Thậm
chí - tôi xin lỗi hết cả bà con Cà Mau, và xin lỗi cả Tư nữa - quả thật
không biết nếu như không có Nguyễn Ngọc Tư thì Cà Mau có còn hoàn toàn
là Cà Mau bây giờ không. Tất nhiên vẫn là Cà Mau, nhưng sẽ là một Cà Mau
có thể nhỏ hơn một chút, thiếu hơn một chút, thiếu cụ thể điều gì thì
cũng thật khó nói, nhưng rõ ràng là sẽ thiếu, thiếu một điều gì đó đang
làm cho không gian Cà Mau không rộng và sâu, xa, gần và hiện đại được
như bây giờ khi có cô nhà văn ấy.
Tôi
gặp Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau lần đầu là cách đây đâu khoảng mươi năm
(vừa rồi cô ấy xác nhận lại trí nhớ của tôi, cô bảo cô xin về làm ở Hội
Văn nghệ Cà Mau đến nay vừa đúng mười năm). Bữa đó ngồi với anh chủ tịch
hội (anh ấy bây giờ vẫn là chủ tịch hội), tôi nói linh tinh những
chuyện gì đó không thể nào nhớ được nữa. Thỉnh thoảng lại thấy có một
“con nhỏ” chạy vô chạy ra rót nước, đôi lúc dừng lại một chút chừng lắng
nghe chúng tôi. Và hình như hơi cười. Bây giờ nghĩ lại lo quá, không
biết bữa đó mình có bốc đồng nói linh tinh những gì to tát hùng hồn về
văn chương không. Bởi vì “con nhỏ rót nước” đó chẳng bao lâu sau sẽ là…
Nguyễn Ngọc Tư.
Thật
tình khi Tư bắt đầu được dư luận chú ý tôi cũng không nhớ rõ “con nhỏ
rót nước” bữa đó lắm, chỉ loáng thoáng hình ảnh một cô gái trẻ rất quê,
mặt mày cũng không lấy gì làm sáng sủa, hình như là mặc chiếc áo xanh,
suốt buổi chỉ chạy lên chạy xuống châm nước, sau đó chạy đi đâu đấy hơi
lâu, chắc là ra ngoài phố đặt tiệc cho anh chủ tịch hội tiếp khách thủ
đô về… Những lần gặp Tư sau này, lúc ở Hội An, lúc Sài Gòn hay Hà Nội,
cũng chỉ chào qua năm ba câu, ở những cuộc hội họp long trọng ồn ào ấy
Tư rất ít nói, ít xuất hiện, thường lủi thủi một góc vắng, ngồi sau một
cây cột to chẳng hạn, vẫn rất quê, và không như nhiều người viết trẻ
thường thích làm quen đôi khi đến sấn sổ với những ông già đã nổi tiếng.
Tôi để ý chưa bao giờ Tư tỏ ra muốn bắt quen với tôi, gặp nhau tôi hỏi
câu gì thì cô trả lời câu ấy, rất ngắn, đại khái cũng chỉ những chuyện
bâng quơ về sức khoẻ, đang viết gì, có hay ra ngoài này (Hà Nội) không,
trong ấy (Cà Mau) bây giờ thế nào, anh A hay chị B có còn ở vị trí nào
đó không… Vậy mà, tôi biết, hình như chúng tôi có hiểu nhau, rằng cái sự
ồn ào, hào nhoáng kia chẳng có nghĩa lý gì, cả cái hội hè kia nữa, cũng
là để mà chơi đấy thôi, văn chương là một cái gì đó rất khác, vừa bình
thường vừa bí ẩn, riêng tư và… cô độc, cô đơn hơn rất nhiều… Rồi đến cái
vụ Cánh đồng… Tôi đã có lần nói rồi, và lần này xin nói lại, và trước
khi nói tất nhiên phải xin lỗi tất cả những người cầm bút: Để mà tính
chuyện đi ra thế giới, tức là cái mà người ta gọi là mở rộng không gian
văn học, và như thế cũng tức là không gian đất nước, ra với thế giới,
với bàn dân thiên hạ, tức là cái sự bây giờ được gọi một cách nghiêm
trang và hơi lo sợ là “hội nhập”, mà không phải sợ bất cứ ai hết, thì
theo tôi trong văn học hiện đại ta có thể có mấy cái: Số đỏ của Vũ Trọng Phụng là một, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp là hai, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là ba, và nay là Cánh đồng bất tận. Tôi nói thế này mà không sợ quá đáng đâu: Với Cánh đồng bất tận,
văn chương ta bước vào toàn cầu hoá hôm nay một cách đàng hoàng, cùng
và ngang bằng với những giá trị nghệ thuật và nhân văn của toàn cầu,
chẳng phải nể ai hết. Nó đưa văn chương, và như thế cũng là con người
của ta, ra toàn cầu, để cho toàn cầu biết rằng ta cũng là con người
chẳng hề thua gì họ.
Chuyện
Cánh đồng… bị đánh tơi bời như thế nào, ai cũng biết rồi. Tôi thậm chí
còn biết không chỉ ở cấp tỉnh lẻ và trong những người làm công việc gọi
là văn hoá tư tưởng, mà cả một số người làm văn chương hẳn hoi nữa kia.
Và tôi còn biết, rất cụ thể, một vị chức sắc cao vòi vọi, từng không hề
tiếc lời chửi bới nó cực kỳ thậm tệ.
Cũng
chẳng có gì lạ. Một số người, kể cả người cầm bút nữa, không hiểu gì
văn chương cũng là chuyện thường. Và cũng không ai bắt một vị có chức
quyền loại lớn phải hiểu thấu văn học. Có lẽ điều đáng nói, đáng kể hơn
nhiều lại là ở ngay một số người… bênh vực Cánh đồng... Họ hăng hái,
nhiệt tình, sôi nổi, cả hùng hổ nữa bênh vực Cánh đồng... bằng cách ra
sức la to lên rằng ai kia mắng mỏ con nhỏ thì cứ chịu khó xắn quần cởi
dép về đây mà coi, “cánh đồng” ở cái xứ này còn tệ gấp trăm lần “cánh
đồng” của Tư… Nghĩa là rất buồn, và tôi biết Tư cũng buồn lắm về điều
này. Họ yêu Tư, quý Tư, nhưng cũng chỉ đến mức hiểu Tư là một nhà văn
rất hiện thực của Cà Mau, của miền Tây, là một cây bút dũng cảm dám nói
lên những sự thực tăm tối và đau lòng đang còn tràn lan trên vùng đất
đẹp và đáng yêu biết bao này. Họ phẫn nộ vì những kẻ “đánh” một cây bút
to gan dám nói lên tất cả sự thật. Tư buồn không phải vì những người
đánh cô đến té tát. Cô buồn vì những người yêu cô mà chẳng phải vì những
điều cô đau đáu muốn nói về cuộc đời. Nguyễn Ngọc Tư nào có muốn nói về
một Cà Mau, một miền đất. Chẳng qua cô gửi vào cái khung cảnh ấy, trên
đất đai ấy, mà cô quen cô thuộc hơn bất cứ nơi nào trên thế gian này,
một kiếp người, những kiếp người, hạnh phúc nhọc nhằn và đau khổ muôn
đời của con người, cái chất thiên thần và quỷ sứ trộn lẫn bất trị, không
gì không bao giờ chữa nổi trong con người. Và cô làm ra cái sản phẩm đã
đưa văn học ta ra khỏi tình thế cám cảnh tỉnh lẻ của cái thời kéo dài
“văn học phục vụ”, “văn học đi thực tế”, “văn học bám sát đời sống thực
tế”, văn học “mũi nhọn mũi tà”… Nó đưa văn học trở lại là văn học, thế
thôi, chẳng của gì hết. Và vì vậy, nó khiến văn học ta, cả chúng ta nói
chung nữa, cũng “toàn cầu hoá” như ai. Nó tạo không gian mới cho chúng
ta hít thở kiểu mới cùng thiên hạ…
Tôi
xuống Cà Mau và được Nguyễn Ngọc Tư dẫn đi chơi, xuống Mũi (để xem một
cái mũi đất Cà Mau đang bị bê tông hoá!), vào rừng U Minh để được lội
giữa những rừng tràm tuy đã xơ xác nhiều so với những lần tôi đến trước
đây nhưng thiên nhiên vẫn mạnh lắm, con người tàn bạo thế vẫn chưa tàn
phá nổi hết rừng, chưa xoá đi hết được cái hoang dã mãi mãi lạ lùng của U
Minh… Đi chơi với Tư ở Cà Mau rất thú, rất khác những lần gặp cô trong
các cuộc hội họp văn chương. Bây giờ là một Nguyễn Ngọc Tư rất Tư, hình
như có gầy hơn đôi chút so với những lần gặp trước, trông lanh lợi và
sành sõi hẳn ra, sẵn sàng hiện đại nữa, hơi “ngầu” một chút, đôi lúc
cũng ồn ào rồi chợt lắng đi, rất lặng, rất riêng, thậm chí có gì đó như
chừng hơi khinh khỉnh... Tôi hiểu, người viết văn nào cũng vậy, cô gái
tài năng này càng vậy, tinh ý một chút có thể cảm thấy cô vẫn giữ một
khoảng cách với tất cả những gì đang diễn ra quanh mình, cái khoảng cách
có lẽ chỉ những người sáng tác mới biết và hiểu được, vừa nhập cuộc đến
cùng, vừa vẫn tách ra cô đơn, sự cô đơn không có nó thì không bao giờ
thật sự có sáng tạo nghệ thuật. Cô đơn và lúng túng mãi giữa cuộc đời. Ở
gần Tư và trong không khí này, hình như “ngửi” ra được cái mùi rất
người và rất đời đó, nó làm cho cô ấy quả thật sự là một nhà văn, một
nhà văn đã làm cho văn học ta ngang hàng với bất cứ ai, bởi vì, vậy đó,
hình như nhà văn là người được sinh ra để mãi mãi nói lên cái lúng túng
mãi mãi không sao thoát nổi của kiếp người. Ông già kỳ cục và cô con gái
cũng kỳ cục không kém của ông trong Cánh đồng bất tận đấy, chẳng phải
là họ quá lúng túng cái lúng túng của kiếp người, rất người đó sao?
…
Ngồi trên vỏ lãi chèo vào rừng U Minh, Tư nhẹ nhàng báo tin cho tôi
biết chỉ mấy ngày nữa cô sẽ chính thức thôi việc ở hội Văn nghệ tỉnh,
mọi thứ đã xong, chỉ còn thủ tục ra đi. Vẫn sống ở Cà Mau nhưng làm một
việc gì đó khác ở Sài Gòn. Im lặng một lát rồi cô nói tiếp, có lẽ cô sẽ
dừng viết tạp văn một thời gian. Cũng như một cái hũ rượu ấy mà, cô bảo,
ngày nào mình cũng giở nắp ra, miết rồi nó bay hơi hết, cho đến khi
nhạt thách. Cô muốn chôn sâu nó một thời gian, có lẽ sẽ là dài, để cho
nó sánh đặc lại. Ôi cái con nhỏ rót nước cho anh chủ tịch trang trọng
tiếp khách ngày nào, hoá ra đấy mới là người biết nén không gian lại cho
đến đặc sánh, để cho nó thật sâu và rộng ra, có sâu và rộng như vậy thì
rồi ta mới có được cái không gian gọi là “toàn cầu” cùng thiên hạ. Cái
không gian mà ta vẫn tưởng chỉ có thể tạo nên được bằng kinh tế, hay
chính trị, hay gì gì đó...
Tôi
về Cà Mau thăm Nguyễn Ngọc Tư, và tôi yên tâm rằng ta có thể “toàn cầu
hoá” cùng thiên hạ, có thể có được không gian ao ước với đầy triển vọng
và thách thức ấy, chẳng lo gì. Khi văn học, cũng là văn hoá, đã đi được
một bước như vậy...
Nguyên Ngọc