Chùa Bửu Minh

Vượt trên cả nỗi đau và sự sợ hãi, trong thảm họa động đất - sóng thần - hạt nhân diễn ra tại Nhật Bản vừa qua, cả thế giới ngỡ ngàng và nể trọng trước cái cách mà dân tộc này đang đối mặt với tai ương. Có được lối ứng xử này, phải chăng người Nhật hiện đại vẫn dựa vào nền tảng văn hóa và triết lý riêng của dân tộc mình?


Nhà nghiên cứu, nhà văn Nhật Chiêu, nhiều năm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản, cho hay: 

- Thiên nhiên Nhật thường được người ta ví von là “siêu thị thời tiết”, nghĩa là ở đó có phần nhiều các thứ thời tiết ở trên đời. Cho nên, với người Nhật, luôn có hai thiên nhiên. Một, là thiên nhiên diễm lệ, đa sắc đã được nghệ thuật, đặc biệt văn chương ca ngợi gần 2.000 năm nay. Hai, là một thiên nhiên tàn bạo, có thể vùi dập con người, phá hủy đời sống một cách không thương tiếc, bao gồm động đất, núi lửa, sóng thần, lốc xoáy… Dân tộc Nhật luôn sống chung với thiên nhiên, trân trọng và hiểu biết nó, nên khi đối diện với bất kỳ bộ mặt nào của thiên nhiên, họ vẫn trầm tĩnh.

* Theo tôi được biết, không chỉ trong văn chương, mỹ học, triết lý, mà ngay ở đời sống, người Nhật cũng cảm nhận khá rõ niềm bi cảm này - nên luôn tìm cách lý giải tận ngọn nguồn sự mong manh, ngắn ngủi của cái đẹp tự nhiên và mọi dạng thức khác của cuộc đời. Vậy thì, trong các tai ương của thiên nhiên, dưới góc độ văn chương, nghệ thuật, điều gì để lại dấu ấn đậm nhất?

- Phải lưu ý trước một điều, rằng nghệ thuật, mỹ học và triết lý Nhật Bản luôn gắn liền với mùa, vì thiên nhiên (với tất cả các sắc thái của nó) đã trở thành phần thiết yếu của đời sống. Cho nên, vừa dễ dàng để chỉ ra những dấu ấn, vừa khó khăn để kể hết các dấu ấn đó, vì nó bàng bạc gần như suốt lịch sử nghệ thuật của dân tộc này.

Trong bộ mặt dữ dằn của thiên nhiên, động đất vẫn là khủng khiếp nhất. Trong tập tùy bút Hôjôki (Phương trượng ký) của tác giả Kamo no Chômei thuộc thế kỷ 12 có miêu tả trận động đất năm 1184, nói rõ rằng trong các tai ương khủng khiếp mà con người phải chịu đựng thì không có gì đáng sợ bằng động đất.

Chúng ta cũng biết, năm 1923 một trận động đất lớn tàn phá phần lớn Tokyo và toàn bộ vùng Yokohama, đã ảnh hưởng sâu đậm đến văn chương và tư tưởng sau đó. Đến lượt cơn động đất năm 1995 cũng đã tác động đến văn chương Nhật ghê gớm. Và bây giờ, trận động đất này, lớn nhất từ năm 1900 đến nay, chắc chắn cũng sẽ lưu dấu trong văn chương và dư chấn của nó sẽ còn kéo dài không biết bao giờ mới dứt.

Theo tác giả Chômei mà tôi vừa nhắc tới thì, sau trận động đất lớn, dư chấn có thể kéo dài hàng mấy tháng trời. Tôi thì cho rằng, sau trận động đất hiện nay, dư chấn sẽ tác động nhiều đến đời sống của người Nhật, từ vật chất cho đến tinh thần. Cho dù có quen với tai ương của những đại địa chấn bao nhiêu đi nữa, thì mỗi lần nó xảy ra, người Nhật cũng cảm thấy có một sự thay đổi lớn lao sau đó.

Có thể lấy ví dụ từ văn chương của Murakami Haruki, sau động đất năm 1995 vài năm, ông có viết tập truyện ngắn gọi là Sau cơn động đất, trong đó ta thấy địa chấn không chỉ xảy ra trong thiên nhiên, mà còn trong tâm hồn con người. Lúc đó, người ta cảm thấy dường như bên trong mình là sự trống rỗng lớn lao, một cảm giác mà bình thường cũng có thể cảm nhận lờ mờ, nhưng sau trận động đất thì sự trống rỗng đó dường như trở thành một cái gì cụ thể, hiện ra sắc nét, gây tổn thương và đưa đến những quyết định thay đổi đời sống. Murakami Haruki đã thể hiện điều đó thật tài tình qua những truyện như Đĩa bay đáp xuống Kushiro, Siêu ếch cứu Tokyo…

Tác phẩm Kanagawa oki nami-ura (Sóng lớn ở Kanagawa) là cách nhìn thứ nhất của Hokusai về núi Phú Sĩ - nhìn từ sau một ngọn sóng lớn, xô ngã thuyền bè. Cách nhìn này vừa diễn tả được sự hung tợn của con sóng, vừa đưa ra một bố cục hội họa mang tính tiên phong.

* Khác với sự bi thương, than khóc thường thấy ở nhiều nước khi gặp tai ương, người Nhật dường như tỏ ra bình thản trước các biến cố lớn, họ vẫn khá nề nếp và kỷ luật trong các sinh hoạt xã hội. Phải chăng có một nghịch lý gì ở đây, thưa ông?

- Trong quan niệm của Nhật, nghịch lý là thiên nhiên ẩn chứa thần linh, đầy linh thiêng nên rất đáng yêu, rất đáng tôn thờ; nhưng thiên nhiên cũng vô cùng man rợ, bất nhân, kiểu “thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu” (tạm hiểu: trời đất không có lòng nhân, coi bách tính như chó rơm) của Lão Tử. Điều này tương ứng với một ý tưởng mà Murakami Haruki nhắc lại trong tập Sau cơn động đất rằng con người sáng tạo ra thượng đế nhưng chính thượng đế ấy lại bỏ rơi con người.

Cũng thuộc khu vực Đông Á nhưng Nhật khác các xứ còn lại (ví dụ Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, Việt Nam…), vì họ là đảo quốc, sống cô đơn giữa biển, cho nên vừa giống với nền văn minh chung của Đông Á (Nho, Phật, Đạo), vừa tự gây dựng cho mình những tố chất riêng biệt (thần đạo, võ sĩ đạo, zen…). Do đó, tính cách Nhật Bản vẫn rất độc đáo. Trong những hoàn cảnh bất thường như động đất, sóng thần vừa rồi, tính cách đó lại càng lộ rõ, hiển nhiên phát tiết.

Tác phẩm Gaifu kaisei (thường gọi Phú Sĩ đỏ) của danh họa Katsushika Hokusai (1760-1849) được xem là một dự cảm táo bạo về núi lửa.

Do bản tính, người Nhật không hay than vãn, không hay kêu gào về những bất hạnh của bản thân, nhưng điều đó không có nghĩa là không có cách thể hiện nỗi đau. Trong một bài thơ của Bashô, khi về nhà, cầm món tóc của người mẹ đã khuất, ông chỉ giản dị kể rằng nó sẽ tan trong nước mắt của mình giống như tuyết. Còn nhà thơ Issa thì trong đau khổ mà nhìn thấy hoa anh đào như là sự cứu rỗi. Hay như trong một truyện ngắn của Akutagawa, người mẹ nói về cái chết của đứa con rất bình thản, nhưng bàn tay cầm khăn thì run dữ dội. Cũng vậy, những dư chấn của thảm họa này rồi sẽ hiện lên trong nghệ thuật và văn chương với tất cả chiều sâu của nó. Đó là điều hầu như chắc chắn. Và đó chính là văn hóa Nhật.

* Nghĩa là nước Nhật hiện tại vẫn còn nhiều gắn kết với nước Nhật truyền thống, khác với các nhận định cho rằng Nhật đã bị “Tây hóa” hoàn toàn?

- Tuy trong nước Nhật hiện đại, những người trẻ tuổi có thể chẳng biết gì hoặc không quan tâm gì đến zen, samurai và văn hóa truyền thống, nhưng điều đó không có nghĩa là những cái đó không có quan hệ với họ. Những lúc cần thiết thì các tố chất đã được xây dựng bao đời qua zen, qua samurai, qua nhu đạo… lại bất ngờ trỗi dậy, trở thành thái độ sống. Người Nhật luôn nề nếp, kỷ luật, đầy trách nhiệm và nói như ngôn ngữ báo chí là không “hôi của” vì họ luôn trầm tĩnh sống giữa vầng trăng thanh bình và những ngọn sóng thần có thể vùi dập họ bất kỳ lúc nào.

Theo dõi diễn tiến về những ngày kinh hoàng vừa qua, cá nhân tôi luôn đồng cảm với nỗi đau và những tổn thất nặng nề, nhưng cũng rất ngưỡng mộ những ứng xử trầm tĩnh, kỷ luật, vị tha mà nhân dân Nhật đã thể hiện.

Trong sách Linh hồn Nhật Bản, do Suzuki Setsuko chủ biên, ngay ở chương 1 có tên Mỹ học, nơi đề cập đến Những khái niệm then chốt của mỹ học Nhật Bản (do Hoàng Long dịch) đã cho biết cách mà người Nhật ứng xử với sự vô thường (mujo): “Đây là một khái niệm của Phật giáo, mang ý nghĩa tất cả mọi vật đều biến chuyển, có sinh ắt phải có tử ly. Chư hành vô thường (vạn vật đều phù du) là đệ nhất trong tam pháp ấn giáo lý căn bản của Phật giáo. Người Nhật truyền thống đã thấu hiểu được sự ngắn ngủi mong manh của vạn vật nên cảm giác vô thường đã trở thành một chủ đề trọng yếu của văn học. Những tác phẩm văn học thời Trung đại như Phương trượng ký, Đồ nhiên thảo, Bình gia vật ngữ… được biết đến nhiều nhờ nhân sinh quan Phật giáo này”.


Theo: thethaovanhoa.vn


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage