Chùa Bửu Minh





120428509722112994688108726349747762835082n

Một bào thai sở dĩ có mặt trên cuộc đời này ngoài yếu tố chính là do cha mẹ sinh ra, còn là kết quả của một tiến trình không đơn giản. Nói theo lý thuyết mười hai nhân duyên thì tiến trình đó rối ren như một tổ kén (kulagaṇṭhikajātā), không khác gì một cuộn chỉ rối (tantākulakajātā), đan xen nhau như cỏ munja và lau sậy babaja (muñjapabbajabhūtā)[1].

Phức tạp là vậy, nhưng khi đủ duyên thì một sinh linh sẽ vượt qua bao trở ngại, khó khăn để hiện hữu trên đời. Ở đây, với những bậc làm cha mẹ nói chung, nếu như có được một đứa con với các quan năng hoàn hảo, cùng với một sắc diện dễ nhìn, tiếng nói dễ nghe và tính tình hòa ái…là mơ ước tột cùng về phương diện con cái.

Do vậy, việc hiểu rõ quá trình hình thành thai nhi, cũng như các điều kiện liên quan đến sự thọ thai theo cách lý giải của Phật giáo, là những kiến thức cơ bản mà không phải chỉ riêng những bậc làm cha mẹ mới quan tâm.

1.    Con từ đâu tới và vì sao con tới?

Đây là hai câu hỏi lớn mà để giải bày trọn vẹn là điều không dễ dàng. Trước hết, con được hiểu ở đây là một sinh linh sắp sửa tượng hình trong thai mẹ, với quy ước đó nên tạm gọi là con. Vì nếu như tính cả chuỗi sinh tử - tử sinh thì chưa biết tuổi của con lớn hơn cha mẹ hay ngược lại.

Với vòng luân chuyển đó, sách Phật thường gọi là vòng Luân-hồi (Saṃsāra: संसार). Từ nền tảng này để suy gẫm, con của cha mẹ vốn có thể đã mang thân người ở kiếp trước, do quy y Tam bảo và giữ trọn năm giới nên được tái sinh làm người ở kiếp này[2]. Và cũng có thể, con là một Thiên tử hay Thiên nữ khả ái, do mãn thọ mạng nên phải xả báo thân, nhưng vì còn đủ phước phần nên được sanh lại làm người[3]. Hoặc cũng có thể, con vừa từ nơi đen tối, khổ đau của địa ngục, ngạ quỷ vươn lên. Và cũng có thể, con vừa buông bỏ hình hài của một loài thú hoang hay động vật cấp thấp, do gom nhặt những điều lành và mãn túc nghiệp oan khiên nên con đã hiện diện nơi đây, trong cõi người hạnh phúc và cũng lắm khổ đau này[4].

Không ai ngoài Đức Phật và các bậc Thánh giả đã chứng được thần thông Túc mạng (宿命) mới có thể nhận diện rành rẽ về những kiếp trước của mình và của bao kẻ khác[5]. Trong thân phận người phàm như chúng ta (puthujjana), sẽ không ai có thể đoán định con vốn ở đâu, từ phương giới nào thác sanh về đây. Và do vậy, một bậc cha mẹ chỉ có thể biết rằng, con đã về đây, từ mênh mang sáu nẻo Luân-hồi.

 Tuy nhiên, khi con đã đến đây và lớn lên trong một gia đình này, nhưng đôi khi lâm vào một hoàn cảnh cụ thể nào đó, một câu hỏi vẫn thường đặt ra là: tại sao con lại đến đây? Với Phật giáo, để trả lời câu hỏi này có thể gói gọn trong một cụm từ cô đọng, đó là do nghiệp tương ưng (業相應[6] = kamma saṁyutta).

Nghiệp là hành động có tác ý. Mỗi cá thể do tác ý khác nhau nên tạo nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có những cá thể hoặc nhóm cá thể sở dĩ có những liên hệ với nhau, tác động đến nhau do nghiệp của chúng giống nhau. Nghiệp tương ưng nghĩa là nghiệp giống nhau.

Ở đây, trả lời câu hỏi vì sao con đến với chốn này, ở gia đình này, chính là do nghiệp của con phù hợp với nghiệp của cha mẹ[7].

Rõ ràng hơn, trong kinh Tương Ưng (S.ii,154), Đức Phật dạy:

Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc theo giới thời quá khứ, các chúng sanh đã cùng hòa hợp, đã cùng đi với nhau. Chúng sanh liệt ý chí đã cùng hòa hợp, đã cùng đi với chúng sanh liệt ý chí. Chúng sanh thiện ý chí đã cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh thiện ý chí.

Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc theo giới thời vị lai, các chúng sanh sẽ cùng hòa hợp, sẽ cùng đi với nhau. Chúng sanh liệt ý chí sẽ cùng hòa hợp, sẽ cùng đi với chúng sanh liệt ý chí. Chúng sanh thiện ý chí sẽ cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh thiện ý chí.

Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc theo giới hiện tại, các chúng sanh cùng hòa hợp, cùng đi với nhau. Chúng sanh liệt ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh liệt ý chí. Chúng sanh thiện ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh thiện ý chí[8].

Do cha mẹ và con cái giống nhau ở nghiệp cũ và cả nghiệp mới, ở quá khứ, hiện tại và có thể ở cả vị lai nên đã tạo nên mối liên hệ tương quan tương sinh, trói buộc chặt chẽ trong một kết cấu xã hội thu nhỏ, gọi là gia đình. Và muốn đến được với gia đình, một sinh linh phải hội đủ nhiều điều kiện mới có thể thọ sanh.

2.     Các điều kiện và hình thức thọ sanh

Theo quan niệm phổ quát của Phật giáo, một sinh thể được hình thành phải hội tụ ba điều kiện cơ bản sau. Thứ nhất là tinh cha, thứ hai là huyết mẹ và thứ ba là chủng tử nghiệp thức (gandhabba). Kinh ghi:

Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình[9].

Trên đây là ba điều kiện phổ quát nhất và cơ bản nhất, tuy nhiên trong thực tế đời sống, vì nhiều lý do khác nhau, do nghiệp lực khác nhau nên có những dạng chúng sanh thọ thai theo những con đường khác nhau, không nhất thiết phải hội đủ cả ba yếu tố như trên.

Theo luật Thiện kiến, có bảy lý do để người nữ có thể thọ thai (七事女人懷胎), bao gồm:

  1. Tiếp xúc thân thể (Luật ghi là thân tương xúc: 身相觸); 2. Tiếp xúc qua phương tiện, (Luật ghi là thủ y: 取衣); 3. Tận dụng tinh trùng còn sót lại (Luật ghi là hạ tinh:下精); 4. Xoa tay vào bụng dưới ( Luật ghi là thủ ma tề hạ: 手摩臍下); 5. Do trông thấy (Luật ghi là kiến: 見); 6. Do nghe âm thanh (Luật ghi là thanh:  聲); 7. Do ngửi mùi hương (Luật ghi là hương: 香)[10].

Trong bảy lý do này, kinh điển và luật tạng ghi nhận rằng, có những trường hợp thọ thai không phải thông qua phương cách truyền thống. Đó là câu chuyện gom góp tinh người nam còn dính trong quần, sau đó cho vào nữ căn và đã thọ thai[11]; hoặc tắm bằng nước giặt vải mà nhiều người nam đã đi trên đó[12]; hoặc phu quân chỉ cần sờ vào rốn thì nàng Diṭṭhamaṅgalikā có thể thọ thai[13]... Kinh Na-tiên tỳ kheo đã liệt kê nhiều trường hợp sinh động về phương cách thọ thai này[14].

Trong bảy phương cách thọ thai như trên, ngày hôm nay khoa học đã chứng minh rõ ràng trong một vài trường hợp. Cụ thể, đôi khi không cần sự tiếp xúc trực tiếp giữa cha mẹ nhưng vẫn có thể thọ thai, như phương cách thụ tinh trong ống nghiệm (In vitro fertilization). Đặc biệt, trong bảy phương cách thọ thai nêu trên, có những phương cách thọ thai đơn tính. Điều này đã được phát hiện trong thế giới động vật, và các nhà khoa học ngày nay khẳng định rằng, đã thành tựu thực nghiệm trên cơ thể con người, gọi là phương pháp sinh sản vô tính (agamogenesis).

Như vậy, xét một cách tổng quát thì cần phải có ba điều kiện cơ bản để hình thành thai nhi. Tuy nhiên, do đặc trưng của nghiệp lực nên có những dạng chúng sanh không nhất thiết phải hội đủ cả ba yếu tố đó. Và như vậy, đâu là yếu tố then chốt, quyết định sự thọ sanh của một thai nhi?

Theo kinh Đại duyên, thuộc Trường Bộ, có một yếu tố đóng vai trò quan trọng để hình thành một thai nhi với nhiều tên gọi như: chủng tử thức (種子識)[15], thức diễn tiến (saṃvattanikaṃ viññāṇaṃ)[16], thức tái sanh (paṭisandhi viññāna)[17], kiết sanh thức (結生識)[18], gandhabba[19], hương ấm... Đoạn hội thoại giữa Đức Phật và Ananda đã chứng tỏ điều đó:

Này Ananda, nếu thức không đi vào trong bụng của người mẹ, thời danh sắc có thể hình thành trong bụng bà mẹ không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, nếu thức đi vào trong bụng bà mẹ rồi bị tiêu diệt, thời danh sắc có thể hình thành trạng thái này, trạng thái khác không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Này Ananda, nếu thức bị đoạn trừ trong đứa con nít, hoặc là đồng nam hay đồng nữ, thời danh sắc có thể lớn hơn, trưởng thành và thành mãn được không?

- Bạch Thế Tôn, không!

- Do vậy, này Ananda, như vậy là nhơn, như vậy là duyên, như vậy là tập khởi, như vậy là nhơn duyên của danh sắc, tức là thức[20].

Cũng khẳng định điều tương tự, luận Đại-trí-độ, quyển chín mươi ghi rằng:

Nếu thức không nhập thai thì phôi thai sẽ bị hủy hoại (若識不入胎, 胎初則爛壞)[21]. Trường hợp này ở y khoa ngày nay định danh bằng thuật ngữ thai chết lưu.

Như vậy, tiến trình thọ thai được bắt đầu từ sự kết hợp giữa người nam và người nữ, hoặc cũng phát xuất từ hai yếu tố này nhưng có sự thay đổi mang nghĩa trợ giúp từ một nhân tố khác, như phương cách sử dụng noãn bào hoặc tinh trùng từ ngân hàng dự trữ. Tuy nhiên, trong tất cả, một thai nhi muốn thành hình thì phải có một yếu tố quan trọng tham gia, đó là thức tái sanh (paṭisandhi viññāna).

Ở đây, sự vắng mặt của thức tái sanh (paṭisandhi viññāna) là một trong những yếu tố quan trong để việc thọ thai không thể hình thành. Ngoài ra, trong kinh, luật còn ghi nhận có rất nhiều trường hợp ngăn cản việc thọ sanh diễn ra.

3.    Những điều kiện không thể thọ sanh.

Từ thực tế lịch sử và cuộc sống hiện đại cho thấy rằng, khát vọng có một đứa con nối dõi tông đường đôi khi là khát vọng cháy bỏng của những đôi vợ chồng hiếm muộn. Trong một vài trường hợp, vì mong mỏi có một mụn con nối dõi khiến cho người ta có thể quỵ lụy và cầu khẩn bất cứ nơi chốn linh thiêng nào, dù đó là miếu Trời hay một ngôi Thiền tự.

Câu chuyện nàng mục nữ Sujāta dâng bát cháo sữa lên nhà khổ hạnh Siddhattha có nguồn gốc sâu xa từ việc cầu tự của nàng. Tác phẩm Nidānakātha ghi nhận rằng, trước khi lấy chổng, sinh con, nàng mục nữ đã cầu nguyện với các vị thần cây trong rừng (Devatā) như sau:

Nếu con được gã cho một nhà môn đăng hộ đối, và có được một đứa con trai đầu lòng, con sẽ phụng cúng thần cây hàng năm với những lễ vật quý giá. (If I am married into a family of equal rank, and have a son for my first-born child, then I will spend every year a hundred thousand on an offering to thee)[22].

Lời nguyện này được viên thành nên nàng vào rừng tạ lễ, và đã cúng dường nhà khổ hạnh Siddhattha mà nàng xem như một vị thần khả kính.

Câu chuyện này góp phần cho thấy, có nhiều lý do ngăn trở sự xuất hiện của một thai bào. Theo kinh Tăng- nhất A-hàm, có 15 yếu tố ngăn ngại quá trình thọ thai diễn ra, bao gồm:

  1. Cha mẹ gặp gỡ, nhưng thức không có mặt.
  2. Thức có mặt nhưng cha mẹ không gặp gỡ.
  3. Cha mẹ gặp gỡ, nhưng người mẹ không nằm trong chu kỳ rụng trứng.
  4. Cha mẹ gặp gỡ, nhưng người cha không sẵn sàng
  5. Cha mẹ gặp gỡ, nhưng cha bệnh phong, mẹ mang bệnh lãnh
  6. Cha mẹ gặp gỡ, nhưng cha mắc bệnh lãnh, mẹ bệnh phong
  7. Cha mẹ gặp gỡ, cha nhiều thủy khí, mẹ thì không
  8. Cha mẹ gặp gỡ, tướng cha có con, tướng mẹ không con
  9. Cha mẹ gặp gỡ, tướng mẹ có con, tướng cha không con

10.Cha mẹ gặp gỡ, tướng cha mẹ đều không con

11.Thần thức đến mà cha đi vắng.

12. Cha mẹ đáng lẽ phải gặp, nhưng do mẹ đi xa.

13.Cha mẹ đã được gặp gỡ, thần thức có mặt, nhưng cha bệnh nặng

14.Cha mẹ đã được gặp gỡ, thần thức có mặt, nhưng mẹ bệnh nặng

15.Cha mẹ đã được gặp gỡ, thần thức có mặt, nhưng cả cha mẹ đều mắc bệnh[23].

Trong 15 trường hợp mà kinh Tăng-nhất A-hàm nêu ra, có những lý do trùng lặp, cùng như cách diễn đạt chưa sáng tỏ làm cho người đọc khó hình dung. Rõ ràng hơn, tác phẩm luận Du-già-sư-địa đã khái quát, có ba thứ chướng ngại để thai nhi không thể hình thành. Đó là:

  1. 1.    Trở ngại do đường sinh sản.
  2. 2.    Trở ngại do chủng tử.
  3. 3.    Trở ngại do túc nghiệp.

Thế nào là trở ngại do đường sinh sản? Nghĩa là hoặc nơi sinh bị gió, nóng dữ bức bách. Hoặc trong sản môn có những dị tật, hoặc luôn bị uế trược v.v…[24]

Thế nào là trở ngại do chủng tử? Nghĩa là hoặc cha xuất chất bất tịnh, mẹ không xuất. Hoặc ngược lại, hoặc cả hai đều không xuất. Hoặc tinh của cha bị hư, hoặc tinh của mẹ, hoặc cả hai đều bị hư.

Thế nào là trở ngại do túc nghiệp? Tức là hoặc cha hoặc mẹ không khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái, hoặc cả hai đều không. Hoặc chúng sinh ấy không dấy khởi, không làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ. Hoặc cha mẹ của chúng sinh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên con cái khác. Hoặc chúng sinh ấy đã dấy khởi, làm tăng trưởng hành nghiệp tạo nên cha mẹ khác. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ danh giá. Hoặc ý muốn về hành nghiệp tạo nên một tộc họ không danh giá. Các trường hợp như vậy gọi là những trở ngại do túc nghiệp[25].

Như vậy, khi một chúng sanh chuẩn bị tái sanh thì phải vượt qua được những thứ chướng ngại này mới sẽ mở ra một cung bậc mới của đời sống: thai nhi hình thành

4.    Việc hình thành thai nhi và hành động chấm dứt thai kỳ.

Như đã trình bày, khi ba yếu tố cơ bản như tinh cha, huyết mẹ và thần thức hòa hợp thì những yếu tố đầu tiên của thai nhi hình thành. Quá trình này được Đức Phật khái quát như sau qua kinh Tương Ưng (S.i,206):

Trước tiên, Kalala,

Rồi từ Kalala,

Abbuda có mặt.

Rồi từ Abbuda,

Pesī (thịt mềm) được sanh ra.

Pesī sinh Ghana (thịt cứng),

Rồi đến Pasākha (chi tiết),

Tóc, lông và các móng,

Tiếp tục được sanh ra.

Những gì người mẹ ăn,

Đồ ăn, đồ uống nào,

Con người trong bụng mẹ,

Ở đấy, lấy nuôi dưỡng[26].

Trong đoạn kinh văn này, cụm từ quan trọng cần phải tìm hiểu, đó chính là từ Kalala. Từ này, Hán tạng cũng phiên âm là Ca-la-la (歌羅邏), hoặc Yết-la-lam (羯邏藍). Vậy thực nghĩa Kalala là gì?

Theo lý thuyết mười hai nhân duyên thì Kalala chính là yếu tố Danh Sắc. Bao gồm tâm và các yếu tố vật chất kể từ khi tinh cha, huyết mẹ và thần thức hội họp vào khoảng bảy ngày sau thì Kalala hình thành.

Theo tác phẩm Nhiếp đại thừa luận thích (攝大乘論釋), do ngài Huyền Tráng dịch thì do thức duyên với sắc, nên gọi là Yết-la-lam (識緣色者.謂羯邏藍)[27].

Kalala hay Yết-la-lam là tổng hòa những yếu tố vật chất và tinh thần khi thai tượng hình. Yết-la-lam gồm có ba yếu tố:

  1. Thân căn (身根)
  2. Mạng căn (命根)
  3. Tâm căn (心根), hoặc ý căn (意根)[28].

Cũng đề cập đến ba yếu tố, nhưng khác biệt vài điều, kinh Đại bát Niết bàn ghi:

Có ba pháp hòa hợp để hình thành nên chúng sanh: Thứ nhất là thọ mạng, thứ hai là hơi ấm và thứ ba chính là thức. (三法和合,名為眾生,一壽, 二煖,三識)[29].

Theo luận Đại trí độ, mạng căn chính là Thọ (壽,名命根)[30].

Luận Câu-xá giái thích rõ hơn, thể của mạng căn chính là thọ, có chức năng giữ gìn hơi ấm (tejodhātu) và thức (命根體即壽,能持煖及識)[31].

Tùy theo cách tiếp cận và luận giải mà Kalala phân biệt thành ba, hoặc hai yếu tố, nhưng thực ra, mạng căn (命根: jīvitindriya) là một tên gọi khác khi xét về vai trò của tâm căn, tức là thức diễn tiến (paṭisandhi viññāna), cũng gọi là thức A-lại-da, A-đà-na…. Theo ngài Huyền Tráng trong tác phẩm Thành duy thức luận (成唯識論), sở dĩ gọi là A-đà-na vì có chức năng giữ gìn chủng tử và các sắc căn khiến chúng không bị hư hoại (或名阿陀那.執持種子及諸色根令不壞故)[32]. Và như vậy, mạng căn cũng chính là thức A-lại-da.

Cụ thể hơn, luận Đại trí độ khẳng định rằng: Khi chúng sanh vừa nhập thai thì có hai căn, tức là thân căn và mạng căn (如人初入胎中得二根:身根,命根)[33]. Nói cách khác, khi Kalala xuất hiện, thì được xem là một chúng sanh.

Đồng quan điểm với với luận Đại trí độ, các bộ luật cũng đưa ra định nghĩa tương tự về con người:

Con người nghĩa là vật gì ở khoảng giữa thời gian từ lúc tâm đầu tiên được sanh lên (tức là) thức đầu tiên hiện hữu trong bụng mẹ cho đến lúc chết; vật ấy gọi là con người[34] (Manussaviggaho nāma yaṃ mātukucchismiṃ paṭhamaṃ cittaṃ uppannaṃ paṭhamaṃ viññāṇaṃ pātubhūtaṃ, yāva maraṇakālā etthantare eso manussaviggaho nāma)[35].

Luật Thiện kiến cũng ghi nhận: Từ Ca-la-la rồi tuần tự trưởng thành cho đến già chết, gọi là con người (迦羅羅次第長大乃至老死,此名為人身)[36].

Như vậy, có thể nói rằng, kể từ khi có ba sự hòa hợp, tức là tinh cha, huyết mẹ và hương ấm, thì một chúng sanh xuất hiện trên cuộc đời với các tên gọi là Danh Sắc hoặc là Kalala.

Mặc dù chỉ mới tượng hình và còn trong thai tạng, nhưng theo quy định của giới luật Phật giáo, việc chấm dứt thai kỳ ngay từ thời điểm tượng hình, tức khoảng một tuần khi vừa thọ thai thì được xem là hành động sát hại mạng sống của con người.

Luật tạng giải thích:

Đoạt lấy mạng sống: cắt đứt mạng quyền, làm hủy hoại, làm tổn hại sự tiếp nối. (Jīvitā voropeyyāti jīvitindriyaṃ upacchindati uparodheti santatiṃ vikopeti)[37].

Và luật Thiện kiến đã giải thích rõ ràng hơn:

Đoạn mạng có nghĩa là, từ lúc Ca-la-la (迦羅羅) hình thành, hoặc dùng tay đánh mạnh, hoặc dùng tay chà xát, hoặc dùng thuốc và các loại phương tiện đoạn dứt khiến thai nhi không thể hình thành, gọi là đoạn mạng[38].

Từ đây có thể thấy, hành động chấm dứt thai kỳ được xem như hành động giết hại con người[39]. Theo kinh Phân biệt thiện ác nghiệp báo, (分別善惡報應經), việc phá bỏ thai bào hoặc khuyến khích phá bỏ thai bào là hai trong mười nguyên nhân khiến cho con người bị đoản thọ[40].

Xưa nay, khi đề cập đến tội sát nhân, phần lớn các truyền thống đạo đức của xã hội nói chung chỉ căn cứ vào một con người cụ thể tính từ lúc sinh ra đời. Tuy nhiên, theo quan điểm Phật giáo, việc chấm dứt thai kỳ ở bất kể giai đoạn nào cũng được xem là hành động giết hại nhân mạng[41]. Ở đây, việc phá thai dù không vi phạm hiến định và pháp luật, nhưng vi phạm các nguyên tắc đạo đức căn bản theo quan điểm Phật giáo. Và hơn nữa, đã là một Phật tử, ít nhất cần phải thấu suốt và tin tưởng lời Phật dạy. Vì chỉ có như vậy, mới có thể thiết lập một đời sống yên và bình.

5.    Những pháp hành hỗ trợ tiến trình hoài thai

Đức Phật vẫn cho phép hàng cư sĩ tại gia sống chung với các dục một cách tiết độ và thanh cao[42]. Do vậy, vấn để gia đình và con cái cũng là điều mà Đức Phật nhiều lần lưu tâm và hướng dẫn cho người cư sĩ.

Trong kinh Tương Ưng (S.i,36), khi được hỏi:

Vật gì, cơ sở người?

Vật gì, bạn tối thượng (ở đời)?

Đức Phật đã trả lời:

Con là cơ sở người,

Vợ là bạn tối thượng.

Do vậy, để có được một đứa con phước đức (福德子)[43],  thì cần phải chuẩn bị những yếu tố cơ bản làm tiền đề.

Thứ nhất, phải khởi lòng nghĩ về con cái, thường xuyên mong mỏi có được một đứa con. Chúng ta phải nghiêm túc suy nghĩ về khát vọng này khi vợ chồng gặp gỡ. Với khát vọng con cái, thuật ngữ Phật học gọi là lòng khát ái (渴愛之心)[44], là cơ sở đầu tiên để tạo nên một tương ưng nghiệp, thu hút những chủng tử thức (種子識)[45] tìm đến để thác thai[46]. Mặc dù đây là cơ sở của sanh tử luân hồi, nhưng vì chúng ta vẫn còn tha thiết và chưa có ý định thoát khỏi luân hồi, nên việc duy trì tâm thế này là điều kiện cơ bản để hoạch đắc con cái.

Thứ hai, những bậc sắp làm cha mẹ phải chuẩn bị những nền tảng sức khỏe cần thiết liên quan đến quá trình thác thai, thuật ngữ y khoa ngày nay gọi là sức khỏe sinh sản. Không thể có được một đứa con thông minh, khỏe mạnh nếu như cha mẹ của chúng luôn sống trong bệnh tật, ốm đau. Nếu như chúng ta chưa chuẩn bị sẵn sàng những điều kiện quan trọng này, nhưng vẫn bất chấp mọi việc để có được con cái thì sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và đôi khi còn là gánh nặng cho xã hội. Không những vậy, xét về phương diện tạo ra một di nghiệp về sau, hành động thiếu chuẩn bị này vô tình tạo nên một chúng sanh với nghiệp quả không tốt, và thậm chí sẽ quá đỗi tệ hại ở thế hệ tương lai.

Thứ ba, cần phải trang nghiêm tự thân, nỗ lực làm việc lành khi có thể và giữ tâm luôn trong sáng, thanh cao. Muốn có được một đứa con phước đức, thì cần phải vun bồi phước đức. Ba phương cách tạo nên phước đức gồm có trang nghiêm giới hạnh (giữ giới), lắng lòng trong sạch (tụng kinh hoặc hành Thiền) và rộng lòng chia sẽ (bố thí)[47], là những phương cách góp phần tạo nên một đứa con phước đức đúng nghĩa theo quan điểm về nghiệp lực tương ưng (業相應 = kamma saṁyutta). Cần lưu ý rằng, trang nghiêm giới hạnh được hiểu ở đây là tuân thủ theo những giới luật cơ bản của người phật tử.

Thứ tư, sống ở trong đời dù cố gắng hết sức nhưng không ai tránh khỏi tội lỗi. Có những lỗi nhỏ nhặt, có những tội lớn lao, và cũng có những tội lỗi liên quan đến việc phá hủy thai bào. Tuy các bộ luật trong Phật giáo chưa thống nhất về chi tiết, nhưng điểm chung có thể ghi nhận rằng, việc phá hủy thai bào là hành động làm thương tổn trực tiếp đến mình và tha nhân. Và do vậy, các bậc cha mẹ lỡ lầm cần phải đối diện với thực trạng này và tìm cách sám hối. Với Phật giáo, sám hối là sinh lộ. Ở đây, tùy theo mức độ tội lỗi mà lựa chọn một pháp sám hối thích hợp. Các phương cách sám hối hiện đang được áp dụng trong các truyền thống Phật giáo là giải pháp gợi mở cho trường hợp này.

Thứ năm, theo quan điểm của Đức Phật, con gái hay con trai đều không phải là vấn đề quá quan ngại. Vì nếu như gặp phải nghịch tử thì quả là khổ đau như lời Phật đã dạy trong kinh Tập (Sn.3): Ai có các con trai./Sầu muộn với con trai./Bậc Thế Tôn, Chánh Giác./Đã nói lên như vậy[48]. Hoặc nếu sanh con gái thì cũng đừng quá buồn lòng. Đây cũng là lời dạy của Đức Phật với vua Pasenadi trong kinh Tương Ưng (S.i,86): Này Nhân chủ, ở đời./Có một số thiếu nữ./Có thể tốt đẹp hơn./So sánh với con trai[49]. Với Đức Phật, phẩm chất đạo đức của người con quan trọng hơn giới tính. Do vậy, việc lựa chọn giới tính cho thai nhi là điều không nằm trong nội dung giáo huấn của Đức Phật.

6.    Kết luận

Sự hiện hữu của một thai bào là tổng hòa của nhiều điều kiện mà trong đó phải kể đến ba điều kiện chính, đó là tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Trong ba yếu tố này thì yếu tố thần thức với những tên gọi khác nhau nhưng có cùng một chức năng quan trọng, đó là chuyên chở, giữ gìn và truyền trao những tư liệu từ đời sống quá khứ. Với Phật giáo, sự sống như thể một dòng sông. Không thể hiểu được dòng sông nếu như chỉ dựa vào một đoạn sông ngắn ngủi.

Về cơ bản, thai bào phần lớn được hình thành từ ba yếu tố. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù, bào thai được hình từ nhiều nguyên nhân đặc dị khác nhau. Từ những thông tin ghi nhận về các hình thức thọ sanh trong kinh, luật, đã cho thấy rằng, các dạng thức thọ thai trong đời sống xã hội hiện đại đã được đề cập từ hàng ngàn năm trước trong kinh tạng Phật giáo. Bên cạnh đó, việc nhận ra những nguyên nhân gây trở ngại sự hoài thai giúp cho các bậc cha mẹ tự hoàn chỉnh bản thân, để có thể tìm thấy một đứa con như khát vọng.

Từ định nghĩa thế nào là một con người theo quan điểm Phật giáo, đã khẳng định tính nhân văn cao cả của tôn giáo này. Qua đây đã cho thấy lòng thương yêu sự sống của Phật giáo cao cả vô biên, vì đã tôn quý sự sống ngay từ thời điểm hình thành, dù đã có hình sắc hay mới tượng hình sắc[50]. Việc chủ tâm chấm dứt thai kỳ trước thời hạn được xem là một trong những trọng tội, và do vậy người hiểu biết cần phải tìm cách né tránh trước khi tội lỗi hình thành. Cụ thể là, khi một đôi nam nữ gần nhau nhưng chưa muốn sinh con, thì phải chủ động ngăn ngừa bằng những phương cách thích hợp.

Việc hiểu rõ đầy đủ quá trình hoài thai cùng với các tính chất tương ưng của nghiệp lực, giúp cho các bậc cha mẹ từng bước chuẩn bị những tiền đề cần thiết để có được một đứa con toàn hảo, như kinh gọi là đứa con phước đức. Quá trình đó được bắt đầu bằng việc nuôi dưỡng khát vọng về con cái, chăm chút sức khỏe bản thân, gia tâm vun bồi phước đức và tự thanh lọc thân tâm nếu như tự nhận thấy mình đã từng sai phạm, lỗi lầm.

Con cái thật sự là chỗ dựa, là niềm vui, là hạnh phúc trong cuộc sống thường tục, nếu như đứa con đó khỏe mạnh ở thể xác và thánh thiện trong tâm hồn.



[1] Kinh Trường Bộ, kinh Đại Duyên, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr, 263.

[2]大正藏第 01 冊 No. 0033 恒水經. Nguyên văn: 持五戒者,還生世間作人

[3]大正藏第 23 冊 No. 1442 根本說一切有部毘奈耶, 卷第一. Nguyên văn:  時彼商主業緣合會, 時有一天從勝妙天來託婦胎.

[4] Xem thêm, kinh Trung Bộ, kinh Hiền Ngu số 129.

[5] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, chương 3 pháp, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo,  2015.tr.196. . Nguyên văn: Vị ấy nhớ đến các đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời. Nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây. Tương đương Hán tạng: 大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第三十一, 八八四

[6] Xem 10 kinh trong phẩm Nghiệp tương ưng, thuộc Trung A-hàm. Xem tại, 大正藏第 01 冊 No. 0026 中阿含經, 卷第三, 卷第四, 業相應品. Xem thêm, 大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第七十一. Nguyên văn: 如來以佛眼,觀十方眾生,初生及與死,種種業相應.

[7] Nghiệp của cha mẹ và con tương cảm lẫn nhau nên thác thai mẹ (父母及子有相感業,方入母胎). Xem, 大正藏第 24 冊 No. 1451 根本說一切有部毘奈耶雜事, 卷第十一.

[8] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.507.

[9] Kinh Trung Bộ, tập 1, Đại kinh đoạn tận ái, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.328

[10]大正藏第 24 冊 No. 1462 善見律毘婆沙, 卷第六

[11]大正藏第 23 冊 No. 1435 十誦律, 卷第六, 長老迦留陀夷.

[12]大正藏第 23 冊 No. 1435 十誦律, 卷第三十八, 雜誦卷第三

[13] Jataka  số 497. Xem, Kinh Tiểu Bộ, tập V,  NXB. Tôn giáo, 2015 tr.404.

[14] Câu 95. Hoài nghi về sự thụ thai. Xem, Kinh Mi Tiên vấn đáp, HT. Giới Nghiêm, dịch. NXB. Tôn giáo, 2003, tr. 338-346.

[15]大正藏第 31 冊 No. 1585 成唯識論, 卷第三

[16] Kinh Trung Bộ, tập 2, kinh Bất động lợi ich, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012,tr. 320.

[17] Pāli Text Society. Pāli – English Dictionary. T W. Rhys Davids Edited. Electronic Edition. 1999. P.913

[18]大正藏第 29 冊 No. 1562 阿毘達磨順正理論,  卷第二十五. Nguyên văn: 謂唯結生識.說行為緣.此由行勢力.牽引生故.此結生識.

[19] Kinh Trung Bộ, tập 1, Đại kinh đoạn tận ái, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr.328

[20] Kinh Trường Bộ, kinh Đại Duyên, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr,269.

[21]大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第九十

[22] Y Fausboll Ed. Buddhist Birth stories or, Jataka Tales -The oldest collection of folk-lore extant: Being the Atakatthavannana. T.W. Rhys Davids Trans. Vol 1. Boston: Houghton, Mifflin & Co.,  1880. p. 91.

[23]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第十二, kinh số 3.

[24] Xem thêm, 大正藏第 24 冊 No. 1451 根本說一切有部毘奈耶雜事, 卷第十一. Nguyên văn: 若母根門為風病所持, 或有黃病痰癊, 或有血氣胎結, 或為肉增,或為服藥,或麥腹病蟻腰病,或產門如駝口,或中如多根樹,或如犁頭,或如車轅,或如藤條,或如樹葉,或如麥芒,或腹下深,或有上深,或非胎器,或恒血出,或復水流,或如鵶口常開不合,或上下四邊闊狹不等,或高下凹凸,或內有虫食爛壞不淨,若母有此過者並不受胎

[25] Luận Du-già sư địa. tập 1,  Nguyên Huệ, dịch. NXB. Hồng Đức,  2013. Tr. 34-35. Nguyên tác Hán văn: 大正藏第 30 冊 No. 1579 瑜伽師地論, 卷第一. Nguyên văn: 復無三種障礙.謂產處過患所作. 種子過患所作.宿業過患所作. 云何產處過患.謂若產處.為風熱癊之所逼迫.或於其中有麻麥果.或復其門如車螺形.有形有曲有穢有濁.如是等類產處過患應知.云何種子過患.謂父出不淨非母.或母非父.或俱不出.或父精朽爛.或母或俱.如是等類.種子過患應知.云何宿業過患.謂或父或母.不作不增長感子之業.或復俱無.或彼有情.不作不增長感父母業.或彼父母.作及增長感餘子業.或彼有情.作及增長感餘父母業.或感大宗葉業.或感非大宗葉業.如是等類宿業過患應知.

[26] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr. 317-318

[27]大正藏第 31 冊 No. 1597 攝大乘論釋, 卷第三

[28]大正藏第 23 冊 No. 1442 根本說一切有部毘奈耶, 卷第七; 大正藏第 23 冊 No. 1443 根本說一切有部苾芻尼毘奈耶, 卷第四;  大正藏第 11 冊 No. 0317 佛說胞胎經; 大正藏第 11 冊 No. 0310 大寶積經, 卷第五十五

[29]大正藏第 12 冊 No. 0374 大般涅槃經, 卷第三十六

[30]大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第六十七.

[31]大正藏第 29 冊 No. 1558 阿毘達磨俱舍論, 卷第五

[32]大正藏第 31 冊 No. 1585 成唯識論, 卷第三

[33] 大正藏第 25 冊 No. 1509 大智度論, 卷第二十三. Kinh Đạo địa cũng cho rằng, lúc thái mới thành hình cũng chỉ co thân căn và mạng căn. Xem, 大正藏第 15 冊 No. 0607 道地經.

[34] Phân tích giới Tỳ kheo 1, chương Pārājika thứ ba. Tỳ kheo Indacanda, dịch.

[35] Xem tại, https://www.tipitaka.org/romn/

[36]大正藏第 24 冊 No. 1462 善見律毘婆沙, 卷第十一.

[37] Phân tích giới Tỳ kheo 1, chương Pārājika thứ ba. Tỳ kheo Indacanda, dịch.

[38]大正藏第 24 冊 No. 1462 善見律毘婆沙, 卷第十一. Nguyên văn: 斷命者,從迦羅羅時,或熱手搏之,或以手摩之,或以藥服之,如是種種方便斷使勿生,是名斷命. Xem thêm, 大正藏第 22 冊 No. 1425 摩訶僧祇律, 卷第四. Nguyên văn: 墮胎殺者,若比丘欲殺母人而胎墮者,得越比尼罪;欲墮胎而母死者,得越比尼罪;欲殺母,母死者,得波羅夷;欲墮胎,胎分乃至身根命根墮者,波羅夷.若人壞畜生胎墮者,得越比尼罪.是名為墮胎殺.

[39] Theo luật Ngũ phần, từ khi thọ thai đến khoảng 49 ngày thì gọi là Tợ nhân (似人), sau khoảng thời gian đó thì gọi là người (為人). Tuy nhiên, giết hại chúng sanh ở giai đoạn nào cũng phạm tội cực trọng (波羅夷). Xem tại, 大正藏第 22 冊 No. 1421 彌沙塞部和醯五分律, 卷第二. Nguyên văn: 若比丘,若人,若似人,若自殺,若與刀藥殺,若教人殺,若教自殺,譽死,讚死:咄!人用惡活為?死勝生.作是心,隨心殺;如是種種因緣,彼因是死,是比丘得波羅夷,不共住.入母胎已後至四十九日,名為似人.過此已後,盡名為人.

[40]大正藏第 01 冊 No. 0081 分別善惡報應經, 卷上. Nguyên văn: 五懷胎殺,六勸墮胎殺…如是十種獲短命報

[41]大正藏第 22 冊 No. 1425 摩訶僧祇律, 卷第四. Nguyên văn: 欲墮胎,胎分乃至身根命根墮者,波羅夷; 大正藏第 23 冊 No. 1435 十誦律, 卷第二. Nguyên văn:  若比丘為殺胎故作墮胎法, 若胎死者, 波羅夷. 母死者, 偷蘭遮. 俱死者, 波羅夷. 俱不死者. 偷蘭遮. 是名墮胎; 大正藏第 23 冊 No. 1440 薩婆多毘尼毘婆沙, 卷第三. Nguyên văn: 乃至腹中初得二根者,始處緣時,父母精合識處其中,得身根,命根. 爾時作因緣殺者,得波羅夷.

[42] Kinh Tăng Chi Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, d5ich, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 116. Nguyên văn: Có hai loại lạc này, này các Tỷ-kheo. Thế nào là hai? Lạc tại gia và lạc xuất gia. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là hai lạc. Tối thắng trong hai lạc này, này các Tỷ-kheo, tức là lạc xuất gia.

[43]大正藏第 02 冊 No. 0099 雜阿含經, 卷第二十三, 六〇四

[44]大正藏第 02 冊 No. 0125 增壹阿含經, 卷第二, 二

[45]大正藏第 31 冊 No. 1585 成唯識論, 卷第三

[46] Theo kinh Duyên sanh sơ thắng phần pháp bổn, Phật dạy: Này Tỳ-kheo! Lòng khát ái có thể tạo ra bốn loại nghiệp. 1, Tạo nghiệp tham ái và kết buộc vào cảnh giới mà mình thọ thân. 2, Nương vào khát ái, thủ khởi lên nhiều loại nghiệp. 3, Với nghiệp cũ (hành) và nghiệp mới (hữu), tạo nên nghiệp dắt dẫn. 4,Với sự chết và các yếu tố về sau thì tạo nên nghiệp trói buộc tương tục. Thế nên nói khát ái là Tập đế. Xem, 大正藏第 16 冊 No. 0716 緣生初勝分法本經,卷上. Nguyên văn: 比丘!以渴能作四種業故:一者,於自身境界受中,作貪美縛業;二者,於渴取中作等起業;三者,於行有中作牽引業;四者,於死已後作相續縛業.是故惟說渴為集諦.

[47] Kinh Trường Bộ, kinh Phúng Tụng, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2012, tr. 651. Nguyên văn: Ba phước nghiệp sự: Thí hành phước nghiệp sự,  giới hành phước nghiệp sự, tu hành phước nghiệp sự.

[48] Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr.155.

[49] Kinh Tương Ưng Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2013, tr.334.

[50] Kinh Tập, kinh Từ Bi, câu 147. Xem, Kinh Tiểu Bộ, tập 1, HT. Thích Minh Châu, dịch, NXB. Tôn giáo, 2015, tr. 358. Nguyên tác Pāli: Diṭṭhā vā ye va adiṭṭhā, ye va dūre vasanti avidūre; bhūta vā sambhavesī vā, sabbasattā bhavantu sukhitattā.


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage