Chùa Bửu Minh

GNO - Trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo, dù ở cương vị nào, Hoà thượng luôn luôn thể hiện tâm đức phụng sự trang nghiêm Tam bảo.



 htthich_nhat_quang_1_747191605_jpg.jpg
Chân dung HT.Thích Nhật Quang (1940-2013)

I. Thân thế

Hòa thượng Thích Nhật Quang, thế danh Trần Văn Trừ, sinh năm 1940 tại ấp Cầu Ông Tán, phường Long Bình, quận 9. Ngài sinh ra trong một gia đình trí thức, thân phụ là cụ ông Trần Văn Thạnh, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Thàng - pháp danh Diệu Đức. Ngài là người con thứ 8 trong gia đình có 9 anh chị em.

II. Xuất gia học Phật

Năm 1952, với tuổi đời vừa tròn 12, sau khi đã học xong cấp tiểu học, vì nhà gần chùa có duyên lành gần gũi Phật Pháp nên Ngài đã phát tâm xuất gia tu học với Sư trưởng Thích Nữ Như Thanh - Trụ trì đời thứ 10 Tổ đình Hội Sơn.

Từ năm 1952 -1957, bên cạnh việc hoàn thành bậc trung học và tú tài, Ngài tập hạnh xuất gia, học pháp xuất trần với các bậc thượng tôn danh đức tại Tổ đình Phước Tường và Chùa Huê Nghiêm.

Năm 1958, nhờ sự dẫn dắt của Sư trưởng Như Thanh, Ngài y chỉ với Sư tổ Thiện Hòa (Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Nam Việt, Viện chủ Tổ đình Ấn Quang). Cũng trong năm này Ngài được Hòa thượng cho cầu thọ giới luật Sa-di tại giới đàn chùa Pháp Hội, được ban Pháp tự THIỆN TRÍ - Pháp hiệu MINH QUANG.

Năm 1964, Ngài chính thức đăng đàn thọ giới Cụ túc, được dự vào hàng Tăng bảo với tuổi đời vừa tròn 24.

Từ năm 1965 - 1975, khi các trường Bồ - đề nở rộ,  Ngài làm giáo sư chuyên toán trường trung học Bồ đề, trường trung tiểu học Kiều Đàm, giảng dạy môn toán cho nhiều thế hệ Phật tử, thông qua đó, truyền trao kiến thức Phật giáo và khoa học, giúp học sinh hiểu đạo Phật thấu đáo hơn. Ngài đã được cấp phát văn bằng loại giỏi khóa tu “Nghiệp tân toán học” do Hội giáo sư Toán Việt Nam và Tổng vụ Văn hóa Giáo dục tổ chức.

Từ năm 1984 - 1987, Ngài được suy cử làm Thư ký Ban đại diện Phật giáo quận 5.

Từ năm 1987 - 2002, Ngài đảm nhiệm vai trò ủy viên Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM, Chánh đại diện Phật giáo quận 10 đến 3 nhiệm kỳ.

Từ năm 2002 - 2007, Ngài phụ trách chức nghiệp Phó thư ký kiêm Chánh văn phòng Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM.

Từ năm 2007 - 2013, tại Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, Ngài được suy cử Ủy viên Hội đồng trị sự GHPGVN và tại Đại hội đại biểu Phật giáo TP.HCM, với uy tín phụng sự Phật pháp, Ngài được suy cử Phó ban trị sự kiêm Chánh thư ký Thành hội Phật giáo TP.HCM. Ở vai trò này, Hòa thượng đã giúp đỡ thủ tục hành chánh cho nhiều tự viện, để Tăng Ni có thể an tâm tu học và làm Phật sự một cách hiệu quả.

III. Công đức kế thế trụ trù - Tiếp dẫn hậu lai

Với đạo nghiệp sâu dày “Trụ pháp vương gia, trì Như Lai tạng”, Ngài được sơn môn, pháp phái và Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM chỉ định trụ trì các chốn tổ già lam:

Năm 2000, Ngài được Ban quản trị Tổ đình Ấn Quang suy cử chức vụ Trụ trì và Ban quản trị Tổ đình Hội Sơn suy tôn ngôi vị Viện chủ, Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP.HCM bổ nhiệm Viện chủ Chùa Thiện Mỹ (quận 5) năm 2009 và Viện chủ Chùa Bảo Tâm (quận 11) năm 2013.

Ngoài việc trùng tu Tổ đình Hội Sơn, Hòa thượng còn trùng tu và xây mới một số hạng mục kiến trúc quan trọng và trang nghiêm tại Tổ đình Ấn Quang gồm ngôi Tổ đường, Trai đường và Thư viện (2006), Tháp thờ Xá – lợi và các bậc tiền bối hữu công (2009), Nhà Văn hóa và phòng phát hành của Tổ đình (2011).

Dưới sự hướng dẫn tu học của Hòa thượng, Tăng chúng ngày càng đông, Phật tử đến Chùa tụng kinh và tu Bát quan trai ngày càng nhiều, Chùa Ấn Quang – ngôi di tích lịch sử ngày càng rạng rỡ với vai trò là Trụ sở của Phật giáo TP.HCM và ngôi Chùa tiêu biểu của các Phật sự (hoằng pháp, giáo dục, văn hóa và từ thiện) trong thành phố.

Trong suốt cuộc đời tu hành và hóa đạo, dù ở cương vị nào Ngài luôn luôn thể hiện tâm đức của người con Phật, hành trì Giới Định Tuệ, chú tâm tỉnh giác, phụng sự trang nghiêm Tam Bảo. Thường nhật, Ngài rất cẩn ngôn, nếu phải nói thì Ngài chỉ dạy bảo những công việc cần làm. Với hơi thở chánh niệm và nụ cười an nhiên của Ngài làm cho các mối quan hệ giao tiếp trở nên gần gũi, thân thiện. Tăng, Ni Phật tử luôn kính dưỡng nếp sống phẩm hạnh của Ngài. Có đôi lúc, Ngài kiên định lập trường, thầm lặng tư duy, tìm những phương pháp thích nghi, góp ý chỉ đạo, hiện đại hóa phương thức hành chánh Giáo Hội, Ngài rất tâm đắc câu nói của cố Hòa thượng Thích Trí Thủ và xem đó như là kim chỉ nam trong đời sống tu học của mình: “Những gì tôi làm cho Đạo Pháp tức là làm cho dân tộc. Những gì tôi làm cho dân tộc tức là làm cho Đạo Pháp.”

Trân trọng những công đức cao quý mà Ngài đã đóng góp cho nhân sinh, Ban Tôn giáo Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đảng bộ và Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố đã tặng Ngài nhiều bằng khen qua các nhiệm kỳ hoạt động Phật sự.

IV. Những năm tháng cuối đời

Sinh trụ dị diệt, thành trụ hoại không là chân lý vĩnh hằng của các pháp hữu vi. Gần bốn tháng cuối đời, thân tứ đại của Ngài bị bệnh duyên chi phối, nhưng khi bệnh duyên càng tăng thì Ngài cũng an trú nhiếp phục. Mỗi ngày, Ngài vẫn thường lắng nghe lời kinh tiếng kệ, tay lần chuỗi bồ đề niệm Phật, chú tâm tĩnh giác trước sự mòn mỏi của huyễn thân tứ đại.

Thời khắc linh thiêng, sanh thân đã tận, mọi việc đã thành, công đức hóa duyên viên mãn, Ngài đã an nhiên thâu thần viên tịch tại Tổ đình Ấn Quang vào hồi 14 giờ 45 phút, ngày 30 tháng 8 năm 2013 (nhằm 24 tháng 7 năm Quý Tỵ). Trụ thế 74 năm, trải qua 50 mùa an cư kiết hạ, để lại trong lòng môn đồ tứ chúng, Tăng Ni Phật tử niềm kính thương vô hạn.

Phụng vì: Ấn Quang Tổ đình, Từ Lâm Tế Gia Phổ, Tứ Thập Nhất Thế, Pháp húy Thượng NHẬT hạ QUANG, tự THIỆN TRÍ, hiệu MINH QUANG, Hòa thượng tân viên tịch giác linh.

Tổ đình Ấn Quang

http://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2013/08/31/3B4440/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage