Kỳ
này tôi qua với tinh thần một người bạn quen thuộc về thăm Thiền viện,
vì trước tôi và Hòa thượng Thiện Châu cùng có chỗ tâm đắc là hướng về
Việt Nam, muốn làm sao cho Phật giáo Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn,
làm sao đem cái hay cái quí của Phật giáo Việt Nam cho mọi người trên
thế giới thấy biết, nên chùa này Hòa thượng để Thiền viện Trúc Lâm, ở
Lâm Đồng Việt Nam tôi cũng để tên Thiền viện Trúc Lâm. Chúng tôi cùng
hướng về Trúc Lâm Yên Tử, nơi có một hệ thống tu thiền của chư Tổ Việt
Nam, làm nền tảng cho Phật giáo nước nhà.
Tại
núi Yên Tử, người lên đó tu đạt đạo đầu tiên là Thiền sư Hiện Quang
cuối đời Lý đầu đời Trần. Kế ngài Hiện Quang là ngài Đạo Viên, có chỗ
gọi Viên Chứng, Phù Vân. Dưới ngài Viên Chứng là Thiền sư Đại Đăng.
Dưới Thiền sư Đại Đăng có Thiền sư Đại Tuệ. Dưới Đại Tuệ sau này có Tam
Tổ Trúc Lâm. Như vậy hệ thống tu thiền đắc đạo ở núi Yên Tử gần như là
một hệ thống lớn nhất của Phật giáo Việt Nam. Vua Trần Nhân Tông sau
khi xuất gia đắc đạo đã khai sáng ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Vì thế
những người có tâm muốn tìm hiểu Phật giáo Việt Nam đều quay về núi Yên
Tử. Hôm nay tôi nói tinh thần của những vị vua Trần ở Việt Nam, cái
nhìn, cái thấy đối với đạo Phật thế nào. Đề tài đó là Hai ông Vua đời
Trần xem ngai vàng như dép rách.
Chúng
ta muốn tìm hiểu Phật giáo Việt Nam phải nhìn thẳng vào hệ phái Trúc
Lâm Yên Tử, vì hệ phái này do một vua Việt Nam đi tu đắc đạo sáng lập
ra. Trước vua Trần Nhân Tông có vua Trần Thái Tông, là một vị vua được
sử sách luôn tán thán vừa có tài lãnh đạo đất nước, vừa là một nhà văn,
một nhà đạo đức. Cho nên nói đến vị thứ nhất xem ngai vàng như dép rách
đó là vua Trần Thái Tông.
Ngài
sanh năm 1218 tịch năm 1277 khoảng cuối thế kỷ 12, đầu thế kỷ 13. Khi
lên ngôi Ngài có tâm tìm hiểu Phật pháp, nhất là Phật pháp Thiền. Có
lần đọc kinh Kim Cang tới câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài
dừng lại đó và bỗng dưng giác ngộ. Sau này Ngài có viết những quyển
sách thiền rất hay như Khóa Hư Lục… nhưng rất tiếc chúng ta không còn
được nhiều. Ngài ngộ câu “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” trong kinh Kim
Cang, nguyên văn chữ Hán là: Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ
thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.
Nghĩa là: Không nên trụ tâm ở sắc, ở thanh, ở hương, ở vị, ở xúc, ở
pháp. Nên không để tâm trụ nơi nào. Đó gọi là an trụ tâm. Tại sao?
Bình
thường tâm chúng ta lăng xăng xuôi ngược là do chạy theo sáu trần: sắc,
thanh, hương, vị, xúc, pháp. Ngày nay muốn nó an trụ thì đừng cho dính
với sáu trần, nên Phật dạy không dính với sáu trần là trụ tâm. Ngày xưa
Lục tổ Huệ Năng nghe được câu này bỗng nhiên đại ngộ, thốt lên “không
ngờ tâm mình xưa nay thanh tịnh, không ngờ tâm mình xưa nay bất sanh
bất diệt v.v…” năm lần không ngờ như vậy. Do đây Ngũ Tổ truyền y bát
cho Ngài.
Vua
Trần Thái Tông đọc tới chỗ tâm không trụ nơi sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp, Ngài vừa để cuốn kinh xuống nghiền ngẫm thì bỗng nhiên cũng
ngộ ngay chỗ ấy. Do ngộ nên Ngài thấu hiểu được đạo và sống gần gũi với
đạo, tuy ở địa vị một ông vua. Có lần Ngài bỏ kinh thành trốn lên Yên
Tử tu, ông chú Trần Thủ Độ tìm lên mời về, Ngài không chịu. Thủ Độ đòi
đem tất cả kinh thành lên núi, nhà vua sợ quá mới trở về. Được làm vua
là điều thế gian cho là hiếm quí, nhưng Ngài lại muốn bỏ mới thấy Thái
Tông xem ngai vàng như dép rách. Tôi dẫn một ít đoạn nhỏ trong bài “Phổ
khuyến phát Bồ-đề tâm”, tức là “Khắp khuyên mọi người phát tâm Bồ-đề”
để chúng ta thấy rõ tinh thần này của nhà vua:
Công danh cái thế chẳng qua một giấc mộng dài,
Phú quí kinh người khó tránh vô thường hai chữ.
Người
được công danh, phú quí rất cao, rất quí nhưng chỉ là một giấc mộng dài
thôi, chớ không đáng gì hết. Giàu có, sang trọng cũng khó tránh được vô
thường. Cái nhìn như vậy rõ ràng đâu còn quí trọng ngai vàng nữa!
Tranh nhân, tranh ngã rốt cuộc là không,
Khoe giỏi, khoe hay rốt cùng chẳng thật,
Tứ đại rã rời thôi già trẻ,
Lối xe mòn mỏi hết anh hùng.
Một
ông vua không mến danh, không giành lợi, không đắm mình thụ hưởng những
tài sắc thế gian. Ngài ngồi trên ngai vàng để bảo vệ đất nước, làm lợi
cho dân tộc, chớ không phải vì thụ hưởng. Do đó Ngài sớm thức tỉnh,
không mê đắm ngai vàng như bao vị vua khác, nên người đời rất quí kính
Ngài. Tuy chưa xuất gia nhưng vua Thái Tông đã thấy tột được lý đạo,
biết rõ cuộc đời nên đời sống của Ngài rất thanh thản, nhẹ nhàng, dù có
giặc Ngài cũng giải quyết một cách dễ dàng. Cuối cùng Ngài kết thúc
bằng bài kệ rất dài, tôi chỉ trích một đoạn ngắn:
Vô vị chân nhân xích nhục đoàn,
Hồng hồng, bạch bạch mạc tương man,
Thùy tri vấn quyện, trường không tịnh,
Thúy lộ thiên biên, nhất dạng san.
Dịch:
Vô vị chân nhân thịt đỏ au,
Hồng hồng, bạch bạch chớ lầm nhau,
Ai hay mây cuộn không toàn tịnh,
Phương biếc bên trời một màu xanh.
Vô
vị chân nhân thịt đỏ au. Chữ vô vị chân nhân là của Lâm Tế ở Trung Hoa,
Ngài nói mỗi người có vô vị chân nhân từ cửa mặt, cửa tai mà ra v.v…
nhưng chúng ta không thấy biết được. Ở đây dịch sát “vô” là không, “vị”
là ngôi vị, Chân nhân là người thật. Người thật không có nơi chốn. Tất
cả chúng ta ai cũng nghĩ thân này là mình, cái nghĩ suy tốt xấu, hơn
thua, phải quấy là tâm mình.
Với
cái nhìn của người đạt đạo thân này là tướng duyên hợp, tạm bợ, có đó
rồi mất chớ không thật. Nếu người thật thì còn nguyên vẹn, không bao
giờ bại hoại, không bao giờ tan biến, nếu bại hoại tan biến thì không
phải người thật. Đó là nói về thể xác. Về tinh thần thế gian cho cái
hơn thua, phải quấy, khôn dại v.v… là tâm mình. Như vậy tâm ấy là một
hay nhiều? Khi nghĩ phải, khi nghĩ quấy, khi buồn, khi giận đủ thứ hết,
cái nào là mình thật? Nếu nghĩ phải là mình thật thì nghĩ quấy là ai?
Thương là mình thật thì ghét là ai? Chẳng lẽ mình lộn xộn, không có cái
thật! Thế mà tất cả chúng ta ôm ấp cái không thật đó cho là tâm mình,
chấp xác thân vô thường tạm bợ là thân mình, chấp tâm lăng xăng không
thật là tâm mình. Cả ngày chúng ta sống với hai thứ thân tạm bợ, tâm
sanh diệt đổi thay, còn cái mình thật thì không biết. Tổ bảo ngay cái
thân thịt đỏ au này có một cái thật không nơi chốn, không chỗ trú, trùm
hết mà chúng ta bỏ quên. Tuy ta bỏ quên, không biết nhưng nó vẫn hiện
tiền đầy đủ. Nên Ngài nói vô vị chân nhân ở trong khối thịt đỏ au này,
chớ không ở đâu hết. Đó là câu thứ nhất.
Hồng
hồng, bạch bạch chớ lầm nhau. Người ta gạt nhau bằng cái gì? Hoặc được
màu da hồng hoặc được màu da trắng, trau chuốt điểm tô cho đẹp để lừa
nhau, gạt nhau. Nếu lột lớp da ngoài bỏ đi thì chỉ còn một khối thịt đỏ
au như nhau thôi. Thấy người qua thân thịt đỏ au thì có ghét, có thương
không? Không. Tại vì thấy hồng hồng, bạch bạch mới có thương ghét. Đó
là sự lầm lẫn của con người.
Ai
hay mây cuộn không toàn tịnh. Ai biết được rằng khi mây tan hết thì còn
lại một bầu hư không trong trẻo. Mây dụ cho những tâm niệm vui buồn,
thương ghét luôn luôn dấy động trong tâm con người. Chỉ cần năm ba phút
chúng ta không suy nghĩ cũng khó kiếm rồi, ngay khi ngồi thiền muốn yên
năm ba phút cũng không được. Đó là vì quen, như mây cứ bị gió đùa bay
tới bay lui, che khuất bầu trời trong trẻo. Một khi đám mây tâm niệm
cuồng loạn tan hết thì bầu trời xanh hiện ra. Trăng đêm rằm dù có sáng,
tròn giữa bầu trời nhưng mây đen kéo đến mãi thì chúng ta cũng không
thấy được mặt trăng. Còn những niệm lăng xăng, lộn xộn thì chúng ta
không thấy được con người chân thật của mình. Bao nhiêu phương pháp tu
của đạo Phật đều qui về chỗ này. Niệm Phật để làm gì? Để nhất tâm. Tu
thiền để làm gì? Để được định. Định cái gì? Định tâm lăng xăng. Định
tức là dừng lại, dừng tâm lăng xăng lại thì cái chân thật hiện ra. Niệm
Phật tới chỗ nhất tâm thì đức Phật hiện ra.
Như
vậy trọng tâm của người tu Phật là thức tỉnh nơi mình có cái thật,
nhưng vì chạy theo cái giả nên ta quên đi. Bởi theo giả quên thật nên
đức Phật mới dạy chúng ta phương pháp này, phương pháp nọ. Người giàu
lòng tin, tin có cõi Cực Lạc, có đức Phật A-di-đà, chú tâm niệm danh
hiệu Ngài chuyên nhất thì ngày nào đó tâm an định sẽ thấy Phật A-di-đà.
Người tu thiền nếu tâm an định cũng thấy được cái chân thật sẵn của
chính mình. Trong kinh A-hàm, Phật nói người tu Tứ niệm xứ từ một ngày,
hai ngày cho tới bảy ngày không dời đổi tâm niệm, người đó liền chứng
A-la-hán. Người tu thiền cũng vậy, nhất là Thiền tông, chúng ta thức
tỉnh đừng cho tâm vướng mắc với sáu trần thì cũng thấy được chỗ chân
thật của mình. Ở đây ngài Trần Thái Tông cũng thấy như vậy, nên Ngài
nói một khi mây tan hết, còn lại một bầu hư không thật là trong trẻo.
Phương
biếc bên trời một màu xanh. Khi mây đen tan thì thấy bầu trời xanh
biếc. Chừng đó chúng ta mới thấy cả bầu trời toàn một màu xanh. Khi tâm
lặng, niệm dấy động tan hết thì chúng ta mới thấy cái chân thật của
mình trùm khắp, viên mãn, trong kinh thường gọi là Phật tánh. Nên người
tu Phật không tìm bên ngoài, không cầu xin ở ai mà quay lại dọn dẹp nơi
tâm mình, để bao nhiêu thứ loạn tưởng, bao nhiêu thứ mờ mịt che khuất
đó tan hết thì tâm trong sạch.
Chúng
ta bây giờ là người xuất gia vẫn chưa thấy cái chân thật nơi mình, còn
ngày xưa vua Trần Thái Tông bận rộn với bao nhiêu việc quốc gia triều
chánh như thế mà Ngài còn nghiền ngẫm thấy được con người chân thật nơi
mình. Thật đáng khâm phục! Có nhiều Phật tử than tôi đa đoan công việc,
không có thời giờ tu. Chúng ta thử đặt lại câu hỏi: “Phật tử đa đoan
công việc, chỉ là một việc làm trong sở, còn nhà vua bao nhiêu việc?”
Cả nước bao nhiêu việc phải lo, phải biết mà Ngài còn tu được, nghĩ như
thế rồi chúng ta có hổ thẹn không, có đổ thừa nhiều việc tu không được
không?
Trần
Thái Tông sanh ra Trần Thánh Tông, Trần Thánh Tông sanh ra Trần Nhân
Tông, người dân Việt Nam thường gọi Ngài là ông vua Phật tức Phật hoàng
Trần Nhân Tông. Ngài là vị vua thứ hai cũng coi ngai vàng như dép rách.
Vua Trần Nhân Tông, Sơ Tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngài sanh năm
1258, tịch năm 1308. Vì vua Trần Thánh Tông mộ tu thiền nên gởi Thái tử
Trần Khâm theo học với Sư huynh Tuệ Trung Thượng Sĩ, là một cư sĩ ngộ
được lý thiền. Tuệ Trung tuy làm quan sống giữa cuộc đời mà tu rất hay,
nên Nhân Tông sớm được Ngài dạy về Thiền học. Học được đôi ba năm, đến
lúc sắp trở về, Ngài từ giã thầy, hỏi rằng: “Việc chủ yếu của Thiền là
gì?” Tuệ Trung Thượng Sĩ liền đáp bằng một câu chữ Hán: “Phản quan tự
kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.”
Phản
quan tự kỷ bổn phận sự, tức là chiếu rọi lại chính mình, đó là phận sự
gốc của người tu thiền. Chiếu rọi lại để thấy nơi mình cái gì là niệm
lăng xăng hư ảo, cái gì là chân thật, buông xả hết lăng xăng hư ảo thì
mới được cái chân thật. Vì vậy việc gốc của người tu thiền là quay lại.
Khi Ngài về làm Thái tử rồi lên ngôi vua, nước nhà trải qua nhiều cuộc
chiến tranh gian lao lắm mới được thanh bình trở lại. Khi việc quốc gia
đại sự đã yên ổn Ngài mới lo chuyện tu hành, nhưng vẫn ở trên ngai vàng
vừa dạy vua con việc chăn dân giữ nước vừa tu, chớ chưa bỏ cuộc. Ở ngai
vàng tu một thời gian, sau đó thấy con lớn khôn có thể trao ngôi lại
được, Ngài mới trao ngôi và lên núi xuất gia tu hành. Như vậy Ngài ở
ngoài đời từ khi sanh ra tới năm ba mươi mốt tuổi, sau đó Ngài tập tu
mười năm tức tới bốn mươi mốt tuổi. Từ bốn mươi mốt tuổi đến năm mươi
mốt tuổi Ngài vừa tu vừa giáo hóa chúng sanh, tức tu năm năm ngộ đạo
rồi năm năm truyền bá, sau đó Ngài tịch.
Ngài có bài thơ “Sơn phòng mạn hứng”, diễn tả tâm niệm ưa thích ở núi của mình:
Thùy phược cánh tương cầu giải thoát,
Bất phàm hà tất mích thần tiên,
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền.
Dịch:
Ai trói lại mong cầu giải thoát?
Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên,
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão,
Như cũ Vân trang một tháp thiền.
Bài kệ này được viết khi Ngài ở núi, đã đi tu và thấy đạo rồi.
Ai trói lại mong cầu giải thoát? Chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên.
Thường
thường người ta nói tu Phật để được giải thoát sanh tử, từ phàm chuyển
thành Thánh. Chữ thần tiên đây là chỉ cho bậc Thánh. Tại sao Ngài nói
ai trói lại mong cầu giải thoát? Ý này xuất phát từ Tổ Đạo Tín thứ tư ở
Trung Hoa. Lúc gặp Tổ thứ ba là ngài Tăng Xán, Đạo Tín mới có mười bốn,
mười lăm tuổi mà đã phát tâm cầu đạo. Khi gặp Tổ Tăng Xán, Ngài hỏi:
- Bạch Hòa thượng, xin Ngài dạy con pháp tu giải thoát.
Tổ Tăng Xán nhìn thẳng vào mặt Ngài, hỏi:
- Ai trói buộc ngươi?
- Bạch Hòa thượng, không ai trói buộc.
- Không trói buộc, cầu giải thoát làm gì?
Ngay đó Ngài liền ngộ.
Chữ
giải là cởi mở, thoát là ra khỏi cái buộc ràng. Kẻ bị trói yêu cầu
người ta mở trói cho mình, mở được rồi gọi là giải thoát. Bây giờ mình
không bị ai trói hết, cầu giải thoát là giải cái gì? Đó là một vấn đề
lớn đối với người tu Phật.
Ở
đây nói thẳng về Thiền tông. Thiền tông không cho chúng ta nhìn theo
mặt đối đãi, thấy có phải quấy, đúng sai, thật giả đều là thấy hai, là
mê lầm, chưa giải thoát. Chừng nào không còn thấy hai mới giải thoát
được. Cho nên Tổ Tăng Xán có viết quyển Tín Tâm Minh, câu kết thúc là
“tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm”. Người tin tâm mình thì không hai,
không hai mới là tin tâm mình.
Bây
giờ chúng ta nhìn hai hay một? Mở miệng nói có hay không, phải hay
quấy, giả hay thật… luôn luôn là đối đãi. Từ cái nhìn đối đãi mà sanh
ra mọi sự ràng buộc, khổ đau. Nếu hết tâm đối đãi thì không còn ràng
buộc, khổ đau. Như Tổ Lâm Tế hồi còn là Thiền sinh ở chỗ Hoàng Bá rất
hiền lành, đức hạnh nghiêm chỉnh, nhưng suốt thời gian ở đây Ngài không
hỏi câu nào hết. Thấy vậy ngài Đạo Minh mới xúi:
- Sư huynh, lên hỏi Hòa thượng đi chứ.
- Tôi không biết hỏi gì bây giờ.
- Thì cứ lên hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp”.
Ngài vâng lời. Hôm đó đắp y lên đảnh lễ, hỏi:
- Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?
Vừa
hỏi xong liền bị một gậy, đuổi xuống. Chúng ta bây giờ đi học đạo, gặp
như vậy dám ở nữa không? Chắc xá lui về liền, nhưng Ngài cũng trở xuống
bình tĩnh như thường. Thời gian sau, thầy Thủ tọa thúc hỏi nữa. Ngài
cũng đắp y lên đảnh lễ hỏi:
- Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?
Lần
này cũng bị phát cho một gậy nữa rồi đuổi xuống. Trở xuống Ngài cũng
ráng chịu đựng, thời gian sau thầy Tri sự xúi hỏi nữa. Lần thứ ba, Ngài
quyết chí hỏi cho được:
- Bạch Hòa thượng, thế nào là đại ý Phật pháp?
Cũng
như hai lần trước, lần này bị một gậy nữa, Ngài đau đớn quá chịu hết
nổi, không biết mình hỏi như vậy có lỗi gì mà bị đánh, không được nghe
một lời. Thất vọng quá Ngài chuẩn bị cuốn gói đi. Thầy Đạo Minh biết
cũng không nói gì, âm thầm lên thưa với Tổ Hoàng Bá:
- Người hỏi đạo đức hạnh rất tốt, xin Hòa thượng tìm cách giải quyết cho y.
Ngài Hoàng Bá nhận lời. Khi Tổ Lâm Tế sửa soạn đồ đạc, ngài Đạo Minh nói:
- Trước khi đi huynh lên bạch với Hòa thượng rồi hãy đi.
Ngài vâng lời lên bạch:
- Bạch Hòa thượng, con không đủ duyên ở đây, xin đi nơi khác.
Ngài Hoàng Bá hỏi:
- Ông đi đâu?
- Con cũng không biết đi đâu.
Tổ Hoàng Bá bảo:
- Hãy qua núi Đại Ngu.
Ngài
xuống núi, vừa đi vừa khóc. Chúng ta nếu gặp trường hợp như Ngài có
khóc không? Chắc khóc sưng vù, tức tối không biết mình lỗi lầm gì mà bị
đánh. Khi qua tới ngài Đại Ngu, Đại Ngu hỏi:
- Ông từ đâu đến?
Ngài thưa:
- Con từ Hoàng Bá tới.
- Hoàng Bá dạy ông cái gì?
- Con ba lần hỏi “thế nào là đại ý Phật pháp”, ba lần bị ăn đòn, không biết có lỗi hay không lỗi?
Ngài Đại Ngu nói:
- Hoàng Bá thật là tâm lão bà, ông còn nói có lỗi không lỗi?
Ngay câu này Ngài đại ngộ, nói:
- Thì ra Phật pháp Hoàng Bá rất ít.
Ngài Đại Ngu liền chụp vai hỏi:
- Vừa rồi nói có lỗi không lỗi, bây giờ thấy gì mà ông nói Phật pháp Hoàng Bá rất ít?
Ngài thoi cho Đại Ngu một thoi vô hông, không nói gì hết. Ngài Đại Ngu xô ra bảo:
- Thầy của ngươi là Hoàng Bá, chẳng can hệ gì đến ta.
Trọng
tâm của Phật pháp là chỗ không hai. Vừa dấy niệm hỏi “đại ý Phật pháp”
là thành hai rồi nên bị ăn đòn. Tổ Hoàng Bá cho ăn đòn để Lâm Tế tỉnh
rằng cái đó không có lời, hỏi tức là có đối đãi. Ba lần như vậy nhưng
ngài Lâm Tế tưởng như Hoàng Bá không dạy gì hết. Đến Đại Ngu, được khai
thác cho thấy đó là chỗ tha thiết, chỗ dạy tột cùng mà Ngài còn nghĩ có
lỗi, không lỗi. Có lỗi không lỗi là hai bên, vừa nghĩ hai bên là đã sai
đại ý Phật pháp rồi. Nghe vậy Ngài tỉnh liền, mới biết đại ý Phật pháp.
Chỗ không lời làm sao nói, cho nên khi được ngài Đại Ngu hỏi lại, Lâm
Tế chỉ còn biết thoi cho một thoi.
Người
không hiểu, đọc sách thiền thấy sao vũ phu quá, ông thầy đánh bằng gậy,
học trò thoi bằng tay, không có đạo lý gì hết, nhưng đó là chỗ tối
thiết yếu. Từ đó về sau, hệ của ngài Lâm Tế truyền dài cả ngàn năm,
chính vì chỗ thấy tột cùng này. Ngài chịu đựng ba đòn, nhớ đời không
quên, còn chúng ta bây giờ nếu gặp khó một chút, đánh một tát tai cũng
bỏ đi rồi, nói chi đến đánh bằng gậy! Vì vậy nên tu không bao giờ thấy
đạo.
Lục
tổ Huệ Năng sau khi được Ngũ Tổ truyền y bát, Ngài liền ra đi. Lúc hay
được năm trăm người rầm rộ lên, nói tại sao bao nhiêu người tu lâu, kể
cả vị Giáo thọ đã dạy chư Tăng mà không được truyền y bát, còn ông cư
sĩ mới vô tám tháng, chưa cạo tóc mà được truyền y bát? Tức quá họ liền
đuổi theo để giành y bát lại. Vì hồi xưa từ Tổ Huệ Khả trở xuống, lấy
việc truyền y bát làm chánh yếu, ai được truyền là được tâm ấn, mới
đáng tin. Bây giờ cả năm trăm chúng xuất gia không ai được y bát, còn
ông cư sĩ mới tới mà được y bát, làm sao không tức? Trong đoàn người
đuổi theo có Thượng tọa Minh cỡi ngựa giỏi nên đuổi kịp. Thấy vậy, Lục
Tổ bèn để y bát ở ngoài tảng đá, Ngài vô lùm trốn. Huệ Minh tới nơi
thấy y bát mừng quá, tới ôm lên mà ôm không nổi. Hoảng hốt, ông biết
đây không phải là vật thường, kẻ phàm tục không thể giành giật được,
nên đổi tâm giật y bát thành tâm cầu đạo. Ông mới kêu:
- Hành giả, hành giả! Tôi đến đây vì pháp chớ không phải vì y bát.
Lục Tổ nghe thế liền chui ra nói:
- Nếu ông vì pháp thì nên đứng im lặng giây lâu, ta sẽ nói cho.
Huệ Minh đứng im lặng một hồi, Tổ bảo:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Ngay câu đó Huệ Minh liền ngộ.
Tôi
nhắc lại câu chuyện này để quí vị thấy trọng tâm của đạo giải thoát là
không hai. Câu “ai trói mà cầu giải thoát”, tức thấy có buộc, có giải
là có hai nên trật mất. Nếu không ai trói buộc thì cầu giải thoát làm
gì? Cho nên Tổ Trúc Lâm nói “chẳng phàm nào phải kiếm thần tiên”. Mình
đâu phải là phàm, nhưng ai cũng mặc cảm mình là kẻ phàm phu, ngu si nên
cầu thần, cầu Thánh, cầu Phật… đủ thứ hết. Bởi không biết mình nên cầu
xin bên ngoài.
Người
tu Phật mục đích làm sao tìm được con người thật của chính mình mà lâu
nay ta bỏ quên. Nhà Phật gọi là mê, mê tức quên. Giác là nhớ, nhớ tức
tỉnh. Chúng ta có vật thật mà quên, cứ cầu xin bên ngoài hoài, suốt
kiếp không bao giờ được. Bây giờ phải quay lại, phăng tìm cái thật của
chính mình, chừng đó nó mới hiện ra. Phật nói tất cả chúng sanh đều có
tánh Phật, nên đều có khả năng thành Phật. Có khả năng thành Phật mà
không chịu, cứ đi xin Phật. Như vậy là bỏ nhà mà đi cầu bên ngoài.
Chúng ta ngỡ mình yếu kém nên cứ cầu xin bề trên cho mình được cái này
được cái kia. Vì tâm điên đảo lăng xăng lộn xộn đó che khuất nên không
thấy được ông Phật thật của mình. Bây giờ dừng lặng tâm ấy thì Phật
hiện ra. Không chịu dừng lặng mà cứ chạy xin chỗ này chỗ kia, chừng nào
Phật mới hiện ra? Chắc Phật trốn luôn, tại mấy người này không ngó
ngàng tới mình mà.
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người đã lão. Như cũ Vân trang một tháp thiền.
Con
vượn, con khỉ có mặt rồi cũng phải già, con ngựa kéo xe rồi cũng mỏi
mệt, con người trẻ rồi cũng già. Tất cả người vật đều bị vô thường chi
phối, chỉ như xưa ở tại Vân trang còn nguyên một tháp thiền. Đây muốn
nói chỉ nơi ngồi thiền tại trang sở mà Ngài đặt tên là Vân trang là còn
nguyên, để ngầm nói rằng chỉ ai biết quay lại, nhận ra cái thật của
mình không thay đổi, còn tất cả sự vật và con người có hình tướng đều
vô thường bại hoại. Cái không bại hoại chính là ngồi yên sống trở lại
với cái thật của mình. Người xưa nói hết cho chúng ta biết để tu, đâu
có giấu giếm gì, nhưng vì mình có bệnh tin ở ngoài hơn tin mình nên tu
hoài không xong.
Đó là đoạn thứ nhất của bài Sơn Phòng Mạn Hứng. Đoạn thứ hai, Ngài viết:
Thị phi niệm trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn,
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch,
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn.
Dịch:
Phải quấy niệm rơi hoa buổi sớm,
Lợi danh tâm lạnh với mưa đêm,
Mưa tạnh, hoa trơ, non vắng lặng,
Chim kêu một tiếng lại xuân tàn.
Phải
quấy niệm rơi hoa buổi sớm, nghĩa là sáng thấy hoa rụng thì phải quấy
trong lòng cũng rụng theo. Chúng ta trái lại, nuôi dưỡng phải quấy tươi
hoài không rụng nổi.
Lợi
danh tâm lạnh với mưa đêm, đêm khuya mưa lạnh thì tâm danh lợi của Ngài
cũng lạnh theo. Bây giờ tâm danh lợi của chúng ta lạnh hay nóng? Nóng.
Sôi bỏng nữa là khác. Được cái này đòi cái kia, cấp thấp muốn lên cấp
cao, cứ thế đuổi theo danh lợi, không lạnh được.
Mưa
tạnh, hoa trơ, non vắng lặng. Mưa tạnh tức chỉ cho tâm lợi danh đã lạnh
hết rồi. Hoa trơ tức tâm phải quấy cũng không còn. Mưa tạnh, hoa trơ,
non vắng lặng, khi hai thứ đó đã không còn thì như mưa tạnh núi vẫn còn
nguyên. Mưa không làm mất núi cũng như hoa rụng chớ núi đâu có rơi. Như
vậy để thấy khi tâm chúng ta theo niệm phải quấy thì mờ đi, không thấy
cái thật của mình. Cũng như mưa làm khuất núi, chớ núi không bao giờ
mất.
Chim
kêu một tiếng lại xuân tàn, trước nói hoa nói mưa, đến đây Ngài nói
tiếng chim kêu là loài động vật, những thứ thuộc bên ngoài cho tới thời
gian như xuân, hạ, thu, đông v.v… tất cả đều bị lôi dẫn theo chiều sanh
diệt, chỉ có hòn núi đứng trơ trơ, không thay đổi. Mọi thứ từ ngoại
cảnh chung quanh đến người, vật đều là một dòng vô thường sanh diệt,
còn cái chân thật của mình không từng đổi thay. Ngài nhắc như thế để
chúng ta tỉnh thức biết nơi mình có cái quí báu mà qua bao đời đã bỏ
quên không nhớ.
Khi
làm Thái thượng hoàng chưa đi tu, Ngài có viết bài Phú Cư Trần Lạc Đạo
bằng văn Nôm, để nói tâm trạng Ngài sống trong cảnh trần tục mà vui với
đạo. Đây là chỗ thiết yếu, tất cả quí Phật tử ráng học theo để ứng dụng
tu. Tôi trích một đoạn:
Mình ngồi thành thị,
Nết dùng sơn lâm,
Muôn nghiệp lặng an nhàn thể tánh,
Nửa ngày rồi tự tại thân tâm.
Mình
ngồi thành thị, đang làm Thái thượng hoàng, ở địa vị như vậy mà Ngài
thấy giống như ở núi, không nhiễm không đắm theo lợi danh, nên nói nết
dùng sơn lâm. Chúng ta bây giờ có người ở sơn lâm mà cũng bắt chước
thành thị, phải không? Đó là đi ngược lại với Ngài.
Muôn
nghiệp lặng an nhàn thể tánh. Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Muôn nghiệp
lặng tức là tất cả các nghiệp dừng lặng hết, Thể tánh rất an nhàn tự
tại. Nửa ngày rồi, là Thái thượng hoàng làm việc một buổi, còn một buổi
rảnh. Chữ “rồi” là rảnh. Nửa ngày nghỉ việc trong triều Ngài thấy thân
tâm tự tại, rất thảnh thơi an nhàn. Bây giờ quí vị được nghỉ ngày thứ
bảy, chủ nhật rảnh mà có tự tại không? Cũng bận rộn chạy chỗ này chỗ
kia, không dừng một chỗ để được tự tại gì hết.
Tham ái nguồn dừng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quí
Thị phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm.
Tham ái nguồn dừng, tức là nguồn tham ái đã dừng rồi, thì chẳng còn nhớ
châu yêu ngọc quí, không còn yêu châu nhớ ngọc gì nữa hết. Châu ngọc ở
đây để chỉ cái đẹp của con người hay của ngọc báu. Do nghiệp đã lặng
nên Ngài rất tự tại trước tâm danh lợi và tham ái nên không còn mến
thương cái gì nữa.
Thị
phi tiếng lặng, được dầu nghe yến thốt oanh ngâm, ở trong triều oanh
yến nhiều lắm. Bà này bà kia ganh tị với nhau, tâu vô tâu ra, nói xấu
nói tốt nhau… nhưng tiếng thị phi đối với Ngài không còn vướng mắc nữa,
nó lặng hết rồi. Làm vua trong triều mà Ngài còn như vậy. Chúng ta ở
thế gian bao nhiêu lỗi lầm, phải quấy đều là việc thị phi. Người này
nói phải, người kia nói quấy, nghe qua nghe lại rồi giận hờn, buồn
trách nhau cho nên khổ đau dài dài.
Tôi trích tiếp một đoạn trong hội thứ hai:
Biết vậy!
Miễn được lòng rồi,
Chẳng còn pháp khác.
Gìn tánh sáng, tánh mới hầu an,
Nén niềm vọng, niềm dừng chẳng thác.
Biết
vậy, là người biết được như vậy. Miễn được lòng rồi là lòng đã rỗng,
không còn bận rộn nữa. Chẳng còn pháp khác, tu cốt để tâm yên lặng,
rảnh rỗi chớ không còn pháp nào khác nữa. Đó là gốc của sự tu.
Gìn
tánh sáng, tánh mới hầu an. Đối với Tánh giác của mình, chúng ta phải
nhớ đừng quên, vì đó là gốc để mình được bình an, thanh tịnh.
Nén
niềm vọng, niềm dừng chẳng khác. Những niệm nghĩ tưởng lôi thôi dấy
lên, chúng ta buông xả hết. Nén đè thì không đúng, buông xả mới khỏe.
Tu là bỏ vọng, là buông hết những loạn tưởng. Đó là gốc của sự tu.
Dứt
trừ nhân ngã thì ra tướng thực kim cương, Dừng hết tham sân mới lảu
lòng mầu viên giác. Người tu nếu mà còn chấp nhân chấp ngã thì không
bao giờ được trí tuệ kim cang. Muốn được trí tuệ kim cang phải xóa hết
nhân ngã. Nhân ngã chúng ta còn to quá nên tu hoài không sáng, rồi than
tu khó. Bao giờ hết tham sân mới tỏ rõ được lòng mầu nhiệm viên giác.
Muốn được giác ngộ tròn đầy phải dừng hết tham sân si. Chúng ta tu năm
mười năm rồi, tham sân si giảm chừng bao nhiêu? Một nửa không? Được một
nửa là tốt. Người tu cốt làm sao hết tham sân si, chừng đó lòng mới
thanh thản, nhẹ nhàng. Giác ngộ tròn đầy gọi là viên giác. Còn tham sân
si thì không bao giờ giác ngộ tròn đầy. Đó là điều thực tế.
Tịnh
độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương. Di-đà là tánh
sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc. Di-đà là tánh sáng soi. Tịnh độ
là cõi trong sạch, yên lặng. Tịnh độ ở đâu? Ở nơi lòng trong sạch của
mình. Nhà Phật có câu “tâm tịnh là độ tịnh”. Người tu đòi về Cực Lạc mà
không lo tịnh tâm thì làm sao về được. Bởi vì ở Cực Lạc không có tham
sân si, nếu người còn ôm tham sân si về đó, chắc đức Phật Di-đà rước về
ít bữa, khi nào tham sân si nổi lên Ngài phải đưa trở lại, chớ ở bển ai
chịu nổi. Đó là chuyện vô lý. Nên phải hết tham sân si mới hi vọng về
Cực Lạc, còn giữ tham sân si mà đòi về Cực Lạc là chuyện không bao giờ
có. Nên ở đây Tổ nói Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến
Tây phương. Tâm trong sạch thì đến Cực Lạc, đến Tịnh độ nên nói tâm
tịnh thì độ tịnh, còn tâm ô uế nhớp nhúa này thì độ cũng ô uế nhớp nhúa
theo.
Ở
cõi Ta-bà người ta gọi là uế độ, tại tham sân si làm ô uế. Bởi tham sân
si nên nổi lên đủ thứ chuyện, ngồi trong nhà mà lo sợ hoài, làm khổ cho
nhau đủ cách. Nếu hết tham sân si thì ở đây thành Cực Lạc mất rồi, có
ai giành giựt với ai, có ai lấn hiếp ai, như vậy ở đây cũng là Cực Lạc,
đâu cần phải đòi về Cực Lạc. Cái gốc không bỏ mà muốn được cái ngọn,
làm sao có. Đó là chuyện ngớ ngẩn không có lẽ thật.
Di-đà
là tánh sáng soi, mựa phải nhọc tìm về Cực Lạc. Ngay nơi đây nếu chúng
ta thấy được tánh sáng, Tánh giác tức là Phật rồi. A-di-đà dịch là Vô
lượng thọ, Vô lượng quang. Vô lượng thọ là sống lâu không chết, Vô
lượng quang là sáng mãi không tối. Tâm mình khi được chỗ chân thật rồi
thì không sanh tử nữa nên đâu có chết. Chúng ta sống được với Tánh giác
hằng sáng thì đâu có tối. Như vậy Phật A-di-đà ở trong tâm mình, hình
ảnh Cực Lạc được mượn để cho những người tin bên ngoài, cố gắng niệm
Phật đến chỗ nhất tâm thì sẽ nhận ra Tánh giác chân thật của chính
mình. Đó là gặp Phật Di-đà, được về Cực Lạc.
Vua
Trần Nhân Tông khi còn ở ngôi Thái thượng hoàng, Ngài đã thấy rõ đạo
lý, biết rõ tinh thần tu hành như vậy nhưng Ngài chưa tự mãn. Sau đó
thấy con lớn, Ngài liền truyền ngôi cho con rồi dứt khoát lên núi tu.
Đó là điểm đặc biệt. Ngài làm bài phú này bằng chữ Nôm nhưng đúc kết
bằng bốn câu kệ chữ Hán:
Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc san hề khốn tắc miên,
Gia trung hữu bảo hưu tầm mích,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.
Dịch:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên,
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền,
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm,
Đối cảnh không tâm chớ hỏi thiền.
Ở cõi trần mà vui với đạo là nhờ biết tùy duyên. Tùy duyên làm sao? Cơ
tắc san hề khốn tắc miên, đói đến thì ăn, mệt ngủ khò, khỏe biết mấy
phải không? Chúng ta nghe nói tùy duyên là đói ăn, mệt ngủ thì thấy dễ,
trẻ con làm cũng được, nhưng không phải vậy. Thật ra người đời sống
không biết tùy duyên. Ví dụ như đến bữa ăn, phải có ớt có tiêu, có
rượu, nếu thiếu những thứ đó thì không chịu ăn hay ăn mà không vui. Như
vậy có tùy duyên không? Không. Tùy duyên là có gì ăn nấy không đòi hỏi,
không lựa chọn khen chê. Quí vị mệt có chịu ngủ không? Nằm xuống nhớ
chuyện hôm qua hôm kia, ai rầy ai nói nặng, nói nhẹ mình, đủ thứ nhớ
nên không ngủ được.
Hai
hình ảnh đói ăn mệt ngủ, để nói lên mọi sanh hoạt trong cuộc sống chúng
ta dù tốt, dù xấu đều tùy duyên, không oán hờn, không buồn giận khi gặp
xấu, không vui mừng khi được tốt. Tùy duyên, đến thì nhận mất thì thôi,
không buồn giận ai. Giả sử bữa đó quí vị trúng số cũng không quá mừng
tới mất ngủ. Tùy duyên, trúng thì cứ trúng, chớ đừng lăn qua trở lại,
ngủ không được, đó là chúng ta không biết tùy duyên. Hai chữ tùy duyên
nghe dễ làm sao nhưng chúng ta khó thực hiện được. Bởi vậy nên mới nói
phải khéo tu.
Gia
trung hữu bảo hưu tầm mích. Trong nhà mình có báu sẵn, đừng tìm kiếm ở
đâu hết. Nơi chúng ta có hòn ngọc quí mà mình quên, bây giờ cứ ngay đó
dừng lại, ta tìm sẽ gặp nó chớ không có gì khác. Trong kinh Pháp Hoa,
Phật dụ như anh chàng say rượu nọ đi ăn mày, khi gặp người bạn giàu đãi
rượu chè rồi, anh say nằm mê man. Người bạn thương mới lấy hòn ngọc quí
nhét trong túi áo, vì có việc đi gấp không chờ anh tỉnh dậy. Người bạn
giàu đi đôi ba năm trở lại, gặp anh bạn say vẫn y nguyên là ăn mày.
Người bạn tức quá hỏi: “Hôm đó tôi đã nhét hòn ngọc trong túi anh, sao
bây giờ anh vẫn nghèo?” Nghe vậy anh giật mình sờ tay vô túi, lấy hòn
ngọc ra. Từ đó anh trở nên giàu có.
Chúng
ta ai cũng có hòn ngọc quí mà bỏ quên, tại vì say mê. Say mê cảnh trần
tục quá nên quên hòn ngọc của mình. Phật Tổ nhiều lần nhắc đi nhắc lại
mà chúng ta cũng không chịu nhớ. Bởi vậy nên đừng nghĩ mình nghèo,
chúng ta rất giàu nhưng chưa đem hòn ngọc ra xài. Nếu lấy ra xài thì
chúng ta cũng như ai, đâu có thua kém chi. Trên đường tu mình đừng mặc
cảm người đó tu được, tôi tu không được. Có lắm Phật tử hỏi quí thầy:
“Thưa Thầy, coi tuổi con tu được không?” Ai cấm không cho mình tu mà đi
hỏi tu được không, chuyện vô lý! Chúng ta tu là biết tìm cái quí của
mình, ta có đủ thẩm quyền. Phật cho chúng sanh đủ thẩm quyền quyết định
mê hay giác. Muốn mê thì mê, muốn giác thì chuyển mê thành giác, chớ
Phật đâu có bắt chúng ta thế này thế kia. Rõ ràng đức Phật rộng rãi với
chúng sanh vô kể. Ngài cứ chỉ ra, ai biết dùng thì lấy dùng, không chịu
dùng thì thôi, Phật cũng không ép. Người nào chuyển mê thành giác, đó
là tu. Ngược lại, cứ giữ mãi cái mê là không tu, là trầm luân không
dứt. Chúng sanh thường sợ mê mà không dám giác. Sợ mê thì phải thích
giác chứ. Mê với giác là quyền của chúng ta, sẵn nơi mỗi chúng ta,
không ở đâu xa hết.
Phật
tử đi chùa học đạo, hiểu đạo, thực hành đạo đúng như Phật pháp thì cuộc
sống rất đẹp, rất cao siêu. Ngược lại, nếu Phật tử cứ đi con đường mê
hoài thì dù Phật tử đông cũng không có lợi cho đạo. Mong tất cả quí vị
nghe hai ông vua này rồi, tự hổ thẹn mình là dân thường, không bận rộn
như nhà vua, mà cứ nói tu không được, thật xấu hổ! Ông vua ngồi trên
ngai vàng mà chừng buông thì buông cái một. Như vậy mới thấy sự yếu
đuối, hèn nhát của chúng ta.
Từ
đây mong rằng tất cả Tăng Ni, Phật tử phải can đảm, cương quyết một lần
thực hiện việc gì phải làm đến nơi đến chốn. Tu phải tu cho đến giác
ngộ mới thôi. Là Phật tử phải xứng đáng với danh hiệu Phật tử, bỏ tham,
bỏ sân, bỏ si để trở thành một người con Phật toàn thiện, viên mãn,
không lôi thôi nữa. Con Phật là con đấng giác ngộ, chớ đâu phải con
người thường, hiểu vậy tất cả quí vị sẽ thấy đời tu mình vinh hạnh, cao
siêu. Nếu không hiểu vậy thì thấy đời tu mình cũng tầm thường như ai,
không hơn không kém. Từ đó không cố gắng vươn lên, lầm chấp thân phận
kẻ cùng tử mà quên mất nguồn gốc Trưởng giả của mình.