Chùa Bửu Minh

Giá trị sống

Giáo dục chưa làm được sứ mạng khai sáng


TS Hồ Thiệu Hùng

  SGTT.VN - Nguyên là giám đốc sở Giáo dục đào tạo TP.HCM, từng là người thầy nhiều năm đứng trên bục giảng, hơn ai hết ông cảm nhận rõ những thất bại của giáo dục, và coi chấn hưng giáo dục là món nợ suốt đời mình. Nên dù đã nghỉ hưu, ông vẫn cùng đồng nghiệp ở viện

Nghiên cứu giáo dục thực hiện những nghiên cứu sâu và toàn diện hơn, hướng tới một nền giáo dục khai minh.

Theo ông, những xói mòn, đổ vỡ trong các thang giá trị, sự xuống cấp của đạo đức xã hội và tội ác tràn lan phải chăng có nguyên nhân từ bệnh chạy theo thành tích, coi nhẹ khoa học nhân văn, coi nhẹ giáo dục cái đẹp và cái thiện?

Đổ mọi cái tệ hại cho bệnh chạy theo thành tích (phải gọi là sự dối trá mới đúng tên) là không đúng đâu. Chủ nghĩa cá nhân còn ghê gớm hơn. Mất tính người còn khủng khiếp hơn nữa. Einstein – nhà vật lý hàng đầu thế giới – từng cho rằng: “Dạy cho con người một chuyên ngành thì chưa đủ, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người với đầy đủ phẩm giá. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức chuyên môn hoá của mình, anh ta chỉ giống như một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hoà. Anh ta cần phải học để hiểu những động cơ của con người, hiểu những ảo tưởng và nỗi thống khổ của họ để tìm được một thái độ ứng xử đúng đắn với từng con người đồng loại của mình cũng như đối với cộng đồng”. Sự đổ vỡ sâu xa bên trong của nhiều mối quan hệ xã hội hiện nay là do lòng người thiếu tính người. Giáo dục của chúng ta đã coi trọng cung cấp học vấn hơn là dạy văn hoá làm người. Do vậy nhiều người có học vấn cao nhưng lại sống vô văn hoá. Trong cộng đồng người vô văn hoá mà tiếc thay có vẻ như ngày một đông lên, quan niệm “cái có lợi cho mình là cái tốt” đã thành tiêu chí duy nhất trong ứng xử, trong đánh giá mọi sự vật – hiện tượng, thành điểm tựa biện minh cho mọi cái xấu, cái ác mình làm đối với người khác, với cộng đồng. Đó còn là nguồn gốc của xung đột, của chiến tranh.

Nghiên cứu kỹ về đề tài xã hội học tập, ông có lo lắng nhiều không khi chúng ta cứ hô hào “công nhân là giai cấp tiền phong”, nhưng thực tế thì công nhân lại ít được hưởng điều kiện học tập nhất?

Chúng ta hô hào nhiều điều lắm, và nhiều điều vẫn chỉ dừng lại ở lời hô hào, đâu phải chỉ riêng việc lo cho công nhân có cơ hội học tập. Đảng và Nhà nước chúng ta nợ rất nhiều lời hứa với người lao động. Một số doanh nghiệp có ý thức lo cho công nhân học tập nâng cao trình độ, nhưng đó chỉ là những điển hình hiếm hoi.

Từng là người thầy, nhà quản lý giáo dục, phó ban Tư tưởng văn hoá Thành uỷ… thất bại nào ông cho là lớn nhất với tư cách một “người trong cuộc” khi đối diện những vấn nạn của giáo dục hiện nay?

Thất bại lớn nhất là không giúp đưa được chủ trương “giáo dục là quốc sách hàng đầu” vào đời sống. Chủ trương này đã và đang là khẩu hiệu suông, mang tính “an thần” là chính. Giáo dục chỉ thành quốc sách hàng đầu khi mỗi gia đình ý thức được một cách sâu sắc việc dạy dỗ con cái quan trọng hơn việc nuôi nấng chúng, khi giáo viên có mức sống đàng hoàng bằng lương tại trường, khi nghề làm thầy được người đời ngưỡng mộ vì uy tín xã hội cao. Hiện nay số thanh niên chọn ngành sư phạm ngày một ít, người học giỏi lại càng tránh nghề này vì xu hướng chung là cần chọn nghề nào thu nhập cao, được đánh giá cao, ít chịu thiệt thòi hơn nghề làm thầy. Vậy mà ai cũng biết rằng: giáo dục được một người đàn ông tốt, được một người dân tốt; giáo dục được người phụ nữ tốt, được một gia đình tốt; giáo dục được một người thầy tốt, được một thế hệ tốt. Tình trạng không thu hút được chất xám vào giáo dục đến lúc nào đó sẽ khiến cho kinh tế - xã hội của Việt Nam đi lùi, khiến cho các giềng mối của xã hội rã rời. Càng có tuổi, tôi càng thấm thía câu của nhà sư phạm Makarenko: “Con cái chúng ta, đó là tuổi già của chúng ta. Một sự giáo dục đúng đắn là tuổi già hạnh phúc của chúng ta; một sự giáo dục xấu, đó là nỗi khổ của chúng ta, nước mắt của chúng ta, lỗi lầm của chúng ta đối với người khác trong tương lai”.

Ông nghĩ gì về phẩm chất và năng lực của người làm giáo dục?

Câu hỏi khó quá, dù tôi đã làm giáo dục gần nửa thế kỷ rồi! Người làm giáo dục cần nhiều phẩm chất, năng lực khác nhau về sư phạm, nhưng tôi chỉ nói về một thứ thôi, đó là trí thông minh giao tiếp: thông cảm được với người khác, biết đặt mình vào hoàn cảnh của người mà mình dạy để từ đó đoán biết khó khăn, thuận lợi, nhu cầu của người đó. Trên cơ sở đó người thầy cố gắng đáp ứng nhu cầu của người học trong khi ứng xử hay dạy người đó học.

Một điều tôi rút ra được từ cuộc đời dạy học của mình: sau này ra đời, học sinh không còn “nhớ” đến nội dung bài giảng của thầy mà thường nhớ đến và hay nhắc đến cách ứng xử của thầy với mình, nhất là lúc mình gặp khó khăn. Trong lớp tôi chủ nhiệm từng có một học sinh kém toàn diện các môn, nên em sinh ra thiếu tự tin và che giấu tâm lý đó bằng cách… không tuân theo kỷ luật của lớp! Sau khi thử nhiều kiểu tiếp cận em mà không thu được hiệu quả, tôi tìm đến gia đình em. Hoá ra ở nhà, em là người lao động chủ lực, lao động giỏi nhất. Rời lớp về nhà là em lao vào việc đồng áng, làm cật lực, đến tối mịt mới thôi nên không có thời gian chuẩn bị bài đến trường. Suy nghĩ kỹ, tôi vận động em… bỏ học văn hoá để đi học nghề. Em nghe tôi và đi học nghề thợ máy bơm nước cho hợp tác xã. Nhiều năm trôi qua, tôi có quyết định đi B. Một trưa nắng đổ lửa trên đường Trường Sơn, tình cờ gặp em đang rải dây điện thoại theo đường mòn Hồ Chí Minh. Em mừng rỡ chạy đến ôm thầy và chiều lại còn xách một con gà đến trạm giao liên biếu thầy nữa. Hỏi em có giận vì tôi từng vận động em bỏ học, em trả lời không đắn đo: “Em đâu có giận thầy vì em biết thầy thương em, hiểu em, muốn điều tốt cho em”. Rồi em khoát tay chỉ ra núi rừng trùng điệp khoe toàn bộ đường điện thoại trên đường mòn này là của đơn vị em mắc – cử chỉ uy nghi như của một vị tướng, điều mà hồi còn học bí bét ở lớp, em không bao giờ có. Tôi biết quyết định ngược đời của mình ngày nào là một quyết định đúng. Em đã chọn đúng đường thích hợp để vào đời, phát huy được tốt nhất năng lực của mình, tìm lại được sự tự tin phải có ở một con người.

Bài văn mẫu, phát biểu kiểu vuốt ve, đạo văn… tất cả những thứ đó là sản phẩm của ăn theo, nói leo, nói minh hoạ. Tình trạng này chứng minh rằng giáo dục chưa làm được sứ mạng khai sáng con người.

Còn phẩm chất cần có của người quản lý giáo dục?

Cần nhất là năng lực phát hiện vấn đề, học hỏi sâu rộng để luôn có nhiều phương án cải thiện tình hình. Làm quản lý giáo dục dễ gặp tình trạng bị mụ mẫm đi vì nhịp điệu quản lý công việc thường ngày, cuối cùng đành đi theo đường mòn có sẵn cho nhẹ, cho lẹ. Nhưng nếu năng động, sẽ không để mình bị cuốn trôi theo dòng công việc, phải tìm cách vượt lên, dù chấp nhận thử thách.

Kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là khi còn làm trưởng phòng giáo dục quận 5 thời kỳ chiến tranh biên giới Tây Nam. Hôm ấy đang họp ở sở thì phòng gọi lên báo có tình hình bất thường: bà con người Hoa tụ tập rất đông trước cổng trường, la lối đòi tràn vào trường vì nghe đồn con mình đang bị lấy máu để tiếp cho thương binh! Tôi hỏi đồng chí phó phòng xem có phương án hữu hiệu để bà con giải tán không. Đồng chí này là một người rất tháo vát và thông minh, liền đề xuất mở toang cổng trường, mời bà con vào xem con mình đang học. Phương án này đúng là ngoài “sách giáo khoa” rồi nên ai quyết thì phải chịu trách nhiệm nặng. Tôi hiểu điều đó nhưng đồng ý thi hành. Kết quả là bà con vào trường thấy con mình học yên ổn nên rủ nhau ra về trong trật tự, công an không phải can thiệp.

Việc gì cũng vậy, nếu cứ thụ động chờ cấp trên chỉ đạo rồi làm y theo, giữ phần an toàn cho mình thì sao gọi là cán bộ quản lý được?

Ông có đau lòng không khi hiện tượng “ăn theo, nói leo, nói minh hoạ” tràn lan trong giáo dục?

Đau lòng chứ, vì đó là minh chứng cho tình trạng không biết tư duy độc lập, không dám tư duy độc lập, sợ tư duy độc lập. Bài văn mẫu, phát biểu kiểu vuốt ve, đạo văn… tất cả những thứ đó là sản phẩm của ăn theo, nói leo, nói minh hoạ. Tình trạng này chứng minh rằng giáo dục chưa làm được sứ mạng khai sáng con người. Còn tình trạng này thì nước ta không phát triển tốt được. Lịch sử cho thấy những bước phát triển nhảy vọt trong mọi mặt đời sống của xã hội loài người luôn là trái ngọt của những tư duy độc lập, tư duy có tính đột phá. Không có tư duy độc lập thì chỉ có phát triển kiểu tiệm tiến mà thôi, có khi còn đi vào ngõ cụt.

Từng tham gia viết báo với những suy tư thẳng thắn và sâu sắc về giáo dục, ông nghĩ gì về “quyền lực” thực sự của báo chí?

Trong thời đại thông tin này, báo chí nắm quyền lực rất lớn. Nay là thời đại của báo viết và báo điện tử, của truyền hình vệ tinh lan toả khắp thế giới nên “tiếng lành đồn xa” đã đành mà “tiếng xấu thì đồn càng xa”. Một cái tin có thể “giết” một con người, một doanh nghiệp, hay rộng hơn thế nữa. Không phải cứ có tin là đưa, là bình luận mà phải cân nhắc nó đem lợi hại gì cho xã hội về lâu về dài. Không ít người viết blog đã không suy tính như vậy.

Vậy nên tôi tự dặn mình viết báo phải trước hết là đem cái tâm tốt (muốn đem lại điều tốt cho xã hội, chứ không phải để được tiếng, để bài được chạy) và lấy cái nhìn khách quan, khoa học để phân tích hiện tượng, tìm ra nguyên nhân và hay nhất là chỉ ra cách khắc phục, cách hành động. Phê phán cái xấu cũng phải có liều lượng thích hợp, quá “đô” thì người bệnh bị phản ứng thuốc, bị sốc, có thể chết. Thường có tâm lý sau đây: người viết thì thích viết bài chê bai, lên án hơn vì thấy “đã tay”; độc giả thì đọc loại bài này cũng thấy “sướng tai” hơn. Cuối cùng các hiện tượng sự vật tốt ít được chú ý tới, thế là thiệt cho xã hội. Cỗ xe xã hội chỉ dùng đến phanh để hãm mà không dùng động cơ để tiến tới. Khen cái tốt cũng phải đúng mực, đừng tâng bốc quá mà phản tác dụng. Tôi rất thích đọc những bài viết về con người đang sống ở Trường Sa, tấm gương đời thường của họ khiến tôi tự nhủ mình phải sống cao thượng hơn. Đằng sau một bài báo tốt, tôi thấy thấp thoáng bóng thầy giáo, một thầy giáo dạy mình cách làm người, cách sống sao cho có ý nghĩa.

Giáo dục chỉ thành quốc sách hàng đầu khi mỗi gia đình ý thức được một cách sâu sắc việc dạy dỗ con cái quan trọng hơn việc nuôi nấng chúng, khi giáo viên có mức sống đàng hoàng bằng lương tại trường, khi nghề làm thầy được người đời ngưỡng mộ vì uy tín xã hội cao.

Người thầy thật sự của ông là ai? Những kinh nghiệm của riêng ông về sự học và tự học?

Người thầy thật sự của tôi là bất cứ ai giỏi hơn tôi về một lĩnh vực nào đó mà tôi thấy cần học. Tôi quan niệm sự học là vô cùng và nhà trường chỉ dạy được cho ta một số ít, khoảng 25% những điều cơ bản mà thôi, 75% còn lại ta phải học lấy trong đời, học suốt đời, mà tự học là chính. Muốn vậy, phải thấy mình dốt để có động cơ học hỏi không ngừng.

Nghĩ về giáo dục lẽ sống cho tuổi trẻ, theo ông, làm thế nào để đào tạo những con người lao động, con người yêu nước, con người tự do?

Giáo dục lẽ sống cho tuổi trẻ ngày nay không thể yêu cầu họ phải xả thân như lứa chúng tôi trong thời chiến. Nhưng có một yêu cầu bất di bất dịch, là phải sống bằng sức lao động của mình, gầy dựng tương lai bằng chính sức lực của mình. Trong nhà trường, trình độ và sự tín nhiệm của thầy cô, bạn bè là do chính lao động học tập và rèn luyện của mình mà có; khi ra đời thì của cải tinh thần và vật chất của mình do chính mình làm nên, không “đạo” bất cứ thứ gì của người khác, dù là đạo “văn” hay tiền bạc, đất đai. Những người được giáo dục theo tinh thần đó từ chỗ biết trân quý thành quả lao động của mình sẽ biết tôn trọng thành quả lao động của người khác, sẽ dũng cảm, dám bảo vệ của cải mình làm ra và khi một tấc đất, tấc biển của quê hương bị xâm phạm, họ sẽ xả thân để giành lại, điều mà mọi người yêu nước phải làm.

Còn để có một con người tự do ư? Trước hết phải đào tạo được người biết tư duy độc lập, biết hoài nghi khoa học, biết suy nghĩ bằng cái đầu của mình, dám phê phán cái sai, đủ sức nhận thức được cái tất yếu.

thực hiện: Kim Yến
chân dung hội hoạ: Hoàng Tường


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage