta không phải
là bất hạnh nhất, và bất hạnh đó không có nghĩa là ta mất tất cả những
hạnh phúc còn lại. Theo Đức Phật, khi còn khỏe, còn hơi thở, còn cơ hội
sống, còn làm được điều tốt thì ta vẫn là người có ý nghĩa, có giá trị
và hạnh phúc rồi. Đừng đánh đồng nỗi khổ niềm đau nào đó với tất cả bất
hạnh của bản thân. Tính cường điệu hóa là dòng cảm xúc được tăng trưởng,
giãn nở mà vốn nó trên thực tế không
nhiều đến thế.
Luật
có cán cân công bằng, hãy để cho luật làm vai trò trừng phạt kẻ xấu.
Với tư cách nạn nhân, ta không nên làm thế chức năng của luật và toà án.
Ví
dụ, một người bị bắn 1 mũi tên từ phía sau, ngã quị, đau nhức, cơn sân
trỗi dậy mãnh liệt. Thông thường dòng cảm xúc của nhiều nạn nhân là muốn
trả thù, tìm xem ai là kẻ chủ mưu, ai là kẻ thực hiện, ai là kẻ đồng
lõa, và nghĩ rằng mình phải có trách nhiệm trả thù để giải quyết nỗi khổ
niềm đau này. Theo các phim võ công Trung Quốc, sự trả thù trong giang
hồ như thế là anh hùng, nhưng theo Phật giáo đó là sự nguy hiểm, vì nạn
nhân đang làm kiêm nhiệm chức năng của luật và thẩm phán. Theo Phật
giáo:
- Thay
vì ta giận dữ, truy tìm đâu là người hại mình để trả đũa, cách tốt nhất
là ta bẻ gãy mũi tên và rút mũi tên ra một cách an toàn.
- Dùng các phương tiện y khoa hoặc trợ giúp y khoa nếu có để chữa lành vết thương.
- Nếu
không thực hiện như thế thì đừng mang trong tâm niềm oán hận trả thù.
Dù công lý không được thực hiện do không đủ bằng chứng hoặc được bao che
thì ta vẫn phải tin vào công lý của nhân quả, nó sẽ diễn ra trong vài
năm, vài chục năm, thậm chí là kiếp sau. Theo toà án nhân quả, kẻ làm
xấu, làm ác sẽ gánh lấy hậu quả khổ đau. Như thế là ta không đánh đồng
nỗi đau đó với chính mình, ta không xem kẻ chủ mưu, kẻ tham gia là kẻ
thù của ta, cho nên lòng sân vốn gây ra các loại bạo lực không có cơ hội
phát triển.
Để
vượt qua các loại bạo lực học đường nơi các trẻ em và các loại bạo lực
gia đình từ người lớn, thực tập vô ngã sẽ giúp ta sống “hiểu và thương”,
nhờ đó, được hạnh phúc.
Thái
độ hữu ngã thường lấy cái tôi làm trọng tâm. Khi một người đang ngủ say
trên chiếc thuyền, bỗng dưng có một chiếc thuyền khác đâm sầm vào làm
anh ta mất giấc ngủ. Phản ứng của anh ta là ngồi dậy chửi đổng, nhảy qua
chiếc thuyền kia tìm thủ phạm để chửi bới hoặc đánh nhau. Nhưng khi có
mặt trên chiếc thuyền kia, lục soát toàn bộ không tìm thấy ai cả, anh ta
trở về thuyền mình và ngủ tiếp. Câu chuyện cho thấy rằng khi ta thấy
không có kẻ chủ mưu, không có người thực hiện tạo ra nỗi khổ niềm đau
trên ta, thì ta dễ dàng tha thứ, bỏ qua.
Thỉnh
thoảng trong cuộc đời ta có loại ứng xử vô ngã như thế mà ta không để ý
đến, đồng thời cũng không thấy hết các giá trị tích cực của nó, để áp
dụng trong những tình huống bị gây hấn bị kiếm chuyện. Nếu các em học
sinh được hướng dẫn từ nhỏ những phương pháp như vậy, thì các loại bạo
lực học đường ít xảy ra.
Thay thế đối tượng trực tiếp
Bằng
cách thay đổi đối tượng trong ta, ta bớt đi những bực tức, cau có. Việc
thay thế đối tượng có thể thực hiện bằng nhiều cách, tùy theo tâm lý
của từng người. Áp dụng đúng đối tượng thay thế sẽ giúp cho người đó đạt
được thành công như mong đợi.
Trong
phật giáo có Phật Bồ tát Quan Thế Âm, vị Bồ Tát Đại Từ Đại Bi lắng nghe
nỗi khổ niềm đau của con người. Là phật tử theo truyền thống Đại Thừa
không ai không biết vị Bồ Tát này. Khi bị khổ đau, ta nói: “Con kính lạy Đức Bồ Tát Quan Thế Âm, vị Bồ Tát tình thương, con quay về nương tựa Ngài”,
thì lúc đó tâm chúng ta không thấy bị thương tổn; trái lại, ta thấy cảm
thương người gây hấn vì người đó đang sống trong vô minh, sân hận, bất
hạnh và gây nỗi khổ cho chính họ và người khác trong đó có ta. Quán
chiếu này giúp ta thay thế tâm trạng căm hận bằng tâm từ bi.
Là
người Công giáo, đương sự có thể nghĩ đến Đức Mẹ Maria hay một vị thánh
nào đó. Mỗi khi nhắc đến hình ảnh của vị đó, ta liên tưởng một người
cao thượng, tha thứ, bao dung… thì ta không xem người gây lỗi kia là kẻ
thù mình.
Theo Đức Phật: “Con người không phải là kẻ thù của con người”. Sân hận và si mê là kẻ thù chung của nhân loại.
Nếu cần phải làm một cuộc thánh chiến thì theo Phật giáo tất cả nhân
loại chúng ta phải nối kết lại chống lại các kẻ thù tham sân si đó, vì
nó có mặt chỗ nào thì hạnh phúc, hòa bình bị đe dọa chỗ đó. Việc quán
tưởng đến những hình ảnh cao thượng có khả năng chuyển hóa các hành vi
bạo lực, và giúp cho ta giảip hóng được nỗi đau trong tâm. Biết quán
tưởng những hình ảnh tích cực, mỗi khi nỗi đau nào đó xuất hiện, ta dễ
dàng quên đi nỗi đau bằng hiểu biết,
bao dung và tha thứ.
Trong
các quan hệ dân sự, các tổ chức xã hội đều có nội qui. Khi ai đó có lỗi
nên báo cấp trên, tuỳ theo tình huống mà áp dụng nội qui xử phạt những
người gây lỗi. Là nạn nhân, ta không làm thay thế chức năng của luật và
tổ chức.
Thực tập thiền
Thiền
làm cho người thực tập trở nên điềm tĩnh trước những thăng trầm của
cuộc đời. Dù thành công hay thất bại, người tập thiền không bị cuốn hút
theo cảm xúc và những biến thiên của cuộc đời. Thực tập thiền trong Phật
giáo có 4 đối tượng: thân thể, cảm xúc, tâm và những biểu hiện trong tâm.
Đối với thân thể: Ta thấy rõ đó là từ sự phối hợp của tinh cha, trứng mẹ, có mẫu số chung về nghiệp trong quan hệ họ tộc mà mình sinh ra. Thân
thể này được cấu trúc gồm 36 yếu tố, xương tóc rằng, móng v...v... nó
không phải là cái gì đó vĩnh hằng. Cái gì được cấu tạo mang tính tổ hợp,
cái đó mang tính điều kiện, cái gì mang tính điều kiện cái đó bị sức vô
thường chi phối, cái gì bị sức vô thường chi phối cái đó bị tấn công.
Do vậy, khổ đau có thể trỗi dậy trong tâm chúng ta, bất cứ khi nào và ở
đâu, từ phía chủ quan hay khách quan. Nhờ quán chiếu, ta thấy điều đó là
một hiện thực. Thấy
như vậy ta không nô lệ cho nỗi khổ đau của chúng ta, ta không cường
điệu hóa nỗi đau. Hít thở thật sâu, nhẹ nhàng, thư thái ta thoát ra khỏi
các hệ lụy trên thân thể này.
Quán niệm cảm xúc:
Cảm xúc bao gồm hạnh phúc, khổ đau, sầu bi, trung tính và cảm xúc thanh
tịnh sâu lắng. Tùy theo thói quen và mức độ thực tập mà ta có, hoặc
sống với một trong năm dòng cảm xúc đó. Khi một dòng cảm xúc sân hận
xuất hiện có biểu hiện bạo lực trong tâm, hãy vẫy tay chào với nó mà hãy
trở về cảm xúc thanh tịnh. Hít thở bình an, hạnh phúc trong tâm, quán
niệm trong tâm như thế ta sẽ giúp ta bỏ qua những người đang kiếm chuyện
với mình.
Quán niệm về tâm: Tâm gồm các cặp phạm trù: tâm thiện, tâm ác, tâm tích cực, tâm tiêu cực, tâm bạo lực, tâm từ bi, tâm có hiếu, tâm bất hiếu v..v.....
có hằng trăm cặp phạm trù tâm lý của con người. Ta cần thấy rõ cái tâm
nào trỗi dậy, ta phải ghi nhận, nếu là tâm tích cực thì ta theo nó, nếu
là tâm tiêu cực thì ta vẫy ta chào nó. Không nên tạo ra áp lực đè nén,
ức chế, vì như thế nó sẽ bùng phát mạnh hơn trong tương lai.
Ý niệm trong tâm:
Ý niệm gồm nhóm đối tượng chính: Nhóm đối tượng quá khứ, nhóm đối tượng
tương lai và nhóm đối tượng hiện tại. Phần lớn chúng ta bị kí ức kéo về
quá khứ, hoặc sự mộng tưởng kéo ta về tương lai và theo Đức Phật, ai
không sống theo giây phút hiện tại bằng chánh niệm, nghĩa là thấy rõ
mình và làm chủ được mình, thì người đó không có hạnh phúc đích thực.
Ai
sống kí ức quá khứ thì người đó không có khả năng hạnh phúc trong hiện
tại, vì kí ức quá khứ thường trỗi dậy 2 phản ứng, hoặc là hâm nóng khổ
đau, nếu nỗi đau đó đã diễn ra trong quá khứ, nếu điều ta nghĩ đến là
cái gì đó rất đẹp, thì dòng cảm xúc tiếc nuối sẽ trỗi dậy, làm chúng ta
quên hiện tại, dồn quá nhiều năng lượng tâm trí cho chuyện không còn
nữa, cho một trang sách đã qua.
Dự
án kế hoạch chương trình cần được thực hiện theo những cơ chế nhân quả,
nếu ta không thiết lập nền tảng đó sẽ làm cho chúng ta sống trong ảo
mộng, phi hiện thực. Hãy quay về với hiện tại ta mới thấy những gì đang
biểu hiện trong tâm, con người ta trở nên bình an sâu lắng.
Mỗi
ngày nên thực tập thiền 2 lần, mỗi lần khoảng 30 phút, sáng và trước
khi đi ngủ, sức khỏe được tăng trưởng các bệnh tật được khắc phục. Tập
thiền là một phương pháp phi tôn giáo. Đó là sự chăm sóc về sức khỏe, về
tâm lý, về hành vi, chăm sóc hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Thực
tập thiền cần được hướng dẫn phương pháp căn bản. Khi có những dấu hiệu
thay đổi trong tâm người thực tập được hướng dẫn để giúp vượt qua.
Kính chúc an lành
Thích Nhật Từ