Chùa Bửu Minh

Trước hết, cần phân biệt, khái niệm công viên văn hóa Phật giáo được nói đến ở đây không phải là công viên tôn giáo, dạng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc.


Công viên tôn giáo là dạng người ta chiếm cứ công viên để xây dựng các công trình tôn giáo, mà thường là tượng thánh. Quảng trường Công xã Pari ở TPHCM là một ví dụ. Công viên văn hóa Phật giáo mà chúng tôi nói đến ở đây không phải là công viên tôn giáo dạng như thế. Hiện giờ đưa yếu tố tôn giáo vào công viên là điều không thích hợp, và nếu có muốn, thì cũng không thể làm được.

Nhưng yếu tố văn hóa là điều có thể. Hơn thế nữa, văn hóa Phật giáo hòa quyện mật thiết với văn hóa dân tộc. Trong văn hóa dân tộc có văn hóa Phật giáo. Trong văn hóa Phật giáo có văn hóa dân tộc. Vì vậy, nếu tinh tế một chút, thì việc đưa yếu tố văn hóa Phật giáo vào công viên là điều có thể.

Chúng ta còn nhớ, trong Sea Game vừa rồi, biểu tượng được chọn để thể hiện văn hóa Việt Nam là tượng Đức Phật và tháp Phước Duyên, chùa Linh Mụ, Huế. Ở đây, không có ranh giới giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc. Trong tinh thần như vậy, thì mục tiêu đưa các yếu tố văn hóa Phật giáo vào công viên không phải là chuyện xa vời.

Ở TPHCM, đã có một công viên văn hóa Phật giáo, đó là công viên Hòa thượng Thích Quảng Đức. Thực ra, đó là công viên lịch sử dân tộc. Con người Hòa thượng Thích Quảng Đức đã là một phần của lịch sử Việt Nam hiện đại. Công viên tưởng niệm Hòa thượng Thích Quảng Đức cũng là một công viên biểu tượng lịch sử Việt Nam hiện đại.

Với tư duy như thế, chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ đến công viên Sư Vạn Hạnh, công viên Trần Nhân Tông, công viên sư Khuông Việt, công viên chùa Một Cột, công viên tháp Phổ Minh, công viên tháp Phước Duyên…

Ở những công viên như thế, những yếu tố văn hóa Phật giáo được tái hiện, phục dựng. Đó là tượng các bậc danh nhân Phật giáo mà cũng là danh nhân lịch sử dân tộc. Đó là phiên bản các kiến trúc Phật giáo, cũng là các kiến trúc tiêu biểu của dân tộc.

Công viên là nơi để mọi người đến thư giãn, tĩnh tâm. Các yếu tố Phật giáo trong công viên văn hóa Phật giáo sẽ có tác dụng gia tăng tính chất tĩnh tâm, thư giản của công viên, nói cụ thể hơn, đó là chất thiền. Thiền vị là nét đặc trưng cơ bản của văn hóa Phật giáo. Có nét thiền trong công viên, ngoài tác dụng thanh lọc thể chất, công viên còn có tác dụng hỗ trợ việc thanh lọc tâm hồn.

Chúng ta mong rằng ở TPHCM cũng như các thành phố lớn khác yếu tố văn hóa Phật giáo Việt Nam sẽ được đưa vào các công viên, có mặt trong các thiết kế công viên sẽ xây dựng để gia tăng nét văn hóa dân tộc trong các công viên, đồng thời nâng cao tác dụng thanh lọc tinh thần của các công viên.

MT


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage