Chùa Bửu Minh

Một bạn đọc, trong lời thư phản hồi, có đề nghị tôi có ý kiến về việc một sư cô thuyết giảng đề tài “Hơi thở nhiệm mầu” tại Trung tâm Mục vụ TPHCM.




Đây là việc một tu sĩ Phật giáo thuyết giảng cho đối tượng là người của tôn giáo khác, tại một cơ sở của một tôn giáo khác. Vì vậy, nó nằm ngoài giới hạn mà tôi đã xác định, là chỉ nói đến những việc khi có những tác động từ những tôn giáo khác đối với Phật giáo, tôn giáo của tôi, và không đề cập đến việc của tôn giáo khác.

Do vậy, dù có những suy nghĩ riêng, nhưng bài viết này được trình bày theo một phương cách tế nhị.

Những việc có liên hệ đến tôn giáo khác tôi sẽ cố gắng giới hạn trong việc ghi nhận lại một số sự việc, không đi sâu vào bình luận.

Bạn đọc có thể từ đó suy ra một số kết luận cần thiết.

1)     Đối với đạo Phật, việc thuyết pháp, hoặc thuyết giảng những đề tài có liên hệ đến chính pháp, đều là hoằng pháp, là việc nên làm, không phân biệt đối tượng, thành phần xã hội, chính kiến, tôn giáo…

Nay, khi một tôn giáo khác có lời mời thuyết giảng, mong được nghe những vấn đề có liên hệ đến Phật pháp, ở đây là quan niệm  và cách tu tập đối với hơi thở trong đạo Phật, thì là điều đáng hoan nghênh, và việc làm của sư cô được ghi nhận trong bài viết về sự kiện này xứng đáng được đồng tình và tán thán.

2)     Chỉ giới hạn vấn đề trong việc một tôn giáo này quan tâm tìm hiểu một nội dung có liên hệ đến giáo lý một tôn giáo khác cũng là điều có thể hiểu được và chia sẻ. Nhưng lưu ý, vấn đề cần được giới hạn trong phạm vi như trên, chưa nói tới việc tìm hiểu để làm gì, từ động cơ gì, vì mục đích gì, để dùng vào việc gì…

3)     Thông tin đầu tiên xin được ghi nhận là bài viết cũng về sự kiện nói trên đăng trên trang Thời sự Phật pháp có nhan đề “Buổi thuyết trình “Hơi thở nhiệm mầu” tại trung tâm mục vụ Sài Gòn” của tác giả Tạ Ân Phúc đã viết rất khác với nội dung được đăng trên Phattuvietnam.net.

Bài của Tạ Ân Phúc viết như sau: “Từ thưở tạo dựng, "Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật" (x St 2,7), sự sống con người có được là do ân ban của Thiên Chúa. Hơi thở con người là một điều hiển nhiên không thể chối cãi, thế nên đôi khi người ta không còn chú ý đến nữa và quan tâm đến nhiều điều được cho là đáng lo toan hơn trong cuộc sống. Nhưng điều chỉnh hơi thở và rèn luyện đúng cách sẽ làm cho người ta khỏe mạnh hơn và tâm hồn thư thả, thoải mái hơn qua việc tập thể dục, tập yoga, thiền”.

Cách đặt vấn đề như vậy là khẳng định ý thức “Hơi thở nhiệm mầu” là ý thức về giá trị Thiên Chúa ban cho. Ý thức có tính chất căn bản này hoàn toàn khác với tinh thần của Phật giáo. Như vậy, người tiếp nhận ở đây tiếp nhận “Hơi thở nhiệm mầu” không phải là tiếp nhận Phật pháp.

Sau đó, bài viết nói trên cũng đi tới ý xác định lại thiền không phải là đặc trưng của Phật giáo:

“Thiền bắt nguồn từ nền minh triết Ấn Độ rồi lan truyền sang nhiều nước, dù người ta thường nghĩ rằng nó gắn liền với Phật giáo. Thực vậy, qua những giao thoa văn hóa, thiền biến thái thành nhiều môn phái, ngay Thiền Tông Trung Hoa, mà người Việt quen thuộc, cũng chia ra nhiều phái, vì vậy không thể đưa ra một dạng cụ thể nào làm mẫu mực khi nói về thiền. Từ lâu thiền cũng đã xâm nhập vào Kitô giáo, Thiền Kitô giáo chính là dạng thiền của Đông Phương phối hợp với lối chiêm niệm của các ẩn sĩ Kitô giáo trong thế kỷ III. Linh hồn Kitô hữu phải gặp Chúa của mình. Thiền là cách giữ tâm thanh tịnh và trong sạch, là chiêm niệm trong im lặng, là cách cầu nguyện với kinh vô thanh.

Mục đích của thiền là giúp người ta cởi bỏ những gì thuộc thế giới ảo ảnh, vén tấm màn che giấu để năng lực sống của Thiên Chúa truyền vào chúng ta. Hữu thể của ta đã nối kết với Thượng Đế ở một nơi ngoài tầm của ngôn ngữ, của lý trí và của những thực thể. Thiền không phải là làm một việc gì. Không phải là tu luyện để trở thành một nhân vật khác. Thiền là trở thành chính mình: sinh ra bởi Chúa Cha, được cứu chuộc bởi Chúa Giêsu, là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Sau một thời gian “tu thân” chúng ta mới hiểu ích lợi của thiền. Như kho tàng giấu trong ruộng, bản tính đạo đức ẩn khuất từ từ khai triển và mở ra. Chẳng hạn ta tự nhiên có lòng bác ái, điều mà ta đã cố gắng lập đức từ lâu mà không sao thể hiện được. Sự diễn biến xảy ra rất tự nhiên trong khi ta không biết tại sao. Chính Thiên Chúa đã thanh lọc tâm hồn ta trong những lần ta đến an trú trong Người. Vào mỗi buổi sáng, sau khi chìm trong thiền định, sự thanh tịnh tồn tại bao phủ tâm hồn ta suốt cả ngày. Mọi việc tầm thường ta làm trong ngày đều có ý nghĩa hơn, vì ta có cảm nhận Thiên Chúa đứng đàng sau mọi việc. (Trích từ Thiền Kitô giáo, Đỗ Trân Duy, http://www.daminhvn.net/tai-lieu/490-thien-kito-giao)”

Bài viết trên được đăng trên một trang nói là Phật giáo, nhưng ghi chú như trên với đường dẫn đến trang www.vietcatholic.net

4)     Cùng lúc với việc đăng tải các bài viết về việc này, đài RFA có phát một chuyên đề về Thiền, nhưng những thiền sư không phải là những tu sĩ Phật giáo. Bài phát thanh có nhan đề “Thiền định bồi dưỡng sức khỏe”, lời nhập đề là “Cùng với Yoga, Thiền định cũng là một phương cách giúp tinh thần được thư dãn”. Cũng có thể hiểu là công cụ dùng để thư dãn, và chỉ thư dãn mà thôi.

Bài phát thanh không hề nhắc đến một chữ “Phật”, chỉ dẫn chủ yếu lời của 2 bác sĩ: Bác sĩ Trương Thìn, cựu Giám đốc Viện Y học Dân tộc TPHCM và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hưng, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng TPHCM.

Và xin nhắc lại, bài viết có nói đến những thiền sư: “Vào đầu thế kỷ 20, những thiền sư bắt đầu thử nghiệm thực hành thiền để tâm lắng đọng và tâm – thân được thông suốt”. Không có một vị tu sĩ Phật giáo nào được nhắc đến. Và “Vào đầu thế kỷ 20, những thiền sư bắt đầu thử nghiệm thực hành Thiền” thì thiền sư là… bác sĩ.

Thiền đầu thế kỷ XX và “Thiền sư” kiểu đó chắc chắn không liên quan gì đến Phật giáo tôn mà vị giáo chủ đắc đạo bằng Thiền định từ năm 2500 năm trước.

Bài phát thanh này không liên quan gì đến một tôn giáo nào khác, vì vậy, tôi có thể bàn luận sâu hơn.

Mục đích của bài phát thanh là lấy thiền ra khỏi Phật giáo, loại trừ Phật giáo ra khỏi thiền và miêu tả thiền như một phương thức chữa bệnh vật lý “vào đầu thế kỷ XX”, và hiện nay, những thiền sư chủ chốt là… bác sĩ. Mọi việc ở đây rất rõ ràng.

Điều này, phản ánh một xu thế hiện nay, lấy cắp thiền ra khỏi Phật giáo. Nó là công việc mà bà Thanh Hải đã làm từ trước và khá là thành công. Bà thọ giới, làm ni cô, học thiền từ chư thiền đức ni ở Đài Loan. Nhưng rồi xưng là tự khai ngộ, được ân điển của Thiên đàng (Heaven) rồi giáo hóa phương pháp Quán Âm riêng của bà (Quan Yin Method), hầu như không liên hệ gì đến đạo Phật và từ “Quán âm” thường được thể hiện như một dạng đồng âm với từ vựng Phật giáo. Và cuối cùng là kiểu “thiền” riêng do Thanh Hải Vô thượng sư hướng dẫn sau khi thọ Tâm Ấn của bà ta, còn đạo Phật cũng như những tôn giáo khác, chỉ để tham khảo.

Người ta cố ý “giựt” thiền ra khỏi Phật giáo để làm gì? Câu trả lời rất đơn giản, vì thiền là một giá trị của Phật giáo, một bảo vật của Phật giáo.

Muốn Phật giáo không còn giá trị nữa thì phải lấy đi bảo vật đó, biến nó thành một thứ vật lý trị liệu “vào đầu thế kỷ XX”, hay do Thanh Hải Vô thượng sự khai ngộ…

Chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập cái cách làm tương tự bài viết “Thiền định bồi dưỡng sức khỏe” hay từ “lời pháp cam lồ” của Bà Thanh Hải để lấy ra khỏi Phật giáo những bảo vật giá trị khác của Phật giáo trong những bài viết tiếp theo về kỹ thuật cải đạo tín đồ Phật giáo.

MT

 


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage