Chùa Bửu Minh

Kinh chiều rền tiếng sấm


Truyện ngắn của Hoàng Công Danh

Những câu kinh vẫn nối nhau không dứt, cứ rền rền một nhịp điệu. Mưa đậm hơn nhấn chìm tiếng cầu kinh. Ba người tụng kinh chẳng nghe thấy nhau. Không hẳn vì tiếng mưa kêu to quá, có khi là vì mỗi người mải đuổi theo những ý nghĩ của mình. Họ tụng kinh như một quán tính.

Chị gái bán vải rảo bước lên mấy tầng cấp ở thềm hiên. Hôm nay chùa vắng, chỉ có sư thầy và điệu Sanh ngồi trong thư phòng. Sư phụ đọc sách chăm chú, đệ tử học luật, vừa học vừa vẽ vu vơ vào giấy. Thỉnh thoảng thầy phải quay qua nhắc nhở, điệu Sanh lại úp bàn tay che mấy cái hình thù ngộ nghĩnh kia.

     Theo thói quen, cứ đến chùa mà ngó vào chánh điện vắng vẻ thì chị đi thẳng về phía thư phòng. Tay trái chị bận xách túi hoa quả, còn tay phải đưa lên ngang ngực, vái chào hai thầy trò.

     - Hôm nay mười bốn rồi thầy nhỉ? Mới đó mà nhanh…

    Chẳng biết ý chị nói mới đó là lúc nào. Chắc là từ bữa Tết đến giờ. Giống như cách người ta thường dùng Tết làm cái mốc để so sánh thời gian đời người, qua một cái Tết là hết một tuổi xuân. Nói xong chị mang hoa quả đi sang bên chánh điện.

    Dưới chân trời tây mây xám chen nhau trồi lên rồi đùn đẩy mớ mây mỏng trên cao lấn qua gần hết khoảng trời sáng, khiến cho mới nửa buổi chiều thôi mà chánh điện đã ngòm ngòm tối. Thầy phải bật bóng đèn lên để chị thấy rõ mà bày trái cây lên đĩa cúng Phật. Ngày thường, cứ vài hôm chị lại lên đây. Riêng cứ tới rằm hàng tháng thì chị luôn mang theo hoa quả tới chùa.

     Có lần thầy nói vui, công đức của chị sánh ngang công đức bà già cúng đèn trong chuyện cổ Phật giáo. Bà già ấy làm nghề ăn xin, nghe tin đức Phật đến thọ ký gần nên bà đi xin tiền đủ mua một cây đèn, một ít dầu để cúng dường. Sáng hôm sau đức Phật sai đệ tử đi tắt tất cả đèn thì riêng ngọn đèn của bà vẫn sáng, dùng áo cà sa mà quạt đèn càng sáng hơn. âËy là cái tâm chí thành rực sáng. Nhờ công đức cúng dường vô úy mà bà được chứng đạo.

     Nghe xong chị cười: “Con có khá giả hơn bà già cúng đèn ấy thật, nhưng tấm lòng sao lớn lao nhường kia được. Mà con cúng dường chư Phật chẳng mong được độ này đạt nọ. Chỉ biết rằng cứ dâng hoa cúng dường là lòng mình thấy thanh thản, yêu đời hơn mà sống thầy ạ”.

    Thầy gật đầu tán thành rồi nói thêm: “Giữa cuộc biển nhập trần lao, ai đã làm người chẳng mang lấy khổ đau. Có nhân duyên ắt có quả nghiệp. Có sanh thời có tử. Có yêu thương thì có gian nan. Dâng hoa cũng là cách để tự an ủi cho mình đó thôi”.

Minh họa của Thúy Hằng

    Vệt sáng chớp lên xé toạc màn trời. Nó bắt đầu từ dưới đất rồi len lỏi ánh sáng giữa những đám mây, giống một xác cây khô hiện ra in giữa chiều trời tối xám rồi biến mất chớp nhoáng. Kèm theo đó là tiếng sấm đất đánh ùm. Chị đang đưa tay sửa lại mấy trái quả thì nghe tiếng sấm bất ngờ. Chị rụt tay lại theo phản xạ, trái cam lăn ra khỏi khay quả, rớt xuống bàn thờ. A di đà Phật! Con sơ ý quá.

     Sắp đặt xong đĩa quả, chị lui ra chắp tay vái một lạy. Sư thầy đã sang bên tịnh thất hồi nãy, giờ đang thay cái áo bà ba bằng chiếc áo dài màu nâu cài nút phía bên sườn.

    - Lại tụng kinh hả thầy? – Điệu Sanh hỏi.

    - Ừ, hôm nay mười bốn rằm, tụng một hồi kinh chiều.

    Ngoài trời lắt nhắt vài hạt mưa rột roạt như kiểu đánh động để người ta biết là mưa to sắp tới, ai phơi phóng gì thì đem vào nhà cất ngay, ai lỡ đường lỡ sá thì kiếm nơi trú. Sấm đất rung ầm ầm.

    Điệu Sanh tự giác mở tủ lấy chiếc áo khác ra thay để chuẩn bị hành lễ. Từng động tác chậm chạp, uể oải như thể không muốn đi tụng kinh vào lúc này.

    - Sao thế con? – Thầy quay sang nhỏ nhẹ hỏi.

    - Con thích tắm mưa.

    Vừa lúc ấy chị đã vào cửa tịnh thất. Cả thầy cả chị cùng cười khiến điệu Sanh ngượng ngạo, cái miệng méo đi như mếu nom rất vui. Chị sửa lại cổ áo cho điệu, vừa nói:

   - Chú Sanh ngoan đi tụng kinh. Trời mưa giông chưa tắm được đâu. Giờ mà nhảy ra sân dầm lấy hơi đất là bị cảm ngay. Lát lễ Phật xong mới tắm được.

    Cả ba người cùng bước vào chánh điện. Sư thầy làm chủ lễ, gõ một hồi mõ, đánh mấy tiếng chuông khai thị rồi chắp tay niệm thầm. Chị và điệu Sanh đứng phía sau, cũng nhắm mắt mật niệm. Xong thầy gõ tiếp ba tiếng chuông và nhập kinh.

    Chị vốn chẳng phải là một Phật tử theo đạo từ nhỏ. Chỉ từ khi ly dị chồng chị mới tìm đến chùa, được gần một năm nay. Lúc đầu chị đến chơi với sư thầy để nghe thầy nói chuyện đời chuyện đạo, dần dần mới vào lễ Phật. Chị ít để ý đến kinh kệ. Thầy khuyên đã có duyên với chánh pháp thì cũng nên bỏ chút thời gian tìm hiểu thêm về kinh sách. Chị thú thật: “Con có biết chữ đâu. Hồi nhỏ học vỡ lòng được một ít không dùng quên hết. Chỉ biết số với mấy phép tính cộng trừ nhân chia giắt lưng mà tính toán bán buôn thôi”. Thầy an ủi: “Không sao. Thế thì nên lắng nghe người khác đọc kinh rồi nhẩm theo cũng mau thuộc. Dần dần mà hiểu thêm kinh. Đa số quý đạo hữu mình biết chữ đấy, đọc kinh làu làu từng bộ dày dặn. Thế nhưng kinh phiên âm tiếng Phạn, đọc được đấy mà chẳng hiểu gì. Rồi có khi hiểu được lại chưa chắc thực hành nổi”.

     Sấm đánh ùm một tiếng rung chuyển khiến chị và điệu Sanh giật bắn, riêng thầy vẫn bình tâm tụng kinh. Mưa lập tức xả xuống rồm rộp ngoài sân. Tiếng kinh chìm nghỉm trong chiều giông bầu trời ứ nước. Điệu Sanh đứng chắp tay, ngoái đầu lui nhìn ra ngoài sân, mong thầm: “Mưa rồi, mưa to nữa đi, mưa lâu nữa đi”. Lại quay đầu vào nhìn lên điện Phật. “Kinh ơi dứt nhanh. Sao tụng hoài tụng mãi không hết thế này?”

     Chị gái dù chẳng bao giờ đọc lấy một cuốn sách kinh, nhưng những bài kinh, bài sám thông dụng trong bộ nhật tụng thì chị thuộc hết. Thuộc như kiểu người ta học bồi một thứ ngoại ngữ nào đó. Rất nhanh, nhớ dai, đọc làu làu, song nếu bảo viết ra thì chịu, đề nghị giảng giải cho thì càng tịt luôn. Bây giờ chị đang chắp tay tụng kinh, và chẳng cần suy niệm gì nhiều nên chị lắng nghe tiếng mưa bên ngoài. Mưa này là mưa giông chiều hạ, mưa sa đà nhưng tắt bất ngờ. Chị cũng chẳng mảy may mong mưa dứt hay không. Dù thế nào thì chị cũng đang rảnh rỗi, chả có việc gì mà vội phải về nhà. Mưa rề rề có khi lại hay, có cái cớ cho chị ở lại đây chơi được lâu hơn.

    Những câu kinh vẫn nối nhau không dứt, cứ rền rền một nhịp điệu. Mưa đậm hơn nhấn chìm tiếng cầu kinh. Ba người tụng kinh chẳng nghe thấy nhau. Không hẳn vì tiếng mưa kêu to quá, có khi là vì mỗi người mải đuổi theo những ý nghĩ của mình. Họ tụng kinh như một quán tính.

     Sư thầy thỉnh mấy tiếng chuông để cả ba người cùng vái lạy kết thúc buổi lễ Phật. Khi thầy quay lui thì chẳng thấy Sanh đâu nữa. Điệu ấy đã chạy tót qua phòng cởi hết áo quần rồi trần trùng trục lao ù ra ngoài mưa. Điệu đứng giữa sân nhẫy nước, khoan khoái hét toáng lên, úp hai lòng bàn tay vào vuốt lớp nước mưa tràn trề trên khuôn mặt.

     Chị theo thầy qua ngồi bên chiếc bàn gỗ kê ở đầu hồi.

     - Ngồi đây vừa uống trà vừa ngắm mưa cho vui – Thầy nói.

     - Dạ. Mưa giông mà cũng lâu ngơi quá thầy nhỉ?

     - Năm con rồng, mưa dai dẳng thế đấy. Mà bữa nay trời lạ lắm, chẳng có theo quy luật gì đâu. Hôm rồi mới bão số một đó thôi. Đương xuân đã có bão. Mưa giông bây chừ khác hồi trước cũng là phải. Chẳng biết từ nay tới cuối năm còn chuyện gì nữa đây?

     - Nghe nói năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn, mưa nắng thất thường thầy ạ. Có khi chưa tới lễ Phật đản đã mắc lũ tiểu mãn cũng nên. Coi bộ con đến nương chỗ thầy dài dài rồi đây.

     - Con người ta sống cũng thất thường huống nữa là trời – Thầy nói đùa một câu cho vui. Ai ngờ lại làm chị buồn. Cứ như thể là đọc trúng ruột gan của người ta vậy.

     Mưa tạm ngưng một lát điệu Sanh đã giẫm chân nhảy, hối ông trời ơi mưa đi mưa to nữa đi. Thầy nói vống ra nhắc nhở: “Coi tắm mau vào mặc áo quần kẻo cảm lạnh con”. Sấm lại rền một tràng, rùng rùng như ai luồn một lợi dây khổng lồ xuyên dưới lòng đất. Mưa lại bắt đầu đổ ào ào một trận khác.

     Chị chêm thêm trà vào chén sư thầy.

    - Đấy, lại mưa nữa rồi. Con tính tới ở đây theo thầy học thêm kinh sách cho mở mang, chứ đến chùa tụng miết mà chẳng hiểu kinh kệ gì cả.

     Thầy im lặng, không trả lời, nghĩ bụng: “Chị ấy muốn tu thật sao? Nếu có căn cơ theo đạo Bổn sư thì ta không nên can ngăn”. Nhưng muốn vào chùa ở hẳn thì thầy sẽ giới thiệu chị đến một ngôi chùa ni ở cách đây năm chục cây số. Xưa nay chốn thiền không thể có cảnh vừa tăng vừa ni cùng tu ở một nơi được. Ngày xưa khi thành lập giáo đoàn, đức Bổn sư từ chối tiếp nhận nữ giới là có cái lý của ngài. Tội lỗi do tham dục mà sanh. Và tham dục lại ngáng đường tìm đến chánh quả. Cho nữ và nam cùng tu ở một nơi thì không chừng hỏng tất cả. Hơn nữa, đàn bà sức yếu chí mềm, sợ không đi hết được con đường đã chọn. Bây giờ nghe chị muốn tới đây ở thầy đâm khó nghĩ. Đừng có đổ tội cho trời mưa gió khó lường mà nương vào sư thầy là phải tội đấy.

     Điệu sanh nhảy lưng tưng giữa sân mưa. Dầm nước nãy giờ đã khéo lạnh, ngó cái chỗ thừa dưới bụng chú tiểu săn thun lại thì biết.

     Chị gái mỉm cười, với ra trêu:

     - Chú Sanh vào đi. Thút hết cả rồi kìa!

      Điệu sanh xem chừng vẫn chưa muốn nghỉ tắm, còn thích chèo kéo mời mọc:

     - Thầy với cô ra tắm cho vui. Mát lắm!

     - Đúng là trẻ con, hồn nhiên quá thầy nhỉ? – Chị quay sang thầy, buông một câu.

     Thầy chẳng đáp, chỉ nói vu vơ:

     - Thà làm trẻ con!

     Chiều đã muộn mà sấm đất chưa dứt, cứ đánh ê a như những câu kinh mắc cụt.

http://hoangphaphanoi.com/van-hoc/tuy-but/7F4648_kinh_chieu_ren_tieng_sam.aspx


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage