mới là cụôc
sống. Những “thực tại hiện tiền” đó mới là kiếp người. Phật từ chối nói
về những chuyện siêu hình cao xa, những chuyện thần thông quái lạ. Hãy
cứu lấy người đang bị trúng tên. Rút mũi tên ra, làm sạch vết thương,
khử độc, băng bó. . cái đã! Hạnh phúc không ở đâu xa, không từ trên trời
rơi xuống, cũng không phải do ai ban phát. Hạnh phúc ở trong ta và ở
quanh ta. Hạnh phúc hay khổ đau, thiên đàng hay địa ngục là những cái do
ta tự… tạo ra cho mình, nên cũng phải do ta tự xoay chuyển lấy. “Phiền
não vô tận” kia thực ra cũng chính là bồ đề vô lượng nọ!
Cái gì “tạo ra sự khác biệt”- nói theo kiểu thời thượng bây giờ? Tại sao
trong cùng một hoàn cảnh người thì thảnh thơi tự tại mà kẻ lại quằn
quại khổ đau?
Câu trả lời là để thấy thực tướng Bát nhã không thể dừng lại ở văn tự
mà phải quán chiếu, nghĩa là phải thực hành, phải “hành thâm Bát nhã”!
Kim Cang dạy thực hành. Muốn chữa đựơc bệnh thì phải uống thuốc, chớ nếu
chỉ đọc… toa thuốc không thôi thì dễ bị tẩu hỏa nhập ma lắm!
Những trai thiện gái lành – những vị Bồ tát tương lai- cũng sẽ phải
ăn phải ngủ, phải giặt giũ, đánh răng, thay quần áo…, cũng có nghĩa là
họ sẽ phải thấy những điều người khác thấy, phải nghe những điều người
khác nghe, phải nói những điều người khác nói. Nhưng lục độ vạn hạnh họ
phải rèn tập, đi đứng nằm ngồi họ phải “trang nghiêm”, nói mà không
vướng, thấy mà không mắc… Tóm lại, họ phải sống một đời sống “ba-la-mật”
thực sự thì họ mới đích thị là Bồ tát! Cho nên phải kiên trì, phải tinh
tấn, phải nhẫn nhục! Trong suốt kinh Kim Cang, Phật đã rất nghiêm khắc
với những điều căn bản – ắt có và đủ- đó. Có cách nào hay hơn là dạy từ
những thực tế của cuộc sống… để từ đó họ có thể sống một cách hạnh phúc,
và nhất là biết sẻ chia cách sống hạnh phúc đó cho mọi người? Sẻ chia,
không phải như chia một cái bánh mà là dạy cách làm bánh!
Cho nên Kim Cang đòi hỏi thực hành. Phải tự thân “hành thâm Bát nhã”
cái đã rồi nói gì thì nói, thuyết gì thì thuyết. Tâm có thông thì thuyết
mới thông.
Thiền và Quán. Đó chính là con đường Phật đã trải
nghiệm. “Cứ đến. Nếm thử đi. Rồi thấy”. Đừng hý luận, đừng giáo điều. Nó
như là một khoa học thực nghiệm, chính xác và phổ quát. Phải tự mình
thể nghiệm thôi.
Một người thấy mộng, huyễn, bào ảnh… là mộng huyễn bào ảnh, chỉ thấy
có tàn phai và huyễn hoặc đầy phiền não và khổ đau, thì một người được
trang bị “gươm báu” (Kim Cang) sẽ biết nhìn bằng… năm thứ con mắt, sẽ
thấy đằng sau sự tàn phai, huyễn hoặc kia là duyên sinh, là không, là vô
ngã, từ đó là Chân Như… Cầu vòng cứ là cầu vòng, chẳng phải vì có tình
yêu của ta mà cầu vòng rực rỡ, chẳng phải vì tình ta tan vỡ mà cầu vòng
chóng phai! Mộng, huyễn, bào ảnh có cái tuyệt vời của nó, sanh trưởng
thu tàn có cái… tuyệt vời của nó. Lúc đó thỏng tay vào chợ không còn sợ
bị quấy nhiễu. Sống thời @, thế giới phẳng mà không thấy đảo điên. Chẳng
cũng khoái ru?
Cứ “như vậy” đó mà hàng phục cái tâm. Đó là Thiền. Cứ “như vậy” đó mà nhìn cho rõ bản chất của mọi sự vật hiện tượng. Đó là Quán. Và, chỉ có cách đó mới có thể “Bất thủ ư tướng, Như như bất động”!
Ly tướng khác bất thủ tướng ! “Ly”, mang nghĩa tránh né. Lên núi,
xuống biển, cách ly với cõi nhân sinh, vui cùng cỏ cây mây nước… Còn
“bất thủ” lại mang ý nghĩa không bị dính mắc một khi đã dấn thân, vào
cuộc, lăn lóc trong cõi hồng trần! Ly ở ngoài còn bất thủ ở trong. Bởi “thủ” là thủ ở trong tâm. Nên bất thủ khó hơn. Đó chính là “vô tâm” của Trần Nhân Tông, cũng chính là “vô niệm” của Huệ Năng. Thủ
thì do “Ái” mà ra. Rồi vì thủ mà sinh “hữu”. Ái, thủ, hữu… đầy dính mắc
mới sinh sự! Cho nên bất thủ tướng khó hơn ly tướng. Ly nhứt thiết
tướng đã tức danh chư Phật, còn bất thủ ư tướng thì… tức danh “Như như
bất động”, Như lai, Chân như vậy!
Nhưng dù không, dù vô ngã, mọi thứ lại vẫn luôn có
cái tướng của nó. “Thế gian tướng thường trụ”! Tùy duyên mà bất biến.
Bất biến mà tùy duyên. Chẳng thú lắm sao? Động tâm sinh sự, thức này
tưởng nọ làm rối tung cả lên là tại ta! “Phiền não vô tận” là tại ta.
Tại ta sinh sự! “… Đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo tôi đây…Chiều hôm thức dậy chập chờn lau trắng trong tay…” (TCS).
“A nậu đa la Tam muội Tam Bồ đề… “ có lẽ là thành quả cuối cùng, vô
thực vô hư, trong khi cái tâm “bồ đề” lại là tâm có thực, từ những hạt
mầm đựơc gieo trồng, chăm bón. Thần Tú hoàn toàn có lý khi bảo phải
siêng năng chăm sóc, tưới bón cho “cây Bồ đề” của mình, đừng để nó héo,
nó khô, cũng như phải siêng năng chùi rửa tấm gương của mình, đừng để nó
bị bụi bám, nhện giăng. Tinh cần, nhẫn nhục đâu có dễ! Tự lợi và lợi
tha. Không từ bi với mình thì sao có thể từ bi với người? Phải “quán tự
tại” rồi mới có thể “quán thế âm”! Cho nên, ở phần cuối, Kim Cang chỉ
nhắc đến “tâm Bồ đề” của các vị “bồ tát tương lai” mà không cần nói đến
“A nậu đa la…” vô thực vô hư gì đó nữa. Đó chính là tinh thần rất thực
tế của Kim Cang…
Nhìn lại hành trình tu thiền của Đức Phật ta thấy Ngài đã trải qua
những chặng đường không kém cam go. Vượt qua tám chặng đường thiền định
kinh điển mà vẫn chưa thấy đựơc lối thoát thực sự bởi lúc nào cũng còn
bị cái “tưởng” đến quấy phá cho đến khi tự mình tìm ra đựơc một con
đường riêng sau những tháng năm khổ hạnh miệt mài. Có thể nói đó là một
bước nhảy vọt, từ lượng sang chất. Chính là cửu thiền, thiền thứ chín, diệt thọ tưởng định. Lúc đó tưởng đã không còn để quấy rối nữa, thọ cũng không còn để khơi ngòi nữa. Đã có thể “như như bất động” rồi vậy! Đã có thể thấy “…diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sanh mà thực ra không có một chúng sanh nào được diệt độ”
! Bởi có còn sanh ra nữa đâu mà diệt! “Bất sanh bất diệt” là vậy. Như
người biết giữ gìn sức khỏe, biết rèn luyện nâng cao sức khỏe thì bệnh
tật không phát sinh được, và như vậy thì không có lý do gì để phải… uống
thuốc! Ốm đau, bệnh tật tuy có thể giảm, mà “phiền não vô tận” – từ
tham sân si-… thì vẫn còn kia, nên phải có cái nhìn mới, cái “tri kiến”
mới, vượt ra, vượt qua, vượt lên – paramita- thì mới giải quyết rốt ráo.
Đó là con đường tất yếu mà một vị bồ tát tương lai- những trai thiện
gái lành- sẽ phải kinh qua, như là điều kiện ắt có và đủ. Thiền để thoát và Quán để vượt. “Hành thâm Bát nhã” đến độ chín muồi thì mới có thể Bất thủ ư tướng, như như bất động, từ đó mà “vị nhơn diễn thuyết” đó vậy!
Khi nhận ra Vô thường, Vô ngã, Không… thì hóa ra lại thấy
cái gì cũng đáng quý, cũng tuyệt vời! Không có chuyện tiêu cực, buông bỏ
ở đây! Đừng nói đoạn diệt. Kim Cang dạy rất kỹ. Thấy “thuờng” đã sai mà
thấy “đoạn” càng sai. Thấy có đã sai mà thấy không
càng sai. Bồ tát thì “bất tận hữu vi bất trụ vô vi”. Không có hữu vi thì
cũng chẳng thể thấy được vô vi! Núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, khác
chăng là một hành trình miên mật của sự tu tập dài lâu để nhận ra “sắc
tức thị không, không tức thị sắc”, chân không mà diệu hữu… Sự chuyển hoá chỉ có thể đến từ bên trong. Thiền và Quán. Lộ trình đã vạch. Hành trang đã đủ. Cho nên không phải vô cớ mà tinh tấn và nhẫn nhục lại là những balamật không thể thiếu vắng trên hành trình đi vào nội tâm.
Khi không còn chấp thủ, không còn tham ái, thì mọi thứ đã trở nên nhẹ nhàng, thong dong, tự tại.
Đỗ Hồng Ngọc
(trích Gươm Báu Trao Tay)