Thiền sư Lâm Tế có lần
nhắc: "Người học tin chẳng kịp cho nên mới hướng ra bên ngoài để tìm
kiếm. Dù cho tìm kiếm được thì cũng là tướng thù thắng của văn tự chứ
trọn không được ý Tổ sống". Ý nghĩa chính không phải nằm trong văn tự. Ý
của Phật hay Tổ sống nằm ngay trong tâm giác ngộ của mỗi người. Thiền
sư nói thêm: "Các Đại đức! Ông chớ có nhận cái áo! Áo không biết cử
động. Chính người mặc áo thì có cái áo Thanh tịnh, áo Vô sanh, áo Bồ-đề,
áo Niết-bàn, áo Tổ, áo Phật v.v...". Có nghĩa là Bồ-đề, Niết-bàn, Tổ,
Phật hay Chân như, Phật tánh v.v... chỉ là những danh từ. Giống như
chiếc áo mặc bên ngoài chứ không phải bản thân Bồ-đề, Niết-bàn. Chiếc áo
mặc thì không biết cử động. Chính con người mới biết cử động. Đó mới là
Pháp sống. Học Phật phải khéo thấu qua được những chiếc áo đó để giáp
mặt sự thật chứ không chỉ dừng ở chiếc áo mà lý luận. Đó là khéo học.
Thí
dụ như danh từ Bồ-đề, Niết-bàn v.v... thì đâu có biết giác ngộ, đâu có
thắng được phiền não. Giác ngộ, Niết-bàn hay giải thoát v.v... cần phải ở
ngay nơi mình. Học Phật pháp, ban đầu là nương văn tự nhưng sau phải
vượt qua văn tự, ngôn ngữ để trực tiếp chứng nghiệm chân lý. Vậy mới cứu
được mình, hợp với bản tính của Phật.
Quý vị đọc lịch sử Phật sẽ
thấy khi Đức Phật mới thành đạo Ngài không muốn đi thuyết pháp, mà mục
đích Ngài tu hành thành đạo là để giáo hóa chúng sinh. Rồi đợi Phạm
thiên thưa thỉnh ba lần, Ngài mới hứa khả là có ý sâu. Bởi Ngài thấy chỗ
chứng đạo của Ngài quá sâu xa, vượt ngoài trí hiểu biết suy luận tầm
thường của thế gian, nên Ngài không muốn vội đi thuyết pháp. Trong kinh
kể, khi đó Ngài nói: "Ta đã thấu được pháp thâm diệu khó nhận, khó hiểu,
vắng lặng, tuyệt vời, không biện giải gì được. Nó cũng tinh tế chỉ có
bậc Thánh nhân mới hiểu được". Chỗ mà Ngài thấy, chứng ngộ đó vượt ngoài
lý luận, biện giải nên phải là bậc Thánh, bậc chứng ngộ mới cảm thông
được. Còn chưa cảm thông thì khi Ngài nói ra sợ sẽ có hiểu lầm, sai lệch
ý của Phật.
Chính buổi đầu đó, Đức Phật đã ngầm nhắc cho hàng đệ
tử học Phật sau này phải học vượt qua ngôn ngữ nói năng, văn tự ghi
chép, mới cảm thông được chỗ Phật muốn chỉ, muốn nói. Có nói ra chỉ là
phương tiện bất đắc dĩ của Phật mà thôi. Chân lý sống thì không ở trong
phương tiện đó. Giống như chiếc xe đưa mình đi đến thành phố, chiếc xe
không phải là thành phố, không phải là mục đích đến. Nếu mình cứ bám vào
chiếc xe thì không đạt được mục đích mà chỉ tạm nương chiếc xe để đi
đến nơi mục đích mình muốn. Trong Kinh Viên Giác, Phật có nói: "Những
Kinh giáo mà Phật nói ra giống như ngón tay chỉ mặt trăng", người khéo
thì phải nương ngón tay để thấy mặt trăng, không thể bám vào ngón tay mà
cho là mặt trăng. Cũng vậy, những ngôn giáo để chỉ chân lý nhưng chân
lý không nằm trong ngôn giáo.
Trong Kinh Lăng-già nói, Phật
thuyết pháp trên bốn mươi năm nhưng khoảng giữa đó Ngài chưa từng nói
một chữ. Tức là ý của Phật vốn không ở trên danh từ hay những lời nói
đó.
II. BA THỨ BÁT NHÃ
Khi chúng ta học Bát-nhã,
có chia ra thành ba loại: Văn tự Bát-nhã - Quán chiếu Bát-nhã - Thật
tướng Bát-nhã. Chữ Bát-nhã dịch nghĩa là trí tuệ, nhưng trí tuệ ở đây
không giống như trí tuệ ở thế gian thuộc về trí tuệ sanh diệt, đây là
trí tuệ trong Phật pháp. Thường gọi là trí tuệ Bát-nhã để mọi người khỏi
nhầm lẫn.
- Văn tự Bát-nhã: Người nghe, học, nghiên cứu kinh
điển thì mở sáng được những điều hiểu biết về Phật pháp. Đó là cũng có
trí tuệ nhưng là trí tuệ trên văn tự, trí tuệ của Phật của Tổ chúng ta
học lại chứ chưa phải của chính mình. Thí dụ học nghe về lý vô thường
thì hiểu lý vô thường, nhưng chưa thật sự cảm nhận được lý vô thường nơi
chính mình. Tức là chưa có sức diệu dụng, chưa đến được những chỗ vi tế
của vô thường. Bởi vậy, cần phải tiến thêm một bước nữa.
- Quán
chiếu Bát-nhã: Nghe, hiểu rồi thì phải thường xuyên quán chiếu vào cuộc
sống thực tế hàng ngày, đem chỗ mình học hiểu đó quán chiếu thẳng vào sự
vật, các pháp để chứng nghiệm lẽ thật của nó. Trong Tâm Kinh Bát-nhã có
câu "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách". Đây là
thường phải quán chiếu năm uẩn của mình là không, quán tới, quán lui
trong cả những lúc đi-đứng-nằm-ngồi để thấy rõ nó là không chứ không
phải chỉ hiểu trên chữ nghĩa. Đem lý không đó vào ngay trong thực tế.
Chứ hiểu năm uẩn là không mà gặp ai nói xúc phạm gì thì chúng ta liền
thấy bực mình, khó chịu. Vậy thì nó không phải là không. Công phu quán
chiếu này rất quan trọng, có quán chiếu được như vậy mới đưa chúng ta
đến bờ Niết-bàn.
- Thật tướng Bát-nhã: Chúng ta quán chiếu thường
xuyên đến khi thuần thục thì chính mình tự sáng tỏ ra. Tự mình mở sáng
được trí tuệ, rõ lẽ thật đó ở ngay nơi chính bản thân mình. Nghĩa là
chính mình là chân lý chứ không phải chia ra có ai quán, có cái gì để
quán, như vậy nó thành cách biệt nhau. Đến đây, thật tướng đã hiện tiền,
mình không cần phải quán nữa nhưng vẫn thấy nó là không. Đó là chỗ diệu
dụng của Bát-nhã. Trực tiếp giáp mặt với chân lý mới thật sự qua được
các khổ nạn. Chuyển "ngũ uẩn giai không" của Bồ-tát Quán Tự Tại trong
Tâm Kinh thành của mình, ở ngay nơi chính mình. Chỗ này cần phải có công
phu quán chiếu chứ không phải chỉ lý luận suông, phải là hành giả, phải
thực hành sâu, miên mật, luôn luôn không gián đoạn. Không phải lúc rảnh
mới quán, lúc bận thì thôi.
Cổ Đức có thí dụ: Người muốn qua
sông phải bước lên thuyền, chèo thuyền sang bờ bên kia, khi tới bờ rồi
thì bước lên bờ đi tự do. Bước lên thuyền là Văn tự Bát-nhã. Nhưng bước
lên thuyền mà ngồi hoài thì cũng không thể tới bờ kia được, phải ra sức
chèo qua bờ. Đó là Quán chiếu Bát-nhã. Tới bờ rồi mà ngồi trên thuyền
thì cũng không đi đâu được, vì mắc kẹt trên thuyền, phải bước lên bờ, bỏ
thuyền lại đi tự do. Đó là Thật tướng Bát-nhã.
Hoặc trường hợp
chèo qua tới bờ mà tiếc chiếc thuyền, kéo theo lên bờ hay vác theo lên
bờ thì cũng bị ngại. Hoặc nghĩ mình lên bờ rồi thì phá bỏ chiếc thuyền
cũng không phải. Cần phải để lại cho những người chưa qua, họ cần chiếc
thuyền đó để qua.
Ở đây, lỗi không phải ở chiếc thuyền. Cũng vậy,
Pháp thì không có lỗi mà lỗi là do người dính kẹt vào đó. Nếu chúng ta
khéo nương vào Pháp để tiến tu, thực chứng được chân lý thì Pháp là
phương tiện đưa ta đến chân lý. Đó là điều tốt không có lỗi.
III. NHẤN MẠNH SỰ CHỨNG NGHIỆM
Phật
Pháp nhấn mạnh việc chứng nghiệm chân lý. Người xưa nói: "Không vào
hang cọp làm sao bắt được cọp con". Muốn dứt khổ phải dứt cái nhân tạo
nên cái khổ, không thể đứng bên ngoài suy lý mà hết khổ được. Cũng vậy,
"Muốn qua hết khổ ách" thì phải thực hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật từ đó
mới "chiếu kiến" – thấu được năm uẩn đều không. Bát-nhã Ba-la-mật sâu xa
đó không nằm trong chữ nghĩa, lý luận hay những trang giấy mực. Nếu chỉ
ở trên lý luận, biện giải thì đâu có gọi là Bát-nhã sâu xa được. Tức là
mình phải trực tiếp vào trong Bát-nhã, tự mình mở con mắt Bát-nhã. Lý
luận, biện giải là bước đầu, dù lý luận, biện giải có hay đến mấy đi nữa
thì cũng không thể biến năm uẩn thành "không" được.
Thiền sư
Quảng Trí từng cảnh tỉnh những người học Phật hay lầm hiểu trên "cái
không", lo nói "không" mà chưa hiểu "không". Ngài nói: "Không thể chấp
rằng: ta đã ngộ xong, phiền não tánh nó là không, nếu khởi tâm tu lại là
điên đảo. Thế nhưng, tánh phiền não dù là không mà nó hay khiến thọ
nghiệp, cũng như nghiệp quả nó không tánh mà cũng tạo nên nhân khổ, khổ
đau tuy là hư dối nhưng lại khó nhẫn là sao ?". Lẽ thật thì tánh phiền
não là không nhưng không phải mình nói không là nó thành không, mà phải
tu hành để chứng nghiệm nơi bản thân chính mình. Mình hiểu là không,
nghe kinh nói là không rồi mình nói là không. Nhưng gặp khổ đau thì mình
cũng khổ đau, khó nhẫn, khó chịu. Cho nên mình phải thực tu, thực chứng
lẽ thật đó rồi cảm nhận thực sự chứ không phải mình hiểu không, nói
không thì nó là không.
Trong Kinh A Hàm có bài kinh: Có lần Phật
vào rừng, các vị Tỳ-kheo đi theo, Phật nắm một nắm lá trong tay rồi hỏi
các vị Tỳ-kheo: " Lá trong tay Ta nhiều hay lá ngoài rừng nhiều ?". Các
vị Tỳ-kheo đáp: " Lá trong tay Thế Tôn ít, lá ở ngoài rừng thì rất
nhiều" . Phật nói: "Cũng vậy, những điều Ta chứng được, hiểu được thì
giống như lá cây trong rừng, còn những điều Ta nói ra cho các ông cũng
như lá cây trong tay".
Qua thí dụ này, ta thấy rằng dù ta học
kinh điển mà Phật đã nói trong "Tam tạng Kinh Điển" cũng giống như nắm
lá trong tay, còn những điều Phật hiểu, Phật chứng nghiệm, Phật chưa nói
hết như lá trong rừng. Dù có học được năm, mười bộ kinh, năm, mười bộ
luận cũng như nắm lá trong tay. Muốn thấu được lá trong rừng thì phải
tu, phải thực hành, tỏ sáng trí tuệ, mới cảm thông được những điều Phật
nói chưa hết. Ngôn ngữ còn trong giới hạn, còn lẽ thật, chân lý sống thì
phải thực tu mới chứng nghiệm được. Các vị Thánh hiền hay các Thiền sư
tu được chứng ngộ, các Ngài hay đánh thức đưa người học trực tiếp cảm
nhận chân lý chứ không phải dừng trên ngôn ngữ.
Nhà Thiền có câu
chuyện: Thượng tọa Định là đệ tử nối pháp của Thiền sư Lâm Tế. Một hôm
trên đường đi thọ trai ở nhà thí chủ về, đi đến một cây cầu thì gặp ba
vị tọa chủ là những vị trụ trì, giảng pháp. Một trong ba vị đó gặp Ngài
hỏi: "Thế nào là tột đáy của sông thiền ?". Thượng tọa Định nghe xong
liền chộp ngay ngực vị đó định ném xuống sông. Hai vị kia thấy vậy hoảng
hốt xin tha. Thượng tọa Định buông ra rồi nói: " Nếu không có hai vị
tọa chủ đây thì tôi sẽ cho Ngài xuống để biết tột đáy sông thiền".
Qua
đó, thấy Thiền sư học Phật rất trọng lẽ thật, ông muốn rõ tột đáy sông
thiền thì ông phải vào trong đó, chứ ông đứng bên ngoài hỏi đùa thì
không thể biết được. Cũng vậy, chúng ta đứng đây cứ bàn về Niết-bàn, về
Bồ-đề thì cũng không thấy Niết-bàn, Bồ-đề được. Nhiều khi bàn về
Niết-bàn còn cãi nhau, có người nói Niết-bàn thế này, có người nói
Niết-bàn thế kia. Cãi nhau rồi không thấy Niết-bàn đâu chỉ thấy sanh tử.
Đúng lẽ thật, muốn thấy Niết-bàn thì phải thực hành, chứng nghiệm được
Niết-bàn.
Bài Kinh "Có Pháp Môn Nào" trong Tương Ưng Bộ Kinh,
Phật dạy: "Này các Tỳ-kheo, các ông mắt thấy sắc, trong nội tâm có tham,
có sân..., có si v.v... thì biết rõ nội tâm của mình có tham..., có
sân, có si, hoặc nội tâm không có tham..., sân..., si, thì cũng biết rõ
nội tâm không có tham..., không có sân, không có si. Này các Tỳ-kheo!
Biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm của vị ấy, thì có phải
chúng là những pháp mà do lòng tin được hiểu biết hay do yêu thích được
hiểu biết, do lắng nghe được hiểu biết, hoặc do suy tư về phương pháp,
do kham nhẫn v.v... có phải vậy không ?". Các Tỳ-kheo thưa: "Bạch Thế
Tôn, không". Phật hỏi thêm: "Có phải các pháp này do thấy với trí tuệ
nên được hiểu biết hay không? ". Các Tỳ-kheo thưa: "Phải, bạch Thế Tôn".
Phật
lại nói: "Đây chính là pháp môn, này các Tỳ-kheo, do pháp môn này ngoài
lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp,
ngoài kham nhẫn, thích thú, biện luận, có thể xác chứng với chánh trí.
Vị đó biết rõ sanh tử đã hết, việc làm đã xong".
Phật xác chứng
rõ ở trong nội tâm mình có tham, sân, si, biết có tham, sân, si. Trong
nội tâm mình không có tham, sân, si cũng biết không có tham, sân, si.
"Cái biết" này không phải do suy tư, biện luận hay do nghe ai nói lại,
mà "cái này" mình phải xác chứng bằng chính trí tuệ của mình, hiện hữu
nơi mình chứ không phải ở trong kinh điển, sách vở. Chính mình phải giáp
mặt sự thật đó bằng chính trí của mình, không phải chỉ dừng ở sự học
hiểu bên ngoài là đủ. Phải đến để mà thấy!
Học Phật là chính mình
nương theo những lời Phật dạy, rồi chính mình thực hành, chính mình
tiến đến sự thể nghiệm, cảm nhận được Phật pháp, trực tiếp giáp mặt với
chân lý Phật đã dạy. Như vậy, chúng ta mới thật sự có sức để thắng được
phiền não, đau khổ, nếu không, thì chỉ học, hiểu mà chưa đủ sức thắng.
Quý
Phật tử học Phật thì hiểu thân tâm là vô thường, tạm bợ, mỏng manh,
không bền chắc. Nhưng có thật sự mình hiểu nó là vô thường không? Nếu
thật sự hiểu như vậy thì ví dụ khi đi khám bác sĩ, biết mình bị bệnh ung
thư v.v... thì mình có thấy nó vô thường không? Hay lúc đó mình đã trả
cái vô thường đó lại cho Phật, cho Tổ. Đó là điều thực tế.
IV. TÓM KẾT
Phật
pháp là pháp chân thật, ở ngay nơi chính mình, không thể ở đâu khác.
Đức Phật ra đời tự giác ngộ, tự chứng nghiệm được nơi bản thân rồi mới
chỉ lại cho chúng sinh để cùng được giác ngộ như Ngài. Là muốn đưa người
trực tiếp giáp mặt với chân lý giác ngộ, không phải chỉ đứng bên ngoài.
Bài
pháp đầu tiên Phật thuyết ở vườn Lộc Dã là Pháp Tứ đế - Bốn chân lý cao
thượng. Lần chuyển Pháp luân này gọi là "Tam chuyển thập nhị hành" tức
là ba lần chuyển thành mười hai hành. Ba lần chuyển là: Thị chuyển,
Khuyến chuyển, Chứng chuyển. Thị là chỉ ra, Khuyến là khuyên tu, Chứng
là chứng thật.
Thị chuyển:
Phật chỉ rõ ràng cho chúng ta
thấy đây là Khổ đế (là cái quả mà chúng sinh đang chịu), đây là Tập đế
(là những cái nhân phiền não, tham, sân, si gây nên khổ), muốn hết khổ,
đạt an vui Niết-bàn thì phải dứt cái nhân. Đó chính là Diệt đế (là an
vui, Niết-bàn). Muốn dứt được cái nhân đó thì phải có đường lối, phương
pháp, không phải chỉ lý luận, nói suông mà được. Đường lối đó chính là
Bát Chánh Đạo hay Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Đó là Đạo đế. Như vậy, tu
đạo đế là dứt cái nhân đưa đến khổ, không có nhân thì không có quả khổ,
thật sự chứng Niết-bàn, an vui là Diệt đế.
Khuyến chuyển:
Khi
đã chỉ rõ cho chúng sinh thấy rồi thì Phật khuyên tu, tức là Khuyến
chuyển. Phật nói: "Đây là khổ các ông cần phải biết; đây là Tập (tức là
cái nhân đưa đến khổ) các ông cần phải đoạn dứt; đây là Diệt (dứt khổ)
các ông cần phải chứng; đây là Đạo (là con đường để dứt khổ) các ông cần
phải tu. Các ông không thể chỉ hiểu biết suông mà cần phải thực hành,
phải tu để tiến thẳng vào lẽ thật".
Chứng chuyển:
Phật xác
định rõ những điều đó là những điều Ngài đã thực chứng, đã trải qua,
rồi chỉ dạy lại cho chúng sinh, không phải Ngài nghe ai nói hay Ngài suy
tư, phỏng đoán. Ngài nói như vậy để dứt lòng nghi hoặc trong chúng
sinh, cho chúng sinh biết Ngài đã trải qua rồi, đã đạt rồi. Ngài nói:
"Khổ Như Lai đã biết, Tập Như Lai đã đoạn, Diệt Như Lai đã chứng, Đạo
Như Lai đã tu". Tức là những điều đó là những điều Như Lai đã thực hành
qua, đã thực chứng rõ ràng mới chỉ dạy cho các hàng đệ tử. Các hàng đệ
tử của Phật thì cũng phải học theo cái gương đó, phải thực hành, phải
chứng nghiệm, phải trải qua chứ không thể chỉ hiểu suông mà cho là đủ.
Ngài
muốn nhắc cho hàng đệ tử học Phật phải thực đến với Phật pháp, nếm được
pháp vị của Phật Pháp, chớ không dừng chết trên những ngôn ngữ, văn tự.
Cần phải "đến để mà thấy", đó là thông điệp cho tất cả những người học
Phật từ đây cho đến mãi về sau. Học Phật đúng nghĩa là phải chứng nghiệm
được thì mới thấy được giá trị cao quý của Phật Pháp, lợi ích thiết
thực của Phật pháp ngay trong cuộc sống của chính mình, ngay lúc mình có
mặt không phải đợi xa xôi, qua kiếp sau mới chứng nghiệm được. Hiểu,
thấm sâu Phật pháp thì sẽ thấy Phật pháp giúp mình chuyển cái nhìn từ mê
lầm sang giác ngộ, sáng suốt. Từ đó chuyển hóa được cuộc đời mình.
T.T Thích Thông Phương