Chùa Bửu Minh

NSGN - Vọng tưởng, là từ chỉ chung cho những gì xuất hiện trong tâm ngoài cái biết của mình.
 Ngày tôi mới theo Hòa thượng học thiền, tôi nhặt được một chú mèo con còn chưa mở mắt. Tôi nuôi nó bằng ống kim với sữa bò cho đến ngày nó lớn. Lần nào nó sinh, tôi cũng phải ngồi vuốt lấy sống lưng cho nó

. Nó hiền lành dễ thương. Nuôi 3 đứa con mà còn kiêm luôn 3 đứa cháu. Nhưng chưa được mấy ngày thì nó bị người ta thuốc chết. Tôi tìm thấy xác nó ở gầm xe. Máu còn loang nơi khóe miệng. Mắt mở trừng trừng, 6 đứa con khát sữa kêu inh ỏi. 

Tôi đau trong lòng. Tôi khóc không được. Nghĩ đến hình bóng cứng đờ của nó dưới gầm xe là ruột tôi quặn lên. Mọi người xúm lại bàn tán. Kẻ hít hà thương cảm lũ con chưa mở mắt đã mồ côi mẹ. Người nguyền rủa kẻ sát nhân sao ra tay tàn ác. Người thắc mắc vì sao nó không ăn ở nhà, lại đi kiếm ăn ở đâu để chết quá thảm thương. Nghe chừng nào ruột tôi quặn lên chừng đó. Cộng thêm hình ảnh trừng mắt của nó... Không thể nào chịu nổi! 

Tôi cấm không ai được nhắc đến con mèo dù chỉ một sợi lông, để cắt duyên bên ngoài. Trong, tôi không cho mình suy nghĩ. Đầu tôi không có hình ảnh. Không một suy niệm nào về con mèo được tái hiện. Tôi trừng trừng với nỗi đau của riêng mình trong một không gian yên lắng.

Phép màu đã xảy ra...

Ngay cái chỗ đang đau đó, một cảm giác an lạc xuất hiện xóa tan mọi đau đớn. Tài Chi Hòa thượng nói “Phiền não tức bồ-đề”. Ngay nơi “phiền não” có một cái “không phiền não”. Chính là bồ-đề. Bồ-đề là giác. Giác hiện tiền thì thanh lương an lạc, phiền não không còn.    

Thiệt ngoài đời…

Sự đau khổ của mình thực ra không có gì lớn lao. Đều do cái tưởng của mình quá nhiều. Đau ít nhưng do tưởng mà đau nhiều. Do tưởng mà mọi việc thành khổ đau. Bởi vậy, tai họa nhất cho những người mất người thân là cứ ôm tới ôm lui mớ kỷ niệm của người chết. Hôm nay lật album ra coi. Ngày mai lại nghĩ về những êm đềm ngày xưa… Đó là cái duyên khiến sự đau khổ của mình kéo dài. Phải biết vất bỏ những gì cần vất bỏ. Thiền sư Sessan nói một câu rất hay Ai vọng tưởng nhiều và phân biệt nhiều thì đau khổ nhiều. Nhưng năng lực khiến ta lầm lẫn đau khổ cũng chính là năng lực làm ta tỉnh giác và an lạc(1). Quả tình, không có đau khổ thì không bao giờ biết tập tỉnh giác và nếm được mùi vị của sự an lạc. 

Vọng tưởng, là từ chỉ chung cho những gì xuất hiện trong tâm ngoài cái biết của mình. Nó chỉ chung cho các trạng thái như vui, buồn, thương, ghét, ham thích, quan niệm, suy nghĩ, v.v… Loại vọng tưởng mà Thiền sư Sessan nói, là loại vọng tưởng dung thông. Dung thông là nghe cái này mà tưởng đến cái kia. Nghe nói đến nước là lập tức hình dung ra cái tướng lõng bõng của nó. Nghe đến me là nước miếng chảy ra. Người vọng tưởng nhiều là người có phần ý thức phân biệt hoạt động lanh lẹ, thuộc loại “nghe một hiểu mười”. Thiên hạ hay dùng từ nhạy cảm để chỉ cho việc này. “Kẻ mất búa nhìn đâu cũng thấy người trộm búa”, là một trong những dạng của vọng tưởng dung thông. Nói xuôi nói ngược đâu đâu, mình cũng tưởng người ta nói mình. Người ta nói cái này mình liên tưởng đến cái kia. Mình ít chịu dừng sự hiểu biết của mình vừa đúng câu người ta nói. Mình ít ghi nhận vừa đúng những gì đang xảy ra mà thường bị tình trạng các thiền sư hay nói: “Đầu lại thêm đầu”. 

