Chỉ cần Thầy tu thôi !
Quý vị biết không, gần đây có
nhiều người đến khuyên tôi thế nầy: “Thầy ơi, lúc nầy Thầy cứ tu đi thì
mọi việc sẽ tốt đẹp, Thầy đừng làm chi hết, bởi vì Thầy có làm chi thì
sẽ đụng tới người ta, chỉ cần Thầy tu thôi là yên hết.”
Tôi cười
và nói: Xin cảm ơn quý vị - đó là một lời khuyên và lời khuyên ấy đã
được nói một cách thật lòng, nhưng chưa đúng hoàn toàn.
Giả như quý vị là tôi thì quý vị sẽ nghĩ như thế nào về lời khuyên đó? Và phải trả lời người đó như thế nào?
Trước hết mình cũng xin ghi nhận cái tâm của họ rất là tốt. Nhưng, chúng ta phải ghi nhận và phải thực hiện như thế nào?
Chúng
ta đưa đôi mắt thiền quán để nhìn vào cuộc đời của đức Phật trước và
sau khi Ngài thành đạo, để chúng ta có thể thấy được giá trị của lời
khuyên ấy. Là Phật tử, tất cả chúng ta đều biết rằng, trước khi đức Phật
thành đạo Ngài có làm gì đâu, Ngài chỉ ngồi yên lắng trên núi Tuyết,
thế mà thiên ma vẫn hoạt động rất dữ dội, họ tìm đủ mọi cách để quấy phá
sự thành đạo của đức Phật. Ngài đã ngồi yên lặng thiền định không phải
giữa phố thị mà Ngài ngồi trên núi, rồi sau khi thành đạo Ngài cũng
chưa định đi chuyển pháp luân thì thiên ma yêu cầu Ngài nhập Niết Bàn.
Đức Phật nói rằng: Trước sau gì Như Lai cũng nhập Niết Bàn thôi, nhưng mà để Như Lai giáo hóa cho có chúng Tỳ kheo đã!
Sau
khi có chúng Tỳ kheo, thiên ma khuyên Phật nhập Niết Bàn, Ngài nói đợi
có chúng Tỳ kheo ni đã. Khi đã có chúng Tỳ kheo ni, thiên ma yêu cầu
Ngài nhập Niết Bàn, Ngài lại nói: trước sau gì rồi ta cũng nhập Niết Bàn
thôi, để ta giáo hóa cho có chúng Ưu Bà Tắc đã. Sau khi thấy có chúng
Ưu Bà Tắc, thiên ma lại thúc: Xin Ngài nhập Niết Bàn! Lúc này đức Phật
trả lời: Để có chúng Ưu Bà Di đã.
Sau khi đức Phật giáo hóa và
thành lập được chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di xong,
thiên ma lại đến yêu cầu Ngài nhập Niết Bàn như đã hứa, vì bấy giờ đã
có người gánh vác Phật pháp. Quý vị thử đoán xem, đức Phật đã trả lời
thế nào với thiên ma? Ngài nói: Chưa gấp, hễ thấy đúng thời là Như Lai
nhập Niết Bàn thôi!
Trong suốt 45 năm hoằng hóa, thiên ma luôn
luôn đi theo đức Phât và họ tìm mọi cách để khiến đức Phật sớm nhập
Niết Bàn. Khi Ngài đến xứ Câu Thi La, đức Phật nói với Tôn giả A Nan là
Ngài dự định ba tháng nữa, sẽ nhập Niết Bàn. Bấy giờ thiên ma ba tuần
đã che khuất sự hiểu biết của ngài A Nan, cho nên ngài A Nan đã không
hiểu được ý của Phật, để thỉnh Ngài tiếp tục ở lại giữa cuộc đời. Đức
Phật đã ba lần thể hiện ý định nhập Niết Bàn của mình, nhưng vì bị ma
ba tuần che khuất, nên Ngài A Nan không hiểu hết ý của Ngài, và đã
không nhận ra được, nên đã không có sự thỉnh cầu Ngài tiếp tục trụ thế,
và cuối cùng đức Thế Tôn tuyên bố buông bỏ thọ mạng. Đến lúc đó, ngài A
Nan mới nhận ra và vội vã đến thỉnh Phật tiếp tục trụ thế, nhưng đức
Phật dạy: ”Như Lai đã nói là làm, Như Lai đã tuyên bố buông bỏ thọ
mạng. Bây giờ đã có đủ bốn chúng Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà
Di, có giới luật rồi, có pháp của Như Lai rồi, đã đến lúc Như Lai nhập
Niết Bàn!”
Quý vị thấy, đức Phật trước khi thành đạo, Ngài
không tranh giành chi với ai cả, Ngài chẳng giành uy tín chi của ai
hết, Ngài chỉ ngồi im lặng thiền định thôi, thế mà thiên ma đâu có
buông bỏ việc quấy phá sự thành đạo và giáo hóa của Ngài. Ngài chỉ ngồi
trên núi thôi, chứ có đi giữa đồng bằng, phố thị treo bảng này, bảng
nọ để quảng cáo gì đâu!
Sau khi thành đạo, Ngài đi giáo hóa đem
lại lợi ích cho con người và cho xã hội. Ngài đâu có giành cơm của ai
để ăn, giành áo của ai để mặc, giành tiền của ai để xây lâu đài tráng
lệ cho riêng mình! Vậy mà, thiên ma vẫn luôn đeo đẳng để yêu cầu Ngài
nhập Niết Bàn.
Như vậy, quý vị thấy chuyện “mình cứ tu đi thì
mọi chuyện nó yên hết, mình chỉ cần tu thôi thì không ai đụng tới mình
cả”, câu nói đó quý vị nghiệm lại thấy có đúng không? ”Thầy cứ tu đi,
Phật tử cứ tu đi thì không ai đụng tới Thầy, không ai đụng tới Phật tử
đâu!”
Đúng là đức Phật chỉ tu thôi, Ngài có đụng tới ai đâu.
Giờ đây, mình là đệ tử phật, mình cũng chỉ tu và cũng chỉ làm công việc
của nhà tu thôi, chứ mình có làm gì khác đâu!
- Tu là đụng chạm:
Mình
không tu có thể mình sẽ đụng chạm tới thiên hạ, đó là điều dễ hiểu,
nhưng mình có tu, quý vị cũng đừng nghĩ là chúng ta không đụng chạm gì
đến ai.
Mình tin Phật thì sẽ đụng đến người tin ma. Mà giữa đời
này ma nhiều hơn Phật chứ, cho nên, chỉ tin Phật thôi là đã đụng nhiều
người lắm rồi!
Mình tin Pháp thì sẽ đụng đến các tà thuyết bất
chính. Vì thế, mình nói đúng chánh pháp và hết sức tuyên dương chánh
pháp là đã đụng đến các tà thuyết, tà pháp của thế gian!
Mình
tin Tăng thì đụng chạm tới ai? Tới các tà sư ác hữu. Thật sự mình chỉ
biết đi chùa, biết tụng kinh, ngồi thiền và niệm Phật thôi, mình đâu có
thì giờ để đi nói xấu các tà sư ác hữu, thế mà vẫn đụng chạm tới họ!
Mình
tin Giới là đụng tới những sinh hoạt phi đạo đức, phi luân thường đạo
lý của xã hội! Mình chỉ tin Giới thôi, thì những người buôn lậu, những
người tham nhũng,... họ ghét dữ lắm. Mà sự thật, mình đâu có giành chi
của họ, mình cũng chẳng tham nhũng, chẳng hối lộ chi ai. Chính cái phi
lương tâm, phi đạo đức của hành động họ, làm cho họ cảm thấy không
thích mình, nên cứ như thế mà đụng!
Cho nên, việc mình thực hiện niềm tin đối với Tam Bảo thôi là mình đã đụng tới tất cả những người không có niềm tin Tam Bảo rồi.
Người
đời thích giết hại sinh vật để ăn, tranh giành nhau để sống, tàn hại
người khác để mưu sinh cho riêng mình, còn những ai đã tin Phật rồi thì
lại không thích tàn hại bất cứ ai, hay dẫm đạp lên bất cứ loài vật nào
để tồn sinh. Họ bảo giết người, giết vật, mình không giết, thế là đụng
họ rồi. Thế thì ai đụng ai? Mình có thích đụng đâu mà! Mình chỉ thích
giữ giới, thích không tàn hại chúng sinh thôi, vậy mà vẫn đụng!
Mình
ưa tôn trọng công bằng lẽ phải. Cái gì làm được thì mình hưởng, người
khác làm được thì người khác hưởng. Nhân ngang đâu thì Quả ngang đó.
Bởi mình ưa như vậy, nên mình mới giữ giới thứ hai là giới không trộm
cắp. Nhưng giờ đây, giữa thiên hạ, người ta ưa làm ít mà hưởng nhiều,
nghĩ cách để chạy mánh chạy mung... thế là đụng nhau thôi à!
Người
đệ tử Phật ưa sống tiết hạnh thanh bạch. Vậy, những người mua dâm, bán
dâm, những người làm phim ảnh đồi trụy không lôi kéo được sự đồng tình
của người đệ tử Phật. Chỉ đơn giản vậy thôi, thì những người kinh
doanh về mặt này trong xã hội đã ghét mình lắm rồi.
Người đệ
tử Phật chỉ thích nói lời chân thật, nói đúng lẽ phải. Nhưng, hễ nói
lời ngay thẳng thì sẽ đụng kẻ xảo quyệt điêu ngoa, hễ nói thiệt thì sẽ
đụng đến người nói láo. Mà giữa đời này có những kẻ làm chuyên gia nói
láo, nói láo có truyền thống, nói láo có hệ thống, nói láo có súng đạn,
nói láo có băng đảng, nói láo có tổ chức từ trên xuống dưới... Là người
con Phật ai lại đi nói láo phải không quý vị, chỉ cần mình nói thiệt
thôi, là đã đụng đến người ta rồi, thực ra mình đâu có nói xấu chi họ.
Người
ta uống bia uống rượu, mình không uống rượu bia, vậy là họ ghét. Có
người ăn chay trường, đi ăn tiệc cưới ngồi chung bàn với bạn bè, chắc
chắn người ta sẽ xầm xì: tu làm gì không biết nữa, tu để mau thành Phật
à?! Mình đâu có giành bia, giành thịt của họ mà ăn đâu chứ , thế mà vẫn
đụng!
Cho nên, quý vị thấy, mình tu thật là đụng tới những
tâm ý của người phàm, đụng tới tất cả chúng sinh phàm tục, đụng hết.
Bời vậy mà thiên ma ba tuần đã tìm mọi cách làm cho Phật đừng thành
Phật chứ ! Đến khi thành Phật rồi, thiên ma lại muốn Ngài nhập Niết Bàn
để cho họ được tự tung tự tác giữa cuộc đời, ưa làm gì thì làm, ưa
phỉnh gạt ai thì phỉnh gạt. Đó là ý đồ của thiên ma mà!.
Bởi
vậy, tu là đụng tới cái tham của chúng sinh. Mình muốn đẩy họ đi lên,
lên cao đến vô cùng , thế nhưng chúng sinh đâu có chịu, họ cứ ưa níu kéo
nhau đi xuống chỗ thấp kém thôi!
Quý vị biết, ngay cả Sư ông
Nhất Hạnh, đi đâu cũng chỉ muốn giáo hóa cho người ta tu học, và trong
biến cố tại Mỹ ngày 11 tháng 9 cách đây hai năm, khi xuất hiện tại Mỹ,
Sư Ông đã khuyên họ hãy yêu thương nhau và đừng tạo ra hận thù. Vậy mà
đã có một số người đã tìm cách để làm khó Sư Ông. Sư Ông chỉ khuyên họ
những lời từ ái dễ thương thôi mà họ đâu có chịu nghe, không những
không chịu nghe mà còn chống báng nữa ! Cho nên, sống giữa đời, người
biết nói lời từ ái với nhau đã khó, huống gì là người biết lắng nghe
lời từ ái để sống! Không tu thì đụng theo kiểu phàm tục, không tu thì
đem cái phàm đụng tới cái phàm, đem cái chúng sinh đụng với cái chúng
sinh. Có tu thì cái thánh thiện của người tu sẽ đụng đến cái chất phàm
trong chúng sinh. Mình phải biết được điều đó để có sự kham nhẫn trong
quá trình tu học. Đừng có nghĩ rằng, mình tu rồi thì ai cũng thương, ai
cũng kính và ai cũng tạo thuận lợi. Không có đâu, đừng có ảo tưởng!
Càng tu càng bị nhiều người chống đối, vì giữa này phàm nhiều hơn thánh
mà! Đức Phật đã dạy: pháp của ta không phải để cho chúng sinh công
nhận, mà để cho người trí trong đời công nhận thôi. Giáo pháp ấy được
người trí thực tập, người trí tuyên dương. Thực vậy, nếu chúng sinh có
công nhận, có tuyên dương, có ca ngợi thì cũng theo kiểu phàm tục của
họ, chứ chẳng có giá trị gì. Thấy được điều đó, qúy vị mới có cơ hội
sống và đi trọn vẹn với niềm tin của mình, trọn vẹn với con đường tu
tập của mình. Tu tập không phải là phong trào, là ủng hộ, là lấy phiếu,
nên quý vị đừng buồn và đừng có cảm giác cô đơn, khi thấy rằng, người
ta đi chùa thì ít mà tới các quán càphê hay các hý trường lại nhiều.
Lại có người đã thấm thía nhân tình thế thái nầy lắm, nên họ đã than:
Đường đời chật hẹp lắm người đi
Cửa đạo thênh thang hiếm kẻ tìm.
Cũng
phải thôi, bởi người đời vốn quen sống theo mùi tục lụy, cho nên hễ rủ
ai đi uống bia uống rượu, ăn thịt, ăn cá, đánh bạc, tắm hơi, đua tranh
danh lợi ... thì dễ kiếm tìm và có nhiều nguời theo lắm. Còn rủ người
ta đi thiền, lạy Phật, ăn chay thì mười người hết chín người lúc lắc
rồi. Nên, không phải điều gì được nhiều người phàm tục công nhận đều có
giá trị cả đâu. Do đó, chúng ta phải có cái nhìn sâu sắc, có tuệ giác
lớn và niềm tin kiên định, để nhận diện sự có mặt của mình trong cuộc
đời và để chúng ta tránh khỏi những cảm giác cô đơn, lạc loài giữa xã
hội.
Đức Phật dạy tu tập là phải biết kham nhẫn. Trong cõi Ta
Bà này, chúng sinh thì kham nhẫn và chịu đựng với sự khổ đau; Bồ tát
thì kham nhẫn sự khổ đau của chúng sinh để tuyên dương chánh pháp.
Chúng sinh phải kham nhẫn theo nghiệp báo của mình để mà thọ khổ, còn
Bồ tát và Phật kham nhẫn với cái nghiệp của chúng sinh để tuyên dương
chánh pháp đem lại niềm tin và trí tuệ cho họ.
- Niềm tin và trí tuệ:
Niềm tin phát sinh có 4 trường hợp:
1- Niềm tin phát khởi do hiện kiến : Hiện kiến là gì? Đức Phật dạy cuộc đời là khổ. Vậy, nó khổ như thế nào? Nó khổ mặt nào?
Ngài
nói: Già là khổ. Vì sao già lại khổ? Trí năng kém cỏi, thân thể mất
chủ quyền, chân tay run rẩy, nói năng điều được, điều mất, mắt mờ, tai
điếc,... già như vậy có khổ không?
Ngài nói: Bệnh là khổ. Bệnh có khổ không quý vị?
Ngài nói: Bị sống là khổ. Mình sống mà không có chủ quyền chi cả, luôn
luôn bị thụ động, ngay cả thụ động chết. Mình sinh ra đây mà chẳng biết
vì sao mình lại sinh ra nữa. Khi không nằm trong bụng mẹ và rồi chín
tháng mười ngày chui ra, rồi khóc oe oe... Ví dụ bây giờ lớn như thế này
mà bảo mình chui vào trong bụng mẹ, mình có chịu không, chắc chắn là
mình không chịu, mặc dù mình rất thương mẹ.
Ngài nói: Chết là khổ. Mình ưa sống, nhưng lại bị chết và cái chết đến không biết khi nào, cho nên bị chết là khổ.
Giữa
đời này có mấy ai được sinh và có mấy ai được chết. Toàn là sống và
chết một cách thụ động, không biết khi nào bị sinh ra và không biết lúc
nào bị chết đi. Cuộc sống vì thế luôn ở trong trạng thái lo âu và sợ
hãi.
Cho nên, mình tin vào lời Phật dạy rằng, chúng sinh bị
sinh, bị già, bị bệnh, bị chết là đúng. Đức tin này do cái thấy thực tế
đem lại.
2 - Niềm tin có từ sự suy nghiệm: Có nhiều người nói rất
khoa học: cái gì thấy tôi mới tin, không thấy thì không tin. Câu nói đó
đúng, nhưng chỉ trong giới hạn một chừng mực nào đó mà thôi. Có bệnh
nhân nào thấy vi trùng lao không? Ngay cả bác sĩ chữa bệnh lao có thấy
vi trùng lao không? Thực sự chỉ có những nhà nghiên cứu về vi trùng lao
mới thấy và biết rõ về vi trùng lao. Bác sĩ có thể chữa lành bệnh lao
là do có kinh nghiệm về bệnh ấy, nên bác sĩ nói thì bệnh nhân sẽ tin.
Niềm tin này là do sự suy nghiệm mà phát sinh.
Có vị hỏi: có
thế giới Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà không? Lời Phật dạy: có cái này
thì có cái kia, có thế giới này thì có thế giới kia. Cho nên, có thế
giới Ta Bà thì có thế giới Tịnh Độ, có Phật Thích Ca Mâu Ni, thì có
Phật A Di Đà. Có Phật ở cõi này thì có Phật ở cõi kia. Có Nam bán cầu
thì có Bắc bán cầu, có Đông thì có Tây, có trên thì có dưới, rõ ràng
như vậy thôi, có gì là khó hiểu !
Thực ra, không phải chỉ có
thế giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà, mà còn có vô số thế giới Tịnh độ
ở phương Tây.Cảnh giới Tịnh độ của đức Phật A Di Đà chỉ là một trong
vô số cảnh giới Tịnh độ ở phương Tây mà thôi. Các phương khác cũng vậy.
Ngay ở thế giới Ta bà này cũng có vô số thế giới Tịnh độ, chứ đâu phải
chỉ toàn là khổ đau thôi đâu.
Riêng thành phố Huế thôi cũng có
vô số thế giới Tịnh độ. Mỗi người là một cảnh giới Tịnh độ. Có những
gia đình nghèo khổ tan tác toàn mặc áo rách áo vá, nhưng cũng có những
gia đình người ta sống rất hạnh phúc. Có những người đụng đâu khổ đó,
đụng đâu bất mãn đó, nhưng cũng có những người rất là an lạc thảnh
thơi.
Chính vì vậy, niềm tin phải được soi rọi bằng trí tuệ,
thì niềm tin đó mới không bị lung lay. Niềm tin phát sinh bằng sự suy
nghiệm, tức là từ sự biết học hỏi và từ sự biết lắng nghe. Biết lắng
nghe rồi, lại phải biết chiêm nghiệm và sau khi chiêm nghiệm rồi, lại
phải biết áp dụng vào trong đời sống.
3-Niềm tin phát sinh từ
sự thực nghiệm: Nghe, chiêm nghiệm, rồi đem áp dụng vào đời sống của
mình. Nhờ sự thực tập đời sống mỗi ngày mà niềm tin được lớn mạnh và
bản thân mình cũng lớn mạnh theo với niềm tin đó. Ví dụ, người bị bệnh,
biết bệnh, chẩn đoán trúng bệnh, sắc thuốc uống rồi thì bệnh lành.
Chúng
ta phải tu tập hàng ngày để niềm tin của chúng ta ngày mỗi lớn mạnh,
trí tuệ ngày mỗi sắc bén và sâu thẳm hơn. Nếu niềm tin không lớn lên từ
sự thực tập, thì trí tuệ làm sao có. Chúng ta cần có trí tuệ chứ không
phải là trí thức quý vị ạ. Trí thức khác trí tuệ một trời một vực. Có
trí thức mà không có trí tuệ vẫn khổ đau, và vẫn chưa vượt ra khỏi cái
tầm thường của thế tục, dù họ có cả chục bằng tiến sĩ đi nữa. Vì vậy, tu
tập là nuôi dưỡng đức tin, để từ đức tin đó, trí tuệ được phát sinh.
Vừa rồi quý vị xem tivi có biết trường hợp một ông giáo sư tiến sĩ lại
làm tình với một em bé 13 tuổi 4 tháng. Học hành cho đến học vị tiến sĩ,
được xã hội công nhận là trí thức, nhưng có vượt ra khỏi cái dục vọng
tầm thường phi luân lý như vậy đâu! Cho nên, trí thức chưa là cái gì
cả, trí thức không đủ khả năng chế ngự được dục vọng, mà chỉ có trí tuệ
mới có khả năng làm thay đổi cái thấp kém và nâng cái thấp kém đó đi
lên. Người Phật tử không ham cầu trí thức, người Phật tử nếu có mơ ước
thì mơ ước có được trí tuệ. Trí tuệ đó có gốc rễ từ niềm tin, phát sinh
do sự thực tập giới và định. Niềm tin phát xuất từ sự thực nghiệm và
trí tuệ, mới là niềm tin đích thực, bởi vì niềm tin đó có khả năng chế
ngự dục vọng.
Một người nữ có thể họ không học trường lớp nào cả,
nhưng họ có niềm tin sâu sắc đối với Phật Pháp Tăng. Họ sống cuộc đời
rất đẹp, đẹp lắm và những hành xử của họ rất dễ thương mà một đôi khi
người có hai, ba bằng tiến sĩ cũng không thể so sánh bằng được. Có vị
Phật tử sống trong gia đình với người giúp việc, khi dọn cơm lên người
giúp việc bưng chén kiểu bị té, và vị đó đã không la đứa bé đó, vị đó
chỉ hỏi: “Con có can gì không? Chén bể không quan trọng, con không can
chi là tốt rồi!”
Để có được hành xử như vậy phải là người có
trí tuệ, trí tuệ có được từ niềm tin tam bảo. Trong trường hợp đó, nếu
những người có trí thức mấy đi nữa, nhưng không có được niềm tin thì sẽ
hành xử cách khác, có thể người đó bước tới và tát tai em bé và mắng:
“Đồ vô ý vô tứ, cái chén người ta quý như thế đó mà để cho bể.” Thực
sự, cái chén đâu quý bằng con người. Con người đang bị té, đang đau nằm
đó không hỏi, lại đi hỏi cái chén đã bể chưa! Hỏi như vậy thuộc về
những người tranh danh đoạt lợi tầm thường giữa đời, chứ không thuộc về
người có niềm tin. Một người có đức tin trong sáng và từ đức tin trong
sáng đó trí tuệ phát sinh, người đó có đời sống rất đẹp, đẹp vô cùng.
Người có niềm tin và trí tuệ phát sinh từ sự thực nghiệm, là người biết
áp dụng lời Phật, lời Tổ và lời các bậc Thánh hiền trong đời sống hàng
ngày của mình. Nhìn vào dáng đi, cách ngồi, cách nói cười, mình có thể
biết được người đó có niềm tin và trí tuệ hay không, mà không cần phải
hỏi người đó học trường lớp nào, học ngang đâu.
4-Niềm tin
phát sinh từ lời nói của các bậc Thánh trí: Là người phàm tục, mình đâu
có biết vô thường là gì nên mọi việc mình đều cho là thường hết. Phật
dạy: “Các pháp vô thường, thế gian vô thường, chế độ chính trị nào cũng
dễ sụp đổ.” Cái biết đó là cái biết của Phật, của Tổ, của Thánh hiền.
Mình tin vào lời dạy của quý ngài mà ra sức thực tập, khởi tâm buông
xả, tâm không bám thủ vào bất cứ cái gì, nhờ đó mình có được hạnh phúc,
an lạc.
Đối với phàm tục, ta nhìn cái gì cũng thấy thường cả.
Làm ra cái nhà mình nói cái nhà của mình là thường, nhưng thực ra cái
nhà của mình cũng là vô thường thôi à. Nay chủ này, mai chủ khác, bản
thân cái nhà rồi cũng sẽ sụp đổ, bởi vì vô thường là tự tính của vạn
hữu. Không ai làm cho mình chết, nhưng rồi tự mình cũng phải chết, vì
cái vô thường nó thuộc về ở nơi mỗi chúng ta. Chúng ta biết được như
vậy là nhờ Phật, nhờ Tổ, nhờ các bậc Thánh trí nói lại. Chúng ta tin
như vậy, thực tập như vậy, và hành xử đúng như vậy, cho nên chúng ta là
những người có niềm tin và trí tuệ. Đối với thế gian này, có những
người đến gần chết rồi mà vẫn còn ôm nhà ôm cửa, ôm bạc ôm tiền. Họ nói
không được nữa, mắt họ cũng không còn thấy gì nữa, nhưng tay họ thì cứ
mò mẫm nắm bắt . Hạt giống chấp thủ là hạt giống lâu đời, lâu kiếp, nó
tàng trữ trong tâm thức và chúng luôn luôn biểu hiện theo nghiệp chủng
vậy.
ý thức được vô thường và nói ra trên mặt ngôn ngữ, chưa quan
trọng, ta phải ý thức được sự vô thường đó bằng chính sự thực tập của
mình. áp dụng sự hiểu biết về vô thường trong đời sống của mình, tức là
người đó có đời sống vô trú, không bám víu bất cứ đối tượng nào và bất
cứ cái gì. Nó đến thì chấp nhận nó đến, nó đi thì chấp nhận nó đi, đón
nhận cái đến, cái đi một cách rất bình thản. Thực tập được như vậy mới
là người có niềm tin và trí tuệ. Niềm tin và trí tuệ đó do cái thấy mà
phát khởi, do suy nghiệm mà phát khởi, do thực tập mà phát khởi, do
nghe lời dạy của chư Phật, của chư Tổ, của các bậc thánh hiền, của các
bậc thiện tri thức mà mình phát khởi.
Biết như vậy, thấy như vậy, sống như vậy, hành xử như vậy, đó là công trình thực tập niềm tin và trí tuệ.
-Tin và hiểu sâu rộng:
Niềm tin của người Phật tử là gì? Đó là tin Phật, tin Pháp, tin Tăng,
tin Giới và sâu thẳm hơn nữa là tin rằng, mình có Bồ đề tâm và tin rằng
hết thảy chúng sanh đều có khả năng thành Phật. Đó là đức tin của người
Phật tử Đại thừa.
Vì tin rằng mình có Bồ đề tâm, có khả năng thành
Phật, nên mình phải nuôi dưỡng Bồ đề tâm đó trong sự đi, đứng, nằm,
ngồi, nói, cười, thở vào, thở ra, ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ,... Sự
phát khởi Bồ đề tâm đó ở nơi cái gì? ở nơi các động tác của thân, ở nơi
các cảm thọ, ở nơi các tâm hành và ở nơi nội pháp cũng như ngoại pháp
của mình.
Người Phật tử có đức tin Đại thừa thì người đó tin
như thế nào? Người đó tin tất cả chúng sinh đều có khả năng thành Phật,
cho nên không khinh bất cứ một ai. Người đó tìm cách gần gũi, thân cận
mọi người để tạo điều kiện cho họ phát khởi được Bồ đề tâm, nuôi dưỡng
được Bồ đề tâm, làm cho Bồ đề tâm đó lớn mạnh trong gia đình của họ,
dòng họ của họ, quê hương xứ sở của họ. Bởi vậy, Phật giáo đi tới quốc
gia nào, thì gắn liền với quốc gia đó để nuôi lớn quốc gia đó trong
chiều hướng tốt đẹp. Đạo Phật có mặt trong làng xóm nào, thì làm cho
làng xóm đó đẹp lên, lớn mạnh lên và có giá trị lên. Đạo Phật có mặt ở
trong gia đình nào, thì gia đình đó thật sự có được chất liệu đạo đức
và nuôi dưỡng được Bồ đề tâm ở trong gia đình đó. Cha ra cha, mẹ ra mẹ,
con ra con, chồng ra chồng, vợ ra vợ, ai cũng nỗ lực phát triển Bồ đề
tâm của mình, phát triển Phật tính của mình và hỗ trợ cho nhau cùng
phát triển Bồ đề tâm. Như vậy, gia đình đó là rất đẹp, gia đình đó trở
thành gia đình Tịnh độ.
Bởi vậy, trong công cuộc chấn hưng Phật
giáo vào thời cận đại, các Thầy Tổ, các Hòa thượng của mình đã đưa ra
chương trình gọi là Gia Đình Phật Hóa Phổ. Phật Hóa Gia Đình là tên gọi
đầu tiên của GĐPT. Đức tin đại thừa liên kết lại những con người có Bồ
đề tâm hỗ trợ cho nhau và nuôi lớn Bồ đề tâm đó cho nhau, từ đời sống
bản thân đến đời sống gia đình. Từ bản thân đẹp, gia đình đẹp, thì xã
hội đẹp. Từ đó ta mới xây dựng một quê hương Tịnh độ trên đất nước này,
trên dân tộc này, trên thế giới Ta bà này. Ta bà cũng có thể thành
Tịnh độ, khi mà tất cả chúng ta có đức tin đại thừa, biết nuôi dưỡng và
phát triển đức tin đại thừa đó.
Đức tin Đại thừa chính là đức
tin của trí tuệ, là đức tin biết hiến tặng tình thương rộng lớn và cao
cả đến cho hết thảy mọi người, mọi loài.
Có người nông dân giỏi
làm ruộng, khi mùa gặt đến ông ta gặt hái được hơn hai trăm thùng lúa,
chất đầy cả nhà, nhưng công sức bỏ ra hết sức vất vả và khổ cực. Rồi
khi có biến cố lụt lội, người nông dân giàu có ấy phải hì hục chuyển
lúa lên cao, lỡ như giặc giã đến, họ cũng vất lúa đó mà chạy, có giỏi
thì gánh đi vài thùng, chứ không thể gánh hết được.
Trái lại,
cái giàu của người thành phố, họ có một hột xoàn bỏ trong túi thôi. Nhà
cửa rộng thênh thanh, hột xoàn lại có giá trị gấp trăm nghìn thùng
lúa, nhưng không ai biết. Khi cần họ bỏ hột xoàn vào trong chéo áo và
đi như một người ăn xin vậy. Đi đâu thì đi, tới đâu an toàn thuận lợi
thì bán ra mua nhà cửa,...
Cũng vậy, cái giàu có của người có
đức tin, nhưng đức tin sai lạc với chánh pháp, không phải đức tin Đại
thừa, cũng giống như cái giàu của người nông dân vậy.
Người
giàu có đức tin Đại thừa tức là người biết rằng, mình có Phật tính. Đi
đâu cũng phát triển và nuôi dưỡng Phật tính đó, thì ở đâu họ cũng có
tịnh độ, ở đâu họ cũng có thân hữu, có bạn bè và ở đâu họ cũng gặp được
Phật Pháp Tăng hết.
Đức tin của người Phật tử Đại thừa là đức
tin vĩ đại. Trí tuệ của người Phật tử Đại thừa là trí tuệ vĩ đại, trí
tuệ có gốc rễ từ niềm tin của Bồ đề tâm. Chúng ta phải tu tập làm sao
để đức tin đó luôn có mặt trong đời sống của chúng ta.
- Con đường thực nghiệm:
Tôi rất thích bài thi kệ thiền tập sau đây:
ý về muôn vạn nẻo
Thiền lộ tâm an nhiên
Từng bước gió mát dậy
Từng bước nở hoa sen.
ý ta đang dong ruổi từ muôn vạn nẻo, ta đưa nó trở về với tâm duy nhất
của mình trong từng giây phút của sự sống, thì bất cứ con đường nào ta
đang đi, cũng đều là con đường của thiền hành cả. Ta đi với tâm an
nhiên, với tâm có chánh niệm tỉnh giác, nên khi ta đi trên vạn nẻo đường
của quê hương, thì vạn nẻo đường trên quê hương ấy, đều là vạn nẻo
đường của thiền hành. ý bị trói buộc trong tam giới, nhưng mình đi với
tâm an nhiên, bằng chất liệu của tâm chánh niệm tỉnh giác, thì tất cả
nẻo đường trong tam giới cũng đều trở thành đạo tràng và thiền lộ. Hoa
sen nở trong biển lửa là vậy. Mỗi bước đi làm gió mát trổi dậy, mỗi bước
đi làm nở hoa sen, tức là sự giác ngộ có mặt trong từng bước chân đi
và trong từng hơi thở của sự sống.
Bước chân chỉ là tiêu biểu
thôi, chứ mỗi bước chân hay mỗi thế ngồi, mỗi thế đứng hay mỗi thế nằm,
mỗi thế ăn hay mỗi hơi thở ra vào,... tất cả những cái đó, chúng ta
đều phải thực tập sao cho tất cả đều nở hoa sen và những động tác đó
phải là những động tác của niềm tin trí tuệ.
Vậy, xin quý vị
hãy thực tập hết lòng trong mọi lúc, mọi nơi, để lúc nào cũng là lúc
của an lạc, niềm tin và trí tuệ; để nơi nào cũng là nơi của niềm tin,
an lạc và thảnh thơi. Chúng ta thực tập được như vậy, thì chắc chắn
Tịnh độ không phải là một ước mơ, Niết bàn không còn là một sự hứa hẹn
hão huyền và Phật không phải là một cái gì đó không thể đạt tới, mà tất
cả đều có thể có mặt trong đời sống của chúng ta và chúng ta có thể
đạt tới bây giờ và ở đây.
Học trò: Nhuận Hạnh Châu và Nhuận Khánh Như
kính ghi từ băng giảng.
Thích Thái Hòa