Chùa Bửu Minh

>>>Cách viết tin, bài truyền thông Phật giáo (phần 1)


Hàng năm, có nhiều sự kiện Phật giáo được tổ chức như: ngày vía Phật Di Lặc (mùng 1 Tết), Đại lễ Phật đản (Vesak), Lễ Vu Lan, ngày vía của các vị Phật. Cuối năm thường nhộn nhịp với các nghi lễ ngày vía Phật Di Đà (17/11 âm lịch), ngày Lễ Phật Thích Ca thành đạo (8/12 âm lịch), Tết nguyên đán.v.v…


Việc quay phim, chụp ảnh tư liệu cho chùa là cần thiết, chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để làm công đức này.

Trước khi diễn ra một sự kiện Phật giáo, bạn cần phải khảo sát địa điểm, bối cảnh bài trí để đặt máy quay phim.  Khảo sát trước buổi ghi hình là một việc làm rất quan trọng, những người làm truyền hình rất coi trọng việc khảo sát. Bạn không nên chủ quan bỏ qua công đoạn khảo sát. 

Khảo sát là làm những gì?

- Thứ nhất là chủ động nắm bắt kế hoạch chương trình. Bạn phải hỏi thông tin nội dung chương trình, ai sẽ chỉ đạo thực hiện nội dung? Bạn muốn quay phim một mình hay cùng một nhóm? Và tất nhiên bạn phải hỏi ý kiến, xin phép Thầy trụ trì, Ban tổ chức chương trình để được quay phim, chụp ảnh.

- Thứ hai là quan sát. Sau khi nắm bắt được kế hoạch, nội dung chương trình, bạn hãy quan sát kỹ những cảnh vật, khuôn viên của chùa, khu vực diễn ra các hoạt động của sự kiện.  Bạn hãy hình dung vị trí hoạt động của các nhóm  tham gia chương trình. Ví dụ lối đi để thỉnh Chư vị Tôn túc, Tăng, Ni, quan khách?  Vị trí của nhóm tri khách đón tiếp Phật tử đến dự chương trình?  Nhóm hành đường sẽ hoạt động ở đâu?

Quan sát và quan sát. Bạn hãy đặt mình vào vị trí một máy quay phim.  Đôi mắt của bạn có thể nhìn được những cảnh gì thì camera sẽ ghi lại được những cảnh đó.  Bạn  nên tìm vị trí thích hợp nhất để đặt máy, góc quay chính. Ngoài ra, bạn cũng nên tìm kiếm một vị trí  dự phòng để quay toàn cảnh không gian diễn ra sự kiện.

Vị trí đặt máy phải được tính đến yếu tố ánh sáng, bạn nên chú ý hướng ánh sáng mặt trời.  Tùy theo sự kiện diễn ra buổi sáng hay chiều để bạn xem xét hướng mặt trời mọc hay lặn ở phía nào?  Bạn không nên đặt máy ngược chiều ánh sáng. Nghĩa là khi nguồn ánh sáng đèn hoặc mặt trời chiếu thẳng vào ống kính của bạn, hình người sẽ bị đen tối lại, màn hình bị phủ trắng mờ, hình bị lóa. Nếu không lưu ý điều này, bạn sẽ phải dở khóc dở cười khi xem lại đoạn phim ngập tràn ánh sáng mà gương mặt chủ thể thì tối sầm lại.

Bạn phải tính đến yếu tố hạn chế di chuyển máy quay phim để đảm bảo tính trang nghiêm của sự kiện Phật giáo. Khi chương trình đang diễn ra, toàn thể đại chúng đang hướng Tâm tập trung, việc đi lại quay phim, chụp ảnh sẽ làm động tâm của người khác.  Do đó,  bạn hãy chọn vị trí nào mà có thể quay được toàn bộ nội dung chính và đồng thời bạn có thể “rút lui” đi quay không gian khác.

- Thứ ba là khai thác chi tiết. Bạn sẽ  tự hỏi mình  nên quay cái gì để có những chi tiết sinh động. Ai làm gì?  Vị trí khu vực nào? Bạn sẽ khai thác những cảnh quay chi tiết, diễn tả hành động, ánh mắt, nụ cười của các Tăng, Ni, Phật tử tham dự chương trình.

Thời điểm nào, vị trí nào có thể đặt máy để quay những hình ảnh đẹp về một tăng đoàn áo vàng, trang nghiêm, thanh tịnh?  Góc máy quay nào để đặc tả uy nghi của các Chư Tăng? Góc máy nào có thể đặc tả bước chân an lạc của quý Sư Ni?

Tóm lại, bạn hãy ngắm nhìn bối cảnh và tự hỏi nhiều lần: "Cái gì sẽ xảy ra? Tôi sẽ thấy cái gì? Chúng ta sẽ ghì hình cái gì?" 

Bài viết xin tạm dừng ở đây. Trong bài viết phần sau, chúng tôi xin chia sẻ cùng quý đạo hữu về kỹ thuật quay phim, thẩm mỹ khuôn hình.

http://www.phattuvietnam.net/5/truyenthong/17439.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage