Chùa Bửu Minh

Nâng cấp các cuộc lễ cầu an lên tầm mức đặc biệt, với sự chủ lễ của các nhà lãnh đạo Phật giáo cấp cao nhất ở khóa lễ cấp quốc gia, sự chủ lễ của vị lãnh đạo Phật giáo tương ứng với các khóa lễ cấp tỉnh thành.


Bài viết này nằm trong loạt bài Phật giáo hóa ngày tết, với mục tiêu làm sao để ngày tết dân tộc trở thành một ngày lễ Phật giáo, đậm đà tính chất Phật giáo, Tam Bảo, Phật – Pháp – Tăng ngày càng đóng vai trò quan trọng vào ngày lễ lớn nhất của dân tộc.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất đại lễ Phật giáo cầu quốc thái dân trong dịp tết.

Có lẽ, từ nhiều thế kỷ trước, cầu an đã là nghi lễ truyền thống của Phật giáo trong dịp tết.

Đêm giao thừa, một số chùa khai kinh Pháp Hoa, tụng liên tiếp đến sáng mùng một, là một dạng khóa lễ cầu an đặc biệt.

Hầu hết những khóa lễ cầu an, trong đó nội dung chính là cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận, thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc, hải yến hà thanh…

Tức là cầu an cho thế giới, cho đất nước, cho toàn thể chúng sinh. Không phải chỉ cầu gia cảnh bình yên, mua may bán đắt…, tức là không chỉ cầu an cho những người tham dự khóa lễ.

Đề xuất của tôi là nâng cấp các cuộc lễ cầu an lên tầm mức đặc biệt, với sự chủ lễ của các nhà lãnh đạo Phật giáo cấp cao nhất ở khóa lễ cấp quốc gia, sự chủ lễ của vị lãnh đạo Phật giáo tương ứng với các khóa lễ cấp tỉnh thành.

Vì là cầu an cho quốc gia, những cuộc lễ như vậy cần kính mời một lãnh đạo chính quyền cấp tương ứng tham dự, với mong mỏi chung là đất nước hòa bình, chúng sinh an lạc, nhân dân thịnh vượng, Tổ quốc hùng cường, xã hội tiến bộ, phúc lộc, tinh tiến (tức là một dạng trình bày mong mỏi đối với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh).

Thời điểm tổ chức là trong 3 ngày tết, buổi chiều tối, thời tiết dễ chịu, sau khóa lễ là hoa đăng.

Địa điểm tổ chức, theo tôi, có nhiều lựa chọn.

Đó có thể là tại trụ sở chính quyền các cấp, vì cầu an trước hết là cho quốc gia, dân tộc, cho các nhà lãnh đạo đất nước.

Cũng có thể là những lễ đài ở những nơi công cộng, những quảng trường, đền thờ Quốc Tổ…

Cũng có thể là tại các chùa lớn có sân rộng, ở TPHCM có thể là chùa Vĩnh Nghiêm, Viện Phật học Vạn Hạnh chẳng hạn.

Về phía Phật giáo, chủ lễ là các vị lạnh đạo hàng đầu Phật giáo các cấp, và sự hiện diện đông đảo chư tôn hòa thượng, chư thượng tọa đạo cao đức trọng.

Số Phật tử phải đông đảo, thành tâm.

Vì đây là khóa lễ cầu an quốc gia nên cần có bàn thờ Tổ quốc dựng song song với bàn thờ Phật, để nói lên sự liên kết gắn bó chặt chẽ giữa Phật giáo và dân tộc, người con Phật cầu nguyện an bình cho đất nước, dân tộc.

Về hình thức trang trí, vì đây là một cuộc lễ Đạo Pháp – Dân tộc, nên cờ xí phải cân bằng giữa cờ Phật giáo và cờ Tổ quốc.

Khóa lễ không nên kéo dài, chỉ cần vài ba chục phút theo sau các diễn văn, có phóng sinh chúc lành.

Là một cuộc lễ cầu cho quốc gia, nên buổi lễ cần được trực tiếp truyền hình toàn quốc (nếu là lễ quốc gia), trực tiếp truyền hình lễ địa phương (nếu là lễ địa phương).

Cuộc lễ là sự khôi phục truyền thống của dân tộc về các cuộc lễ cầu quốc thái dân an của nhà nước Việt Nam trong lịch sử, lúc đó đứng đầu là hoàng đế.

Buổi lễ sẽ là một đóng góp của Phật giáo cho dân tộc, với lời phục nguyện chân thành cho sự hưng vượng của Tổ Quốc.

Khóa lễ cũng có tác dụng tăng cường quan hệ tốt đẹp giữa Phật giáo và Đất nước.

Tìm kiếm một hình thái đồng tổ chức giữa Nhà nước và Phật giáo, cùng làm, cùng hợp tác cầu an cho dân tộc, thể hiện sự mong mỏi chung, sự hy vọng chung trong dịp đầu năm mới cổ truyền.

Lễ cầu Quốc thái dân an trong dịp tết còn có tác dụng cân bằng các lễ cầu an và cầu siêu của Phật giáo, vì hiện các khóa lễ cầu siêu liên hệ đến quốc gia chiếm một tỷ lệ cao so với lễ cầu an.

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage