Khổ đau và bất lực gióng
lên lời tình ca của người mất trí. Khánh Ly trầm trầm như lời độc thoại
đêm đêm, “Tôi có người yêu chết trận Plei Me… Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò. Không hận thù nằm chết như mơ…”
(Trịnh Công Sơn). Hay nếu người không trở về bằng “hòm gỗ cài hoa” thì
có lẽ cũng “trên đôi nạng gỗ” để làm “bại tướng cụt chân” như lời Kỷ Vật Cho Em
của Phạm Duy. Phi lý như thế đấy. Khi guồng máy lăn đè bẹp nhúm phận
người. Mọi đứa trẻ sinh ra ở hai miền Nam, Bắc, dù muốn dù không cũng
phải mang lấy một nhãn hiệu, bên này hay bên kia.
Cũng năm 1965.
Có một sinh viên y khoa trẻ tuổi thực tập tại bảo sanh viện Từ Dũ khi dán tên họ vào tay đứa bé sơ sinh, anh viết rằng,
Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Hai câu thơ hay và thâm trầm quá đi chớ. Hai câu thơ rúng động thần
hồn.Thì ra thế. Tôi. Anh. Chúng ta được dán nhãn hiệu ngay từ phút chào
đời. Nhắc đến etiquette, một danh từ quen thuộc từ thời đi học.
Mỗi cuốn vở phải có etiquette để xác định sở hữu và để phân biệt nội
dung cuốn vở. Có vở tập làm văn, có vở sử địa, có vở toán hay khoa học
thường thức, v..v… Và quan trọng nhất, có tên họ của sở hữu chủ cuốn vở.
Có tên gọi nên có phân biệt từ đó. Nếu lỡ có tật xấu, bộ mặt khác
thường hoặc dáng vóc không giống ai thì tên gọi lại được thêm một tiếng
đệm đi theo, Cường móm, Phú thẹo, Thành lác, Lan ngựa, Ngọc lé… Những
cái lòng thòng ta phải mang theo suốt đời.
Danh tánh. Danh tướng. Những cái tên xấu ta muốn tránh xa và những
cái tên tốt, tên đẹp ta muốn ôm vào. Mà nào có được như ý muốn! Đã mang lấy nghiệp vào thân / Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa (Nguyễn Du). Chàng sinh viên y khoa ấy tiên đoán như thần những gì sẽ xảy ra hàng chục năm sau,
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Từ một hành động rất bình thường khi buộc etiquette vào tay trẻ sơ
sinh chàng sinh viên đã thấy ngay cả một cuộc đời và những hệ lụy trải
dài trước mặt. Không nói mà chàng như ngầm giọng, chút nhỏ nhoi nọ cũng
hàm chứa ba nghìn thế giới ngoài kia chăng? À há, kẻ trí chưa gieo nhân
đã thấy quả. Người phàm phu không nhận thức nhân duyên liên lỉ, than
khóc cho những bất hạnh dồn về. Chỉ thấy quả trước mắt mà không chịu tìm
hiểu nguyên nhân từ đâu gây ra tình huống. Chưa hết, chàng bồi thêm một
quả tối tăm mày mặt người đọc,
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Ôi biên kiến mở màn dưới những cặp kính màu. Mắt thấy được nhờ sự
phản chiếu ánh sáng từ đối tượng, nhưng đối tượng thường thay đổi, vô
thường. Cái thấy như vậy là tác dụng của dòng luân sinh, duyên khởi bời
bời, cảnh dội vào tâm. Đâu là sắc màu xác thực của cuộc đời, chân lý,
nếu mỗi mỗi chúng ta mang một màu kiếng khác nhau? Đứng núi này trông
núi nọ. Thuốc ngừa đau mắt như lời tự bào chữa, tự phỉnh gạt, để người
nói lời đao to búa lớn hòng che đậy những bịp lừa. Đã bao lần người nhân
danh người để giết người? Có còn chăng câu hỏi “giết người đi thì ta ở
với ai?” (Kẻ thù ta, Phạm Duy) Không chỉ ở Việt Nam mà ở toàn
cõi người. Không biết ở cõi Trời có chăng? Thứ thuốc màu nâu không làm
được “Màu con mắt bên mùa xuân xiêu đổ / Ở bên kia nhìn ngó lại bên này”
(Bùi Giáng). Những con mắt luôn nhắm nghiền trong mưu đồ đen tối. Những
con mắt không bao giờ biết nhìn lại bên trong, soi rọi chính mình.
Người sinh viên y khoa đó là ai mà đã mở lời phương tiện như một Bồ
tát khai thị chúng sinh? Vô tình hay ẩn ý, chàng hé cho thấy tam thiên
đại thiên thế giới vốn nằm trong hạt bụi bằng tiết tấu lơ thơ tơ liễu
buông mành con oanh học nói trong hai câu thơ? Chàng múa kiếm vàng dẫn
lộ, soi mói cho ra cái tánh của sự thấy vốn không tịch và phẳng lặng, xa
lìa phù phiếm rởm đời? Xin thưa đó là thi sĩ Đỗ Nghê ở năm 1965. Nhà
thơ viết một bài thơ ngắn, chỉ ngắn lời nhưng ý thì hun hút ra tới ngoài
vũ trụ. Xin chép lại nguyên văn bài thơ “Thư cho bé sơ sinh” dưới đây
để chúng ta cùng đọc.
Thư cho bé sơ sinh
Khi em cất tiếng khóc chào đời
Anh đại diện đời chào em bằng nụ cười
Lớn lên nhớ đừng hỏi tại sao có kẻ cười người khóc
Trong cùng một cảnh ngộ nghe em
Anh nhỏ vào mắt em thứ thuốc màu nâu
Nói là để ngừa đau mắt
Ngay lúc đó em đã không nhìn đời qua mắt thực
Nhớ đừng hỏi vì sao đời tối đen
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Em là gái là trai anh chẳng quan tâm
Nhưng khi em biết thẹn thùng
Sẽ biết thế nào là nước mắt trong đêm
Khi tình yêu tìm đến
Anh đã không quên buộc etiquette vào tay em
Em được dán nhãn hiệu từ giây phút ấy
Nhớ đừng tự hỏi tôi là ai khi lớn khôn
Cũng đừng ngạc nhiên sao đời nhiều nhãn hiệu
Khi em mở mắt ngỡ ngàng nhìn anh
Anh cũng ngỡ ngàng nhìn qua khung kính cửa
Một ngày đã thức giấc với vội vàng với hoang mang
Với những danh từ đao to búa lớn
Để bịp lừa để đổ máu đó em…
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…
Đỗ Nghê
(Từ Dũ, 1965)
Nhà thơ sinh viên Đỗ Nghê trở thành bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc sau này. Hèn
chi, ta không phải thắc mắc nữa, ông Đỗ Hồng Ngọc làm bác sĩ đi chữa
bệnh cho người đời. Tuy nhiên hành nghề bác sĩ thì chữa được bao nhiêu
người trong phạm vi địa lý của mình? Cho nên bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bây giờ
chu du khắp nơi, viết lách cũng như giảng giải Phật pháp cho bà con
chúng sinh. Tầm tay nay rộng lớn hơn, ống nghe mạch không đặt vào một
tấm ngực nhỏ bé của từng người mà lắng nghe tiếng khổ của đời, của muôn
loài, quán thế âm, để cho thuốc. Giải cứu cái khổ từ tận gốc, từ tâm
linh thay vì chỉ chữa những bệnh tật hạn hẹp thân xác bên ngoài. Có lẽ,
ông đã thấy được từ hơn nửa thế kỷ trước, cái cõi nhỏ bé ngoài kia cùng
với thân phận hạn hẹp này, dù muốn dù không chúng ta đều phải chia chung
một phận: duyên nghiệp.
Thôi trân trọng chào em
Mời em nhập cuộc
Chúng mình cùng chung
Số phận
Con người…
Nhân đọc số đặc biệt Thư Quán Bản Thảo của anh Trần Hoài Thư viết về
nguyệt san Tình Thương của Sinh Viên Y Khoa Saigon thời 60, tôi mới biết
bài thơ này của BS Đỗ Hồng Ngọc. Xin vén lên một góc và nhường ba góc
kia cho người đọc mở khơi cõi thơ Đỗ Nghê (cử nhất ngung, bất dĩ tam
ngung phản…)
Vén hai hàng cỏ ra xem
Giòng thiên thu rộng là Em bây giờ
(Bùi Giáng)
Vũ Hoàng Thư
Tháng 6, 2017