“Hàn Dũ là một văn hào trác tuyệt chứ không phải là một triết gia
uyên thâm. Ông nhiệt liệt bài xích Lão, Phật, nhất là Phật mà tôn Nho. Khi vua
Đường Hiến Tông rước cốt Phật về thờ, ông dâng sớ can, lời mạnh mẽ nên bị đày
đi Triều Châu nội trong một ngày. Nhưng về Phật học, ông không chịu khó nghiên
cứu, chỉ công kích về hình thức bề ngoài mà thôi… Ông không đứng về phương diện
triết học, mà chỉ đứng về phương diện chính trị - xã hội để xét ảnh hưởng của
Phật giáo, rồi đâm lo cho tương lai của quốc gia… Nhưng về già hình như ông lại
theo Phật mà ân hận về những hành vi thời trước của mình”(1). |
Ở đây, chúng ta thấy hai vị học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê đã dùng
chữ hình như… Tức sự việc họ Hàn về cuối đời đã theo Phật v.v… là có, nhưng
chưa được khảo xét đầy đủ. Vậy sự thực thì Hàn Dũ về cuối đời có theo Phật
chăng?
* Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử luận tập 2,
mục: Thái độ của Tăng sĩ trước sự kích bác của Nho gia, đã viết: “… Hàn Dũ đời
Đường đã chống đối Phật giáo kịch liệt, nhưng khi lớn tuổi lại rất mộ Phật và
rất thân với một thiền sư tên là Đại Điên”(2).
Chân dung Thiền sư Đại Điên Bảo Thông. Tranh Trung Quốc
* Về chi tiết gọi là “Rất thân với Thiền sư Đại Điên”, Đại từ điển
Phật Quang (tr.6542B-C) mục Hàn Dũ, dựa theo tài liệu là Cựu đường thư
quyển 160, Đường Thư quyển 176, đã nêu rõ: “… Đời vua Đường Hiến Tông, Hàn Dũ
giữ chức Hình bộ thị lang. Sau do can ngăn việc rước cốt Phật nên bị biếm làm
Thứ sử Triều Châu. Thường hỏi đạo nơi Hòa thượng Đại Điên…”.
* Từ Hải (Tối tân tăng đính bản, Đài Loan, 1994, tập Hạ,
tr.4802B-C), mục Hàn Dũ: Phần nói về quê quán đã dẫn Cựu đường thư cho là người
Xương Lê, Tân đường thư thì cho là người Nam Dương, Đặng Châu…, có nhắc tới sự
việc Hàn Dũ bị biếm làm Thứ sử Triều Châu do can ngăn việc rước cốt Phật, nhưng
không nói tới việc kết thân với Thiền sư Đại Điên. Chỉ tán dương họ Hàn là bác
thông kinh sử, thâu hợp trăm nhà, sinh thời luôn bài trừ dị đoan, kích bác
Phật, Lão…
* Cũng Từ Hải (sđd, tập Thượng, tr.1203A) mục Đại Điên, đã viết
tóm tắt về Thiền sư Đại Điên (732-824) như sau: “Cao Tăng đời Đường. Theo Triều
Châu Phủ Chí: Thiền sư Bảo Thông hiệu là Đại Điên. Sư họ Trần (có chỗ nói là họ
Dương), trong năm Đại Lịch (766TL đời vua Đường Đại Tông) du hành đến Nam Nhạc,
tham yết Thiền sư Thạch Đầu (700-790), đại ngộ tông chỉ, đạt được mối pháp của
Thiền Tào Khê, ở bên dưới ngọn U Lĩnh phía Tây Triều Châu kiến lập thiền viện,
lấy tên là Linh Sơn. Năm Nguyên Hòa thứ 14 (819TL, đời vua Đường Hiến Tông),
Hàn Dũ (768-824) bị biếm đến Triều Châu, nghe danh của Thiền sư Đại Điên, liền
biên thư mời đến, giữ lại hơn 10 ngày, cho là vị sư này, có thể đối với hình
hài bên ngoài, dùng lý để tự thắng, nhân đấy hai bên cùng qua lại”.
* Đại từ điển Phật Quang, mục Thiền sư Bảo Thông (732-824) đã tham
khảo tài liệu từ Cảnh đức truyền đăng lục, quyển 14, tổ đình Tự Uyển
quyển 4, Ngũ đăng hội nguyên, quyển 5, để viết về tiểu sử, hành trạng
của Thiền sư Bảo Thông – Đại Điên đầy đủ hơn: “Thiền sư Đại Điên Bảo Thông là
Tăng sĩ đời Đường, người đất Lĩnh Xuyên, họ Trần (có chỗ nói là họ Dương), pháp
hiệu là Bảo Thông, tự hiệu là Đại Điên hòa thượng. Căn cứ theo Triều Châu
Phủ Chí ghi chép, thì trong năm Đại Lịch (766TL đời vua Đường đại tông), sư
cùng với sư Dược Sơn Duy Nghiễm (751-834)(3) đều thờ Thiền sư Huệ
Chiếu ở Tây Sơn làm thầy. Lại cùng nhau du hành đến Nam Nhạc, tham yết Thiền sư
Thạch Đầu Hy Thiên (700-790) đại ngộ tông chỉ, đạt được mối pháp của Thiền Tào
Khê. Rồi sư (Đại Điên) ở nơi bên dưới ngọn U Lĩnh phía Tây Triều Châu, tạo lập
thiền viện Linh Sơn, ra vào có cọp dữ cùng theo, môn nhân được truyền pháp có
hơn ngàn người. Thời gian Hàn Dũ bị trích biếm đến Triều Châu, nghe danh của
Đại Điên, liền biên thư mời tới, giữ lại hơn 10 ngày, cho là vị sư này, có thể
đối với hình hài bên ngoài, dùng lý để tự thắng. Nhân đấy, Hàn Dũ cùng với sư
lui tới tương giao, vô cùng thân mật…” (Phật Quang đại từ điển, tr.906-Thượng…).
* Sách Phật tổ đạo ảnh do Đại lão Hòa thượng Hư Vân (1840-1959) bổ
sung hoàn chỉnh, nơi tập 3, phần viết về Thiền sư Đại Điên Bảo Thông (đời thứ
36) đã có lời tán:
Chứng thấu chí lý
Há nệ chính nghiêng
Nhướng mày nháy mắt
Một nhận gió xuyên.
Lời lặng động tĩnh
Diệu mở u huyền
Xương Lê bái phục
Áo thư ghi truyền.(4)
Như vậy, qua những ghi nhận của Từ Hải, Đại từ điển Phật Quang v.v… sự
việc văn hào Hàn Dũ về cuối đời đã kết thân với Thiền sư Đại Điên, hỏi đạo,
theo Phật – có thể đã thay đổi quan điểm v.v… là sự thật. Điều mà sách Đại
cương triết học Trung Quốc của Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê gọi là hình như…
đã được làm rõ. Đây là một bước chuyển biến hết sức quan trọng trong tư tưởng
của Hàn Dũ, tưởng cũng ngang bằng với việc ông đã từng đem đến tâm sức, trí tuệ
để kích bác Phật giáo. Do vậy, nhà nghiên cứu văn học, triết lý, khi nói đến
Hàn Dũ, nhấn mạnh về sự kiện tôn Nho bài Phật của ông, thì cũng nên nhắc tới sự
kiện về cuối đời, họ Hàn đã kết thân với Thiền sư Đại Điên Bảo Thông, hỏi đạo
mộ Phật, như thế mới có sự công bằng(5).
Chú thích
(1) Đại cương triết học Trung Quốc, sđd, NXB.Cảo Thơm, S, 1965, tr.87.
(2) Việt Nam Phật giáo sử luận T.2, sđd, NXB. Văn Học, 1992, tr.259.
(3) Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (751-834) là đệ tử
nối pháp của Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên (700-790) khai pháp nơi Dược Sơn, Lễ
Châu, từng lên núi kinh hành, hốt nhiên thấy mây tan trăng hiện, sư cười lớn
một tiếng vang khắp nơi phía đông Lễ Dương đến 90 dặm. Quan Thứ sử Lãng Châu là
Lý Cao tặng thơ cho sư:
Tuyển đắc u cư thiếp dã
tình
Chung niên vô tống diệc vô
nghinh
Hữu thời trực thượng cô
phong đỉnh
Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất
thanh.
(Chọn được u cu tình quê
vui
Trọn năm không tiễn cũng
không mời
Có khi lên thẳng đỉnh non
quạnh
Dưới trăng mây tản một
tiếng cười).
Bài thơ
này của Lý Cao đã là cái nền cho bài thơ Ngôn hoài, một kiệt tác của
Thiền sư Dương Không Lộ (?-1119) đời Lý, Việt Nam. Xem thêm bài viết của sư Triều
Tâm Ảnh: Tiếng hú trên đỉnh Cô Phong. Nguyệt san Giác Ngộ số 142, tháng
1-2008.
(4) Xem: Phật Tổ đạo ảnh. Nguyên Huệ Việt dịch, NXB. Phương
Đông, 2011, tr.341. Cũng trong sách này, phần cuối tập 3 có nói đến Thiền sư
Liễu Đường Đỉnh Triệt, là Thiền tăng đời Thanh thuộc tông Tào Động, họ Hàn,
hiệu là Liễu Đường, là cháu đời thứ 53 của Hàn Dũ (tr.572-573).
(5) Có thể lấy thí dụ nơi sách Việt Nam văn học sử
yếu của Dương Quảng Hàm (1896-1946). Sách đã được tái bản nhiều lần, có ảnh
hưởng đáng kể đối với nhiều thế hệ sinh viên, học sinh học văn ở miền Nam
trước đây. Dương Quảng Hàm đã nói đến Hàn Dũ (thân thế, tư tưởng, văn chương,
nhấn mạnh về tư tưởng tôn Nho bài Phật của họ Hàn, cho ông là một trong các văn
sĩ, thi sĩ của Tàu có ảnh hưởng lớn nhất đến văn chương Việt Nam (?). Lại còn
trích một đoạn: Bài Biểu can sự đón xương Phật. Trích một đoạn bài: Bàn về
Nguyên đạo, nơi Phần đọc thêm (sđd, bản in năm 1968, tr.222-223, tr.224-226),
nhưng không nói tới sự kiện về cuối đời của Hàn Dũ. Như thế là thiếu sót, là
không công bằng. Có thể vào thời bấy giờ, Dương Quảng Hàm chưa tìm được tài
liệu nói về sự kiện cuối đời của Hàn Dũ chăng? Mong rằng các nhà nghiên cứu văn
học đi sau nên có một sự tham khảo quán xuyến hơn, công bằng hơn.