Những
ngôi nhà chìm trong biển nước, những ngôi làng bị cô lập như một ốc
đảo, số người chết và mất tích tăng lên hàng giờ, khung cảnh dân tình
đi sơ tán nhếch nhác, chật chội và thiếu thốn.
Nơi đó, nó có
ông bà, bố mẹ và các em cũng đang phải vật lộn với bao khó khăn. Biết
tính nó hay lo, tối qua bố đã tìm mọi cách báo tin cho nó: Nhà mình
đang tá túc ở Ủy ban xã con ạ, chật chội một tý nhưng cũng ổn. Hàng cứu
trợ cũng đến nơi rồi nên cũng không phải nhịn đói đâu, con đừng lo. Rồi
bố hỏi nó Hà Nội Đại lễ có đẹp không? Có vui không? Con có đi chơi được
nhiều không? Trong điện thoại, giọng nó nghẹn đi rồi cúp máy.
Nó
là chị lớn trong nhà, học xong cấp ba ra Hà Nội học đại học. Đi học mà
nó mỗi năm chỉ có hè hay Tết mới được về nhà. Có lần, vào dịp nghỉ lễ,
một đứa bạn trong phòng hỏi nó:
- Nghỉ dài ngày thế, cậu không về thì ở đây làm gì? Không nhớ bố mẹ à?
Nó
lặng thinh, chính xác hơn là nó không nói được gì. Quê nó nghèo, nhà nó
cũng nghèo, ông bà nội cao tuổi đau ốm liên miên nên cái việc cứ được
nghỉ học là về quê như một điều hiển nhiên với bạn bè với nó lại là xa
xỉ…Khi đi học xa nhà nó đã phải nhịn rất nhiều thứ.
Nó đã nói
dối bố là nó đi chơi rất vui, chụp rất nhiều ảnh nhưng thực tế mấy ngày
hôm nay, ngoài giờ học nó tất bật với việc đi để kiếm tiền. Phố phường
Hà Nội những ngày này, trang hoàng thật đẹp nhưng nó đâu dư dả thời
gian để ngắm nhìn. Những buổi tối bạn bè thảnh thơi đi chơi thì nó phải
nhịn đói để ra Bờ Hồ bán băng-rôn, tối muộn về mua cái bánh mì nhai
trệu trao. Mỗi cái băng-rôn được vài nghìn gom góp lại cũng được một
khoản kha khá cho một đứa sinh viên nghèo như nó. Từ hôm qua đến giờ,
lòng nó không yên khi nghe đài báo nói nhiều về tình hình mưa lũ ở miền
Trung. Nó thấy thương quê mình quá.
Lũ rồi cũng sẽ qua nhưng
cái nghèo, cái đói lại bám riết mảnh đất vốn nghèo khó và khắc nghiệt.
Một câu hỏi cứ đeo đẳng trong đầu nó: Bao giờ quê mình hết nghèo.
Ngoài kia, phố phường vẫn đông vui, nhộn nhịp, trời hửng nắng, gió nhẹ nhưng trong lòng nó có mưa…
Bùi Thu Hoàn