Đời sống quốc gia dân tộc với hoàn cảnh địa lý
và sự ảnh hưởng khí hậu, thiên nhiên, đã tạo dựng cho Ấn Độ có
một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là sự cố đặc
biệt của xứ Ấn Độ xưa và nay, nơi có những rừng núi thâm u, tục
gọi là Lục địa xanh (Pays blues), đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư
tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm được xuất hiện. Thật
vậy, bất cứ tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa nào, khi sinh khởi,
đều là phản ảnh (không nhiều thì ít) của hoàn cảnh, khí hậu, địa
dư, xã hội, chủng tộc mà tạo dựng nên cả. Nếu xét nó ngoài hoàn
cảnh thực tại, lẽ dĩ nhiên không thể thấu hiểu nổi. Văn hóa đạo
Phật cũng do nhân duyên hội ngộ như thế mà nảy mầm và thúc đẩy tiến
hóa...
Phật giáo có một lịch sử trên hai ngàn năm,
Đông-Tây truyền bá, gieo rắc ảnh hưởng khắp cả các châu lục.
Trong quá trình truyền bá ấy, qua mỗi thời đại, Phật giáo lại tùy
theo tình trạng xã hội của mỗi phương sở mà có ít nhiều biến
thiên về bản sắc. Vì thế, muốn nói đến điểm xuất phát của đạo
Phật, không thể không đi sâu vào bối cảnh lịch sử của đất nước Ấn
Độ đương thời. Đây là một đề tài rất rộng lớn, mà khi đi vào, ta
phải trải qua những bước tìm hiểu như về nền chính trị, xã hội
Ấn Độ trước khi Đức Phật ra đời; tư tưởng tôn giáo và triết học
trước thời kỳ Đức Thế Tôn xuất thế v.v... Từ đây, ta càng thấy rõ
hơn tầm quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng cao quý trong sự Đản sanh
của Đức Mâu Ni.
Nhưng chương trình học hàm thụ hẳn có ý nghĩa
sắp xếp để đề tài to lớn này được trình bày trong một dịp thuận
lợi hơn về cả không gian lẫn thời gian. Vì lý do đó, xin được
thông qua phần bối cảnh lịch sử chi tiết; chỉ nêu lên ở đây vài
đoạn đóng vai trò chuyển tiếp và đi thẳng vào lược sử của Đức
Thích Ca Mâu Ni, một bậc thầy vĩ đại muôn thuở của nhân loại.
Trước thời Đức Thế Tôn ra đời, về tư tưởng tôn
giáo, triết học cũng như về mặt chính trị, kinh tế và xã hội
thật vô cùng phức tạp. Với pháp điển Manoa (Mànu) hỗn hợp cả
chính trị lẫn tôn giáo đã ấn định nhiều sinh hoạt đầy bất công
trong xã hội và góp phần đưa hai giai cấp thống trị Brahmana (tăng lữ Bà
La Môn) cùng Ksatriya (Sát Đế Lỵ - vua quan) lên ngồi vững chắc
trên hai giai cấp thuộc hàng tiện dân, bị xã hội khinh miệt,
không được luật pháp bảo hộ, không được dự chung phần tín ngưỡng
và tán tụng kinh điển Veda (Phệ Đà), đó là hai giai cấp Vaisya
(Phệ Xá) và tệ hơn nữa là Sùdra (Thủ Đà La).
Tư tưởng Ấn Độ thời bấy giờ gần giống như tư
tưởng đời Chiến Quốc ở Trung Hoa xưa. Xét về mặt xã hội thì trước
Đức Phật giáng sinh gần 100 năm, trước Tây lịch độ 7 thế kỷ, đạo
Bà La Môn thịnh hành đến cực điểm. Nhưng cũng do sự độc quyền
của tăng lữ mà đạo đức tôn giáo thời đó chỉ có nghi thức phô
trương bề ngoài. Do chế độ giai cấp nên cuộc sống xã hội không
công bằng, nhân dân không được tự do, mà tư tưởng yếm thế nảy sinh,
nạn mê tín hoành hành trong xã hội. Số đông tu theo pháp môn khổ hạnh
với quan niệm cho rằng gần sự khổ mới quen với cái khổ, và sẽ
xem thường và không còn thấy khổ. Có người lại tin tu khổ hạnh sẽ
được sanh lên cõi trời hưởng các điều vui. Ở một phương diện
khác, xã hội đã phát sinh tư tưởng hoài nghi, phủ nhận tất cả
những giá trị tôn giáo, nhân quả và đạo đức. Nương theo quan niệm
ấy, họ cổ xúy tư tưởng phản kháng. Ngoài những giáo phái thuận
theo hệ thống Veda, các chủ nghĩa khác như: Khoái lạc, Ngụy biện,
Khổ hạnh, Hoài nghi... tiếp tục nổi lên.
Giáo lý Veda (Phệ Đà) diễn biến trong ba giai
đoạn, thường được gọi là ba thời đại: Phệ Đà Thiên Thư (Veda
2500-1000 BC), Phạm Thư (Brahmana 1000-800 BC), Áo Nghĩa Thư (Upanishad
800-600 BC), đó là tạm lược chia tình trạng biến đổi về tư tưởng
tôn giáo của dân tộc Ấn Độ từ đa thần giáo sang nhất thần, và từ
nhất thần sang lãnh vực triết học theo ba giai đoạn trên. Song
song với diễn biến của 3 tư trào này, đã có những phái chịu ảnh
hưởng của hệ thống Veda, căn cứ vào đó mở mang thêm cho giáo lý
của mình có hệ thống hơn. Cũng có nhiều học giả thoát ly ra ngoài
tư tưởng Veda, chủ trương tự do khảo cứu rồi thành lập phái
triết học tự nhiên. Các phong trào tư tưởng đó, hoặc dung hòa
hoặc xung đột lẫn nhau, làm cho nền học thuyết của Ấn Độ lâm vào
một tình trạng rất rối ren. Tuy nhiên, nếu kiểm điểm lại, ta có
thể chia các tư trào lúc bấy giờ thành hai hệ thống: hệ thống
Veda và hệ thống phản Veda. Hệ thống trước tuy nhiều, nhưng đáng
kể chỉ có lục đại học phái. Hệ thống phản lại thì có lục sư ngoại
đạo.
Sống dưới một xã hội có thể chế giai cấp đầy
bất công; tư tưởng tôn giáo lại rối ren như thế, con người không
còn biết tin tưởng, bám víu vào đâu. Giữa hoàn cảnh bế tắc ấy,
Đức Phật xuất hiện như một mặt trời sáng ấm buổi ban mai, làm tan
đi bóng tối của đêm đen dày đặc đã từ lâu che phủ cuộc đời. Ngài
không chỉ là cứu tinh cho xứ Ấn Độ thời bấy giờ, mà còn là người
vạch ra hướng đi mới của nhân loại. Đức Phật là người đầu tiên xướng
lên thuyết Nhân bản, lấy con người làm cứu cánh để giải quyết hết
mọi vấn đề bế tắc của thời đại. Cuộc đời Ngài là cả một bài
thánh ca trác tuyệt, là một sự biểu hiện của biển lớn Trí tuệ và Từ
bi, là ánh sáng, là con thuyền, là niềm tin cho mọi người, mọi xã
hội, dù ở bất cứ thời gian và không gian nào.
Dù không phải là người Phật tử, cũng cần tìm
hiểu ý nghĩa thâm thúy đời sống của bậc Thánh cao cả ấy để rọi
soi vào cuộc sống của chính mỗi con người. Và ở đây, chúng ta tìm
hiểu về những nét chính về cuộc đời của Đức Mâu Ni.
- B/- Nội dung
- I- Niên đại và thân thế
Đức Phật giáng sinh vào ngày 15 tháng 4 năm
623 BC tại vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni), cách thành Kapilavastu (Ca Tỳ
La Vệ) khoảng 15 cây số, nay là xứ Ruminidhehi, thuộc quản hạt Aouth,
phía Tây Nam xứ Népal và phía Đông Rapti. Song thân Ngài là Quốc
vương Suddhodana (Tịnh Phạn) và Hoàng hậu Màyà (Ma Da). Thuộc
dòng dõi Sakya (Thích Ca), Vua Suddhodana trị vì một vương quốc
nằm ở ven sườn dãy núi cao ngất trời - Himalaya (Hy Mã Lạp Sơn) -
nằm phía Đông-Bắc Ấn Độ, thủ phủ là Kapilavastu, nay là Népal.
Địa điểm thủ phủ này nay được nhận ra là Bhulya trong quận Basti,
cách Bengal 3 cây số nằm vào hướng Tây-Bắc nhà ga xe lửa Babuan.
Một hôm, trong thành Kapilavastu có lễ hội
Tinh Tú, vua tôi cùng nhau cúng bái. Hoàng hậu Màyà sau khi dâng hương
hoa trong nội điện và ra khỏi ngọ môn bố thí thức ăn, đồ mặc cho
dân chúng, bà trở về cung an giấc, mộng thấy một tượng vương
trắng 6 ngà từ trên hư không xuống, lấy ngà khai hông bên hữu mà
chui vào. Các bốc sư đều cho rằng Hoàng hậu sẽ hạ sanh một quý tử
tài đức song toàn. Nghe điều này, Vua Suddhodana rất vui mừng,
vì từ nay ngôi báu đã có người truyền nối.
Đến thời khai hoa nở nhụy, theo tục lệ thời
bấy giờ, Hoàng hậu phải trở về quê cha là trưởng giả Anjana ở
nước Koly (Câu Ly) để an dưỡng, chờ ngày lâm bồn. Trên quãng
đường đi, Hoàng hậu Màyà vào vườn Lumbini thưởng ngoạn mùa hoa đang
đua nở. Bên tàng cây asoka (vô ưu) che rợp mát, sắc màu tươi sáng,
hương thoảng nhẹ bay, Hoàng hậu đã hạ sanh Thái tử. Tin lành Thái
tử chào đời nhanh chóng được loan truyền trong dân chúng. Tất cả
thần dân trong vương quốc đều vui mừng không xiết kể.
Ngày Đản sanh Thái tử, khắp Kapilavastu cảnh
vật đều vui vẻ lạ thường, khí hậu mát mẻ, cây cối xanh tươi, sông
ngòi mương giếng trong đầy, chim chóc reo vang, hào quang tỏa
khắp. Đó là ngày hội của toàn vương quốc. Dân chúng khắp nơi tổ chức
ăn mừng và kéo về kinh đô Kapilavastu để vui với hoàng gia. Lẫn
trong đám đông, có nhiều đạo sĩ tu hành trên núi cao, cũng đi về
dự lễ và xem tướng cho Thái tử. Đạo sĩ già tên Asita (A Tư Đà)
(1), ẩn tu trên Himalaya - người được kính nể nhất vì đạo hạnh -
đã chào Thái tử với thái độ rất mực cung kính, rồi cười và lại
khóc. Được hỏi, đạo sĩ trả lời: ông cười mừng là vì Thái tử có 32
tướng tốt, nhất định tương lai sẽ tu chứng Phật quả, và với lòng
từ thương xót chúng sanh mà truyền bá chánh pháp trên thế gian
này.
"... Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề
Sẽ chuyển bánh xe pháp
Thấy thanh tịnh tối thắng
Vì lòng từ thương xót
Vì hạnh phúc nhiều người
Và đời sống phạm hạnh
Được truyền bá rộng rãi..."
(Sutta-Nipata, Kinh tập, 101)
Và ông khóc là vì tuổi đã quá cao, không còn
sống được bao lâu nữa để trực tiếp được giáo hóa bởi Đức Thế Tôn
tương lai này.
"... Thọ mạng ta ở đờ
Còn lại không bao nhiêu
Đến giữa đời sống Ngài
Ta sẽ bị mệnh chung
Ta không được nghe pháp
Bậc tinh cần vô tỉ
Do vậy ta sầu não
Bất hạnh và khổ đau" (Kinh tập, 103)
Lời tiên đoán làm Vua Suddhodana lặng lẽ không
vui. Trong lễ đặt tên, vua đặt tên con là Siddhattha (Sĩ Đạt
Đa-Tất Đạt Đa), họ là Gotama (Cồ Đàm), với hàm ý là kẻ phải giữ
chức vụ mà mình phảãi giữ; còn có nghĩa là người được toại nguyện,
mọi việc đều thành tựu. Ý nhà vua là muốn gởi gắm tất cả vương
quyền của mình vào đứa con yêu quý này.
Hoàng hậu Màyà qua đời sau 7 ngày hạ sanh Thái
tử; vì thế, sự nuôi dưỡng đều được chăm sóc trực tiếp bởi dì
Maha Pajàpati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề), em ruột của Hoàng hậu Màyà.
II- Đời sống của Thái tử trước khi xuất gia
1)- Đời sống và giáo dục của Thái tử: Thái tử
Siddhattha được nuôi nấng và dạy dỗ một cách toàn diện cả hai
lãnh vực văn chương và võ thuật; những thầy giáo giỏi nhất trong
nước được mời đến hoàng cung để dạy cho Thái tử các môn học đương
đại như Thanh minh (ngôn ngữ, văn học), Công xảo minh (công kỹ
nghệ học), Y phương minh (y học), Nhân minh (luận lý học) và Nội minh
(đạo học); lúc ấy, Ngài vừa tròn 7 tuổi. Về đạo học, Thái tử đã
được học 4 thánh điển Veda. Kinh ghi lại rằng, chỉ trong khoảng
thời gian từ 7 đến 12 tuổi, Thái tử đã học thông thạo 5 môn học
trên. Với một tư chất đặc biệt, Thái tử đã làm cho hai danh sư
nổi tiếng về võ là Ksantidiva (Sằn Đề Đề Bà) và về văn là
Visvàmistra (Tỳ Sa Mật Đa La) phải cúi đầu thán phục. Ngoài sự
thông minh dĩnh ngộ, Thái tử được mọi người quý kính về đức hạnh
bao la của Ngài.
Trong một buổi lễ Hạ điền, giữa lúc mọi người
mải mê xem lễ hội, Thái tử lúc ấy tuy còn nhỏ, đã lặng lẽ đến bên
cội cây gioi (rose-apple) xếp bằng tĩnh tọa. Thấy con với dáng
dấp trầm tư, tĩnh lặng, Vua Suddhodana đã phải kinh ngạc thốt lên:
"Ôi, con thân yêu! Đây là lần thứ hai, cha nghiêng mình trước
con!" (lần trước, khi thấy đạo sĩ Asita cúi đầu trước Thái tử,
vua bất giác cũng nghiêng mình theo).
Càng yêu thương quý trọng con, Vua Suddhodana
lại càng lo sợ Thái tử sẽ không nối nghiệp ngai vàng, mà sẽ xuất
gia tìm đạo như lời tiên đoán của đạo sĩ Asita. Càng lớn lên,
Thái tử càng lộ vẻ trầm tư về cuộc sống. Bởi thế, vua cùng triều
thần sắp đặt nhiều kế hoạch để giữ Thái tử ở lại với ngai vàng.
Vua Suddhodana đã cho xây 3 cung điện nguy nga, tráng lệ cho Thái tử
thay đổi nơi ở hợp với thời tiết quanh năm của Ấn Độ. Hàng trăm
cung phi mỹ nữ giỏi đàn ca hát múa được tuyển chọn để túc trực hầu
hạ Thái tử. Đức Phật đã đề cập đến quãng đời này trong kinh Tăng
Chi I như sau: "... Này các Tỳ kheo, ta được nuôi dưỡng tế nhị, quá
mức tế nhị; các hồ nước được xây lên, một hồ trồng hoa sen xanh,
một hồ sen đỏ và một hồ sen trắng... Đêm và ngày, lọng trắng
được che trên đầu ta, để tránh xúc chạm lạnh, nóng, bụi, cỏ,
sương. Này các Tỳ kheo, 3 lâu đài được xây dựng cho ta, một cái
cho mùa Đông, một cái cho mùa Hạ và một cái cho mùa mưa... Các vũ
công đàn hát múa xung quanh ta...". Nhưng những hạnh phúc trần
gian không làm khuây khỏa được ưu tư của người có ý chí xuất
trần.
Muốn ngăn chặn tất cả những hình ảnh của cuộc
sống trầm thống khổ đau mà kiếp người phải đeo mang không lọt vào
mắt, vào tai Thái tử, để đứa con yêu không có thời gian mà nghĩ
đến ngày xích lại với quyết định xuất gia; khi Thái tử vừa tròn
16 tuổi, Vua Suddhodana vội tiến hành lễ thành hôn cho Thái tử với
Công chúa một nước láng giềng - Yosodhara (Da Du Đà Là) - con Vua
Suppabuddha (Thiện Giác), một trang quốc sắc thiên hương, với hy
vọng hương ấm tình yêu thương đôi lứa sẽ buộc chặt đôi chân của
Thái tử ở lại với ngai vàng.
2)- Tiếp xúc khổ đau nhân thế: Nhưng được một
thời gian, do năng khiếu suy tư sâu sắc và lòng thương người vô
hạn vô biên, Thái tử lại rơi vào tình trạng trầm tư lo lắng, luôn
cảm thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn thắc mắc. Được phép
vua cha, Thái tử lần đầu tiên được ra khỏi cung vàng điện ngọc và
tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Trong phạm vi giới hạn của cấm
thành, Ngài chỉ được thấy những gì tươi đẹp của đời sống; và phần
còn lại, phần nhiều hơn, phần tương phản với những gì Ngài hiểu
biết, giờ đây nó đang sờ sờ trước đôi mắt ngỡ ngàng và xót xa của
Thái tử Siddhattha.
Lần lượt ra bốn cửa thành của hoàng cung, Ngài
chứng kiến những sự thật đen tối và đáng sợ! Một cụ già chân
mỏi, gối dùn; một người bệnh hoạn quằn quại; một thây ma hôi thối
và một đạo sĩ ly dục nghiêm trang, tất cả đã làm cho tâm tư Thái
tử dao động đến cực độ. Ngài càng nhận chân rằng tất cả những
lạc thú, hạnh phúc mà mình đang thọ hưởng đều mang tính giả tạm vô
thường. Cộng với lần tiếp chuyện cùng vị đạo sĩ ung dung, mà thoáng
hiện đằng sau con người này một con đường giải thoát, Thái tử
Siddhattha quyết định thoát khỏi ngục vàng, tìm ra một lối thoát, một
cuộc sống chân thật có ý nghĩa và cao đẹp hơn; một con đường dẫn
tới giác ngộ, vĩnh viễn khắc phục mọi nỗi khổ đau và bất hạnh của
đời người và hướng đến an lạc.
Giữa lúc ấy, một tin đưa đến khiến Ngài không
vui: Công chúa Yosodhara vừa hạ sanh một hoàng nam. Thái tử đã
thốt lên rằng: "Một trở ngại (ràhu) đã được sanh, một ràng buộc
đã xảy ra". Nhân câu nói này mà Quốc vương Suddhodana đã đặt tên
cháu là Ràhula (La Hầu La).
III/- Sự từ bỏ vĩ đại
Và rồi, với cõi lòng nặng trĩu vì thương chúng
sanh chìm đắm trong bể khổ; một đêm, sau khi đến trước phòng
nhìn lần chót người vợ và hài nhi yêu dấu đang say nồng trong giấc
ngủ, Ngài cùng nô bộc Channa (Xa Nặc) (2) dắt con tuấn mã Kantaka
(Kiền Trắc) (3) vượt thành ra đi.
Ánh sao khuya dẫn lối đưa đường, làn gió lạnh
đẩy lùi tất cả lại sau lưng. Tình yêu thương phụ hoàng, di mẫu,
vợ đẹp, con ngoan rất nồng nàn, nhưng trong Thái tử, lòng xót thương
nhân loại đang chịu mọi nỗi bất hạnh lại còn da diết vượt trội
hơn nhiều.
Ra đi, Ngài từ bỏ tất cả những người thân yêu,
ngôi báu, vương quyền, cả cuộc sống nhung lụa tràn đầy hạnh
phúc. Đây không phải là sự hy sinh từ bỏ của một người già, người
đau ốm, người nghèo, người tật bệnh, người bất đắc chí, người ngán
ngẩm cuộc đời, người mang căm hờn oán giận... mà là sự hy sinh từ bỏ
của một hoàng tử đang tuổi thanh xuân, đang sống trong quyền quý
giàu sang, chứa chan hạnh phúc. Quả đó là một sự từ bỏ hy sinh vĩ
đại, có một không hai trong lịch sử loài người. Một sự ra đi
không tiền khoáng hậu. Năm ấy, Thái tử vừa tròn 19 tuổi (theo Nam
truyền Phật giáo, Thái tử xuất gia năm 29 tuổi).
IV/- Quãng đường tu hành - tầm đạo
Khi tới bên kia bờ sông Anoma, Thái tử dưâng
lại, cạo bỏ râu tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Channa; và
bảo người nô bộc trung thành ra về tạ lỗi cùng phụ hoàng. Còn lại
một mình, Thái tử ra đi với bộ áo màu vàng giản dị của người tu
sĩ, sống cuộc sống không nhà của người xuất gia, ly dục ly trần, không
nơi cố định.
Một cây cao bóng mát hoặc một hang đá vắng vẻ,
một cánh rừng u tịch, một làng mạc đìu hiu đều có thể là nơi che
mưa đỡ nắng, nghỉ qua đêm của Ngài. Đi trong nắng cháy, đi trong
sương gió lạnh lùng, xiêm y từ tốn chỉ là những mảnh vụn ráp
lại, tài sản duy nhất chỉ là một bình bát để khất thực độ nhật;
Thái tử Siddhattha dành hết thời gian cho sự tầm cầu thiền định hầu tìm
ra sự thật tối hậu.
Lúc bấy giờ, có nhiều trí thức lỗi lạc xuất
gia trở thành những đạo sư tâm linh danh tiếng, quy phục được
nhiều đồ đệ. Thái tử Siddhattha trên đường đi tầm đạo cũng đã tới
thụ giáo với hai vị đạo sư được tôn kính nhất thời ấy là A-
la-ra Ka-la-ma và Uất Đầu Lam Phất, và chỉ trong một thời gian ngắn,
ngộ Vô sở hữu xứ định mà Alara Kalama đã chứng và đạt định Phi phi
tưởng xứ mà Uddaka Ràmaputta đã đạt. Biết rằng đây vẫn còn trong
vòng sanh tử, Ngài lại ra đi, bỏ lại sau lưng lời yêu cầu ở lại
cùng giáo hóa đồ đệ của hai vị đạo sĩ danh tiếng trên. Và thế là
không còn ai để Ngài theo học đạo nữa.