Con mèo chết. Ừ thì con mèo chết. Nếu chỉ có chừng đó thôi thì mình sẽ không có sự đau khổ. Mình đau khổ vì trong đầu mình xuất hiện bao nhiêu thứ khác nữa. Hình ảnh đọng lại của con mèo. Nó chết bỏ lại đàn con. Còn nhỏ mà mất mẹ quá sớm. Chết oan thành mắt mở trừng trừng. Chết cũng gắng lết về nhà mà chết, v.v… Ôm mớ vọng tưởng như thế thành sinh phiền não. Con mèo chết là con mèo chết. Biết chừng đó là đủ. Đừng có dung thông thêm bớt chi nữa thì không phiền não. Nhưng do tập quen nhiều đời. Thứ này dung thông thứ kia. Một chuyện gì xảy ra, dung thông lập tức hoạt động náo nhiệt. Mình thành nạn nhân của sự đau khổ chỉ vì để cho cái tưởng hoạt động quá mạnh.

Con gái mua về mấy tai yến bảo mẹ nấu cho con dâu ăn. Nghe vậy mà làm y vậy thì yên. Mệt, thì bảo con dâu tự làm, cũng yên. Cuộc sống đơn giản, hạnh phúc. Nhưng vì có chàng vọng tưởng dung thông nên trong đầu nổi lên rất nhiều suy nghĩ: “Cha mẹ già không biết nghĩ tới. Còn bảo mẹ phải nấu cho dâu ăn, v.v…”. Phiền não lập tức xuất hiện. Không biết và không thường quán tâm để thấy “đầu lại thêm đầu”, thì chuyện đương nhiên không dừng ngang đó. Đơn giản trở thành rối rắm. Hoặc vừa nghe “Bà đọc dùm tui cái này coi có hiểu không?”. Nghe sao cứ y theo đó mà làm thì không có gì xảy ra. Hiểu thì nói hiểu. Không thì nói không. Nhưng tật của mình là hay dung thông. Mình nghĩ đến việc hắn chê mình ngu. Liền nổi lồ cồ. Không thì để bụng làm duyên, khởi tiếp tập hai, tập ba. U tối hết cả.

Chuyện thế gian có khi thành to tát không hàn gắn được, chỉ vì để cho vọng tưởng dung thông dẫn dắt. Vịt trời chắp cánh tha hồ, có khi không do người ta muốn thêm, mà do cái tưởng dung thông hoạt động quá mạnh. Người ta tưởng vậy và nói lại vậy, không do cố ý. Qua ba bốn tầng vọng tưởng, vịt trời con nào con đó to đùng.

Một lần, Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ Lỗ sang Tề. Thời Đông Chu, chiến tranh liên miên, các nước chư hầu loạn lạc, dân chúng phiêu bạt điêu linh. Thầy trò Khổng Tử cũng lâm vào cảnh rau cháo cầm hơi. Có khi đói khát mấy ngày. Tuy vậy, không ai kêu than thối chí.

Ngày đầu đến Tề, có nhà hào phú đem biếu thầy trò ít gạo. Khổng Tử phân công Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau. Nhan Hồi đảm nhận thổi cơm. Thời buổi khó khăn, cũng cần đến người quân tử thổi cơm cho chắc. Khổng Tử yên tâm đọc sách nhà trên. Cách một sân nhỏ. Đối diện nhà bếp Nhan Hồi thổi cơm. Bỗng nghe tiếng “cộp” từ bếp vọng lên, Khổng Tử liếc mắt nhìn xuống. Ông thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm, nắm lại từng nắm đưa cơm lên miệng. Khổng Tử thở dài, ngửa mặt lên trời than rằng: “Chao ôi! Học trò quý nhất của ta mà lại ăn vụng thầy bạn. Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nó tiêu tan”. Sau đó, Tử Lộ cùng các môn sinh hái rau mang về. Nhan Hồi luộc rau. Khổng Tử vẫn nằm đau khổ. Rau chín, môn sinh mời thầy dùng cơm.

Khổng Tử ngồi dậy nói rằng: “Chúng ta đi từ Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy thấy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc đói khổ, các con vẫn giữ lòng thành. Ngày đầu tiên đến đất Tề lại may mắn được bữa cơm, khiến thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, cha mẹ. Muốn xới ít cơm mang cúng, các con thấy có nên không?

Chỉ trừ Nhan Hồi, còn lại đều chắp tay thưa:

- Thưa thầy, nên ạ!

- Không biết nồi cơm có sạch?

Bấy giờ Nhan Hồi mới nói:

- Thưa thầy, nồi cơm không sạch.

- Tại sao?

- Khi cơm gần chín, con mở vung ra xem thử, chẳng may cơn gió tràn vào, bồ hóng và bụi trên trần rơi xuống làm bẩn nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung nhưng vẫn không kịp. Con định xới lớp cơm bẩn vứt đi, nhưng rồi chợt nghĩ cơm ít, anh em lại đông, bỏ lớp cơm đó thì coi như mất một phần, anh em phải ăn ít lại. Nên con mạn phép ăn trước phần cơm bẩn ấy. Thưa thầy, nồi cơm như vậy không thể cúng nữa.

Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng: “Chao ôi! Thế ra trên đời, nhiều việc chính mắt ta thấy mà vẫn không hiểu được đúng sự thật. Suýt nữa ta thành một kẻ hồ đồ”.

Mới thấy cần phải tỉnh giác, soi chừng vọng tưởng dung thông nhà mình.

… Hại trong đạo

Vào đạo rồi, nếu không khéo tỉnh giác thì được tặng thêm con ma tưởng ấm. Kinh Lăng nghiêm nêu 10 loại ma, giúp người tỉnh giác với việc tu hành của mình, không để con ma vọng tưởng dẫn tâm mà xảy ra việc đáng tiếc.

1. Tham cầu thiện xảo: “Thiện xảo, là tất cả những diệu dụng thành tựu việc lợi tha. Một khi đã khởi tâm mong cầu thì ma được dịp quấy phá”(2). Tu thiền mà khởi tâm mong cầu những xảo thuật thì ma sẽ gá vào thân người hữu duyên, đến trước mặt mình thuyết pháp giảng kinh, nói về Niết-bàn vô thượng, nói về những việc thần bí, tai nạn xảy ra, v.v… sao cho phù hợp với tâm mong cầu của mình. Có khi biến hóa thành đủ thứ hình, hoặc thân phát sáng khiến mình ưa thích. Vì đúng với chỗ mong cầu, nên mình sinh tâm hoan hỷ, tin nhận tức thì. Tâm bị lay chuyển thì việc cuối cùng mà mình sẽ làm là hành dâm dục và phá luật nghi mà Phật đặt ra cho hàng Phật tử. Tại gia có 5 giới. Xuất gia có 250 giới, v.v… Khi mình hủy phạm giới cấm xong rồi, ma sẽ bỏ đi, tuệ mạng chôn vùi, có khi còn phải đi tù. Cho nên, ngay cả tự thân, nếu có phát sáng, có được diệu dụng độ người, cũng đừng lấy làm tự mãn. Phải tự cảnh tỉnh lấy mình, nghiêm trì giới luật, giữ tâm cho vững, không thể buông lung. Kinh Lăng nghiêm nói: “Không khởi tâm chứng thánh, là cảnh giới tốt. Khởi tâm cho ta chứng thánh liền rơi vào tà kiến”. 

2. Tham cầu dạo chơi: Tu thiền định mà tâm mong cầu được các cảnh giới vi diệu thì rơi vào ma sự này. Ma gá vào người hữu duyên, đến trước hành giả tu thiền thuyết pháp. Hành giả nghe rồi, bỗng thấy thân tâm như đống vàng rồng, ngồi tòa sen báu, chu du khắp nơi cùng với pháp hội. Chư vị niệm Phật, nếu thấy cảnh này mà cho mình đã chứng thánh là họa tới thân. Tổ Ấn Quang răn nhắc việc này rất nhiều. Cảnh giới xem ra thù thắng, đáng nhẽ thân tâm càng phải thanh tịnh, nhưng vì là tưởng do lực của ma, nên phá luật nghi, sinh tâm ngã mạn, thực hành tham dục, mất hết tài sản và rơi vào lưới pháp luật. Chết rồi, đọa vào địa ngục Vô gián.

3. Tham cầu khế hợp: Là muốn khế hợp với chân lý. Nhân đó, ma gá vào người, đến trước hành giả tu thiền thuyết pháp Niết-bàn vô thượng. Tuy chưa nghe pháp, đã thấy tâm mình khai ngộ, niệm niệm đổi dời, hoặc có tha tâm thông, túc mạng thông, hoặc thấy cảnh địa ngục, thấy việc lành dữ trong tương lai, được những việc chưa từng có. Nói khai ngộ thì thấy giống với việc khai tâm của hành giả tu thiền. Nhưng giống thì giống mà phải thì không phải. Bởi nếu khai tâm thật sự, luật nghi nhất định không phạm, thân tâm ngày càng thanh tịnh, tâm không dính mắc các pháp. Nhưng vì là lực của ma, cuối cùng phá hủy luật nghi, còn hành tham dục, có khi tù tội. Cuối cùng rơi vào địa ngục Vô gián.

4. Tham cầu phân tích biện biệt: Là có cái tâm ưa phân tích lý giải các sự việc. Kinh nói: “Trong định, tâm ưa thích cội gốc và sự nhận biết tột cùng tánh biến hóa trước sau của vạn vật. Tinh sáng tâm ấy, tham cầu phân tích biện biệt”(3). Ma này có lực khiến người vừa gặp đã sinh tôn kính. Đương nhiên phải người hữu duyên mới có việc đó. Cũng thuyết Niết-bàn vô thượng, bồ-đề, pháp thân. Nhưng nói “Pháp thân là thân xác thịt. Cha con sinh nhau đời đời chính là pháp thân thường trụ không mất. Cho rằng Ta-bà chính là Niết-bàn, không có tịnh độ nào khác”. Nói vậy, đồng nghĩa với việc tán thán dâm dục, phá bỏ niệm Phật và cầu vãng sinh thế giới Di Đà, v.v... Những luận điệu nào mang nghĩa khuyến khích tham dục, phá bỏ luật nghi, giới cấm, thanh lọc thân tâm của hàng Phật tử, đều thuộc ma này.

5. Tham cầu thầm cảm: Là ưa thích huyền ứng thầm cảm. Ma này cũng gá vào người, thuyết pháp đúng chỗ hành giả thầm cảm. Thường nói kiếp trước ta độ người này người kia, đó là thê thiếp của ta, v.v… Khiến cho hành giả tôn sùng như thiện tri thức đã trăm ngàn tuổi. Tưởng rồi sinh tâm ái nhiễm, hầu hạ cúng dường hết lòng, không thể xa lìa. Kết cuộc, thầy trò đều phá luật nghi, thực hành tham dục, v.v… Nếu không tỉnh giác quay đầu, cuối cùng rơi vào địa ngục Vô gián.       

6. Tham cầu tĩnh lặng: “Trong định, tâm ưa thích thâm nhập ép mình cần nhọc, thích ở chỗ âm tịch, tham cầu tĩnh mật”(4), là nhân duyên sinh ra ma sự này. Cũng gá vào thân người, thuyết pháp nói về nghiệp cũ của người, hoặc phán những việc tương lai xảy ra khá chính xác, bày nhiều việc lạ khiến người thầm phục. Ngoài những luật nghi của Phật, chư vị còn sống cần khổ, khiến người tin phục. Có điều, thường hay chê bai Tỳ-kheo, mắng nhiếc đồ chúng, bới móc việc riêng của người, chẳng kiêng hiềm trách. Nói chung, dù có giới luật, lấy việc cần nhọc làm tướng tu hành, không thấy tham dâm, nhưng vì là ma nên mục đích chính vẫn là phá hoại Chánh pháp, chỉ khiến chúng sinh xa lìa Tam bảo, Chánh pháp, tăng trưởng tham sân.

7. Tham cầu túc mạng: “Trong định, tâm ưa thích tri kiến, cần khổ nghiên tìm, tham cầu túc mạng” là duyên có ma sự này. Thiên ma thừa đó gá vào thân người, thường không ăn cơm mà chỉ ăn cây thuốc, không thì chỉ ăn một bữa với một ít mè, nhưng thân khỏe mập. Tự nhận đã được Niết-bàn vô thượng, rồi đến trước người mong cầu túc mạng thuyết pháp. Có khi biến thành súc sinh ngậm châu dâng người. Có khi chỉ chỗ minh châu, hiền thánh cư trú, v.v… Làm nhiều việc lạ khiến người tin phục. Tuy vậy lại hay mắng nhiếc đồ chúng, chê bai Tỳ-kheo, kêu gọi chúng sinh phá luật nghi Phật, làm việc tham dục, thầy trò qua lại lén hành ngũ dục… Không tỉnh quay đầu, sẽ đọa vào ngục Vô gián.       

8. Tham chấp thần lực: “Trong định, tâm thích thần thông, các thứ biến hóa, nghiên cứu cội nguồn biến hóa, tham muốn thần lực”(5), là duyên của ma sự này. Thiên ma nhân đó gá vào thân người, tự cho đã được Niết-bàn vô thượng, thuyết pháp, trình diễn pháp thuật, như đi xuyên tường, nắm lửa không bỏng, v.v… có khi mặc áo bạch y mà nhận lễ lạy của hàng Tỳ-kheo, phỉ báng thiền luật, mắng nhiếc đồ chúng, bươi móc việc người, thích chuyện hiềm khích, ca ngợi thần thông, khen ngợi việc hành dâm, cho việc ôm ấp lẫn nhau là truyền pháp. Khi ma quấy phá chán rồi thì bỏ. Thầy trò đa phần sa lưới pháp luật. Không tỉnh quay đầu sẽ đọa vào ngục Vô gián.       

9. Tham cầu cái “không” thâm sâu: “Trong định, tâm ưa thích nhập diệt, nghiên cứu tánh của sự biến hóa”(6), nên ma có dịp quấy phá. Ma gá vào thân người ở trong đại chúng thuyết pháp, thân bỗng hóa không, từ không hóa có, khi mất, khi còn, đều rất tự tại. Hoặc hiện thân trong như lưu ly. Hoặc khiến thân phát ra mùi thơm chiên đàn, v.v… Thần kỳ như thế, nhưng hay chê bai giới luật, khinh người xuất gia, hay nói không nhân không quả, chết rồi không còn thân sau, v.v…. Cũng thuyết “Hiền thánh tuy được không tịch, nhưng vẫn lén hành dâm dục mà tâm vẫn không”. Thứ gì thuộc tham sân si lại khuyên phát huy, uy nghi, giới luật, pháp hành khiến được giải thoát thanh tịnh lại nói không cần, bài bác nhân quả, thì biết đó là ma nói, chẳng phải Phật nói. Không tỉnh mà theo thì thành đồ chúng của ma.         

10. Tham cầu vĩnh hằng: “Trong định, tâm ưa thích trường thọ, cần khổ nghiên cứu, tham cầu vĩnh hằng. Bỏ thân phần đoạn, liền mong vào tướng biến dịch vi tế thường trụ”(7). Theo Đại sư Hàm Thị, đây chỉ cho hàng Nhị thừa vô học vừa ra khỏi sinh tử phần đoạn được phần biến dịch, nhưng lại sinh tâm thủ chứng, nên bị mê hoặc(8). Ma cũng gá vào thân người mà thuyết pháp. Thường tự cho ta là Phật, ta sinh ra chư Phật, không do việc tu hành mà đắc đạo, v.v… Do có duyên với ma nên sinh tâm khâm phục. Tuy nói tu hành nhưng rồi tham dâm với ma, gan não khô kiệt. Nếu không tỉnh giác quay đầu, sẽ vào địa ngục Vô gián. 

Đó là 10 loại ma tưởng ấm, đều do hành giả có tâm mong cầu, ưa thích, chấp thủ mà gặp ma sự. Kinh Lăng nghiêm nói 10 loại ma này có khi tự hiện hình, có khi gá vào thân người, có khi xuất gia tu hành trong đạo Phật. Điểm chính của chư vị là hay tự xưng mình đã thành tựu Chánh biến tri giác, nhưng lại khen ngợi dâm dục, phá hủy luật nghi của Phật. Người tu hành dù phát tâm chân chính, nhưng nếu không có trí để nhận biết và tỉnh giác với những ma sự này thì liền bị ma mê hoặc. Ít thì chín đời, nhiều có khi đến trăm đời, bỏ mất Chánh biến tri, trở thành quyến thuộc của ma. 

Trong phần ma sự này, đầu mỗi câu Phật dạy đều có mấy từ “Trong định”, là muốn nói hành giả tu thiền tâm đã có định, hoặc trong khi ngồi thiền tâm được định, nếu khởi các mong cầu thì ma có dịp quấy phá. Thiết nghĩ, những răn dạy đó không chỉ lợi ích cho người được định mà cho cả người bình thường. Bởi khi tâm có mong cầu, rất dễ rơi vào ma sự tương ưng. Nếu tâm thích việc biến hiện thần kỳ, chẳng may gặp ma biến hiện nhất định tin theo. Tin rồi, giao tiếp, học hỏi, cúng dường. Hoặc vì tham cầu lợi lộc, dễ dàng tin theo bùa chú pháp thuật giúp mình lợi lộc. Đó là đang gieo cái nhân, củng cố cái duyên với ma. Cho nên, phải có ma trong tiếp ứng, ma ngoài mới có cơ hội quấy phá. Trong nếu tỉnh giác không khởi, thì đều vô sự. 

Chư vị thiện tri thức không phải không có năng lực thần kỳ. Song chư vị không dùng các thần kỳ đó khiến chúng sinh thắt thêm tham ái, sân, si. Thứ hai, do đời mạt pháp thiên ma lừng lẫy, cũng có ngũ thông, nên Phật không cho đệ tử độ người bằng thần thông. Nếu dùng, sau đó phải thị tịch. Thiền sư Ẩn Phong, dùng thần thông ngăn chặn binh đao, cứu sống vô số binh sĩ. Sau đó liền phải thị tịch.

Trong cuốn “Phật pháp là gì?”, Hòa thượng Tịnh Không nói: “Đại sư Ấn Quang là hóa thân của Bồ-tát Đại Thế Chí. Nhưng bạn xem, hành nghiệp cả đời đâu khác một người bình thường. Chỉ là trong việc tu hành cũng như giáo hóa chúng sinh, thấy rất tương ưng với chương Đại Thế Chí Bồ-tát Viên Thông. Việc Bồ-tát tái sinh là do một vị cư sĩ nói trong sách Vĩnh Tư Tập. Trước khi đại sư vãng sanh 4 năm, lúc đó vị này là một học sinh sơ trung, chưa hề tiếp xúc Phật giáo, cũng không tin Phật giáo. Cô nằm mộng thấy Bồ-tát Quan Thế Âm mặc áo trắng nói với cô: “Bồ-tát Đại Thế Chí đang giảng kinh thuyết pháp tại Thượng Hải”, khuyên cô đi nghe. Cô hỏi: “Vị nào là Đại Thế Chí Bồ-tát?” Ngài trả lời: “Vị ấy là Pháp sư Ấn Quang”. Sau đó cả nhà đi gặp Pháp sư Ấn Quang, thuật lại việc nằm mộng. Pháp sư Ấn Quang mắng cô một trận vì tội yêu ngôn hoặc chúng. Cấm không cho nói nữa, nếu nói nữa thì đừng đến chỗ ngài. Cô không dám nói nữa. Bốn năm sau Đại sư Ấn Quang vãng sinh, cô mới đem việc này công bố ra. Cho nên chân thật là người tái sanh nhất định sẽ không để lộ thân phận. Để lộ thân phận mà không đi là có vấn đề …”.

Thời buổi ma cường pháp nhược, cần có trí để giữ thân, không nên chạy theo những hình thức bên ngoài. Quan trọng là phản chiếu lại mình. Thứ gì giúp ta trừ bỏ tham-sân-si thì cứ theo đó mà làm. Thứ gì đưa đến tham dục si ái thì cần cảnh tỉnh. Đến với đạo, quan trọng là làm sao tham-sân-si ngày càng nhạt mỏng. Được vậy, thì thần thông diệu dụng vẫn đủ mà không rơi vào ma sự, uổng một đời tu. Đại sư Hiền Thủ, Tổ thứ ba tông Hoa Nghiêm, nói: “Tham-sân-si dần nhạt mỏng là tướng của chánh định”(9). Không nói “hết liền” mà nói “dần nhạt mỏng” thì không phải là việc khó đối với người tu. Cứ lấy câu ấy làm kim chỉ nam mà đi thì không lạc đường. Tu mà thêm nhiều ham muốn, đời sống ngày càng buông lung, rồi cho đó là tự tại, thì biết là sai đường rồi. Cần phải tỉnh giác quay đầu. 


 Chú thích

(1) Bạch Ẩn Thiền Định Ca - bản dịch của SC Hạnh Huệ và Thuần Bạch.

(2) TS Hàm Thị - Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ.

(3) Sđd. (4) Sđd. (5) Sđd. (6) Sđd. (7) Sđd.

(8) Nhị thừa vô học có lợi có độn (xin hiểu nghĩa lợi - độn theo duyên khởi). Đây muốn nói đến hàng độn căn. Do khởi tâm mà rơi vào ma sự này.

(9) Hoa Nghiêm Kinh Thám Huyền Ký - Đại Tạng Kinh, kinh hiệu 1733. 

Chân Hiền Tâm

http://giacngo.vn/nguyetsan/chuyende/2012/09/21/1B465B/


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage