Mỗi con người được sở hữu bởi một chữ tâm! Tâm như là một “mảnh đất” tư hữu và quyền sở hữu cá nhân một cách tuyệt đối, không ai xâm phạm được.
Tâm của mỗi chúng ta, hẳn nhiên đang khu trú trong hình hài của mỗi con người rồi dần dà phát triển, lớn mạnh một cách tự nhiên theo hình hài, theo ngày tháng và theo cái vòng lẩn quẩn của sanh, bệnh, lão, tử. Chính vì thế, chúng ta phải biết kiểm soát tâm từ những hành vi, việc làm của chính ta giữa cõi đời này bằng cách thường xuyên nhắc nhở ta phải “dọn rác” trong tâm, đừng để rác rưởi sinh sôi nảy nở bám chặt vào tâm, e rằng khó gột rửa.
Nói đến việc “dọn rác” trong tâm, tạm mượn hình ảnh của nhà tỷ phú Hoa Kỳ Bill Gates, chỉ xin nói đến hai giai đoạn theo thiển nghĩ của tôi, ông ta có sự chuyển hóa tâm (mang tính đạo đức) rõ nét nhất.
Giai đoạn thứ nhất: Thời gian ông ấy đem tâm mình để đưa sự phát triển công nghệ thông tin đến tột đỉnh, vừa phục vụ cho sự phát triển kỹ thuật, vừa đem lại nguồn lợi nhuận kinh tế lớn cho đất nước cũng như bản thân mình. Bill Gates sớm trở thành nhà tỷ phú không những “tài sản” riêng của Hoa Kỳ mà cả thế giới khi ông còn rất trẻ. Thực tài ấy của ông khiến bao nhiêu người trên thế giới ngưỡng mộ, trân trọng và cả sự thách thức, đố kỵ từ những kẻ kém tài hám lợi.
Giai đoạn thứ hai: Bill Gates tuyên bố “gác kiếm từ quan”. Khi tin này được loan ra, có những người yêu quý cái “đầu vàng” của ông băn khoăn tiếc nuối, ngược lại các đối thủ cạnh tranh của ông lại vỗ tay reo mừng, âu cũng là chuyện thường tình, trong lúc ông đang ở độ trung niên, tuổi nghề đang độ chín và công việc kinh doanh hết sức thuận lợi, sáng lạn ở phía trước.
Vậy mà, ông đành lòng “đoạn tuyệt” để dành thời gian toàn tâm toàn ý và bỏ ra một khoản tài sản khổng lồ (khoảng 30 tỷ dollars) thành lập một quỹ từ thiện nhằm chống chọi với căn bệnh thế kỷ AIDS và giúp đỡ người dân vùng đói nghèo bệnh tật nhất thế giới (châu Phi)… Việc làm của ông nhận được sự đồng thuận hưởng ứng một cách tích cực của người vợ hiền “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”.
Sưu tầm