V/- Sáu năm khổ hạnh
Thời ấy, Ấn Độ còn có truyền thống và niềm tin
rằng, người nào cầu đạo giải thoát đều phải nỗ lực và kiên trì
tu khổ hạnh; Thái tử liền đi đến Uruvela, một thị trấn của Senàni
và cùng với năm anh em ông Kodanna (Kiều Trần Như) (4) , Bhadhya
(Bạt Đề) , Vappa (Đề Bà) , Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji (Ác Bệ) , bắt
đầu một cuộc tu khổ hạnh kéo dài đến 6 năm và dẫn đến kết quả là
thân thể Ngài gầy đi như một bộ xương khô, đôi mắt sâu hoắm,
không còn đi đứng được nữa.
Ngài đã trải qua những cảm giác nhức nhối, đau
đớn tột cùng của thân thể, và Ngài đã kể lại trong kinh
Majjihima Nikàya (Trung Bộ kinh) với những hình ảnh thật đáng sợ:
Ngài như bị ai khoan vào sọ với lưỡi khoan thật bén; như bị một lực
sĩ dùng dây siết chặt đầu; bị tên đồ tể dùng dao rạch bụng; như bị
nắm và quăng lên giàn hỏa thiêu sống. Nhưng những cảm giác đau đớn
ấy không hề ảnh hưởng và làm tổn thương đến tâm thức của Ngài.
Ở đây, qua thực nghiệm, Ngài thấy rằng chân lý
tối hậu giải thoát an lạc, diệt trừ khổ đau không thể cầu được ở
bên ngoài, ở bất kỳ một bậc đạo sư nào, cũng không phải qua pháp
môn hành xác; mà sự chứng ngộ ấy cần phải được thể hiện ở chính
trong nội tâm của mỗi người và không thể dựa vào một tha lực nào
khác.
Ngài lấy lại sức nhờ uống bát sữa do một thôn
nữ tên là Sujata (Su Dà Ta) dâng cúng, sau đó xuống tắm ở dòng
sông Neranjara (Ni Liên Thuyền). Năm người bạn đồng tu cho rằng
Ngài đã thối chí, quay về cuộc sống dục lạc tiện nghi, họ bèn rời bỏ
Ngài và đi đến Isipatana gần thành phố Benares (Ba La Nại).
VI/- Thành đạo
Còn lại một mình, Ngài đến ngồi dưới gốc cây
pippala (tất bát la, sau này gọi là cây bodhi - bồ đề); và với
tâm định tĩnh, chánh niệm, tỉnh giác, ly dục, đi vào sơ thiền (thời
niên thiếu, trong buổi lễ Hạ điền, Ngài cũng đã một lần vào thiền
này), nhị thiền, tam thiền và lần lượt nhập lên tứ thiền, sau đó
hướng tâm đến tam minh.
Với trực giác, Ngài thấy rõ nguyên nhân của
khổ đau. Chính sự tập khởi của 12 nhân duyên là tập khởi của toàn
bộ khổ uẩn. Ở canh một, Ngài chứng Túc mệnh minh, thấy rõ vô
lượng kiếp quá khứ của mình. Sang canh hai, Ngài chứng Thiên nhãn
minh, thấy rõ vô lượng kiếp quá khứ của chúng sanh với các nghiệp
nhân và nghiệp quả, thấy rõ con đường thọ nghiệp của chúng sanh. Qua
canh ba, Ngài như thật quán chiếu thấy khổ đau, nguyên nhân của
khổ đau, sự đoạn tận của khổ đau, và con đường đưa đến đoạn tận
khổ đau, và đã chứng Lậu tận minh. Sau cùng, Ngài chứng đắc quả
vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, là vị Phật đầu tiên trong
hiện kiếp, lúc ấy sao Mai vừa mọc; và danh hiệu Đức Phật Gotama,
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thế gian tôn xưng từ đấy.
C/- Kết luận
Nhìn qua lịch sử xưa nay, những anh hùng cái
thế lập nhiều chiến công hiển hách trên những đấu trường, thắng
ngàn quân, trăm trận nhiều vô số kể, nhưng thử hỏi có ai thắng
được dục vọng của chính mình ? Thắng người đã là một việc khó, thắng
được chính mình lại là một việc làm khó hơn. Đức Phật đã thắng cả
ngoại ma lẫn nội ma, vượt qua tất cả dục vọng thấp hèn, Ngài thật
xứng với danh xưng Đại Hùng, Đại Lực.
Ngài không vì quyền lợi riêng mà chiến đấu,
cũng không vì tình thương yêu hạn hẹp ở cha mẹ, vợ con, bè bạn,
quốc gia, lãnh thổ; mà vì lòng từ vô lượng đối với tất cả chúng
sanh mà đi tìm con đường giải thoát cho mọi loài. Ngài xứng với
danh hiệu Đại Từ, Đại Bi.
Vì tình thương yêu rộng lớn, không bỉ thử,
không thân sơ, nhân ngã ấy, Ngài từ bỏ cung vàng điện ngọc, vợ
đẹp con ngoan, uy quyền, lạc thú trần gian, cam chịu một cuộc đời
sống trong kham khổ, đạm bạc thiếu thốn, giáo hóa đó đây, Ngài
xứng với danh xưng Đại Hỷ, Đại Xả.
Đọc vài trang sử tóm gọn về cuộc đời của một
đạo sư, một bậc thầy cao cả đáng tôn đáng kính của nhân loại, để
hiểu về Ngài có khác nào con muỗi hút nước ở đại dương. Nhưng từ
những nét đại cương, khái lược về cuộc đời của Đức Phật cũng đủ
làm cho chúng ta suy gẫm ý nghĩa sâu sắc và đúng đắn mà nhân loại
đã tôn xưng Ngài là bậc Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ, Đại Bi, Đại
Hỷ, Đại Xả.
Sự xuất hiện của Đức Thích Ca Mâu Ni trong
trần thế là cả một vinh hiển lớn cho con người và xã hội. Ngài là
kết tinh của muôn ngàn hương hoa Bi, Trí, Dũng; là hiện thân của
chân lý giải thoát, là điềm lành cho hết thảy chúng sanh trong tam
thiên đại thiên thế giới. Nếu cuộc đời không đau khổ tối tăm, Đức
Phật đã không xuất hiện ở đời. Ngài ra đời vì một mục đích trọng
đại là chỉ bày cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến của chính
mình. Hay nói khác hơn, "vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì an lạc
cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an
lạc cho chư Thiên và loài người" mà Đức Thế Tôn xuất hiện ở thế
gian.
Cuộc đời của Đức Phật là cả một bài thuyết
pháp hùng hồn trác tuyệt, dù cho có dùng hàng vạn ngôn từ mỹ dụ
cũng không thể nào diễn đạt cho hết ý nghĩa thiêng liêng. Đời
sống của Ngài là một biểu hiện sống động cho giáo lý của Ngài. Ngài
nói và thực hành với kết quả mỹ mãn, tương ứng với những gì Ngài
thuyết giảng. Đời sống Đức Điều Ngự là cả một bằng chứng hiển
nhiên cho giáo pháp khả thi, khả hành, khả chứng, vượt thời gian, không
gian, hiện tại lạc trú của Ngài. Đó không phải là những tín điều
mặc khải, càng không phải là những lời dạy suông, những ý niệm
hoang tưởng, những lý thuyết xây dựng trên mây, trên khói.
Lịch sử của Đức Phật là lịch sử của một con
người, nhờ tu tập bản thân, đã trở thành một con người hoàn
thiện, một bậc thánh giữa thế gian. "Con người vĩ đại nhất sinh
ra ở đời này", như lời Tagore đã nói.
Bằng cuộc đời của Ngài, bằng những lời dạy của
Ngài được kết tập lại trong ba tạng kinh điển, Đức Phật đã khai
thị cho loài người biết rằng, bất cứ một người nào, với sự nỗ lực
của bản thân, đều có thể vươn lên đỉnh cao của giác ngộ và giải
thoát. Có thể nói, không một tôn giáo nào, không một hệ tư tưởng
nào đề cao con người và đặt niềm tin vào con người như là đạo
Phật. Tính nhân bản tuyệt vời của đạo Phật chính là chỗ đó.
Tránh mọi điều ác, làm mọi điều lành, gột rửa
nội tâm để trở thành một bậc thánh, một con người hoàn thiện về
đức hạnh và trí tuệ, mỗi con người chúng ta đều có khả năng và
bổn phận thực hành bức thông điệp đó, bức thông điệp bất hủ mà
Đức Phật đã trao cho loài người, cho mỗi chúng ta./.
Chú thích
(1) Asita (A Tư Đà): vị đạo sĩ ẩn tu trên đỉnh
Hymalaya, người được kính nể nhất vì đạo hạnh và đức độ tại Ấn
lúc bấy giờ.
(2) Channa (Xa Nặc): người hầu cận tâm phúc bên cạnh Thái tử.
(3) Kantaka (Kiền Trắc): Theo truyền thuyết,
con ngựa Kantaka rất hung dữ, không ai điều phục được ngoài Thái
tử Siddhatta.
(4) Năm anh em Tôn giả Kodanna: Kondanna, Bhadhya, Vappa, Mahanama và Asaji.
(5) Bodhi: Tên một loại cây tại Ấn Độ, Hán dịch là cây bồ đề. Bodhi còn có nghĩa là trí tuệ.
Sách tham khảo
1. Thích ThiệnSiêu, Tỏa ánh từ quang, BTS tỉnh Thừa Thiên-Huế, Huế, 1992.
2. Thích Thiện Siêu, Phật tử, VNCPHVN, TP HCM, 1997.
3. H.W.Schumann, Trần Phương Lan dịch, Đức Phật lịch sử, Viện NCPHVN, TP HCM, 1997.
-oOo-
Phần II: Từ Thành đạo đến nhập Niết bàn
A/- Dẫn nhập
Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn
lao, một lòng từ vô hạn mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện
nghi vật chất để cầu đạo giải thoát. Và cũng với đại tâm đại
nguyện ấy, sau khi chứng được đạo quả Vô thượng Bồ đề, Ngài đã
dâng hết thời gian cho công cuộc hoằng hóa độ sanh. Đức Thế Tôn
đã chu du khắp đất nước Ấn Độ thời xa xưa ấy, từ cực Bắc dưới
chân núi Himalaya (núi Hy Mã Lạp) đến cực Nam bên ven sông Gange (sông
Hằng).
B/- Nội dung
Đức Thế Tôn đã dành những tuần lễỵ đầu tiên để
chiêm nghiệm đến giáo pháp thậm thâm vi diệu mà Ngài đã chứng
đắc, và thọ hưởng pháp lạc mà quả phúc giải thoát mang đến. Pháp
Cú kinh số 153, 154 đã ghi lại một trong những Phật ngôn đầu tiên
mà Ngài đã thốt lên trong thời gian này:
Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng không gặp
Người xây dựng nhà này
Khổ thay, phải tái sanh
Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa
Đòn tay ngươi bị gãy
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta được tịch diệt
Tham ái thảy tiêu vong.
(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)
Câu kinh như một lời ca khải hoàn, mô tả sự
chiến thắng vẻ vang rực rỡ sau cuộc chiến đấu nội tâm thầm lặng
gian nan. Anh thợ tượng trưng cho ái dục, vô minh, phiền não luôn ẩn
sâu kín trong mỗi con người, nay đã bị phát hiện.
Đức Phật cũng đã để lại cho thế gian một bài
học luân lý đạo đức đẹp đẽ, đó là sự tỏ lòng tri ân sâu xa đối
với cây bồ đề che nắng che mưa cho Ngài trong suốt thời gian tầm
đạo. Đức Thế Tôn đã đứng cách một khoảng xa để chiêm bái đại thọ
suốt trong một tuần. Sau này, nơi đây Vua Asoka (A Dục) dựng lên
một tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya, nay vẫn còn.
Đức Thế Tôn đã suy nghĩ đến giáo lý giải thoát
sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý
luận, ly dục, vô ngã mà Ngài đã chứng đắc; còn chúng sanh thì luôn
chìm sâu vào ái dục, định kiến, chấp ngã, với nhiều thủ trước... làm
thế nào để con người dễ dàng chấp nhận giáo lý ấy. Và rồi, với
trí tuệ của bậc giác ngộ, Đức Thế Tôn đã quan sát thế gian và thấy
rằng: "Có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời;
có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ
giáo hóa, khó giáo hóa... Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ
sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên
khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sanh ra dưới
nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước
thấm ướt..." (Trung Bộ I). Và như vậy, với hình ảnh những cành
sen vươn ra khỏi mặt nước, những cành ở lưng chừng, những cành ở
sâu trong lòng nước v.v..., đã gợi lên trong Thế Tôn về căn cơ
bất đồng của mọi người. Có những căn cơ thấp như cánh sen ở đáy
hồ, có những căn cơ trung bình như những cánh sen ở lưng chừng
nước, cũng có những căn cơ cao có thể tiếp thu trọn vẹn giáo pháp
của Ngài như những cành sen đã nhô ra khỏi mặt nước.
Dù sống trong nghiệp quả bất đồng, mỗi chúng
sanh đều có hạt giống giác ngộ, như hoa sen dù sống trong bùn
tanh hôi, vẫn tỏa hương thơm ngát.
Với ba lần thỉnh cầu và phát khởi thiện nguyện
hộ trì giáo pháp của Phạm Thiên, Đức Thế Tôn quyết định gióng
lên tiếng trống pháp và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình. Ngài
tuyên bố với thế gian, với loài người, với cõi trời và với tất
cả, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn tới cõi bất
sanh bất diệt, cõi Niết bàn đã được khai mở: "Cửa bất tử rộng mở,
Cho những ai chịu nghe..." (Trung Bộ I). Và bánh xe pháp đã bắt đầu
chuyển vận.
I/- Bài pháp đầu tiên - ngôi Tam bảo được hình thành - sự khởi đầu của Giáo hội Phật giáo
Sau khi quyết định truyền bá đạo lý cứu khổ
cho muôn loài, Đức Phật dùng tuệ nhãn quan sát thế gian xem ai là
người có cơ duyên để hóa độ trước, và Ngài nghĩ ngay đến hai vị
thầy cũ của mình là Alara Kàlama (A-la-ra Ka-la-ma) và Uddaka Ramaputta
(Uất Đầu Lam Phất) , nhưng cả hai đã qua đời cách đó không lâu.
Đức Thế Tôn nghĩ đến năm người bạn đồng tu khổ hạnh đã rời bỏ
Ngài trước kia, đang ở tại vườn Nai (Lộc Uyển) - Benares (Ba La
Nại) và lên đường đi đến đó.
1)- Bài pháp đầu tiên: Tại đây, bài pháp đầu
tiên, bài giảng về Tứ diệu đế (Tứ thánh đế) được Đức Thế Tôn chỉ
bày rõ ràng. Nghe xong, Tôn giả Kodanna (Kiều Trần Như) chứng quả
Tu Đà Hoàn.
Đức Thế Tôn đã thu nhận năm Tôn giả làm các đệ tử xuất gia đầu tiên - và thế là ngôi Tam bảo đã được hình thành.
Để đánh dấu sự kiện đáng ghi nhớ này, về sau
người ta đã biểu trưng nó với hình ảnh bánh xe với 2 con nai hai
bên. Hai con nai biểu tượng cho địa điểm thuyết pháp (Lộc Uyển)
và bánh xe Dhamma Cakka tức là bánh xe pháp (Pháp luân). Cả đầu đề bài
kinh được giảng là: Dhamma Cakkappavattana, có nghĩa là Chuyển
Pháp Luân (chuyển bánh xe pháp).
2)- Nội dung kinh Chuyển Pháp Luân: Đức Thế
Tôn mở đầu bằng lời khuyên các tu sĩ không nên mắc vào hai cực
đoan: một là đam mê thú vui dục lạc thế gian, vì nó giả tạm, nhất
thời, tầm thường, ngăn cản mọi tiến bộ tâm linh; cực đoan thứ hai là
khổ hạnh ép xác, nó làm mỏi mệt tinh thần, mê mờ trí tuệ. Và Ngài
khuyến tấn họ nên theo con đường trung đạo dẫn tới một cuộc sống
thanh tịnh, trí tuệ, sáng suốt, giải thoát tối hậu. Đó là con
đường đạo tám nhánh - Bát chánh đạo: 1- Chánh tri kiến: thấy biết
chân chánh. 2- Chánh tư duy: suy nghĩ chân chánh. 3- Chánh ngữ:
nói năng chân chánh. 4- Chánh nghiệp: hành động chân chánh. 5-
Chánh mạng: sinh sống chân chánh. 6- Chánh tinh tiến: siêng năng
chân chánh. 7- Chánh niệm: nhớ nghĩ chân chánh. 8- Chánh định:
tập trung tư tưởng chân chánh.
Và Bốn thánh đế được Đức Phật giảng tiếp theo,
đó là chân lý về sự Khổ (Khổ đế), chân lý về nguyên nhân của sự
Khổ (Tập đế), chân lý về sự diệt Khổ (Diệt đế) và chân lý về con
đường diệt Khổ (Đạo đế).
Sau khi nghe Đức Thế Tôn giảng bài pháp thứ
hai có đầu đề Anttalakkhana Sutta bàn về thuyết Vô ngã (không có
cái ta), rằng năm uẩn là vô thường, nếu ai thoát khỏi tham ái thì
ra khỏi tái sanh, được giải thoát; năm Tôn giả Kodanna (Kiều Trần
Như), Bhadhya (Bạt Đề) , Vappa (Đề Bà) , Mahanama (Ma Ha Nam) và Asaji
(Ác Bệ) lần lượt chứng quả A La Hán.
Bấy giờ là tháng Vesàkha (giữa tháng 4 và 5
dương lịch), đầu mùa kiết hạ, Giáo hội của Đức Thế Tôn an cư mùa
mưa đầu tiên tại đây.
3)- Giáo hóa Yasa (Da Xá): Gần Benarès, có con
trai của một người triệu phú tên là Yasa. Chán cuộc đời xa hoa
phú quý tầm thường vô vị của thế gian, chàng tìm đến Đức Phật;
sau khi nghe pháp đã xin xuất gia và chẳng bao lâu chứng quả vị A La
Hán. Cha của Yasa trên đường đi tìm con cũng đến vườn Nai thính
pháp và xin quy y. Ông trở thành đệ tử tại gia đầu tiên của Đức
Phật. Tại nhà của Yasa, mẹ và vợ của chàng cũng quy y Tam bảo.
Bốn người bạn thân của Yasa là Vimàla (Tỳ Ma La), Subhàhu (Tu Bà
Hầu), Punnaji (Phú Lan Ca Na) và Gavàmpati (Già Bà Bạt Đế) cũng
như hơn 50 bạn khác từ các gia đình và địa phương gần xa nghe tin
Yasa xuất gia, cũng lạy cha mẹ, từ giã gia đình xin theo chân
Đức Phật, và sau một thời gian đều đắc Thánh quả.
4)- Đoàn Tăng sĩ thuyết pháp đầu tiên: Lúc bấy
giờ, Đức Thế Tôn đã có 60 người đệ tử đều là A La Hán. Ngài
quyết định đưa họ đi khắp nơi để truyền bá chánh pháp. Trước khi
họ lên đường, Ngài đã động viên, kêu gọi các đệ tử rằng: "Hỡi các
Tỳ kheo! Như Lai đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc thế gian
và xuất thế gian, các ông cũng vậy... Này các Tỳ kheo, hãy đi vì
lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn
đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người. Các
ông hãy đi, nhưng đừng đi hai người cùng một hướng, hãy đi mỗi người
một ngả, hãy truyền bá chánh pháp. Này các Tỳ kheo, chánh pháp
toàn thiện ở phần đầu, phần giữa cũng như phần cuối, cả trong ý
tứ và lời văn. Hãy tuyên bố về cuộc sống toàn thiện và thanh
tịnh... Chính Như Lai cũng đi, Như lai sẽ đi về hướng Uruvela (Ưu
Lâu Tần Loa) ở Sanànigàma để hoằng dương giáo pháp. Hãy phất lên
ngọn cờ của bậc thiện trí, hãy truyền dạy giáo pháp cao siêu,
hãy mang lại sự tốt đẹp cho người khác; được vậy, là các ông đã
hoàn tất nhiệm vụ" (Mahavagga - Đại Phẩm 19, 20).
Đức Phật không khuyên tất cả mọi người nên rời
bỏ đời sống gia đình để xuất gia, trở thành người sống không nhà
cửa, không tài sản, sự nghiệp. Một người cư sĩ cũng có thể sống
đời cao đẹp thích ứng với giáo pháp và đắc quả Thánh. Cha mẹ và
vợ của Yasa là những người tu tại gia đầu tiên bước theo dấu chân
của Đức Phật, tất cả đều tiến triển đầy đủ về tinh thần và thành
tựu đạo quả Tu Đà Hoàn.
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, Đức Phật
và 60 người học trò chứng quả A La Hán tổ chức thành một Tăng
đoàn những tu sĩ khất thực, không có trụ xứ nhất định, không có
của cải vật chất nào khác ngoài tấm áo vàng che thân và một bình
bát để khất thực nuôi thân. Trong mưa nắng, trong sương gió, làng mạc
hay phố thị, rừng núi hay đồng hoang đều có dấu chân của những con
người thuyết giảng về đạo lý cứu khổ và đời sống thánh hạnh, và
tự mình nêu gương sáng về cuộc sống thanh tịnh và giải thoát. Đó
là sự nghiệp, là nội dung chủ yếu của Tăng đoàn đầu tiên do Đức
Thế Tôn đích thân thành lập và chỉ đạo. Có thể nói, đây là sự
khởi đầu của Giáo hội Phật giáo.
II/- Hóa độ rộng lớn và cùng khắp
Sứ mạng hóa độ - con đường giáo hóa của Đức
Thế Tôn thật vô cùng nặng nề và khó khăn, nhưng với lòng bi mẫn
rộng sâu, tinh thần bình đẳng triệt để và một ý chí dũng mãnh vô
song, Đức Thế Tôn đã tùy theo căn cơ của mọi người mà dùng nhiều
phương tiện thiện xảo giáo hóa, như một bậc y vương đã tùy bệnh mà
cho thuốc, đã hoàn thành sứ mạng thiêng liêng một cách viên mãn và đã
đề ra một con đường giáo dục thật mới lạ trong lịch sử nhân loại.
1)- Cảm hóa ba anh em ông Kassapa (Ca Diếp) -
giáo chủ thần lửa: Sau khi 60 vị Tỳ kheo mỗi người đi về một
hướng, Đức Thế Tôn cũng đi về hướng Uruvela. Dọc đường, trong một
khu rừng nhỏ, Đức Phật đãả hóa độ cho 30 thanh niên đang vi đùa cùng
vợ của họ và một kỹ nữ ở trong rừng.
Gần Uruvela có ba anh em Kassapa: Uruvela
Kassapa (Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp) , Nadi Kassapa (Na Đề Ca Diếp) và
Gaya Kassapa (Già Da Ca Diếp). Ba anh em ông là những người có danh
vọng lớn ở Magadha, đặc biệt là người anh cả Uruvela Kassapa, ông
này thờ thần lửa và tự cho mình đã chứng quả A La Hán. Trọ qua
đêm và bị cố ý thu xếp cho ở căn phòng thờ thần lửa có một con
rắn chúa rất độc và dữ tợn, Đức Phật đã hàng phục con rắn thiêng
này, ngoài suy nghĩ của ông Uruvela Kassapa. Tin rằng chính Đức
Phật là người đã chứng quả Thánh, chứ không phải là mình, ba anh
em ông Kassapa và 1.000 đệ tử đều xin xuất gia theo Phật.
Sau đó, Đức Phật đã đến Gàya Sirà (rừng Thệ
Đa) cách Uruvela không xa lắm. Chính nơi đây, Đức Thế Tôn đã
thuyết giảng kinh Adittapariyàya Sutta (bài kinh với chủ đề: Thế gian
là tòa nhà cháy rực bằng ngọn lửa tham, sân, si, sanh, già, bệnh,
chết, sầu bi, khổ não và thất vọng). Các Tỳ kheo có mặt đều đắc
quả A La Hán.
Khi vừa thoát ly gia đình để tầm đạo, Đức Phật
có lúc đã ngụ tại Pàndavapabbata. Vua Bimbisàra (Tần Bà Sa La -
Bình Sa Vương) lấy làm cảm kích trước tướng mạo oai nghi và tư
cách trang nghiêm, sang trọng, khiêm tốn, đã cho người dò hỏi lai lịch.
Sau khi biết được chí nguyện của vị Thái tử đầy hùng tâm này, đức
Vua xin Ngài hãy trở lại viếng thăm vương quốc Magadha (Ma Kiệt
Đà) do vua cai trị, khi chứng đạo quả.
Nhớ lời hứa xưa, Đức Thế Tôn cùng trên 1.000
đệ tử A La Hán từ Gàya đến Ràjagaha (Vương Xá) , thủ phủ của
vương quốc Magadha giàu mạnh. Và tại đây, Vua Bimbisàra hiểu được
giáo pháp cao diệu liền chứng Sơ quả và xin quy y Tam bảo, cùng
dâng cúng tinh xá rộng lớn có tên là Veluvanàràma (Trúc Lâm tinh xá) gần
thành Ràjagaha. Có thể coi đây là tự viện đầu tiên ra đời, và
Vua Bimbisàra là vị thí chủ đầu tiên trong hàng vua chúa. Tại
tinh xá yên tĩnh này, Đức Phật và đại chúng đã nhập hạ một lần 3
năm liên tiếp và 3 hạ khác, xa cách nhau.
2)- Thâu nhận Sàriputta (Xá Lợi Phất) và
Moggallàna (Mục Kiền Liên): Gần Ràjagaha có một làng tên Upatissa, còn
có tên là Nàlaka, Sàriputta - một chàng trai thông minh - là người
ở làng này. Vì xuất thân ở một gia đình quyền quý nhất làng, nên
chàng còn được gọi là Upatissa.
Cùng với người bạn thân ở làng Kolita tên gọi
Moggallàna, có chung một nhận thức rằng tất cả những thú vui vật
chất đều tạm bợ, trống rỗng và vô vị. Hai chàng trai quyết định
từ bỏ gia đình, lang thang đi tìm chân lý và thọ giáo với đạo sĩ
Sàsajaya, người có rất nhiều đồ đệ. Nhưng do không thỏa mãn với
giáo lý của vị thầy hữu danh này và sau đó là nhiều đạo sĩ khác, cả
hai chia tay nhau và thề hẹn rằng: Nếu ai tìm ra con đường đạo giải
thoát trước, sẽ cho người kia hay.
Trong một dịp bất ngờ, ngài Sàriputta đã xúc
động mạnh trước phong thái giải thoát, trầm tĩnh, siêu phàm đang
đi trì bình một cách thong dong để giáo hóa mọi người ở thành
Ràjagaha của ngài Assaji (Ác Bệ hay Mã Thắng hoặc Thuyết Thị). Cho rằng
đây hẳn là bậc A La Hán, hay cũng là người đang trên con đường
dẫn đến đạo giác ngộ, Sàriputta đã đợi cơ hội và liền đảnh lễ,
thưa hỏi: "Kính bạch Tôn giả! Các căn của Ngài thật bình thản, an
tịnh. Màu da của Ngài thật trong sáng. Vì sao Ngài thoát ly thế
tục? Ai là đạo sư của Ngài? Giáo lý của Ngài là gì?".
Trước những câu hỏi chân thật, khiêm tốn và sự
khẩn khoản yêu cầu của Sàriputta, ngài Assaji đã đọc tóm tắt
giáo lý mà Ngài đã học ở Đức Thế Tôn bằng bài kệ: "Các pháp do
nhân duyên sanh, Duyên ấy Như Lai đã chỉ rõ, Và dạy phương tiện
để chấm dứt, Đó là giáo pháp của bậc Đại Sa môn".
Là người thông tuệ và trí óc đã thuần thục để
thấu triệt chơn lý sâu xa, dù nó chỉ được gợi ra một cách vắn
tắt, Sàriputta đã chứng Sơ quả (Sotàpayti - Tu Đà Hoàn) khi vừa
nghe hai câu đầu.
Theo lời giao hẹn, Sàriputta liền thông tin
cho bạn thân. Moggallàna cũng đã chứng Sơ quả. Do lời tha thiết
yêu cầu của cả hai, Đức Phật đã nhận hai ông vào Tăng đoàn tại tinh
xá Veluvana với câu nói đơn giản: "Etha, Bhikkhave! (Hãy đến đây, các
Tỳ kheo!). Nửa tháng sau, Sàriputta chứng quả A La Hán, nhân
nghe bài kinh Vedanà Pariggha mà Đức Phật giảng cho đạo sĩ
Dìghnakha (Trường Trảo). Ngài Moggallàna đã chứng quả ấy trước đó
một tuần.
Với cơ duyên lớn, Đức Phật đã triệu tập Tăng chúng và tuyên bố hai vị là Thượng thủ trong Tăng đoàn.
Từ đấy, hai Ngài thường thay mặt Thế Tôn để
hướng dẫn Tăng chúng. Đây là thời điểm đánh dấu sự phát triển lớn
mạnh của Giáo hội Phật giáo, dưới sự lãnh đạo của Đức Thế Tôn.
III/- Đức Phật và thân quyến
1)- Vua Suddhodana (Tịnh Phạn Vương): Hay tin
người con yêu dấu trí tuệ đã thành đạo và đang thuyết pháp giáo
hóa nổi danh tại Ràjagaha, đức Vua Suddhodana nóng lòng gặp mặt, liền
tức tốc sai nhiều sứ giả đến thỉnh Đức Phật về Kapilavatthu. Nhưng
chín lần ra đi là chín lần sứ giả đều ở xin xuất gia với Đức
Phật. Vị sứ giả thứ mười là Kàludàyi (Ca Lưu Đà Di), vốn là bạn
thân của Đức Phật khi còn là Thái tử, đến nơi nghe pháp cũng xin
xuất gia và cũng chứng Thánh quả như những vị sứ giả trước, nhưng
ông Kàludàyi đã chuyển đến Đức Phật lời yêu cầu được gặp mặt của
vị vua già yếu.
Sau hai tháng, Đức Thế Tôn và đại chúng đã về
đến Kapilavatthu. Trước đạo phong của Đức Phật, Vua Suddhodana đã
cúi đầu kính lễ lần thứ ba. Và sau khi Đức Thế Tôn thuyết pháp
lần thứ nhất, đức Vua đã chứng Sơ quả, và đạt quả thứ hai
(Sakkadagami - Tư Đà Hàm) khi nghe bài pháp kế tiếp. Lần thứ ba, khi
nghe bài pháp có tên Dhammapala Jàtaka (Trì Pháp Túc Sanh truyện,
số 447), đức Vua đắc quả Anagami (A Na Hàm). Với bài pháp này,
di mẫu Pajapati Gotami đã chứng Sơ quả.
Sau này trên giường bệnh, Vua Suddhodana lại
được Đức Phật về thăm và giảng pháp cho nghe. Đức Vua sau 7 ngày
tận hưởng pháp lạc do đắc quả A La Hán, đã băng hà trong định
tĩnh. Năm ấy, Đức Phật ở tuổi 40 và đang an cư lần thứ năm. Cũng
trong hạ thứ năm này, Giáo hội Ni được thành lập. Và ở hạ thứ bảy,
Đức Phật đã lên cung trời Tusita (Đao Lợi) thuyết pháp độ chư Thiên
và Hoàng hậu Maya.
2)- Yasodhara(Da Du Đà La): Sau khi Thái tử
rời bỏ cung vàng, Công chúa Yasodhara cũng bỏ hết đồ trang sức,
mặc y vàng của người tu sĩ, và trong khoảng 6 năm trường, đã thủy
chung, tận tình nuôi dạy đứa con độc nhất Ràhula đến tuổi lớn khôn.
Nghe vua cha tán dương đức hạnh của nàng dâu,
Đức Thế Tôn đã giảng kinh Candakinnara Jàtaka và nói thêm rằng:
"Không phải chỉ kiếp cuối cùng này, mà trong những tiền kiếp, Công
chúa cũng đã từng bảo vệ, kính mộ và thủy chung với Như Lai".
Sau khi Vua Suddhodana qua đời, di mẫu
Pajapati xuất gia làm Tỳ kheo ni, Công chúa cũng được xuất gia và đắc
quả A La Hán sau đó. Trong hàng Ni chúng, Công chúa là người có
thần thông bậc nhất. Bà nhập Niết bàn năm 78 tuổi. Trong kinh
Apadana còn ghi lại những câu kệ do bà giảng thuyết.
2)- Ràhula (La Hầu La): Ràhula sinh ra đúng
ngày mà Thái tử quyết định thoát ly thế tục. Cậu bé trưởng thành
trong cảnh không cha, được ông nội và mẹ nuôi dưỡng. Khi lên bảy tuổi,
cũng đúng vào ngày thứ 7 Đức Thế Tôn lưu lại quê nhà, Ràhula luôn
luôn quấn quýt bên chân Đức Phật, nũng nịu đòi gia tài như lời mẹ
dặn. Đức Phật quyết định giao "Thất thánh tài" (1) cho cậu bé
bằng cách nhận cậu vào Tăng đoàn và giao cho ngài Sariputta dạy
dỗ.
Thật khó tưởng tượng một cậu bé lên bảy có thể
sống đời sống cao thượng của bậc xuất trần thượng sĩ. Nhưng Sa
di Ràhula vừa thông minh đặc biệt, vừa biết vâng lời chuyên cần
tu học. Kinh ghi rằng mỗi sáng, vị Sa di trẻ này dậy thật sớm,
bốc một nắm cát tung lên và nguyện: "Mong rằng ngày hôm nay ta học
được nhiều như bao nhiêu cát đây...".
Một trong những bài kinh nổi tiếng mà Đức Phật
đích thân dạy cho Ràhula là bài Ambalatthika Rahulovada Sutta
(kinh Giáo Giới La Hầu La), nhấn mạnh về tầm quan trọng của sự chân
thật, phương pháp phản tỉnh để diệt trừ mọi ý niệm, lời nói, hành
động bất thiện.
Năm lên 18 tuổi, một lần cùng Đức Phật đi khất
thực, phong độ và oai nghi quý phái của hai vị tu sĩ xem tựa như
thớt ngự tượng dõng dạc cùng đi với tượng con ngoan hiền, như thiên
nga của vua dắt con lội trên mặt hồ trong ngự uyển, như hổ chúa oai
phong cùng hùm con lẫm liệt. Cả hai Ngài đều có thân hình vô cùng
đẹp đẽ, cả hai đều thuộc dòng dõi quý tộc từ khước ngai vàng cất
bước ra đi. Trong lúc chiêm ngưỡng Thế Tôn, Ràhula nảy lên ý
niệm nghĩ về thân hình đẹp đẽ của mình và Đức Phật. Biết được ý
tưởng đó, Đức Thế Tôn đã nói bài kệ bất hủ "N’etam mama (cái này
không phải của ta); N’eso’ham’asmi (cái này không phải là ta); Na
me so attà (cái này không phải tự ngã của ta)" - xem
Anattalakkhana Sutta, bài II.
Và sau khi nghe kinh Cùla Ràhulovàda Sutta,
Ràhula chứng quả A La Hán. Ngài nhập diệt trước cả Đức Phật và
ngài Sàriputta. Ngài nổi tiếng là người tôn trọng kỷ luật. Bạn bè
thân gọi Ngài " Ràhula may mắn", vì đời Ngài có được hai diễm
phúc: là con của Đức Phật và chứng ngộ được chơn lý; như trong kinh
Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ), Ngài đã đề cập đến điều ấy.
4)- Ananda (A Nan): Con của Hoàng thân
Amitodana, em trai Vua Suddhodana, Ananda là anh em chú bác với Đức
Phật. Ông sanh ra mang lại niềm hoan hỷ cho hoàng tộc, nên được
đặt tên là Ananda (Khánh Hỷ). Hai năm sau khi Phật thành đạo, ông
xuất gia cùng với các thanh niên của dòng họ Sakya là Anurudha
(A Nâu Lâu Đà), Baddhiya (Ba Đề), Bhagu (Ba Gu), Kimbala (Kim Tỳ
La) và Devadatta (Đề Bà Đạt Đa). Không bao lâu, ông chứng Sơ quả
khi nghe bài pháp của Đại đức Puna Mantàniputta (Phú Lâu Na Mãn
Từ Tử). Năm Đức Thế Tôn 55 tuổi, với 8 điều thỉnh cầu mà ông đưa
ra là: 1- Đức Phật không ban cho Ngài những bộ y mà thiện tín
dâng cho Đức Phật; 2- Không ban cho Ngài những vật thực mà thiện
tín dâng cho Đức Phật; 3- Cho phép không ở chung tịnh thất với Đức Phật;
4- Không cho phép Ngài đi theo đến nơi thí chủ chỉ thỉnh Đức
Phật; 5- Đức Phật hoan hỷ đến nơi mà thí chủ chỉ thỉnh Ngài đến;
6- Hoan hỷ cho phép Ngài tiếp dẫn những người từ phương xa đến ra
mắt Phật; 7- Hoan hỷ cho Ngài thưa hỏi mỗi khi có điều hoài
nghi; 8- Hoan hỷ giảng lại bài pháp mà Đức Phật giảng khi Ngài
không có mặt.
Được Đức Phật chấp thuận với ý nghĩa của nó,
và giữa đại chúng, ông được cử làm thị giả Đức Thế Tôn suốt 25
năm trường sau đó. Ông làm công việc của mình thật tận tụy. Kinh
ghi rằng, đêm đêm Đại đức Ananda tay cầm gậy, tay cầm đuốc đi
chung quanh tịnh thất của Đức Phật 9 lần, để Ngài khỏi bị quấy
rầy.
Tôn giả Ananda có một trí nhớ tốt lạ lùng: ông
ghi nhớ không bỏ sót tất cả các bài pháp của Đức Phật, cũng như
của một số các đệ tử lớn của Ngài, mà ông được nghe qua. Khi có
một Bà La Môn hỏi Tôn giả nhớ được bao nhiêu bài kinh, Tôn giả
trả lời là được 82.000 bài của Đức Phật và 2.000 bài của các Tôn giả
khác thuyết.
Đức Phật đã tán thán 5 đức hạnh của Tôn giả
Ananda là học uyên bác, trí nhớ tuyệt hảo, kiên định, săn sóc chu
đáo và ứng xử tốt.
Mãi sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, Tôn giả
Ananda mới chứng quả A La Hán, trước một ngày Đại hội kết tập
kinh điển lần thứ nhất xảy ra, trong khi nghiêng mình nằm xuống. Kinh
sách ghi rằng, Ngài là vị A La Hán độc nhất đắc quả ngoài lúc đi,
đứng, nằm, ngồi. Tôn giả mất năm 120 tuổi.
- IV/- Di mẫu Maha Majàpati Gotami xuất gia:
- Giáo hội Ni giới ra đời
Được gọi là Maha Pajàpati (Ma Ha Ba Xà Ba Đề)
bởi vì các nhà tiên tri thời bấy giờ cho rằng về sau bà sẽ cầm
đầu một đám đông người. Con trai bà là Nandà (Nan Đà), em một cha
khác mẹ với Thái tử Siddhattha, cũng được Đức Thế Tôn độ cho xuất
gia khi chàng trai này đang tổ chức 3 đại lễ quan trọng: kết hôn,
phong tước và khánh thành cung điện mới.
Tuy công bố rằng nữ giới cũng có thể chứng 4
Thánh quả (bà Maha Pajàpati đã chứng Sơ quả, như đã nói ở trước),
nhưng con đường tu hành sống không gia đình, khép mình vào khuôn
khổ của giáo pháp và giới luật, cũng như sứ mạng hoằng hóa độ
sanh thật lắm gian nan, khó nhọc. Với bản tánh mềm yếu và dễ cảm
xúc, phụ nữ khó đảm đương nổi trách nhiệm thiêng liêng, cao cả lẫn
nặng nề của một sứ giả Như Lai. Vì thế mà sau khi Vua Suddhodana băng
hà, di mẫu dù ba lần bạch xin xuất gia, Đức Thế Tôn vẫn từ chối
không nêu lý do.
Mãi đến khi bà cùng nhiều mệnh phụ phu nhân
của dòng Sakya (Thích Ca) xuống tóc, đắp y vàng, đi bộ từ
Kapilavatthu đến Vesàli (Tỳ Xá Ly), đoạn đường gian khổ dài khoảng 200
cây số, đôi chân sưng phồng, thân thể lấm lem cát bụi, đến bên
tinh xá Đức Phật khóc than. Và chính nhờ Tôn giả Ananda thay mặt
họ vào cầu thỉnh Đức Thế Tôn đến lần thứ tư, Ngài mới chấp thuận
cho di mẫu cùng các bà được sống đời sống xuất gia, với điều kiện
phải chấp hành 8 điều quy định cho một người nữ trong Tăng đoàn.
Khi nghe Ananda thuật lại 8 điều ấy, bà Maha Pajàpati cùng các
vị trong đoàn đều hoan hỷ đồng ý, và thế là Giáo hội Ni giới được
thành lập.
Khi ưng thuận cho Ni giới được gia nhập vào
Giáo hội, Đức Phật cũng đã lưu ý đại chúng nhiều vấn đề. Ngài dạy
rằng: "Này Ananda, trong ngôi nhà nào nhiều nữ giới và ít đàn
ông thì ăn trộm dễ lọt vào. Cũng dường như thế, nếu hàng phụ nữ
sống trong pháp và luật của Như Lai thì giáo pháp thiêng liêng
khó duy trì lâu. Cũng như người đắp đê bên một hồ nước rộng lớn
cho nước không tràn qua, ta cũng vậy, chế ra Bát kỉnh pháp cho các Tỳ
kheo ni để họ tuân thủ trọn đời".
Trong một tổ chức xã hội quy mô nào, ta cũng
thấy vì tôn trọng và bảo vệ quyền lợi của một giới, một đối tượng
cá biệt nào đó, mà ở trong những nguyên tắc sống, làm việc luôn
có những khoản ưu tiên dành riêng cho họ.
Đức Phật đã không làm giảm suy giá trị của
hàng phụ nữ, mà còn là vị giáo chủ đầu tiên trong lịch sử nhân
loại đã thành lập một đoàn thể, một tổ chức, một giáo hội cho nữ
giới với đầy đủ pháp và giới luật. Ấn Độ đương thời với nhiều tôn
giáo, nhưng không có một đoàn thể nữ giới nào được sinh hoạt như
vậy.
Ít lâu sau, bà Tỳ kheo ni Maha Pajàpati đắc A
La Hán. Kinh Therigàthà (Trưởng lão Ni kệ) còn ghi rất nhiều tên
và các bài kệ do các Tỳ kheo ni chứng Thánh quả sáng tác.
V/- Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) - những người chống đối
Mặc dầu gia công kiến tạo hạnh phúc giải thoát
cho mọi người với một chủ ý tuyệt đối tinh khiết và hoàn toàn
bất vụ lợi, cũng như không có một sự phân biệt nào giữa giàu
nghèo, quyền quý, mạt hạng, trí thức hay u mê, Đức Phật luôn phải
đương đầu với nhiều sự đối nghịch mãnh liệt trên con đường chu du
hoằng hóa. Ngài bị chỉ trích nghiêm khắc, bị đối xử tàn tệ, chửi mắng
và tấn công một cách tàn bạo. Kẻ đối nghịch là những người theo
các hệ thống tôn giáo chủ trương những nghi thức dị đoan, tạo ra
phong tục vô ích, có hại đến xã hội và ngăn chặn sự tiến bộ của
tinh thần, hoặc là những kẻ có tham vọng thấp hèn, vị kỷ. Trong
ấy, Devadatta là một điển hình lớn nhất.
Ông là con Vua Suppabuddha và Hoàng hậu
Pamità, một người cô của Đức Phật; Công chúa Yasodharà là chị ông.
Ông xuất gia cùng một lượt với Đại đức Ananda và các thanh niên hoàng
tộc Sakya, tuy không chứng quả Thánh nào, nhưng lại giỏi thần
thông và được Vua Ajàtasattu (A Xà Thế) ủng hộ tối đa về mọi mặt.
Thời gian đầu xuất gia, ông có nếp sống gương mẫu, cao thượng
đến độ ngài Sàriputta đã ca ngợi tài đức của ông khắp Pajàgaha.
Về sau, danh lợi trần thế đã làm ông thối chuyển, trở nên người
sống đồi trụy, tà hạnh, tà kiến; dù vậy, ông có rất đông người
ủng hộ. Khi niên thọ Đức Phật đã cao, ông yêu cầu Ngài giao quyền
lãnh đạo Tăng già, nhưng Đức Phật đã từ chối. Ông tìm cách xúi
giục Thái tử Ajàtasattu giết vua cha là Bimbisàra để nắm toàn
quyền bính và cùng âm mưu hãm hại Đức Phật. Sau đó, các xạ thủ
được thuê để giết Đức Phật đều được cảm hóa thành đệ tử.
Devadatta tự thân ra tay, bằng cách đẩy một tảng đá lớn từ trên
sườn núi Gijjhakuta (Linh Thứu) xuống ngay Đức Phật khi Ngài đi
ngang qua. May thay, tảng đá ấy va vào một tảng đá khác, vỡ ra nhiều
mảnh và chỉ một mảnh vụn làm chân Ngài rỉ máu, và lương y Jìvaka
(nhà giải phẫu đại tài của thành Rajàgaha) đã có mặt liền sau đó.
Mưu đồ bất thành, Devadatta lại chuốc rượu mạnh cho voi dữ
Nàlàgin và xua nó chạy thẳng đến ngay Đức Phật, nhưng voi cũng bị
đức từ bi của Thế Tôn cảm hóa.
Dần dần mất hết uy tín, dư luận lên tiếng mạnh
mẽ, Vua Ajàtasattu bỏ rơi, Devadatta chuyển qua một mưu toan có
vẻ hòa bình hơn. Ông nêu ra 5 yêu cầu đối với sự sinh hoạt của
Tăng đoàn, với nội dung rằng: Tỳ kheo phải sống trọn đời trong rừng,
phải sống dưới gốc cây, mặc vải vụn lượm ở nghĩa địa, sống bằng
khất thực và ăn chay trọn đời. Đức Phật đã đưa ra câu trả lời rất
tự do dân chủ, không bắt buộc một cá nhân nào phải tuân theo điều
ấy.
Cuối đời không còn một ai ủng hộ, Devadatta
rơi vào những ngày đen tối. Lâm bệnh trầm kha, với lòng ăn năn vô
hạn, ông mong muốn được gặp Đức Thế Tôn lần cuối cùng, nhưng không
còn kịp nữa, chỉ thốt ra câu quy y Phật và trút hơi thở sau cùng.
Tuy có một người đệ tử, một người con như vậy,
nhưng Đức Phật chỉ khuyên can mà không bao giờ chỉ trích ông.
Ngài còn thọ ký rằng, với đạo hạnh ban đầu, với lòng ăn năn khi
hấp hối, Devadatta sẽ trở thành một vị Độc Giác Phật với danh
hiệu Atthissara, ở một tương lai xa xôi.
VI/- Những đại hộ pháp
1)- Anathapindika (Cấp Cô Độc): Vị thí chủ
quan trọng nhất thời Đức Phật tại tiền phải kể đến là ông Sudatta
(Tu Đạt), người Savatthi (Xá Vệ). Chuyên làm từ thiện xã hội,
nuôi dưỡng chu cấp cho những người quan quả cô đơn, nên ông lại được
mọi người tặng cho danh hiệu Trưởng giả Anathapindika (Cấp Cô Độc -
giúp đỡ, trợ cấp cho những người cô đơn, hiu quạnh). Một lần có
việc, ông đến thành Ràjagaha, nghe anh rể đang chuẩn bị hôm sau
đón Đức Phật quang lâm. Danh từ Phật - Buddha (người tỉnh giác)
khiến ông cảm thấy có một sự thay đổi lạ lùng trong lòng. "Văn kỳ
thinh" đã lâu, nay lại sắp được "kiến kỳ hình", nhưng không thể
chờ đợi đến ngày mai; như có một chuyện gì thôi thúc, ngay đêm
khuya, ông băng rừng đến nơi Sìtavara ra mắt Đức Phật và được cảm
độ từ ấy.
Với lời thách thức nửa đùa nửa thiệt của Thái
tử Jeta (Kỳ Đà), ông đã đem những đồng tiền vàng lót đầy mặt đất
trong khu vườn của Jeta. Lòng tín thành của ông đã gây được lòng
ngưỡng mộ của Thái tử Jeta đối với Đức Phật. Sau đó, hiệp với
những tàng cây do Jeta cúng, ông xây dựng tinh xá Jetavana (Kỳ
Viên) dâng lên Đức Phật. Chính nơi đây, Đức Thế Tôn trải qua 19 lần
an cư kiết hạ. Phần lớn những bài pháp cũng được hình thành ở ngôi
tinh xá nằm ở Savatthi này, và nó được nhận biết nhờ qua câu kinh
"Xá Vệ, Kỳ thọ, Cấp Cô Độc viên..." (nước Savatthi, cây của
Jeta và vườn ông Anathapindika). Các bài pháp liên quan đến hàng cư sĩ
đều do công của ông thưa hỏi. Trong một bài pháp nói về hạnh bố
thí, Đức Phật đã dạy rằng, cúng dường chỗ ăn, chỗ ở của chư Tăng
là tạo nhiều công đức; nhưng quy y Tam bảo có công đức hơn, và
cao hơn là nghiêm trì ngũ giới. Công đức cao hơn giữ giới là
thiền quán và từ bi tâm. Nhưng công đức tối thượng phải là phát
triển tuệ giác, thể nhập chơn như, thấy được thật tướng của các
pháp - Vipassanà (Minh sát tuệ), Tăng Chi IV.
Cũng từ gia đình ông trưởng giả này, Đức Phật
đã giảng bài pháp phân chia 7 loại vợ trong cuộc sống kiến tạo
hạnh phúc gia đình lứa đôi. Một bài pháp rất tinh tế, thiết thực;
một bài học giáo dục đầy tâm lý cho cả xã hội ngày nay và mai
sau.
2)- Visàkhà: Vị nữ thí chủ lớn nhất phải đề
cập đến đầu tiên là bà Visàkhà, con gái triệu phú Dhananjaya và
bà Summanà Devi; ông nội bà cũng là triệu phú tên Mendaka. Bà xây
cúng tinh xá Pubbasama, cũng ở Savatthi (6 mùa an cư đã diễn ra ở đây).
Là người phụ nữ được 5 điều diễm phúc: tóc, da, xương, vóc dáng
và sức khỏe tuyệt hảo, bà còn là người công, dung, ngôn, hạnh vẹn
toàn, sáng suốt trong công việc thế gian cũng như trong phạm vi
tinh thần đạo đức. Bà Visàkhà đóng một phần quan trọng trong
nhiều lĩnh vực khác nhau liên quan đến sinh hoạt Tăng đoàn. Có
lần Phật dạy bà đi hòa giải những mối bất đồng giữa các Tỳ kheo
ni. Đôi lúc bà thỉnh cầu Đức Phật khai chế một vài giới cấm cho
Tăng Ni.
Cha chồng bà là triệu phú Migàra, vốn là tín
đồ thuần thành của Nigantha Nataputta (Ni Kiền Tử Nhã Đề Tử),
giáo chủ đạo Jain - đạo Lõa thể. Bà đã khuyến dụ cả gia đình bên
chồng quy y Tam bảo và nhiều người đã chứng quả. Bà qua đời khi đã
thọ 120 tuổi.
3)- Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc): Ngài đại vương
Bimbisàra như đã nói đến ở phần trước, và người con kế vị là Vua
Ajàtasattu, sau khi cải ác tùng thiện đã trở nên một vị đại hộ pháp,
một thiện tín lỗi lạc, có công hỗ trợ mọi mặt cho cuộc kết tập
Tam tạng lần I. Một đại thí chủ nữa trong hàng vua chúa phải kể đến
là Vua Pasenadi, trị vì xứ Kosala (Kiều Tát La), có thủ phủ là
Savatthi (Xá Vệ). Tu viện Rajakamara là do vua cho xây cúng lên
Đức Phật và đại tăng. Hoàng hậu Malika, vợ của vua, là người khéo
hướng dẫn phu quân của mình trên con đường đạo đức, quy y Tam
bảo. Bà đã khuyên vua nên tham vấn với Đức Phật để hiểu ý nghĩa
16 cơn mộng hơn là giết hại nhiều sinh mạng để tế lễ cầu an theo
lời các đạo sĩ Bà La Môn.
Samyutta Nikaya (kinh Tương Ưng) có trọn một
chương mang tựa là Kosala Samyutta, là chương Đức Phật giảng cho vua
nghe. Trong những bài pháp ấy, có những ý được nhấn mạnh như: 1-
Đánh giá một người không phải là chuyện đơn giản; 2- Nên coi
trọng phụ nữ như coi trọng nam giới - Itthì hi’pi ekacciyà seyyà
(Trong hàng phụ nữ, có người còn tốt hơn nam giới). Với xã hội Ấn
Độ thời ấy, phụ nữ không bao giờ được kính nể xứng đáng, lời nói
cao quý của Đức Phật thật là một khích lệ lớn lao cho nữ giới;
3- Không nên coi thường giới trẻ (như Thái tử còn trẻ, con rắn
còn bé, ngọn lửa nhỏ và Tỳ kheo trẻ); tất cả đều có thể trở thành
quan trọng, ý nghĩa sau này; 4- Chiến thắng nuôi dưỡng hận thù:
Thắng trận sanh thù oán
Bại trận niệm khổ đau
Ai bỏ thắng bỏ bại
Tịch tĩnh hưởng an lạc (Tương Ưng VII)
VII/- Độ những người cùng đinh, mạt hạng
Đạo từ bi giải thoát mở rộng cho tất cả mọi
người, không phân biệt giàu sang và đẳng cấp xã hội. Một sát nhân
như Angulimàla, một dâm nữ như Ambapali, nếu quay về với con
đường đạo cũng có thể chứng Thánh quả, như kinh đã ghi lại như
sau:
1)- Angulimàla (Vô Não): Có tên là Ahimsaka
(người vô tội), con của một quốc sư xứ Kosala, và là một đệ tử
lỗi lạc, thân tín của một danh sư ở Trung tâm Giáo dục Taxila nổi
tiếng, nhưng do vì lòng ganh tỵ của đồng môn khiến thầy dạy đã hiểu
lầm ông và buộc ông phải dâng lên 1.000 ngón tay út để làm lễ cầu
pháp.
Ông trở nên là một hiểm họa, một bóng đen thần
chết bao trùm lên đất nước Kosala. Sợ quạ ăn những ngón tay kiếm
được, ông đành đeo vào cổ nên có hỗn danh là Angulimàla (vòng
hoa bằng ngón tay). Đức Phật là người thứ 1.000 mà ông định sát hại
để tròn đủ vòng hoa mà ông thầy yêu cầu. Ông như bừng cơn mơ sát
nhân hãi hùng khi nghe người ông đang cố sức rượt đuổi mà không sao
đến gần được, thốt lên rằng: "Này Angulimàla, chính ngươi mới
phải dừng lại, còn Như Lai đã dừng lại lâu rồi". Ông quăng dao
tội lỗi và được xuất gia bởi nhân duyên đó. Bởi tội ác gây ra,
ông trở thành một Tỳ kheo luôn bị chửi bới, đánh đập, ném đá ở
mọi nơi. Với ông, chuyện đầu cổ tay chân mang nhiều thương tích,
máu chảy đầy mình là chuyện cơm bữa. Với tâm ăn năn sám hối cùng
với sự nỗ lực tinh tấn thiền định, ông đắc quả A La Hán sau đó.
2)- Ambapàli (Liên Hoa Sắc): Trường hợp kỹ nữ
Ambapàli nổi danh tài sắc của thành Vesali là một điển hình khác
của sự hóa độ vô phân biệt mà Đức Thế Tôn đang làm.
Trên đường đi Kusinara (Câu Thi Na) để nhập
Niết bàn, Đức Phật dừng chân ở vườn xoài của cô gái giang hồ này.
Nghe tin, cô liền đến thỉnh Đức Phật và đại chúng về nhà để được
cúng dường, dù các nhà quý tộc Licchavi (Lê Xa) đề nghị đền bù
cho cô một số tiền rất lớn để họ có đặc ân làm điều này. Cô phát
tâm cúng vườn xoài cho đại tăng, xin xuất gia; và sau sự gia công
chuyên cần, cô đạt Thánh quả.
"Như cơn gió lốc thổi dồn các thứ lá lại một
chỗ, Đức Cù Đàm giáo hóa tất cả. Trí thức-ngu si, vương giả-bần
cùng, nghèo hèn-giàu sang, già cả-niên thiếu, đàn bà-đàn ông, kẻ
ác-người thiện, tất cả và hết thảy, Đức Cù Đàm đều mang vào giáo
pháp và xem như nhau. Đạo của Đức Cù Đàm là đạo bình đẳng, không
phân biệt vậy" (kinh Đại Báo Ân).
Thật không có lời tán dương nào nói hết được
sự vô biên của lòng từ bi, sự bình đẳng trong con đường giáo hóa
của Đức Bổn Sư.
VIII/- Đức Phật tuyên bố nhập Niết bàn
Đức Phật là một nhân vật phi thường, tuy nhiên
còn mang thân ngũ uẩn là còn chịu sự hoại diệt của định luật vô
thường.
Khi 80 tuổi, thấy niên cao sức yếu, con đường
giáo hóa đã viên mãn, Đức Thế Tôn quyết định nhập Niết bàn tại
một làng mạc xa xôi, hẻo lánh là Kusinàrà (cách Patna, thủ phủ
tiểu bang Bihar ngày nay 180 dặm - khoảng 300 cây số - về hướng Bắc), mà
không phải ở những đô thị lớn như Savatthi hay Ràjagaha.
Trong thời gian cuối cùng còn lưu lại Magadha,
Đức Phật đã giảng cho đại thần của Ajàtavattu nghe 7 điều kiện
thịnh suy của một quốc gia, khi ông này tham vấn Thế Tôn về việc chinh
phục nước Cộng hòa Vajjian (Bạt Kỳ). Nhân đó, Đức Phật cũng giảng 7
yếu tố thịnh suy của Giáo hội.
Rời Ràjagaha, Đức Phật đi về Ambalatthika, và
đến Nàlandà, rồi qua Pàtaligàma; nhân Đức Phật đến viếng nơi này,
dân chúng đặt tên cổng thành là Gotama. Từ đó, Đức Phật vượt
sông Hằng và hướng về Kotigàma đến làng Nàdika và sau đó đi về Vesàli,
nhập Niết bàn cuối cùng tại đây.
Mỗi nơi chốn Ngài đi qua đều có dấu ấn của sự tế độ mọi người.
Trong năm này, Đức Phật đã tuyên bố giữa đại
tăng: "Này Ananda, Giáo hội các đệ tử còn mong mỏi gì nữa ở Như
Lai ? Như Lai đã truyền dạy giáo pháp không có sự phân biệt nào
giữa giáo lý bí truyền và giáo lý công truyền. Về chơn lý, Như Lai
không bao giờ có bàn tay nắm lại của một ông thầy...". Và Ngài đã
dạy rằng không nên nghĩ là có một ai phải lãnh đạo Giáo hội và Giáo
hội phải tùy thuộc một ai; mà mỗi cá nhân phải là một Giáo hội,
một hiện thân của giáo pháp chân chánh.
Ngài tiếp lời: "... Như Lai đã già yếu, gần
đến ngày lìa trần. Như Lai đã 80 tuổi, không khác nào cỗ xe quá
cũ kỹ phải cần có những sợi dây để cột lại các bộ phận, giữ nó
khỏi rời ra...". Và Ngài lại kêu gọi sự nỗ lực tinh tấn, giác
tỉnh chánh niệm, khước từ mọi tham ái thế gian, quán niệm Bốn niệm
xứ (2)... của các Tỳ kheo. Ngài nói thêm rằng: "Các ông hãy xem chính
mình là hải đảo của mình, chính mình là nơi nương tựa của mình,
không nên nương tựa bên ngoài. Hãy xem giáo pháp là hải đảo của
các ông, giáo pháp như chỗ nương tựa, không nên nương tựa bên
ngoài". Ngài lại đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực cá
nhân.
Mặc dầu tuổi cao sức yếu, Đức Phật luôn vận
dụng mọi cơ hội để khuyên dạy các Tỳ kheo bằng nhiều phương thức
khác nhau.
Ở Càpalà, Đức Thế Tôn tuyên bố 3 tháng sau nhập Niết bàn.
Trước đây, Đức Thế Tôn đã tạo cơ hội cho
Ananda thỉnh cầu sự trụ thế lâu dài hơn nữa của Ngài, nhưng
Ananda đã vô tình bỏ qua; giờ nghe Đức Phật tuyên bố như vậy, Ngài liền
khẩn cầu nhưng bị từ chối.
Trước khi cùng Ananda đi về Mahàvana, Đức Phật
đã giảng cho đại chúng nghe về tính cách vô thường của cuộc sống
khi thấy họ quá ư sầu não.
Triệu tập Tăng chúng quanh thành Vesàli, Đức
Phật nói lời cuối cùng và đưa mắt nhìn thành phố này lần chót và
đi về Kusinara. Trên đường đi, Ngài dừng lại nhiều nơi để hóa độ
kẻ hữu duyên. Ở Pava, người thợ rèn Cunda (Thuần Đà) cúng dường
cho Đức Phật món sùkasamaddhara (nấm rừng), Ngài hoan hỷ nhận lãnh và
dặn kỹ nên chôn phần còn lại. Sau bữa cơm này, Đức Phật bị kiết
lỵ rất nặng. Với tinh thần bình thản, Ngài nói những lời chúc
phúc để trấn an và thanh minh cho Cunda và từ giã đi về Kusinara
cách Pava 6 dặm (khoảng 9 cây số), nơi có dòng tiểu vương của bộ
tộc Malla ở.
Đến nơi, giữa hai tàng cây sala, Ngài nằm tĩnh
lặng, nghiêng mình về hông mặt, chân trái để trên chân phải duỗi
thẳng, đầu quay về hướng Bắc.
Cây sala trổ bông trái mùa như để cúng dường
cho ngày đại tang. Mọi người mọi cách biểu hiện sự kính lễ. Đức
Phật lại dạy cách tỏ lòng kính ngưỡng và tôn sùng Đức Thế Tôn là
hãy tuân thủ giáo pháp, tinh tấn tu hành, phẩm hạnh trang nghiêm.
Kế đó, Ngài đề cập đến 4 Thánh tích (nơi Đản
sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân lần đầu tiên và nơi Nhập diệt)
liên quan đến đời sống của một Đức Phật, nếu với lòng thành kính
chiêm bái sẽ được nhiều lợi lạc.
Sau khi độ cho tu sĩ ngoại đạo Subhadda và đây
là người đệ tử sau cùng, Đức Thế Tôn bảo Ananda báo cho dân
chúng Malla biết rằng Ngài sẽ nhập Niết bàn vào canh cuối đêm
nay, cũng như căn dặn Ananda không nên bận tâm với việc phải làm vẻ
vang long trọng đối với nhục thể của Như Lai, mà hãy tận lực tinh tấn
để chu toàn hạnh phúc cho chính mình.
Được tin qua hàng nước mắt ràn rụa của Tôn giả
Ananda, dân chúng Malla thành Kusinara tấp nập kéo về quây quần
quỳ bên Đức Phật, cùng rừng cây sala chứng kiến giây phút thiêng
liêng duy nhất trong đời và nghe những lời dạy sau rốt của Đức
Bổn Sư: "Này Ananda, đừng nghĩ rằng chỉ còn lại giáo pháp cao cả
mà không còn bậc Đạo sư nữa. Pháp và luật mà ta đã dạy bảo, đó là
Đạo sư của các ông. Này Ananda, Tăng chúng nếu muốn, có thể bỏ các giới
luật phụ và nhỏ, sau khi Như Lai nhập diệt. Có một nghi ngờ,
thắc mắc, phân vân gì liên quan đến Phật Pháp Tăng, đến đạo, đến
phương pháp, hãy hỏi đi, đừng để sau này hối tiếc". Đức Thế Tôn
nói như vậy ba lần, nhưng cả đại chúng đều im lặng.
Và, Đức Đạo Sư đã khuyến tấn các đệ tử câu
cuối cùng: "Hỡi các đệ tử, Như Lai khuyên các con, các pháp hữu
vi đều vô thường, hãy tận lực, liên tục chuyên cần". Đó là di
huấn tối hậu của Đức Thế Tôn.
Thế rồi Đức Bổn Sư yên lặng nhập và xuất Sơ
thiền. Lần lượt Nhị thiền v.v... đến nhập và xuất Diệt thọ tưởng
định. Ngài lại nhập và xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ định và
lần lượt ngược trở lại đến nhập và xuất Sơ thiền. Và khi nhập và
xuất lần thứ hai ra khỏi Tứ thiền, Đức Thế Tôn đã nhập Vô dư Niết
bàn.
Kim thân của Đức Phật được đưa đến
Makutabandhana để cho mọi người chiêm bái, và sau 7 ngày được cử
hành lễ trà tỳ dưới sự tổ chức của ngài Maha Kassapa. Xá lợi được
chia làm 8 phần theo thỏa thuận của cuộc họp do ngài Maha Kassapa,
đại vương Ajàtasattu và ông Dona đứng chủ trì và phân phối cho 8 quốc
gia lớn nhỏ cùng dân tộc Malla, xây tháp tôn thờ. Ông Dona xin
được thờ phụng cái bình đựng xá lợi khi vừa thiêu xong. Những
người Maurya ở Pipphalirana vì đến chậm, xin được lấy tro tàn của
giàn hỏa để dựng tháp mà lễ bái.
Hình dáng của Như Lai khuất dạng từ đây. Con
đường hoằng pháp lợi sanh của Đức Phật kéo dài hơn 45 năm. Từ lúc
thành đạo cho đến lúc nhập Niết bàn, Ngài không ngừng phục vụ
chúng sanh bằng hai lối đời sống của chính bản thân và những lời
dạy. Suốt cả con đường, đôi lúc đi một mình, lắm khi cùng đại chúng,
từ làng mạc, rừng núi đến thung lũng đồi cao, ở xã thôn nghèo khổ
đến phố tứ phồn hoa, Ngài đều có mặt và đưa tất cả trở về với
giáo pháp chơn như, giáo pháp của từ bi, tự do, dân chủ, bình
đẳng, giải thoát.
C/- Kết luận
Với sự hy sinh cao cả, lòng từ bi rộng lớn và
một ý chí độ sanh dũng mãnh của Đức Phật, ta có thể tán dương hay
quan niệm Ngài là vĩ nhân trên tất cả những vĩ nhân, siêu nhân
đứng trên mọi siêu nhân. Nhưng lời tán dương, việc làm tôn vinh,
kính ngưỡng Đức Phật đúng đắn nhất, ý nghĩa nhất phải là như lời
dặn dò của Bổn Sư trước lúc Ngài ly trần: "Này Ananda, không nên
tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai theo cách như vậy. Bất cứ
Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di nào sống đúng với chánh
pháp, tự mình ứng xử hợp với đạo, có hành động chân chánh, thì
chính người đó, tôn trọng, đảnh lễ, tán thán, quý mến Như Lai một
cách tốt đẹp nhất"./.
Chú thích
(1) Thất thánh tài: Gia tài của bậc Thánh, gồm
có: 1- Tín (đức tin, lòng chánh tín); 2- Giới (giới luật); 3-
Tàm (lòng tự hổ thẹn); 4- Quí (biết xấu hổ với người); 5- Đa văn
(nghe nhiều, biết rộng); 6- Trí tuệ; 7- Xả ly (sự từ bỏ tham, sân, si).
(2) Tứ niệm xứ: 4 đối tượng thiền quán, gồm: 1- Thân thể; 2- Cảm thọ; 3- Tâm thức; 4- Pháp.