Chùa Bửu Minh

Sau khi đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc cây Bồ đề vào năm 533 trước Tây lịch, tư trào tư tưởng Phật giáo hình thành và phát triển từ Ấn Độ lan dần ra các nước xung quanh và cả thế giới. Trong quá trình phát triển và lan dần này, Phật giáo đã đến nước ta, và tạo nên Phật giáo Việt Nam. Thế thì, Phật giáo đã truyền vào nước ta từ lúc nào?


Đây là một câu hỏi, không phải đợi đến thời chúng ta mới đặt ra, mà đã xuất hiện từ hàng ngàn năm trước. Tối thiểu vào năm 1096, Hoàng thái hậu Ỷ Lan đã nêu lên và được Thông Biện Quốc sư trả lời như sau, dẫn lời của Đàm Thiên, trong Thiền uyển tập anh tờ 20b7 - 21a7:

[Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật pháp lúc mới tới, thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu lại dựng Chùa hơn hai mươi ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch Kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy, thì đã có Khâu ni danh, Ma Ha Kỳ Vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Nay lại có Pháp Hiển thượng sĩ, đắc pháp với Tì Ni Đa Lưu Chi, truyền tông phái của tam Tổ, là người trong làng Bồ Tát, đang ở Chùa Chúng Thiện dạy dỗ học trò. Trong lớp học đó không dưới 300 người, cùng với Trung Quốc không khác. Bệ hạ là cha lành của thiên hạ, muốn bố thí một cách bình đẳng, thì chỉ riêng khiến sứ đưa Xá Lợi đến, vì nơi ấy đã có người, không cần đến dạy dỗ.

Lại bài tựa truyện pháp của tướng quốc Quyền Đức Dư (1) đời Đường, nói: "Sau khi Tào Khê (2) mất đi, Thiền sư (3) dùng tâm ấn của Mã Tổ hành hóa ở Ngô, Việt, Vô Ngôn Thông đại sĩ, đem tôn chỉ của Bách Trượng khai ngộ tại Giao Châu". Đó là những chứng cứ vậy].

Cứ câu trả lời này, thì trước khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc, Việt Nam đã có một nền Phật giáo tương đối hoàn chỉnh, tức bao gồm Chùa chiền, một đoàn thể Tăng sĩ và Kinh sách đầy đủ. Theo Thông Biện, thì ở nước ta lúc bấy giờ "có Chùa hơn 20 ngôi, độ Tăng hơn 500 người, dịch Kinh 15 quyển". Điều đáng tiếc là Thông Biện không cho ta nền Phật giáo hoàn chỉnh này, với số Chùa chiền Kinh sách và Tăng sĩ như vậy, xuất hiện vào lúc nào. Ông chỉ bằng lòng lập lại lời của Đàm Thiên, bảo rằng đó là vào lúc "Giang Đông chưa có" Phật giáo. Giang Đông chưa có Phật giáo, thì ngay bản tiểu sử của Khương Tăng Hội (? - 280) trong sách Xuất Tam Tạng Ký Tập, tập 13, Đại Tạng Kinh 2145, tờ 96a 97a17 và trong Cao Tăng Truyện quyển I, Đại Tạng Kinh 2059 tờ 325a13 - 326b13, cũng bảo "bấy giờ Tôn Quyền" xưng đế Giang Tả (năm 222) sau dương lịch) mà Phật Giáo chưa lưu hành". Thế cũng có nghĩa ngay vào những năm 220 sdl, Phật giáo chưa có mặt ở Giang Đông. Vậy phải chăng nền Phật giáo hoàn chỉnh vừa chỉ tồn tại vào thế kỷ thứ II thứ III sdl?

1. Sư Phật Quang & di tích đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam

Trả lời câu hỏi này, ta may mắn có một tài liệu viết gần cùng thời với Thiện Uyển Tập Anh là Lĩnh Nam Trích Quái. Truyện Nhất Dạ Trạch của Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại việc Chữ Đồng Tử đã được nhà sư Phật Quang tại núi Quỳnh Viên (cũng có bản viết là Quỳnh Vi) truyền dạy giáo lý Phật giáo. Xưa nay Lĩnh Nam Trích Quái thường được xếp vào loại truyện thần thoại hay huyền sử. Thậm chí bộ Việt Nam Hán văn Tiểu Thuyết Tùng san, tập I, mới xuất bản gần đây cũng làm thế. Tuy nhiên, khi đi sâu vào nghiên cứu nội dung của Lĩnh Nam Trích Quái, ta mới thấy rõ Lĩnh Nam Trích Quái không chỉ đơn thuần là tập hợp những chuyện thần thoại, thậm chí những chuyện thần thoại hoang đường. Trái lại, nó chứa đựng nhiều sự kiện có thực, mà trường hợp núi Quỳnh Viên của chúng ta đây là một thí dụ cụ thể.

Núi Quỳnh Viên này, những người chủ biên Thơ văn Lý Trần đã chú thích là: "Một quả núi trong truyện thần thoại". Dẫu thế, nếu chịu khó đọc Minh Lương Cẩm Tú do Lê Thánh Tông viết về 13 cửa biển của đất nước ta trong khi tiến quân chinh phạt Chiêm Thành vào năm 1470, thì ta gặp bài thơ thứ 7, nói về Nam Giới Hải Môn Lữ Thứ, trong đó có 2 câu:

Di miếu man truyền kim Vũ Mục

Danh sơn do thuyết cổ Quỳnh Viên.

Dịch:

Di miếu còn truyền nay Vũ Mục.

Danh sơn vẫn nhắc cổ Quỳnh Viên.

Vũ Mục đây tức chỉ tướng Lê Khôi, cháu ruột của Lê Lợi. Năm Thái Hòa thứ 2 (1444) đi đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Bí Cai, khi trở về đến cửa biển Nam Giới thì mất. Dân thương nhớ, lập đền thờ tại cửa biển này. Cửa biển này còn được gọi nôm na là cửa Sót. Còn núi Quỳnh Viên thì nằm ở phía Nam cửa bể này và từ thời Lê Thánh Tôn đã được xác nhận là một danh sơn, tức một hòn núi có tiếng tăm của đất nước. Và tiếng tăm này là có từ xưa, chứ không phải đợi đến thời Lê Thánh Tôn, tức từ năm 1460 trở đi mới có. Ngay cả khi ta đồng ý với Lê Quí Tôn trong Toàn Việt thi lục và Bùi Huy Bích trong Hoàng Việt thi tuyển và xếp các bài thơ về 13 cửa biển này vào loại "vô danh thị", thì việc nói "ông Vũ Mục ngày nay" (kim Vũ Mục) và "núi Quỳnh Viên thuở xưa" (cổ Quỳnh Viên) vẫn không đánh mất ý nghĩa thời điểm của bài thơ. Lý do nằm ở chỗ nếu đã nói Lê Khôi là ông Vũ Mục thời nay, và Lê Khôi mất vào năm 1444, thì rõ ràng tác giả nó cũng phải sống vào thời của Lê Khôi này, tức khoảng từ 1444 trở đi hay không lâu sau đó.

Nói thẳng ra, vào thế kỷ thứ XV, khi Kiều Phú và Vũ Quỳnh hiệu đính và cho ra đời hai bản Lĩnh Nam Trích Quái khác nhau, Quỳnh Viên đã thật sự là một danh sơn, một ngọn núi nổi tiếng đối với dân ta thời đó và trước kia. Nó dứt khoát không phải là một ngọn núi thần thoại, càng không phải là một ngọn núi không có địa điểm cụ thể tại đất nước ta. Nó quả là một ngọn núi nằm tại cửa Sót. Và trên núi Quỳnh Viên này còn có ngôi Chùa cổ. Bản Lĩnh Nam Trích Quái mà ta có ngày nay thì hoặc do Kiều Phú kiểu chính lại vào năm 1490, hoặc do Vũ Quỳnh san định vài năm sau đó, vào năm 1493, từ một bản Lĩnh Nam Trích Quái của Trần Thế Pháp đời Trần. Như vậy, nếu Lĩnh Nam Trích Quái mà ta có ngày nay nói tới núi Quỳnh Viên, thì dứt khoát núi Quỳnh Viên này phải có một địa chỉ cụ thể. Vì thế, khi Chữ Đồng Tử đã được nhà sư Phật Quang truyền dạy đạo Phật tại núi Quỳnh Viên, ta có thể chắc chắn sự việc này đã xảy ra tại cửa biển Nam Giới hay cửa Sót.

Ta có thể đặt vấn đề là nếu quả có ngọn núi Quỳnh Viên tại cửa Sót, thì việc truyền dạy giáo lý của nhà sư Phật Quang cho Chữ Đồng Tử chắc gì đã xảy ra ở đó, bởi vì việc truyền dạy đó xảy ra quá xa cách thời điểm nó ghi lại trong Lĩnh Nam Trích Quái. Nói cụ thể ra, Lĩnh Nam Trích Quái đã ghi lại một sự việc xảy ra cách nó gần tới cả ngàn rưỡi năm. Tất nhiên, trừ phi ta thực hiện một cuộc khai quật khảo cổ học tại núi Quỳnh Viên ở cửa Sót và tìm thấy di vật liên hệ với Chữ Đồng Tử, thì vấn đề mới được giải quyết một cách dứt điểm. Nhưng trước mắt, nếu chưa làm được, song qua phân tích những truyện khác trong Lĩnh Nam Trích Quái, ta thấy dù Lĩnh Nam Trích Quái có được Trần Thế Pháp biên tập lại vào hậu bán thế kỷ thứ 14, thì những dữ kiện trong đó vẫn có một tính cổ sơ đáng muốn.

Chẳng hạn, khi nghiên cứu về truyền thuyết Trăm Trứng trong truyện họ Hồng Bàng, ta thấy truyền thuyết này đã xuất hiện trong Lục Độ Tập Kinh, 3 ĐTK152 tờ 14a26 cl8 truyện 23 do Khương Tăng Hội dịch ra chữ Hán vào khoảng những năm 220 - 250. Cũng một cách, truyện Tây Qua của Lĩnh Nam Trích Quái là một dị bản của truyện 7 trong Cựu Tạp Thí Dụ Kinh, ĐTK206 tờ 512a16 b7, cũng do Khương Tăng Hội phiên dịch v.v... Nói khác đi, dù những truyện do Trần Thế Pháp tập hợp lại trong Lĩnh Nam Trích Quái xảy ra tương đối muộn, nhưng có những dữ kiện đã được chứng minh là xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học nước ta. Do thế, truyền thuyết về Chữ Đồng Tử được nhà sư Phật Quang dạy đạo Phật cũng có khả năng xảy ra rất sớm trong lịch sử dân tộc, chứ không phải vì sự xuất hiện muộn màng trong Lĩnh Nam Trích Quái mà mất đi tính chân thực và cổ sơ của nó.

Vậy nhà sư Phật Quang này xuất hiện ở cửa Sót vào thời nào? Qua những chứng cớ ngoại tại, gián tiếp vừa kể trên, tối thiểu ta biết là những gì Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại chưa hẳn là không xảy ra, hay không có từ xưa. Cụ thể là truyện về truyền thuyết Trăm Trứng. Không kể các dã sử hay những thông tin bên ngoài, cứ theo chính sử Trung Quốc cũng đã ghi là có các chính quyền phương Nam đi thông qua nước ta để đến phương Bắc, đó là chính quyền nước Hoàng Chi. Bình Đế Ký trong Tiền Hán thư 12 tờ 3a3 ghi: "Nguyên thủy thứ 2 (năm thứ 2 sdl), mùa xuân, nước Hoàng Chi dâng tê giác và bò". Rồi đến quyển 28 hạ, Tiền Hán Thư tờ 32b2 - 3, nơi chuyện Vương Mãng, cũng ghi: "Trong khoảng Nguyên thủy (1 - 6sdl) của Bình đế, Vương Măng phụ chính, muốn làm rạng rỡ uy đức của mình đã gửi biếu hậu hỷ vua Hoàng Chi khiến cho gửi sứ cống tê giác và bò sống". Nước Hoàng Chi này, cứ Tiên Hán thư 28 hạ, tờ 32b5 - 5, còn ghi tiếp: "Từ Hoàng Chi đi thuyền có thể tám tháng đến Bì Tôn, rồi đi thuyền hai tháng có thể đến biên giới Tượng Lâm của Nhật Nam. Phía Nam Hoàng Chi có nước Dĩ Trình Phất. Dịch sứ của Hán từ đó về."

Thế rõ ràng Hoàng Chi là một nước rất xa nước Hán, đi thuyền đến mười tháng mới đến. Ghi nhận đầu tiên của chính sử Trung Quốc về sự liên hệ giữa chính quyền Trung Quốc và chính quyền Hoàng Chi là Hoàng Chi ở phía Tây nước ta và phải đi thông qua nước ta mới đến Trung Quốc được. Hoàng Chi là nước nào? Có khả năng Hoàng Chi đây là một trong những nước ở Ấn Độ. Cho nên, nói cách khác, từ những năm đầu Dương lịch, quan hệ chính thức giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã có về đường biển và đã được chính sử Trung Quốc ghi lại. Sau đó, từ thế kỷ thứ hai trở đi thì quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã được ghi rất rõ, cho nên khả năng trước khi có quan hệ chính thức trên bình diện chính quyền thì phải có quan hệ nhân dân; tức quan hệ giữa hai dân tộc phải đi với nhau rồi hai chính quyền mới đi theo, hoặc để bảo trợ quyền lợi của dân tộc mình hoặc để thiết lập quan hệ liên lạc ngoại giao. Cho nên khả năng những thương thuyền buôn bán của người Ấn Độ đã đến Trung Quốc trước thời Vương Mãng từ lâu là một sự thật.

Thực tế thì ngay trong Sử ký ta đã tìm thấy những từ tiếng Phạn được phiên âm ra tiếng Trung Quốc, cụ thể là từ Lưu ly, vaidurya. Tức là nước Trung Quốc đã biết nước Ấn Độ từ lâu. Nói cách khác, từ những thế kỷ đầu Dương lịch, quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã thiết lập và có quan hệ buôn bán giữa thương nhân hai nước. Tiền Hán thứ 9, tờ 3a3 - 6 (truyện Tây Nam Di, lưỡng Việt Triều tiên đã nói tới việc thương nhân đất Thục đem vải và gậy trúc, Thân độc về Trung Quốc bán vào năm Nguyên Thú thứ nhất (120 tdl). Và chuyện Vương Mãng ghi vì "Muốn làm rạng rỡ uy đức của mình, [ông] đã hậu hỷ vua nước Hoàng Chi và hiến dâng tê giác và bò sống", có nghĩa là hai chính quyền đã có quan hệ bang giao từ lâu. Mà trước khi Vương Mãng biết đến nước này thì người nước này đã có quan hệ với Trung Quốc rồi, cho nên Vương Mãng mới biết để hiến dâng vật cống với nhau. Nói cách khác là vào những thế kỷ trước và sau Dương Lịch, đã có những quan hệ giữa Trung Quốc và các nước khác về đường biển thông qua Việt Nam. Cho nên giả thiết sự tồn tại của nhà sư Phật Quang giữa thế kỷ thứ III hay thứ II tdl có thể chứng thực được.

2. Về nhà sư Phật Quang

Truyện Nhất Dạ Trạch trong Lĩnh Nam Trích Quái kể lại việc Chữ Đồng Tử học được đạo Phật như sau:

"Thương nhân nước ngoài tới lui buôn bán kính thờ Tiên Dung (và) Đồng Tử làm chúa. Có một khách buôn lớn đến bảo Tiên Dung rằng: "Quí nhân hãy bỏ ra một dật vàng, năm nay cùng thương nhân ra nước ngoài mua vật quí, đến sang năm được lãi mười dật". Tiên Dung vui mừng bảo Đồng Tử: "Vợ chồng ta là bởi Trời mà nên. Nhưng cái ăn cái mặc là do người làm lấy. Nay nên đem một dật vàng cùng thương nhân ra nước ngoài mua vật quí để sinh sống". Đồng Tử bèn cùng thương nhân đi buôn bán lênh đênh ra khắp nước ngoài. Có núi Quỳnh Viên trên núi có am nhỏ. Thương nhân ghé thuyền vào lấy nước. Đồng Tử lên am dạo chơi. Trong am có một tiểu Tăng tên Phật Quang truyền pháp cho Đồng Tử. Đồng Tử ở lại để nghe pháp, đưa vàng cho thương nhân đi mua hàng. Đến lúc thương nhân trở về lại tới am đó chở Đồng Tử trở về nhà. Nhà sư bèn tặng cho Đồng Tử một cây gậy và một cái nón, vừa bảo: "Các việc linh thông đều ở đó rồi! Đồng Tử trở về, đem đạo Phật nói hết với Tiên Dung. Tiên Dung giác ngộ, bèn bỏ cả quán chợ, nghề buôn để cùng Đồng Tử du phương tìm Thầy học đạo".

Việc Chữ Đồng Tử và Tiên Dung, những người Việt Nam đầu tiên mà ta biết tên tiếp thu đạo Phật là như thế. Có hai đặc điểm mà ta cần lưu ý. Thứ nhất, việc tiếp thu này đã xảy ra tại núi Quỳnh Viên. Núi Quỳnh Viên từ thời Lê Thánh Tôn ta đã biết là nằm tại cửa Nam Giới, hay cửa Sót. Ngày nay, tại bờ Nam của cửa Sót, còn có một hòn núi gọi là Nam Giới sơn. Phải chăng đây là địa điểm cần tìm hiểu khảo cổ học để khai quật xem có vết tích gì của Chữ Đồng Tử và Phật Quang chăng? Trước mắt, ít nhất ta đã xác định được là Quỳnh Viên không phải là một ngọn núi thần thoại, mà thật sự là một hòn núi có tên tuổi tại cửa Sót. Do những dấu vết của Chiêm Thành còn tồn tại đến ngày nay, ta cũng hiểu thêm từ cửa Sót về Nam là miền đất thuộc vương quốc Chiêm Thành. Như thế, đất nước Việt Nam thời Hùng Vương phải chăng đã lấy cửa Sót làm một địa điểm ở miền Nam của tổ quốc ta?

Cần lưu ý, từ vùng cửa Sót, trở ra miền Bắc, ta không tìm thấy có bất cứ di chỉ nào liên hệ với nền văn hóa của Chiêm Thành. Ngược lại, từ cửa Sót trở về Nam, cụ thể là các vùng phía Nam tỉnh Nghệ An, tức từ Vinh trở về Nam và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Tĩnh, Quảng Trị và Thừa Thiên, cho đến ngày nay, vẫn còn những vết tích của nền văn hóa Chiêm Thành. Nói thế, tức là muốn nói Phật giáo truyền vào nước ta căn cứ vào Lĩnh Nam Trích Quái là từ phía Nam, qua trung gian nhà sư Phật Quang ở núi Quỳnh Viên, tại Nam Giới hay cửa Sót, giáp giới với Chiêm Thành. Nhà sư này chắc hẳn không phải là người Việt, vì rằng truyện Chữ Đồng Tử nói: "Đồng Tử linh đinh ra khắp nước ngoài (phù du xuất hải ngoại)". Vùng núi Quỳnh Viên này có khả năng vào thời Chữ Đồng Tử chưa thuộc vào bản đồ của nước ta. Nhà sư Phật Quang này có thể là một người Chiêm Thành, hoặc là người Ấn Độ, đang tìm cách truyền bá Phật giáo vào Việt Nam. Và Chữ Đồng Tử là người Việt Nam đầu tiên đã đến tiếp xúc với ông, để rồi sau đó, trở thành người Phật Sư Việt Nam đầu tiên có tên tuổi. Truyện Chữ Đồng Tử này sau đó được Thiên Nam Vân Lục của một tác giả vô danh chép lại.

Thế thì Chữ Đồng Tử đã tiếp thu đạo Phật như thế nào? Đây là đặc điểm thứ hai mà ta cần lưu ý. Truyện Chữ Đồng Tử chỉ nói khi Đồng Tử trở về quê "Nhà sư bèn tặng cho Đồng Tử một cây gậy và một cái nón, vừa bảo: mọi việc linh thông đều đã ở đấy cả". Nói vậy, Lĩnh Nam Trích Quái báo cho ta biết là truyền thống Phật Giáo mà Chữ Đồng Tử tiếp thu là một truyền thống Phật giáo quyền năng, đề cập đến những vấn đề linh dị và thần thông (linh thông). Truyền thống Phật giáo này, như ta sẽ thấy, xuất hiện trong Mâu Tử cũng như trong Khương Tăng Hội, và tồn tại cho đến thời một truyền thống Phật giáo mới ra đời, đó là truyền thống Phật giáo Thiền của Pháp Vân. Cần nhấn mạnh truyền thống Phật giáo quyền năng này cho đến thế kỷ thứ VI được bổ sung bởi truyền hưởng cơ bản của nó. Nó vẫn tồn tại như một lớp truyền thống Phật giáo mới, bổ sung cho nó qua lịch sử phát triển của Phật giáo ở Việt Nam. Nhận thức điều này, ta sẽ dễ dàng hiểu được những hiện tượng đặc thù của những truyền thống khác nhau của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử. Ta sẽ đi sâu vào vấn đề này dưới đây.

3. Chữ Đồng Tử, người Phật tử Việt Nam đầu tiên

Trước mắt, nếu Chữ Đồng Tử là người Phật tử Việt Nam đầu tiên, thì vấn đề người Phật tử đầu tiên này đã sống vào lúc nào? Truyện Nhất Dạ Trạch chỉ viết một câu hết sức mơ hồ, là: "Vua Hùng truyền đến cháu đời thứ 3" (Hùng Vương truyền chí tam thế tôn). Ta biết lịch sử nước ta, tên hiệu Hùng Vương được dùng để gọi cho nhiều đời vua thời cổ đại. Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ I, tờ 2b9 - 5b, ghi nhận Hùng Vương là triều đại đầu tiên của họ Hồng Bàng, và bảo: "Họ Hồng Bàng từ Kinh Dương Vương năm Nhâm Tuất thụ phong cùng với Đế Nghi cùng thời, truyền đến đời Hùng Vương cuối cùng gặp năm 257 tdl của Noãn Vương nhà Chu, là năm Quí Mão thì chấm dứt, gồm 2622 năm". Nhưng trong phần phàm lệ, tờ 2a1 - 2, Ngô Sĩ Liên đã nhận xét: "Hoặc có người nói (Hùng Vương) có 18 đời, sợ chưa phải là thế".

Đi sâu vào vấn đề này, ta biết hiện có 3 bản Ngọc Phả khác nhau liên hệ đến triều đại Hùng Vương. Bản thứ nhất là một bản chép của thời Lê Hồng Đức bắt đầu từ năm 1470, rồi được chép lại vào thời Lê Kính Tôn (ở ngôi 1600 - 1618), niên đại Hoằng Định. Bản thứ hai là bản chép tay đời Khải Định được bảo là chép lại từ một bản thuộc niên đại Thiên Phúc (980 - 988) của Lê Đại Hành (ở ngôi 980 - 1005). Cả hai bản này hiện tàng trữ tại đền Hùng ở Vĩnh Phú, Phú Thọ. Bản thứ ba hiện tàng trữ tại Chùa Tây Thiên trên núi Tam Đảo, không có ghi ngày tháng. Vấn đề văn bản học của các Ngọc Phả này ta chưa cần đề cập tới ở đây. Chỉ cứ vào chúng, ta biết tối thiểu mỗi triều đại Hùng Vương có thể có nhiều người cùng mang một tên hiệu. Chẳng hạn, đời Hùng Vương cuối cùng là Hùng Duệ Vương thì ta có Duệ Vương thứ nhất, thứ hai, thứ ba v.v... Vì thế, mười tám đời Hùng Vương trải dài trên hai ngàn năm là có thể hiểu được. Riêng đối với vấn đề quan tâm của chúng ta ở đây là cháu đời thứ ba của Hùng Vương là cháu của đời Hùng Vương nào?

Nếu Phật giáo xuất hiện vào năm 528 (hoặc 529?) tdl ở Ấn Độ và bắt đầu truyền bá qua các nước xung quanh vào những năm 247 - 232tdl vào thời của vua A Dục khi vua này lịnh cho các phái đoàn Tăng lữ đi khắp nơi để truyền bá đạo Phật, trong đó đặc biệt là phái đoàn của Sona đi về vùng Đất vàng (Suvanabhumi). Vùng Đất vàng này có phải là vùng Đông Nam Á hay không, có phải là vùng Đông Dương hay không? Đây là một vấn đề đang còn tranh cãi. Tuy nhiên cứ vào những sử liệu cổ sơ của Trung Quốc, cụ thể là Sử Ký và Tiền Hán thư cùng Hậu Hán thư cũng như các di liệu khảo cổ học, như di liệu khảo cổ học Óc Eo, thì vào những thế kỷ đầu dl, vùng biển phía Nam nước ta đã rộn rịp những thương thuyền không những của các quốc gia thuộc nền văn minh Ấn Độ, mà cả những quốc gia xa xôi của nền văn minh La Mã. Cho nên, truyền bá Phật giáo vào những vùng đất này là một sự kiện chắc chắn đã xảy ra.

Hơn nữa, vùng đất miền Nam nước ta từ phía Nam cửa Sót trở vào đã mang nặng những vết tích của nền văn hóa Ấn Độ. Chiếc bia Võ Cảnh tìm thấy tại làng Võ Cảnh ở Nha Trang, thường được các nhà nghiên cứu xác định là xuất hiện vào thế kỷ II sdl viết bằng Phạn văn. Để cho Phạn văn trở thành một ngôn ngữ được khắc trên đá vào thế kỷ ấy, nền văn minh Ấn Độ vào thời điểm ấy chủ đạo là Phật giáo, phải truyền bá tại vùng đất này qua một thời gian tương đối dài, tối thiểu cũng phải mất một vài ba trăm năm. Nói thẳng ra, văn minh Ấn Độ phải tồn tại ở phía Nam nước ta vào những thế kỷ trước và sau Dương lịch. Cho nên, vị Hùng Vương của thời Chữ Đồng Tử ta cũng có thể xác định vào những thế kỷ tdl, có khả năng là Hùng Nghị Vương thứ nhất hoặc thứ hai, tức khoảng thế kỷ II - III tdl.

Đoán định này của ta về niên đại của việc Chữ Đồng Tử tiếp thu Phật giáo là hoàn toàn phù hợp với quan điểm của Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1728) trong Thiên Nam Ngữ Lục. Sau khi kể chuyện Lữ Gia bị quân của Hán Vũ đế đánh bại, Chân Nguyên viết:

"Gia bỏ cửa mốc nhà rêu

Hang thần trật lối, hồn phiêu đường nào

Nước nên thấy những đồng dao

Cõi bờ tất đất vào chầu Hán gia

Non Sài tuyệt chẳng vào ra

Thấy còn một dấu vườn là Trúc Viên

Đìu hiu ngoài cảnh Thiền thiên

Thuở trưa quyên khóc, thuở đêm hạc sầu."

Viết thế, Chân Nguyên muốn nói rằng ngôi Chùa Trúc Viên đã có từ thời Lữ Gia, tức khoảng năm 110 tới tại núi Thầy (Sài Sơn), ở Sơn Tây. Điều này cũng có nghĩa Phật giáo đã tồn tại ở nước ta vào thế kỷ thứ II tdl. Đây là một điểm khá lôi cuốn. Bởi vì nó cho thấy đã từ lâu lưu hành quan điểm cho rằng Phật giáo đã du nhập vào nước ta từ rất sớm. Đến thời An Thiền viết Đạo Giáo Nguyên Lưu vào năm 1845, ở quyển thượng, tờ 9a11 - b5 dưới mục Đại Nam Thiền học sơ khởi, ông đã để lại truyện tích Chữ Đồng Tử như đã ghi lại trong Lĩnh Nam Trích Quái:

"Thời Hùng Vương, núi Quỳnh Vi, có Đồng Tử lên thảo am. Trong am có nhà sư tên Phật Quang. Đó là người Thiên Trúc, tuổi hơn 40, truyền pháp cho Đồng Tử một cái nón và một cây gậy, nói rằng: "Linh dị và thần thông ở đây cả". Đồng Tử đem đạo Phật truyền cho Tiên Dung. Vợ chồng Tiên Dung bèn học đạo. Đến buổi chiều ngày trở về, giữa đường cần làm nơi tá túc, bèn dựng gậy che nón, đến canh ba thì thành quách lâu đài, màn gấm màn the, kim đồng ngọc nữ, tướng sĩ thị vệ đầy cả sân chầu..."

An Thiền cũng đề ra mục Hùng Vương Phạn Tăng, tức các nhà sư Ấn Độ thời Hùng Vương, ở tờ 9b6 - 9, và kể tên nhà sư Khâu Đà La đến thành Luy Lâu của Sĩ Nhiếp vào thời cuối Hán Linh Đế (168 - 189 sdl). Xác định Khâu Đà La vào thời Hán Linh Đế dĩ nhiên không thể xếp Khâu Đà La vào loại các nhà sư vào thời Hùng Vương được.

Ngoài ra, trong các loại thần tích của các xã ta biết trong số các tướng tá của Hai Bà Trưng, sau khi bị Mã Viện đánh bại, một số đã mai danh ẩn tích trong các giáo đoàn Phật giáo. Một trong những vị này được biết tên là Bát Nàn phu nhơn đã xuất gia. Như sẽ thấy, chính những vị này cùng người kế nghiệp họ đã tập hợp những văn bản Kinh điển Phật giáo lưu hành lúc ấy, những bộ Kinh đầu tiên hiện còn và được biết mà sau này Khương Tăng Hội đã dịch thành Hán văn dưới nhan đề Lục Độ Tập Kinh và Cựu Tạp Thí Dụ Kinh.

4. Uất Kim Hương, hoa cúng Phật

Như vậy, qua lịch sử nước ta đã tồn tại và lưu hành tương đối phổ biến trong giới sử học Phật giáo Việt Nam một quan điểm cho rằng Phật giáo đã truyền vào nước ta từ thời Hùng Vương. Vấn đề bây giờ là thử xem xét quan điểm này có một giá trị hay không. Ta phải xem xét, bởi vì tất cả các sử liệu đề cập đến vấn đề này đều xuất hiện khá muộn màng, cách xa sự việc được ghi lại tới cả hàng nghìn năm, từ Thiền Uyển Tập Anh, Lĩnh Nam Trích Quái, Thiên Nam Vân Lục cho đến Thiên Nam Ngữ Lục và Đạo Giáo Nguyên Lưu, những văn bản này đều ra đời vào thế kỷ thứ VIV trở về sau. Vậy, ta có thể tìm ra những chứng cứ nào xuất hiện trong những văn bản sớm hơn, gần gũi hơn, với những sự kiện đã xảy ra hay không? Trả lời câu hỏi này, ta hiện có tối thiểu hai cứ liệu.

Thứ nhất, là một câu trích dẫn của Lý Thời Trân (1518 - 1593) trong Bản Thảo Cương Mục 14, tờ 69b4 - 5 dưới mục Uất Kim Hương: "Dương Phù Nam Châu Dị vật ký vân: Uất kim xuất Quyết Tân quốc, nhận chủng chi, tiên hoàng, dự phù dung hoa lý nộn liên giả tương tự, khả dĩ hương tửu" (Nam Châu dị vật chí của Dương Phù nói: Uất Kim đến từ nước Quyết Tân, người ta trồng trước để cúng Phật, vài ngày thì héo, sau đó giữ lại, màu nó vàng rộm, cùng với nhụy hoa phù dung và sen non tương tự, có thể dùng để ướp rượu).

Dương Phù, cứ Quảng Châu tiên hiền chí, của Hoàng Tá (1490 - 1560) và Bách Việt tiên hiền chí do Âu Đại Nhiệm viết năm 1554, ghi rằng: "(Dương Phù) tên tự Hiểu Nguyên, người Nam Hải. Triều vua Chương Đế tìm người tài giỏi, ông đối đáp trúng cách, nên phong làm Nghị ăn Hòa Đế tức vị, dùng quân đánh Hung Nô, Phù tâu rằng: "Gầy dựng cơ nghiệp thì dùng võ, giữ lấy cơ nghiệp thì dùng văn, nên khi nhà Châu thắng nhà Ân thì có việc ca ngợi sự chấm dứt chiến tranh (...), vậy xin bệ hạ hãy noi theo nếp đẹp của tổ tông, đừng khinh dùng việc võ". Năm Vĩnh nguyên thứ 12 (100 sdl) có hạn, vua gọi Phù đến triều đình bàn việc được mất của chính lịnh (...). Lúc bấy giờ, Nam Hải thuộc Giao Chỉ bộ. Thứ sử Hà Tắc đi tuần bộ của mình. Mùa đông Tắc trở về, tâu rằng: Chính quyền trung ương chọn thứ sử không đúng phép, nên họ sau đó đã tranh dành nhau tôn thờ việc người khác, dâng tặng đồ trân quí. Phù bèn lựa những đặc tính của sự vật, chỉ cho hiểu tính khác lạ của chúng; nhằm nói rõ ra, ông viết sách Nam Duệ Dị Vật Chi (...). Sau đó ông làm thái thú quận Lâm Hải, lại làm sách Lâm Hải Thủy Thổ Ký. Người đời phục ông cao thứ và không khinh thường sự dạy dỗ".

Bản tiểu sử vừa được dịch là lấy từ Bách Việt Tiên Hiền Chí, quyển 2, tờ 5b9 - 6b10. Nhưng tất cả các cuốn sử về nhà Hậu Hán như Hậu Hán ký của Viên Hoằng (328 - 376) và Hậu Hán thư của Phạm Việp (398 - 445) đều không thấy nhắc tới tên Dương Phù. Chỉ đến Lệ Đạo Nguyên viết Thủy Kinh chú trước năm 529, quyển 36 tờ 30a6 và quyển 37 tờ 6a8 mới dẫn một Dương Thị Nam Duệ Dị Vật Chí. Rồi đến Tùy Thư Kinh Tịch Chí 33 tờ 133a4 5 mới ghi tên Dương Phù soạn "Giao Châu Dị Vật Chí" một quyển và "Hán Nghị Lang Dương Phù soạn "Dị Vật Chí" một quyển. Sau đó, Nghệ Văn Loại Tụ do Âu Dương Tuần soạn năm 624, quyển 84 và quyển 95 và Sơ Học Ký do Từ Kiên chủ biên năm 659, quyển 9, cũng như Thái bình ngự lãm quyển 395, quyển 890, v.v... do Lý Phưởng (926 - 996) biên soạn, mới bắt đầu trích dẫn Nam Châu Dị Vật Chí hay Nam Duệ Dị Vật Chí và Giao Châu Dị Vật Chí. Như vậy Nam Châu, Nam Duệ hoặc Giao Châu đều chỉ chung cho một vùng đất thuộc miền bắc nước ta hiện nay. Vì thế, nếu Nam Châu Dị Vật Chí của Dương Phù bảo rằng "người ta" trồng Uất Kim Hương để cúng Phật, thì "người ta" đây chính là người nước ta. Đây là chứng cớ đầu tiên, xuất hiện tương đối sớm nhất, tức khoảng năm 100 sdl, xác nhận có một bộ phận ngưòi Việt đã theo Phật giáo, đã biết trồng hoa Uất Kim Hương để cúng Phật.

5. Thành Nê Lê và đoàn thuyền đạo thời Vua A Dục

Thứ hai, là một câu viết của Lưu Hân Kỳ trong Giao Châu ký, nói rằng: "Thành Nê Lê ở phía Đông Nam huyện Định An, cách sông bảy dặm, Tháp và giảng đường do vua A Dục dựng vẫn còn. Những người đốn hái củi gọi là Kim Tượng (Nê Lê thành tại Định An huyện, đồng Nam cách thủy thất lý, A Dục vương sở tạo Tháp giảng đường thượng tại hữu, thái tân giả vân thị kim tượng).

Thế thì thành Nê Lê của Định An huyện nằm ở đâu? Tài liệu sớm nhất tới thành này là Thủy Kinh chú quyển 37 tờ 6b4 - 6 của Lệ Đạo Nguyên: "Bến đò Quan Tắc xuất phát từ đó, song nó từ phía Đông huyện đi qua huyện An Định và Trường Giang của Bắc Đái. Trong sông, có nơi vua Việt vương đúc thuyền đồng. Khi nước triều rút, người ta còn thấy dấu vết. Sông lại chảy về phía Đông, cách sông có thành Nê Lê, người ta bảo là do "vua A Dục dựng" (Độ Định huyện Bắc Đái Trường Giang. Giang trung hữu Việt Vương sở đào đồng thuyền, triều thủy thối thời, nhân hữu kiến chi dã. Kỳ thủy hựu đông lưu, cách thủy hữu Nê Lê thành, ngôn A Dục vương sở trúc dã).

Tên huyện An Định xuất hiện sớm nhất trong Tiền Hán chư 28 hạ, tờ 10b9 - 11a25; ở đấy nó là một trong mười huyện thuộc quận Giao Chỉ mà ngoài nó ra, gồm có Luy Lâu, Liên Lâu, Phú Lầu, Mê Linh, Khúc Dương, Khúc Bắc Đái, Khể Từ, Tây Vu, Long Biên và Chu Diên. Nhưng đến khi Tư Mã Bưu viết Hậu Hán chí vào giữa những năm 245 đến 305, và Lưu Chiếu chú thích đầu thế kỷ VI sdl thì ta không biết vì lý do gì mà huyện An Định lại trở thành huyện Định An trong Hậu Hán thư 33 tờ 21a8 - b5. Danh xưng Định An đến thời Tam Quốc vẫn còn được dùng như Hồng Lượng Cát đã ghi nhận trong Tam Quốc cương vức chí quyển hạ tờ 33a6. Đến đời Tấn thì tên An Định lại được dùng như trong Tấn thư 15 tờ 8b13 9a2. Qua đời Lưu Tống, An Định lại được đổi thành Định An mà chứng cớ có thể thấy trong Tống thư 38 tờ 40b1. Vậy trong vòng 5 thế kỷ, danh xưng Định An hay An Định cứ thay đổi nhau để chỉ cho một vùng đất, một huyện của Giao Chỉ. Thế thì vùng đất này nằm ở đâu tại miền Bắc nước ta hiện nay?

Trước đây, Claude Madrolle căn cứ vào tên thành Nê Lê, tức thành bùn đen, để giả thiết thành Nê Lê ở chính vùng Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng. Nê Lê hiểu như nghĩa bùn đen tất nhiên không phù hợp với văn phạm chữ Hán. Bởi vì nếu hiểu Nê là bùn, và Lê là màu đen, thì thành này phải có tên là Lê Nê, chứ không phải là Nê Lê. Hơn nữa, cụm từ Nê Lê trong Hán văn thường được dùng như một phiên âm của chữ Naraka của tiếng Phạn. Và Naraka lại có nghĩa là Địa ngục. Tại vùng núi Tam Đảo có ba ngọn cao nhất là Thạch Bàn, Phù Nghĩa và Thiên Kỳ; trong đó, giữa chân ngọn Thạch Bàn, tại làng Sơn Đình, có ngôi Chùa Tây Thiên. Chùa này tương truyền là liên hệ với vua Hùng và có một bản Ngọc Phả về vua Hùng thờ tại đây. Điểm lôi cuốn là Chùa Tây Thiên này lại có tên nôm na là Chùa Địa Ngục. Đã là Chùa thì thiếu gì tên tại sao lại có tên Địa Ngục, phải chăng là do từ chữ Naraka mà ra? Huyện An Định do thế có khả năng nằm tại vùng núi Tam Đảo này chăng? Muốn trả lời dứt khoát câu hỏi này, ta phải đợi một cuộc điều tra khảo cổ thực địa.

Trước mắt, Chùa Địa Ngục mà cũng gọi là Chùa Tây Thiên này đã ám chỉ ít nhiều đến thành Nê Lê của huyện An Định. Cần lưu ý huyện An Định ở quanh vùng núi Tam Đảo, vì cũng chính tại đây, đã có thành Cổ Loa xưa, mà việc khai quật được những mũi tên đồng đã biểu hiện ít nhiều tính cổ sở của huyện này. Nói thẳng ra, những di liệu khảo cổ học như thế chứng tỏ vùng đất này từ thời Hùng Vương đã từng là trung tâm chính trị quân sự của chính quyền Lạc Việt. Xác định thành Nê Lê vào vùng này, do đó hoàn toàn phù hợp với việc đặt thành Nê Lê vào huyện Tống Bình của Nhạc Sử trong Thái bình hoàn vũ ký 170 tờ 7a2 - 4.

Nếu vậy, Lưu Hán Kỳ và Giao Châu ký xuất hiện vào lúc nào? Tăng Chiêu vào năm Đạo Quang thứ nhất (1820) đã cố gắng tái thiết Giao Châu Ký từ những đoạn phiến trích dẫn rải rác trong các tác phẩm Trung Quốc như Hậu Hán thư, Thúy Kinh chú, Tế dân yếu thuật, Bắc Đường thư sao, Nghệ văn loại tụ Sơ học ký, Thái bình ngự lãm v.v... Trong lời bạt cho quyển Giao Châu ký tái kiến này, Tăng Chiêu đã vạch ra là Kinh tịch chí của Tùy thư cũng như Cựu Đường thư và Nghệ văn chí của Tân Đường thư đều không có mục nào về Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ hết. Ngay cả Thái Bình ngự lãm Kinh sử đồ thư cương mục cũng không có mục nào giữa hơn một ngàn bảy trăm mục dành cho những quyển sách mà Lý Phường đã dẫn trong Thái Bình Ngự Lãm. Tuy vậy, Thái Bình Ngự Lãm đã dẫn ít nhât 32 đoạn phiến dưới tên Giao Châu ký và 1 dưới tên Giao Châu tập ký. Sự im lặng ấy tạo ra không ít những khó khăn trong việc xác định một niên đại phải chăng cho Lưu Hân Kỳ và tác phẩm của ông. Dẫu thế, với những dẫn chứng của Lệ Đạo Nguyên, một người mất năm 529, trong Thủy Kính chú, của Giả Tư Hiệp trong Tế dân yếu thuật, Lưu Chiếu trong Hậu Hán thư, Lý Thiện trong Ngô Đô phú chú của Văn tuyển, v.v... thì rõ ràng Giao Châu ký của Lưu Hân Kỳ đã ra đời trước thế kỷ thứ VI sdl. Không những thế, nhờ vào việc phân tích những bằng cớ nội tại của chính Giao Châu ký tái thiết trên, Tăng Chiêu có thể đẩy niên đại giả thiết về một thế kỷ sớm hơn.

Trước hết, Thái Bình Ngự Lãm quyển 947 có một câu trích từ Giao Châu ký của Lưu Hán Kỳ nói rằng: "Trong niên hiệu Thái Hòa có người đến hang Vũ Linh trong đó có con kiến càng rất lớn" (Thái Hòa trung, hữu nhân chi Vũ Lĩnh huyệt, trung hữu đại tư phù thậm đại).

Thái Hòa là niên hiệu cũ Ngụy Minh đế bắt đầu từ năm 227 hoặc của Tây Hải công nhà Đông Tấn giữa những năm 366 - 371. Niên đại đầu có thể loại ra một cách dễ dàng, bởi vì Thái Bình Ngự Lãm quyển 49 tờ 10b có nhắc đến việc Lý Tốn đánh Châu Nhai, mà việc này đã xảy ra vào mùa Đông tháng 10 năm Thái nguyên thứ 5 (380) của nhà Tấn, như Tư trị thông giám quyển 104 tờ 3247 đã liệt.

Nghệ văn loại tụ quyển 95 từ 1659 dẫn chuyện "Chuột tre giống như chó con, ăn gốc tre, sinh sản ở huyện Phong Khê" và bảo trích từ Giao Châu ký cũ Lưu Hân Kỳ, Phong Khê không được liệt ra như một địa danh trong phần Địa lý chí của Tống thư. Do đó nhà Lưu Tống chắc đã bỏ tên này. Nhưng Tấn thư quyển 14 tờ 9a lại có địa danh ấy như một huyện của quận Vũ Bình. Nhà Lưu Tống thành lập 420. Chuyện chuột tre như vậy phải được ghi lại trước niên đại đó, tức phải vào đời Đông Tấn (308 - 420). Bằng vào những dữ kiện nội tại này, Tăng Chiêu đã kết luận là Giao Châu ký viết vào thời nhà Tấn và Lưu Hân kỳ phải sống và viết vào những năm 360 - 420.

Cách xác định niên đại này của Tăng Chiêu kể ra khá lôi cuốn. Điều cần ghi là vì những bằng cớ vừa kể tuy ít ỏi, đã thoả mãn cả điều kiện cần cũng như đủ nên niên đại vừa nêu là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, bản Giao Châu ký do Tăng Chiêu tái lập không phải đã thu thập hết những đoạn phiến đã được trích dẫn của Lưu Hân Kỳ. Chẳng hạn, Ngũ Sùng Diệu vào năm 1840 đã viết trong lời bạt cho Giao Châu ký tái lập của Tăng Chiêu cho rằng Chiêu đã không thu thập chính câu mà chúng ta trích dẫn ở đây, do Nhạc Sử (930 - 1007) dẫn trong Thái Bình Hoàn Vũ Ký quyển 170, tờ 7a2 - 4.

Vậy, cho tới ít nhất những năm 380 đến 420 những người đi hái củi ở nước ta còn thấy được Chùa và Tháp do vua A Dục dựng tại thành Nê Lê ở huyện An Định. Kết luận này có thể đáng tin đến mức độ nào? Có thật có Tháp do vua A Dục ở thành Nê Lê của nước ta hay không? Tất nhiên đây là những câu hỏi chính đáng. Đặc biệt khi ta nghiên cứu tư liệu lịch sử Phật giáo Trung Quốc, ta thấy vào khoảng hai thế kỷ thứ IV và V sdl, tức gần cùng thời với niên đại của Lưu Hân Kỳ, nổi bật một phong trào đi tìm Chùa vua A Dục ở Trung Quốc. Thí dụ, việc tìm vua A Dục ở Bành Thành, Thạch Lặc và Thạch Hổ Đào Chùa vua A Dục ở Lâm Trì và Đào Khản tìm cách nghinh tượng Phật của vua A Dục từ Chùa Hàn Khê v.v... Cả một thời đại đi tìm Chùa vua A Duc ở Trung Quốc như thế, ắt không thể nào không ảnh hưởng đến việc tìm Chùa vua A Dục ở nước ta. Dẫu thế, cũng cần lưu ý việc đề cập đến sự có mặt của Chùa Tháp liên hệ đến vua A Dục tại Việt Nam có thể coi là một trong những thông tin sớm nhất thuộc loại ấy ở vùng Đông Nam Á. Nó ít nhiều có thể ám chỉ đến phái đoàn truyền giáo của Sona do vua A Dục phái đi. Vì vậy, không phải hoàn toàn vô lý khi Lĩnh Nam Trích Quái ghi lại việc Chữ Đồng Tử được nhà sư Phật Quang truyền đạo Phật cho. Nói khác đi, những truyền thuyết về sự du nhập Phật giáo vào Việt Nam vào thời Hùng Vương, tuy ghi chép tương đối chậm vào đầu thiên niên kỷ thứ 2 trở đi, không phải không có chứng cớ xuất hiện tương đối sớm trong các tư liệu Trung Quốc. Trong khi chờ đợi khai quật được những di vật khảo cổ học tại cửa Nam Giới và núi Tam Đảo, ta có thể có một số ý niệm khá chính xác về sự hiện diện của Phật giáo tại nước ta vào những thế kỷ tdl.

6. Bối cảnh văn hóa, tín ngưỡng thời Hùng Vương

Hai vấn đề tiếp theo là nếu Phật giáo truyền vào nước ta vào thời điểm đó, tức vào những thế kỷ trước tây lịch, tình trạng văn hóa tín ngưỡng của dân tộc ta vào thời ấy như thế nào và những Kinh điển gì của Phật giáo được dân tộc ta tiếp thu?

Về vấn đề thứ nhất, ta biết nền văn hóa Hùng Vương đã đạt được một số thành tựu rực rỡ. Trước tiên, nền văn hóa này đã xây dựng được một bộ máy công quyền dựa trên luật pháp, để bảo vệ biên cương và điều hành đất nước. Dấu vết cụ thể là bộ Việt Luật, mà vào năm 43sdl sau khi đánh bại được đế chế Hai Bà Trưng, Mã Viện đã phải điều tấu: "Hơn mười điều của Việt Luật khác với Hán Luật", như Hậu Hán thư 54 tờ 9a8 10 đã ghi. Sự kiện "điều tấu" này về Việt Luật đối lập với Hán Luật xác định cho ta một số điểm. Thứ nhất, việc Lưu Tú sai Mã Viện dẫn quân đánh Hai Bà Trưng vào năm Kiến Vũ thứ 18 (42 sdl) thực chất không phải là một đàn áp khởi nghĩa đơn thuần, mà là một cuộc xâm lược đối với một đất nước có chủ quyền dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng trên cơ sở luật pháp của bộ Việt Luật. Bộ Việt Luật này ngày nay đã mất, giống như số phận của Hán Luật. Tuy nhiên chỉ một việc đặt Việt Luật ngang với Hán Luật cho phép ta giả thiết nó là một bộ luận hoàn chỉnh với các qui định và điều khoản được ghi chép rõ ràng, để cho Mã Viện đem so sánh với Hán Luật và phát hiện có "hơn mười việc" sai khác. Với một bộ luật như thế tồn tại, tất nhiên một chính quyền khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không thể có đủ thời gian để thiết lập. Một khi đã vậy, Việt Luật là một điểm chỉ chắc chắn về sự tồn tại của một chính quyền Hùng Vương độc lập năm 110 tdl cho đến 43 sdl. Chỉ một tồn tại liên tục lâu dài cỡ đó mới cho phép ra đời một bộ luật hoàn chỉnh và có tác động rộng rãi trong xã hội. Chính vì tác động rộng rãi này mà Mã Viện bắt buộc phải bắt tay ngay vào việc điều chỉnh các điều khoản của Việt Luật cho phù hợp với Hán Luật, như đã thấy.

Hai là, để có một bộ máy công quyền quản lý bằng luật pháp, xã hội Việt Nam thời Hùng Vương phải có một bước phát triển cao, một cơ cấu tổ chức phức tạp cần quản lý bằng luật pháp. Nếu căn cứ vào truyện 87, tức Ma Điệu Vương Kinh, của Lục Độ Tập Kinh 8, ĐTK 152 tờ 49a 10 12 ta có thể thấy một phần nào cách quản lý bằng luật pháp này: "Có kẻ không thuận hòa thì tăng nặng thuế và việc công ích, đem một nhà máy này sống giữa năm nhà người hiền, khiến năm nhà này dạy một nhà kia, người thuận theo trước thì thưởng. Bề tôi giúp việc thì dùng người hiền, mà không dùng dòng dõi quí phái" (hữu bất thuận hóa giả trùng dao dịch chi, dĩ kỳ nhất gia xử vu hiền giả. Ngữ gia chi gian lệnh ngũ hóa nhất gia, tiên thuận giả thưởng. Phụ thần dĩ hiền, bất dĩ quí tộc).

Ba là để duy trì cho một cơ cấu xã hội phức tạp như vậy, tất nhiên đòi hỏi phải có một nền kinh tế phát triển đa dạng, năng động, một nền văn hóa có bản sắc đặc tính riêng. Và cuối cùng, để có một bộ luật như Việt Luật, ngôn ngữ tiếng Việt thời Hùng Vương quyết đã đạt đến một trình độ phát triển chính xác, đủ để phát biểu những qui định thành một văn bản pháp quy. Và để ghi những văn bản pháp quy đó, tiếng Việt phải có một hệ thống chữ viết riêng, mà dấu tích ngày nay ta có thể thấy qua bài "Việt ca" ghi trong Thuyết Uyển 11 tờ 6a11 4a4.

7. Bài Việt ca và ngôn ngữ việt thời Hùng Vương

Thuyết Uyển là bộ sách duy nhất đã chép lại nguyên văn một tác phẩm văn học khác với tiếng Trung Quốc, đó là bài Việt ca mà có khả năng là Lưu Hương (77 - 6tdl) đã rút tư liệu từ bí phủ nhà Hán. Khi mới lên ngôi năm 33tdl, Hán Thành đế đã giao cho Lưu Hương giữ chức Hiệu trung ngũ Kinh bí thư, như Tiền Hán thơ 36 tờ 5b4 10 đã ghi. Văn nghệ chí trung Tiền Hán thư 36 tờ 1a 11 b7 cũng chép: "Đến đời Hữu Vũ (140 86tdl), Thi thiếu, Thư rơi, Lễ nát, Nhạc đỗ. Thánh thượng bùi ngùi nói: Trẫm rất đau xót". Do thế, đưa ra chính sách cất sách, đặt quan chép sách, dưới tới truyền thuyết các nhà đều sung bí phủ. Đến đời Thành đế (32 6 tdl) cho là sách đã tán vong nhiều, bèn sai yết giả Trần Nông tìm sách sót ở thiên hạ, ra chiếu quang lục đại phu Lưu Hướng hiệu đính Kinh truyện chư tử thi phú [...]. Mỗi một sách xong, Hướng bèn xếp đặt thiên mục, tóm tắt đại ý, chép ra tâu vua". Cũng Tiền Hán thư 36 tờ 22a7: "Hướng thu tập truyện ký hành sự viết Tân tự, Thuyết Uyển gồm 50 thiên, tâu vua". Bản thân Lưu Hương trong lời tâu dâng sách Thuyết uyển ở Thuyết uyển tự tờ 2a - 13 - b6 cũng nói: "Bề tôi Hướng nói Thuyết Uyển tạp sự của Trung thư, do [Hướng] hiệu đính (...) sự loại lắm nhiều, chương cứ hỗn tạp...". Riêng Tăng Củng, khi viết về Thuyết Uyển, trong Thuyết Uyển tự tờ 1a5 - 7, cũng đề cập xa gần tới bài Việt ca: "[Lưu] Hướng lựa chọn sự tích hành trạng do truyện ký trăm nhà chép lại, để làm ra sách Thuyết Uyển tâu lên, muốn lấy làm phép răn".

Thuyết Uyển được viết vào những năm 18 - 12 tdl. Về một bài ca của người Việt gọi là Việt ca, Thuyết Uyển 11 tờ 6a11 - 7a4 ghi thế này: "Tương Thanh Quân bắt đầu ngày được phong mặc áo thúy, đeo kiếm ngọc, đi giày the, đứng trên sông Du. Quan đại phu ôm dùi chuông, huyện lịnh cầm dùi trống, ra lệnh bảo: "Ai có thể đưa vua qua sông?" Quan đại phu nước Sở là Trang Tân đi qua nói chuyện. Bèn đến giả bộ vái ra mắt, đứng lên nói: Thần xin cầm tay vua, được không?" Tương Thành Quân giận, đổi sắc mà không nói gì.

"Trang Tân né chiếu, chấp tay nói: "Chắc có mình ngài không nghe việc Ngạc quân Tử Tích thả thuyền chơi trong giòng Tân ba, cỡi thuyền Thanh hàn rất lộng lẫy, trương lộng thúy, cầm đuôi tê, trải chiếu vạt đẹp. Khi tiếng chuông trống xong, thì chèo thuyền. Người Việt ôm mái chèo ca. Lời ca nói:

Lạm hề biện thảo

Lạm dư xương hộ

Trạch dư xương châu

Châu khán châu

Yên hồ tần tư

Tư mạn dư

Hồ chiêu Thiền tần dũ

Sấm thật tùy hà hồ.

Ngạc quân Tử Tích nói: "Ta không biết lời ca Việt. Ông thử vì ta nói bằng tiếng Sở". Lúc đó mới gọi Việt dịch, bèn nói tiếng Sở rằng:

Kim tịch hà tịch hề khiền trung châu lưu

Kim nhật hà nhật hề đắc dự vương tử đồng chu

Mông tu bị hảo hề bất tí cấu sĩ

Tâm cơ ngoan nhi bất tuyệt hề tri đắc vương tử

Sơn hữu mộc hề mộc hữu chi

Tâm duyệt quân hề quân bất tri.

Dịch:

Chiều nay chiều nào hề nhổ dòng trung châu

Ngày nay ngày nào hề được cùng thuyền với vua

Được ăn mặc đẹp hề không trácn nhục hổ

Lòng từng ngang mà không dứt hề biết được vương tử.

Núi có cây hề cây có cành

Lòng thích vua hề vua chẳng rằng.

"Lúc đó, Ngạc quân Tử Tích dơ tay áo dài đi mà che, đưa mền gấm mà phủ. Ngạc quân Tử Tích là em mẹ vua Sở Thần, làm quan đến lịnh doãn, tước là chấp khuê. Một lần chèo thuyền, mà người Việt còn được vui hết ý.

Nay ngài sao vượt hơn Ngạc quân Tử Tích, bề tôi sao riêng không bằng người chèo thuyền? Xin cầm tay ngài, sao lại không được?"

"Tương Thành Quân bèn đưa tay mà đi lên, nói: "Ta thuở nhỏ cũng thường nổi tiếng sang trọng về đối đáp, chưa từng bỗng bị nhục nhã như thế. Từ nay về sau, xin lấy lễ lớn nhỏ, kính cẩn nhận lệnh".

Thông tin về bài Việt ca này, được ghi trong truyện Nguyên Hậu trong Tiền Hán thư 98 tờ 8b4 - 6 như sau: "Nguyên trước Thành đô hầu Thương thường bệnh, muốn tránh nóng, theo vua, mượn cung Minh Quang, sau lại đục thành Trường An dẫn nước sông Phong đổ vào hồ lớn trong nhà mình, để đi thuyền, dựng lọng lông chim, trướng màn vây khắp, chèo thuyền hát lối Việt" (trấp dịch Việt ca).

Thành đô hầu Thương túc Vương Thương (? - 14tdl) làm đại tu mã đại tướng quân, phụ chính cho Hán Thành đế những năm 17 - 14 tdl. Việc Thương lấy thuyền cho dựng lọng lông chim gợi cho ta hình ảnh các thuyền với người mặc áo mũ lông chim trên những hoa văn trống đồng Ngọc Lũ, một trống đồng có niên đại gần gũi với Vương Thương. Không những thế, Thương lại cho người cầm chèo hát bài hát tiếng Việt mà từ đây ta gọi là bài Việt ca. Thương lại la đồng đại của Lưu Hướng (77- 6 tdl) người Việt Thuyết Uyển và đầu tiên chép trọn bài Việt ca bằng tiếng Việt và dịch ra tiếng Sở như ta đọc ở trên. Một người tầm cỡ như Vương Thương làm đại tư mã đại tướng quân từ năm 17 - 14 tdl tất không thể nào Hướng không biết tới. Cho nên, nếu Thương đã đục cả "thành vua" (đế thành) dễ dẫn nước sông vào hồ mình cho người ta "chèo thuyền hát Việt ca", thì những bài "Việt ca" này không thể không lôi cuốn sự chú ý của Hướng, một người "chuyên dồn lòng vào Kinh thuật, ngày đọc sách truyện, đêm xem trăng sao, có khi không ngủ đến sáng" Như thế, bài "Việt ca", mà Lưu Hướng chép luôn cả nguyên văn chữ Việt của nó vào Thuyết Uyển, dù có xuất phát từ bí phủ đi nữa, thì ít nhiều cũng chịu ảnh hưởng của lối hát Việt ca thịnh hành tại Kinh đô Trường An nhà Hán trong các gia đình quyền quí thời đó, trong đó có Vương Thương.

Bài Việt ca này không thể xuất hiện chậm hơn năm 16tdl, năm Lưu Hướng hoàn thành Thuyết Uyển. Ta biết Trang Tân và Tương Thành Quân là những nhân vật thế kỷ thứ IV tdl, còn Ngạc quân Tử Tích là con thứ tư của Sở Cung vương, và tự sát lúc Bình Vương lên ngôi. Sở cung vương trị vì giữa những năm 590 - 560 tdl, còn Sở Bình Vương lên ngôi năm 528 tdl. Việc lưu hành của bài Việt ca do thế, phải xảy ra vào thế kỷ thứ VI - V tdl, nếu không sớm hơn, để cho chuyện Trang Tân và Tương Thành Quân ghi lại và được nghe đến. Và tiếng Việt như thế không chỉ hiện diện như một ngôn ngữ của giống người Việt, mà còn như một ngôn ngữ có chữ viết tương đối hoàn chỉnh, để cho Lưu Hướng có thể chép lại nguyên văn cùng bản dịch "tiếng Sở" của nó có từ một bản văn nào đó trong bí phủ của hoàng cung nhà Hán. Sự kiện Việt ca được chép cả nguyên bản lẫn dịch bản chứng tỏ người viết bản gốc ấy tương đối thông thuộc cả hai ngôn ngữ cùng hệ thống chữ viết của chúng. Và người này tối thiểu phải sống trước thời Lưu Hướng, để cho tác phẩm của ông ta có đủ thời gian đi vào "bí phủ" và "trung thư" của nhà Hán.

Bài Việt ca này, có thể đọc, chấm câu và cắt nghĩa như sau:

Cách đọc tiếng Việt theo đề nghị của chúng tôi:

Lắm buổi điên đảo

Lắm giờ chung gọ

Nước giờ chung đuốc

Đuốc cành đuốc

Yên dạ gìn vua

Vua vẫn cờ

Dạ sao thân gìn vua

Xiêm thực vị há hổ.

Để tiện cho công tác tham khảo, chúng tôi nhân đây viết bài ca này theo hệ phát âm tiếng Trung Quốc thời Hán theo hệ phát âm nghiên cứu Karlgren:

glâm jiei b'ian ts'ôg

glâm dio t'iang g'o

d'àk dio t'iang tiôg

tiôg kâm tiôg

gian g'o dz'ien siwo

siwo mwân dio

g'o t'jog d'ân dz'ien diu

ts'âm ziek zwie g'â g'o

Theo cách cắt nghĩa và chấm câu như trên thì bản dịch chữ Hán trên phải tổ chức lại cho tương đương với bài ca chữ Việt như thế này:

Bản dịch chữ Hán:

Kim tịch hà tịch hề khiển trung châu lưu

Kim tịch hà nhật hề đắc dự vương tử đồng chu

Sơn hữu mộc hề

Mộc hữu chi

Tâm duyệt quân hề

Quân bất tri

Tâm cơ ngoan như bất tuyệt hề đắc tri vương tử

Mông tu bị hảo hề bất tí cầu sĩ.

Như thế là vào những năm 40 - 1 tdl, loại hình âm nhạc Việt ca, đã bắt đầu chiếm lĩnh sinh hoạt văn hóa của một bộ phận quí tộc Trung Quốc, cụ thể là Vương Thương, làm đại tư mã đại phụ chính vào những năm 17 - 14 tdl. Lưu Hướng, với tư cách Hiệu trung bí thư, và trong quá trình "đi tìm di thư trong thiên hạ", như Tiền Hán thư 10 tờ 5a8 9 ghi, đã sưu tầm và chép bản Việt ca này vào trong Thuyết Uyển. Cũng có khả năng là người Việt tại nước ta đã chép và gởi lên Trung Quốc những bản văn tiếng Việt đó làm quà cống. Thuyết Uyển không phải là một bộ sách thường, mà là một bộ sách dâng vua. Vì thế, việc chép bài Việt ca tiếng Việt vào Thuyết Uyển chứng tỏ rằng bài Việt ca này đã phổ biến khá rộng rãi trong giới quí tộc Trung Quốc chứ không phải chỉ trong quần chúng, và tình trạng phổ biến đó đưa đến sự quen thuộc của người yêu thích đối với cả nhạc lẫn lời của các bài Việt ca. Trong thời cổ đại, đây có thể nói là trường hợp đầu tiên và duy nhất, mà một bài thơ nưóc ngoài chép bằng tiếng nước ngoài cùng với bản dịch tiếng Hán xuất hiện trong một tác phẩm cổ điển Trung Quốc.

Qua bài Việt ca như thế, ta có thể khẳng định là vào thời Hùng Vương đã xuất hiện một ngôn ngữ Việt Nam, mà ta có thể tìm thấy trong Lục Độ Tập Kinh, trong đó còn bảo lưu trên 15 trường hợp các cấu trúc ngữ học theo văn pháp tiếng Việt, cung cấp cho chúng ta một số lượng đáng kể các tá âm cho việc nghiên cứu tiếng Việt cổ và phục chế lại diện mạo tiếng nói ấy cách đây hai ngàn năm.

8. Lục Độ Tập Kinh

Lục Độ Tập Kinh là văn bản đầu tiên và xưa nhất, ngoài bài Việt ca, tập thành những chủ đề tư tưởng lớn của dân tộc như nhân nghĩa, trung hiếu, đất nước, mất nước v.v... làm cột sống cho chủ nghĩa nhân đạo Việt Nam và truyền thống văn hóa Việt Nam. Lục Độ Tập Kinh được Khương Tăng Hội dịch vào thời Tam Quốc, từ một truyện bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Việt, gồm có cả thảy 91 quyển.

Bản Kinh lục xưa nhất hiện còn là Xuất tam tạng ký tập 2. ĐTK 2145 tờ 7a27 - b1 ghi về Lục Độ Tập Kinh như sau: "Lục Độ Tập Kinh 9 quyển, hoặc gọi là Lục Độ Vô Cực Kinh... Thời Ngụy Minh đế (228 - 240) Sa môn Thiên Trúc Khương Tăng Hội dịch ra vào đời Ngô Chúa Tôn Quyền (222 - 252) và Tôn Lượng (253 - 258)". Cao Tăng truyện 1, ĐTK 2059 tờ 326a21 ghi thêm là Khương Tăng Hội dịch Lục Độ Tập ở Chùa Kiến Sơ. Pháp Kinh viết Chúng Kinh mục lục 6, ĐTK 2146 tờ 144a11, năm Khai Hoàng 14 (594) trong mục Tây phương chư thánh hiền sở soạn tập ghi: "Lục Độ Tập 4 quyển, Khương Tăng Hội đời Ngô dịch". Phí Trường Phòng viết Lịch đại tam bảo ký 5, ĐTK 2034 tờ 36b24, năm Khai Hoàng 17 (597) viết: "Năm Thái Nguyên thứ nhất (251 sdl), ở Dương Đô Chùa Kiến Sơ, dịch các Kinh Lục Độ Tập v.v.. 4 bộ 16 quyển" Đạo Tuyên soạn Đại Đường nội điển lục 2 ĐTK 2149 tờ 230a6 c23 ghi: "Lục Độ Tập Kinh 9 quyển, một chỗ gọi Lục Độ Vô Cực Kinh, một gọi Độ Vô Cực Kinh, một gọi Tạp Vô Cực Kinh. Xem Trúc Đạo Tổ Lục Và Tam Tạng Ký... Đời Tề Vương nhà Ngụy trong năm Chính Thủy (241 - 249) Sa môn Thiên Trúc Khương Tăng Hội ở Chùa Kiến Sơ dịch...". Các nhà viết Kinh lục khác, như Minh Thuyên trong Đại Châu Sanh Định Chứng Kinh mục lục, Ngạn Tôn trong Chúng Kinh mục lục 2 ĐTK 2147 tờ 161b7 ở mục Hiền thánh tập truyền, Trí Thăng trong Khai nguyên Thích giáo lục 2 ĐTK 2154 tờ 490b4 591b23, Tỉnh Mại trong Cổ Kim dịch Kinh đồ ký 1 ĐTK 2152 tờ 352a26 b22, Tỉnh Thái trong Chúng Kinh mục lục 2 ĐTK 2148 tờ 195a28 v.v... cũng đều có liệt kê Lục Độ Tập Kinh hoặc 8 hoặc 9 quyển, và đều nhất trí là được Khương Tăng Hội dịch.

Văn từ và nội dung Lục Độ Tập Kinh chứa đựng một số nét khiến ta nghi ngờ nó không phải là một dịch phẩm từ nguyên bản tiếng Phạn. Chẳng hạn, truyện 49 của Lục Độ Tập Kinh 5, tờ 28a22 - 24, có câu phát biểu của anh thợ săn nói rằng: "[Tôi] ở đời lâu năm, thấy Nho sĩ tích đức làm lành, há có bằng đệ tử Phật quên mình cứu mọi người, ở ẩn mà không dương danh, ư?", thì rõ ràng nếu Lục Độ Tập Kinh do "thánh hiềm soạn ra", thì chắc chắn không phải là "thánh hiền phương Tây" (tức Thiên trúc hay Ấn Độ) vì "phương Tây" thời ấy làm gì có "Nho sĩ" của phương Đông? Do vậy, đây phải là một phát biểu của "thánh hiền phương Đông", mà trong trường hợp này, lại là một "thánh hiền" của nước ta, để đến năm 251, Khương Tăng Hội mới dịch nó ra tiếng Trung Quốc. Và cũng chính dựa vào bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Việt này mà bản dịch ra tiếng Trung Quốc của Khương Tăng Hội mới mang tính "văn từ điển nhã" như Thang Dụng Đồng nhận định trong quyển Hán Ngụy Lưỡng Tấn Nam Bắc triều Phật giáo sử và dẫn đến việc họ Thang giả thiết là bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Trung Quốc này không phải do Hội dịch, mà có khả năng là do Hội viết ra. Thức tế, là Khương Tăng Hội đã dùng một bản đáy tiếng Việt, chứ không phải tiếng Phạn, để dịch Lục Độ Tập Kinh ra tiếng Trung Quốc. Vì vậy khi đọc lên, ta nghe gần gũi, có cảm tưởng như một bản văn viết chứ không phải là một bản dịch từ nguyên bản chữ Phạn hay một phương ngôn nào đó của Ấn Độ. Nếu đọc kỹ hơn, ta phát hiện thêm một sự kiện hết sức lạ lùng, nhưng rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa đối với không những Lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn với Lịch sử văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam nữa.

9. Ngôn ngữ Việt

Sự kiện đó là trong một số câu của Lục Độ Tập Kinh, Khương Tăng Hội đã không viết đúng theo ngữ pháp Trung Quốc mà lại theo ngữ pháp Việt Nam, ta có cụ thể các đoạn:

1. Truyện 13, tờ 7c13: "Vương cập phu nhân, tự nhiên hoàn tại bản quốc trung cung chính điện thượng tọa...".

2. Truyện 14, tờ 8c5: "Nhĩ vương giả chi tử, sinh ư vinh lạc, trưởng ư trung cung..."; cùng truyện, tờ 9b27: "Lưỡng nhi đổ chi, trung tâm đát cụ...".

3. Truyện 26, tờ 16b2: "... Thủ thám tầm chi, tức hoạch sắt hỷ, trung tâm sảng nhiên, cầu dĩ an chi...".

4. Truyện 39, tờ 21b27: "... Trung tâm hoan hỉ".

5. Truyện 41, tờ 22c12:"Vương bôn nhập sơn, đồ kiến thần thọ".

6. Truyện 43 tờ 24b21:"... trung tâm chúng uế..."

7. Truyện 44 tờ 25a26: "trung tâm nục chiên, đê thủ bất vân"

8. Truyện 72, tờ 38b25: "... tuyệt diệu chi tượng lai tại trung đình, thiếp kim cung sự".

9. Truyện 76, tờ 40a 8: "... cửu tộc quyên chi, viễn trước ngoại dã"; cùng truyện, tờ 40b 5: "Vị chúng huấn đạo trung tâm hoan hỉ".

10. Truyện 83, tờ 44c1: "... dĩ kỳ cốt nhục vi bệ thăng thiên"; cùng truyện tờ 45a 19: "Ngô đương dĩ kỳ huyết, vi bệ thăng thiên".

11. Truyện 85, tờ 47b26: "... trung tâm gia yên"; cùng truyện tờ 47c16: "... trung tâm đài yên".

Như thế, qua 11 truyện với 15 trường hợp ngữ pháp tiếng Trung Quốc thời Khương Tăng Hội đã không được chấp hành; ngược lại, chúng được viết theo ngữ pháp tiếng Việt, như ta biết hiện nay. Trong số 15 trường hợp này thì có đến 11 trường hợp liên quan đến chữ "trung tâm". Muốn nói "trong lòng" mà nói "trung tâm" theo ngữ pháp tiếng Trung Quốc là không thể chấp nhận. Chữ "trung tâm" với nghĩa chỉ nơi chốn, "trong", đến thời Vương Dật (khoảng 89 - 158) chú thích Sở từ và Trịnh Huyền (127 - 200) chú thích Kinh Thi đã được qui định hẳn là luôn luôn đứng sau danh từ hay đại danh từ nó chỉ nơi chốn. Qua những phân tích chi tiết, cụm từ "trung tâm" từ thế kỷ VI tdl cho đến thế kỷ I sdl về sau cho đến thời Khương Tăng Hội, việc sử dụng nó cực kỳ hiếm hoi, thực tế chỉ có ba lần. Thế mà trong giai đoạn đó, một tập sách ngắn như Lục Độ Tập Kinh lại có đến 8 trong số 15 trường hợp ngôn ngữ bất bình thường lại sử dụng từ "trung tâm". Do vậy, những trường hợp "trung tâm" vừa dẫn phải được viết theo ngữ pháp tiếng Việt. Những trường hợp "Thần thọ" để diễn tả ý niệm "thần cây" và "bệ thăng thiên" để diễn tả "bệ thăng thiên" cũng thế. Từ đó, đưa đến một kết luận rằng là có khả năng Khương Tăng Hội đã sử dụng một nguyên bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Việt để dịch ra bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Trung Quốc mà ta hiện đang dùng làm nguyên bản tiếng Việt như vậy mới giải thích nổi tại sao ngữ pháp tiếng Việt đã ảnh hưởng một cách có hệ thống và toàn diện đối với dịch bản Lục Độ Tập Kinh tiếng Trung Quốc hiện có.

10. Quan niệm về chữ hiếu của dân tộc Việt Nam

Về tư tưởng hiếu đạo, tối thiểu cứ vào cuộc tranh luận do Mâu Tử Lý Hoặc Luận ghi lại xung quanh truyện Thái tử Tu Đại Noa và căn cứ vào chính truyện Tu Đại Noa, trong Lục Độ Tập Kinh 2, ĐTK 152 tờ 8b7, ta biết có sự khác biệt cơ bản giữa tư tưởng hiếu đạo của người Việt Nam và hiếu đạo của người Trung Quốc. Hiếu đạo của người Trung Quốc theo câu mở đầu của Hiếu Kinh là: "Thân thể tóc da, nhận từ cha mẹ, không dám tổn thương đó là khởi đầu của hiếu. Lập thân hành đạo, dương danh với hậu thế, đó là kết cục của hiếu". (Thân thể phát phu, thọ chi phu mẫu, bất cảm tổn thương, hiếu chi thủy. Lập thân hành đạo, dương danh ư hậu thế, hiếu chi chung).

Người vấn nạn nơi điều 9 trong Mâu Tử Lý Hoặc Luận cũng dựa vào lý lẽ trên bài bác Mâu Tử, thì Mâu Tử chỉ ngay: "Thái Bá cắt tóc, vẽ mình, tự theo tục của Ngô Việt, trái với nghĩa thân thể tóc da; vậy mà Khổng Tử ca tụng, cho có thể gọi là chí đức [...] Dự Nhượng nuốt than, sơn mình. Nhiếp Chính lột mặt, tự vẫn. Bá Cơ dẫm lửa, Hạnh Cao cắt mặt. Quân tử cho là dũng và chết vì nghĩa. Không nghe ai chê là tự hủy hết".

Lại nữa, một quan niệm đạo hiếu như trong Hiếu Kinh như thế không thể nào phù hợp với ngay chính tập tục sống rất phổ biến của người Việt Nam vào thời Hùng Vương mà Tiền Hán thư 28 hạ tờ 31a5 12 đã ghi lại: "Đất Việt (...) nay là Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nam Hải, Nhật Nam, đều là phần của Việt... xâm mình cắt tóc để tránh hại của giao long."

Nhan Sư Cổ (581 - 645) dẫn Ứng Thiệu (khoảng 130 - 190) giải thích tục xâm mình cắt tóc của người Việt, nói: "Thường ở trong nước, nên cắt tóc xâm mình, cho giống với con rồng, để không bị thương hại".

Tục cắt tóc xâm mình của người Việt như vậy xuất hiện rất sớm, từ thế kỷ trước Dương lịch người Trung Quốc đã biết đến và ghi lại, để cho sau này Ban Cố (32 - 92 sdl) chép vào Tiền Hán thư. Một khi tục cắt tóc xâm mình đã phổ biến như thế, thì ngay câu đầu của thuyết hiếu đạo Trung Quốc nghe đã không lọt tai đối với người Việt. Người Việt làm sao giữ hiếu đạo được theo Hiếu Kinh nếu họ đã cắt tóc xâm mình? Từ thực tế đó, bắt buộc người Việt phải có một đạo hiếu khác với đạo hiếu của người Trung Quốc. Và đạo hiếu này được công bố rõ ràng trong Kinh Tu Đại Noa của Lục Độ Tập Kinh 2. ĐTK 152 tờ 8b7; "Giúp nghèo cứu thiếu, thương nuôi quần sinh, là đứng đầu của hạnh? (Chẩn cùng tế phạp, từ dục quần sinh, vi hạnh chi nguyên thủ).

Khi xác định đứng đầu mọi hạnh (hạnh chi nguyên thủ) là việc "giúp nghèo cứu thiếu thương nuôi quần sanh", thì đây là một định nghĩa hoàn toàn mới về chữ hiếu, bởi vì theo Đỗ Khâm trong Tiền Hán thư 60 tờ 9a12 thì "hiếu đứng đầu mọi hạnh của con người" (hiếu, nhân hạnh chi sở tiên), và đây cũng là ý chính của Hiếu Kinh, mà Tiền Hán thư 71 tờ 9a9 - 10 đã dẫn: "Hiếu Kinh nói:"Tính của trời đất, con người là quí. Hạnh con người không gì lớn hơn hiếu".

Nội dung đạo hiếu của người Việt Nam thời tiền Phật giáo như hoàn toàn khác hẳn đạo hiếu của người Trung Quốc. Cần nhớ là chữ hiếu trong tiếng Phạn không có một từ tương đương với chữ hiếu của tiếng Hán. Từ một nội dung chữ hiếu như thế, ta mới thấy Lục Độ Tập Kinh 5 ĐTK 152 tờ 28a22 24, truyện 49, đã lên tiếng phê phán đạo hiếu của người Trung Quốc: "Tôi ở đời lâu năm, tuy thấy Nho sĩ tích đức làm lành, há có ai như đệ tử Phật quên mình cứu người, âm thầm mà không nêu danh ư?" (Xử thế hữu niên, tuy độ Nho sĩ tích đức vi thiện, khởi hữu nhược Phật đệ tử, thứ kỷ tế chúng ẩn xứ nhi bất dương danh dã hồ?).

Hai thành tố chính của đạo hiếu Trung Quốc là "thân thể tóc da không dám tổn thương" và "lập thân hành đạo, nêu tên với hậu thế" từ đó đã bị khái niệm đạo hiếu của người Việt Nam phản bác. Và không chỉ hai thành tố này của Hiếu Kinh bị phê phán, một quan niệm khác do Mạnh Tử nêu lên, đó là "bất hiếu có ba, không người nối dõi là lớn nhất" (bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại) cũng bị Lục Độ Tập Kinh ở truyện 86, tờ 48a7 10, mạnh mẽ phê phán: "Người đạo cao thì đức rộng. Ta muốn cái đạo vô dục, đạo đó mới quí. Đem đạo truyền cho thần, đem đức trao cho thánh, thần thánh truyền nhau cái sự giáo hóa vĩ đại không hư nát, đó mới gọi là sự nối dõi tốt lành. Nay người muốn lấp nguồn đạo, chặt gốc đức, thì không đáng gọi là kẻ vô hậu ư?" (Đạo cao giả quyết đức thâm, ngô dục vô dục chi đạo, quyết dục trân hỉ. Dĩ đạo truyền thần, dĩ đức thọ thánh, thần thánh tương truyền ảnh hóa bất hủ, khả vị lương tự giả hồ! Nhữ dục điền đạo chi nguyên phạt đức chi căn, khả vị vô hậu giả hồ!).

Vấn đề vô hậu của đạo hiếu từ bình diện sinh lý đã chuyển sang bình diện đạo đức và học thuật, không nhất thiết phải có sự thừa tự về mặt sinh vật học mới gọi là hiếu, đạo hiếu theo quan niệm của Mạnh Tử, mà còn có một lối thừa tự khác, sự nối dõi khác, nối dõi về chân lý, nối dõi về học thuật, nối dõi về đạo đức. Quan niệm nối dõi này của ngưòi Việt thời kỳ tiền Phật Giáo hoàn toàn phù hợp với quan niệm thừa tự Pháp của Phật giáo.

Nhưng không chỉ có thế, quan niệm nối dõi này mang hai đặc tính cần lưu ý trong cuộc đấu tranh để giữ gìn nòi giống của người Việt. Thứ nhất, để bảo vệ sự tồn tại như một dân tộc, người Việt phải xác định mình có một nền văn hóa, một nền đạo đức học thuật cần phải nối dõi, cần phải bảo vệ mà nếu không nối dõi được thì dân tộc không thể tồn tại với tư cách là một dân tộc được. Xuất phát từ quan điểm nối dõi như thế, người Việt không đi đến một chủ nghĩa nối dõi cực đoan, như sự nối dõi về mặt sinh vật học của chủ nghĩa ưu sinh (eugenics) hiện đại, gây tác hại và tốn bao sinh mạng đối với những dân tộc khác. Bảo vệ nền văn hóa của mình, bảo vệ lối sống (hạnh) của mình, người Việt sẵn sàng mở rộng đôi tay đón nhận những người từ dân tộc khác đến sống chung trở thành một bộ phận của dân tộc mình.

Đây là đặc điểm thứ hai của quan niệm thừa tự của người Việt tiền Phật giáo. Họ có quan niệm như thế cũng phải thôi, bởi vì địa bàn sinh tồn của họ, cụ thể là vùng trung du và đồng bằng Bắc bộ vào thời xa xưa đã tồn tại những dân tộc khác. Cho nên, những giao lưu về huyết thống giữa các dân tộc khác nhau tất phải xảy ra. Do đó, nếu chỉ dựa vào sự nối dõi theo quan điểm sinh vật học, thì người Việt đã không phát triển và hình thành được một cộng đồng dân tộc thuần nhất. Họ phải dựa vào một quan điểm khác để có sự thuần nhất ấy, đó là, sự thuần nhất về mặt văn hóa và lối sống.

Trong bối cảnh của một nền chính trị, Kinh tế và văn hóa như thế, đã nổi bật lên một số tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt đời Hùng Vương mà ngày nay ta còn tìm thấy trong các thư tịch cổ và được chứng thực một phần nào bởi các di liệu khảo cổ học.

11. Quan niệm chữ Nhân

Về quan niệm "trị dân, giúp nước" thì từ thời Hùng Vương xa xưa, ta đã thấy xuất hiện một lý thuyết nhân nghĩa hoàn toàn khác với quan điểm nhân nghĩa của người Trung Quốc, và được tìm thấy trong Lục Độ Tập Kinh. Tư tưởng nhân nghĩa này đề cập đến lòng thương, nhưng lòng thương này, "không chỉ giới hạn trong việc thương người mà còn bao trùm hết cả sinh vật cho chí đến cả cỏ cây" (Hoài vô ngoại chi hoằng nhân, nhuận đãi thaỏ mộc). Đây là một tư tưởng hết sức rộng lớn, không có trong Nho giáo. Đối với Nho giáo, nhân nghĩa có một nội dung hết sức hạn chế. Thiên Tận tâm chương cú thượng trong Mạnh Tử nói rất rõ: "Lòng nhân của Nghiêu Thuấn không yêu khắp mọi người, mà trước hết yêu bà con và người tài giỏi". Cho nên, dù Mạnh Tử có thể dễ dàng đồng ý với tư tưởng nhân nghĩa của Lục Độ Tập Kinh, là: "[Vua] lấy nhân từ trị nước, dung thứ dạy dân" [vương trị dĩ nhân hóa dân, dĩ thứ cư bỉ], quyển 4, tờ 22a 19; hay "lấy điều nhân để trị nước" (trị quốc dĩ nhân); vì Mạnh Tử cũng chủ trương "tam đại được thiên hạ là nhờ nhân, mất thiên hạ cũng vì bất nhân", nhưng ta thấy quan điểm nhân nghĩa của hai bên cách xa nhau một trời một vực. Và sự khác biệt này vẫn tồn tại qua hàng ngàn năm, mà ta có thể phát hiện không mấy khó khăn trong trường hợp Nguyễn Trãi, như chúng tôi đã có dịp chứng tỏ, dẫu từ nhân nghĩa vẫn được sử dụng.

Cần nhớ là giống như trường hợp chữ hiếu, chữ nhân nghĩa không có từ tương đương trong tiếng Phạn. Do thế, tư tưởng nhân nghĩa phát biểu trong Lục Độ Tập Kinh phản ảnh khá trung thực tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc ta thời tiền Phật giáo, tức tư tưởng thời Hùng Vương, lúc Phật giáo từ Ấn Độ bắt đầu truyền bá khắp nơi. Từ một định nghĩa đơn giản như: "phù hiếu sát giả bất nhân" (thích giết là không có lòng nhân), theo Lục Độ Tập Kinh quyển 4, tờ 19a, cho đến một khẳng định cương quyết như: "Ngô ninh tổn xu mệnh bất khứ nhân đạo dã" (ta thà chịu tổn mạng chứ không bỏ đạo nhân) ở tờ 18c17 18; hoặc "bất nhân nghịch đạo ninh tử bất vi dã" (bất nhân trái đạo thà chết chứ không làm), quyển 2 tờ 6b22, đưa đến quan niệm Bồ tát vì lòng nhân, nhẫn cho đến loài sâu bọ cũng không giết được ghi trong truyện 32, tờ 19a: "Quán Bồ Tát chi thanh nhân, quyên phi kỳ hành nhu động chi loại, ái nhi bất sát" (thấy sự nhân từ trong sạch của Bồ Tát, các loài bò bay máy cựa uốn trườn, đều thương không giết.)

Truyện 48, tờ 27c13 cũng nói về chữ nhân theo phản cách: "Tham dục là người điên, nào có lòng nghĩa nhân." (tham dục vi cuồng phu, phi hữu nhân nghĩa tâm".

Chữ Nhân như thế được đề cao qua nhiều cụm từ khác nhau, thể hiện không những giáo lý tình thương của Phật giáo, mà còn truyền thống nhân đạo thời Hùng Vương của dân tộc Việt Nam. Cụ thể là từ "Nhân ái" trong truyện 68, tờ 36c20; từ "nhân nghĩa" trong truyện 48 tờ 27c13: từ "nhân từ" trong truyện 91 tờ 52a 16; từ "Nhân đạo" trong truyện 31, tờ 18c17 18 v.v...

12. Tín ngưỡng

Tin quỷ là một nét đặc trưng của tín ngưỡng ngưòi Việt. Từ đó, tối thiểu cho đến năm 110 tdl mới bắt đầu truyền qua Trung Quốc do Dũng Chi thực hiện. Theo Tự Thiếu Tôn, sống khoảng 43 – 06 tdl, làm quan dưới thời Hán Nguyên đế (43 –32 tdl), viết phần Vũ Đế bản kỷ trong Sử Ký 12 tờ 16b8 - 17a1, và mục Giao tự chí của Tiền Hán thư 25 hạ tờ 1a5 -10, kể là sau khi nghe người Việt tên Dũng Chi nói về sự hiệu nghiệm của việc thờ quỷ: "Ngưòi Việt tục tin quỷ, kẻ thờ đều thấy quỷ, nhiều lần có hiệu nghiệm. Xưa vua Đông Âu kính quỷ, thọ đến 160 tuổi. Đời sau khinh lờn nên suy vi".

Hán Vũ đế bèn "khiến Thầy bói Việt lập đền thờ (quỷ) Việt, dựng đài mà không đàn, cũng thờ trời, thần, thượng đế và trăm quỷ, nhưng dùng gà để bói. Vua tin. Thờ quỷ Việt và bói gà bắt đầu dùng (từ đó)".

Thế rõ ràng tục thờ quỷ theo lối người Việt, từ sau khi Nam Việt diệt vong năm 110 tdl, mới bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc với sự ủng hộ tín thành của người lãnh đạo cao nhất nước Hán là Hán Vũ Đế và do người Việt là Dũng Chi truyền vào. Trước thời Hán Vũ Đế, còn có tục lên nóc nhà gọi hồn người chết, được ghi trong Lễ Ký. Về việc thờ quỷ và gọi hồn người chết này, về sau đã được Mâu Tử đề cập tới, khi có người vấn nạn vì sao ông không tin vào thuyết "người chết sẽ sống lại". Điều thứ 12 của Lý Hoặc Luận đặt vấn đề:

"Đạo Phật nói người ta chết thì phải sinh lại. Tôi không tin điều ấy đúng thế" Mâu Tử trả lời: "Người đến lúc chết, nguời nhà trèo lên nóc nhà mà gọi. Chết rồi thì còn gọi ai? Bảo là gọi hồn phách nó. Mâu Tử nói: "Thần hồn trở lại thì sống, không trở lại thì thần hồn đi đâu? Trả lời: Thành quỷ thần".

Tục người Việt tin quỷ như vậy, thực tế là tin người chết không phải chết là hết, mà những người chết đã thành quỷ thần, và đáng được thờ phụng. Đấy có thể nói là những thông tin bằng tư liệu thành văn đầu tiên nói về tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt.

Những thông tin này ngày nay có thể được chứng thực bởi các di liệu khảo cổ học tìm thấy ở các ngôi mộ ở Lũng Hòa (Phú Thọ), Thiệu Dương (Thanh Hóa), Việt Khê (Hải Phòng) và Lạch Trường (Thanh Hóa), mà về mặt thời gian trải dài từ thiên niên kỷ thứ II tdl đến thiên niên kỷ thứ I tdl. Đó là các vật tùy táng từ thô sơ dân dã như rìu, đục, nồi, bát, hạt chuỗi, hoa tai, suốt xe chỉ, v.v.. của Lũng Hòa cho đến hiếm quý sang trọng như trống đồng, đèn đồng, Đồ Sơn then, đỉnh, bình, ấm, v.v... và thậm chí cả vũ khí nữa như dao, dao găm, giáo, mũi tên, v.v...Tất cả đồ tùy táng này có ý nghĩa gì, nếu không phải để cho các người đã chết có dịp dùng chúng, để phục vụ họ bên kia thế giới. Nói khác đi, đã từ lâu tổ tiên người Việt quan niệm chết không phải là hết. Cho nên, khi một thành viên của gia đình và cộng đồng vĩnh viễn ra đi, người ta cần đưa tiễn họ với một số vật dụng thân thiết, để họ có cơ hội dùng tới. Tục tin quỷ của người Việt như thế đã tồn tại lâu đời, trước khi Phật giáo truyền vào và Tự Thiếu Tôn ghi lại.

Việc kết hợp thờ người chết và bói gà này cho đến ngày nay vẫn còn tồn tại trong tập tục tang ma của người Việt Nam. Chẳng hạn khi cúng người chết thì dùng ba trứng gà; khi mở cửa mả thì dùng con gà kéo lôi ba vòng rồi thả đi, tin rằng hồn người chết sẽ theo con gà đó mà ra khỏi mả. Ngay cả việc cúng ông bà vào ba mươi tết hay tảo mộ cũng phải có cúng một con gà, v.v...

Tục bói gà này, khi Trương Thủ Tiết viết Sử ký chính nghĩa 12 tờ 16b12 13 ghi nhận là vào năm 736 còn lưu hành ở Việt Nam: "Phép bói gà, dùng gà một con, chó một con, đang sống thì chú nguyện, xong liền giết. Gà chó đem nấu chín, lại đem cúng. Riêng lấy gà, trên xương hai mắt nó từ có lỗ nứt giống hình vật người là tốt. Nếu không đủ là xấu. Nay Lĩnh Nam còn làm phép đó".

Đến thời Thiền sư Chân Nguyên (1647 - 1726) viết Thiên Nam ngữ tục lục vào năm 1685, thì thay vì bói gà bằng lỗ nứt tại con mắt, đã ghi nhận phép bói gà bằng chân trong liên quan tới việc Lý Phục Man chống lại Trần Bá Tiên khi vua Lý Nam đế (ở ngôi 544 - 547) thất trận:

"Chiêm Thành tuy nhỏ ở xa

Sự Trung Quốc loạn nó hòa đã hay

Bằng con nó động đến nay

Nó xưa trong náu, nó rày ngoài xung

Cái ngài cái ắt khôn mong

Phục Man dầu có anh hùng mà chi"

Trong đó các từ con, cái, trong, ngoài, náu, xung, động, ngùi là những từ chuyên môn trong khoa bói chân gà tại Việt Nam nếu không phải là thời Lý Phục Man tức khoảng năm 548, thì cũng là của thời Thiền sư Chân Nguyên ở thế kỷ XVII. Điểm cần lưu ý ở đây là việc thờ quỷ, cúng bói gà, là nhằm phục vụ cho việc được sống lâu, cho việc thấy được quỷ, cho việc tiên đoán một số sự kiện trong tương lai, v.v... Nói cách khác, đây là một tín ngưỡng có tính cách quyền năng để phục vụ cho những yêu cầu tìm đến quyền năng của dân Việt từ thời cổ xưa.

Trên bối cảnh của một nền tín ngưỡng và tư tưởng học thuật như vậy, Phật giáo đã truyền vào nước ta. Thế thì, Phật giáo truyền vào Việt Nam với một hệ thống giáo lý nào? Việc nhà sư Phật Quang trao cho Chữ Đồng Tử một cây gậy và một chiếc nón lá thần, mà không có một lời giảng thuyết giáo lý nào, càng làm cho vấn đề rắc rối thêm. Ta chỉ biết sau đó Chữ Đồng Tử cùng Tiên Dung dựng gậy và nón lên thành phố xá lâu đài. Và điều này cũng báo cho ta biết ít nhiều về tính chất của nền Phật giáo Chữ Đồng Tử, Tiên Dung đó là tính chất quyền năng. Tuy nhiên, để hiểu rõ hơn nội dung giáo lý của nền Phật giáo thời Hùng Vương, ta phải trở lại phân tích thêm Lục Độ Tập Kinh, mà bản dịch ra tiếng Trung Quốc do Khương Tăng Hội dịch từ tiếng Việt hiện còn được bảo lưu trong Đại Tạng.

13. Lịch Pháp Việt Nam

Lục Độ Tập Kinh ngày nay có cả thảy 91 truyện. Trong số các truyện này có một số truyện ta có thể truy về thời các vua Hùng còn nắm giữ quyền hành, nghĩa là trước biến cố năm 43 sdl, khi cuộc kháng chiến vệ quốc do Hai Bà Trưng lãnh đạo thất bại. Cơ sở cho một việc truy tìm như vậy dựa trên một hiện tượng khá đặc thù của những truyện này. Đó là hiện tượng sử dụng lịch pháp. Trong Lục Độ Tập Kinh có 10 truyện đề cập đến đơn vị thời gian, tức các truyện:

Truyện 9, ĐTK152, tờ 4b19, cl và c9: "Một thời 90 ngày" (nhất thời cửu thập nhật), "hai thời 180 ngày" (nhị thời bách bát thập nhật), "thỉnh ở lại ba thời" (thỉnh lưu tam thời).

Truyện 14, tờ 9a13 "Hai mươi mốt ngày thì đến núi Đàn Đặc" (Tam thất nhị thập nhất nhật nãi chí Đàn Đặc sơn)

Truyện 24, tờ 14c23: "Bố tát thấy Phật, vui vẻ qui y, thỉnh Phật và Tăng ở lại nhà mình bảy ngày cúng dường trọn lễ." (Bồ tát đồ Phật, hân nhiên tự quy, thỉnh Phật cập Tăng thất nhật lưu gia, dĩ lễ cúng dường); cùng truyện tờ 15a2: "Bảy ngày như thế, đều không lười mõi" (thất nhật nhược tư đô vô giải)

Truyện 25 tờ 15c27: "Ở thai mười tháng" (Xử thai thập nguyệt).

Truyện 61, 34a2: "Mười ngày sau" (thập nhật chi hậu)

Truyện 76 tờ 40b12: "Bé trong bụng mẹ... ba tam tuần ngày, thân thể thành hình" (Nhi tại mẫu phục.. tam thập bát thất nhật, thân thể giai thành)

Truyện 79, tờ 42b9 12: "... rồng vui vẻ làm mưa gió bảy ngày bảy đêm. Đức Phật ngồi ngay không động không lay, không thở, không hít. Bảy ngày không ăn thì được thành Phật. Lòng vui, không còn tưởng. Rồng rất vui mừng, cùng bảy ngày không ăn, mà không có niệm đói khát. Hết bảy ngày, mưa gió tạnh" (... Long hỉ, tác phong vũ thất nhật thất dạ. Phận đoạn tọa, bất dộng bất dao bất suyễn bất tức. Thất nhật bất thực, đắc Phật. Tâm hỉ, đô vô hữu tưởng. Long đại hoan hỉ, diệc thất nhật bất thực, vô cơ khát niệm. Thất nhật tốt, phong vũ chỉ)

Truyện 83, tờ 44c17: "Vua vui vẻ bày tiệc, rượu nhạc bảy ngày" (Vương hỉ, thiết tửu vi nhạc thất nhật); cùng truyện tờ 45a8: "Bẻ trúc để ghi thì đi đường bảy ngày mới về tới vương quốc" (dĩ trúc vi soán hành đạo thất nhật, nãi chí vương quốc); tờ 46a14 16: "Vua nói: Hãy ở lại bảy ngày nữa [...] sau bảy ngày có đại thần vương đến chỗ vua trời chúc mừng" (Vương viết "Thả lưu thất nhật [...], thất nhật chi hậu, hữu đại thần vương chỉ thiên vương sở hạ viết...); tờ 45c1 "Bố thí bảy ngày; không ai thiếu thốn mà không được đầy đủ" (bố thí thi thất nhật, vô phàm bất túc).

Truyện 88, tờ 50b13 23: "Trong một trăm năm, phàm có ba trăm mùa xuân, hạ đồng. Mỗi mùa có một trăm. Lại trong 1200 tháng, các tiết Xuân, Hạ, Thu, Đông, mỗi thứ bốn trăm thánh. Trong ba vạn áu ngàn ngày, xân một vạn hai ngàn ngày. Hạ nóng, đông lạnh, mô4i thứ một vạn hai ngàn ngay. Trong một trăm năm, một ngày hai bữa... Trong 100 năm, đêm ngủ trừ năm mươi năm,... Con người thọ 100 tuổi chỉ vui có mười năm" (Bách tuế chi trung phàm cánh tam bách thời, xuân hạ đông nguyệt các cánh kỳ bách dã. Cánh thiên nhị bách nguyệt xuân hạ đông tiết các cánh tứ bách nguyệt. Cánh tam vạn lục thiên nhật, xuân cánh vạn nhị thiên nhật, hạ thử đông hàn, các vạn nhị thiên nhật. Bách tuế chi trung, nhất nhật tái phạn,... Bách tuế chi trung, dạ ngọa trừ ngũ thập tuế... Nhân thọ bách tuế, tài đắc thập tuế nhĩ).

Ta thấy truyện 98 này ghi nhận một năm có 360 ngày, chia thành ba mùa [thời], mỗi mùa có 120 ngày, ậy mỗi mùa có 3 tháng: "Trong một trăm năm phàm lại có 300 mùa, xuân hạ đông mỗi mùa có 100, tức 1200 tháng, xuân hạ đông tiết, mỗi tiết có 400 tháng, tức 36.000 ngày, mùa xuân lại có 12.000 ngày, mùa hạ nóng, mùa đông lạnh, mỗi mùa 12.000 ngày". Rõ ràng, một ghi nhận như thế bộc lộ quan điểm lịch pháp của Phật Giáo Ấn Độ, mà ta ngày nay còn tìm thấy trong Xá đầu luyện thái tử nhị thập bát tú Kinh, ĐTK1501 tờ 419c1 2 & b4 6 và Phạn bản Sàradùlakarnàvadàna của nó hiện còn bảo lưu: "Ba mươi ngày là một tháng, kể 12 tháng là một năm", và một năm chỉ có ba mùa là Đông, Xuân và Hạ. Điểm lôi cuốn là Xá đâu luyện thái tử nhị thập bát tú Kinh do Trúc Pháp Hộ dịch vào khoảng những năm 265 313, thì trước đó hơn nửa thế kỷ", Trúc Luật Viêm và Chi Khiêm lại thực hiện một bản dịch sớm hơn dưới tên Ma Đăng Già Kinh gồm hai quyển thượng hạ. Ngoài chuyện ghi nhận ở quyển hạ ĐTK1500 tờ 409a13 4 là "ba mươi ngày đêm gọi là một tháng, 12 tháng này gọi là một năm"; còn nói ở tờ sau [410a18 9]: "Hễ năm thì có 365 ngày... tháng có 30 ngày". Dầu sao đi nữa, việc chia một năm có 360 ngày thành 12 tháng và ba mùa của Lục Độ Tập Kinh có vẻ là một phản ảnh khá trung thành quan điểm lịch pháp của Phật giáo vào những thế kỷ trước và sau dl.

Tuy nhiên, nếu tìm hiểu tiếp, ta thấy truyện 9 của Lục Độ Tập Kinh 1 ĐTK152 tờ 4b19 và 4c1& c9 lại nói đế "một mùa 90 ngày" (nhất thời cửu thập nhật) và "hai mùa 180 ngày" (nhị thời bách bát thập nhật). Thế cũng có nghĩa một năm có tới bốn mùa, chứ không phải ba mùa. Lịch pháp Ấn Độ thời tiền Phật giáo của giai đoạn Vệ Đà tiền kỳ, tức khoảng những năm 1500 - 100tdl, thường chia 12 tháng của một năm thành 6 mùa là lạnh ['sarad] và rét [vasanta], hạ [grìsma], mưa [varsa], thu ['sarad] và rét [hemanta], như Rigveda x.90; 6; i.131, 4 v.v... đã ghi. Đến giai đoạn Vệ Đà hậu kỳ [1000 - 300tdl], sáu mùa vừa kể trên rút gọn lại còn ba mùa là đông, hạ và mưa, và xếp đặt các tháng còn lại cho phù hợp, mà ta có thể thấy trong Taittiriya samhità. Việc rút gọn lại còn ba mùa này sau đó đã được nền lịch pháp Phật giáo chấp nhận, như đã nói trên. Vậy, rõ ràng sự kiện truyện 9 nói tới bốn mùa dứt khoát không liên hệ với lịch pháp Ấn Độ và Phật giáo. Thế phải chăng nó chịu ảnh hưởng của lịch pháp Trung Quốc?

Đúng là lịch pháp Trung Quốc từ thời Ngũ đế [2550 - 2140tdl] đã đề cập tới bốn mùa xuân hạ thu đông, như Nghiêu điển trong Thượng thư chú sở 2 tờ 5b10 - 6b3 đã viết [vua Nghiêu] bèn sai hai họ Hy, Hòa xét chuyển vận của trời, trăng và sao, để thế mệnh trời, mà báo cho dân biết thời tiết [...] Khi ngày dài nhất, sao là Hỏa, thì là giữa hạ [...]. Khi đêm dài nhất, sao là Hư, thì là giữa thu [...] Khi ngày ngắn nhất, sao là Mão, thì là giữa đông [...]. Tuy vậy, nó cũng viết tiếp: "Vua nói: Này các ngươi Hy, Hòa năm quay lại sau ba trăm với 6 tuần và 6 ngày, lấy tháng nhuận đặt đúng bốn mùa, để nên năm".

Viết như thế, không những lịch pháp Trung Quốc từ xa xưa đã xác định mỗi năm có 365 ngày, mà còn dùng chế độ 10 ngày là một tuần. Chế độ 10 ngày một tuần này được sử dụng rất là phổ biến. Đọc Tả truyện chú sớ 43 tờ 2b11 và 44 tờ 2b5 các năm Lỗ Chiêu Công thứ 5 và 7, ta thấy nói "số của ngày là mười" (nhật chi số thập), "trời có mười ngày" (thiên hữu thập nhật). Thiên Chu quan của Lễ Ký cũng ghi nhận: "Họ Phùng tướng giữ các việc 12 năm, 12 tháng, 12 giờ, 10 ngày (thập nhật), 28 ngôi sao". Đặc biệt, hệ thống 10 ngày đây không chỉ tồn tại trên sách vở hiện lưu truyền, mà còn thấy trên các văn tự giáp cốt mới khai quật, như Quách Mạt Nhược đã chứng tỏ. Nói cách khác đi, lịch pháp Trung Quốc chỉ dùng hệ thống 10 ngày, để chia ngày của tháng, mà thời Nghiêu Thuấn đã gọi là tuần. Hệ thống này Lục Độ Tập Kinh 6 ĐTK 152 tờ 34a2 trong truyện 61 chỉ sử dụng một lần, và chỉ dùng chữ 10 ngày trơn, tức "sau mười ngày", mà không dùng đến chữ tuần. Ngược lại, hệ thống tuần ngày được nói đến một cách rộng rãi. Cụ thể là các truyện 14 tờ 9a13, 24 tờ 14c23, 54 tờ 31b12, 79 tờ 42b9 12 và 83 tờ 44c17, tờ 45a8 & c1 và tờ 46a15. Đặc biệt, truyện 76 tờ 40b12 để tính thời gian thai nhi ở trong bụng mẹ, đã dùng số 38 bảy ngày [tam thập bát thất nhật]. Điều này có nghĩa dù truyện 9 có nói tới hệ thống bốn mùa, hệ thống ấy không nhất thiết phải xuất phát từ lịch pháp Trung Quốc.

Kết luận đây hoàn toàn phù hợp với một báo cáo của Lưu An [? -122tdl] về quan hệ lịch pháp giữa Trung Quốc và Việt Nam thời cổ đại còn ghi lại trong Tiền Hán thư 64 thượng tờ 2a10 b1 nói rằng: "Việt là đất phương ngoài, là dân cắt tóc xăm mình, không thể lấy phép tắc của nước mũ đai mà xử lý nó. Từ thời Tam đại hưng thịnh, Hồ và Việt không chịu nhận chính sóc, chẳng mạnh không thể phục chúng, chẳng uy không thể ngăn chúng, cho là đất không thể ở, là dân không thể chăn, không đáng làm phiền Trung Quốc".

Bảo là "từ thời Tam đại, Hồ và Việt không chịu nhận chính sóc", Lưu An muốn xác nhận rằng từ những triều đại nhà Hạ (2140 - 1711tdl), nhà Thương (Ân 1711 - 1066tdl) và nhà Chu (1066 - 256tdl), người Việt ta đã không "chịu chính sóc", tức đã không dùng lịch pháp Trung Quốc. Do thế, việc truyện 9 chia 360 ngày của một năm thành 4 mùa, mỗi mùa 90 ngày, phải nói là xuất phát từ lịch pháp Việt Nam thời Hùng Vương hậu kỳ, nếu không phải là tiền kỳ cùng lúc với thời Ngũ đế (2550 - 2140tdl) bên Trung Quốc.

Xác định này càng được củng cố thêm, khi ta phân tích lịch pháp Ấn Độ, để xem thử tình trạng sử rộng rãi hệ thống 7 ngày có xảy ra, như đã xảy ra trong Lục Độ Tập Kinh hay không. Đúng là người Ấn Độ từ xa xưa rất thích con số 7, mà chứng cớ có thể tìm thấy dễ dàng trong Rigveda i.62,7 [nói đến phần của thế giới, 7 rặng núi, 7 tiên nhân], i.63,7 [7 suối, 7 đại cương, 7 thành phố], i.72,6 [7 ngọn lửa, 7 âm, 7 lễ, 7 bước lên trời..] v.v... Tuy nhiên trong lịch pháp của họ không dùng tới hệ thống tuần 7 ngày. Mahàbhàrata 1.1.35 sau khi kể về sự hình thành thế giới và mọi vật sinh xuất, đã viết:

samvatsarartavo màsàh paksàhoràtrayah kramàt / yac cànyad api tat sarvam sambhùtam lokasàk sikam / 35

năm, mùa, tháng, tuần, ngày, đêm cũng lần lượt xuất sinh và đó là sự sinh của tất cả mọi vật được biết trên thế gian này.

Chữ mà chúng tôi dịch là tuần, trong tiếng Phạn là paksa. Và chữ paksa thực tế không có nghĩa là tuần, như ta thường hiểu theo dạng 10 ngày của tuần Trung Quốc hay dạng 7 ngày của tuần hiện nay. Ngược lại, trong lịch pháp Ấn Độ nó dùng để chỉ đơn vị 15 ngày, mà trong lịch pháp tiền kỳ gọi là nguyệt tiền [pùrva/apùryamàna paksa] và nguyệt hậu [apara/apa ksìyamàna], rồi sau đó gọi là bạch nguyệt ['sukla/'suddha] và hắc nguyệt [krisna/tàmisra], như có thể thấy trong Áo Nghĩa Thư Kausìtaki upanisad, các Kinh Kausika, Kàtyàyanasrauta, 'Sankhàya nasrauta, bộ luật Manu v.v... Đặc biệt lối chia hắc nguyệt, bạch nguyệt này được sử dụng rất phổ biến trong lịch pháp Phật giáo, để qui định các lễ tiết của mình, cụ thể là lễ bố tát [posadha] trong Luật tạng và các lễ khác trong Mật Giáo. Văn Thù Sư Lợi Bồ tát cập chư tiên sở thuyết cát hung thời nhật thiên ác tú diệu Kinh, quyển thượng ĐTK 1299 tờ 393a 1 - 2, viết rất rõ:

"Hễ tháng thì có hai phần hắc và bạch. Từ ngày mồng một đến ngày 15 là bạch nguyệt. Từ ngày 16 đến ngày 30 là hắc nguyệt".

Thế rõ ràng trong lịch pháp Ấn Độ và Phật Giáo rất ít sử dụng hệ 7 ngày. Cần chú ý ngay trong tạng Kinh Nam truyền bằng tiếng Pali, thời gian thai nhi nằm trong bụng mẹ cũng chỉ dùng hệ 9 hay 10 tháng [M.i.4.u. Mahàtanhà sankhayasuttam: màtà nava và dasa và màse gab bham kucchinà pariharati...], chứ không dùng hệ 7 ngày. Còn tuần của lịch pháp Trung Quốc thì dứt khoát có 10 ngày, như câu trong Nghiêu điển dẫn trên cho thấy.

Nói tóm lại, theo chúng tôi, hệ thống lịch chia năm ra làm 360 ngày, rồi phân bổ thành bốn mùa, mỗi mùa gồm có 3 tháng, mỗi tháng có 30 ngày cùng với việc dùng hệ 7 ngày làm tuần là một di sản của lịch pháp thời Hùng Vương còn được bảo lưu trong Lục Độ Tập Kinh qua 10 truyện đã dẫn trên, trừ truyện 88 phản ảnh hệ thống lịch pháp của Phật giáo Ấn Độ. Và để bảo lưu được một hệ thống lịch sử như thế, các truyện ấy phải lưu hành vào thời hệ thống lịch đó đang còn hiệu lực, tức đang còn sử dụng chính thức và công khai. Đối cách nói, chúng phải xuất hiện tại Việt Nam trước biến cố năm 43 sdl, khi nhà nước Hùng Vương bị quân đội nhà Hán dưới sự chỉ huy của Mã Viện đánh bại. Nếu xuất hiện sau, khi bộ máy cai trị đàn áp của Mã Viện đã thiết lập, thì dứt khoát một bảo lưu như thế không thể nào xảy ra, vì Viện đã cố tình thực hiện một chính sách hủy diệt tàn bạo chưa từng thấy trong lịch sử, như bắt đày những người lãnh đạo chính trị và tinh thần [cừ soái], điều tấu lại Việt Luật "hơn mười việc" và thu gom trống đồng, ngoài việc giết sạch những người chống đối vũ trang và xây dựng thêm đồn canh để bảo vệ cho bạo quyền do Viện mới thiết lập.

Xác định được một phần nào hệ thống lịch pháp thời Hùng Vương như vậy không những giúp ta sửa sai một quan niệm lưu hành khá phổ biến trước đây là "Nay không thấy dấu tích gì giúp ta biết cách xếp đặt ngày tháng của dân Lạc Việt xưa", mà còn giúp khẳng định lời đoán của Hoàng Xuân Hãn rằng "văn hóa Trống Đồng của nước Văn Lang chắc đã dùng năm 12 tháng, tháng lần lượt 29 - 30 ngày cũng không hẳn là vô lý". Nhưng quan trọng hơn đối với chúng ta là việc xác định được hệ thống lịch vừa nói đưa ta đến một nhận thức mới không những về Phật giáo nước ta, mà còn về thời đại Hùng Vương cùng những thành tựu nhiều mặt của nó, trong đó có cả tư tưởng, văn học và khoa học kỹ thuật. Riêng đối với Phật giáo nhờ xác định hệ thống lịch, ta cũng xác định được những Kinh truyện nào đã truyền vào và lưu hành ở nước ta, khi triều đại Hùng Vương đang còn tồn tại. Và do việc nghiên cứu các Kinh truyện ấy, ta sẽ biết học thuyết nào của Phật giáo được nhân dân ta chấp nhận và sinh hoạt Phật giáo vào giai đoạn ấy ra sao. Hiện có 7 truyện như thế đang có mặt trong Lục Độ Tập Kinh và chúng tất phải lưu hành, khi hệ thống lịch Việt Nam đang có hiệu lực, nghĩa là trước năm 43 sdl, lúc triều đại Hùng Vương còn thực hiện chức năng quản lý đất nước của mình.

14. Tư tưởng quyền năng

Qua việc phân tích 7 truyện này, ta thấy trong truyện 9 tờ 4a175a20 giới thiệu hình ảnh và vai trò của một nhà tu Phật giáo. Đây là một hình ảnh của một người "năm có mười tuổi, điển tịch của Phật, các thuật của đời, không gì là không nắm hết, rồi lớn lên "giã từ cha mẹ", "xin làm Sa môn, xin cho áo Phật, bình bát và tích trượng, để ra giúp người". Và vai trò của họ là "muốn khiến chúng sinh sớm rời tám nạn, lòng bỏ niệm ác, gặp Phật, thấy Pháp, cùng chúng Sa môn, được nghe đạo sáng vô thượng chính chân, lòng mở, dơ trừ". Không những thế, họ còn "muốn cứu giúp chúng sanh khốn thiếu" và "đem năm giới mười lành làm chính sách quốc gia". Tiếp đến, truyện 14 tờ 4c28 11a26, phác họa một mẫu người Phật tử lý tưởng qua hình ảnh thái tử Tu Đại Noa "thờ cha mẹ mình như thờ trời" (sự thân đồng chí ư thiên), lấy đạo hiếu truyền thống của người Việt Nam kết hợp với giáo lý bố thí của Phật giáo là "cứu nghèo giúp thiếu, thương nuôi mọi người", để làm cơ sở cho một lối sống mới của Phật tử Việt Nam.

Tuy có phân biệt ra hai mẫu ngưòi là Sa môn, và cư sĩ, nhưng tất cả hai hạng người đều bình đẳng, đều có trách nhiệm về chính mình ngang nhau và đều có khả năng thành Phật giống nhau, như truyện 24 tờ 14c19 15a15 kể chuyện vị Phạm chí cúng dường Đức Phật Tiệp, rồi suy nghĩ: "Ngài đã được Phật thì ta tất cũng được thôi". (bỉ kỳ đắc Phật, ngô tất đắc dã). Quan niệm bình đẳng này phải nói là dũng cảm và hào hứng, phản ảnh một nét đặc trưng của không những một đạo Phật sơ kỳ chưa Tăng lữ hóa, mà còn của chính đạo Phật Việt Nam lúc mới truyền vào. Chủ trương ai cũng có thể thành Phật này, ta sẽ thấy xuất hiện lại trong Lý Hoặc Luận ở điều 14 của Mâu Tử với câu: "Kinh Phật giảng dạy, trên dưới trùm khắp, loài vật hàm huyết đều thuộc về Phật" (Phật Kinh sở thuyết, thượng hạ chu cực, hàm huyết chi loại vật giai thuộc Phật yên).

Trần Nhân Tôn còn đi xa hơn, đặt gánh nặng truyền bá vào bảo vệ Phật giáo lên hẳn vai các tầng lớp cư sĩ Phật tử tại gia với chủ trương: "Việc duy trì Phật pháp là nằm ở quốc vương đại thần" (duy trì Phật pháp tại quốc vương đại thần). Điều này có thể thấy dễ dàng, khi ta đọc lại truyện Chữ Đồng Tử đã nhắc trên. Chữ Đồng Tử sau khi học đạo với nhà sư Phật Quang, đã với cây gậy và chiếc nón cũng hóa ra được thành quách lâu đài, và khi làm thế, chắc hẳn là nhằm biểu dương và truyền bá đạo Phật. Rồi lúc hữu sự có thể bay về trời. Và chuyện bay về trời này không phải là một sự tưởng tượng, mà là một hiện thực có thể thực hiện được bằng một số biện pháp như truyện 83 sẽ đề cập tới dưới đây.

Truyện 83 tờ 44b9 46b3 đề ra cho ta một số biện pháp hết sức cụ thể để con người có thể lên trời được. Lục Độ Tập Kinh 8, nơi tờ 45b13 - 23 viết:

"Hễ muốn lên Trời, phải quy y Tam Bảo, hiểu bốn vô thường, dứt hết xan tham, nuôi chí thanh tịnh, liều mình cứu ngưòi, ơn khắp chúng sinh, đó là một. Thương xót sinh mạng, quên mình cứu người, lòng hằng biết đủ, không phải của mình không lấy, giữ trinh không dâm, tín không lừa dối, rượu là độc dữ, khô nát đạo hiếu, tuân giữ mười lành, lấy chính dẫn bà con, đó là hai. Nhẫn nhục chúng sanh (...) đem ba ngôi báu mà dẫn dụ (...) Giữ đức lớn này, trước sau không lỗi, cầu làm vua pháp ba cõi, thì có thể được lên trời, khó gì" (phù dục thăng thiên giả, đương qui mệnh tam tôn, giác tứ phi thường, đô tuyệt xan tham, thực chí thanh tịnh, tổn kỷ tế chúng, nhuận đãi chúng sinh tư nhất dã. Từ mẫn sinh mệnh, thứ kỷ tế bỉ, chí hằng chỉ túc, phi hữu bất thủ. Thủ trinh bất nhất, tín nhi bất khi, tửu vi loạn độc, hiếu đạo khô hủ (...). Hoài tư hoằng đức chung thủy vô vưu, tố vi tam giới pháp vương khả đắc thăng thiên hà Nam!"

Lối lên trời của Phật giáo đời Hùng Vương là thế. Nó bao gồm những phẩm chất của con người bình thường ở đời, duy trì một lối sống lành mạnh, nhận thức được sự vật trong quá trình diễn biến của nó. Nói khác đi, về Phật giáo bấy giờ, muốn lên trời tương đối rất dễ. Họ chỉ cần quy y Tam Bảo, tuân giữ năm giới; đó là không giết, không trộm cắp, không tà dâm, không gian dối, không uống rượu và làm mười điều lành. Vậy, khi Chữ Đồng Tử và Tiên Dung được truyền cho cây gậy và chiếc nón thần thông, thì cây gậy và chiếc nón thần thông này chính là năm giới cấm và mười điều lành vừa kể. Nội dung giáo lý Phật giáo đời Hùng Vương từ đó có thể suy ra bao gồm: thứ nhất, là bốn vô thường; thứ hai, do từ bốn vô thường, nhận thức duyên sinh của các tồn tại thường; do nhận thức như thế, con người tự phấn đấu để cải thiện bản thân mình thông qua con đường lên trời bằng năm giới và mười lành; và cuối cùng, sau quá trình cải thiện cuộc sống, con người đi đến một nhận thức trọn vẹn "học rộng không gì ngăn che, cầu nhứt thiết trí" (bác học vô cái, cầu nhất thiết trí). Đây có thể nói là mẫu người Phật tử lý tưởng thời Hùng Vương.

Người Phật tử lý tưởng ấy, ngoài các biện pháp lên trời vừa thấy, có thể thực hành một số các biện pháp khác như truyện 76 tờ 40a 41a20 đã đề ra. Cụ thể là có 3 phương pháp chính: 1. Bất tịnh quán; 2. 16 thắng xứ; 3. Phương pháp tứ Thiền.

Về bất tịnh quán, tức Tứ niệm xứ, quán thân, quán thọ, quán tâm, quán pháp, như được diễn đạt nơi các trang 499 - 504 trong Khương Tăng Hội toàn tập.

Mười sáu thắng xứ là quán: "hơi thở dài ngắn liền tự biết; hơi thở động thân liền tự biết; hơi thở nhỏ lớn liền tự biết; hơi thở mau chậm liền tự biết; hơi thở dừng đi liền tự biết; hơi thở vui buồn liền tự biết; tự nghĩ vạn vật vô thường, hơi thở tự biết; vạn vật quá khứ không thể đuổi theo, hơi thở tự biết; lòng không chỗ suy, vứt bỏ chỗ nghĩ; hơi thở tự biết; buông bỏ thân mạng, hơi thở tự biết; người học đạo nghĩ sâu: có đó tức được đó, không đó không được đó; hễ sống tất có nạn đà chết, hồn linh không mất, liền phải thọ thân; không sinh thì không già, không già thì không chết, một lòng nghĩ vậy thì được Thiền; người học đạo dùng mắt xem sự sống chết ở đời chỉ quán mười hai nhân duyên, một lòng nghĩ vậy thì được Thiền; người học đạo lấy năm việc tự quán hình thể: một là tự quán mặt mày nhiều lần biết đổi, hai là khổ vui nhiều lần thay đổi, ba là tám ý nhiều lần biến chuyển, bốn là thân thể nhiều lần đổi khác, năm là thiện ác nhiều lần cải đổi, đó gọi là năm việc có nhiều biến đổi, như dòng nước chảy trước sau dồn dập, nghĩ vậy một lòng thì được Thiền [...]".

Mười sáu thắng xứ này, nếu so với truyền thống 16 thắng xứ của văn bản Pali hình thành và khoảng trước hay sau thế kỷ thứ nhất dl, Kinh Nhập tức xuất tức niệm. Ànàpànasatisuttam M. III. 118.82 83 thì bản liệt kê sau đây cho ta một thống nhất:

"So sato va assasati, sato passasati; dìgham và assasanto: Dìgham assasàmìti pajànàti; dìgham và passasasnto: Gìgham passasàmìti; rassam và assasanto: Rassam assasàmìti pajanati; rassam và passasanto: Rassam passasà mìti pajànàti; Sabbakàapatisamvedi assasissàmìti sikkhati, Sabbakàyapati samvedi passasissàmìti sikkhati; Passambhayam kayasamkhàram assasissàmìti sikkhati, Passambhayam kàyasamkhàram passasissàmìti sikkhati; Pìtipatì samedì assasissamiti sikkhati, Pìtipatisamvedì passasissàmiti sikkhati; Sukha patisamvedì assasissàmìti sikkhati, Sukhapatisamvedì passasissàmìti sikkhati; Cittasamkhàrapatisamvedì assasissàmìti sikkhati, Cittapatisamvedì passasissàmìti sikkhati; Abhippa modayam cittam assasissàmìti sikkhati; Abhippa modayam cittam assasissàmìti sikkhati, Abhippamodayam cittam passasissàmìti sikkhati; Samàdaham cittam assasissàmìti sikkhati, Samàdaham cittam passasissàmìti sikkhati; Vimocayam cittam assasissàmìti sikkhati; Vimocayam cittam passasissamìti sikkhati; Aniccànupassì assasissàmìti sikkhati, Aniccànupassì passasissàmìti sikkhati; Viràgànupassi assasissàmìti sikkhati, Viràgànupassi passasissàmìti sikkhati; Nirodhànupassì sikkhati; Patinissag gànupassì assasissàmìti sikkhati, Patinissaggànupassì passasissàmìti sikkhati; evam bhàvità k ho, bhikkhave, ànàpànasati, evam bahulìkatà mahapphalà hoti mahànisamsà:

Mười sáu thắng xứ này làm cơ sở cho pháp Thiền quán niệm hơi là phương pháp tu tập tứ Thiền được kể đến trong phương pháp thứ ba, được mô tả như sau: "Ngưòi học đạo nghĩ thắng một việc, tâm dừng, ý sạch thì đạt được đạo chân La Hán diệt độ.

Lại hỏi: ở Thiền thứ nhất, muốn đắt quả La Hán được không?

Đáp: Trong ấy có người được, có người không được. Làm gì thì được, làm gì thì không được? Trong Thiền thứ nhất, có niệm có ái thì đạo không thành. Trời đất không thường, hư không khó giữ, hết lòng bẩn dơ, không niệm tham ái, lòng sạch như vậy, mới đắc La Hán.

Mục lục

1. Sư Phật Quang & di tích đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam

2. Về nhà sư Phật Quang

3. Chữ Đồng Tử, người Phật tử Việt Nam đầu tiên

4. Uất Kim Hương, hoa cúng Phật

5. Thành Nê Lê và đoàn thuyền đạo thời Vua A Dục

6. Bối cảnh văn hóa, tín ngưỡng thời Hùng Vương

7. Bài Việt ca và ngôn ngữ việt thời Hùng Vương

8. Lục Độ Tập Kinh

9. Ngôn ngữ Việt

10. Quan niệm về chữ hiếu của dân tộc Việt Nam

11. Quan niệm chữ Nhân

12. Tín ngưỡng

13. Lịch Pháp Việt Nam

14. Tư tưởng quyền năng

Từ Thiền thứ hai, Thiền thứ ba đến Thiền thứ tư, giữ tâm như ở Thiền thứ nhất, chí hằng nhớ Thiền thứ nhất, dù chưa đắc La Hán, thì khi mệnh chung, cũng có thể đến được, liền lên cõi trời thứ bảy, thọ mạng một kiếp. Tại Thiền thứ hai, mệnh chung lên cõi trời thứ mười một, thọ trời thứ mười lăm, thọ mạng tám kiếp. Ở Thiền thứ tư mệnh chung liền lên cõi trời thứ mười chín, thọ mạng mười sáu kiếp", như truyện 76 tờ 40c25 - 21a5 viết.

Nói tóm lại, đây là những phương pháp giác ngộ cơ bản mà Phật Giáo đã truyền vào Việt Nam vào thời Hùng Vương. Chúng tương đối cho ta một bức tranh hoàn chỉnh cả về lý thuyết và thực tiễn. Về lý thuyết, đó là những quan điểm về bốn vô thường, khổ, không, vô ngã. Về thực tiễn, thì các phương pháp để đạt được lý tưởng đã được diễn đạt cụ thể và khúc chiết. Và ta có thể giả thiết rằng, các phương pháp đó đã được Phật tử Việt Nam đưa vào đời sống bằng những thực hành cho chính bản thân họ. Nói cụ thể ra, người Phật tử Việt Nam đã Qui y Tam Bảo, giữ năm điều răn, thực hành mười điều lành và tu tập các con đường đưa về giác ngộ.

Có thể nói đây là tầng nền đầu tiên của Phật giáo Việt Nam, để từ đó các phát triển về lý thuyết và thực hành về sau sẽ dựa trên đó để hoàn chỉnh thêm. Ngoài ra ta cần chú ý sự kết hợp chặt chẽ giữa nền văn học Phật giáo vào thành tố của nền văn hóa Hùng Vương, tạo điều kiện cho các thành tố đó, nâng chúng lên và phát huy tác dụng bảo vệ bản sắc dân tộc. Cụ thể là đạo hiếu mà truyện 14 đã nói tới ở trên. Như vấn đề truyền thống tin quỷ của người Việt mà ta đã có dịp phân tích. Phật giáo thời Hùng Vương do vậy vừa truyền đạt quan điểm giáo lý vừa thành công kết hợp nền văn hóa bản địa tạo nên một sắc thái mới cho nền văn hóa Hùng Vương thời hậu kỳ, ít nhất là từ thế kỷ thứ II trước Dương Lịch trở đi cho đến khi cuộc chiến tranh vệ quốc của Hai Bà Trưng bị thất bại vào năm 43sdl.

Nền Phật giáo này đã kết hợp với nền văn hóa Hùng Vương để xây dựng một lực lượng mới, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh sắp tới, gay go quyết liệt với nền văn hóa phương Bắc ào ạt truyền vào phương Nam.

Trích Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam

(Từ Khởi Nguyên Đến Thời Lý Nam Đế)

Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành Phố Huế thực hiện.

http://nguoiphattu.com/news/phat-giao-thoi-hung-vuong.d-2862.aspx


©2010 -2025  Chùa Bửu Minh | Homepage