BANGLADESH: Vị tăng sĩ dạy chữ cái cho trẻ em tộc Rakhine
Nhà sư người Rakhine là Thượng tọa U Su Saeta, 56 tuổi, đã dạy bảng chữ cái cho trẻ em từ cộng đồng này trong 20 năm để cứu ngôn ngữ Rakhine khỏi bị tuyệt chủng.
Ông đã âm thầm tham gia vào một “cuộc chiến cho chữ cái” trong 2 thập kỷ qua tại Kalapara ở huyện duyên hải Patuakhali. Hàng ngày ông dạy bảng chữ cái Rakhine cho trẻ em từ cộng đồng để chúng không quên ngôn ngữ và chữ viết của dân tộc mình.
Nhà sư U Su đã thành lập một tu viện và bắt đầu dạy miễn phí tiếng và chữ Rakhine cho khoảng 25 trẻ em mỗi ngày 3 xuất. Ông cũng cung cấp bữa ăn trưa cho các em – giá từ 50 đến 100 taka (tiền Bangladesh) một ngày và được quản lý từ các khoản đóng góp của Phật tử địa phương.
(Buddhist Door – February 23, 2014)
Thượng tọa U Su Saeta và học trò
Photo: Dhaka Tribune
ÚC ĐẠI LỢI: Hội Phật giáo Tây Tạng mừng Năm Mới với Lễ hội Yuroke
Đầu tháng 3 dương lịch năm nay sẽ là lễ mừng Năm Mới Tây Tạng. Và Hội Phật giáo Tây Tạng ở Yuroke, bang Victoria, sẽ tổ chức một lễ hội với chủ đề ‘Chánh niệm, Thiền định và Lành mạnh’ vào ngày 1 và 2-3-2014, từ 9.30 am đến 5 pm tại 1425 đường Mickleham, Yuroke..
Đồng Hội trưởng Martin Horan nói rằng Năm Mới Tây Tạng được xem là thời điểm của sự canh tân và là cơ hội cho những khởi đầu mới.
“Nếu chúng ta muốn thiết lập một hướng tích cực cho tư
ơng lai an ổn và tập trung hơn, thì Năm Mới thật sự là thời điểm tốt để suy nghĩ về điều đó”, ông nói.
Lễ hội Yuroke bao gồm hội chợ, tham quan, các hoạt động của trẻ em, thiền định và một lễ ban phước vào trưa ngày 1-3-2014.
(Derald Sun – February 23, 2014)
Đồng Hội trưởng Hội Phật giáo Tây Tạng trong chùa Yuroke
Photo: Carmelo Bazzano
NEPAL: Công cụ và kiến thức tiên tiến giúp cho việc khai quật tại Lâm Tì Ni an toàn và dễ dàng hơn
Nhiều năm sau khi phát hiện thành phố cổ Tilaurakot tại Lâm Tì Ni, các nhà khảo cổ học vẫn đang khai quật những di tích quan trọng có liên quan đến cuộc đời của Đức Phật Cồ Đàm.
Tất cả nhờ vào công nghệ hiện đại, các nhà khảo cổ học không những có thể làm sáng tỏ những thực thể như vậy mà còn rà soát kỹ chúng và xây dựng một tường trình chi tiết về cuộc đời của Đức Phật.
Kiến thức và công nghệ hiện đại bao gồm địa vật lý. Radar xuyên mặt đất (GPR), dịch vụ thông tin toàn cầu (GIS), địa-khảo cổ học – nhờ đó các nhà khảo cổ học có thể thực hiện việc khai quật một cách khôn ngoan và cẩn thận hơn.
Tất cả những công cụ và công nghệ này được chế tạo và mang đến từ Liên Hiệp Anh. Trường Đại học Durban ở Vương quốc Anh đã cung cấp các công nghệ và chuyên gia đến Nepal để thực hiện các cuộc khai quật tại Lâm Tì Ni.
(Buddhist Art News – February 25, 2014)
Một điểm khai quật khảo cổ học tại Lâm Tì Ni
Photo: Pratibha Rawal
HOA KỲ: Đức Đạt lai Lạt ma viếng 3 thành phố khu vực Vịnh San Francisco
Berkeley, California – Vào ngày 23-2-1024, khoảng 3.000 người đã tập trung đầy Nhà hát Cộng đồng Berkeley để xem Đức Đạt lai Lạt ma thứ 14 của Tây Tạng nói về cách tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống.
Phật tử Tây Tạng và những người không phải Tây Tạng sinh sống tại khu vực vịnh San Francisco và xa hơn nữa đã tham dự cuộc nói chuyện của ngài. Sự kiện này được lên kế hoạch trong 3 năm bởi Hội Tây Tạng của Bắc California (TANC), là tổ chức có trung tâm cộng đồng Richmon được Đức Đạt lai Lạt ma ban phước vào sáng ngày 23-2-2014.
Đức Đạt lai Lạt ma bắt đầu chuyến hoằng pháp 3 thành phố Vùng Vịnh tại thành phố San Francisco vào ngày 22-2. Buổi nói chuyện cuối cùng trong chuyến đi này diễn ra tại trường Đại học Santa Clara với chủ đề “Kinh doanh, Đạo đức và Lòng từ bi” vào ngày 24-2-2014.
(bignewsnetwork.com – February 26, 2014)
Đức Đạt lai Lạt ma tại Berkeley
Photo: D. Ross Cameron
INDONESIA: Học sinh trường nội trú Hồi giáo giúp dọn vệ sinh ngôi đền Phật giáo Borobudur
Ngày 21-2-2014, khoảng 50 học sinh từ trường nội trú Mistakhurrohman của Hồi giáo (ở huyện Magelang, Trung Java) đã giúp dọn vệ sinh tro núi lửa tại đền Borobudur từ 8 a.m đến 3 p.m.
Trường nội trú này nằm cách ngôi đền khoảng 1,5 km. Phần lớn các học sinh của trường là trẻ mồ côi hoặc con nhà nghèo có cha mẹ bán hàng rong quanh ngôi đền.
Ngoài các học sinh Hồi giáo còn có khoảng 700 Phật tử, bao gồm một số nhà sư từ vài thành phố ở Trung Java, đã dọn vệ sinh ngôi đền trong ngày này.
Nhà sư Uttamacitto từ chùa Ampel ở huyện Boyolali nói: “Chúng tôi dọn dẹp tro núi lửa Kelud tại đền Borobudur từ 5 ngày nay”. Ông cảm kích sự giúp đỡ từ các học sinh Hồi giáo trong việc dọn vệ sinh ngôi đền.
(tipitaka.net – February 27, 2014)
Vải dầu được bọc lên 73 bảo tháp của đền Borobudur để ngăn tro của vụ phun núi lửa Kelud xảy ra vào ngày 16-2-2014
Photo: ANTARA/Hermanus Prihatna
Diệu Âm lược dịch