Chúng ta thấy rằng, ta tu tập có nhiều lợi ích cho bản thân, nên
ta chỉ lo tu để cho ta hưởng lợi thôi, điều đó có nên không? Nếu mình
tu tập mà những người xung quanh mình không tu
tập, thì liệu sự tu tập của ta có an toàn không?
Nếu ta đang tụng Kinh,
mà con cái của ta hai đứa vác đùi rượt nhau ở trong nhà, thì ta có ngồi
yên để tụng Kinh được hay không? Ta có thể nói: “tôi tu thôi, còn mấy
đứa nó làm chi mặc kệ hắn”. Ta nói như vậy có được không?
Khi mình thấy được sự lợi ích của chánh niệm tỉnh giác từng phút,
từng giây trong đời sống của mình, thì mình phải đem chánh niệm tỉnh
giác đó giúp cho những người xung quanh, để họ cũng thực tập chánh niệm
tỉnh giác như chính bản thân mình.
Ngài Hộ Nhẫn mỗi
buổi sáng vẫn ôm bình bát đi khất thực, Ngài đi bên lề đường thôi, chứ
có phải đi giữa đường đâu, nhưng cũng bị người không có chánh niệm tỉnh
giác tông vào. Cuộc sống là liên đới với nhau cả. Mình tu mà người ta
không tu, thì mình cũng bị lãnh sẹo theo cái không tu của người ta.
Nên, làm hưng vượng dòng dõi bậc Thánh, có nghĩa là không những
mình biết tu tập, mà mình còn đem chất liệu chánh niệm tỉnh giác này,
làm duyên cho những người trong gia đình của mình, làm điều kiện để cho
những người thân yêu của mình cũng có cơ hội thực tập chánh niệm tỉnh
giác như mình. Ngoài việc Phật hóa bản thân, chúng ta còn phải Phật hóa
gia đình và Phật hóa xã hội. Phật hóa gia đình và Phật hóa xã hội theo
con đường nào? Theo con đường chánh niệm tỉnh giác.
Trong Kinh Pháp Hoa có bài kệ như thế này:
Chư Phật lưỡng túc tôn
Tri pháp thường vô tính
Phật chủng tùng duyên khởi
Thị cố thuyết Nhất thừa.
Nghia là:
Chư Phật là Đấng đầy đủ trí tuệ và phước đức, biết rõ các pháp
vốn không có tự tính, không có cái gì thật hữu và bền chắc.
Hạt giống giác ngộ của Phật sinh khởi cũng cần phải có điều kiện, cho nên mới nói con đường Nhất thừa.
Làm cha mẹ, anh chị hay làm những bậc trưởng thượng trong gia
đình, thì phải thấy các đứa con của mình, đứa nào cũng có Phật tính ở
trong, những người cháu của mình, đứa nào cũng có Phật tính ở trong,
những người em của mình, người nào cũng có Phật tính ở trong, nhưng mà
Phật tính ở nơi những người con, người cháu hay nơi những người em của
mình chỉ có thể sinh khởi khi hội đủ điều kiện, mà điều kiện đó là gì?
Ấy là sự thực tập chánh niệm tỉnh giác của ta và ta biết đem phương
pháp, cũng như năng lượng chánh niệm tỉnh giác của ta, để yểm trợ cho
người.
Nếu cha mẹ không có cơ hội để phát khởi Phật
tính, thì người con phải biết tạo ra cơ hội để giúp cha mẹ, phát khởi
Phật tính. Trong điều kiện này có thể là nghịch và cũng có thể là thuận.
Ví dụ, mình là con một trong gia đình, mình biết rằng, cha mẹ rất
thương mình, nên mình có đủ sự thông minh, để mình biết, cần sử dụng
phương pháp hay điều kiện nào, để giúp cha mẹ mình vượt qua khỏi tình
trạng bế tắc của cha mẹ.
Vì vậy, có khi mình hiện ra
làm hạnh nghịch duyên. Hạnh nghịch duyên là nghịch như thế nào? Bởi vì
cha mẹ mình đi theo dòng đời, cứ như thế mà chảy. Và bây giờ mình hiện
ra một nghịch hạnh là hễ cha mẹ ăn mặn thì mình ăn chay. Chính cái hạnh
nghịch duyên đó, lại là tác động ngược lại và khiến cho cha mẹ mình phải
xét lại cái ăn mặn, cái suy nghĩ chạy theo dòng chảy thế tục của quý
vị. Có khi cha mẹ mình ngồi nói với nhau: “Sao con bé mình nó nhỏ như
vậy mà nó ăn chay được, còn mình lớn như thế nầy mà mình không làm
được?” Tự nhiên đó là một suy nghĩ phản quán, xét lại, rồi từ cái xét
lại, cha mẹ sẽ bắt đầu suy tư, và từ nơi đó có thể chuyển đổi được ý
hướng.
Thêm vào đó, cũng có thể, khi mình biết rằng,
cha mẹ cưng mình rồi, nên mình tới thủ thỉ với cha “cha ơi, con ăn mặn
là con đau bụng”. Mình có thể nôn mửa... sau một vài lần, tự nhiên nó sẽ
đánh động được tình thương của cha và mẹ. Hoặc mẹ có ép, cha cũng nói
“thôi, con đã không ưa ăn, thì ép làm chi! Thôi thì mẹ đi mua đậu khuôn
với nấm, mà nấu cho con nó ăn”. Chính mình hiện ra một nghịch duyên,
nhưng lại trở thành một thuận duyên.
Nghịch duyên như
vậy để làm gì? Để đánh thức Phật tính ở nơi cha mình dậy, nơi mẹ mình
dậy, ở nơi người thương mình dậy. Bởi vì, khi một ai đó đã thương mình
rồi, thì mỗi động tác, mỗi cử chỉ của mình đều chạm vào tâm hồn của họ
hết. Cho nên, không có lý do gì, một người thương mình, mà mình không
giúp họ đánh thức phật tính ở nơi họ dậy.
Dứt khoát nếu
mình có tuệ giác là mình có nhiều cơ hội để giúp họ. Chúng ta thấy
rằng, có cha mẹ nào lại không thương con cái và không có người con nào
lại không thương cha mẹ? Cũng không có vợ nào lại không thương chồng, và
không có người chồng nào lại không thương vợ ? Nên, mình phải biết sử
dụng cái thương để mà giúp nhau tu tập.
Không có Thầy
nào mà không thương trò. Thầy mà đánh trò một roi, thì Thầy đau cả chục
roi, nhưng Thầy vẫn cắn răng mà đánh. Thầy nói một lời nặng với học trò,
là Thầy tan nát tim phổi trước, nhưng cũng phải rán gân mà nói, nín thở
mà nói. Biết vậy mà cũng phải nói, bởi vì thương mà nói. Đó là cái
nghịch hạnh. Mình phải đánh cú chót này, mới có thể làm thay đổi được
người học trò, là mình cứ đánh. Phải đánh cú này, cú chí tử này khi đó
nó mới ngộ, thì mình cứ đánh. Và người khác nhìn vào thấy có vẻ tàn
nhẫn, nhưng đối với Thầy thì không có gì tàn nhẫn cả, bởi vì trong khi
hành xử nhu vậy, Thấy có cả tình thương và có cả tuệ giác. Nên, nếu mình
là người khách quan, thì mình không thể hiểu được.
Mình nối dõi dòng giống bậc Thánh, là mình phải làm điều kiện để hạt
giống bậc Thánh được trỗi dậy ở nơi người mình thương, ở nơi người mình
chăm sóc, ở nơi người mình quý trọng. Nhiều người được trỗi dậy hạt
giống phật pháp như vậy, thì gia đình mình trở thành ra gia đình Phật
hóa, dòng họ mình trở thành ra dòng họ Phật hóa, làng xã mình trở thành
làng xã Phật hóa, quê hương mình trở thành quê hương Phật hóa, và cõi
của mình trở thành cõi Phật.
Cần gì phải đi cho xa,
“chừ Tịnh độ không đi mà vẫn đến”. Muốn nối dõi và làm hưng thịnh dòng
dõi bậc Thánh, mình phải biết được rằng, tất cả chúng sinh đều có hạt
giống phật và thánh. Chỉ có điều, có người thì bị lấp sâu, có người thì
bị lấp cạn, có người chỉ lấp sơ sơ và chỉ cần mình gãy móng tay thì hạt
giống của người đó cũng có thể trỗi dậy được. Phật tính thì ai cũng có,
nhung có người phải lấy chổi mà quét, thì mới trỗi dậy, có người thì
phải lấy cái bay mà cạy, nhưng có người thì phải lấy búa mà gõ, không
phải gõ một lần mà phải gõ nhiều lần mới trỗi dậy được.
Chúng ta thực tập chánh niệm tỉnh giác mỗi ngày, tức là mình nuôi hạt
giống giác ngộ của mình lớn lên. Mình phải bước đi những bước đi siêu
việt ở trong cái thực tiễn và thực tiễn ở trong cái siêu việt là ở những
điểm như vậy.
Gia đình mình là một sự thực tiễn, vợ
chồng là một sự thực tiễn, cha mẹ con cái, anh em bạn bè là một sự thực
tiễn của cuộc sống, thì trong cái thực tiễn đó, mình phải biết đưa năng
lượng chánh niệm tỉnh giác vào, để thực tập và sống, thì ngay trong cái
thực tiễn đó, trở thành cái siêu việt.
Mình có chánh
niệm tỉnh giác, nên mình hiểu xuyên suốt đuợc tâm hồn của người mình
thương, của người mình kính. Nên, khi mình hiểu xuyên suốt được tâm hồn
của người mình thương, của người mình kính, thì mình có thể tạo ra được
một điều kiện để cho Phật tính của người đó khởi sinh.
Mình muốn giúp ai đi chùa để thực tập, mình phải biết khuynh hướng của
họ, và mình phải biết được ưu và nhược điểm của con người họ, thì mình
mới giúp họ được và mình mới có thể khơi dậy được Phật tính ở trong con
người họ.
Có một lần ở Từ Hiếu, tôi đi lên Phước Duyên
rất là tối, tôi đi bộ từ ngoài chùa Linh Mụ đi vào, thì có hai anh chàng
say rượu đi chếnh cháng giữa đường. Gặp tôi nơi hồ sau chùa Linh Mụ,
lúc đó cũng chín mười giờ đêm rồi, họ tới ôm tôi lại, mà trong miệng của
họ thì rất hôi rượu.
Bấy giờ, tôi đứng yên lặng, cả
hai người, người nào cũng nói: “Thầy thấy con ngon lành không, và Thầy
có thương con không?”. Tôi cười, tôi nói: “Hai anh quá tuyệt vời, chứ
ngon lành được à!” và khi mà nghe nói như vậy, hai người nói với nhau:
“mi thấy chưa, Thầy mà còn khen tau nữa, thì mi phải biết!”.
Trong tình trạng ấy, tôi chỉ nói một câu như vậy thôi, thế mà họ
liền thả tôi ra. Và cuối cùng, họ nói với tôi: Con tuyệt vời như vậy, mà
có mấy người nói con say! Tôi nói: các anh không phải say, say đâu còn
biết tuyệt vời được, cho nên các anh tỉnh nơi a. Khi ấy, hai người đều
la lên: tỉnh, tỉnh, thôi hai đứa mình đi. Thầy vô nghe!
Cho nên, trong tình trạng gặp những người say như vậy, nếu mình không
có chánh niệm tỉnh giác, mà bị họ ôm mình như vậy, thì cũng có thể xẩy
ra cho mình nhiều chuyện không hay.
Nên, ta cần phải
thực tập chánh niệm tỉnh giác để có thể bảo toàn cho mình trong mọi tình
huống, dù là ta đang đối đầu với người say và đang còn nằm trong vòng
tay của họ, mình cũng có thể thoát ra được.
Tôi nói
điều này, thì chúng ta phải chiêm nghiệm sâu. Tất cả người say đều đang
ôm mình trong vòng tay của họ, chứ không phải chỉ say rượu thôi đâu! Có
những người say sắc, có những người say danh, có những người say tiền,
có những người say ăn, có những người say ngủ, có những người say
tình,... tất cả những người say đó, đang còn ôm mình trong vòng tay của
họ, nhưng mà mình có chánh niệm tỉnh giác, mình vẫn khơi mở được Phật
tính ở nơi họ và họ sẽ trả tự do lại cho mình. Mình đừng có nói rằng:
Chồng con khó lắm Thầy ơi, không đi chùa được mô; vợ con khó lắm Thầy
ơi, không đi chùa được mô; mẹ con khó lắm Thầy ơi, không tu được mô; cha
con khó lắm Thầy ơi, không tu được mô,... Nếu mình có chánh niệm tỉnh
giác rồi, thì từ từ mình sẽ tháo ra được hết. Và chính tôi nhờ có chánh
niệm tỉnh giác, nên cũng đã tháo ra được, từ trong vòng tay của hai
người say trong một đêm khuya.
Không những chúng ta chỉ
biết thực tập chánh niệm, mà còn phải biết lập hạnh giúp đời, phải biết
làm cho hạt giống phật nơi tâm của những người ta thương trỗi dậy để
cho ai cũng sống có an lành.
Trích từ: Hướng Đi Của Chúng Ta
Thầy Thích Thái Hòa