Chùa Bửu Minh


Kinh tế Phật giáo


Hình bìa trước và sau của cuốn sách

Chương Một

Schumacher và Tuyên Ngôn Kinh Tế Phật giáo

Có nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe nói tới Kinh Tế Phật giáo. Kinh tế tự túc của nhà chùa nhiều lắm chỉ là mầy mẫu ruộng cho tá điền thuê để tìm thêm chút thu nhập eo hẹp. Cho tới nay hầu như phần lớn các chùa sống nhờ vào sự hỷ cúng.

 

E.F Schumacher

Trên bình diện quốc gia, các nước theo Phật giáo như ba nước Đông Dương, Miến Điện, Tích Lan đều là những nước nghèo.

Kinh Tế Thái Lan mới phát triển gần đây và xã hội tiêu thụ đã làm văn hóa đạo đức của nước này tan rã một cách thảm hại, hiện tượng mà cư sĩ lãnh đạo phong trào nhập thế ở Thái, Sulak Sivaraksa, gọi là từ Hoa Sen đến Bàn Tay của Quỷ. Tuy trên giấy tờ, GDP của Thái tăng trưởng nhanh chóng nhưng nạn nghèo khó càng trầm trọng, hàng trăm ngàn cô gái bán thân nuôi miệng, và những thuyền nhân Việt Nam đã không quên kinh nghiệm hãi hùng khi nhóm hải tặc đối với người như lang sói, mới thấy sự đồi trụy của của văn hoá Thái đến như thế nào. Bây giờ lại thêm cuộc khủng hoảng với các tín đồ Hồi giáo ở miền Nam Thái. Các nhà sư trong truyền thống Thái vốn là nguồn cỗi đạo hiện ‘cạnh tranh’ ráo riết để có thêm tín đồ trong các lễ lạc mê tín và ‘tăng đức’ của các vị này xuất hiện qua các xe lộng lẫy mắc tiền nhất.

Nhật là nước giàu sang từ sau thế chiến, nhờ đầu tư của Mỹ, và có lẽ nhờ tinh thần quốc gia un đúc từ Thần Đạo, hơn là nhờ Phật giáo.

Đại Hàn phát triển được có lẽ nhờ viện trợ Mỹ và trãi qua vài thập niên dưới sự cai trị sắt máu mấy ông tướng độc tài, và có lẽ nhờ tinh thần tranh đua ráo riết với Nhật, đã từng cai trị Đại Hàn với bàn tay sắt máu.

Tại sao lại đặt vấn đề liên hệ giữa đạo Phật và phát triển?

Nhiều người chỉ nhún vai ngờ vực, mỉa mai là nhà chùa định mở xưởng sản xuất xì dầu hay tương chao để cạnh tranh với các tổ hợp sản xuất thức ăn chay của Đài Loan. Ngay cả trí thức Phật tử cũng tỏ ra lạnh nhạt với vai trò của đạo Phật trong viễn tượng phát triển kinh tế.

Trong một bài báo đăng trên Giao Điểm, Cao Huy Thuần nói là vai trò phát triển kinh tế ở các nước Á Châu nếu có, là vai trò của Khổng giáo hơn là Phật giáo. Tự hào về tinh thần quốc gia và truyền thống văn hóa có thể là động lực đánh thức mấy con rồng Á Châu, và Lý Quang Diệu từng dùng ‘giá trị Á Châu’ để biện minh cho những biện pháp cai trị bằng bàn tay sắt bọc nhung ở Singapore.  Theo Cao Huy Thuần, Phật giáo chỉ dành cho những người nào biết nghĩ đến mùa màng ngày mai, góp phần làm tươi tốt xã hội hơn là phát triển vật chất. Cao Huy Thuần khuyến cáo nhà chùa không nên dính líu đến chính trị. Nhà chùa chỉ nên tu. Tu được là có tất cả.

Những lời nói hoa mỹ lịch sự này phàn ảnh lập trường muốn tách rời vai trò của Phật giáo trong tiến trình chuyển hóa xã hội và là một điều đáng ngạc nhiên, nhất là sau sự dấn thân của Phật giáo Việt Nam vào các năm 1963-1966. Tôi đã đưa ra một định nghĩa chi tiết về Phật giáo nhập thế trong tác phẩm Vietnamese Engaged Buddhism cho thấy lập trường thế trị của Phật giáo, về xã hội, kinh tế hay chính trị.

Tuyên Ngôn Kinh Tế Phật giáo

Một nhà kinh tế Anh gốc Đức, Erns Friedric, Schumacher, đã nhìn thấy tiềm năng của đạo Phật trong phát triển kinh tế. Tác phẩm Small is Beautiful: A Study of Economics as if People Mattered do Blond & Bridge xuất bản tại London vào năm 1977. Theo ý tôi, đây là Tuyên Ngôn Kinh Tế Phật giáo của người Phật tử, cũng quan trọng như Tuyên Ngôn Của Người Cộng Sản của Marx vào thế kỷ trước.

Schumacher nhấn mạnh ông không phải là Phật tử và nói rằng tư tưởng của Đức Phật đã có sẵn, nên ông chỉ muốn rút ra một vài nguyên tắc để biện chính cho những nhận xét của ông về trào lưu kinh tế hiện đại.

Schumacher sinh ở Đức, qua Anh vào năm 1930 theo chương trình Rhodes Scholar dành cho sinh viên xuất sắc, theo học ngành kinh tế tại New College Oxford. Sau đó ông dạy kinh tế tại đại học Columbia, New York, khi mới có 22 tuổi. Ông cũng đi vào con đường thương mại thực hành, khai thác nông trại và làm phóng viên. Trong thế chiến thứ hai, ông dạy tại Oxford và sau khi chiến tranh kết thúc, ông làm đại diện cố vấn kinh tế của chánh phủ Anh tại…Đức từ năm 1946 đến năm 1950. Ông được nhiều chánh phủ thuộc các nước nghèo mời làm cố vấn về phát triển nông thôn. Ông là chủ tịch Nhóm Phát Triển Kỹ Nghệ Trung Bình mà ông cho là thích hợp với các nước đang mở mang, hơn là chánh sách phát triển kỹ nghệ nặng. Vì thế tựa sách chính là Small is Beautiful và tựa phụ As If People Mattered, cho thấy mối quan tâm của ông đối với trào lưu kinh tế tân cổ điển, phát triển chỉ để phát triển. As if People Mattered có thể tạm dịch là kinh tế phát triển với bộ mặt nhân bản.

Phát Triển Kinh Tế Và Hoà Bình

Nhiều người thường xem ngòi nổ chiến tranh do sự chênh lệch mức sống giữa các nước giàu và nghèo và nhất là sự tranh dành tài nguyên, trong thời thực dân cổ điển cũng như thời chủ nghĩa đế quốc kinh tế mới. Từ Marx đến Keynes, đến các nhà kinh tế thị trường đều có chung một niềm tin là, nếu kinh tế phát triển, thì thiên đường sẽ xuất hiện, trong đó không còn cảnh người bốc lột người. Các quốc gia sẽ không có lý do gì để gây ra chiến tranh và sẽ có khuynh hướng hợp tác với nhau để xây dựng hoà bình lâu dài.

Chúng ta tin rằng chỉ khi nghèo đói quá mức, không có gì để mất thì con người mới quá khích liều mạng, nhưng khi tài sản chất chứa đầy nhà và cần được bảo vệ, con người se trở nên bảo thủ hơn.

Nhiều nhà phê bình xã hội chế diễu thế hệ Baby Boomers, sinh sau thế chiến thứ hai, trong các thập niên 60 và 70 hăng hái tham gia phong trào hippy xuống đường chống chiến tranh và các lãnh tụ sinh viên trong cuộc nổi dậy ở Pháp vào năm 1968, hiện trở thành những nhân viên cao cấp trong chánh quyền, những người điều khiển các tổ hợp kinh tế lớn trên thế giới và là những lãnh tụ chánh trị có lập trường càng lúc càng bảo thủ hơn. Mặt khác, từ sau thế chiến hai, nhiều chiến tranh cục bộ đã xảy ra, cho chúng ta thấy giấc mơ ‘phát triền hoà bình’ càng ngày càng xa vời vợi.

Kinh tế xã hội hay kinh tế thị trường giống nhau ở chỗ là cả hai đều khuyến khích và cổ vỏ tích lũy tài sản cá nhân hoặc quốc gia. Tham lam là điều tốt (Greed is Good) và mánh mung là công bằng (Foul is Fair) là phương châm hành động. Như Schumpeter khuyến cáo, những ai muốn bước qua ngưỡng cửa kinh tế phải bỏ lại tình nghĩa, đạo đức bên ngoài. Tôn giáo và đạo đức chỉ làm kỳ đà cản mũi, ngăn trở sự phát triển kinh tế, chớ chảng có ích lợi gì!

Có điều là lòng tham thường không đáy, ít ai biết tri túc hay thiểu dục, hay quyết liệt hơn, diệt dục như trong đạo Nho hay Phật. Thoạt nhìn kinh tế Phật giáo là cụm từ gượng ép và lạc điệu. Không một cá nhân hay một quốc gia nào chịu nói ‘tài sản của tôi đủ rồi’ vì không phải ai cũng có định nghĩa về tri túc tiện túc như Nguyễn Công Trứ.

Khai Thác Tài Nguyên

Muốn phát triển thì cần phải có nhiên liệu để sản xuất, nhưng không ai chịu đặt câu hỏi là liệu nguồn tài nguyên của trái đất có vô tận không?

Ngay từ thập niên 60, Schumacher đã nhìn thấy nguy cơ các quốc gia nuôi dưỡng một lối sống xa hoa ích kỷ nên đã khai thác tài nguyên một cách phung phí. Theo thống kê mà Schmacher dẫn ra, vào năm 1966 các nước giàu tiêu dùng 87% nhiên liệu trong khi dân số của họ chỉ chiếm 31%. Dân số các nước nghèo chiếm 69% nhưng mức tiêu thụ năng lượng chỉ có 13%. Năm 2005, trong tác phẩm Half Gone, Jeremy Leggett, nhà khoa học đầu đàn của tổ chức Greenpeace Anh Quốc đã báo động rằng thế giới tiêu thụ 80 triệu thùng dầu mỗi ngày. Riêng Mỹ mỗi ngày tiêu thụ 20 triệu thùng, tức là một phần tư tổng số. Nếu ước tính theo mức tiêu thụ này thì vào năm 2025, mức tiêu thụ mỗi ngày của thế giới là 120 triệu thùng hay 43 tỷ thùng mỗi năm. Hậu quả là không có chánh khách Mỹ nào, Cộng Hoà hay Dân Chủ, không lăm le can thiệp bằng cách này hay cách khác vào Trung Đông. Ngay cả cựu tổng thống Carter, người được giải Nobel Hoà Bình, tuyên bố vào năm 1980 là việc thông thương vào vùng vịnh là vấn đề sinh tử của Mỹ và để bảo vệ quyền lợi này, Mỹ có thể dùng bất cứ phương tiện nào, kể cả võ lực. Khi cần bảo vệ quyền lợi của Mỹ, Carter và Bush chẳng khác gì nhau. Năm 2006, trong diễn văn hàng năm trước lưỡng việc quốc hội, TT Bush thú nhận là dân Mỹ nghiện ‘dầu’ và Bush muốn giảm số dầu nhập cảng vào năm 2025 xuống còn 75%. Ngay ngày hôm sau Bộ Trưởng Bộ Năng Lượng Mỹ cải chánh, đây không phải là lời hứa của TT Bush mà chỉ là ‘ước mơ’.

Lao Động

Một yếu tố quan trọng nữa để sản xuất là lao động. Các nhà sản xuất xem lao động như là một ‘chi phí sản xuất’, không có không được, nhưng để giảm giá thành, trả lương nhân công càng rẻ càng tốt. Để giảm chi phí và tăng hiệu năng, nhân công phải làm việc theo phương pháp dây chuyển, hay nếu sáng chế được robots tự động thì càng tốt. Robots làm việc không biết mệt, miễn là được bảo quản kỹ lưỡng, không biết đòi tăng lương, không tổ chức nghiệp đoàn để đình công. Các tổ hợp thương mại dời các xí nghiệp qua các nước đang phát triển để dùng công nhân rẻ, tha hồ bóc lột công nhân trong các sweatshops mà không phải bận tâm về luật lao động. Trường hợp hãng giày Nike đã trả công nhân tại các quốc gia như Indonesia, Nam Mỹ và Việt Nam với giá chết đói, các tổ chức lao động thế giới phải lên tiếng tranh đấu dùm. Ngay cả gần đây (2005) công nhân Việt Nam làm việc tại các xí nghịệp vốn nước ngoài (FDI) than phiền là tuy mang tiếng làm việc cho các xí nghiệp ngoại quốc, lương tối thiểu công nhân tại các xí nghiệp này còn thua lợi tức của một người bán vé số lẻ! Không những thế các chánh phủ địa phương còn phải cám ơn các xí nghiệp FDI rối rít vì đã giúp chánh phủ giải quyết vấn đề công ăn việc làm cho một số công nhân. Đó không phải là chuyện chỉ xảy ra ở nước nghèo. Chánh phủ Úc tài trợ hàng trăm triệu để o bế các hãng sản xuất xe hơi để họ đừng đóng cửa và trong nhiều năm qua đã tài trợ cho hãng sản xuất phim Kodak nếu hãng này đừng dời cơ sở sản xuất sang các nước khác. Hiện nay (2012) hãng mô tô Toyota sa thãi hàng ngàn công nhân và Kodak tuyên bố phá sản. Các xí nghiệp này luôn miệng dọa là nếu chánh phủ không ‘biết điều’, họ sẽ dời nhà máy về một quốc gia khác có công nhân rẻ hơn.

 

Ngược lại nhiều người xem lao động như là một gánh nặng chẳng đặng đừng và xem lương bỗng là hình thức bù trừ cho chuyện hy sinh không có thì giờ nghỉ ngơi.

Quan niệm về lao động theo kiểu này của chủ nhân và công nhân có hệ quả quan trọng hơn chúng ta nghĩ. Công nhân xem làm việc như là một cực hình, chủ nhân xem lao động như là phí tổn sản xuất. Một đàng muốn làm việc càng ít càng tốt. Đàng kia muốn tăng hiệu năng để thâu dụng số nhân công càng ít càng tốt.

Trong khi đó các nhà sư Đại Thừa tuyên bố ‘bất tác bất thực’. Bổ củi, xách nước, thiền tập, rửa bát là những phương tiện giúp các thiền sinh thực tập chánh niệm. Nếu phải làm việc để mưu sinh, nên xem làm việc là phương thức phát triển kỹ năng và nhân cách, để giúp cá nhân học tập tinh thần đồng đội mà Phật giáo gọi là Lục Hòa.

Dĩ nhiên lao động tạo ra những sản phẩm tiêu dùng cần thiết và lương bỗng để chi dùng. Chủ nhân chỉ nhắm tới lời lỗ khi thu dụng công nhân, chia công việc manh mún, làm mất cả ý nghĩa lao động và nếu cần đuổi thì cứ đuổi, không tình nghĩa gì cả. Công nhân xem việc làm như là một gánh nặng, muốn làm chơi ăn thiệt, thay vì xem thực ra lao động là một quá trình hình thành nhân cách và tạo ý nghĩa cho đời sống. Đạo Phật xem làm việc-nghỉ ngơi, lao động và giải trí là một quá trình không thể thiếu của đời sống, có ăn-có làm-có chơi. Lao động và ý nghĩa đời người có mối liên hệ khắn khít hơn là phương tiện kiếm tiền sinh sống hay chỉ là chi phí cần giảm thiểu tới mức tối đa.

Lao động phát triển khả năng sáng tạo và là thức ăn cần thiết cho tâm linh, như thực phẩm cần thiết cho sự duy trì khả năng hoạt động của cơ thể. Những người không có việc làm, hay trốn tránh lao động, ngoài chuyện không có lợi tức còn bị một thiệt thòi lớn khác nữa là không có thức ăn cần thiết cho tinh thần.

Để sống một cuộc đời phát triển trọn vẹn thể xác-tâm linh, Phật giáo muốn thực hiện một nền kinh tế trong đó những người nào muốn làm việc sẽ có việc làm. Nhiều người nghĩ mô thức kinh tế này chỉ là điều mơ ước viễn vông, nhất là khi các nhà kinh tế tư bản thị trường cho rằng tỷ lệ thất nghiệp ‘lý tưởng’ là từ 2% đến 5%. Để giữ an ninh xã hội, kinh tế an sinh sẽ được thiết lập để giúp đỡ những người cần được giúp đỡ. Để giữ mức quân bình hệ thống, nhà kinh tế J.K. Galbraith trong The Effluent Society nói mạng lưới an toàn là cách đền bù những người thất nghiệp để họ có thể hưởng được những thành quả của tăng trưởng kinh tế.

Tăng Trưởng Kinh Tế và Công Ích Xã Hội

Kinh tế càng ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân cũng như xã hội và trở thành mối quan tâm hàng đầu của chánh quyền khắp mọi nơi. Làm thế nào để cá nhân có được một đời sống đầy đủ về vật chất, và trên bình diện quốc gia, làm thế nào nâng cao GDP để nuôi dân chúng, và nếu có thể, theo kịp mức sống các nước tân tiến, trở thành một ám ảnh ưu tiên. Hành vi của cá nhân hay chánh quyền đều được đo theo tiêu chuẩn kinh tế hay phi kinh tế. Hành vi kinh tế là những hành vi đem đến lợi lộc và hành vi phi kinh tế là hành vi làm thiệt hại đến tư lợi. Lời hay lỗ trở thành thước đo hầu hết mọi giá trị. Những gì hợp với tiêu chuẩn kinh tế thì được chấp nhận, cổ võ trong khi hành động phi-kinh tế đều phải gạt bỏ ra ngoài và bị chê là ‘bất hợp lý’ vì ngăn cản tăng trưởng và tiến bộ.

Mỗi nhà kinh tế đưa ra các mô thức kinh tế khác nhau mà họ nghĩ có thể làm tăng trưởng kinh tế trong thời gian ngắn nhất. Đối với họ, kinh tế là một ‘khoa học’, nếu không ngang hàng với Vật lý, ít ra cũng ngang hàng với khoa sinh học tiến hóa của Darwin. Một đội ngũ chuyên viên kinh tế có tinh thần khoa học được đào tạo trong các đại học qua nhiều thế hệ đã trở thành đội ngũ không thể thiếu được trong việc điều khiển guồng máy kinh tế.

Thoạt tiên, các quản trị viên CEO còn làm việc với các nhà chính trị và chủ nhân các tổ hợp xí nghiệp lớn, nhưng trong các năm gần đây, quyền quyết định của các nhà chính trị hay chánh phủ càng bị giới hạn. Cơ quan WTO có thể kiện một chánh phủ nếu họ thấy luật lệ của một quốc gia nào đó có thể làm ngăn cản ‘tự do mậu dịch’ và thiệt hại đến quyền lợi của các tổ hợp. Vào cuối năm 2000 chánh phủ tiểu bang NSW Úc ký một hợp đồng ‘phát triển’ với công ty khai thác hệ thống đường ngầm ở Sydney. Trong hợp đồng có một điều khoản cấm bộ giao thông tiểu bang NSW mở thêm các đường lân cận, nếu các tổ hợp thấy các việc cải thiện này có thể giảm số lượng xe mô tô dùng các đường ngầm. Dân chúng còn nghi ngờ là hệ thống đèn giao thông được sửa đổi để làm tăng nạn kẹt xe, khiến tài xế hết kiên nhẫn và do đó buộc lòng phải dùng đường ngầm cho xong chuyện. Một nhân viên CEO của tổ hợp phát triển các trung tâm thương mại Westfield ở Úc đã công khai mắng mỏ một Dân Biểu trong buổi điều trần tình trước Quốc Hội Tiểu Bang. Sự kiện này được loan truyền trên các đài truyền hình tiểu bang. Úc là một cường quốc trung bình, có mô thức dân chủ có thể nói là tốt nhất thế giới, tức hệ thống Westminster. Nói chi đến những nước nghèo lỡ mang nợ IMF hay WTO. Chánh phủ Zambia báo cáo là vào tháng 2 năm 2004, chánh phủ không thể thuê 9 ngàn giáo viên nhằm thoả mãn nhu cầu giáo dục cần thiết, không phải vì không đủ ngân sách, mà vì IMF và World Bank đặt giới hạn tổng số tiền chánh phủ Zambia có thể dùng vào ngân sách trả lương của công nhân viên. Ngăn chặn việc tuyển dụng giáo chức của một nước nghèo Phi Châu là một quyết định phi lý và điên rồ, nếu chánh phủ Zambia không phản đối công khai trên tờ Post xuất bản tại thủ đô Lusaka thì ai tin nổi chuyện này có thể xảy ra?! Có thể nói các tổ hợp quốc tế lũng đoạn chương trình phát triển xã hội của tất cả các quốc gia trên mọi tầm mức. Nhà nghiên cứu kinh tế Anh Noreena Hertz gọi đây là cuộc đảo chánh im lặng, trong đó quyền lo cho an sinh và công ích của chánh quyền địa phương bị toà án thương mại quốc tế giới hạn.

Nạn Nghèo Khó

Giả sử các mô thức này thực sự làm kinh tế tăng trưởng, nhưng không có mấy nhà kinh tế chịu khó hỏi câu kế tiếp đó là ai là người thực sự được hưởng thành quả của phát triển kinh tế?

Những người cổ võ kinh tế thị trường cứ lập đi lập lại khẩu hiệu tự do mậu dịch sẽ làm giảm mức nghèo khó ở các nước đang phát triển. TT Bush chỉ trích là những người biểu tình phản đối tự do mậu dịch không phải là ‘bạn của người nghèo’. Họ nói những quốc gia nào chấp nhận toàn cầu hóa đã tăng trưởng kinh tế và giảm mức nghèo đói. Không ai phủ nhận là hai cường quốc đang lên, Trung Quốc và Ấn Độ trong 20 năm tới sẽ là cường quốc kinh tế trong số 10 quốc gia đầu đàn, và đã giảm mức nghèo khó của những người cùng đinh sống có mức thu nhập là 1 hay 2 đô la mỗi ngày.

Trung Quốc là một mô thức đáng lưu ý và theo ý tôi, đáng học hỏi. Trung Quốc và Mã Lai đã giới hạn chặt chẽ những đầu tư trực tiếp và kiểm soát lưu lượng ngoại thương qua mức hạn ngạch (quotas) cần thiết để bảo vệ kỹ nghệ sơ sinh nội địa.

Trên thực tế, tổ chức Heritage Foundation, cơ quan lớn tiếng cổ động cho Tư Do Mậu Dịch thế giới, đã phê điểm Trung Quốc rất thấp theo thang điểm ‘cởi mở thương mại’. Dani Rodrik, kinh tế gia đại học Harvard vạch rõ là quốc gia đang phát triển nào dám ‘giới hạn’ mức nhập cảng là quốc gia khá nhất trong thập niên 1990. Trung Quốc trong bao nhiêu năm qua đã cưỡng lại áp lực của Mỹ bắt phải tăng giá đồng Nhân Dân tệ, nhưng các nhà cầm quyền Trung Quốc vẫn tỉnh bơ, cho tới gần đây mới thả nổi chút ít! Kết quả là suốt 25 năm, kinh tế Trung Quốc đã phát triển liên tục ở mức 9%, mặc dù vẫn kiểm soát chặt chẽ những thành phần có tiềm năng gây rối loạn chính trị như giáo phái tạp nhạp Pháp Luân Công (tương đương với Tin Lành Dega ở Việt Nam). Thấy mở được thì mở, thấy cần đóng thì đóng, miễn là bảo vệ được quyền lợi của quốc gia và nhất là cho công ích xã hội, dù phải chạm trán với WTO hay IMF.

Mã Lai cũng áp dụng biện pháp kiểm soát chặt chẽ không chịu thả nổi tiền tệ như WTO áp lực, nhờ đó đã duy trì mức phát triển quốc gia và đã tránh được cuộc khủng hoảng tài chánh vào năm 1997 đã khiến cho các nước nhắm mắt theo kinh tế thị trường như Thái Lan sống dỡ chết dỡ. Trong khi đó, các quốc gia phát triển như Mỹ và Âu Châu đã hí hửng khi kinh tế tăng trưởng chừng 4%. Ai có thể dạy ai về các mô thức phát triển kinh tế đây? Nhiều nhà phê bình kinh tế chế nhạo chế độ ‘tự do mậu dịch’ vừa chẳng tự do vừa chẳng công bằng. Sao không hỏi chánh phủ Mỹ và Âu Châu đã tài trợ bao nhiêu cho các nông gia và các tổ hợp nông phẩm Mỹ?  Sao không áp lực WTO để Mỹ và Âu Châu chịu cho các nước nghèo xuất cảng ‘tự do’ thả cửa nông phẩm vào thị trường của hai nước này! Trong khi ‘kiện thưa’ chánh phủ Việt Nam bán tháo bán đổ tôm vào thị trường Mỹ, trong khi dùng kiểm dịch để làm khó làm dễ cá Ba-Sa ở Mỹ và Úc vừa rồi.

Nếu nhìn gần và nhìn rõ, trong hai mươi năm qua, ngay cả ở các nước tiên tiến kỹ nghệ Tây Phương, tỷ lệ người nghèo không những không giảm mà còn tăng thêm. Tình cảnh dân da đen ở New Orleans cho thấy bộ mặt thật của nước Mỹ. Đàng sau lợi tức hàng tỷ của các tổ hợp thương mại, đàng sau con số lợi tức mỗi đầu người trên thống kê, hàng triệu người da đen sống nghèo khổ như dân chúng trong các nước thứ ba. Trong đám tang của bà Coretta Scott, phu nhân của Mục sư Martin Luther King, được cử hành vào ngày 7/2/2006, có sự tham dự của TT Bush, và các Tổng Thống tiền nhiệm như Bush cha, Carter và Clinton. Carter, người được giải Nobel hòa bình, đã chua chát nhận xét: ‘Chúng ta chỉ cần nhớ lại mầu da của các khuôn mặt nạn nhân của trận bão Katrina ở các vùng Louisana, Alabama và Mississipi, chúng ta có thể nhận ra rằng không phải tất cả dân Mỹ đều hưởng được cơ hội đồng đều’ (SMH 9/2/06). TT Bush không có lý do gì để ‘lên lớp’ các quốc gia khác về nghèo khổ: nếu một nước giàu có như Mỹ, có GDP tính theo đầu người cao nhất (37,870 theo dữ liệu mới nhất của World Bank vào năm 2005), mà vẫn có những người da đen nghèo như ở New Orleans, Mỹ không có lý do gì để Mỹ khoa trương về khả năng giảm nghèo đói của tự do mậu dịch.  Điều nghịch lý là những người cổ động giảm nghèo đói không phải là chánh phủ các nước tiên tiến, mà là các nhân vật nổi tiếng khác. Sir Gusdorf và Bill Gate là hai trong số các người tổ chức đại nhạc hội yêu cầu các quốc gia G8 xóa nợ cho các nước Phi Châu. Các cường quốc này hứa sẽ xóa sổ nợ, nhưng tới nay phần lớn vẫn còn dậm chân tại chỗ.

Giá Trị Kinh Tế và Giá Trị Xã Hội

Các lý thuyết gia kinh tế tân cổ điển cho rằng hai yếu tố quyết định ảnh hưởng đến chọn lựa là ‘hợp lý’ và ‘tăng tư lợi tối đa’. Kinh tế chỉ để ý đến ‘giá trị thị trường’ mà không để ý đến những giá trị phi-kinh tế, như giá trị xã hội và đạo đức. Người mua chỉ muốn mua rẻ, người bán muốn bán giá cao để có lời nhiều. Ai cũng chỉ lo bảo vệ tư lợi của mình, không ai hơi đâu lo đến quyền lợi kẻ khác. Đối với các nhà kinh tế thị trường, những châm ngôn như ‘một người vì mọi người’ vừa sáo, vừa không thực tế và ‘phi-kinh tế’. Không thương gia nào hạ giá cho khách hàng chỉ vì họ nghèo quá không đủ tiền mua. Những ai có tinh thần quốc gia muốn mua sản phẩm nội địa dù với giá mắc hơn hàng ngoại, sẽ bị phê phán là quốc gia…cực đoan, không chịu ‘hội nhập’ trong thời đại toàn cầu. Cái gì hội nhập cái gì, hội nhập ra sao, ai sẽ có lợi…Hội nhập trở thành đại thần chú thời đại. Những khách hàng nào không chịu mua những sản phẩm do cưỡng bách lao động, do công nhân là những tù nhân hay lao động trẻ em sẽ bị chê bai là .. quân tử Tầu, thiếu thực tế, cái gì tốt mà rẻ thì cứ mua, băn khoăn làm gì. Ngoài bản thân, không ai chịu trách nhiệm cho ai. Mọi hoạt động kinh tế đều dựa trên yếu tố lời lỗ, tình nghĩa đều là phi-kinh tế. Con người kinh tế Homo economicus chỉ còn là đám ngạ quỷ tranh nhau ăn, tranh nhau tích lũy của cải, quốc gia tranh nhau tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, kể cả cái giá mắc nhất là làm tăng thêm cái hố ngăn cách giữa người giàu và nghèo. Con người kinh tế cả đời chỉ tính trăm mưu ngàn kế để bảo vệ tư lợi. Kinh tế thị trường mà, tham lam là điều tốt, mánh mung là chuyện dĩ nhiên. Có thực sự chúng ta muốn tăng trưởng để tạo ra một xã hội đầy ngạ quỹ như thế?

Các nhà kinh tế tân cổ điển (neo-cons)  cũng luôn nhấn mạnh đến yếu tố phi-giá trị, khoa học và tất nhiên của khoa kinh tế, nhưng bất cứ lý thuyết hay mô thức nào cũng đều dựa trên những giả định, lòng tin mà Schumacher gọi là nền tảng siêu hình kinh tế. Đó là giả định về bản tính thiên nhiên của con người và hướng đi, hay biện chứng tiến bộ lịch sử.

Trong truyền thống Đông Phương, Khổng Tử và Mạnh Tử đều cho con người ‘tính bản thiện’, ‘tính tương cận, tập tương viễn’, Mạnh Tử cho rằng con người có cái tâm ‘bất nhẫn’ thấy một đứa trẻ sắp rơi xuống giếng thì không thể nào không cứu. Đạo Phật chủ trương mọi loài đều có Phật tính - chỉ cần trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật. Chủng tử thiện hay ác đều có trong chúng ta và nhờ quá trình tu tập, Phật tử có thể loại bỏ dần dần chủng tử bất thiện, tưới tẩm chủng tử từ và bi, và một ngày đẹp trời nào đó, mây bay đi và ‘tuệ nhật tự chiếu’.

Các nhà kinh tế hay triết lý Tây Phương cũng có những giả định tiểm ẩn như các hiền giả Tây Phương. Marx có những giả định về sự tiến bộ tất yếu của lịch sử: nhân loại kết thúc ở xã hội đại đồng, trong đó không còn chuyện người bóc lột người, không còn cảnh dành nhau miếng cơm manh áo, mọi người làm việc theo khả năng, hưởng thụ theo nhu cầu. Giấc mơ của Marx tương tự thời đại hoàng kim của thời huyền sử Nghiêu Thuấn. Các nhà kinh tế tư bản thị trưòng dùng thần học Tin Lành để giải thích tại sao con người cần được cứu chuộc qua việc tích lũy tài sản. Từ Marx, Weber và các nhà kinh tế thị trường như Keynes, Samuelson đều tin rằng, nếu được hưởng đầy đủ tiện nghi vật chất, con người sẽ hiền lương hơn và thế giới không còn tranh chấp quyền lợi và tranh đoạt tài nguyên nữa. Đó là con đường phát triển đế tiến tới hòa bình.

 

Max Weber

Sử gia văn hóa Mỹ, Francis Fukuyama, phát quyết một câu xanh dờn sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt là, lịch sử con người đã tới hồi kết thúc với mô thức chánh trị dân chủ và kinh tế thị trường! Fukuyama sau đó không kèn không trống viết thêm một cuốn sách khác về tạo sinh vô tính. Bởi lịch sử không thề dừng lại và viễn tượng tạo sinh vô tính (cloning) làm cho tương lai con người càng mịt mùng bất định hơn. Một nhà lịch sử văn hoá khác, Hungtington, nhìn lịch sử hiện nay qua sự chạm trán ngoạn mục giữa các nền văn minh, xem cuộc chạm trán này sẽ quyết định tương lai nhân loại.

Lịch sử rồi sẽ kết thúc ở đâu khi các nhóm tôn giáo quá khích cho là chỉ có tôn giáo mình nắm bắt được chân lý. Cuộc đời vẫn cứ trôi, lịch sử vẫn tiếp diển, máu vẫn chảy thành sông chỉ vì lòng cuồng tín cho mình nắm giữ sự thật. Tham vọng chấm dứt lịch sử bằng ý hệ này hay ý hệ khác, bằng thần học này hay thần học khác, chỉ là ảo ảnh của người đi trong sa mạc. Giả định ‘thần học’ của các nhà kinh tế tư bản thị trường thực ra không có ‘tính khoa học’ nhiều hơn hay ít hơn các giả định siêu hình của Khổng Tử hay Đức Phật. Tuy nhiên chỉ có những hiền triết Đông Phương, như Khổng tử dám nói ‘Thiên hà ngôn tai’ (Trời có nói gì đâu?) hay Đức Phật ‘Bốn mươi lăm năm nay ta có nói lời nào đâu’.

Khoa Học hay Thần Học?

Vì xem rằng kinh tế như một khoa học, các nhà kinh tế tư bản cho rằng tiến trình và hậu quả kinh tế đều tất định, không ai có thể thay đổi hay ngăn cản được. Thảo nào có nhiều người chép miệng than thở ‘kinh tế thị trường mà’ nhưng xem quá trình toàn cầu hóa như là chuyện dĩ nhiên, không thể nào tránh khỏi, không thế nào thay đổi được. Về điểm này, ngay từ năm 1977 Schumacher cho là các nhà kinh tế này bị mắc bệnh ‘mù loà thần học’ không chịu nhìn nhận là, ở phía sau mỗi mô thức hay lý thuyết kinh tế đều có giả định siêu hình, như ẩn dụ mà Gandhi đã dùng trong khi đề cập đến chánh trị. Siêu hình kinh tế cũng giống như con rắn quấn quanh mình chúng ta, muốn tránh cũng không tránh được. Đó cũng là lý do tại sao Schumacher nói Tây Phương có thần học Tìn lành, nên họ có nền kinh tế tư bản. Còn các nước theo Phật giáo, lẽ ra cũng phải có một nên kinh tế tương ứng, lại cứ nhắm mắt chạy theo ‘đại thần chú’ kinh tế thị trường. Đến đây chúng ta thấy Schumacher đã lội ngược cơn sóng thần toàn cầu hóa trước khi chủ nghĩa Thatcher và Reagan cất cánh. Thông thường thể chế chánh trị được nối kết với mô thức kinh tế: dân chủ- tư bản, xã hội chủ nghĩa-kinh tế chỉ huy. Nhưng khi xét đến lịch sử kinh tế từ Marx đến Keynes, qua Samuelson, ngay cả đến các ‘tổ sư’ kinh tế thị trường ở Đại học Chicago, chúng ta thấy sự liên hệ kinh tế- chánh trị không đơn giản như vậy. Trong 25 năm qua, Trung Quốc vẫn duy trì chế độ Cộng sản và kinh tế của Trung Quốc vẫn liên tục hàng năm từ 9 tới 9.5%, trong khi tăng trưởng kinh tế Mỹ khi trồi khi sụt trên dưới 4%. Như vậy mô thức tăng trưởng không nhất thiết phải là mô thức dân chủ Tây Phương, và nhất là mô thức Mỹ. Mã Lai cũng thi hành một chiến thuật tương tự, và đã duy trì mức tăng trưởng kinh tế mà không bị rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế Á Châu. Nhưng điều cần minh định ở đây dù chiến thuật lập đi lập lại khẩu hiệu ‘hội nhập’ của các kinh tế gia thị trường trong và ngoài nước có nhiều lỗ hổng, nhưng về lâu về dài, muốn phát triển kinh tế và chia cái bánh phát triển tương đối đồng đều một cách có thể được, chánh quyền cần thực hiện một ‘xã hội mở’ mà nhà đầu tư George Soros đã kêu gọi. ‘Xã hội mở’ sẽ đóng góp vào chỉ số an sinh, mức đo hạnh phúc chính xác hơn là con số trừu tượng GNP.

Trên thế giới có nhiều mô thức chánh trị mở để lựa chọn, như hệ thống dân chủ Mỹ, hệ thống Westminster của Anh và Úc, hệ thống dân chủ xã hội như Bắc Âu và Tây Âu.

Nếu lấy yếu tố chỉ số an lạc (Well-being) làm tiêu chuẩn, hệ thống dân chủ ‘sống chết mặc bây’ của Mỹ là hệ thống nên được xếp ở bậc thang cuối cùng. Cứ nhìn hình ảnh ở New Orleans thì rõ. Một quốc gia giàu nhất thế giới mà không lo nổi an sinh cho dân mình sống nghèo khổ như người dân ở các quốc gia thứ ba, không đáng làm mô thức gương mẫu. Hội nhập không có nghĩa tích hiệp vào một hệ thống chính trị và kinh tế mà mãi đến năm 2006, cựu tổng thống Carter phải thú nhận: không phải người Mỹ nào cũng hưởng thành quả của kinh tế thị trường. Tôi nghĩ đến lời Phật dạy trong phẩm Sư Tử Hống khi biết là hiện có một triệu người (sáu con số không!) hiện đang bị giam trong các nhà tù Mỹ: những bất an xã hội, như trộm cướp, là vì dân không đủ ăn, không đủ mặc, không được chăm sóc sức khỏe và không được đi học. Trước khi nói cần hội nhập kinh tế thị trường và mô thức dân chủ Tây Phương, chánh phủ nên dành năng lực để thực hiện chỉ số an sinh, thay vì chỉ nhắm đến con số trừu tượng như GNP hay các ý niệm trừu tượng khác như nhân quyền kiểu Tây Phương. Dù theo mô thức xã hội mở như thế nào, cần phải thực hiện được mạng lưới an toàn về giáo dục và y tế cho người nghèo. Điều thú vị là trong chiến dịch tranh cử vào cuối năm 2012, Tổng Thống Obama đã dùng khẩu hiệu ‘người giàu (có thu nhập hơn 1 triệu đồng mỗi năm) phải đóng thêm thuế ‘như người nghèo’.

Khi Wangchuck đăng quang quốc vương Bhutan và tuyên bố là ông quan tâm đến chỉ số hạnh phúc quốc gia, nhiều người chế diễu là thái độ ghen tỵ ‘nho chua’, vì tổng số GNP của Bhutan là 2,7 tỷ. Tuy nhiên tờ Time số ngày 18 tháng 1 năm 2005 cho biết bộ tham mưu tư duy (Think Tank) của tổ chức New Economic Foundation thúc đẩy việc thiết lập một chỉ số an lạc (Wellbeing index) gồm thêm những yếu tố khác như mức độ hài lòng, tin cậy và tham dự của dân chúng vào các chánh sách công quyền, và thủ tướng Anh Tony Blair chủ trì một buổi họp sơ bộ về mức độ hài lòng của dân chúng đối với chánh sách công quyền vào năm 2002. Richard Easterlin, Giáo sư Kinh Tế của Đại Học Southern California muốn thêm một số tín hiệu vào chỉ số an lạc như sự hài lòng về các mối liên hệ cá nhân, việc làm, ý nghĩa đời người. tăng trưởng mức sống vân vân… vào chỉ số an lạc. Phát ngôn viên của nhóm NEF cho biết các chánh phủ Pháp, Đức, Hòa Lan đang cứu xét đến đề nghị này.

Khi kinh tế định chế (Institutional economic) được các nhà kinh tế bắt đầu được đề cập, nhiều ý tưởng của Schumacher về đạo đức, văn hóa và tôn giáo bắt đầu đóng vai trò quan trọng trong phân tích hoạt động kinh tế. Joseph Stiglitz, sau nhiều năm làm việc với World Bank và là cố vấn cao cấp của chánh phủ Clinton, tuyên bố ‘thế kỷ thứ 21 là thế kỷ của kinh tế định chế’. Không phải chỉ có một mình Stiglitz, còn nhiều người đoạt giải Nobel cũng bắt đầu xét lại những giới hạn của kinh tế thị trường. Mối quan tâm của Phật tử về mối liên hệ giữa mô thức kinh tế định chế và tư tưởng tinh yếu của Phật giáo như thuyết duyên khởi, có thể góp phần nghiên cứu trong kinh tế định chế hay không?

Tàn Phá Sinh Thái

Hoạt động kinh tế liên hệ chặt chẽ với hoạt động của con người trong hoàn cảnh sinh thái, Schumacher đề nghị có hai yếu tố chính cần được nghiên cứu để xây dựng nền tảng siêu hình: con người và sinh thái. Tất cả lý thuyết dự phóng về kinh tế đều phải liên hệ đến hai yếu tố này. Nói khác đi, nghiên cứu kinh tế phải qui chiếu vào ý nghĩa của nhân sinh. Vì chỉ chú ý đến thị trường và giá cả, các nhà kinh tế quên rằng đối tượng phục vụ cuối cùng của kinh tế hay bất cứ một ngành nào khác, là con người. Không ai không đồng ý với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhưng các nhà kinh tế không thể không trả lời câu hỏi ‘phát triển cho ai’? Schumacher dẫn lại lời phê bình của Phelps Brown trong bài diễn văn Những Khuyết Điểm của Kinh Tế Học đọc trước Hội Nghị Kinh Tế Hoàng Gia Anh, cho là phát triển kinh tế trong vòng 25 năm qua đã không trả lời bốn vấn nạn căn bản là ảnh hưởng nguy hại lên sinh thái, phẩm chất đời sống trong xã hội kỹ nghệ phát triển, mức tăng trưởng dân số và quá trình đô thị hóa.

Schumacher phê phán nặng lời là kinh tế tân cổ điển (neo-cons) không những không có đóng góp quan trọng nào để giúp chúng ta hiểu mà còn ngăn cản chúng ta hiểu biết về các vấn đề này, vì đã gạt các câu hỏi trên khỏi lĩnh vực nghiên cứu kinh tế và chỉ chú tâm vào phân tích định lượng và không chịu nhìn thẳng vào ‘bản chất của vấn đề’. Schumacher đã đi trước đồng nghiệp khác trong việc phê phán khuyết điểm của kinh tế tân cổ điển gần 20 năm.

Sự khai thác bừa bãi nhiên liệu đã tạo ra những hậu quả không thể vãn hồi cho sinh thái. Những con sông trong các bài hát lãng mạn bất hủ của Strauss hay mơ mộng của Phạm Duy ‘được chết trong lòng người đẹp Tô Châu hay chết trên dòng sông Danube, những đêm sáng sao’ sẽ sớm thành những hồi niệm: những dòng sông xanh chỉ còn là những con kinh nước đen, lềnh bềnh những chất thãi kỷ nghệ. Ngay từ năm 1977 Schumacher đã suy nghĩ những điều này khi lên tiếng đi ngược lại với cơn sóng thần toàn cầu hóa. Triết lý tăng trưởng vô hạn phải được xét lại trong nhãn quan mới, qua hai câu hỏi căn bản: khả năng cung cấp tài nguyên của địa cầu và sự tổn hại sinh thái gây ra do sự tăng trưởng thiếu kiểm soát.

Các tổ hợp khai thác các tài nguyên dùng một lần như than đá, dầu, chất đốt, uranium làm như thể những tài nguyên này vô tận. Ngay cả các tài nguyên tái tạo như gỗ cũng bị khai thác tận tình, nhiều khi chỉ để làm gỗ vụn hay tăm xỉa răng. Nhất là Nhật dùng tiền để khai thác gỗ ờ những quốc gia khác như ở Nam Mỹ, Indonesia, Thái Lan, Cambodia và ngay cả Úc, trong khi chánh phủ Nhật cấm ngặt không ai được đụng tới cây cảnh ở nước mình. Đảng Lao Động Úc trong năm 2003 đã thất cử nặng nề vì dám chủ trương chánh sách bảo vệ rừng, và những người chống đối không ai khác hơn là các công nhân khai thác gỗ, từ trước đến giờ vốn mạnh mẽ ủng hộ đảng Lao Động! Không ai chống chuyện khai thác gỗ, miễn là có chánh sách trồng rừng hợp lý.

Mối nguy cơ cho bầu khí quyển hiện nay là việc thải chất đốt. Viễn tượng nhiệt độ địa cầu càng ngày càng tăng là mối lo ngại chính yếu. Mặc dù bằng chứng khoa học cho thấy hiện tượng tăng nhiệt độ có thực, hiện vẫn còn hai nước tiên tiến vẫn không chịu ký hiệp định thư Kyoto là Mỹ và Úc. Một mặt chánh phủ Mỹ tiếp tục cho rằng bằng chứng chưa đủ thuyết phục và mặt khác bịt miệng những nhà khoa học nào dám công bố kết quả của các công trình nghiên cứu về khí hậu, xác nhận hiện tượng khí quyển tăng nhiệt độ, như trường hợp Trưởng ban nghiên cứu khí hậu ở cơ quan NASA. Mỹ còn rủ các nước đang có mức tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, là Ấn Độ và Trung Quốc, xé rào hiệp định thư Kyoto và lập thành một khối mới để đối phó với hiện tượng trái đất nóng dần. Các nguyên thủ của các nước này làm như thể khi địa cầu bị tổn hại, khi khí hậu thay đổi bất thường, sinh thái tại quốc gia họ không hề hấn gì! Phải chi họ chịu khó nghiên cứu lý duyên khởi của Phật giáo.

Kiểm Soát Nhân Số

Vấn đề đáng quan tâm nữa là nhân số mà Malthus đã cảnh cáo vào thế kỷ trước. Dân số của ‘hành tinh xanh’ hiện nay đã vượt qua con số 7 tỷ. Nhà nhiều miệng ăn thì phải sản xuất nhiều, dùng nguyên liệu nhiều và hủy hoại sinh thái đến nổi có nhiều giống cây cỏ và thú vật không còn nơi trú ngụ và đến mức tuyệt chủng. Thế nhưng có một vài tôn giáo vẫn nhất quyết không chịu chấp nhận tham gia chương trình kế hoạch hóa gia đình để kiểm soát dân số. Liên minh các tổ chức gọi là Pro-Life (Bảo vệ đời sống) tích cực vận động chánh phủ Úc chấm dứt phụ cấp thuốc phá thai RU468. Tại hội nghị kiểm soát dân số tổ chức ở Cairo, người ta nhận thấy có sự liên minh của các tôn giáo chống các biện pháp kiểm soát dân số. Đây là một liên minh kỳ quặc vì trên bình diện chính trị và quân sự, hai khối này xem nhau như hai kẻ thù không đội trời chung. Trên thực tế tại các nước giàu, tỷ lệ sinh sản trở nên trung hòa, nghĩa là mức tử vong và mức sinh sản gần bằng nhau. Tỷ lệ con cái trong mỗi gia đình Tây Phương là 1.5 con/gia đình. Tại các nuớc nghèo, như Ấn Độ, tại quốc gia mà dân chúng vẫn còn tin theo thần học lỗi thời như Pakistan, tiếp tục sinh năm đẻ bảy và mức tăng gia dân số vượt bực có thể làm nguy hại đến viễn tượng phát triển kinh tế.

Cái vòng lẩn quẩn là, người nghèo và ít giáo dục càng có khuynh hướng sinh con nhiều, càng sinh con nhiều thì càng nghèo, điều này rất đúng dù là trên bình diện gia đình hay quốc gia.

Thành Thị và Nông Thôn

Schumacher viết Small is Beautiful vào năm 1973 trong lúc phong trào toàn cầu hóa mới bắt đầu nên ông rất quan tâm đến vấn đề đô thị hóa.

Quá trình đô thị hóa tạo nên một nền kinh tế song đôi, trong đó lợi tức, lối sống khác nhau như thể dân quê và dân thành phố đang sống ở hai quốc gia khác nhau. Đây không phải đơn thuần là chuyện sống chung giữa hai giới nghèo và giàu. Đây là hai thế giới với hai nền văn hóa cách biệt. Tỷ lệ dân thành thị nông thôn có thể lên đến 85/15, ngay cả ở các nước giàu. Sự phát triển đô thị tàn phá cơ cấu kinh tế nông thôn và dân quê phải bắt buộc chọn, hoặc là ở lì lại các vùng quê, không có cơ hội tìm việc làm khả dĩ đủ nuôi sống gia đình, hoặc là chóa mắt với ánh sáng kinh thành, kéo nhau về thành phố kiếm sống. Những lưu dân này dần dần trở nên mất gốc mất rễ. Schumacher do đó cổ võ cho việc phát triển kỹ nghệ ở mức vừa phải. Ông nói các nước nghèo không nên bước chân theo những lỗi lầm của các nước phát triển kỹ nghệ, hối hả theo đuổi kinh tế thị trường thả ga mà không cần để ý đến những hậu quả tệ hại về mặt xã hội. Gần ba mươi năm sau cơn sóng thần toàn cầu hóa đã khiến cho mô thức kinh tế chú trọng đến con người của Schumacher thành những tiếng kêu lạc lõng. Sự xuất hiện của những tổ hợp đa quốc gia khổng lồ khiến cho ý niệm small is beautiful không giống ai! Với khẩu hiệu Greed is Good Fair is Foul, kinh tế thị trường đã thu hẹp Homo Sapiens (Con người tư duy) thành Homo Economicus (Con người kinh tế), như đàn ngạ quỹ háu ăn cấu xé nhau vì tiện nghi vật chất. Có quá muộn để các nước như Việt Nam thực hiện một mô thức tăng trưởng kinh tế với một bộ mặt nhân bản hay không? Is Small still beautiful?

Kinh Tế và Đạo Đức

Schumacher cảnh cáo là ‘những tật xấu như ham muốn quá mức, đố kỵ và ghen ghét nếu được khuyến khích sẽ gây băng hoại về mặt trí tuệ và từ bi. Tham lam che lấp khả năng nhận sự vật ‘đúng theo bản chất của chúng’. Nếu cả một xã hội bị ô nhiễm vì lòng tham lam, dù thực hiện được những tiến bộ đáng kể, nhưng lại không có khả năng giải quyết những vấn đề căn bản của cuộc sống hàng ngày’. Không cần phải đọc giữa hai dòng chữ, người Phật tử đều có thể hiểu là điều mà Schumacher gọi là ‘không nhìn sự vật đúng theo bản tính của chúng’ chính là thiếu chánh kiến trên con đường hành trì Bát chánh đạo. Schumacher không phải ngẫu nhiên chọn Phật giáo làm tư tưởng chủ đạo việc phát triển kinh tế. Chánh kiến là đầu mối đưa đến những cái ‘chánh’ khác, và trong kinh tế, đó là CHÁNH MỆNH. Trong Small is Beautiful, Schumacher nói là ý niệm chánh mệnh đã khiến ông chọn lựa tư tưởng Phật giáo để làm nền tảng ‘siêu hình’ cho kinh tế. Hơn ai hết, Schmacher biết là thần học Tin Lành đã bị chủ nghĩa tư bản bóp méo và phát triển kinh tế càng ngày càng đưa đến một thế giới bạo động. Chỉ có ‘siêu hình’ kinh tế dựa trên Phật giáo mới tạo ra một thế giới giản dị và hòa bình. Nói đúng hơn, nhờ sống giản dị nên mới có an lạc thân tâm, hoà bình thế giới.

Đâu Phải Sự Tình Cờ

Tại sao Schumacher chọn Phật giáo mà không đế cập đến thần học Tin Lành, như Weber và các nhà kinh tế tân cổ điển?

Vào đầu thập niên 80, kinh tế thị trường được phát động mạnh mẽ dưới sự cổ động và đạo diễn hai nguyên thủ của hai cường quốc tư bản mạnh nhất toàn cầu, Margaret Thatcher và Ronald Reagan. Dám đi ngược lại cơn sóng thần toàn cầu hóa có lẽ một phần do Schumacher cố vấn cho các nước đang mở mang, nhất là khi làm việc ở Miến Điện và thấy được tiềm năng của tư tưởng đạo Phật. Một phần khác vì các nước đang phát triển nóng lòng đuổi bắt mức tăng trưởng kinh tế của các nước giàu mà không chịu để ý đến hoán cảnh xã hội và định chế văn hoá của mình. Chánh quyền các nước vừa thu hồi độc lập xem kinh tế thị trường là chiếc đũa thần để vượt qua nghèo đói.

Schumacher nói ông chọn tư tưởng Phật giáo tại vì tư tưởng Phật giáo có sẵn đó nên ông ‘khai thác’ làm nền tảng siêu hình kinh tế,và nói là bất cứ tư tưởng thần học của bất cứ một ‘tôn giáo nào’ cũng có thể dùng được để điều hướng phát triển, nghĩa là vấn đề chính là mối liên hệ giữa kinh tế và đạo đức.

Dĩ nhiên đây chỉ là một cách nói lịch sự. Thần học Tin Lành đã bị các kinh tế gia thị trường vo tròn bóp méo, thay vì có đời sống thanh bạch như tư tưởng Thanh Giáo chính thống. Schumacher cho rằng khâu Chính mệnh trong con đường Bát Chánh Đạo là khởi điểm cho những suy nghĩ của ông về một mô thức kinh tế Phật giáo. Trong khi Đức Phật còn tại thế, kinh tế còn đơn giản, nhưng Đức Phật đã khuyến cáo đệ tử không nên làm các nghề không chính đáng như bán thịt, bán vũ khí, bán rượu và buôn người. Trong nhiều đoạn kinh khác, Đức Phật còn đưa các lời khuyên cụ thể làm thế nào để sống một cuộc đời thanh bạch hạnh phúc, cũng như Aristotle đặt vấn đề với đệ tử mình ‘nên sống cuộc đời như thế nào’. Đức Phật xem tiện nghi vật chất chỉ là phương tiện để chúng ta có điều kiện tinh tấn trên con đường tu tập giải thoát tâm linh. Vật chất chỉ là phương tiện chớ không phải là mục đích tối hậu của đời người. Các nhà biện chứng như Marx và thần học Tin Lành, hay của các nhà kinh tế thị trường, cho rằng sự sung túc vật chất trong đời sống cá nhân hay quốc gia có thể đem đến hạnh phúc cá nhân hay hòa bình thế giới. Theo đạo Phật khi thân tâm không an lạc, dù giàu có đến mức nào, chúng ta vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Đời sống tại các nước giàu nhất hiện nay cho thấy rằng sung túc không đồng nghĩa với hạnh phúc. Những nước có chỉ số an sinh cao nhất không phải là Mỹ, mà là các quốc gia Bắc Âu và Tây Âu, trong đó GNP mỗi đầu người chỉ bằng 2/3 của Mỹ. GNP mỗi đầu người tại Thụy Điển là 28,910 trong khi GNP môi đầu người của Mỹ là 37,870. Thụy Điển là quốc gia có chỉ số an sinh cao nhất và Mỹ không có tên trong danh sách 10 nước đứng đầu về đời sống an lạc.

Tuy nhiên Đức Phật phải là không để ý việc tạo dựng một xã hội sung túc. Trong Trường Bộ Kinh, phẩm Chuyển Luân Thánh Vuơng Sư Tử Hống, Đức Phật có nhắc đến đến một vị quân vương dùng chánh pháp trị nước, ‘không dùng trượng hay dùng kiếm’. Người cai trị phải được xem như là người ‘bảo vệ hợp pháp cho nhân dân, cho quân đội, thôn dân, thị dân và cho cả muông thú!’ Có hưng thì có phế, có thịnh thì có suy, tất cả đều tùy thuộc vào nghiệp lực, hay hành động của những người có trách nhiệm. Phẩm Sư Tử Hống đưa ra những lý do có thể làm một triều đại hưng hay phế: nếu ‘quần thần’ sống nhờ ‘bùa chú’, nếu an sinh của dân chúng không còn được bảo vệ, nếu nạn nghèo đói lan tràn, đó là dấu hiệu suy tàn. Bần cùng sinh đạo tặc, nghèo khó là nguyên nhân sinh ra bất ổn về xã hội và nếu quan quân phản ứng bằng cách dùng vũ lực, bọn trộm cắp sẽ dùng dao kiếm để hành nghề đạo chích. Những chế độ tàn độc gây ra nghèo khó là nguyên nhân chính của tất cả rối loạn hay cách mạng. Hoàng đế A Dục là người áp dụng những lời dạy của Đức Phật về chánh sách cai trị bằng chánh pháp trong lịch sử.

Schumacher cũng nhận xét là, sau khi giải thực rồi, chánh quyền các nước Á Châu thường nhờ các cố vấn kinh tế Tây Phương, như Schumacher, lập kế hoạch phát triển quốc gia theo mô thức Tây Phương. Không có một lãnh tụ nào chịu nghĩ là lối sống Phật tử có thể dùng làm nền tảng căn bản cho một nền kinh tế Phật giáo.

Năm 1996, tình cờ đọc được Small is Beautiful, nhất là chương Buddhist Economics, tôi nhớ đến đoạn văn Người Cùng Tử trong kinh Pháp Hoa. Trong nhà có viên ngọc quý mà không chịu đem ra xài, chạy quanh chạy quất đi tìm hết đông tới tây, vọng ngoại, thiếu tự tin vào vốn liếng văn hoá và đạo học của dân tộc. Lúc đó tôi còn bận sưu tập tài liệu để viết cuốn Vietnamese Engaged Buddhism, nên chỉ viết bài điểm sách sau khi Small is Beautiful phát hành được gần 20 năm. Nếu Đạo Phật có thể cung cấp con đường chính trị tình thức, tại sao lại không thể cung hiến một mô thức kinh tế tỉnh thức và đầy nhân tính hơn là mô thức kinh tế khích động lòng tham, khiến con người mãi trầm luân trong tiêu thụ. Một thi sĩ Nhật có nói một câu đánh động tâm thức của tôi: “Ngày nay Bồ Tát có thể là một nhà kinh tế”. Bồ tát không phải chỉ là một lý tưởng, mà có thể là con người bằng xương bằng thịt, sống ở đây bây giờ với chúng ta, và nhờ thế mới nghe được tiếng kêu than của chúng sinh, và mới phát khởi lời nguyện ‘chúng sinh vô biên thề nguyện độ’.

Trong quá trình cố gắng tìm sự liên hệ giữa tư tưởng cốt tuỷ của đạo Phật với những nguyên tắc đề nghị của Schumacher, tôi đọc được tác phẩm của Robert Nelson phân tích lịch sử kinh tế dưới góc độ tôn giáo, tôi càng tin tưởng rằng ngoài lĩnh vực chánh trị, đạo Phật còn có thể cung cấp những nguyên tắc chỉ đạo kinh tế cho một nước có hoàn cảnh đặc biệt như Việt Nam. Chúng tôi đã từng nhắc đi nhắc lại nguyên tắc nhập thế, phục vụ dân tộc dưới ánh sáng của Đạo Pháp áp dụng cho hoàn cảnh Việt Nam.

Có một điểm tương đồng của chủ nghĩa Marx và Phật giáo mà ít ai chịu nhắc tới, đó là tinh thần phục vụ công ích xã hội, nhất là cho hạng người cùng khổ. Chủ nghĩa Marx nhắc đến nguyên tắc một người vì mọi người trong khi Phật giáo nhấn mạnh đến tinh thần ‘lợi hoà đồng phân’. Tịnh độ của Phật giáo không phải là thiên đàng đợi đến lúc qua ‘bên kia’ rồi mới thấy. Tịnh độ chính là địa đàng trong ‘cõi người ta’, là ‘đời thái bình cửa thường bỏ ngõ’, là utopia của một xã hội không còn vong thân, không còn bóc lột.

Người Mác Xít có thể và nên tự hào về lý tưởng phục vụ của Marx. Về phương diện này Marx đáng được đặt ngang hàng với thánh hiền Đông Tây. Đây là lý do tại sao các trí thức thế giới trước và sau thế chiến thứ Hai đã ngưỡng mộ và tôn sùng Marx trong nhiều thập kỷ. Trí thức Tây Phương như Althusser, Sartre, Bertrand Russell, Herbert Marcuse chỉ kể ra một ít tên, là những tư tưởng gia khổng lồ chịu ảnh hưởng phương pháp nghiên cứu và nhân cách của Marx. Nhà thần học Tillich bảo Marx là nhà ‘thần học’ gây ảnh hưởng lớn nhất sau Martin Luther., người đã lập ra phái Thệ Phản. Giả định siêu hình của Marx, cũng như Khổng và Phật ở phương Đông, cũng như triết lý của các hiền giả phương Tây, từ Aristote, Aquinas, Calvin, đến Martin Luther còn là ‘giả định’ . Đó là một loại triết lý, thần học, siêu hình hay tín ngưỡng có thể áp dụng để sống một cuộc đời có ý nghĩa. Người Phật tử không có chút mặc cảm nào khi nghĩ rằng lý tưởng của Marx là một thứ lý tưởng Bồ tát. Còn thực hiện được hay không là một chuyện khác.

Trong hơn 30 năm nay kể từ khi Schumacher xuất bản tác phẩm Small Is Beautiful (1977) Phật giáo đã được trí thức Tây Phương tiếp nhận niềm nở. Khi được hỏi lý do, các Phật tử Tây Phương tuyên bố hai lý do chính khiến họ bị hấp lực0 của Phật giáo là Hòa bình (thân, tâm và thế giới) và thuyết duyên khởi rất thân cận với phát hiện khoa học mới. Ngược lại, Phật giáo tại các nước Á Châu phần lớn vẫn còn dẫm chân trên các lối mòn xưa cũ với những lễ nghi mê tín. Ngoài Đức Đạt Lai Lạt Ma với hàng ngũ tăng đoàn thu tiếp được ngôn ngữ và giáo dục Tây Phương, đã làm Phật giáo Tây Tạng được nhiều người Tây Phương theo hành trì. Ngoài ra còn có hai Bồ Tát đang cố gắng ‘hiện đại hóa’ và ‘nhập thế hóa’ Phật giáo trong thời đại tin học và toàn cầu hóa, là Đức Đạt Lai Lạt Ma và Sulak Sivaraksa của Thái Lan.

 

Lực lượng Phật tử chuyển pháp ở các nước Tây Phương phần lớn do các học giả và cư sĩ dẫn đạo. Chánh pháp được giải thích một cách thích hợp với tinh thần duy lý từ thế kỷ ánh sáng và những vấn đề do hậu quả của cơn sóng thần kinh tế toàn cầu gây ra. Cuộc cách mạng giáo lý mà Thái Hư Đại Sư kêu gọi từ đầu thế kỷ 20 đang được Phật Tử Tây Phương thực hiện. Đạo Phật không phải là một tôn giáo địa phương, Phật không có đông tây nam bắc, và nếu bóc trần các lớp vỏ văn hoá bên ngoài, phần cốt lõi còn lại có thể áp dụng như một đạo lý toàn cầu. Phật giáo có phần tôn giáo nghi lễ nhưng phần chính, theo ý tôi, là tuệ giác. Nhờ tuệ giác chúng ta mới thấy được sự thật ‘tự thân0’ như chính là nó. Có tuệ giác chúng ta sẽ có chánh kiến và trong lĩnh vực kinh tế, chánh mệnh. Không ai không muốn có của cải đầy nhà, nhưng đó không phải là mục đích tối hậu của đời người. Đạo Phật chỉ cho chúng ta con đường giác ngộ, cởi bỏ những ràng buộc, sống giản dị, an lạc thân tâm, hòa hợp với người khác trong một thế giới hoà bình.

Quán Như và Stephen Batchelor trong ngày phát hành Confession of a Buddhist Atheist

Sự ưu thắng của chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường không phải là con đường phát triển hoà bình. Sự va chạm chính trị và văn hoá, các cuộc khủng bố và chiến tranh do các thành phần tôn giáo cực đoan làm nổi bật đóng góp có thể được của Phật Giáo cho một kinh tế giản dị và hòa bình. Thay vì quanh quẩn trong các đường mòn lễ nghi mê tín, Phật tử phải có quyết tâm ‘cách mạng giáo lý’, khiến Phật giáo mang nhiều yếu tố tuệ giác hơn tín ngưỡng, để có thể sản xuất những ‘Bồ Tát kinh tế’ và những ‘Anh Quân chánh trị’, mà một hành giả người Anh, Stephen Batchelor gọi là Buddhism Without Beliefs.

Không phải vì tư tưởng Phật giáo ‘có sẵn đó’ mà Schumacher mới hứng khởi hình thành mô thức kinh tế Phật giáo. Không phải sự tình cờ mà Schumacher viết Small is Beautiful, bởi 30 năm trước đây ông đã thấy trước là không thể nào tránh được một thế giới bạo động trong một xã hội ca ngợi Tham lam là tốt. Nếu muốn có một kinh tế hoà bình cần phải áp dụng Bát Chánh Đạo, Chánh Mệnh, để điều hướng phát triển kinh tế, một kinh tế thị trường có bộ mặt nhân bàn, một kinh tế trong đó con người được đối xử tử tế hơn (people mattered)

Sách tham khảo

Anderson, Sarah & Cavanagh, John. Global Economy. The New Press, New York, 2005.

Batchelor, Stephen. Buddhism Without Beliefs. Bloomsbury, UK, 1998.

Hertz, Noreena. The Silent Takeover. Global Capitalism and the Death of Democracy. William Heinneman, London, 2001.

Leggett, Jeremy. Half Gone. Portobello, London, 2005.

Quan Nhu. Phật giáo Trong Thế Kỷ Mới (Chương 13). Giao Diem, California, 1996.

Schumacher. E.F. Small is Beautiful. A Study of Economics As If People Mattered. Randon House, Sydney, Australia, 1993.

The World Bank. 2005 Little Data Book.

J.K. Galbraith. The Affluent Society. Penguin Books, Victoria, Australia, 1958.


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage