Chùa Bửu Minh

Cây nhang được xem như một sợi dây thiêng liêng nối liền giữa cuộc sống con người và ông bà tổ tiên, thần thánh, đất trời, qua những làn khói hương cuộn tròn của nó, phảng phất, rồi tan dần trong không gian.


Từ khi người con người tìm ra lửa và biết cách sử dụng nó trong cuộc sống, thì cây nhang cũng là một trong những phát minh từ cách biết dùng lửa mà ra.

Lửa là yếu tố quan trọng gắn liền với con người từ lúc chào đời cho đến ngày chết. Lửa là sức mạnh, sáng tạo giúp cho con người có khả năng sinh tồn, và cũng là hủy diệt lớn nhất trên đời không ai có thể ngăn chặn nổi.

Lửa theo định nghĩa thông thường là sự cháy của phản ứng hóa học, mang đặc tính tỏa nhiệt và phát ra ánh sáng. Muốn có lửa nếu thì phải cần 3 yếu tố sau: Hai hợp chất hóa học đó là nhiên liệu và các chất ôxy hóa, cộng thêm một nguồn năng lượng kích hoạt. Công thức dễ nhớ: Nhiên liệu + Oxy + Năng nhiệt = Lửa.

Lửa do người Homo erectus tìm cách đây khoảng 450.000 năm về trước và cũng là một bước ngoặt trong thời tiền sử, để phân biệt con người với các loài động vật khác.

Khói là một đám mây của các hạt rắn ở trạng thái khí phát ra khi các vật liệu bị đốt. Khi vật càng khô thì độ cháy càng nhanh, sanh ra ít khói và khi độ ẩm của vật càng cao thì sức cháy càng chậm, tạo ra khói nhiều. Những chất rắn của khói ở dạng bột nên màu sắc của khói có các loại khác nhau.

Hương là những tinh dầu có mùi thơm, dễ bay hơi, có nguồn gốc từ lá, vỏ cây, rễ, hạt nhựa và hoa. Trong tiếng pháp cổ chữ "per fumar" và chữ đồng nghĩa với bây giờ của nó là "par fumer", có gốc từ chữ "fumum"của tiếng Latin. Nghĩa đen của chữ "fumum", là gây mùi bằng khói.

Từ cách biết đốt cây lấy khói để làm sạch, khử trùng không gian và đã được đồng nghĩa với chữ "thanh lọc", cho mục đích tôn giáo và vệ sinh của những người dân miền trung đồng thời cổ, mà người Pháp đã biết khai thác khái niệm này trong việc sáng tạo ra chữ "parfum", nước hoa của họ.

Việc dùng khói xông hương khử trùng chắc chắn không phải là phương pháp duy nhất của một quốc gia nào trên thế giới. Nếu ai muốn tìm hiểu về chủ nhân của cây nhang hay nghi thức dùng nhang, thì nên đi sâu vào nền văn hóa của từng nước, sau đó rồi so sánh chi tiết theo chi tiết.

Trong tiếng Latin "Incensus", có nghĩa là gây ra cảm xúc, trở thành thức tỉnh. Chữ "Incensus" thuộc dạng trung tính, xuất nguồn từ chữ "Incendĕre" và "incendĕre" là nguyên mẫu của động từ "Incendo". Incendo có những nghĩa được biết như sau: Đốt, làm cháy, làm thành tro… "Incensus", tiếng Việt dịch là Hương. Khi chưa đốt gọi là Nhang, khi đốt lên thì gọi là Hương.

Chữ Hương viết theo chữ Hán: 香. Hương (香) là bộ mang số 186 trong 214 bộ thủ của Từ điễn Hán Việt. Bộ Hương (香) nghĩa là thơm, bên trên viết bộ Hòa (禾cây lúa), bên dưới viết bộ Cam (甘ngọt ngào). Hương (香) có những nghĩa như sau: Hơi thơm. Phàm thứ cây cỏ nào có chất thơm đều gọi là hương. Lời khen lao.

Những vật liệu dùng làm nhang để đốt được gọi là hương liệu. Hương liệu là những tinh chất được lấy ra từ các chất của thực vật có mùi thơm, dùng để tỏa ra khói có mùi thơm khi cháy. Nhang có nhiều dạng, nhiều mùi khác nhau tùy theo những nhà sản xuất.

Nhang được sử dụng trong ngày rằm, ngày lễ, tết. Khói hương của cây nhang có thể giúp: Thanh lọc không khí, làm giảm lo âu, căng thẳng, sợ hãi...

Cây nhang ngày Tết trên bàn thờ tổ tiên là điều không thể thiếu được trong tâm hồn của người con Xứ Việt. Tuy nguồn gốc thắp nhang chưa có tài liệu nào ghi chép rõ ràng nhưng sự hiện diện của cây nhang đã trở thành một vai trò quan trọng trong các nghi lễ tôn giáo.

Nén hương thơm dâng đất trời, mỗi khi Tết đến, Xuân về là sự cầu chúc hạnh phúc bình an trong năm mới cho gia đình và cũng là dịp tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ, những người thân yêu đã mất.Thắp nhang hay dâng hương là một tập tục đã có từ lâu trong nếp sống sinh hoạt tâm linh và văn hóa của người Việt.

Để cho bầu không khí của những ngày xuân thêm ấm áp và mọi người cảm thấy ấm lòng hơn, thì còn phải chờ gì nữa mà không đốt…

Kính bút

TS Huệ Dân

http://chuaphuclam.com/index.php?/phat-giao-va-doi-song/nen-nhang-ngay-xuan.html


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage