Chùa Bửu Minh

Ca sĩ Quang Vinh
Có thể nói Quang Vinh là một trong những gương mặt đại diện cho thế hệ 8X thành công trong xã hội nói chung và trong lĩnh vực âm nhạc nói riêng.

Một thế hệ được xem là nhanh nhạy, thông minh, tiếp cận với lối sống cũng như những tiện nghi sống hiện đại cực nhanh, vượt mặt thế hệ đàn anh đàn chị… Thế nhưng, cũng chính thế hệ 8X (và cả 9X) đang là mối lo âu, quan tâm của tất cả chúng ta, bởi vì các em cũng tiếp cận không ít những mối nguy hiểm. Hãy lắng nghe đại diện của thế hệ ấy nói gì, để hiểu thêm tâm tư của thế hệ trẻ mà người lớn chúng ta cần quan tâm sâu sắc…
PV: Chào Quang Vinh, hoàng tử sơn ca của bao cô gái tuổi mới lớn. Nổi tiếng từ khi còn là một “hoàng tử bé”, Vinh thấy mình có quá nhiều thuận lợi và may mắn hơn các ca sĩ trẻ khác không?
QV: Em thấy mình có may mắn, có thuận lợi, nhưng cũng chỉ là một phần. Còn lại em phải có năng khiếu, rèn luyện, ước mơ và nỗ lực.
PV: Nghe rất… bài bản đấy! Thế nhưng ai cũng biết Quang Vinh sinh ra trong nhung lụa, và có được tất cả những thuận lợi về vật chất do gia đình mang lại…
QV: Đúng là em may mắn hơn nhiều người khác vì sự ủng hộ vật chất lẫn tinh thần rất lớn từ gia đình, ít va chạm cuộc sống. Tuy nhiên, bây giờ em đã là một người đàn ông 25 tuổi, em phải tự lập lấy. Em phải tự trang trãi cuộc sống cũng như các khoản phục vụ cho con đường ca hát như làm album, chụp hình, trang phục, học tập… Thấy vậy chứ nhiều thứ phải lo lắm. Có thể nói em rất tự hào là mình tự lo được cho mình bằng nghề ca hát.
PV: Quang Vinh rất kén show, trong khi các ca sĩ trẻ khác phải bôn ba nhận lời hết nơi này đến nơi khác để kiếm sống và khẳng định tên tuổi. Điều này một lần nữa cho thất QV rất… sung túc, thong thả và hình như là không cần tiền cho lắm?
QV: Điều này chỉ khẳng định được một điều duy nhất: Em phải có sự chọn lọc cho mình. Còn ai nói gì cũng được em vẫn chỉ là em thôi.
PV: Nổi tiếng từ bé, con đường ca hát trải đầy hoa thơm, nhưng Quang Vinh chưa bao giờ là ngôi sao của sân khấu ca nhạc Việt Nam? Đây có phải là nỗi canh cánh trong lòng QV?
QV: Em biết mình chưa bao giờ là “vơ đét” nhưng em có lượng khán giả riêng. Và em cũng không muốn mình là người ở trên đỉnh. Ở trên đỉnh rồi cũng có lúc phải xuống thôi. Em thích một con đường bền bỉ như chị Cẩm Vân, chị Cẩm Ly… dù không là diva nhưng qua bao năm các chị ấy vẫn được khán giả yêu mến. Em cũng muốn mình ca hát thật nhẹ nhàng, thảnh thơi. Cuộc đời vốn đã nhiều nổi khổ rồi, thì mình nên sống sao thật thoải mái là được.
PV: Nghe như Quang Vinh đang có một cuộc sống rất bình yên dù hoạt động trong một lĩnh vực được xem là phức tạp. Thế mà tại sao lại có tin đồn là hổi nhỏ Quang Vinh đã từng muốn đi tu? Có cú sốc gì chăng?
QV: Thật ra là chỉ một vài chuyện buồn linh tinh thôi, chủ yếu là em cảm nhận được sao mà cuộc sống này nhiều phiền muộn quá. Đúng thiệt “đời là bể khổ”. Lúc đó em chỉ nghĩ đơn giản đi tu là cạo đầu, mặc áo tràng nâu, vô chùa rồi là quên hết mọi sự. Nhưng bây giờ lớn thì em hiểu khác. Tu tâm mới đúng là tu.
PV: Nhưng tự nhiên sao lại nảy ra ý định đi tu, nghe thật “ngộ” đó Vinh.
QV: Thật ra là vì từ thuở ấu thơ em đã được sống trong không khí của chùa chiền, của đạo Phật. Hồi còn bé, ba mẹ và ông nội rất hay dắt em đi chùa. Lúc đó ba mẹ hay biểu em chấp tay lạy Phật, em thích hành động này lắm. Trong album gia đình em vẫn còn lưu giữ hình ảnh hồi nhỏ em chắp tay rất “sỏi”, nhìn tức cười lắm. Em còn nhớ lúc đó mẹ có may cho em cái áo tràng màu nâu, em thích lắm, cứ đòi mặc chiếc áo đó hoài.
PV: Không ngờ một Quang Vinh bây giờ ăn vận rất đúng mốt, rất có gu, rất hiện đại thế mà ngày xưa thích mặc áo nâu sòng. Nghe thật thú vị. Thế Quang Vinh có giữ những cái sở thích ấy cho đến ngày nay không?
QV: Bây giờ làm ca sĩ mà mặc áo nâu sòng kiểu hồi nhỏ chắc khán giả của em chạy hết trơn. Em nói đùa thôi, chứ em vẫn còn mặc mỗi khi đi chùa đánh lễ. Đặc biệt là những lúc em thất thực sự mệt mỏi, cần một thời gian bình yên, em bèn ra Huế, đến ngôi chùa mà cả gia đình em quy y để nghe thầy trụ trì trò chuyện, để được mặc áo tràng và sống trong không khí an lành. Những rằm lớn như Vu Lan, Phật Đản em thường đi chùa khắp nơi, rồi phóng sinh nữa, thích lắm. Sau đó em thấy như bỏ hết mọi phiền muộn và tự tin tiếp tục con đường ca hát đầy phức tạp, đầy cảm xúc.
PV: Là ca sĩ tại sao em lại cho là con đường ca hát đầy phức tạp, nghe có vẻ mâu thuẫn đấy!
QV: Có nhiều cái em rất khó diễn tả. Nhưng em sẽ lấy một ví dụ để chị hiểu cảm xúc của em cũng như những nghệ sĩ diễn trên sân khấu nói chung. Chị đang hát giữa một sân khấu tràn ngập ánh đèn, tràn ngập tiếng vỗ tay, hoa… của khán giả. Bỗng nhiên, sau đó, chị về đến phòng mà chỉ có một mình. Cảm giác như đang sụp xuống một cái hố. Đó là chưa kể biết bao chuyện phức tạp như xì-căng-đan, rồi tin vịt… rồi nào là hát lót cho người ta… khiến cho người nghệ sĩ thấy mình trở nên mệt mỏi. Em nói thật, nếu như không theo đạo Phật, không được các thầy dạy cho những giáo lý đúng đắn, em khó mà có được thăng bằng trong nghề nghiệp như ngày hôm nay.
PV: Quang Vinh đang nói của sự chiêm nghiệm thực tế hay là nói theo công thức?
QV: Thật sự em nổi tiếng từ lúc nhỏ. Khi bắt đầu lớn, em bỗn thấy sao con đường ca hát phù du quá. Thậm chí có khoảng thời gian em mất đi niềm tin vào cuộc sống. Hồi đó em thấy chuyện ca hát không phù hợp với mình, em không thích đi hát. Nhưng bây giờ thì em lại nghĩ khác. Con đường ca hát chính là nhân duyên lớn nhất trong đời em. Em từng đi du học tại Mỹ, sau đó về lại Việt Nam theo đuổi con đường ca hát. Sau đó, được sự động viên của gia đình, nhất là ông nội, người mà từ nhỏ đã dạy em ca dao, tục ngữ, hát vè… Tuy chỉ mới hai mấy tuổi, nhưng em đi hát từ khi còn là thiếu nhi nên em nghĩ rằng mình có đủ trãi nghiệm.
PV: Vậy điều gì để ca sĩ Quang Vinh sống và hát thấm nhuần tinh thần Phật giáo?
QV: Em không quan tâm đến việc lên xuống của danh tiếng, vì điều này rất vô thường. Em chỉ biết lao động nghệ thuật hết mình, hát hết mình cho khán giả nghe. Ai yêu mến mình thì mình vui, còn ai mà không yêu mến mình thì mình chưa chinh phục được họ, vậy thôi. Em không làm mọi cách để leo lên đỉnh. Đặc biệt, hôn 3 năm nay, em bắt đầu tập thiền, thiền cả trong khi hát. Nghe rất trừu tượng phải không chị? Nhưng thật sự là em được các thầy dạy về thiền khá nhiều, rằng thiền mọi lúc chứ không phải ngồi một chỗ xếp bàn mới là thiền.
PV: Quang Vinh quả là suy nghĩ rất chính chắn hơn tuổi của mình rất nhiều. Thế Quang Vinh có nhận xét gì về bạn bè đồng trang lứa như em, còn gọi là thế hệ 8X hiện nay?
QV: Em cho rằng nhiều bạn trẻ ngày nay đang chạy theo cái bề ngoài hơi nhiều. Một số bạn cạnh tranh nhau quần áo, xe cộ, hình thức, thích được người khá chiêm ngưỡng hình thức của mình hơn là cạnh tranh nhau về kiến thức, nghề nghiệp. Em nghĩ nguyên nhân sâu sa là họ không có đời sống tâm linh, hoặc có nhưng còn hời hợt. Như thế, họ rất dễ mất cân bằng và có những hành đỗng sai lầm đáng tiếc. Em nghĩ rằng nếu như người lớn hiểu được vấn đề này mà có cách chỉ dạy cho thế hệ trẻ thì tình hình sẽ ổn hơn. Chẳng hạn như em, cũng nhờ các thầy trong chùa và gia đình dạy về đạo Phật mà em dung hòa được nghề ca hát đầy hào quang, đầy phức tạp và cuộc sống đời thường.
PV: Nói thì dễ lắm nhưng thực tế thì khá phức tạp. Bởi vì hiện nay, thế hệ 8X, 9X được hưởng tiện ích của cuộc sống hiện đại, nên tất nhiên họ phải chịu hệ lụy từ mặt trái của sự hiện đại. Làm bạn với nhau chỉ bằng cú click add trong blog, hay chat trong messenger. Rồi nào là phim ảnh nước ngoài nhập vào không phù hợp với văn hóa Việt Nam, rồi nào là thoải mái tung hứng, nhào nặng với web dẫn đến những việc làm quá giới hạn. Là người trẻ thuộc thế hệ 8X, Quang Vinh nghĩ sao về vấn đề này?
QV: Em nghĩ việc người lớn làm gương và dạy dỗ là cần thiết. Em thấy cuộc chơi nào cũng dẫn đến nhàm chán. Như em ngày xưa, hễ stress là càng đi chơi nhiều, mà ngộ là càng chơi càng buồn, càng stress như cái vòng lẩn quẩn. Sau đó em học cách chấp nhận nỗi buồn theo triết lý nhà Phật mà ba mẹ, ông nội, các thầy dạy cho, rằng đời là bể khổ hãy biết chấp nhận và dung hòa, đừng than trách hay chạy trốn nó.
Em nghĩ nếu các bạn trẻ ham chơi hoặc làm điều gì đó chưa đúng, thậm chí là rất sai chẳng qua là chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt là giáo dục về đời sống tâm linh. Có đời sống tâm linh thì nội tâm sẽ bình ổn, sẽ sống nghiêm túc hơn.PV: Nói như thế là QV hoàn toàn khẳng định những mặc vô cùng tích cực của đời sống tâm linh đối với mỗi chúng ta?QV: Em rất tin vào đời sống tâm linh, tin vào cái duyên. Em kể một câu chuyện thế này. Hồi nhỏ em đã từng qua Mỹ học phổ thông. Sau đó em lại thích về VN. Bẵng đi 10 năm em không hề liên lạc với cô giáo Mỹ mà em rất yêu mến. Cách đây không lâu em có sang Mỹ thăm lại trường cũ. Lúc đó em đi cùng với một người bạn. Em đến trường hỏi thăm cô giáo và được cho biết là cô đang nghỉ phép. Lúc đầu em rất buồn, nghĩ rằng mình không có cơ hội gặp cô nữa, vì thời gian của em ở Mỹ rất ngắn. Nhưng bỗng nhiên linh tính mách bảo cho em điều gì đấy. Em cứ đi lòng vòng trong sân trường không chịu về. Người bạn của em đi theo cằn nhằn mãi. Bỗng nhiên em rẽ về phía sau của trường, dù không biết đi về hướng ấy để làm gì. Khi em vừa đi xuống bậc tam cấp cuối thì lúc đó cô giáo cũ 10 năm về trước bỗng xuất hiện trước mắt em. Thật không thể tin được! Hai cô trò mừng khôn xiết. Hỏi ra thì cô cho biết không hiểu sao ngày nghỉ mà cô lại vào trường, lại đi đúng con đường này. Lát sau, hai cô trò ra bãi giữ xe, thì thật bất ngờ, xe cô giáo đậu ngay sát xe em.
Em cứ nghĩ mãi nếu không có thời gian kiên nhẫn đi lòng vòng, rồi ra phía sau sân trường, mà chị biết không, trường ở Mỹ rộng lắm. Chỉ cần lệch một giây là hai cô trò không thể gặp nhau. Cái duyên giữa em và cô rõ ràng là có. Qua chuyện này càng củng cố niềm tin vào đời sống tâm linh của em hơn.
PV: Cảm ơn Quang Vinh. Rất vui vì một người trẻ tuổi như em lại quay về với đời sống nội tâm, để biết dung hòa mọi lẽ. Chúc em thật nhiều an lạc trên con đường ca hát của mình.
QV: Em cũng mong các bạn trẻ như em, dù làm bất cứ công việc gì cũng sẽ tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, tất nhiên là phải được người lớn quan tâm và chỉ bảo sâu sắc.

Phượng Hoàng thực hiện
 (báo Văn Hóa Phật Gíao Việt Nam)

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage