Cậu ít tuổi, tinh nghịch,
Nhưng được mọi người chiều,
Nên đôi khi nói dối,
Kiểu trẻ con, đáng yêu.
Một hôm Phật bảo cậu:
“Con hãy mang ra đây
Một chậu nước thật sạch
Để ta rửa chân tay.”
Cậu mang chậu nước đến.
Đức Phật rửa chân xong,
Hỏi cậu có muốn uống
Nước trong chậu này không.
Cậu lắc đầu, từ chối,
Nói nước bẩn, và Ngài
Bảo cậu bê đi đổ
Rồi dẫn cậu ra ngoài:
“Giờ thì con đã thấy,
Nước bẩn không ai xin.
Cũng vậy, khi nói dối,
Miệng bẩn, không ai tin!”
La Hầu La chợt hiểu,
Từ đó chẳng bao giờ
Còn nói dối thêm nữa,
Dẫu đáng yêu, ngây thơ.
Một hôm, Ngài ngồi nghỉ
Dưới bóng mát hàng cây
Rồi gọi con trai đến,
Nhẹ nhàng nói thế này:
“Con hãy học ở đất
Sự nhẫn nhục, khiêm nhường.
Đất lặng lẽ chấp nhận
Cái xấu xa, tầm thường.
Bị người ta vứt bẩn,
Hay khạc nhổ, không sao,
Đất thản nhiên chịu dựng,
Không nói một lời nào.
Và khi vụ mùa đến,
Đất trao tặng cho đời
Những bông lúa trĩu nặng,
Những cành hoa xinh tươi.
Hơn thế, con phải học
Để làm sao trong con
Có Từ Bi Hỷ Xả
Để sống có tâm hồn.
Có Từ để đối Giận,
Vì Từ là Tình Thương
Của con với người khác
Ở đời này vô thường.
Có Bi để đối Ác,
Vì Bi là khi con
Làm vợi đau người khác,
Mà không cần đền ơn.
Có Hỷ để đối Ghét,
Vì Hỷ là thật lòng
Mừng người khác hạnh phúc,
Cầu cho họ thành công.
Có Xả để tha thứ
Những lỗi lầm của người.
Xả giúp con thanh bạch,
Sống có ích cho đời.
Vậy Từ Bi Hỷ Xả
Là Tứ Vô Lượng Tâm.
Có được bốn cái ấy,
Con và Phật ngang tầm.
Lại nữa, con phải hiểu
Về cái luật Vô Thường,
Để xua cái Tham Dục,
Để ngự trị Tình Thương.
Vạn vật luôn thay đổi.
Có mà lại như không.
Không mà lại như có.
Hãy ghi nhớ trong lòng”.
2. Những thí dụ thâm sâu
Đức Phật, như ta biết,
Khi giảng đạo cho người,
Đưa ra nhiều thí dụ
Thâm sâu và dạy đời.
Đó là những câu chuyện
Sinh động và thông minh
Giúp người nghe chiêm nghiệm,
Rút bài học cho mình.
Ngài nói, sẽ vô ích
Nếu ta muốn giúp đời
Mà tự mình không muốn
Tu dưỡng để thành người.
Chẳng khác gì đêm tối
Đèn của ta hết dầu
Mà ta muốn chiếu sáng
Giúp người khác qua cầu.
Nấu canh ăn cũng vậy,
Canh không bao giờ sôi
Khi bếp không có lửa,
Khuấy mãi cũng thế thôi.
Những ai trong cuộc sống
Tìm cái vui nhất thời
Ngài ví như con trẻ
Còn nhỏ tuổi, ham chơi.
Chúng thích liếm mật ngọt
Trên lưỡi dao - điều này
Sẽ làm chúng sớm muộn
Cũng đứt môi, đứt tay.
Cuộc đời là bể khổ,
Ngài dạy thế nhiều lần.
Khổ vì Lão, Bệnh, Tử,
Khổ vì Tham, Si, Sân.
Cuộc đời là đêm tối,
Bốn xung quanh màu đen.
Chỉ ít giây sung sướng
Khi tia chớp lóe lên.
Ngài bảo các đệ tử:
“Hãy nhìn kìa, bầy sâu
Đang ăn quả táo thối.
Mà cắn xé, tranh nhau.
Chúng tưởng chúng hạnh phúc
Ăn thứ nhơ bẩn này.
Ta, người thường, thấy chúng
Là loài đáng thương thay.
Còn những người giác ngộ
Thì thấy người vô minh
Như sâu ăn táo thối,
Rất hài lòng với mình.”
Để răn người keo kiệt
Và tham lam trên đời,
Ngài kể một câu chuyện
Rằng xưa có một người
Bỗng nhiên bị mất hết
Cả nhà cửa, ruộng đồng,
Rồi vợ con cũng chết,
Cuối cùng trơ tay không.
Hơn thế, do khinh xuất
Ông bị giam suốt đời.
Vậy mà lạ, ở đấy
Ông thấy mình thảnh thơi,
Thậm chí còn hạnh phúc
Vì thấy mình tự do.
Không còn gì để mất,
Nên không gì để lo.
Thế đấy, Đức Phật dạy,
Chính vì lo làm giàu
Và vì lo giữ của
Mà con người khổ đau.
Một người hỏi Đức Phật:
Để đạt được chân thiền,
Vì sao cứ nhất thiết
Phải ngồi lâu, ngồi yên?
Ngài sai lấy chậu nước
Nhúng tay, quấy một vòng,
Ôn tồn hỏi người ấy:
“Con có thấy gì không?”
“Bạch, không, chỉ thấy nước.”
Chờ nước lặng. Vỗ vai,
Ngài nói: “Con nhìn lại.”
“Bạch thầy, con thấy Ngài!”
“Giờ chắc con đã hiểu
Để đạt được chân thiền,
Vì sao phải im lặng
Ngồi lâu và ngồi yên.”
Ngài nói, mưa chỉ một,
Và chia đều cho nhau:
Bãi cỏ và vườn thuốc,
Ruộng lúa và nương dâu.
Nhưng các cây hút ẩm
Lại rất khác, thế là
Có loài thì lụi chết,
Có loài lại ra hoa.
Có loài thì biết hút
Tinh túy của đất trời
Để thành cây thuốc quí
Giúp chữa bệnh cho người.
Cũng vậy, giáo lý Phật
Không phân biệt nghèo giàu,
Dòng dõi và đẳng cấp.
Ai cũng hưởng như nhau.
Thế mà có người ngộ,
Có người vẫn vô minh,
Có người không thoát khổ,
Có người giải phóng mình.
Có người đi theo đạo
Để hành đạo giúp đời.
Cũng có người theo nó
Để phá đạo, hại người.
Thái Bá Tân