“Đứa út vừa lên ba/
Biết mẹ qua tấm ảnh/ Miệng chỉ quen gọi cha/ Khi đói và khi lạnh/ Chị
lớn chín tuổi tròn/ Đóng vai người mẹ nhỏ/ Vội vã học điều khôn/ Cửa nhà
tập coi ngó/ Thằng giữa khi vào lớp/ Tên mình tưởng tên ai/ Thầy hỏi
không biết đáp/ Nghe chim hơn nghe bài…”
|
Gia đình nhà văn Võ Hồng, chụp năm 1956
|
Đến
thăm ông một chiều mưa thu ở xứ trầm hương, mở cửa là một phụ nữ trên
sáu mươi, cô giới thiệu mình tên Đạm, là học trò xưa, sau này thành đồng
nghiệp của thầy Võ Hồng ở trường chuyên Lê Quý Đôn nổi tiếng của Nha
Trang. Cô nói có chị Hằng, con gái đầu của thầy mới ở Pháp về có thể
tiếp chuyện. Đã trên bốn năm nay thầy không viết gì nữa, nói cũng ít đi
mà chỉ suy tư và chiêm nghiệm. Nhân vật “Chị lớn chín tuổi tròn/ Đóng
vai người mẹ nhỏ” kể lại câu chuyện của mình, với những ký ức đau buồn
nhưng kết thúc lại là một giấc mơ có hậu dành cho cha, người đàn ông
không chỉ thành danh trong nghiệp văn mà còn là một người cha hết lòng
vì con cái.
Chuyện về những người đã mất
Ngồi
trước tôi là một phụ nữ dáng cao, đứng tuổi, trông vẻ ngoài rất hiện
đại và năng động với đôi mắt tinh anh và nụ cười cởi mở. Trong số ba
người con của nhà văn Võ Hồng, chỉ có chị nối nghiệp văn, tuy hơi trễ
bởi từ khi chị xa nhà để vào Sài Gòn trọ học, cha đã âm thầm ngăn cản
không cho chị viết văn, để thì giờ học khoa học.
Chị
bắt đầu câu chuyện bằng cái chết của hai người thân yêu nhất đã ám ảnh
chị từ tuổi nhỏ. Năm lên bốn, chị chứng kiến cái chết của Jô, em trai kề
mình. “Jô đẹp và hiền lành, giống má nhất, bị sốt nặng và qua đời lúc
mới một tuổi rưỡi. Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh em trong màu áo xanh
dương, nằm trên bộ ván, đầu hướng ra cửa sổ, nắng chiều bao trùm người
em. Tối đó em sốt cao và mọi người nhốn nháo. Rồi em chết. Tôi ra vườn
hái hoa hoàng anh lặng lẽ đặt lên linh cữu của em. Hình ảnh đó ghi khắc
vào tâm hồn tôi như một cuộn phim câm, sẵn sàng hiện ra mỗi khi nhớ lại
quá khứ. Ba năm sau, mẹ tôi phát bệnh trong hai năm liền và vĩnh viễn bỏ
ba đứa con nhỏ mà đi.
Nay các con nên người
Mỗi đứa đi một ngả
Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ
Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu
(Trích Sau ba mươi năm – thơ Võ Hồng)
|
Mới
chín tuổi đã mất hai người thân yêu nhất, tôi đau đớn thấy cuộc đời quá
mỏng manh và bấp bênh. Tôi không có tuổi thơ. Quanh tôi, mọi đứa trẻ
khác đều có cha và mẹ, chúng vững vàng như được đi trên hai chân. Tôi
chỉ còn một mình cha nên ông trở thành quý báu vô cùng. Tôi luôn sống
trong phập phồng lo âu. Những lần cha tôi về trễ, tôi thấp thỏm đợi chờ.
Có những đêm ngủ nằm mơ thấy cha chết, tôi giật mình kêu ba ơi trong
nước mắt rồi yên tâm ngủ lại khi nghe tiếng ba trả lời “sao giờ này mà
chưa ngủ?” Cha tôi không tục huyền vì sợ chúng tôi khổ, một hy sinh
không thể nào đền đáp. Tôi rất biết ơn ông bởi càng lớn tôi càng hiểu
nỗi khó khăn của người đàn ông đơn chiếc...”
Thâm tình phụ tử
Chị
lớn lên, có những điều không thể tâm sự cùng cha. Và cha cũng không thể
đóng vai người mẹ nên ông loay hoay kiếm cách bù vào khoảng trống đó.
Ông dặn chị giúp việc chỉ cho con ông nấu nướng. Ông dẫn con sang nhà nữ
sĩ Tương Phố ở đường Trịnh Phong kế bên, nhờ bà dạy con mình cách ứng
xử. Bà dạy chị từ dáng ngồi đến cách đi đứng, nói năng. Cha còn phái chị
thay mình đến thăm những người bạn gái để “học cử chỉ dịu dàng”. Chị
cười buồn: “Do hoàn cảnh, cả ba chúng tôi đều sống ở ngoại quốc nên ông
càng cô độc”.
|
Từ phải: cô Đạm, chị Hằng bên nhà văn Võ Hồng
|
Khi
đọc lại từng trang sách của cha, chị biết ông đã trải qua những ngày
tháng cô đơn thế nào. Vợ mất sớm, con đi xa, đôi lúc ông chạnh lòng và
thông cảm: “Trí nhớ chúng ta vốn rất bạc bẽo. Các con lớn lên, nên vai
nên vế, mỗi người có bạn bè riêng tư, có mối lo lắng và vui vẻ riêng
tư... nên các con dần dần quên nghĩ đến nhau. Mối đau khổ chung của ngày
mất mẹ xoá nhoà dần đi...”
Vì
thế hôm nay chị lại trở về, mong cầu điều duy nhất là được chăm sóc
cha. Khi làm việc, chị đem laptop xuống ngồi bên cạnh giường ông lúc ông
ngủ, để lắng nghe hơi thở, để nhìn sắc mặt mà đoán sức khoẻ của cha vì
theo chị, “sau này dù có đánh đổi cả vũ trụ để lấy một giờ được lo lắng
đỡ đần cha mình, cũng không thể nào có được. Do đó tôi trân quý vô cùng
những ngày tháng được ở bên cạnh cha tôi. Ngoài tôi ra, cô Đạm là người
thương ba nhất. Cô là bạn rất thân của ba hơn hai mươi năm nay”.
Ngôi
nhà nhỏ số 53 Hồng Bàng, Nha Trang bây giờ trở nên ấm áp và tràn đầy
tình yêu thương. Nhà văn Võ Hồng giờ đây hẳn thấy yên bình khi ở bên ông
không chỉ có một mà đến hai người phụ nữ ông yêu thương.
Ngân Hà