Tôi tưởng tượng rằng, hồi còn nhỏ
chắc mỗi chiều ông vẫn thường ra đứng ở nơi này, để nhìn ráng đỏ nơi rặng núi
phía Tây kia ? Rồi nhìn bóng chiều xuống chậm trên dòng sông này? Chắc phải
vậy! Vì trong tác phẩm của Võ Hồng thì cái đẹp của thiên nhiên và cái đẹp
của đất trời, tôi cho là những cái đẹp mà Võ Hồng đã viết hay nhất. Nhưng trong
cái đẹp đó, Võ Hồng luôn luôn đưa vào thiên nhiên một chút sầu, hay ngậm ngùi
cho một cái gì đó đã hay đang sắp mất đi trên cuộc đời này. Tại ông bi quan
chăng? Hay tại vì cái đẹp mong manh của những buổi chiều tà trên dòng sông tuổi
thơ dạo nào cứ ám ảnh ông mãi.
Nhưng chính nhờ có được
kinh nghiệm nội tâm ấy, mà thiên nhiên với Võ Hồng không phải chỉ để thưởng
ngoạn thôi, mà ông còn cho ta thấy một giá trị nữa, quan trọng hơn. Đó chính
là, thiên nhiên cũng rất cần cho ta như một người bạn thân thiết vậy, vì cái
đẹp của thiên nhiên có thể làm cho ta vơi bớt đi những đau khổ mà chắc rằng
không nhiều thì ít, mỗi người trong chúng ta đang âm thầm gánh chịu. Trong
truyện ngắn Hãy Đến Chậm Hơn Nữa,
Võ Hồng đã viết : "… Anh đã
hưởng được gì ở cuộc đời ? Nghe một tiếng chim tu hú vào đầu mùa hè, ngửi một
mùi thơm của hoa mù-u trong buổi chiều, nhìn những con chuồn chuồn đảo lộn trên
nền trời sau cơn mưa. Những niềm vui ấy quá nhỏ so với nỗi khổ đang đè nặng của
anh..."
Dường như khi về già, sống
cô độc giữa phố phường ồn ào và đầy bụi bặm, thì tiếng con chim hu hú lạ lùng ở
vùng quê Ngân Sơn đã quá xa xôi đó, lại sống dậy một cách mãnh liệt trong ông:
Ðâu phải chỉ người mới không sai hẹn
Cuối tháng
giêng, tu hú gọi vang trời
Hai câu đó trích từ tập Hồn Nhiên Tuổi Ngọc, tập thơ mới nhất mà Võ Hồng đã viết cho
tuổi thơ. Trong tập thơ này, ta thấy Võ Hồng muốn trao đến cho tuổi thơ một
điều rất giản dị : điều giản dị đó là, hãy bắt đầu quan sát rồi rung động trước
mọi vẻ đẹp mà tuổi thơ đã có dịp nhìn thấy hàng ngày. Chẳng hạn có thể là một
gốc khế già đứng khiêm tốn trong khu vườn, một cây bàng hiu quạnh bên vệ đường,
hay niềm vui chứa chan khi cơn mưa đầu mùa chợt đến.
Chính những sự vật mà tuổi
thơ đã từng rung động đầu tiên này sẽ rất cần thiết. Vì từ đó, tâm hồn chúng ta
mới có thể giao cảm được với cái đẹp của thiên nhiên và của đất trời. Ta có thể
kết luận mà không sợ sai rằng, tình người, tình nhân loại hay bất cứ thứ tình
nào cao cả nào khác, cũng phải được khởi đầu bằng những rung động đơn sơ ấy.
Một đám mây trắng bay cô
độc trong buổi chiều tà, sẽ chẳng có nghĩa gì cả đối với một người đang náo nức
đợi giờ đến nhà hàng. Nhưng chắc rằng, nếu một người biết rung động trước cái
đẹp của thiên nhiên và đất trời, thì khi nhìn đám mây trắng họ sẽ chạnh lòng
nghĩ đến biết bao sự đau khổ của con người : những kẻ bơ vơ không nhà không
cửa, rồi sẽ không có một nơi nào để trở về khi đêm tối đang đến:
Chiều ngồi
tựa cửa
Nhìn áng mây
xa,
-
Về đâu lát nữa
Hỡi mây không
nhà?
(Hồn
nhiên tuổi ngọc)
Phải chăng đây cũng là
những gì mà Võ Hồng đã từng muốn thể hiện trong các tác phẩm của ông ?
T.P.A