Chùa Bửu Minh


Đang làm ăn đôn đáo, anh đột nhiên quay ra xây chùa, ăn chay và tụng kinh niệm Phật. Anh bảo: “Tiền bạc kiếm nhiều chết có mang đi được đâu, từ dạo tìm đến cửa Phật, tôi thấy khoẻ. Sống chậm vẫn thích hơn”.


Sợ “đi đêm”

Người đàn ông ấy là Vũ Nguyên Bảy, Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Cơ khí xây dựng và xuất nhập khẩu Thành Đông.
Sinh năm 1961, ở làng Vân Độ (tên cổ là làng Đò, xã Trùng Khánh, huyện Gia Lộc, Hải Dương), vùng đất chiêm trũng, hễ mưa là ngập lụt. Bởi thế làng nghèo. Là con thứ bảy nên cha mẹ đặt luôn tên Bảy. Không ai nghĩ, cái cách đặt tên giản dị ấy, lại áp vào tính cách của Bảy. Thật như đếm.

 

Anh Bảy (đứng) chỉ đạo thợ hoàn thiện ngôi đền thờ Bác Hồ.

Mới gặp, hay như tôi đã gặp cả chục lần, cũng chẳng nghĩ anh là doanh nhân. Người nhỏ thấp, da đen, tóc tai lùm xùm, đi xe tự lái Camry đời cũ. Ngó qua, 99% các thầy tướng số tử vi phán thằng này chỉ làm nông dân. Quả cũng có phần đúng. Mấy chục năm nay, tuy không lội ruộng nhưng cuộc đời Bảy cũng bôn ba khắp nơi kiếm ăn, cả tây lẫn ta.

Lớn lên, xin đi bộ đội thì chính quyền không cho, vì Bảy vừa thấp bé nhẹ cân, lại có đến hai người anh liệt sỹ. Năm 1981, Bảy khăn gói lên đường sang Tiệp Khắc theo diện xuất khẩu lao động. Năm năm sau về nước, xin vào Sở Thuỷ sản làm công chức. Không chịu nổi kiểu tháng tháng nhận lương ba cọc ba đồng nhưng chỉ ngồi chơi xơi nước, Bảy xin nghỉ theo chế độ 176. Sau đó, anh ra ngoài làm, rồi trụ lại với nghề xây dựng.

Những năm đầu bước chân vào thương trường, Cty của anh Bảy cũng thắng thầu khá nhiều công trình xây dựng từ vốn ngân sách. Nhưng vì không dám làm ẩu, rút ruột, nên lãi không bao nhiêu. Vì làm cho nhà nước, muốn trúng thầu phải “đi đêm”. “Tính tôi không thích chạy chọt, không làm ăn dối trá được nên sau một vài công trình, tôi rút lui. Chuyển hướng sang làm với nước ngoài. Ông nào có tiền thì làm, không thì thôi” - anh Bảy tâm sự.

Hiện, ở đất Hải Dương, nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong các KCN đã chọn Cty của anh Bảy làm nhà thầu thi công nhà máy. Công trình lớn nhất anh vừa xây dựng là nhà máy của Tập đoàn Huynjin (Hàn Quốc), trong KCN Nam Sách, trị giá gói thầu hơn 200 tỷ đồng.

Bỏ làm ăn đi xây chùa

Đang lúc ăn nên làm ra, năm 2008, “bão giá” ập tới, lạm phát tới hơn 20%, các doanh nghiệp xây dựng lao đao. Cty Thành Đông cũng không ngoại lệ, đến lúc này, làm ăn với nước ngoài lại khiến anh lâm cảnh khốn khó. Vì hợp đồng đã ký, nguyên tắc cũng chỉ được điều chỉnh đến 10% giá trị, nếu thị trường có biến động. Ai ngờ năm 2008, lạm phát tới hơn 20%, còn giá vật liệu xây dựng, tăng gấp đôi.

 

Cổng vào ngôi chùa làng Vân Độ được anh Bảy xây dựng năm 2008.


Giữa năm 2008, người ta thấy Bảy đột nhiên tạm đóng cửa công ty, về quê xây chùa. “Làm ăn lỗ vốn, thà mình bỏ tiền đó ra xây cái chùa cho bà con có nơi chay tịnh còn hơn”. Nói là làm, anh bỏ dăm tỷ xây ngôi chùa trên nền đất của ngôi chùa cũ làng Vân Độ.

Khác với các đại gia làm từ thiện, chỉ bỏ ra cục tiền, còn chuyện làm thế nào phó mặc cho người khác. Bảy tự nhập gỗ lim từ châu Phi về, tự tìm cánh thợ làm chùa, đúc tượng, ngày ngày chạy xe gần 20 cây số từ TP Hải Dương về quê giám sát thi công.

Hôm xây xong, anh mời tôi về thắp hương lễ Phật. Tôi thấy lạ, anh tự ngồi thỉnh chuông, tụng kinh niệm phật như thầy tu. Hỏi sao anh rành rẽ vậy? Anh bảo: “Tôi đã ăn chay niệm Phật cả năm nay rồi. Ăn chay cho thanh tịnh, còn tụng kinh là để tâm hồn bớt đi những dục vọng đời thường”.

Trong toà nhà anh mới bỏ ra gần triệu đô xây cùng ngôi chùa năm 2008 (toạ lạc cùng con phố Lê Văn Lương với nhà tướng Phạm Xuân Quắc, Trưởng ban Chuyên án PMU18), trên tầng thượng, anh cũng dành một phòng thờ Phật và thờ Bác Hồ, khá uy linh. Ở đó, sáng nào anh cũng tụng kinh, niệm Phật. Ngày thường tụng kinh 40 phút nhưng vào ngày 30, mùng 1 âm lịch anh ngồi cả tiếng đồng hồ.

Theo anh Bảy, việc tụng kinh niệm Phật người thường ai cũng có thể làm được, không nhất thiết phải là người có căn số. Còn việc làm sao đọc được kinh là vì anh thường hay đi chùa chiền với các nhà sư làm lễ, nên tự học mà thành.

Anh Bảy tâm sự: “Thực ra, làm được nhiều tiền chính đáng cũng là việc tốt, vì mình đóng thuế được cho nhà nước, sau đó là trả lương hậu hĩnh cho cán bộ nhân viên. Từ ngày xây chùa, theo Phật, dù vẫn theo nghề thầu xây dựng, nhưng thấy cuộc sống thanh thản. Kiếm tiền không xấu, nhưng nhiều hay ít thì chết có ai mang đi được đâu”.

Đang người thường thế, anh chuyển qua ăn chay, tụng kinh niệm Phật, vợ con có phản ứng gì không? Anh bảo: “Vợ tôi không những ủng hộ, mà còn làm theo. Bây giờ cũng thạo kinh Phật lắm rồi”.

Cuối tháng 7 âm lịch này, anh Bảy làm lễ khánh thành ngôi đền thờ Bác Hồ, liệt sỹ và Mẹ Việt Nam Anh hùng, cạnh ngôi chùa. Tổng tiền đầu tư khoảng 5 tỷ đồng, do anh Bảy cùng anh trai, người góp tiền, người bỏ công xây dựng. Anh Bảy mời thợ từ Ý Yên (Nam Định) về tận nơi đúc bức tượng đồng Bác Hồ nặng hơn tấn, mạ vàng, cùng hai bức phù điêu liệt sỹ và Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Anh Bảy cho biết: “Sau khi khánh thành, tôi sẽ bàn giao lại cho làng. Mong sao dân làng có nơi thờ cúng, để con cháu đời đời hướng thiện”.

(Theo Tiền phong)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage