Kinh đô Phật giáo Tây Bắc
Ông Trần Xuân Ca, giám đốc Bảo tàng tỉnh Yên Bái cho biết: Chúng tôi
có thể khẳng định rằng đây là Kinh đô Phật giáo lớn nhất Tây Bắc thời
nhà Trần. Tại những hố khai quật ở khu vực xã Tân Lĩnh đã phát hiện
những hiện vật như lá đề cân, lá đề lệch, đầu rồng ngậm ngọc, chim ưng,
thú đầu đạo...
Nhiều hiện vật quan trọng mang dấu ấn Phật giáo cuối thời Lý đầu thời Trần đã được phát hiện.
Những hiện vật này thấm đẫm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời nhà
Trần. Đặc biệt, tại các hố khai quật dưới chân núi Vua Đen còn phát hiện
được hai cột tháp cao 9 tầng, được làm bằng đất nung. Cách hai cột tháp
này các nhà khảo cổ còn phát hiện được những bệ cột đá có chạm trổ hình
hoa sen. Điều này cho thấy đã có một ngôi chùa lớn tồn tại dưới chân
núi Vua Đen cách đây hàng trăm năm.
Trước đây, tỉnh Yên Bái cùng với các chuyên gia khảo cổ học như Trần
Quốc Vượng, Hà Văn Tấn cũng đã tiến hành khai quật khu vực Tân Lĩnh và
phát hiện thêm rất nhiều hiện vật chứa đựng thông tin khẳng định đây là
Trung tâm Phật giáo rất lớn thời nhà Trần. Chẳng hạn như bệ đất nung
hình hoa sen, các mảnh ngói mũi nhọn...
Từ vị trí những hiện vật phát hiện được nếu đem lập bản đồ sẽ cho
thấy rằng: Kinh đô Phật giáo Tây Bắc vẫn còn một di tích duy nhất cùng
thời với những ngôi chùa khai quật được là khu đền Hắc Y, Đại Cại. Nếu
đem so sánh chất liệu cùng những hoa văn trang trí trên một số hiện vật
được phát hiện với di tích Hắc Y, Đại Cại thì thấy có một số điểm tương
đồng, như các hình vẽ trên mái ngói, hình rồng ngậm ngọc...
Những hiện vật này thấm đẫm phong cách kiến trúc, mỹ thuật thời nhà Trần.
Sau lần khai quật đầu năm 2004, đến tháng 10/2004, UBND tỉnh Yên Bái
đã tổ chức ngay một cuộc hội thảo khoa học về khu di tích lịch sử, văn
hóa phát hiện được ở Tân Lĩnh. Hội thảo đã đi đến kết luận rằng: "Đây là
một quần thể di tích lich sử, văn hóa khảo cổ học đặc biệt quý hiếm của
thời Trần sớm được phát hiện ở vùng miền núi phía bắc nước ta". Sau hội
thảo, công việc khai quật tiếp tục được tiến hành nhằm tạo cở sở cho
việc lập đề án xây dựng, tôn tạo thành khu tham quan du lịch cấp Quốc
gia.
Cũng theo ông Ca, nếu căn cứ theo "minh văn" (những văn bản khắc trên
bia đá hiện còn ở Tân Lĩnh) thì khu vực này có tới 40 tháp nằm trên
không gian rộng lớn. Tuy nhiên, qua 6 lần khai quật chúng ta mới chỉ
phát hiện được 10 tháp. Sau khi phát hiện tỉnh Yên Bái sẽ có kế hoạch
phục dựng lại.
Bí mật những hiện vật
Mặc dù các nhà khảo cổ đã thống nhất ý
kiến về một Kinh đô Phật giáo phía Tây Bắc căn cứ vào những hiện vật
phát hiện được, tuy nhiên, cũng chính những hiện vật này lại chứa đựng
những thông tin mà việc lý giải nó chỉ phụ thuộc vào sự suy đoán. Đó là
những hiện vật như Naguda, hình người con gái múa hát, bệ hoa sen bằng
đất nung...
Một bệ đã được phát hiện.
Những hiện vật này mang dấu ấn của văn hóa Chăm, mà nền văn hóa này
lại phồn thịnh ở khu vực phía Nam Việt Nam, vì thế sự xuất hiện những
hiện vật Chăm ở miền biên viễn phía bắc đã đặt ra nhiều câu hỏi khó lý
giải.
Trong một số tư liệu của Bảo tàng Yên Bái trích dẫn lại ý kiến của cố
GS Trần Quốc Vượng là "ngôi chùa phảng phất văn hóa Chăm". Sau đó, hàng
loạt các giả thiết đã được đặt ra.
Ông Nguyễn Xuân Đoán, nguyên giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Lục
Yên, đồng thời cũng là người tham gia rất nhiều cuộc khai quật ở Lục Yên
cho rằng: Kinh đô Phật giáo có thể được xây dựng vào thời gian Chiêu
văn vương Trần Nhật Duật làm Trấn thủ trông coi đạo Đà Giang, thuộc tỉnh
Yên Bái ngày nay (1280).
Thời gian này đích thân ông đã dụ hàng
được thổ tù đạo Đà Giang là Trịnh Giác Mật. Kinh đô Phật giáo có thể
được xây dựng vào thời gian này.
Một lá đề cân được phát hiện ở khu khảo cổ xã Tân Lĩnh.
Tuy nhiên, có thể trước đó Trần Nhật Duật đã đưa những tù binh nước
Chiêm Thành từ phía Nam ra đạo Đà Giang để giam giữ. Ông đã sử dụng
những tù binh này vào việc xây dựng đền, chùa, miếu mạo, vì thế tù binh
Chiêm Thành chạm trổ những tượng và hình nét hoa văn thấm đẫm phong cách
Chăm như những hiện vật mà chúng ta đã phát hiện.
Ông Trần Xuân Ca lại cho rằng: Nền văn hóa Chăm phồn thịnh ở phía
Nam. Từ trung tâm đó, dấu ấn Chăm lan tỏa ra các khu vực xung quanh,
càng xa trung tâm thì dấu ấn đó càng nhạt dần. Việc phát hiện dấu ấn
Chăm ở khu di tích khảo cổ Tân Lĩnh được cho là xa xôi nhất so với trung
tâm của nó. Nếu nhìn ở góc độ này thì việc chúng ta thấy phảng phất dấu
ấn Chăm trên những hiện vật ở một ngôi chùa miền biên viễn phía bắc là
điều không khó hiểu.
Theo Bee.net.vn