Nhiễu loạn thông tin
Xét ở nhu cầu chính thống, người
dân kỳ vọng gì ở báo chí? Câu hỏi này là một trong những nội dung kinh điển của
các giáo trình báo chí, nhưng trong thực tế, người làm báo luôn phải tự vấn
lương tâm: chúng ta đã giúp gì cho người dân oan ức? Báo chí đứng về ai, người
dân bỏ tiền mua báo hay nhà cầm quyền đang giữ các công cụ và phương tiện để kỷ
luật bất kỳ tờ báo nào đi sai định hướng? Trả lời câu hỏi thứ nhất sẽ làm rõ
vai trò của báo chí trong mối quan hệ với người đọc; và giải quyết câu hỏi thứ
hai sẽ xác lập vị trí của báo chí trong lòng độc giả. Niềm tin của công chúng
vào báo chí được xây dựng trên những cơ sở thực tế ấy.
Trong bối cảnh thông tin ngày một
rộng mở và việc tham gia đưa tin lẫn tiếp nhận thông tin mỗi lúc một tiện ích
hơn với từng người dân, các diễn đàn thông tin phi chính thống sẽ có cơ hội
phát triển dựa trên nguồn tin là đại đa số người dân không còn niềm tin vào báo
chí chính thống.
Việc đưa tin và sử dụng thông
tin, trong bối cảnh đó, có nguy cơ trở thành vô tổ chức. Đây là một bước gần để
hình thành môi trường thông tin đầy nhiễu loạn.
Người dân lương thiện liệu có
được lợi gì trong môi trường thông tin đó? Tự do thông tin thì khác với việc
thông tin vô tổ chức.
Tự do thông tin là cơ chế bảo đảm
cho người dân có quyền biết mọi thông tin trung thực cũng như bảo đảm cho người
dân được thông báo mọi sự thực mà họ cần biết.
Trong khi đó, thông tin một cách vô tổ chức là tình
trạng thông tin thiếu điều kiện để bảo đảm độ tin cậy từ những nguồn tin. Khi
mọi phát ngôn chưa rõ về độ tin cậy lại được xem là những nguồn tin của báo
chí, thì thông tin sẽ bị nhiễu loạn.
Vai trò đối với lập pháp
Trong khi đó, người dân cần sống
bình đẳng trong một xã hội pháp trị, với một nền pháp lý tiến bộ. Báo chí có
thể tham gia để thúc đẩy sự hoàn thiện của một nền pháp lý như thế – làm cơ sở
cho một xã hội pháp trị văn minh.
Và khi báo chí quay lưng với
những kỳ vọng của bạn đọc, đẩy đa số công chúng vào một môi trường thông tin vô
tổ chức, người ta có thể tiếp nhận nhiều thông tin hơn, nhưng để những thông
tin đó thực sự có tác động đến việc hoàn thiện những điều luật, là rất khó.
Do vậy, dù trong bất kỳ trường
hợp nào, báo chí cũng cần đảm đương vai trò là cầu nối đem những nguyện vọng
của người dân tác động ngược lên nhà cầm quyền. Đặc biệt, báo chí nhất thiết
phải chuyển tải một cách trung thực nhất những ý nguyện của người dân đến lực
lượng đại diện họ – những nhà lập pháp tại Quốc hội – để hoàn thiện nền pháp lý
mà ngày ngày họ tình nguyện vừa thụ hưởng vừa chịu sự ràng buộc.
Với một xã hội mà ngành lập pháp
không được chú trọng, nhiệm vụ nói trên của báo chí có vẻ xa vời. Nhưng, như
lịch sử ra đời của nó, báo chí là kênh tác động đáng kể đến sự hoàn thiện các
điều luật. Báo chí cũng là phương tiện được người dân lựa chọn nhiều nhất để
chuyển đạt những ý tưởng, nguyện vọng của mình đến các nhà lập pháp với mong
muốn những quyền lợi, nhu cầu chính đáng của mình được tôn trọng và được thể
chế hóa một cách bình đẳng bằng những bộ luật.
Và xã hội sẽ không phát triển
bình thường khi người dân không được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng.
Cho nên, đưa tin về những tổn
thất do tập đoàn Vinashin gây ra cho dân cho nước, cũng mới chỉ là một phần
“chuyên môn” của báo chí. Phần quan trọng hơn là làm sao cho người dân tin
rằng: những tổn thất ấy là vi phạm pháp luật và nó chắc chắn sẽ được xử lý một
cách nghiêm minh, cũng như niềm tin của người dân không bị phản bội trong việc
Chính phủ sử dụng đồng tiền đóng thuế của dân để đầu tư cho những tập đoàn kinh
tế.
Tất nhiên, khi báo chí không đảm đương được những sứ
mệnh hiển nhiên đó, người dân sẽ tự tìm kiếm các phương cách khác để bảo đảm cho quyền lợi của mình hoặc của
nhóm mình.
Và khi không có báo chí tham gia, không ai chắc những tác động về lập pháp được
điều chỉnh minh bạch và tiến bộ được.