Ngổn ngang chuyện nhân sinh
Không bàn đến việc đời sống người dân trở nên khó
khăn sau lũ lụt, thiên tai…, chưa bao giờ các phiên họp HĐND các tỉnh,
thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM lại nóng bỏng với những chất vấn gai
góc mà lời giải vẫn còn nằm ở phía trước như hiện nay. Từ chuyện kẹt xe,
ngập đường, hố tử thần cho đến việc đầu tư dàn trải, lãng phí khiến
đường sá, trường học đều không đâu vào đâu. Buồn nhất là chuyện 1.000 tỷ
đồng phân bổ để mua BHYT (bảo hiểm y tế) cho người cận nghèo phải trả
lại ngân sách vì… không được sử dụng. Người ta đưa ra những con số thật
kinh ngạc khi ngay tại Hà Nội với hơn 400.000 người thuộc hộ cận nghèo
nhưng chỉ có 500 người tham gia BHYT, ở Yên Bái là 3.000/39.000; còn tại
phía Nam, Đồng Tháp chỉ có 10%, hay Tiền Giang cao nhất cũng chỉ có 30%
đối tượng cận nghèo mua thẻ BHYT. (Theo báo Người Lao Động). Trong
khi đó, giá các mặt hàng thiết yếu leo thang chóng mặt đến hơn 12%,
chưa kể các thứ tiền cho tiện ích như điện, nước, ga rục rịch chực chờ
tăng giá…
Bức bối chuyện nhân tình
Cũng như chưa bao giờ quan hệ con người lại… căng
thẳng và xấu đến mức người ta chỉ còn biết dựa vào bạo lực để giải quyết
những khúc mắc, mâu thuẫn trong cuộc sống như hiện nay. Từ chuyện tranh
giành khách xe ôm, trả thù vì bị phê bình trong cơ quan, trường học,
đến thanh toán nhau vì… thiếu nợ (có khi chỉ 1 triệu đồng), va quẹt trên
phố hay thậm chí vì… thấy ghét! Giá trị đạo đức truyền thống, nhân
nghĩa, lễ giáo đang bị xâm hại và xói mòn.
Lình xình hội nhập
Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập với thế
giới bên ngoài, từ kinh tế đến văn hóa. Thế nhưng, chuyện kinh tế dù có
bị các nhà đầu tư đây đó phê phán là chưa thích ứng hay chưa phù hợp khi
còn "duy ý chí", chậm chạp trong chính sách tiền tệ, quản lý kinh tế vĩ
mô vẫn có thể khắc phục nhanh và kịp thời, nếu chúng ta quyết tâm và có
đối sách hợp lý. Chuyện đáng nói ở đây là việc giao lưu hội nhập về văn
hóa. Chúng ta không chỉ thấy cơ hội mà phải thấy cả nguy cơ và thách
thức trong đó. Chúng ta phải kể đến nguy cơ thui chột, mất mát, phai
nhạt bản sắc văn hóa dân tộc… dẫn đến việc bị tác động vô tình hay cố ý
từ những nền văn hóa khác… Hãy thử mở TV lên chỉ thấy toàn phim Tàu, sau
đó là phim Hàn. Ngôn ngữ tuổi teen bị biến dạng đến bệnh hoạn, chưa kể
games online và những tác hại của việc sử dụng internet thiếu kiểm soát,
khiến nhiều thiếu niên bị lừa sau khi "chat". Âm nhạc và văn học thiếu
sức bật, nghèo nàn và dung tục, rất ít tác phẩm hay và gây tiếng vang vì
bản thân người sáng tác cũng không đủ độ hàm súc về tư duy, vốn sống,
lấy gì mà lập ngôn, xây dựng quan điểm cho người đọc.
Có người nói thẳng ra đây là sự "đứt gãy giữa truyền
thống và hiện đại" hay sự choáng ngợp, nhiễu loạn giữa cái mới và cái
cũ, dù cái mới không hẳn sẽ hay hơn và độc đáo hơn cái cũ, như có lúc
chúng ta đã từng ngộ nhận khi "sổ toẹt" quan điểm truyền thống trong xã
hội cho là tàn dư phong kiến hay tư bản… Trước đây đã có thời gian chúng
ta thậm chí hủy hoại cả những di sản văn hóa vật thể hay phi vật thể.
Sức sống một cành mai
Vậy thì chúng ta hy vọng gì khi mùa xuân về với bao
lo toan bộn bề như thế? Người Đông phương luôn nhìn nhận cuộc đời chuyển
dịch luân lưu với hình ảnh dòng nước thời gian qua ba thì hiện tại, quá
khứ, tương lai với những thăng trầm vinh nhục... như một nhà Nho ngày
xưa từng viết:
"Số khá bĩ rồi thời lại thái
Cơ thường đông hết hẳn sang xuân".
(Nguyễn Công Trứ)
Chúng ta hãy nhớ lời từ trong Kinh dịch về Quẻ Bĩ "Bĩ chi phỉ nhạn bất lợi quân tử trinh, đại vãng tiểu lai" (Thời
bế tắc trên dưới mâu thuẫn, thiên hạ bất mãn. Tình thế bất lợi, bất an,
quân tử nên ở ẩn, tuy nhiên nên giữ lòng chính bền, chờ thời cơ hành
động). Vì ở Hào 5, "Hưu bĩ, đại nhân cát. Kỳ vong, kỳ vong, hệ vu bao tang" (Bậc trượng phu có khả năng chuyển Bĩ thành Thái, khai thông bế tắc, ắt thiên hạ được nhờ), hay như Hào 6 "Khuynh bĩ, tiên bĩ, hậu hĩ" (Chuyển được thời thế từ Bĩ qua Thái, trước bế tắc, sau hanh thông).
Đấy chính là tinh thần của "Nhất chi mai" khi Thiền sư Mãn Giác viết:
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.
(Cáo tật thị chúng)
Vạn vật sinh thành, hoại diệt theo lý vô thường, như
hoa kia nở rồi tàn. Tuy nhiên, vì có tàn nên lại có sinh ra. Vinh-nhục,
thăng-trầm luôn là hai mặt đối lập của một thể thống nhất. Tinh thần
thiền lạc ấy thấm nhuần trong văn hóa Lý-Trần, tạo nên sức nội sinh mạnh
mẽ trong lòng dân tộc, giúp chúng ta vươn lên, đánh đuổi giặc thù, bảo
tồn không chỉ bờ cõi mà cả văn hóa dân tộc, không bị đồng hóa trở thành
thuộc địa của Hán triều. Phải phục hưng lại những "giá trị châu Á" nói
chung và "giá trị Việt Nam" nói riêng trong dòng sử lịch. Người ta đã
tôn vinh những giá trị cốt lõi của châu Á như "hiếu học, tính cộng đồng,
cần cù, quan hệ gia đình…".
Nhưng muốn làm được việc phục hưng ấy, phải trả lại
cho người dân với tư cách là chủ thể trong việc xây dựng kinh tế, bảo
tồn và làm giàu giá trị văn hóa. Những nhà nghiên cứu về Nhân học đã
nhận định: "Từ khi nhân loại có Nhà nước thì họ thường cho mình cái
quyền đại diện cho quốc gia, cho mọi người dân. Họ thường nghĩ thay dân,
nói thay dân và làm thay dân…, dân bị tước mất cái quyền làm chủ đời
sống văn hóa của mình. Thậm chí họ còn tạo ra một thứ "văn hóa Nhà nước" mà mục đích chính là để tuyên truyền, khẳng định vai trò Nhà nước chứ không phải để thỏa mãn nhu cầu văn hóa của nhân dân". (Viện
Nghiên cứu Văn hóa - Bảo tồn, làm giàu và phát huy giá trị văn hóa
truyền thống Việt Nam). Muốn như thế, chúng ta phải tin tưởng rằng cần
phải có một xã hội lành mạnh với 3 tiêu chuẩn cơ bản:
- Thực hiện được tăng trưởng kinh tế bền vững.
- Đảm bảo chất lượng sống của người dân qua các mặt: y tế, giáo dục, an sinh và an toàn xã hội, bình đẳng giới…
- Có nền tảng văn hóa tinh thần lành mạnh.
Đó chính là một xã hội công dân được thiết lập trên 3
thành tố: nền kinh tế thị trường công nhận sở hữu tư nhân, Nhà nước
pháp quyền và nền dân chủ vững vàng cho người dân được phép thực hiện
đầy đủ các quyền của mình.
Trước mùa xuân mới, phải chăng đó cũng là "nhất chi mai" mà người xưa
hy vọng vì nó sẽ mở ra những chân trời hy vọng cho mai sau…?
Nguyên Cẩn