|
Cụ Phạm Thị Tẹo bên chân cột đá Lãm Sơn Tự. |
Tĩnh tại nơi địa linh
Sử sách ghi lại rằng chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào
năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm còn gọi là núi Dạm, mất 9 năm mới xong.
Ngày nay, núi Dạm thuộc về xã Nam Sơn, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đây là ngôi chùa từng có 99 gian vô cùng bề thế được xây tứ cấp dựa
hẳn vào sườn núi, tổng diện tích ngôi chùa 8.400m2. Bốn lớp nền được bó
ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50x60cm) được đặt choãi chân,
chếch khoảng 70 độ và cao 5-6m, đường xuống mỗi cấp của chùa gồm 25 bậc
đá.
Men men những lối mòn ven theo triền đá núi đá kỳ vĩ, phải đến hàng
trăm bậc từ những phiến đá rêu phủ chúng tôi tìm lên chùa để chiêm
ngưỡng công trình tuyệt kỹ của cha ông. Được chiêm bái cây cột đá trứ
danh bao năm nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, tôi cảm nhận được sự bí ẩn
và linh thiêng của nó. Cột đá Lãm Sơn Tự đứng vững chãi phía ngoài
khuôn viên nhà chùa, một mặt tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về
phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng đến hàng nghìn mét.
Nhìn tổng thể cột đá gồm phần trên khu đất tròn dựng một cột đá lớn,
không kể phần chôn sâu chìm, cột đá cao khoảng 5m. Cấu trúc cột gồm 2
thớt khối, tượng hình vuông tròn trời đất. Khối gốc như hộp vuông tiết
diện, cạnh 1, 4 m và 1, 6 m. Khối ngọn trụ trì, đường kính khoảng 1, 3
m. Độc đáo ở chỗ dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng thời Lỏ, đầu
vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc
vào nhau. Đúng dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như
cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt có hình chữ S,
chân chim năm móng. Điều đáng khâm phục cái tài khắc tạc ở chỗ đôi rồng
uốn lượn nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc được chạm trổ
một cách tinh xảo. Vì thế mà từ bao đời nay, Lãm Sơn Tự mang trong mình
chất hoành tráng, nhìn xa đã bị thu hút, nhìn gần càng đẹp.
Huyền bí một biểu tượng
Xét về niên đại, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng cột đá chùa
Dạm được tạc từ thế kỷ XI. Sự bí ẩn, kỳ lạ của cột đá này trước hết ở
chỗ có rất nhiều giả thuyết cho rằng đây là một cột cờ. ở phần trên của
cột đá, có những hốc được đục vuông vắn, có giả thuyết cho đó là những
mố để dựng một ngôi chùa một cột xưa kia (?!)Giả thuyết được nhiều nhà
khảo cổ họcG, nghiên cứu văn hóa lịch sử uy tín đồng tình, thì cột đá
chùa Dạm là chiếc Linga (biểu tượng của dương vật). Đó cũng là một biểu
tượng trong tín ngưỡng phồn thực dân gian có nguồn gốc từ văn hóa Chăm
Pa.
Tìm lại tài liệu nghiên cứu về cột đá này mà các nhà khảo cổ - lịch
sử từng tới đây nghiên cứu và để lại. Trong quá khứ đã từng có cuộc
tranh luận giữa ông Nguyễn Hùng Vĩ và PGS Chu Quang Trứ. Bài viết “Quan
sát cột đá chùa một cột ở núi Dạm” của Nguyễn Hùng Vĩ, đăng trên tạp chí
Văn Hóa Nghệ Thuật số 10/ 1999, đã đưa ra những lập luận để chứng minh
cột đá chùa Dạm có chức năng làm cột đỡ cho một ngôi chùa một cột. Liền
sau đó, trong tạp chí VHNT số 11/1999, PGS Chu Quang Trứ đã có bài phản
bác lại quan điểm trên. Để hiểu đầy đủ hơn về cột đá chùa Dạm, nghiêng
về ủng hộ luận thuyết Linga của các nhà khoa học chuyên môn vì thế mà
lâu nay nó vẫn được mặc nhiên công nhận.
|
Cột đá cổ Lãm Sơn Tự |
Một
giả thuyết khác, phần đỉnh cột đá cũng có thể là tòa sen, chứ không
nghiêng về giả thiết ngôi chùa trên đỉnh cột. Bởi hình tượng rồng đội
tòa sen là mô típ rất phổ biến ở trong các ngôi chùa Việt. Những di vật
thời Lý, như ở pho tượng A Di Đà của chùa Phật Tích, ở đế bệ hình bát
giác có trang trí những hình rồng, những hình rồng này đều nằm ở phía
dưới tòa sen, là nơi Phật ngồi. ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ
cột đá chạm búp sen rồng cuốn, cũng có niên đại thời Lý. Vì vậy hình
rồng được chạm khắc ở dưới tòa sen, bàn thờ Phật vốn khá phổ biến vào
thời nhà Lý.
