Anh thường sử dụng nhân xưng
đại danh từ ngôi thứ ba để viết những mẩu chuyện ngắn. Như vậy để rộng đường
cho sự chuyển tải nội dung, để thỉnh thoảng có một chút tinh nghịch khi chuyền
nhảy giữa ngôi thứ ba và ngôi thứ nhất trong những câu chuyện đời thường, thỉnh
thoảng đượm chút mùi đạo làm duyên; và nhất là để thoải mái nhìn ngắm suy nghĩ
của chính mình với cặp mắt của người bên ngoài nhân vật, anh nghĩ thế.
Chín năm trước (2003), anh có
hạnh duyên thọ nhận chú Đại Bi tại đạo tràng chùa Phước Hòa (Q.Gò Vấp, TP.HCM).
Đạo tràng tổ chức hàng tháng trong 10 buổi tối - từ ngày 19 đến ngày 28 âm lịch
- trì tụng mỗi tối 108 biến chú Đại Bi âm tiếng Phạn. Mới đầu anh chỉ tính đi
một khóa 10 tối để hồi hướng cầu an cho người anh vợ bị xuất huyết não lần hai
đang nằm liệt giường, mũi truyền ống. Nhưng đến khi thôi không tham gia, tính
ra anh đã theo đuổi đạo tràng này được khoảng hai năm rưỡi (cuối 2003 - giữa
năm 2006). Trong thời gian này, đạo tràng đã trì tụng được khoảng trên 30.000
biến chú Đại Bi. Từ nhân duyên đó, anh thường xuyên trì tụng chú Đại Bi cho đến
bây giờ.
Anh đã tập thành thói quen trì
chú Đại Bi mỗi khi ra đường (trì âm Phạn ở đạo tràng và tại nhà, khi ra đường trì
âm Hán Việt). Bắt đầu anh niệm 3 lần danh hiệu “Nam mô Đại Bi Hội thượng
Phật Bồ Tát” để chư Phật, Bồ tát trong chúng hội Đại Bi chứng minh và cũng
để tạo duyên tham gia hội chúng này mai sau.
Trước khi đến đạo tràng Đại Bi
chùa Phước Hòa thì ngôi chùa chính mà anh bước vào thềm đạo là chùa Vạn Đức (Thủ
Đức). Có lẽ Vạn Đức là một trong số ít ngôi chùa của thành phố tổ chức sớm nhất
khóa lễ Pháp Hoa hàng tháng, ngay từ năm 1975 và kéo dài cho đến bây giờ, đã 36
năm. Khóa lễ được tổ chức vào mỗi ngày chủ nhật đầu tháng âm lịch, bắt đầu từ 6
giờ và chấm dứt lúc 16 giờ 30, tụng trọn bộ 7 quyển kinh Pháp Hoa.
Anh dự thời khóa Pháp Hoa đầu tiên
trong đời tập tu vào ngày Chủ nhật, 3-9 Quý Mùi (2003). Hồi đó, Vạn Đức còn là
một ngôi chùa nhỏ, cổ kính, vườn đất rộng, có chút hoang sơ. Sau này, khoảng
tháng 2-2004, chùa được trùng tu trong 2 năm (2004 – 2005) để trở thành ngôi
chùa - tháp uy nghi hiện nay.
Trong khóa Pháp Hoa lần thứ hai
vào ngày Chủ nhật, 2-10 Quý Mùi, vào lúc nghỉ giải lao buổi sáng, anh ngồi cùng
một số bạn trong khoảng sân bên hông chánh điện. Một anh nói về tình trạng bệnh
thấp khớp của vợ mình, do dùng thuốc không đúng nên xương chân có triệu chứng
bị mụt. Một anh bạn khác nghe nói liền giới thiệu đạo tràng Đại Bi chùa Phước
Hòa và khuyên anh này nên đến trì tụng để hồi hướng cho người bệnh.
Nghe như vậy, tự nhiên anh nghĩ
đến người anh vợ bất hạnh đã nằm liệt giường hai năm nay, anh tự nhủ trong lòng
sẽ đến đạo tràng Đại Bi vào ngày 19 ÂL tới để trì tụng hồi hướng cho anh ấy.
Người anh vợ của anh ở Xã lộ 25, Dầu Giây - Đồng Nai, cách Sài gòn khoảng 70
cây số, là vùng kinh tế mới sau năm 75.
Các em ở Sài gòn lên thăm, anh
ấy cử động cánh tay trái một cách khó khăn để ra dấu chào hỏi. Cả người bất
động, miệng ngọng nghịu, chỉ có đôi mắt là biết nói. Đứng trước một người mà
mình biết là đang đi vào ngõ cụt sầu thảm của cuộc đời, mỗi ngày một đến gần
hơn điểm kết thúc, lại là người thân của mình, ai mà không đau lòng.
Chủ nhật kế, vợ chồng anh cùng
mấy người em về thăm anh ấy. Các con của anh kể cho biết trong buổi sáng chủ
nhật tuần rồi, đã xảy ra một sự cố: anh ấy bị ho làm sút ống dây dùng để truyền
cháo và nước . Ống này được thọc sâu từ mũi vào thực quản. Khoảng mỗi nửa
tháng, cô y tá trong thôn đến làm vệ sinh ống. Mỗi lần như vậy không tránh khỏi
đau đớn và trầy xước phần niêm mạc bên trong mũi và miệng, rất dễ bị nhiễm
trùng.
Lần này, cô y tá có lẽ vì bối
rối thấy khó thể nhét ống vào mũi trở lại nên nói với người nhà thử bỏ không
dùng ống nữa xem sao. Người nhà nghe theo. Vợ anh ấy thử đút vài muỗng nhỏ
cháo, hóa ra anh ấy nuốt được. Cả gia đình rất mừng vì không những anh ấy thoát
được cái ống truyền đã làm khổ anh cả hai năm trời mà anh còn có thể hưởng được
ít nhiều mùi thơm và vị ngon của thức ăn (dù chỉ là cháo xay) và thức uống
(phần lớn là nước chín).
Anh bàng hoàng khi nghe kể vì
thời gian xảy ra sự kiện đặc biệt này cũng chính là buổi sáng Chủ nhật ở Vạn
Đức khi anh khởi tâm sẽ đi đến chùa Phước Hòa trì tụng chú Đại Bi. Chỉ mới là
khởi tâm chứ chưa thực hiện vì còn đến hơn nửa tháng nữa mới đến khóa lễ (2-10
– 19-10 ÂL Quý Mùi). Phải chăng khi mình chỉ mới khởi lên một niệm tâm tha
thiết là đã tức thời có cảm ứng nhiệm mầu?
Từ đó, anh kiên trì theo các
thời khóa Đại Bi chùa Phước Hòa, dù mùa nắng hay mưa. Đạo tràng Đại Bi hành lễ
từ 18 giờ đến 20 giờ tại đài Quán Âm trên sân thượng lộ thiên của chùa, vào mùa
khô hứng đủ loại gió tứ phương và vào mùa mưa là những đợt mưa tầm tã. Khó nhất
là làm sao giữ cho đèn nến không bị tắt cả vì gió và vì mưa.
Một điều có thể nói là rất may
mắn trong nỗi bất hạnh phải trả nghiệp của người anh vợ của anh là anh ấy có
một người vợ hết lòng chăm sóc cho chồng. Người bệnh nằm lâu ngày bất động trên
giường dễ bị hoại tử những vùng da thịt ở lưng hay mông hoặc bất cứ nơi nào bị
trầy xước. Vợ anh luôn luôn xoa bóp và quan sát những dấu hiệu khác thường trên
người chồng. Việc vệ sinh thân thể và chỗ nằm được chị chăm sóc hàng ngày.
Các con của anh, nhất là đứa
con trai út còn ở chung nhà, được phân công mỗi giờ lại nâng anh lên để thay
đổi thế nằm. Nhờ vậy, trong tám năm nằm bệnh, anh chỉ có những vết thương nhỏ,
được chữa trị kịp thời. Chỉ trong giai đoạn vài tháng sau cùng, vào khoảng cuối
năm 2005, khi cơ thể không còn sức đề kháng; có một vết lở nhỏ ở lưng, tuy được
khống chế ở bên ngoài miệng nhưng bên trong một phần thịt đã bị tiêu hủy, không
thể nào hồi phục.
Chắc là vợ của anh ấy cũng có
những lúc khóc một mình nhưng khi ở trước chồng, bao giờ chị cũng có những câu
nói đùa chơi với anh về thời trai trẻ đào hoa, về những cô gái muốn thay chị
làm mẹ những đứa con của anh…Lúc đó anh nghe mà miệng như muốn cười, cánh tay
trái còn cử động được một chút thì giơ nhẹ lên mà chỉ vào chị.
Nhưng mỗi ngày trôi qua niềm
vui càng ít dần. Không còn vẻ như cười ở miệng, không còn chút ánh linh hoạt
nào ở mắt, những ngón tay ngày càng co quắp và bắt đầu ấn sâu vào lòng bàn tay;
hai cánh tay và hai ống chân chỉ còn là những que xương khô cứng. Và nhất là
nước mắt, anh ấy không còn đủ nước mắt để lăn thành giọt mà chỉ còn đủ làm thấm
ướt hốc mắt ngày càng sâu cùng với cái nhìn tuyệt vọng dõi theo khi các em ra
về. Anh ấy khóc không thành tiếng. Thật là đau đớn trước những nỗi khổ không
nói được nên lời.
Lên thăm anh ấy mà lòng anh
thấy quặn đau. Anh cũng như những người thân khác trong gia đình, hết sức muốn
chia xẻ sự đau đớn của anh ấy nhưng đâu thể làm được gì khi mỗi thân mỗi
nghiệp.
Tháng 12-2005, anh có cơ duyên
được đi thăm đất Phật trong một chuyến đi tự tổ chức lấy của một nhóm Phật tử
nhân lễ lạc thành Việt Nam Phật Quốc Tự tại Lâm Tỳ Ni (Lumbini - Nepal).
Đây là ngôi chùa thứ hai sau ngôi chùa cùng tên tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodhagaya
- Ấn độ) được thầy Thích Huyền Diệu xây dựng.
Đoàn gồm 43 người trong đó có 6
vị xuất gia và 37 cư sĩ. Tổ chức đoàn đi là vợ chồng một nhà ngoại cảm. Người
ta gọi anh ấy như vậy, nhưng anh ấy cho rằng việc tự nhiên có khả năng tìm mộ
là một nhân duyên để đưa anh đến với một khả năng tuyệt vời hơn nhiều, đó là
khả năng tìm được đến Phật pháp.
Chuyến đi kéo dài 14 ngày, từ
ngày 10 đến 23-12-2005. Ngoài mục đích đảnh lễ và tụng kinh tại một số Phật
tích ở Ấn Độ và Nepal,
đoàn còn tự nguyện làm nhiệm vụ giúp chùa tổ chức lễ lạc thành.
Ngày 19-12-2005 - ngày cuối
cùng ở Việt Nam Phật Quốc Tự cũng là ngày khởi đàn hàng tháng của đạo tràng Đại
Bi chùa Phước Hòa (19-11 ÂL Quý Mùi). Trong ngôi chánh điện đã được làm lễ an
vị Phật, buổi tối hôm ấy, anh thành tâm trì tụng 108 biến chú Đại Bi vào lúc 18
giờ - cùng thời điểm người bạn của anh ở VN bắt đầu thời khóa Đại Bi.
Anh trì tụng một mình trong ánh
nến cùng với ba điểm cháy đỏ của ba cây nhang lớn mà anh cắm tại bàn thờ Phật
(ở giữa), bệ thờ Đức Bồ tát Địa Tạng (bên trái) và bệ thờ Đức Bồ tát Quán Thế Âm
(bên phải). Anh ngồi phía trước bệ thờ của Bồ tát Quán Thế Âm.
Gian chánh điện dường như rộng
lớn và thâm nghiêm hơn, anh cảm nhận có một nguồn sức mạnh từ bên trong làm cho
tinh thần anh trở nên phấn chấn, oai lực của âm thanh trì chú trong không gian
tĩnh mịch dường như cũng được tăng thêm.
Thực ra, anh đã không trì tụng
một mình: anh đã cùng trì với những người thân và bạn bè của anh - những người
đã không trực tiếp đến xứ Phật nhưng đã gởi tâm của mình cùng những lời nguyện
ước theo anh: trước khi đi, số người thân và bạn bè này đã gởi cho anh những
phong bì được dán kín, trong đó có ghi những ước nguyện riêng cùng với một ít
tóc của mỗi người. Anh đã đưa những phong bì này cho anh trưởng đoàn để anh ấy
hóa tại khu vườn Lâm Tỳ Ni - nơi đức Phật đản sanh - cùng với những ước nguyện
của người thân của các thành viên khác.
Một người thân mà anh quan tâm
nhất lại không làm được điều này. Đó là người anh vợ của anh. Không có tờ giấy
nào ghi ước nguyện, cũng không có một lời nào được nhắn gởi. Nhưng anh đã mang ánh mắt nhìn tuyệt vọng của
anh ấy vào tâm của mình trong thời khóa lễ nơi đất Phật.
Phần hồi hướng, anh thành tâm
khấn nguyện Bồ tát Quán Thế Âm gia hộ cho anh ấy: “Nếu nghiệp hết xin cho anh
ấy được tiêu trừ tật bệnh; nếu còn nghiệp xin cho anh ấy được ra đi nhẹ nhàng,
không đau đớn”.
Từ chỗ anh ngồi, anh thấy tàn
của hai cây nhang ở bàn thờ Phật và ở bệ thờ của Đức Địa Tạng uốn cong queo,
còn cây nhang ở bệ thờ Đức Quán Thế Âm - ngay trước mặt anh vẫn thẳng. Anh
nghĩ dù sao công phu trì tụng của mình
cũng đã có một phần cảm ứng.
Tuy nhiên, khi anh đứng dậy đi
đến bệ thờ Đức Quán Thế Âm để tắt nến thì thật là bất ngờ, anh thấy tàn cây
nhang trên bệ thờ Đức Quán Thế Âm cong tròn nửa vòng, gần như cùng trên một mặt
phẳng hướng ra phía trước. Sở dĩ khi ngồi anh không nhận ra vì tàn nhang cong
cùng với hướng ngồi của anh, nên dưới ánh nến không đủ sáng anh đã thấy tàn nhang
vẫn thẳng.
Anh đứng lặng người, một lúc
sau mới trấn tĩnh được nỗi xúc động: tàn của cả ba cây nhang đều cong, anh nghĩ
rằng tâm thành của anh đã được Chư Phật, Bồ tát chứng minh. Đặc biệt là Đức
Quán Thế Âm còn như muốn nhắn gởi anh điều gì.
Ngày 21-12-2005 (21-11 ÂL Quý
Mùi), ở Kathmandu - Nepal,
tại một khu du lịch, anh gọi được điện thoại internet về nhà. Tình hình ở nhà
bình thường. Ngày hôm sau (22-12-2005), anh gọi về lần nữa thì người nhà cho
hay đã nhận được tin anh vợ của anh mất ngay sau khi nói chuyện với anh hôm
qua. Ngày 23-12-2005, đoàn trở về VN. Ngày hôm sau, anh vừa kịp lên Dầu Giây
đưa đám của anh ấy.
Như vậy người anh vợ của anh
mất vào ngày 21-12-2005 (21/11 Quý Mùi), hai ngày sau khi anh khấn nguyện. Anh
ấy mất hầu như không đau đớn nhiều: trong lúc ăn cháo, anh ho vài tiếng và rướn
người lên như bị ngộp thở. Vợ anh ấy chưa kịp chạy đến nhà cô y tá ở ngay thổ
cư phía trước mặt thì anh đã ra đi. Còn trong lúc chộn rộn lau người thay quần
áo cho anh ấy, một người nào đó trong hàng xóm đã mặc cho anh chiếc áo lam - một
người mấy chục năm qua chưa hề bước chân đến cửa chùa.
Từ đó, anh cảm nhận sâu sắc
lòng từ bi của Đức Quán Thế Âm, người nghiêng mình lắng nghe nỗi thống khổ của
muôn loài ngập tràn trên những đợt sóng dồn dập của sinh tử, người dùng vô vàn
phương cách để tạo ra những cơ duyên nhằm cứu vớt chúng sinh vượt thoát luân
hồi.
Hạnh duyên đến với câu chú Đại Bi, với anh bây
giờ, chính là thực tập hạnh của Đức Quán Thế Âm: hạnh lắng nghe và hạnh cứu độ.
Con đường tập tu chắc chắn còn dài. Anh vẫn còn đang học. Anh vẫn còn đang học.