Chùa Bửu Minh

“Mình đi tu nhưng không thể xa lánh đời, cần phải làm gì để giúp người đó mới đúng tinh thần từ bi của đạo Phật. Ngoài ra những người bị nghiện, nhiễm HIV nhu cầu tâm linh rất cao vì thế những người xuất gia như tôi làm các công việc này là rất cần”.


Đây là tâm sự của thầy Thích Đồng Nguyện, chủ nhiệm Phòng Tham vấn Truyền thông và Hỗ trợ Cộng đồng chùa Pháp Bảo (quận Gò Vấp, TPHCM) – người chuyên đi tư vấn, phòng ngừa và chăm sóc bệnh nhân có HIV.

Đến với nghiệp từ sự tò mò

Năm 2006, thầy Thích Đồng Nguyện là tăng sinh học tập tại Học viên Phật giáo Việt Nam ở TPHCM. Thời gian này, tổ chức Bắc Âu ở Việt Nam kêu gọi tăng ni sinh cùng tham gia chương trình phòng chống HIV trong cộng đồng.

Chưa hiểu một tí gì về HIV, không biết làm sao mà nó lây lan được, rồi phải phòng ngừa và giúp người khác không mắc bệnh thế nào. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong đầu khiến thầy Đồng Nguyện quyết định đăng ký tham gia.

“Học xong về làm mới đầu tôi thấy lúng túng và ngại lắm, có rất nhiều rào cản và vấn đề tế nhị mà bản thân là tu sĩ ít khi gặp phải. Nhưng nghĩ lại tất cả là để giúp người nên tôi đã vượt qua” – thầy Đồng Nguyện tâm sự.

Thời gian đầu thực hiện Thầy đã cùng các Tăng/Ni sinh khác trong trường giới thiệu đến các học viên trong Học viện Phật giáo, rồi đến các cơ sở tự viện, đạo tràng Phật tử rồi tới từng tổ dân phố bên ngoài.

Mỗi nơi thầy có một cách làm khác nhau để công việc triển khai thành công mà không ảnh hưởng đến hình ảnh một nhà sư. Khi tham gia công tác truyền thông, thầy chỉ nói những gì cần nói, còn lại vấn đề tế nhị như dùng bao cao su thế nào cho đúng cách thì có một truyền thông viên thay thầy thực hiện.

Không chỉ thế thầy Đồng Nguyện còn áp dụng giáo lý Phật giáo vào phòng chống HIV/AIDS trong cộng đồng giúp người nghe tin và nghe theo nhiều hơn. Thầy còn chọn ra một số cách sáng tạo để giúp cộng đồng phòng chống HIV có các trò chơi, có chủ đề rõ ràng.

Ứng dụng tâm linh vào phòng chống HIV

“Có rất nhiều người cho rằng vào chùa thì lo tu chứ sao cứ hay lo chuyện bao đồng ngoài xã hội. Lại làm những công việc liên quan đến những vấn đề tình dục nam nữ, ăn chơi trác táng của xã hội… không phù hợp với hình ảnh của người xuất gia.

Nhưng tôi thì lại cho rằng người đi tu làm phóng chống HIV, hỗ trợ người có HIV rất hiệu quả. Vì khi tiếp xúc với người đang nghiện hay đã mắc bệnh, quý thầy/cô sẽ giúp họ cởi mở hơn và yên tâm để sống hơn. Họ dám nói những gì đang ẩn chứa trong lòng để giải quyết phù hợp.

Mình không cần thuyết pháp vài tiếng đồng hồ mà chỉ cần những lời thăm hỏi, động viên là đã rất thành công rồi. Ngoài ra nhiều bạn tìm đến văn phòng của thầy đây cai nghiện vì tránh được ánh mắt thiếu thiện cảm của nhiều người. Họ chỉ nghĩ các bạn ấy đi chùa lễ Phật mà thôi”. thầy Đồng Nguyện cười nói.

Trong quá trình làm, không ít hoàn cảnh đã để lại nhiều dấu ấn và tâm tư trong lòng thầy. Có một bạn nam hơn 20 tuổi, khi đến gặp thầy đã rất yếu, phải có người dẫn đi. Sau 1 thời gian uống thuốc thì đã khỏe rất nhiều. Trong một lần vì buồn chuyện gia đình mà bạn này bỏ thuốc. Sợ để lâu virút kháng thuốc thì bệnh càng khó chữa, ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn. Thầy liền chạy xuống nhà khuyên bảo, từ đó hiểu hơn về tâm trạng của những người này.

Đa số người mắc bệnh rất dễ hụt hẫng, chán ghét bản thân, hay đòi tự tử chỉ vì sự dèm pha của xã hội, ánh mắt dè chừng gia đình và cuộc sống không ổn định do công việc không có. Từ đó thầy đã tìm đến rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp đặt vấn đề, dần dần thầy cũng đã xin được công việc cho các bạn.

Theo thầy Đồng Nguyện, đối với người bị nhiễm HIV quan trọng nhất ngoài sự động viên của người xung quanh thì tự bản thân vươn lên. Mà điều quan trọng nhất là cần có công việc để các bạn ấy đảm bảo cuộc sống và không cảm thấy mặc cảm với những người xung quanh.

http://bee.net.vn/channel/5423/201203/Nguoi-thay-chuyen-di-phong-chong-HiVaidS-1828850/


©2010 -2024  Chùa Bửu Minh | Homepage