Trên cột còn có rãnh dầm xuyên tâm từ mặt Nam sang mặt Bắc, đó là cái
gì, nếu không phải là mộng kỹ thuật. Theo PGS Chu Quang Trứ, những lỗ
này dùng để cắm khánh, cành phan. Mà người dân Đại Việt xưa chẳng đời
nào lại cắm cành phan và khánh trên chiếc Linga như vậy, chính những
chiếc lỗ này đã củng cố thêm giả thuyết cột đá hoa sen.
Tất cả sẽ không bị đưa vào màn bí ẩn nếu cột đá còn nguyên bản. Nhưng
theo truyền khẩu của nhân dân địa phương thì cây cột đã bị sét đánh gãy
từ thuở xưa, vào khoảng thế kỷ XVI, chắc phần trên cùng còn khá nặng
thì mới bị sét đánh gãy như vậy.
ông Phạm Mạnh Tập, Trưởng ban quản lý ngôi chùa Dạm đưa cho tôi xem
rất nhiều giấy tờ, tài liệu của các giả thuyết tìm tên cho cột đá mà ông
sưu tầm được. Rồi ông lắc đầu: "Mấu chốt ở chỗ phần bị đánh gãy của cột
đá này bị thất lạc đi đâu, không ai biết để đến giờ mọi thứ vẫn chỉ là
giả thuyết”.
Người dân bản địa cũng có cách giải thích riêng cho mình. Trưa. Chúng
tôi ở lại chùa. Bên mâm cơm chay đạm bạc, cụ Phạm Thị Tẹo, một trong
những người tình nguyện lên núi trông coi chùa kể: “Dân gian truyền lại
rằng cột đá kia là tấm bia để tưởng nhớ đến tinh thần giữ nước của một
người dân Việt”.
Chất liệu khác thường
Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, dân làng Nam
Sơn, Quế Võ Bắc Ninh đã phải đốt chùa không cho giặc chiếm. Cụ Tẹo nhớ
lại: “Ngôi chùa cháy mấy ngày mấy đêm mới hết. Trong đêm rực cháy thì
một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mù mịt, dân làng kinh hãi bảo
nhau sau này nhất định phải dựng trả lại chùa đúng với nguyên bản. Nếu
như xưa kia chùa có 99 gian thì hiện tại ngôi chùa chỉ là phế tích, duy
chỉ có cột đá vẫn nằm đó”. Cụ Tẹo bật mí: “Cột đá thiêng không phải là
thứ đá lấy từ chất liệu đá của ở núi Lãm này. Vùng này không có thứ đá
đặc biệt đó. Không chỉ có cột đá mà ngay cả nền móng của 99 gian chùa
cũng được kê bằng đá không phải ở đây”. ở trên một ngọn núi cao, hiểm
trở, người đi bộ còn vất vả thế thì việc làm sao các bậc tiền nhân đưa
đá được lên núi cũng là điều bí ẩn đến kỳ diệu.
Ông Phạm Mạnh Tập cho biết loại đá để tạc Lãm Sơn Tự người ta chỉ tìm
thấy ở Đông Triều, Thiên Thai, Phả Lại. Ngày xưa, đi lại khó khăn, giao
thông chưa phát triển, từ Đông Triều về đến Nam Sơn xa xôi phải đến
hàng trăm km. ông Tập nói: “Rất có thể đá được đưa bằng đường sông Hồng
về. Để đưa đá về được đến Nam Sơn, người ta đã phải đào cái ngòi Con
Tên, dẫn vào đến tận chân núi. Những một khối đá to đến như thế, đưa lên
núi bằng cách nào thì không ai biết cả”.
Khoe với tôi rằng Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam vừa mới xác lập kỷ
lục chùa Dạm có cột đá chạm rồng lớn nhất Việt Nam nhưng ông Phạm Mạnh
Tập không khỏi băn khoăn: "Người dân sở tại luôn ước nguyện một ngày nào
đó phục dựng lại nguyên vẹn kiến trúc cho chùa Dạm, nhưng khát vọng này
xem ra còn rất xa vời”. Cột đá chùa Dạm từng được nhiều nhà nghiên cứu
xưng tụng, coi là báu vật hàng đầu của quốc gia vẫn ngày ngày nằm đó
trong quên lãng thờ ơ của con người đương đại.
Thanh Quang (Đời sống & Pháp luật)