Chùa Bửu Minh

Vào ngày trăng tròn cách đây hơn 25 thế kỷ, thế giới đã đón mừng một bậc vĩ nhân của toàn nhân loại đã xuất hiện. Đó là Thái Tử Sĩ Đạt Ta, sau thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni .

Ngài sinh vào cung vua Tịnh Phạn, năm 563 trước Tây Lịch. Cuộc đời Ngài từ lúc sinh cho tới lúc nhập diệt là một bức tranh hết sức đẹp đẽ và đầy ý nghĩa. Ngài đã đi vào quá khứ, nhưng đức tính và trí tuệ của Ngài vẫn còn mãi với con người và cuộc đời. Hôm nay nhân ngày Phật đản chúng ta cần ôn lại bài học về cuộc đời Ngài để hiểu được ý nghĩa sự ra đời của Đức Từ Phụ, nguyện noi gương Ngài luôn tinh tấn trên bước đường tự lợi tự tha.

Thời gian cứ trôi dần đi theo quy luật của tạo hóa, thế là một mùa Khánh Đản nữa lại về trên dải đất hình chữ S thân thương. Đã trải qua 2636 năm kể từ cái ngày ấy, cái ngày mà cả thế giới đều rung động để chào đón sự xuất hiện của đấng Đại Giác Ngộ.

Tuy Ngài đã nhập diệt nhưng chánh pháp vẫn được lưu truyền mãi mãi trong thế gian như là một con đường dẫn đến cho chúng ta thoát khỏi sự khổ đau để tìm về bờ giải thoát.

Đức Phật ra đời, mang một thông điệp của sự giải thoát và an lạc trong cuộc sống đã xuất hiện, những lời dạy của Ngài phải chăng là lời giải đáp cho sự tìm kiếm và trao chìa khóa để con người mở tung cánh cửa cuộc đời nhằm thực hiện ước mơ của mình, tạo dựng một thế giới an bình cho nội tâm và ngoại cảnh.

Đức Phật đã từng tuyên bố: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ”. Lời tuyên bố ấy của Ngài thật là cao thượng, xuất phát từ một trái tim nhân hậu cao cả luôn vì nhân loại chìm đắm trong khổ đau, như là một sự khẳng định minh triết, một bản tâm ca của đời sống nhân loại. Vì con người không nhận chân được lòng tự quyết của chính mình và đã phủ nhận tính linh cao thượng của người khác; dẫu biết rằng, ai cũng có Phật tính và ai cũng đều có thể trở nên cao thượng. Cao thượng hay thấp hèn, tất cả đều do quyết định của chính mỗi người chúng ta.

Chính vì lẽ ấy, sự ra đời của Đức Phật đáp ứng được ước mơ của con người trong xã hội thời đại ấy và cho đến hôm nay, mãi mãi về sau, Ngài đã mang đến cho loài người chúng ta một thông điệp về sự an bình trong cuộc sống là trong ta và trong mỗi người đều có sức mạnh chuyển hóa. Chuyển hóa từ chính trong sự nhận thức tầm thường của dục vọng, từ sự ham muốn thúc đẩy của dục ái, và từ sự ham muốn dứt khoát xả bỏ tư duy giữa cái ta và cái của ta, thì lúc ấy con người đã nắm lấy được thông điệp của Ngài và đi đến bến bờ hạnh phúc.

Đức Phật đã dạy cho chúng ta biết rằng, sự nhận thức và hành động có chủ đích của chúng ta trong hiện tại cũng như trong quá khứ như thế nào thì cánh cửa hạnh phúc hay đau khổ sẽ đón nhận chúng ta như thế đó. Chẳng một ai khác có thể cho chúng ta và nhận lãnh cho chúng ta điều này, đừng bao giờ hão huyền, vọng tưởng và lầm lẫn. Xác định vững chắc như thế, thì chúng ta đã thấy được một thế giới mà trong đó tâm tưởng và hình hài của chúng ta được xây dựng một cách hoàn hảo hơn.

Bản “An bình ca” được thâu tóm như một lời minh triết của Đức Phật trao đến loài người, đã làm bùng nổ, tan vỡ một hệ tư tưởng ràng buộc trong xã hội đã ăn sâu vào trong tâm trí của con người, và đã đưa chính họ vào ngõ cụt, không cửa thoát trong vòng tròn ưu phiền của đời sống và luân hồi sinh tử. Sự giải thoát ra khỏi hệ lụy của một hệ tư tưởng thần thánh thời ấy đã mang đến nhiều hạnh phúc cho nhân loại, bất kể đó là nam hay nữ, sang hay hèn và bất kể người đó thuộc sắc tộc gì hoặc địa vị nào trong xã hội.

Nếu chúng ta hiểu biết về sự bình đẳng, và mang chúng sống trong thế giới tương quan tương duyên này thì một điều chắc chắn mà chúng ta có được, đó là không có sự đau khổ dằn vặt trong lòng mỗi người, mâu thuẫn giữa con người và con người với nhau.

Nhận thức được sự cao quý từ trong tâm mỗi con người, sự bình đẳng đã có của mỗi người, quyền được sống ấm no, quyền được tái tạo gia đình và xã hội, quyền được cất liên tiếng nói chính đáng tận đáy lòng mình thì chúng ta sẽ có cơ hội thấy được sự tham sống và mưu cầu hạnh phúc của kẻ khác, chiến tranh sẽ chấm dứt, khát vọng làm não hại con người sẽ được loại trừ, và tình yêu thương đồng loại sẽ được tăng trưởng sẽ làm hun đúc thêm lòng từ bi sẵn có trong lòng mỗi người. Tình yêu thương đồng loại luôn là một thuộc tính luôn có sẵn trong trái tim của con người, nó đồng hành với sự căm thù, và vô số thuộc tính khác, tuy nhiên con người không dám mạnh dạn loại bỏ những thuộc tính tiêu cực và phát triển sự yêu thương đó.

Ngược lại, con người thường gây tai họa cho đồng loại, muốn cường bá và muốn hơn người để khẳng định cái tôi, một cái tôi ảo ảnh mà cứ lầm tưởng đó là sự thật, và đó là trên hết.

Nhưng thật sự, cái tôi của con người vin vào ấy chính là tập hợp của sự vọng tưởng điên đảo tạo thành, của kết tinh sự tham lam, sân hận, tập khí của ngu si, kiêu hãnh dựng nên để rồi chúng ta lầm lẫn cứ mà bám víu vào chúng làm đời sống thật của mình để cuối cùng làm đau khổ cho nhau, cho đồng loại cộng tồn ở trong xã hội này.

Vì không nhận thấy được lòng yêu thương vô bờ bến có sẵn bên trong tâm của mỗi chúng ta, do đó chúng ta cứ sử dụng mặt tiêu cực của tâm để gây chiến và phá hủy, trong đó có môi trường tự nhiên, sự sinh tồn phát triển, sự an sinh xã hội, sự nghèo đói lan tràn, đầy rẫy những bệnh tật vô phương cứu chữa là hệ quả kéo theo bắt nguồn từ việc sử dụng mặt trái tiêu cực của mỗi con người. Hệ quả của những việc đó đã đưa thế giới chúng ta đang sống đến ngõ cụt của sự bất an.

Cho đến khi nào con người biết vận dụng triệt để sự bình đẳng và lòng yêu thương trong cái nhìn sâu sắc, có tư duy trong hành động dưới sự giám sát của tâm thức an tĩnh trong sự tương quan của đồng loại không thể tách rời hay loại trừ, thì lúc ấy ước mơ của con người được sống trong một thế giới thịnh vượng, hòa bình mới khả dĩ được kiến tạo. Còn ngược lại, chúng ta chỉ tạo thêm nhiều đau khổ với nhau và sự rêu rao hòa bình chỉ nằm trong sách vở, tâm tưởng và nằm trên bàn tròn của những kẻ tham vọng mà không bao giờ được thực hiện.

Kỷ niệm ngày đản sinh của Đức Phật, chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Thông điệp An bình của Đức Phật, và bằng hành động, chúng ta hãy đưa thông điệp này vào trong mỗi con người, gia đình, quốc gia, và hãy làm cho thông điệp ấy được sáng tỏ như là cương lĩnh sống và hành động của tất cả mọi người. Như thế, chúng ta sẽ thấy rằng trí tuệ siêu việt của Đức Phật xuyên suốt thời gian và đã đi cùng ước mơ muôn thuở của loài người.

Nơi đây, thế giới sẽ cất tiếng hoan ca lời hạnh phúc, yêu thương mà Đức Phật, một bậc đại giác ngộ đã khai mở cho chúng ta thấy được cách đây hơn 25 thế kỷ. Dù thời gian vẫn mãi trôi êm đền lặng lẽ suốt chiều dài lịch sử cho đến ngày nay, lời dạy ấy của Ngài càng vang vọng trầm hùng hơn bao giờ hết, vì con người vẫn còn khao khát ước mơ và luôn mong mỏi cho tất cả mọi người thực hiện chúng.

Đây mới chính là niềm vui lớn, một niềm vui hạnh phúc cao cả, chân thật. Vui thay Đức Phật đản sinh. Vui thay ánh sáng chính pháp của Ngài đến với nhân loại. Vui thay có những người luôn âm thầm thực hiện những lời dạy khai mở tiềm năng tuệ giác đó. Vui thay chúng ta biết nghĩ và biết sống trong tình thương không biên giới, vô giai cấp. Một niềm vui xuất phát từ trong tâm thế bình đẳng.

NAM MÔ LÂM TỲ NI VIÊN, VÔ ƯU THỌ HẠ, THỊ HIỆN ĐẢN SINH BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
 
ĐĐ. Thích Giác Thiện
(UV Ban Nghi Lễ Thành Hội Phật Giáo TPHCM – Trụ trì chùa Từ Quang)

http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-109_4-16095_5-50_6-1_17-47_14-1_15-1/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage