Chùa Bửu Minh

Chợt nhớ đến thầy Mật Thể


Nguyễn Kha, California 9/2007

Hiện nay, khi muốn tìm hiểu lịch sử khai sinh và quá trình hình thành của Phật giáo nước ta, những Phật tử ít thời giờ và không biết Hán học như tôi chỉ cần đọc tác phẩm Việt Nam Phật giáo sở lược (1943) của Mật Thể,


 ba tập Việt Nam Phật giáo sử luận (1973) của Nguyễn Lang (tức thầy Nhất Hạnh), và Lịch sử Phật giáo Việt Nam- từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế (1999) của Lê Mạnh Thát là cũng đã tạm đủ vốn liếng căn bản để làm chuyến hành trình tìm về nguồn cội của Phật giáo Việt Nam rồi.

Trong ba tác phẩm này, cuốn sách của thầy Mật Thể đặc biệt làm tôi choáng váng ngây ngất vì hai lý do:

Thứ nhất là thầy đã nén toàn bộ Phật giáo sử Việt Nam dài 1.900 năm (từ năm 43 đến năm 1943) vào chỉ trong 164 trang ngắn ngủi. Đọc một cái vèo chưa đến hai tiếng đồng hồ là xong 10 giai đoạn thịnh suy rộng mênh mông của cả một tôn giáo trong bề dài lịch sử ngút ngàn của cả một dân tộc. Mà vẫn đầy đủ, mà vẫn sâu sắc. Thầy viết trong Lời nói đầu: “Trong khoảng thời gian gần 2.000 năm, sự bố giáo của liệt vị Tổ sư ra thế nào, chúng tôi đều tham hiệp với tình hình chính trị, kinh tế của mỗi thời đại trong nước mà ghi chép rõ ràng kỹ lưỡng”.

Thứ hai, và đây mới là điều tôi tâm đắc hơn cả, là cuối mỗi bước thăng trầm của lịch sử Phật giáo, ta thấy như thầy bỗng ngừng lại, đánh một hồi chuông và trầm ngâm suy nghĩ, rồi bất thần phóng bút hạ một lời bình. Lời bình của thầy không lý luận quanh co mà được viết thẳng, viết ngắn và viết đến nơi đến chốn. Viết lương thiện trong tinh thần của một sử gia khí tiết, và viết với cả tấm lòng yêu nước, yêu đạo của một Phật tử Việt Nam. Xin trích vài đoạn:

Thời đại Bắc thuộc (43 – 544): “Một tôn giáo mới du nhập, không được triều đình hoặc chính phủ đô hộ ủng hộ, thì không được rực rỡ phổ thông là phải”; Thời Hậu Lý Nam Đế (571 – 939): “Trong khoảng mấy trăm năm trời, dân ta sống điêu đứng dưới chính phủ đô hộ, chế độ hà khắc, mà Phật giáo sử có những giai đoạn ấy, thật cũng vẻ vang”; Thời Tiền Lê (968 – 1009): “Vào thời ấy có thể gọi là thời đại Phật giáo thịnh nhất. Vua tin theo, triều đình ủng hộ, lại có sứ đi cầu kinh, nhân dân ai cũng biết”; Cuối đời nhà Trần (1225 – 1400): “Ấy thế là đạo Phật đến ngày bất hạnh. Trong lịch sử Phật giáo Việt Nam, có thể gọi thời đại này là thời đại Phật giáo lạc đạo gốc”; Thời Hậu Lê (1428 -1527): “Xét những điều kể trên, ta đủ biết Phật giáo đời này chỉ còn là sự cúng cấp cầu đảo, và Tăng đồ đã thành những tay sai đáng thương hại của vua quan hoặc các nhà có tiền khi muốn cầu tự cầu tài”; Thời kỳ cận đại (triều Nguyễn): “Thật ra, Phật giáo thời này đã kém lắm rồi nên dầu các triều vua và tín ngưỡng sùng phụng mà tinh thần Phật giáo vẫn suy. Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt!”; Thời kỳ hiện đại (thập niên 1930’): “Trong lúc này, đại đa số Tăng đồ trong các sơn môn vẫn đương mơ màng thiêm thiếp, chưa làm một việc gì tỏ rõ là người đã thức tỉnh”.

Tôi đặc biệt thích cái khẩu khí của thầy trong mỗi câu nhận xét rất ngắn cuối chương như thế, vừa có cái hào khí Tuệ Trung Thượng Sĩ cổ điển lại vừa có cái quyết liệt của Noam Chomski hiện đại. Nhưng rồi tôi tò mò không biết thầy đứng trên cơ sở nào để xuống bút đánh giá những câu như dao chém đá vậy, và tôi chủ quan khám phá ra một điều: Thịnh suy, thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam, cuối cùng, quay quanh một trục vận động. Đó là bản chất mối quan hệ hai chiều giữa triều đình và Tăng đoàn, giữa tập đoàn lãnh đạo chính trị văn hóa quốc gia và thành phần giữ gìn giềng mối Chánh pháp của Phật giáo.

Thì ra đó là phương pháp trong Sử quan của thầy Mật Thể, mà thầy đã đúc kết thành một quy luật lịch sử vốn thành hình từ thế kỷ thứ VI tại nước ta: “Dân tộc Tàu từ ấy đã bớt cho người mình là một thứ mọi rợ man di; đó cũng là nhờ ở mấy vị cao tăng”. Dưới thời Bắc thuộc đã như thế, huống gì khi nước nhà bắt đầu thực sự độc lập một cách bền vững hơn kể từ thời đại Ngô Quyền (939 – 944), thì lúc nào minh quân và cao tăng cùng hiện diện song hành, và cùng lúc có quan hệ chặt chẽ trên cơ sở Dân tộc và Đạo pháp, thì lúc đó nước giàu dân mạnh, và quan trọng hơn, con người sống có văn hóa, cư xử với nhau thấu tình đạt lý. Còn lúc nào không có hai điều kiện này thì đất nước suy kiệt, đạo pháp suy đồi.

Thật vậy, đọc lại 164 trang của Việt Nam Phật giáo sử lược, đằng sau những biến cố trùng trùng điệp điệp tác động lên cuộc vận hành và hướng đi của Phật giáo nước ta, là những khuôn mặt to lớn trong chốn triều trung và tiếng giảng kinh trầm hùng đằng sau các cổng chùa.

Một bên là những minh quân và bạo chúa lẫy lừng, và một bên là các cao tăng và sư tổ kiệt xuất. Nếu ta xắp xếp những tên tuổi đó trên trục thời gian thì hầu như chỉ khi nào “minh quân” và “cao tăng” cùng nắm tay song hành thì nguyên khí dân tộc mới hùng mạnh, Chánh pháp của Phật đạo mới xiển dương. Còn khi nào không có “minh quân” mà cũng chẳng có “cao tăng”, hay có cả hai mà chẳng song hành thì cả dân tộc và đạo pháp đều đi vào thời suy mạt. Như con chim phượng hoàng chỉ có hai cánh sải dài, thiếu một hay không đồng bộ thì phượng hoàng chỉ còn là con gà quanh quẩn ở cối xay.

Dưới ánh sáng của quy luật vừa đạo vừa đời đó của Phật giáo sử Việt Nam, và dù nhìn vào tình trạng hiện nay của quốc gia và của Phật giáo Việt Nam thì thấy vẫn còn ngổn ngang trăm mối tơ vò, tôi vẫn mãnh liệt tin rằng “minh quân” và “cao tăng”  Việt Nam đang có đó, đã hiện hữu hay chưa hiển lộ, mang báo thân ngũ uẩn hay chỉ như một tư duy bảng lảng trong tâm tư Phật tử Việt Nam.

Cho nên trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc vào ngày 11 – 14/12/2007, từ bên này bờ Thái Bình Dương xa xôi, người viết chỉ xin thắp nén hương thành kính tưởng nhớ thầy Mật Thể, và cảm ơn thầy đã mô tả rõ ràng một quy luật sinh tử của Phật giáo Việt Nam. Cho thế hệ chúng ta  bây giờ và mai sau…

Nguyễn Kha, California 9/2007

Source: Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 42 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage