Chùa Bửu Minh

Trong số các quốc gia ASEAN, Myanmar có lẽ là nước khép kín nhất nên người ta không có bao nhiêu thông tin về sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật của xứ Chùa Vàng. Tuy vậy, mỹ thuật Myanmar cũng có những bước phát triển đáng kể trong thời gian gần đây, được coi là một ngôi sao đang lên tại Đông Nam Á.


aungkyawhtet.jpg

Đã có lúc tranh đương đại Myanmar còn được ưa chuộng hơn hẳn tranh Việt Nam tại một số gallery ở trong khu vực.

Hội họa vươn ra thế giới
 
Cách đây không lâu, đời sống mỹ thuật của Myanmar hầu như tập trung tại thủ đô Yangon (tên trước đây là Rangoon) và tại Mandalay (thành phố lớn thứ nhì ở đất nước này), song ngày nay, do hội họa Myanmar đang được nhiều người nước ngoài quan tâm nên ở nhiều địa phương khác cũng đã xuất hiện các gallery bán tranh.

Dù vậy, mãi đến năm 1998, Bộ Văn hóa Myanmar mới tổ chức một triển lãm toàn quốc quy mô lớn với 936 bức tranh và 53 tác phẩm điêu khắc. Từ đó, các triển lãm nhóm và cá nhân diễn ra thường xuyên hơn ở các đô thị lớn, nơi khách du lịch nước ngoài bắt đầu hiện diện và cũng không thiếu các nhà sưu tập cũng như giới kinh doanh tác phẩm nghệ thuật.

Có thể nói chính hội họa Myanmar đã trở thành một nhịp cầu khá quan trọng để nối đất nước này với phần còn lại của thế giới. Ở các phòng tranh và phòng đấu giá trong khu vực như Thavibu (Thái Lan), Larasati (Indonesia) đã có tranh của các tác giả Myanmar bên cạnh tác phẩm của các nghệ sĩ tạo hình đang ăn khách.

Hội họa Myanmar có nhiều bậc thầy trong quá khứ xa và gần, song được biết đến nhiều hơn trong thời gian qua vẫn là các họa sĩ trẻ, những người đã đưa tranh của họ đến nhiều nước trên thế giới trong khi Myanmar vẫn cô lập với quốc tế.

Dù khuynh hướng hiện thực vẫn giữ vị trí chủ đạo trong hội họa Myanmar, các trào lưu hội họa khác đã từng bước có chỗ đứng trong giới trẻ làm nghệ thuật, kể cả các hình thức mới nhất của nghệ thuật đương đại đang được thể nghiệm. Đề tài chính của các họa sĩ là đời sống, sinh hoạt của người dân thành thị cũng như nông thôn và chủ đề lớn nhất của hội họa Myanmar vẫn là Phật giáo.

Tranh đề tài Phật giáo được ưa chuộng
 


Tranh của Aung Kyaw Htet

Trong lịch sử hàng ngàn năm của Myanmar, có rất nhiều bậc vua chúa mà cả cuộc đời của họ hiến dâng cho đạo Phật - quốc giáo. Dưới các vương triều ấy, biết bao ngôi chùa, bảo tháp (stupa), tự viện, lăng tẩm… được xây dựng. Số các công trình tôn giáo ấy đã lên tới hàng triệu, trong đó có những kiến trúc hoành tráng như chùa Vàng Shwedagon ở Yangon hay nhiều ngôi chùa ở Bagan đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản của thế giới.

Đời sống tôn giáo đã là một đề tài lớn của mỹ thuật Myanmar từ nhiều thế kỷ qua và vẫn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến hội họa Myanmar đương đại, thậm chí là mảng quan trọng bậc nhất đối với hội họa xứ sở này.

Dưới vương triều Bagan (từ thế kỷ thứ X), đạo Phật đã phát triển rực rỡ. Chùa và tháp được dựng khắp nơi. Trên vách các chùa, tháp, các nghệ sĩ dân gian đã vẽ những bức tranh mô tả cuộc đời của Đức Thế tôn. Đến vương triều Konbaung (thế kỷ XVIII), các họa sĩ cung đình là những người được chọn để kể lại bằng hình ảnh và sắc màu trên các tàu lá cọ hay trong các tranh sơn mài về các nghi thức của hoàng gia cũng như các truyền thuyết dân tộc.

Chỉ đến khi thực dân Anh xâm lược Myanmar vào thế kỷ XIX, các nghệ sĩ tạo hình Myanmar mới biết đến các nguyên tắc và kỹ thuật hội họa phương Tây. Sự kết hợp giữa hội họa hiện đại châu Âu và mỹ thuật dân gian đã tạo nên một phong cách hội họa mới mà các họa sĩ Myanmar hôm nay đang thừa kế và phát triển. Năm1952, hai trường mỹ thuật quốc gia được thành lập tại Yangon và Mandalay, trở thành cái nôi của mỹ thuật Myanmar hiện đại.
 


Tranh của Aung Kyaw Htet

Trong số các họa sĩ được coi là thành công nhất hiện nay có Aung Kyaw Htet - người hầu như chỉ vẽ tranh theo đề tài Phật giáo và có biệt tài thể hiện gương mặt các nhà sư, ni cô rất sinh động và một bảng màu (sơn dầu) mạnh, nóng, đối chọi khá ấn tượng. Sinh năm 1965, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Quốc gia Yangon, hiện Aung Kyaw Htet là một trong những họa sĩ được nhiều nhà sưu tập nước ngoài chú ý nhất và đã có nhiều triển lãm tại nước ngoài. Tác phẩm của ông còn được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Malaysia và Bảo tàng Quốc gia Myanmar.
 


Tranh của Myat Kyawt

Cùng thế hệ với Aung Kyaw Htet có Myat Kyawt, sinh năm 1966, tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Mandalay, là đệ tử chân truyền của các bậc thầy hội họa như U Nyo Pyar, U Tin Moe… Myat Kyawt chỉ vẽ bằng chất liệu acrylic với những mảng màu tươi rói, thể hiện cuộc sống thường ngày ở Myanmar, nhưng cách tạo hình đã vượt khỏi ranh giới của hiện thực. Ông có tranh trưng bày tại nhiều gallery trong nước và từng triển lãm ở Nhật, Singapore, Thái Lan. Hiện Bảo tàng Mỹ thuật New Zealand có một phòng trưng bày thường xuyên tranh của Myat Kyawt.

 


Tranh của Myoe Win Aung

Trẻ hơn nữa có Myoe Win Aung, sinh năm 1972 ở Yangon, chỉ mới bắt đầu vẽ từ năm 1989, nhưng nay đã trở thành một tên tuổi được giới sưu tập tranh chú ý. Giống như nhiều họa sĩ đồng nghiệp, Myoe Win Aung luôn thể hiện hình ảnh của các tăng viện, chùa chiền và sinh hoạt Phật giáo đặc trưng ở đất nước Myanmar trong tranh của mình.

 

Tranh của Aung Myint

Sau cùng, phải kể đến một tên tuổi thuộc thế hệ đi trước là Aung Myint, sinh năm 1946, một họa sĩ tự học nhưng lại được coi là cha đẻ của nghệ thuật hiện đại Myanmar. Nếu số đông các họa sĩ thuộc nhiều thế hệ ở xứ này trung thành với cách biểu đạt và chọn đề tài truyền thống thì Aung Myint lại đi tiên phong với tranh trừu tượng, với nghệ thuật sắp đặt và trình diễn. Ông đã có trên 60 triển lãm cá nhân trong nước và ở nước ngoài, nhiều lần bày tranh ở Nhật, Hà Lan, Anh, Đức, Phần Lan, Hồng Kông, Macau… và cả tại Việt Nam (năm 1998, trong một triển lãm chung họa sĩ các nước ASEAN).

Ở một xứ sở còn bị cô lập, chính hội họa đã nói được bằng thứ ngôn ngữ riêng nhưng phổ quát, đem cái đẹp của Myanmar đến với thế giới.

Y Chiêu | Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage