Chùa Bửu Minh

Cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế


Bài và ảnh (*)Võ Quang Yến

Cầu ngói Thanh Toàn xứ Huế

Bài và ảnh (*)Võ Quang Yến

Ai về cầu ngói Thanh Toàn 
Cho em về với một đoàn cho vui 
Ca dao xứ Huế
Thời Thuộc địa, một công chức người Pháp ở Huế, ông Edmond Gras, chịu khó đi tìm xem cầu ngói Thanh Toàn (cầu mái ngói) cách xa thành phố khoảng 10km. Ông đi ngựa cùng với một viên chức địa phương, mất một buổi chiểu mà tìm không ra. Tuy nhiên ông nhí nhảnh thuật lại trong tờ Đô thành Hiếu cổ BAVH (1917) cuộc hành trình thú vị. Trời hè nóng nhưng mát nhờ con đường đầy bóng uốn khúc trên bờ mương, lên xuống mỗi khi qua chiếc cầu tre lắc lư dưới chân ngựa. Hai bên đường, làng xóm kín đáo núp mình sau các dãy hàng rào cao dày, những ngôi chùa hiu quạnh yên tĩnh dưới bóng cây tối sẩm. Thỉnh thoảng một lỗ trống trong bụi tre xanh để lộ ra một sân nhà quét dọn sạch sẽ quanh đống rơm xây đắp tươm tất, đàn gà con ríu rít bíu chân mẹ, chú heo đen kêu en éc trong rọ mây. Trong một kiệt nhỏ, mùi hương thơm hoa sứ ngào ngạt như để át mùi phân trâu, phân bò. Một cậu bé trần truồng bất thình lình thấy chúng tôi, lấy roi đập đẩy đàn trâu sang môt bên như để dọn đường rồi nhảy xuống mương...Nhưng chiếc cầu thì vẫn không tìm ra vì như tuồng người dẫn đường cũng chưa khi nào lại viếng cầu ! Trời tối dần, cả hai lấy đò trở về. Trên nền trời đen thẩm, những đám cháy nhắc ông Edmond Gras nhớ đến những ngọn lửa Saint-Jacques ở quê Provence xa xăm của ông. Thì ra người nào đi xa cũng luôn ấp ủ trong lòng hình bóng quê hương của mình. Ông đã trờ lại Thanh Toàn với cha Leopold Cadière, tổng biên tập tờ BAVH, lần nầy đi xe kéo và thấy được cầu. Thì ra cầu có thật : cột gỗ dài cao trên mặt nước, lợp mái ngói tráng men, hình cong trông từ xa như một con rồng uống lưng. Trên cầu, những người rảnh rang dạo lượn chân không, học sinh đua thử thăng bằng trên các rầm kèo,...Ông không quên vẽ một bức tranh minh họa bài báo trong tương lai.

Cũng trong cùng tờ báo BAVH còn có hai bài viết về chiếc cầu Thanh Toàn của ông Công sứ Richard Orband, quan chức hành chính dân sự (cùng năm 1917) và của ông Hippolyte Lebreton Hiệu trương trường Quốc học, mười sáu năm sau (1933). Cả hai tác giả nầy đều cỏ miêu tả tỉ mỉ con đường từ Huế về cầu, kiến trúc cây cầu đồng thời lượt thuật lịch sử một kiệt tác hiếm có. Ở miền Trung, hai chiếc cẩu có lối kiến trúc đặc biệt và giá trị nghệ thuật cao nhất Việt Nam là cầu Nhật Bản tức Chùa Cầu ở Hội An (lúc bấy giờ gọi Faifo) và cầu Thanh Toàn cạnh Huế. Cầu ngói Thanh Toàn có cầu kết thượng gia hạ kiều (trên nhà dưới cầu), là một tác phẩm kiến trúc nhỏ nhắn dài 16,85m (43 thước mộc), rộng 4,63m (14 thước mộc), gồm có bảy gian, gian giữa dùng để thờ cúng. Hệ thống trụ đỡ sắp thành ba hàng, có chung một khối mộng để chống lún. Mỗi hàng có trụ bằng đá, sáu cột. Hai đầu là hai mố cầu, trang bị bảy hệ thống thống thoát nước. Hệ thống trụ đỡ nối liền các đầu mối cầu. Các thanh bê tông chay dọc từ hai đầu vào giữa dốc dần lên đến gần gian giữa thì nằm ngang. Tư thế nầy khiến cả mặt cầu lẫn mái cầu trông như gãy khúc, nâng cổng giữa lên cao tạo một hình dáng duyên dáng, khỏe mạnh, đồng thời giúp ghe thuyền qua lại dễ dàng. Trên cầu, các hệ thống trụ cầu có dầm gỗ bắc ngang thành cơ sở dựng cột làm khung nhà. Mỗi vi có bốn hàng cột, giữa hai cột là lòng cầu làm lối đi lại. Từ hai bên cột cái trở ra là cột hiên nâng lên cao làm chỗ hóng mát. Bên ngoài có lan can chấn song để ngồi khỏi ngã. Mọi phần đều thông thoáng, chỉ có phần sườn cầu làm bàn thờ thì bịt kín. Các hệ thống xà thượng, xà hạ đều sắp xếp theo lối xà kép, xà trên nằm trên đầu cột, xà dưới di chuyển qua mộng cột. Các bộ phận kiến trúc đều bằng gỗ, nhưng không chạm khắc hay trang trí mà chỉ gồm hai loại tiết diện tròn và vuông. Các nghệ nhân đã chạm khắc hình con vật với chủ đề tứ linh ở bộ mái cây cầu : long lân quy phụng. Về trang trí, trước đó chỉ có con giao long, sau này nhường chỗ cho con rồng ở hai đầu và đôi phượng chầu mặt trời ở giữa.

Sử sách ghi làng cũ mang tên Thanh Toàn từ hồi 12 vị tộc trưởng khai canh thế kỷ XVI. Những vị nầy phần lớn là người Việt quê gốc Thanh Hỏa theo chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa (có tài liệu cho là chậm hơn), nhưng cũng có người Chăm đã sống tại chỗ từ trước. Cũng có thể hai dân tộc sống chung đụng với nhau, ngay cả trong cùng một tộc. Qua thời Thiệu Trị (1841-1847) chữ Hoàng là tên húy ( ?) nên làng đổi tên thành Thanh Thủy. Làng đông người nên chia ra hai : Thanh Thủy Chánh và Thanh Thủy Thượng, tên giữ nguyên vẹn cho đến nay. Cầu ngói Thanh Toàn nằm ở làng Thanh Thủy Chánh thuộc xã Thủy Thanh, hượng Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế. Lịch sử cầu dính liền với tiểu sử bà Trần Thị Đạo. Bà người làng Thanh Thủy, cháu sáu đời một trong 12 vị khai canh làng. là vợ của Khâm sai, Chủ sự Hoàng cung, Tổng chỉ huy bộ binh và thủy binh, Tổng đốc của ba huyện Hương Trà, Phú Vang và Quảng Điền, Tứ Xuyên Hầu Phan Trọng Phiên, Nhất trụ triều đình. Vào thời nhà Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, Bà theo chồng ra bắc, nhưng được một thời gian bà trở về bản quán sinh sống. Bà không ngần ngại vượt qua bao mệt nhọc để theo đuổi cuộc hành trình cùng với đoàn của vua. Bà đã dũng cảm làm trọn ba nhiệm vụ của phái nữ. Bà còn để lại cho làng bà nhiều ân huệ mà người ta cần lưu niệm .Làng Thanh Thủy có một con mương chảy qua, thường hằng ngày dân địa phương phải dùng thuyền, không thì mất thì giờ đợi đò ngang, rất vất vả khi trời đông giá, rét mướt. Mang một bụng dạ thương người, tấm lòng đức độ, thấu hiểu nỗi khó nhọc của người dân quê, bà bỏ tiền túi thuê làm chiếc cầu có mái lợp phòng khi trời mưa gió, cũng là nơi dừng chân của khách bộ hành tìm bóng mát những ngày nắng nóng. Bà không dè cầu lại là nơi ngắm trăng, hóng gió. Tuy cầu được cấu trúc như một ngôi nhà bình thường nhưng lại là một ngôi nhà ấm áp khi đông về và mát mẻ khi nắng lên. Cầu cũng là nơi dạt dào tình thương nên trai thanh gái lịch trong vùng lại ca hát, giao duyên, hẹn hò, tình tứ. Ở hai lối vào cầu có hai hàng câu đối chữ Hán được khắc lên trên cầu, nhưng thời gian làm hao mòn nên khó tìm ra câu nguyên vẹn: Kiệt cấu thiên thu truyền thắng tích,ngỏa kiều thắng cảnh cựu quy mô. Tạm dịch : Kiệt tác kiến trúc này là một di tích lưu truyền mãi nghìn năm sau, cầu ngói là một thắng cảnh làm theo quy mô cũ. Còn có câu: Tế xuyên mâu bửu phiệt, thanh thủy thắng hồng lâu. Tạm dịch : Qua sông là bè quý, nghỉ mát ấy gác son.

Căn cứ vào tờ Sắc của vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 7 thì cầu được xây vào năm 1776. Theo sử sách năm 1925 ghi lại thì vua Khải Định đã ban tặng cho bà Trần Thị Đạo tước vị "Dực Bảo Trung Hưng Linh Phù". Vua còn hạ lệnh cho dân làng lập bàn thờ trên cầu để thờ bà và mong bà phù hộ độ trì cho dân làng. Bên phần dân làng cũng không nề hà và lại sinh hoạt quanh cầu. Phía chân cầu là một vùng đất rộng, người ta đến đây để vui chơi và họp chợ. Giữa vùng đất còn có một cái đình không biết xây từ bao giờ, giao lưu buôn bán cũng không ai rõ từ hồi nào. Người xưa kể lại chợ trước đây không lớn như bây giờ, buôn bán chỉ có những mặt hàng rất nhỏ như mớ rau, mớ cá, trái cau, lá trầu... Riêng tôi còn thấy trẻ chăn trâu, người đánh cá, hai bà già ngồi cạnh cầu bán cau trầu, thuốc lá trước khi có hội hè đình đám. Trong rất lâu, người dân đánh cá, bắt cua đưa đến đây trao đổi với nhau qua thời gian tạo nên cái chợ làng. Dần dần đời sống phát triển, các mặt hàng xuất hiện ngày càng đa dạng hơn, hình thức buôn bán cũng trở nên to lớn hơn. Nhưng chợ luôn tự nhiên giới hạn và luôn còn mang nét quê Việt Nam. Chính vì mang đậm nét bản thể thôn dã cho nên nơi đây được chọn làm hội chợ quê, vào những ngày lễ hội trong thời kỳ festival Huế. Cần phải nhận định, như việc mở mang cần thiết phố xá ngoại ô thành phố, cái bản sắc làng quê căn bản cuộc phát triển liệu rồi có bị hao mòn tiêu biến không. Ngoài lễ hội chợ quê hai năm một lần thì vào ngày mồng ba tết nguyên đán hàng năm, nơi đây còn tổ chức cuộc đánh bài chòi. Đây là một trò chơi dân gian xưa mang đậm bản sắc và văn hóa người Việt Nam. Ngoài ra còn có một đám lễ nữa cũng được tổ chức linh đình không kém vào ngày rằm tháng tám, theo người dân địa phương thì là ngày giỗ của bà Trần Thị Đạo. Họ rước bà từ đình ra cầu cúng lễ, rồi lại rước bà trở lại đình. Sau lễ, các trò chơi cho nhân dân trong làng như ca hát, hò giả gạo, đua thuyền trên mương và kéo co được tồ chức, gây thư giản cho dân quê suốt năm cặm cụi công việc.đồng án.

 
Hình ảnh thanh bình quanh cầu trước thời rộn rịp Festival

Một nhà thơ địa phương đã cảm hứng làm bài thơ ca ngợi công đức của bà Trần Thị Đạo và khắc lên cầu.

Trần Thị phu nhân xã chúng ta 
Tiếng tăm vang dội khắp gần xa 
Cúng đâng ruộng đất dân cày cấy 
Xây đắp cầu kiều khách lại qua 
Khăn yếm khoe khoan ngời khí tiết 
Phấn son tô điểm rạng sơn hà 
Sắc phong ân tứ ngời công đức 
Hương khói nghìn thu kỉ niệm bà.

 
Tranh E. Gras 
  

Thành Xô xuân 2017
(*) ảnh chụp năm 1989, sao lại từ ảnh giấy và lấy trên internet

Đọc thêm

- Bùi Đẹp, Cầu ngói Thanh Toànnewvietart.com 24.02.2011

- Trần Tiến Ðạt, Nét đẹp kiến trúc giữ miền quê Thanh Thủyhoangphap.info 07.03.2011

- Thanh Tâm (Hà Tĩnh), Về thăm Cầu ngói Thanh Toàntuoitre.vn 15.04.2012

- Châu Giang, Ðộc đáo cầu ngói Thanh Toàn, 15.05.2012

- Web du lịch Huế, Ðộc đáo cầu ngói Thanh Toàn, webdulichhue.com 21.04.2013

- Vũ Hảo (Thể thao Tp Hồ ChíMinh), Cầu ngói Thanh Toànhue.vn.vn 21.04.2013

- Trần Viết Ðiền, Bà Trần Thị Đạo có công lớn xây cầu ngói Thanh Toàn, là phu nhân của Tứ Xuyên Hầu Phan Trọng Phiêntapchisonghuong.com 19.10.2015

Võ Quê, Ai về cầu ngói Thanh Toàn, Tác phẩm văn voque.g


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage