Chùa Bửu Minh

Đại đa số bệnh nhân ung thư dạ dày khi đau quá không chịu được, gầy sút nhanh mới đến viện khám và được chẩn đoán K dạ dày, họ rất bất ngờ. Vì họ chỉ nghĩ mình bị viêm dạ dày thông thường, cũng đau rát vùng thương vị, đầy bụng, khó tiêu…


Dễ nhầm với viêm dạ dày

Tiến sĩ Nguyễn Tuyết Mai, Trưởng khoa nội 1, Bệnh viện K Hà Nội cho biết, mỗi năm Việt Nam có trên 15.000 ca mới được chẩn đoán ung thư dạ dày và hơn 11.000 ca tử vong vì bệnh này. Điều này đã khiến ung thư dạ dày trở thành loại ung thư phổ biến hàng thứ 3 trong số 10 loại ung thư nguy hiểm thường gặp tại nước ta. Nam giới có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn phụ nữ khoảng 3 lần. Bệnh hay gặp nhất ở tuổi trung niên, tuy nhiên cũng có những người dưới 30 tuổi đã mắc.

“Có tới 3/4 số người bệnh đi khám khi đã quá đau, bị rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng, gầy sút nhanh. Nhưng họ không hề nghĩ mình bị ung thư dạ dày mà chỉ cho rằng mình bị viêm dạ dày mãn tính. Bởi giữa hai căn bệnh này, việc phân biệt giữa các triệu chứng lâm sàng vô cùng khó khăn, đến bác sĩ cũng không thể khẳng định nếu không làm nội soi dạ dày để có thể nhìn thấy tổn thương và lấy mẫu tế bào để sinh thiết tổn thương, làm các xét nghiệm khác”, BS Mai cho biết.

Theo đó, khi bị ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, có các biểu hiện khó tiêu, nóng rát vùng thượng vị, ăn không ngon miệng… Còn ở giai đoạn trung bình, người bệnh thấy mệt mỏi, đầy bụng sau khi ăn. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có đau bụng, nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, sút cân, xuất huyết tiêu hóa… “Những dấu hiệu này có nhưng không đặc hiệu so với các bệnh lý thông thường về dạ dày, tiêu hóa, trong khi rất ít người có thói quen đi khám định kỳ, sợ nội soi mà vẫn tự mua thuốc về uống”, BS Mai nói.

Giáo sư Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch hội ung thư Việt Nam cho biết, khá nhiều người có tâm lý ngại đi khám. Cứ đau bụng, đầy hơi, khó tiêu họ nghĩ ngay đến viêm dạ dày, căn bệnh mà “ai chẳng bị” nên mua vài liều thuốc về uống, thấy đỡ rồi thôi chứ không có ý thức đi khám, kiểm tra.. Nhiều người cũng lại chỉ yêu cầu khám nội, không dám nội soi. Trong khi đó, dạ dày là một tạng rỗng, có thể hình dung nó như một quả bóng, vì thế khám bên ngoài sẽ không thể thấy được những tổn thương bên trong. Việc siêu âm, chụp dạ dày có cản quang cũng chỉ phát hiện ở một chừng mực nhất định, khi bệnh đã ở giai đoạn muộn do khối u quá lớn. Vì thế, không có cách nào khác để chẩn đoán ung thư dạ dày là phải làm nội soi. Phương pháp nội soi không chỉ phát hiện mà còn là phương pháp điều trị. Như với người mắc bệnh ở giai đoạn sớm, người ta có thể qua phương pháp nội soi hớt phần niêm mạc bị K và giữ nguyên dạ dày.

Sống ít ỏi

“Cới tới 3/4 bệnh nhân K dạ dày ở nước ta được phát hiện muộn nên tiên lượng rất xấu, chỉ có 15% bệnh nhân sống thêm được 5 năm, trong khi đó, cùng bị căn bệnh này nhưng ở Nhật Bản, có tới 50% bệnh nhân sống thêm được 5 năm”, TS Đức nói.

Theo kết quả nghiên cứu bước đầu về bệnh ung thư tại 10 nước trong khu vực ASEAN được công bố mới đây cũng cho thấy, tỷ lệ tử vong của ung thư dạ dày tại Việt Nam cao hơn 4 đến 5 lần so với Lào, Philippines và Thái Lan.

“Đối với ung thư dạ dày, việc phát hiện sớm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Bệnh nhân mắc ung thư này ở giai đoạn khởi phát sớm chỉ cần phẫu thuật hớt niêm mạc, vẫn giữ nguyên được dạ dày và cơ hội khỏi là 99%. Trong khi đó tại Việt Nam chỉ khoảng 6% bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn này qua khám sức khỏe định kỳ. Bệnh phát hiện càng muộn, việc điều trị càng khó khăn và cơ hội sống càng ít ỏi. Như ở giai đoạn muộn thì người bệnh vừa phải phẫu thuật, điều trị hóa trị nhưng cuxng chỉ nhằm mục đích giảm đau, kéo dài cuộc sống người bệnh chứ họ không có cơ hội sống thêm nhiều”, BS Mai nói.

Theo bác sĩ Tuyết Mai, hiện tại vẫn chưa tìm ra nguyên nhân trực tiếp gây ung thư dạ dày nhưng một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh: Do nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (chiếm khoảng 25-50% số ca mắc bệnh); Do chế độ ăn: ăn mặn, các thức ăn có chứa nhiều nitrat, béo phì, Do hút thuốc lá, uống rượu. Khoảng 10% số bệnh nhân ung thư dạ dày do di truyền và có yếu tố gia đình.

Tại buổi họp báo “Liệu pháp trúng đích phân tử trong điều trị ung thư dạ dày” diễn ra hôm 19/8, TS Yoon Koo Kang, Khoa chống ung thư, trường Y khoa Asan, Đại học Ulsan, Seoul, Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc, cho biết hơn một nửa số bệnh nhân ung thư dạ dày được chẩn đoán và phẫu thuật ngay từ giai đoạn 1 nên thời gian sống được kéo dài hơn nhiều. Ông chia sẻ cách phát hiện sớm bệnh chính là việc thực hiện chương trình tầm soát toàn quốc gia, áp dụng cho những người từ 40 tuổi trở lên thực hiện soi dạ dày 2 năm một lần. Bản thân ông là một người bị viêm teo dạ dày nên năm nào ông cũng phải nội soi dạ dày và xem xét kết quả này một cách kỹ càng.

Theo giáo sư Đức, việc tầm soát ung thư dạ dày bằng nội soi nên được thực hiện ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi chưa có điều kiện, thì những người có bệnh lý đường tiêu hóa, dạ dày cần phải quan tâm tới mình trước tiên, đi khám, nội soi dạ dày ngay khi có dấu hiệu đau dạ dày, ăn uống khó tiêu, nôn, buồn nôn… Những người từng bị chẩn đoán viêm loét dạ dày hay bị các rối loạn tiêu hóa mà điều trị nội khoa lâu không đỡ cũng cần đi nội soi lại để kịp thời phát hiện bệnh nếu có.

(Theo dantri.com)


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage