với chiếc máy ảnh to đùng, đến bên
tôi, hỏi: “Bạn nghĩ gì khi xem những bức tranh tem?”. Tôi buột miệng
nói ngay: “Tôi nghĩ về cha tôi!”. Anh chàng tròn xoe mắt: “Nghĩ về cha?
Ồ,... nhưng tại sao?”. Tại sao ư? Tôi cũng không biết. Lúc ấy, tôi cứ
nghĩ về cha, nhất là những kỷ niệm thuở ấu thời. Không thể kể anh ta
nghe, nên tôi chỉ trả lời: “Tại, trong mắt tôi, cuộc đời cha cũng được
ghép nên từ những mảnh sắc màu của cuộc sống, rất đẹp!”. Mảnh thứ nhất: Thằng người rơm, đóa lục bình và cô anh hùng nhỏ Thuở
đó, tôi còn nhỏ, rất nhỏ - đâu chừng 6 tuổi, học lớp một. Nhà tôi cũng
rất nhỏ, mái lợp lá dừa, vách cũng lá dừa - một loại dừa nước mọc ven
sông, rạch. Ngôi nhà nhỏ lúc đó chỉ gồm mỗi cha, mẹ và tôi. Nhà tôi ở
bên con rạch, sau lưng là cánh đồng lúa xen lẫn cỏ dại; cách nhà chừng
ba cây số là biển. Cha tôi làm nông, nhưng thỉnh thoảng cha cũng theo
người quen đi biển; còn mẹ thì mở quán nước nho nhỏ, thu nhập đủ mua rau
gạo, cá mắm. Cha mẹ bận rộn, nên dù nhỏ, tôi vẫn tự đến lớp một
mình. Mẹ cho tôi chiếc cặp xách, nhưng tôi không thích mang, lại khăng
khăng xách chiếc giỏ nhựa cũ kỹ, bao nhiêu tập vở bút mực tôi đều bỏ hết
trong đó; lại thêm đôi guốc mộc xinh xinh, tôi đi học mà cứ như... đi
chợ! Hôm nọ, buổi chiều tan trường, như mọi khi, tôi đi bộ về nhà.
Đến đoạn đường đất rẽ vào bờ kênh, tôi nhìn lên phía trên, hơi xa chút,
thấy có một... xác người! Cái xác nằm tênh hênh giữa đường, hốc mắt đen
và sâu, cái miệng mở to toang hoác, đầu còn đội chiếc nón cời. Ma! Tôi
hốt hoảng khựng lại, không dám bước tới, mà cũng chẳng chịu bước lui.
Tôi đứng đợi, đợi mãi mà chẳng thấy ai đến để níu tay xin về. Chiều
xuống dần... Làm sao đây? Trời sắp tối rồi! Tôi bật khóc. Hic... hic...
Trước mắt tôi, mọi thứ nhòa dần đi. Bỗng dưng, tôi nhận ra bóng dáng một
người. Người đó đi về phía tôi. Người đó bước qua cái xác chết. Người
đó... người đó... trông quen quá. Trời ơi, là cha! - Cha! Tôi mừng rỡ hét lên. Nghe tiếng tôi, cha chạy vội lại. - Sao con ở đây? Sao con khóc? Ai ăn hiếp con à? Cha dồn dập hỏi. Tôi lúc lắc đầu: - Không ai ăn hiếp con hết! Cha thở phào: - Vậy sao con gái cha chưa về mà đứng đây khóc, làm cha phải đi tìm nè? - Con... sợ! - Con sợ? Sợ gì? - Con sợ ma! Nói rồi, tôi đưa tay chỉ cái xác người, ngón tay tôi cong queo. Cha nhìn theo, nói: - Có con ma nào đâu! - Con ma nằm trên đường đó! - Tôi mếu máo. - Ồ! - Cha cười lên ha hả. Cái thằng người rơm mặc áo quần đó hả? Cười
xong, cha bế thốc tôi lên, hôn chùn chụt vào hai má còn đẫm đầy nước
mắt. Bộ râu chưa cạo của cha cạ vào da tôi đau rát. Đến bên thằng người
rơm, cha nói: - Người ta làm nó để đuổi chim đó con. Chim không sợ mà con gái cha đã sợ rồi! Tôi dụi đầu vào chân cha, mắc cỡ. Cha tiếp: - Con gái cha là anh hùng mà. Không sợ, không sợ nè! Vừa
nói, cha vừa đá thằng người rơm. Tôi cười lên khanh khách, bắt chước
cha đá theo, nói: “Con là anh hùng. Không sợ! Không sợ!”. Thằng người
rơm bị tôi đá lăn mấy vòng. Tôi đá thêm cái nữa, nó rơi tòm xuống rạch.
Hai cha con cười vang cả đồng. Cha công kênh tôi trên vai, một tay cha
xách giỏ tập vở, tay kia ôm lấy hai chân tôi, vừa đi vừa nhún, tôi thích
lắm. Ngang qua cái ao đầy hoa lục bình, tôi nói: - Cha, cho con xuống hái lục bình! Cha
nói để cha hái cho, nhưng tôi không chịu. Tôi cố nhoài người ra hái cho
được nhành lục bình đẹp nhất, ai dè hụt chân té ùm xuống ao. Tôi không
sợ mà còn cười, nói: - Cha, con thích lục bình. Cha đặt thêm tên con là Lục Bình đi! - Ừ, bữa nay cha gọi con là Lục Bình, được chưa? - Cha hứa. Tôi
dạ ran, cười hớn hở, đưa tay cho cha kéo lên. Đôi guốc mộc của tôi còn
nằm dưới ao; cha vớt nó, lau khô rồi định bỏ vào giỏ. Tôi không cho, nói
cha lấy dây cột lại cho tôi choàng sau lưng. Cha lại công kênh tôi về.
Nước trên người tôi chảy xuống ướt cả người cha. Ánh nắng cuối ngày rọi
lên gương mặt cha rạng rỡ - hình ảnh đó thật khó quên! Vừa đi, cha vừa
hát: - “Cô anh hùng nhỏ lưng đeo guốc Hái đóa lục bình, lộn xuống ao”. Từ đó, thay vì gọi tôi là “con gái của cha”, thì cha gọi “Lục Bình của cha”! Cha hứa, và cha đã giữ lời! Mảnh thứ hai: Em Đốm, con Vàng và cô nàng áo đỏ Tôi
9 tuổi, mẹ vẫn chưa chịu sinh cho tôi em bé. Mỗi lúc gần mẹ là tôi đòi,
đòi nhiều làm mẹ phát bực, đến nỗi cha phải lại dỗ dành. Cha nói cha sẽ
mua cho tôi một em búp bê. Tôi không chịu: “Búp bê nó không chịu chơi
với con!”. “Vậy con chơi với con Vàng đi, được không?”. “Không! Con Vàng
to lắm, cái miệng nó có gai, con không thích!”. Con Vàng là con bò
đực rất khỏe. Nó có cái đốm trắng giữa trán hay hay. Nhưng có lần, tôi
ôm cổ nó, nó lè lưỡi liếm vào mặt tôi một cái rát bỏng như bị gai đâm -
rát còn hơn bộ râu của cha cà lên mặt. Vì vậy, dù rất thương Vàng, song
tôi vẫn tránh chơi với nó. Tôi buồn. Cha chở tôi ra chợ xem tôi
thích gì thì mua cho. Chợ quê không nhộn nhịp nhưng cũng lắm người mua
kẻ bán. Tôi nhìn bên kia đường, thấy bà nọ bán bầy heo con, trong đó có
một con heo rất đẹp. Lông nó trắng hồng, đầu và mông pha hai mảng đen
tuyền với đường viền nhạt dễ thương. Tôi nói: - Cha, con thích con heo. Cha mua cho con nghe! Cha ngạc nhiên: - Con thích heo à? Nhà mình có một bầy rồi mà! - Nhưng con thích con này! - Tôi nhõng nhẽo. - Được rồi. Cha sẽ mua cho con! - Cha chìu con gái. Vậy
là tôi có được một chú heo con làm bạn. Tôi đặt tên cho nó là Đốm, gọi
bằng em. Hôm tôi ôm em Đốm về, mẹ trách cha mua heo làm gì. Cha nói đùa,
thay vì mua búp bê thì mua heo cũng được, mai mốt Lục Bình lấy chồng sẽ
làm của hồi môn. Tôi không biết của hồi môn là của gì, nhưng cũng cười
híp mắt. Em Đốm không ở chuồng như những bé heo khác mà được tôi thả
rông cho chạy khắp nhà. Tôi tắm cho em và cho em ăn rất đàng hoàng. Có
vẻ em cũng hiểu tôi lắm, luấn quấn theo tôi, cặp mắt hai mí đen láy nhìn
tôi trìu mến. Một hôm, vườn nhà tôi hết chuối cho heo ăn. Cha mắc
con Vàng vào cộ để lên xóm trên xin chuối. Tôi xin cha đi theo. Cha “ừ”,
còn cho tôi ngồi trên đùi nữa. Tôi sướng rơn. Lúc cha chặt chuối, tôi
chạy loanh quanh chơi, hát là lá la, không ngờ cây chuối ngã, đè trúng
tôi. Tôi té úp mặt xuống đất. Cũng may cây chuối nhỏ, tôi không xây xước
gì, nhưng cũng khóc một trận dữ dội. Cha dỗ: - Lục Bình của cha nín đi. Ngoan, thích gì cha cũng chìu! Tôi quệt nước mắt, hỏi: - Thiệt không? - Thiệt! Có bao giờ cha nói dối Lục Bình đâu! - Vậy cha cho con làm tài xế nghe. Con thích điều khiển con Vàng! Cha
miễn cưỡng chấp nhận. Tôi hết khóc, leo lên xe, tay cầm roi, tay cầm
“cương” trông rất oai vệ. Thật ra, con Vàng quen đường nên tôi chỉ làm
xế hờ, nó tự đi “chuẩn không cần chỉnh”. Nhưng đến một đoạn, từ
trong ngõ nhỏ, một cô nàng áo đỏ bất thần phóng xe máy ra, con Vàng
hoảng hốt nhảy lồng lên. Nó không còn biết đường sá là gì nữa, cứ chạy
bừa. Cha vội cầm dây ghì lại, la “tốp, tốp” nhưng con Vàng vẫn phóng như
điên. “Rầm!” - chiếc cộ thọt bánh xuống một cái hố sâu, xóc mạnh rồi
lật nghiêng. Hai cha con tôi bị hất văng xuống rạch. Nước rạch cạn, chỉ
ngang bụng, nhưng do hoảng hốt, tôi bị uống đến mấy ngụm, ho sặc sụa. Cha
ẵm tôi lên bờ, hỏi có sao không? Tôi điếng người, mặt xanh mét, không
khóc và cũng không thể trả lời. Cha phát hiện lưng áo tôi bị rách một
mảng, da cũng bị rạch một đường, tướm máu. Có lẽ một cành cây đã móc vào
lưng tôi nhưng tôi không biết, lúc này mới thấy đau. Chiếc cộ cũng bị
lọt một nửa xuống rạch, vậy mà không hiểu sao con Vàng vẫn đứng nguyên
trên bờ. Nó tỉnh queo như chưa hề có bất kỳ chuyện gì xảy ra. Lúc này
tôi mới hoàn hồn, vừa khóc vừa hét: “Cha! Con ghét con Vàng!”. ...
Hôm sau, có hai người đàn ông tới nhà, họ mắc con Vàng vào cộ rồi dẫn
đi. Tôi biết, cha đã bán con Vàng, bán luôn cả cộ. Cha nói, cha không
muốn con gái Lục Bình của cha gặp nạn thêm một lần nào nữa. Lục Bình mà
có chuyện gì thì cha ân hận cả đời. Dù vậy, khi thấy con Vàng khuất dần sau ngõ, mắt cha rươm rướm nước. Cha khóc! Mảnh thứ ba: “cơn bão nghiêng đêm” (1) Cuối
cùng rồi mẹ cũng sinh một đứa em trai cho tôi, năm tôi 12 tuổi. Mẹ sinh
em bé, không đi bán, nghĩa là thu nhập cũng giảm đi; phần thì lo viện
phí, phần thì lo áo quần, sữa và đủ thứ linh tinh khác, nhà tôi khánh
kiệt. Cha bận rộn hơn bao giờ hết, vừa lo việc đồng áng vừa tranh thủ đi
biển kiếm thêm ít tiền. Dù vất vả, cha vẫn luôn nói rằng: “Đàn ông đi
biển có bè có bạn; đàn bà vượt cạn chỉ có một mình”. Một mình thì dĩ
nhiên là vất vả hơn có bè có bạn. Cha hiểu vậy, nghĩa là cha thương mẹ
lắm! Khi em tôi cứng cáp hơn một chút, cha vẫn chưa cho mẹ đi bán.
Cha nói một mình cha làm đủ rồi. Không biết đủ như thế nào mà cha cứ
quần quật suốt. Sau này tôi mới biết, không có ai vừa làm đồng vừa đi
biển như cha cả. Một hôm, cha đi biển được một ngày thì trời động.
Được tin, mẹ bảo tôi ra biển xem thử cha và mọi người đã vào đến bờ
chưa. Tôi ra biển, thấy có nhiều người đứng chờ trên bờ, gương mặt ai
nấy cũng đều lo lắng. Trời chiều mỗi lúc mỗi âm u. Gió nổi lên và mưa
bắt đầu rắc hạt. May quá, một chiếc tàu xuất hiện, rồi nhiều chiếc tàu
xuất hiện. Mọi người mừng rỡ, vậy là vào đến bờ rồi! Tôi cũng mừng rỡ
khi thấy cha nhảy vọt lên bờ. Cha ôm tôi hôn đánh chụt, hỏi: “Mẹ và em ở
nhà ra sao?”. “Mẹ và em vẫn khỏe. Mẹ nói con đi đón cha về!”, tôi trả
lời. Hai cha con về tới nhà thì trời mưa rầm rộ. Đến tối thì trời
thật sự nổi cơn giông bão. Cơn bão nghiêng đêm. Gió thổi mạnh và ngoài
xa kia vẫn có thể nghe biển ầm ào dữ dội. Căn nhà lá ọp ẹp như có nguy
cơ bị quật đổ. Nước bắt đầu chảy xuống chỗ mẹ và em tôi nằm. Ban đầu là
từng giọt từng giọt, lúc sau nước tuôn xuống xối xả. Mái lá bị tốc từng
đợt, tưa dần. Cha dời đồ đạc, đưa mẹ và em sang tấm phản gỗ rồi lúi húi
kê vật dụng lên cao. Bỗng một cơn gió thổi thốc vào nhà, ngọn đèn dầu
trên bàn thờ phụt tắt. Tôi hét lên: “Nhà mình sắp sập rồi cha ơi!”. Cha
tôi cũng hét lớn: “Ra phụ cha mau!”. Nói xong, cha cầm cuộn dây thừng
lao ra khỏi nhà trong cơn mưa bão. Tôi cũng lao theo. Trời tối mịt. Gió
mạnh quá, lá và rác quất vào mặt tôi điên cuồng. Tôi, đứa con gái gầy
gò, quá bé bỏng trước sự cuồng nộ của thiên nhiên, bị gió quật xiểng
liểng. Cha cột một đầu dây vào gốc cây trước nhà, ném mạnh cuộn dây qua
mái. Hai cha con chạy vòng ra sau. Cha ra sức néo dây lại, ràng chặt mái
nhà. “Quấn dây vào gốc cây cho cha!”, cha hét. Tôi cầm đoạn dây thừng
quấn quanh gốc cây; còn một đoạn dài, cha tiếp tục quăng qua mái. Hai
cha con lại chạy vòng ra trước tiếp tục cột chặt dây vào gốc cây. Căn
nhà bớt rung lắc đi một chút, hai cha con yên tâm vào nhà. Căn nhà
vẫn tối bưng như mực, nhưng cha vẫn lần mò xem mẹ và em thế nào, rồi lấy
tấm áo mưa che đậy bàn thờ lại. Xong, hai cha con thay đồ, lạnh run cầm
cập. Cả nhà cùng ngồi trên bộ phản, quấn mền lại, dỏng tai nghe gió
bão. Đêm đó, cả nhà hầu như không ngủ. Sáng mai ra, trời quang mây
tạnh. Mặt trời ló lên đằng Đông, tỏa ánh sáng tươi vàng ấm áp. Hai cha
con ra ngoài ngắm nhìn căn nhà và khu vườn xơ xác. Dẫu vậy, đất trời vẫn
bình yên như chưa hề xảy ra cơn giông bão. Cha nắm tay tôi, nói: - Lần này, cha phải sửa lại căn nhà rồi. Cha sẽ xây một căn nhà gạch cho mấy mẹ con con ở! Tôi ngước nhìn cha: - Con sẽ phụ cha nghe! - Phụ gì? - Cha ngạc nhiên. - Con bán con Đốm để cho cha xây nhà. - Tôi nói. Cha mỉm cười: - Cha để dành nó cho đến khi con lấy chồng đó... Tôi đấm vào lưng cha thùm thụp: - Con không lấy chồng đâu! Không lấy chồng! Và
rồi cha cho người đến bắt con Đốm. Con Đốm bị nhốt vào một cái rọ to,
vì lúc này nó đã lớn bộn. Đôi mắt hai mí đen láy nhưng hơi híp của nó
nhìn tôi như van lơn. Tôi quay mặt đi chỗ khác. Bán Đốm đi, tôi biết
chắc chắn là nó sẽ gặp nạn, nhưng làm sao bây giờ? Tâm trạng tôi cũng
giống như cha lúc bán con Vàng vậy, buồn nhưng buộc phải làm - vì người
thân! Tất cả là vì người thân! Tôi không khóc, chỉ buồn! Vĩnh biệt em Đốm đáng yêu của chị! *** Cha tôi là vậy - nhẫn nại nhưng đầy thương yêu. Nếu
một kỷ niệm về cha là một mảnh ghép, tôi có thể ghép nên một bức tranh
tuyệt đẹp với đủ những mảng sắc màu. Những mảnh ghép ấy, ôi, sao chỉ
toàn là những vất vả, lam lũ, hy sinh! Cha đã cho tôi niềm tin, nghị
lực và trên hết là lòng thương yêu - yêu đời, yêu người. Tôi tự hào vì
mình là con của cha. Và tôi cũng thấy mình đầy trách nhiệm với cuộc đời
vì là con của cha. Tôi biết, nhờ cha mà tôi đã có thể vững vàng vào đời! Một
hôm, từ thành phố trở về thăm quê, tôi và cha ra đứng trước biển. Biển
xôn xao mà gương mặt cha thật yên bình. Tôi chợt nhận ra ở cha còn có
một sự bình yên sâu thẳm... * Truyện ngắn của Lục Bình. Vẽ minh họa: Nhuận Thường (1) Tên một bài hát của Thanh Tùng - trong đĩa “Lê Cát Trọng Lý” |