Chùa Bửu Minh

GN - Có những điều trong cuộc sống chúng ta xem thường, không quan tâm nhưng hậu quả về mặt xã hội lại rất lớn và nghiêm trọng. Trong đó, phải kể đến tai nạn giao thông.


Theo Tiến sĩ Hans Troedsson, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, trên thế giới mỗi năm tai nạn giao thông làm chết gần 1,2 triệu người, và làm bị thương khoảng hơn 20 - 50 triệu người. Tai nạn giao thông là nguyên nhân thứ hai làm chết người từ lứa tuổi 5 đến 25 trên toàn cầu. Mỗi ngày có hơn 1.000 người dưới 25 tuổi chết vì tai nạn giao thông.

images792123_N_i__au_ng__i___l_i.JPG
Mỗi ngày có khoảng 30 người chết vì tai nạn giao thông tại Việt Nam - Ảnh chỉ mang tính minh họa

Ở nước ta, tai nạn giao thông được báo động “đang ở mức khẩn cấp”, với con số bình quân 12.000 người chết và hàng chục ngàn người bị thương mỗi năm, trong đó có khoảng 40% là người trẻ có tuổi đời từ 15-25.

Tai nạn giao thông không chỉ lấy đi sinh mạng con người mà để lại những di họa lớn về mặt vật chất và cả tinh thần cho người bị nạn, cho gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Với Phật giáo, những cái chết không tự nhiên, như tai nạn giao thông, được xem là chết oan (uổng tử). Do tính đột ngột, không có sự chuẩn bị, và theo quán tính của đời sống bình thường, nên người chết sẽ không dễ dàng đối diện và chấp nhận rằng sinh mạng của mình đã kết thúc, từ đó bình tĩnh theo nghiệp lực để đầu thai trong một kiếp sống mới.

Với tâm lý bám víu, bấn loạn, không chấp nhận mình đã chết như thế, thần thức của người trong trường hợp chết oan như vậy thường sẽ ôm ấp các tâm lý tiêu cực như sân hận, báo thù… và bằng mọi cách có thể cố làm theo động cơ đó.

Chỉ riêng việc ôm ấp các tâm lý tiêu cực như sân hận, báo thù… không thôi đã khổ đau rồi, huống nữa lại chồng chất thêm những nỗi khổ khác của các giai đoạn tiếp diễn sau cái chết oan uổng, phải gián đoạn mọi thứ, trong lúc ý chí sống thì mạnh mẽ. Bởi không phải ai cũng có thể hiểu biết và sẵn sàng chấp nhận rằng cái chết (tự nhiên) không phải là hết, mà chỉ là một phần của tiến trình sống.

Do đó, chỉ nói đến năng lượng tiêu cực từ số lượng người đã chết vì tai nạn giao thông qua những con số trên không thôi cũng đã lớn, và chắc chắn sẽ có những tác động tiêu cực vào cộng đồng, đời sống xã hội của chúng ta cũng là không nhỏ. Đó là chưa nói đến những hậu quả nặng nề khác với số lượng hàng chục ngàn người bị thương tật, tổn hại sức khỏe, tinh thần và cả vật chất là vô cùng lớn.

Việc giải tỏa những tâm lý tiêu cực của người chết vì tai nạn giao thông, tùy theo tín ngưỡng, trước đây được tổ chức trong phạm vi gia đình, người thân thiết với người bị nạn. Nhưng gần đây, nhiều nghi lễ cầu siêu được tổ chức dành cho đối tượng này. Việc làm đó có ý nghĩa về mặt tâm linh. Nhưng thiết thực và lâu dài hơn, chúng ta cần có những biện pháp giáo dục hành vi lối sống, làm cho mọi người điều chỉnh nhận thức, chúng ta không nên “phòng chống” tai nạn giao thông chỉ bằng cách tăng cường các biện pháp bảo hộ bên ngoài, mà căn bản và song song với các biện pháp đó là phải thay đổi cách nghĩ, giáo dục luật, lối sống trong ý thức duyên sinh. Khi người ta nhận thức được sự quý giá của thân mạng này, có khả năng kiểm soát được cảm xúc thì chắc chắn những vấn đề như tai nạn giao thông sẽ không còn trở nên bức bách, “khẩn cấp” như hiện nay.

Hoàng Độ
_______________
*Bạn đọc tìm đọc Giác Ngộ số 716, ra ngày 25-10-2013 để đọc thêm bài Tu tập để giảm thiểu tai nạn giao thông của nhà báo Quảng Kiến; hoặc theo dõi trên Giác Ngộ Online trong tuần tới.

http://giacngo.vn/thoisu/cauchuyentrongtuan/2013/10/27/3B560A/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage