Thật tình mà nói, tôi đã đọc bài thơ này
nhiều lần trước đây, nhưng lần này tôi chợt nghe hồn mình dâng lên niềm
cảm xúc kỳ lạ. Sự ngạc nhiên thích thú như lần đầu tiên đi vào thế giới
thi ca; thế giới của huyền thoại và hiện thực, của nhạc và thơ, của hoa
và cỏ, của trăng sương bảng lảng, của những gì mơ mộng và sâu lắng:
Sống với núi mà tình chưa hóa núi
Nên đôi khi lẩn thẩn một dòng sông
Lẩn thẩn cánh chim màu hoàng hôn ướt sẫm
Cùng rêu bèo xao xuyến nỗi sầu đông.
Tiếng ai hát mà bờ xa sóng vỗ
Đẩy con đò trôi hút cõi cô liêu
Rừng không ngủ và ngàn sao không ngủ
Tưởng lắng nghe chuông vọng bến Phong Kiều.
Sống như đá mà lòng chưa hóa đá
Lẩn thẩn trăng và lẩn thẩn cánh buồm khơi
Đốm lửa chài nhấp nhô miền hư ảo
Tưởng cùng ta nhấp nháy trái tim người.
Nên nỗi buồn cũng chàm rêu thành quách
Dòng sông đêm con nước chảy mơ hồ
Dăm tri kỷ tơ đàn xưa buốt lạnh
Thoảng mộng trường dăm bảy hạt sương khô!
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Đọc
lướt qua bài thơ ta có thể nhận ra ngay sự tài hoa của tác giả. Nhà thơ
đã phác họa rất thành công những hình tượng nghệ thuật thật sinh động.
Bài thơ được kiến trúc bằng ngôn ngữ và trái tim mẫn cảm của người nghệ
sĩ; nhưng để hồn lắng lại, người đọc sẽ nhận ra phía dưới lớp ngôn ngữ
lãng mạn, giàu chất trữ tình ấy còn ẩn chứa một vẻ đẹp trầm lắng. Một vẻ
đẹp hàm ẩn của thế giới tâm linh, của đạo Thiền vốn uyên áo không còn
giới hạn bởi ngôn ngữ.
Mở đầu bài thơ: “Sống với núi mà tình chưa hóa núi”. Lời thơ đẹp và thi vị quá!
Không
gian nghệ thuật là một ngọn núi, hay cả dãy núi mà ở đâu cũng có thể
có. Núi là nơi cách xa chốn phồn hoa đô hội, là nơi nương nhờ của muôn
loài hoang dã, là tổ ấm của những cánh chim tự do và cũng là nơi náu
mình của những hiền sĩ Đông phương. Vậy là quá rõ, chủ thể của bài thơ
chắc chắn là một ẩn sĩ “sống với núi”, nhưng “mà tình chưa hóa núi”.
Cảnh và tình được giới thiệu, bày tỏ trong một không gian nghệ thuật rất
riêng mà rất quen.
Núi vốn vô tư, an ổn, mặc cho gió mưa, nóng
lạnh, mặc bốn mùa thay đổi. Và trong không gian ấy, tác giả đã bộc lộ
nỗi lòng (tình) của mình không phải lạnh lùng như núi.
Không
lạnh lùng, vô cảm vì tình là cái muôn thuở dạt dào… mà cái tình của ẩn
sĩ là cái tình bao la. Nó không thể bị giới hạn bởi một nơi nào, nó luôn
vô lượng với trần gian khổ đau và khô cằn này, và rồi, vì tình không bị
giới hạn (chưa hóa núi) ấy mà ẩn sĩ thấy mình “Đôi khi lẩn thẩn một
dòng sông”.
Cái đẹp, cái hay của bài thơ được dệt nên qua hai câu
đầu tạo thành một khung cảnh trữ tình, thơ mộng do tác giả dùng từ kép
“lẩn thẩn” thật đáng yêu; với chút lẩn thẩn ấy mà bài thơ được đưa lên
đỉnh cao nhờ yếu tố ngôn ngữ nghệ thuật. Dường như tác giả không dụng
công làm thơ mà nhìn vào tâm của mình, chỉ nhìn và ghi nhận để thấy còn
vương vương bao nỗi u hoài trên dòng sông tâm tư hay dòng đời mông lung
khói sương viễn mộng. Phải có một sự trầm tĩnh, một cái nhìn xuyên suốt
tâm tư mới thấy được dòng ý niệm kia là điều “lẩn thẩn!”
“Lẩn
thẩn cánh chim màu hoàng hôn ướt sẫm”. Đến đây, người đọc như bất ngờ
(một nỗi niềm bất ngờ lý thú) khi bắt gặp một màu sắc thật lạ, thật độc
đáo qua cảm quan, qua sự sáng tạo của tác giả: “màu hoàng hôn ướt sẫm”.
Phong
cách sáng tạo nghệ thuật rất riêng tạo nên một hiệu quả thẩm mỹ trừu
tượng để người đọc thấy được tâm hồn của tác giả rất phóng khoáng, nhạy
cảm. Tác giả đã rung cảm trước vẻ đẹp của nỗi buồn và đã thể hiện tình
cảm đó bằng ngôn ngữ mang sắc màu nghệ thuật. Nhờ sự thể hiện tài tình
đó mà làm cho cái tình và cái đẹp hòa quyện vào nhau, gợi cho người đọc
liên tưởng đến màu hoàng hôn trong thơ của Thôi Hiệu ở bài Hoàng Hạc
lâu:
“Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba gian thượng sử nhân sầu”
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai. (Tản Đà dịch)
Thời
gian nghệ thuật ở đây là hoàng hôn. Mỗi ngày có một hoàng hôn, không
hoàng hôn nào giống hoàng hôn nào, nhưng hiếm ai diễn đạt được “màu
hoàng hôn ướt sẫm” tài hoa và lạ lẫm như tác giả.
Nhưng, dường
như, ngôn ngữ mang sắc màu nghệ thuật “màu hoàng hôn ướt sẫm” không chỉ
dừng lại ở vẻ đẹp, vì còn điều gì đó vượt lên trên hay sâu lắng hơn cái
đẹp của hoàng hôn. Phải chăng chính cái thấy thân phận người “ướt sẫm”
do sự giới hạn trong dòng thời gian? Quanh ta còn bao tâm tư trăn trở –
khát khao một điều gì vô hình?!
“Cùng rêu bèo xao xuyến nỗi sầu
đông”. Rõ ràng, kìa sự đau khổ luôn hiện hữu nơi cuộc đời! Nhìn lại để
thấy, để biết, để cảm nhận sự thật; sự thật ấy là nỗi buồn – nỗi buồn
của ta và tha nhân. Tác giả dùng phép so sánh trong thơ thật nhẹ nhàng
nhưng rất “sốc”. Nỗi buồn của cánh chim có giống chăng niềm xao xuyến
của rêu bèo?
Vì đã thấy được nỗi đau của thân phận, của cuộc đời
và rồi chấp nhận hạn cuộc, không dừng lại ở đó, người nghệ sĩ trăn trở
với nỗi niềm khao khát… làm một cuộc phiêu bồng tìm kiếm; và rồi phải
chăng (?) đã tìm được, đã nghe được một bến bờ bình an đâu đó: “tiếng ai
hát mà bờ xa sóng vỗ”. Có thể hình dung được một bến bờ hạnh phúc ấy ở
rất xa – xa nhưng rất gần, vì chính tai mình đã nghe được tiếng sóng vỗ
của bờ xa ấy, tuy chưa đến được. Nhưng người nghệ sĩ hoàn toàn tin rằng,
bờ kia và lối đến là có thực vì đã nghe tiếng hát của người bên kia bờ!
Người ấy là ai? Phải chăng tiếng hát ấy là lời kinh huyền nhiệm?
Ngôn
ngữ nghệ thuật của thi ca luôn hấp dẫn, luôn khêu gợi. Nó luôn là điều
gì đó chưa nói hết, nó mời gọi người đọc khám phá và tự mình cảm nhận.
Đến
đây dường như ta hiểu được rằng: Cuộc phiêu bồng tìm kiếm của người
nghệ sĩ đã được định hướng. Để rồi sự định hướng ấy, người nghệ sĩ tiếp
tục dấn bước, một quyết định dấn bước vào hố thẳm: “Đẩy con đò trôi hút
cõi cô liêu”.
Để diễn đạt sự cô liêu của người nghệ sĩ trong
bước dấn mình trên đường tìm về bến bờ bình nguyên, tác giả dùng từ ghép
“trôi hút”, một từ rất thân tình làm cho người đọc cảm nhận được sự cô
liêu tuyệt đối trong “cõi cô liêu”!
Cõi cô liêu ấy cũng chính là
cõi đời, cõi trần hồng khói sương giả tạm. Trên bước đường ấy, hành giả
phải thực hiện cuộc hành trình một cách đơn độc, không người đồng hành.
Mỗi người phải tự đến để mà thấy cái bờ kia. Không một ai có thể ban
tặng cho ta và ngược lại.
Con đường đưa đến bờ tự do, mỗi người
phải đi đến, và để đến được chốn ấy, hành giả phải luôn đặt trách nhiệm
vào nơi ý chí của chính mình. Trách nhiệm và ý chí ấy là sự nỗ lực liên
tục, ta hãy nghe “rừng không ngủ và ngàn sao không ngủ”. Có thao thức
đêm trường ta mới biết được rừng không ngủ và ngàn sao không ngủ như thế
nào trong định luật của chúng. Tuy nhiên, tâm tư của con người, nhất là
nhà thơ giống như một dòng sông bất tận; nhà thơ có quyền năng hơn loài
người phàm tục – đó là quyền rung động và buồn. Trong khi dõi mắt canh
chừng trên đường đi của mình, hành giả thấy và thú nhận “tưởng lắng nghe
chuông vọng bến Phong Kiều”!
Những người yêu thơ, ai cũng từng
ngớ ngẩn mà thán phục gã khách thuyền Trương Kế nửa đêm mở cõi lòng đón
nhận tiếng chuông chùa Hàn San. Dường như có một sợi dây mơ hồ kết nối
giữa khách thuyền hôm nay và khách thuyền năm xưa. Câu thơ hàm chứa một
vẻ đẹp có từ ngàn xưa nhưng không bao giờ cũ; một vẻ đẹp mang mang với
trời sương, trăng mờ, quạ kêu… tạo nên một nét duyên ngầm quyến rũ làm
đắm say người đọc. Người thơ của chúng ta như đồng cảm với cổ nhân, với
nỗi sầu miên man sông nước; để ở khổ thơ thứ ba trong bài, một lần nữa,
lại đưa chúng ta trở về với bến nước Phong Kiều xưa qua hình tượng “đốm
lửa chài”; và rồi, lại nhìn nhận rằng những hoài vọng xa xăm chỉ là hư
ảo. Nhưng ta hãy thưởng thức chậm rãi, bởi câu đầu trong khổ thứ ba, tác
giả đã phác họa rất ấn tượng: “Sống như đá mà lòng chưa hóa đá”. Ở câu
đầu “sống với”; tới đây, tác giả lại xác nhận “sống như”. Núi và đá là
hai thuật ngữ mà nhà Thiền thường sử dụng.
Khi ẩn dụ về thiền
định, sự vững chắc không lay chuyển, sự chú tâm, người ta hay dùng thuật
ngữ “núi”; còn khi dùng về thuật ngữ “đá” thì lúc ấy yếu tính khẳng
định hơn. Thiền định được xem như lấy đá đè cỏ; khi tảng đá đè lên thì
cỏ không thể nào mọc lên được, nhưng khi bỏ đá ra thì cỏ lại mọc như
xưa. Tác giả đã thấy điều ấy nên tâm (lòng) chưa hóa đá, chưa muốn hóa
đá. Chưa hóa đá mà vẫn sống như đá… Phải chăng hành giả đang dùng đôi
mắt bình lặng để tiếp tục nhìn rõ những gợn sóng lăn tăn bên trong mình?
“Lẩn thẩn trăng và lẩn thẩn cánh buồm khơi”
Những
hình tượng hết sức thơ mộng, đẹp đẽ, vốn được dùng để diễn tả cái đẹp
trong thi ca: trăng, cánh – buồm – khơi của những thi nhân xưa và nay.
Vậy mà những hình ảnh ấy, tác giả cho là lẩn thẩn, dường như chúng chỉ
biểu hiện ý nghĩa nhỏ bé, đơn sơ, gợi cho người đọc cảm thụ rằng: tuy
đẹp đẽ, thơ mộng, thế nhưng chưa phải là cái cốt tủy !
Vậy điều
cốt tủy ấy là gì?… Tác giả không nói ra, hay không thể nói được, có phải
chăng khi gọi danh thì không còn là cái đang là …? Cái mà chỉ có thể
thấy được của người trong cuộc? Tuy nhiên, tác giả cũng nói được những
điều ấy khi nhìn vào tâm mình, chính người thơ đã thấy, ấy là những miền
không thực, những “đốm lửa chài nhấp nhô miền hư ảo”; những khổ đau,
những nỗi niềm thân phận… vì bên trong người thơ ấy vốn tiềm ẩn một trái
tim nhấp nháy rất người.
Với cái thấy như thế, thì lúc ấy không
còn mang nặng những điều ám ảnh không thực đó nữa. Bằng cái nhìn mới mẻ,
giờ đây mọi vật vẫn vậy nhưng không phải vậy! Mọi cái đều trở nên mới
mẻ, vì mọi cái đều mới “nên nỗi buồn (ngày xưa) cũng chàm rêu thành
quách” và tư tưởng như dòng sông cũ đều không thực, đều hư ảo: “Dòng
sông đêm con nước chảy mơ hồ”.
Đến đây, người thơ đã an nhiên
đón nhận sự cô đơn. Chính cô đơn là nguồn sáng tạo, là đỉnh tĩnh sâu
lắng mà lúc này ta đặt chân lên, phải bỏ lại tất cả: “Dăm tri kỷ tơ đàn
xưa buốt lạnh”. Lúc này không ai có thể hiểu tác giả nữa, mà cần gì ai
hiểu. Có nơi không bao giờ hiểu nỗi, không bao giờ diễn đạt được bằng
ngôn ngữ. Đó là vùng vô ngôn của thế giới tâm linh, của sự tiềm ẩn sâu
lắng của thực tại đang là…
Kết thúc bài thơ bằng một tia nhìn
thẩm thấu, xuyên suốt, lịch trải – nhưng rất thơ: “Thoảng dặm trường dăm
bảy hạt sương khô”. Phải chăng tác giả rất an nhiên để thấy mình lẩn
thẩn với núi, với đá tri âm?
Lần đầu tiên một bài thơ “thi dĩ tải
đạo” làm cho tôi rung cảm ngây ngất. Với ngôn từ và những hình tượng
nghệ thuật đẹp, tác giả đã đưa tôi bồng bềnh phiêu hốt trong cõi thi ca.
Thật là diễm tuyệt. Ôi! Ngôn ngữ thi ca…! ■
Nguồn Tập San Pháp Luân 26