Chùa Bửu Minh



images.jpg LỜI NÓI ĐẦU
Tổng tập Văn học Phật giáo Việt Nam 3 dành trọn quyển cho việc in lại tác phẩm Thiền uyển tập anh cùng phần nghiên cứu, bản dịch và chú thích của chúng tôi, mà trước đây đã từng được xuất bản. Việc dành tập 3 cho Thiền uyển tập anh này tất nhiên không đáp ứng hoàn toàn tiêu chí sắp xếp do chúng tôi đã đề ra trong Tổng tập 1, đó là “sắp xếp các tác phẩm Văn học Phật giáo Việt Nam theo niên đại ra đời của các tác gia, tác phẩm từ khi Phật giáo truyền vào nươc ta cho đến thế kỷ XX”.


Lý do nằm ở chỗ Thiền uyển tập anh ra đời sớm lắm thì cũng từ năm 1337, tức là sau các tác giả như Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Trần Nhân Tông v.v… rất nhiều, mà phần lớn thuộc vào thế kỷ thứ XIII. Thêm vào đó, nếu chấp nhận giả thiết của chúng tôi về tác giả Thiền uyển tập anh là thiền sư Kim Sơn, thì niên đại càng muộn màng hơn nữa, vì Kim Sơn phải sống cho tới lúc vua Trần Minh Tông mất vào năm 1357.

Tuy thế, vì Thiền uyển tập anh là một tác phẩm tập hợp các tư liệu liên hệ với giai đoạn Phật giáo từ khi Sáu lá thư ra đời cho đến lúc vua Trần Thái Tông lên ngôi. Cho nên, về một mặt nào đó, ta có thể coi Thiền uyển tập anh như một đại biểu cho văn học Phật giáo Việt Nam của giai đoạn ấy. Đó là nguyên do tại sao chúng tôi đã đưa Thiền uyển tập anh vào Tổng tập 3 này.

Trong lần in lại đây, chúng tôi cho bổ sung một số dữ kiện mới phát hiện được. Thứ nhất, về người đứng in bản in 1715 là thiền sư Như Trí, chúng tôi đã thu thập được một số thông tin về vị thiền sư này cùng những người đệ tử của ông, mà trước đây chưa có. Đó là Tiêu Sơn Thiên Tâm tự cúng tổ khoa, trong ấy ta tìm thấy thiền sư Như Trí được kể ra như một vị trú trì của chùa Thiên Tâm tại Tiêu Sơn. 

Tên của thiền sư Như Trí này cũng được kết liên với thiền sư Như Trúc (1691-1735) và được coi là thầy của Như Trúc. Tiểu sử của Như Trúc khắc trên tháp Tâm Hoa tại chùa Bút Tháp ở thôn Bút Tháp xã Thuận Thành tỉnh Bắc Ninh cho biết Như Trúc là đệ tử của Như Trí của chùa Thiên Tâm ở Tiêu Sơn. Sau khi Như Trí tịch, ông đã đến chùa Đông Sơn, 5 năm sau lại đến Long Động, rồi về trụ trì chùa Bút Tháp 13 năm thì mất.

Thế có nghĩa Như Trí mất lúc in Thiền uyển tập anh xong không lâu, bởi vì Như Trúc chỉ sống được 45 tuổi ta và thời điểm ông bắt đầu đến chùa Đông Sơn khoảng vào năm 1717, nếu tính thời gian ông ở Đông Sơn và Bút Tháp cọng lại khoảng 18 năm, trừ năm ông mất là 1735. Vậy, Như Trí có thể mất vào năm 1717.

Thứ hai, từ việc phát hiện Như Trí từng làm trú trì tại chùa Thiên Tâm tại Tiêu Sơn, ta mới biết thêm thông tin về bản đáy, mà An Thiền đã dùng để in lại Thiền uyển tập anh trong thế kỷ thứ XIX, đặc biệt khi An Thiền ghi chú trong bản in mình là đã dựa vào “Tiêu Sơn cựu bản”. Như thế, Tiêu Sơn cựu bản chính là bản gỗ cũ chùa Tiêu Sơn. Và đã là bản gỗ cũ chùa Tiêu Sơn thì rõ ràng phải do Như Trí đứng in, vì Như Trí đã từng là trụ trì của chùa Tiêu Sơn này. Do đó, ta không còn nghi ngờ gì về nguồn gốc bản đáy của bản in đời Nguyễn và bản gỗ cũ chùa Tiêu Sơn chỉ bản nào.

Thứ ba, đồng thời với việc phát hiện một số thông tin liên hệ đến nhân thân và niên đại của Như Trí, qua việc nghiên cứu Hương Hải thiền sư ngữ lục cùng với một số văn bia liên hệ, ta biết thêm những đệ tử của Như Trí đã tham gia vào việc đứng in bản in năm 1715 như Tính Nhu và Tính Phụng là thuộc dòng thiền của Minh Châu Hương Hải. Từ đó, dù Như Trí không thấy được ghi vào trong Hương Hải thiền sư ngữ lục, ta vẫn có thể chắc chắn Như Trí thuộc dòng thiền này.

Thứ tư, về những dữ kiện chứng tỏ Thiền uyển tập anh là một tác phẩm đời Trần, chúng tôi đưa thêm sự kiện chống quân xâm lược Tống của vua Lê Đại Hành mà cả Thiền uyển tập anh lẫn Đại Việt sử lược đều ghi nhận là xảy ra vào năm Thiên Phúc thứ nhất (981), chứ không phải vào năm Thiên Phúc thứ hai như Đại Việt sử ký toàn thư 1 tờ 14a1 đã ghi.

Trên đây là một số những bổ sung mới cho bản in lại Thiền uyển tập anh lần này. Ngoài ra, chúng tôi cũng cho sửa chữa lại những thiếu sót và sai lầm in ấn do những lần in trước gây ra, mà chưa khắc phục được. Cụ thể là truyện Từ Đạo Hạnh trong lần in năm 1999 đã in sót cả một đoạn nguyên chú liên hệ với Đạo Hạnh trong Quốc sử. Từ việc in sót này, dẫn tới sự in thiếu các chú thích số (22) và (23) có trong phần chú thích. Không những in sót và thiếu, các bản in trước còn có in sai. Chẳng hạn, thế hệ thứ 12 của dòng thiền Pháp Vân thì bị in sai thành thế hệ thứ 7. Những sai sót vừa nói, hy vọng lần in này sẽ được khắc phục một phần nào.

Vạn Hạnh

Tiết hạ nguyên năm Tân Tỵ (2001)

Lê Mạnh Thát


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage